Báo cáo : Đa số nước đạt tiến bộ về dân chủ, Việt Nam dậm chân tại chỗ (VOA, 10/01/2019)
Việt Nam tiếp tục là một trong những nước kém dân chủ nhất ở Châu Á vào trên thế giới trong khi đa số các nước đạt được tiến bộ trong năm 2018, theo bảng xếp hạng mới công bố của một công ty phân tích dữ liệu kinh tế hàng đầu thế giới.
Việt Nam bị xếp vào nhóm các nước "Độc tài", chế độ kém dân chủ nhất trong số bốn chính thể theo phân loại của The Economist Intelligence Unit.
Báo cáo Chỉ số Dân chủ 2018 của The Economist Intelligence Unit ở Anh công bố hôm thứ Tư cho thấy thứ hạng của Việt Nam năm 2018 gần nhưkhông thay đổi so với năm 2017, đứng ở vị trí thứ 139 trong số 167 nước được đánh giá và thuộc nhóm các nước "Độc tài" - chế độ kém dân chủ nhất trong số bốn chính thể theo phân loại của EIU.
Các chính thể khác bao gồm "Dân chủ Trọn vẹn", "Dân chủ Có Khuyết điểm" và "Chính thể Hỗn hợp", với mức độ dân chủ từ cao hơn cho tới thấp hơn.
Trong nhóm các nước độc tài ở Châu Á, Việt Nam dân chủ hơn Lào và Triều Tiên nhưng kém hơn Trung Quốc, Campuchia, và Myanmar, theo EIU. Triều Tiên tiếp tục xếp chót bảng trong khi Trung Quốc là nước có mức tăng hạng lớn nhất trong số các nước độc tài ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đứng ở vị trí 130 so với 139 vào năm 2017.
Chỉ có ba nước ở Châu Á là Việt Nam, Trung Quốc và Triều Tiên bị nhận điểm 0 trong hạng mục đánh giá về tiến trình bầu cử và thể chế đa nguyên. Đây là một trong năm hạng mục được tính trong chỉ số dân chủ. Các hạng mục khác bao gồm sự vận hành của chính phủ, sự tham gia chính trị, văn hóa chính trị, và các quyền tự do dân sự.
Chỉ số năm 2018 của Việt Nam cho thấy mức độ dân chủ ở quốc gia cộng sản này gần như không thay đổi trong chiều hướng đi xuống những năm gần đây, theo EIU. Số điểm cao nhất mà Việt Nam nhận được là vào năm 2015.
Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương chứng kiến sự cải thiện về dân chủ trong năm 2018, EIU cho biết, với tỉ lệ tham gia chính trị cao hơn trên toàn khu vực là động lực chính. Trong khi đó, các nước Bắc Âu cùng Canada, Úc và New Zealand tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng các nước dân chủ nhất thế giới.
Tạp chí The Economist nhận định 2018 là năm mà sự suy thoái dân chủ chững lại giữa bối cảnh những nguy cơ đối với nền dân chủ khắp thế giới đã trở nên "ngày càng rõ ràng". Tuy nhiên đây có thể chỉ là sự chững lại nhất thời thay vì là dấu chấm hết cho sự suy thoái dân chủ, tạp chí này cảnh báo.
"Sự gia tăng ở mức độ tham gia, cộng thêm sự trấn áp liên tục nhắm vào các quyền tự do dân sự như quyền tự do biểu đạt, có tiềm năng gây biến động lớn", The Economist viết. "Đây có thể là công thức cho sự bất ổn trong năm 2019".
*****************
Hãy hoãn bỏ phiếu về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EVFTA (VNTB, 11/01/2019)
Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Châu Âu nên hoãn phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) cho đến khi chính phủ Việt Nam thực hiện các bước cụ thể nhằm cải thiện hồ sơ nhân quyền mà họ đang ngày càng vi phạm, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết ngày hôm nay. Động thái mới nhất nhằm hạn chế quyền lợi tại Việt Nam là luật an ninh mạng hà khắc đã có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2019.
Một phiên họp Quốc hội ngày 23/10/2017 tại Hà Nội © 2017 Reuters
Ủy ban Châu Âu, được ủy nhiệm đàm phán thỏa thuận kinh tế với Việt Nam, đã đưa ra phiên bản cuối cùng của thỏa thuận vào tháng 10 năm 2018, dự định trình cho Hội đồng và Nghị viện Châu Âu phê chuẩn thông qua - điều cần thiết để thỏa thuận có hiệu lực - trước cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu vào tháng Năm.
Do áp lực từ cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu, một số đảng trong Nghị viện Châu Âu hiện đang cố gắng hối thúc thỏa thuận thương mại EVFTA ngay cả khi Việt Nam đã bỏ qua các lời kêu gọi liên tục về giải quyết hồ sơ nhân quyền. Cuộc bỏ phiếu quan trọng cho thỏa thuận EVFTA đã được lên kế hoạch vào tuần tới.
John Sifton, giám đốc vận động Châu Á, tuyên bố "Vội vã thông qua thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Đó là việc ban thưởng cho Việt Nam khi họ chẳng làm gì cả và gửi đi một thông điệp khủng khiếp rằng những cam kết trước đây của Liên minh Châu Âu về việc sử dụng thương mại như một công cụ để thúc đẩy nhân quyền trên toàn cầu là không có uy tín".
Vào tháng 9 năm 2018, 32 thành viên của Nghị viện Châu Âu đã ký một bức thư công khai lên tiếng quan ngại nghiêm trọng về việc đàn áp nhân quyền liên tục của Việt Nam và kêu gọi họ cải thiện hồ sơ nhân quyền trước bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào cho thỏa thuận này. Những lo ngại tương tự đã được đặt ra với phó bộ trưởng thương mại Việt Nam hồi tháng 10 tại một cuộc tranh luận tại Nghị viện Châu Âu, và một lần nữa trong một nghị quyết khẩn cấp vào tháng 11.
Thật không may, không có yêu cầu nào trong số đó được đáp ứng và việc đàn áp của chính phủ chỉ tăng cao lên.
Luật an ninh mạng của Việt Nam dường như nhằm mục đích đóng cửa con đường duy nhất còn lại để người dân Việt Nam bày tỏ quan điểm bất đồng, tại một quốc gia nơi mà tất cả các phương tiện truyền thông đều thuộc sở hữu nhà nước hoặc do nhà nước kiểm soát và hoạt động của các nhóm phi chính phủ bị hạn chế nghiêm trọng. Với số lượng kỷ lục các blogger ôn hoà, nhà phê bình, nhà hoạt động, và nhà lãnh đạo tôn giáo đang bị giam giữ, vì những vi phạm quá mơ hồ vốn hình sự hóa tự do ngôn luận. Những người vẫn lên tiếng công khai có nguy cơ bị đánh đập, bắt giữ, đe dọa và các kiểu lạm dụng khác. Công đoàn độc lập không được phép hoạt động và phần lớn các cam kết trước đây nhằm thông qua một số công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vẫn chưa được thực hiện.
"Hội đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu cần gửi một thông điệp rõ ràng rằng thỏa thuận này không thể được thông qua cho đến khi chính phủ Việt Nam nghiêm túc trong việc giải quyết các vấn đề nhân quyền", ông Keith Sifton nói. "Việt Nam nên hiểu rằng nếu Châu Âu trì hoãn thỏa thuận thì đó là lỗi của Hà Nội, chứ không phải của Brussels".
Phương Thảo dịch
Nguyên tác : EU : Postpone Vote on Vietnam Free Trade Agreement, Human Rights Watch, 10/01/2019
********************
Human Rights Watch đề nghị Châu Âu hoãn bỏ phiếu về hiệp định thương mại tự do Việt Nam (RFA, 10/014/2019)
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker (phải) và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk (trái) chào mừng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao Á-Âu tại Hội đồng Châu Âu tại Brussels. Ảnh chụp ngày 18 tháng 10 năm 2018. AFP
Nghị viện và Hội đồng Châu Âu nên hoãn phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) cho đến khi nào chính phủ Hà Nội thực hiện các bước cụ thể cải thiện hồ sơ nhân quyền ngày càng tồi tệ tại Việt Nam. Một biện pháp mới nhất nhằm hạn chế các quyền con người là cho thực thi Luật an ninh mạng kể từ ngày 1 tháng 1 vừa qua.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch ra thông cáo với kêu gọi như vừa nêu vào ngày 10 tháng 1. Theo đó Ủy ban Châu Âu được ủy nhiệm đàm phán với Việt Nam, đã đệ trình phiên bản cuối cùng của hiệp định vào tháng 10 năm 2018, để Hội đồng và Nghị viện Châu Âu phê duyệt chuẩn trước kỳ bầu cử Nghị viện Châu Âu vào tháng 5 sắp tới.
Do áp lực từ cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu, một số đảng trong Nghị viện Châu Âu hiện đang cố gắng tiến tới thỏa thuận Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam, ngay cả khi Việt Nam đã liên tiếp bỏ qua những kêu gọi giải quyết các hồ sơ nhân quyền trong nước. Tiến trình bỏ phiếu phê chuẩn thỏa thuận EVFTA được dự định diễn ra vào tuần tới.
Vào tháng 9 năm 2018, 32 thành viên của Nghị viện Châu Âu đã ký vào một thư ngỏ nêu lên những quan ngại nghiêm trọng về việc Việt Nam liên tục đàn áp nhân quyền và kêu gọi chính phủ Hà Nội cải thiện hồ sơ nhân quyền trước bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào về thỏa thuận Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam. Những lo ngại tương tự đã được đặt ra với thứ trưởng thương mại Việt Nam hồi tháng 10 tại một cuộc gặp tại Nghị viện Châu Âu, và một lần nữa trong một nghị quyết khẩn cấp vào tháng 11 năm 2018.
Tuy nhiên, không có kêu gọi nào trong số đó được đáp ứng và chính phủ Hà Nội ngày càng tăng cường những cuộc đàn áp đối với các nhà hoạt động cho nhân quyền, môi trường, những nhà bất đồng chính kiến, blogger...
Theo Human Rights Watch, Luật an ninh mạng mới của Việt Nam dường như nhằm mục đích đóng cửa con đường duy nhất còn lại để người Việt Nam bày tỏ sự bất đồng quan điểm của họ.
Ông John Sifton, Giám đốc vận động Châu Á của Human Rights Watch cho rằng Hội đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu cần gửi một thông điệp rõ ràng rằng thỏa thuận này không thể được thông qua cho đến khi chính phủ Việt Nam nghiêm túc trong việc giải quyết các vấn đề nhân quyền.
Vẫn theo ông John, Việt Nam nên hiểu rằng nếu Châu Âu trì hoãn thỏa thuận thì đó sẽ là lỗi của Hà Nội, chứ không phải Brussels.
* Đính chính : Do tựa đề ban đầu "Châu Âu : hoãn bỏ phiếu về hiệp định thương mại tự do Việt Nam" đã sai, đài RFA thay đổi lại tựa bài này lại cho chính xác. Xin cáo lỗi cùng bạn đọc.