Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

15/01/2019

Khiếu kiện cưỡng chế đất, về hưu trước hạn định, tòa phá sóng

Tổng hợp

164 hộ dân tham gia ký đơn khiếu kiện vụ cưỡng chế đất vườn rau Lộc Hưng (RFA, 15/01/2019)

Khoảng 164 hộ dân đã tham gia ký đơn khiếu kiện việc chính quyền quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, tiến hành cưỡng chế, phá dỡ gần 200 căn nhà tại khu vườn rau Lộc Hưng, phường 6, quận Tân Bình hôm 4 và 8 tháng 1 vừa qua.

kien1

Người dân vườn rau Lộc Hưng căng biển phản đối chính quyền cưỡng chế đất - Courtesy FB Vườn Rau Lộc Hưng

Ông Cao Hà Trực, đại diện những người ký đơn kiện cho Đài Á Châu Tự Do biết như vậy vào ngày 15 tháng 1, đồng thời cho biết thêm là khả năng con số người ký sẽ tăng thêm trong ngày mai khi các hộ dân ở đây dự kiến sẽ nộp đơn lên các cơ quan chức năng của thành phố.

"Số lượng người đến ngày hôm nay là 164 người ký đơn khiếu kiện và tố cáo đập tài sản, gửi đến các cơ quan chức năng, và con số này là chưa hết".

Truyền thông trong nước những ngày qua trích thông tin từ đại diện quận Tân Bình cho biết vụ cưỡng chế tại vườn rau Lộc Hưng chỉ áp dụng đối với 112 căn nhà xây dựng trái phép, và đã có 134 hộ dân ở đây đăng ký sử dụng đất với chính quyền trong các năm 1991, 1995 và 2005. Tuy nhiên, ông Cao Hà Trực cho biết con số những căn nhà bị phá lên đến hàng trăm bao gồm cả những chòi được người dân xây lên để chăn nuôi từ cả chục năm qua.

Ông Trực cho biết, đơn kiện của các hộ dân ở đây sẽ nêu lên những vi phạm pháp luật của chính quyền trong việc thực hiện cưỡng chế :

"Trong đơn khiếu kiện, chúng tôi đưa ra nhiều vấn đề. Thứ nhất là chúng tôi không nhận được quyết định thu hồi mà tại sao phá đất bình điện của chúng tôi. Thứ hai nữa là không có quyết định thu hồi mà đập nhà mà đập nhà không đúng quy trình thủ tục. Chúng tôi yêu cầu được trở lại đất của mình đúng như quận Tân Bình đã trả lời các cơ quan chức năng là chỉ cưỡng chế những nhà xây dựng trái phép từ ngày 1/1/2018 mà tại sao đập những căn nhà từ 9 hay 10 năm về trước rồi".

Tờ Sài Gòn Giải Phóng, cơ quan ngôn luận của thành ủy thành phố Hồ Chí Minh hôm 15/1 có bài viết cho biết cả 134 hộ dân đã đăng ký sử dụng đất đều có nhà ở bên ngoài khu đất. Tuy nhiên, ông Cao Hà Trực cho biết điều ngược lại.

"Ở trong đó cũng có những người có nhà ở bên ngoài như gia đình tôi đã 3 đời rồi từ ông bà đến cha mẹ. Bố mẹ tôi có nhà rồi có 9 người con thì phân đất cho 9 người ở. Sài Gòn nghèo lắm chứ đâu có đất đâu thì chia cho con để ra vườn xây ở, đó gọi là nhà ở. Có những nhà 30 người ở trong 40 m2 đất. 2m23… có những người bán nhà hoàn toàn họ không còn gì thì họ ra vườn ở hết".

Bản thân gia đình ông Trực là những người đã có đất ở khu vực này từ thời Pháp thuộc, khi mảnh đất 4,8 ha này được hội Thừa sai Paris giao cho người dân sử dụng để ở và trồng rau. Ông Trực cho biết 5 căn nhà,12 căn phòng trọ và một số căn chòi của những người trong gia đình ông cũng bị phá trong đợt cưỡng chế ngày 8/1 vừa qua.

Tờ Sài Gòn Giải Phóng cho biết khu đất vườn rau đã được quy hoạch làm công trình công cộng nhưng người dân ở đây đã tiến hành xây dựng không phép trên khu đất này, đặc biệt là trong giai đoạn 2018. Đại diện địa phương được tờ báo trích lời cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vì địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý vi phạm xây dựng trong khi nhiều người manh động khi chính quyền động chạm.

Ngoài ra tờ Sài Gòn Giải Phóng cũng cho biết tình hình khu đất khá phức tạp với việc chuyển nhượng đất bằng tay, người dân mua đất nông nghiệp với giá 10 triệu đồng/m2 rồi xây dựng không phép để cho thuê phòng trọ hoặc cho thuê mặt bằng kinh doanh. Ông Cao Hà Trực lý giải về trường hợp này.

"Đất của chúng em đã được đủ điều kiện để xác nhận cơ sở pháp lý có nghĩa là chúng em được giao dịch. Khi đến năm 1999 chúng em đã đi kê khai nhưng chính quyền đã không xác nhận cơ sở pháp lý cho chúng em theo như luật định và trong suốt mấy chục năm qua, vì hoản cảnh khó khăn nên một số người đã cắt một phần đất để bán và để cho con cái người ta sinh sống, vì vậy mới có tình trạng có người bán và người mua".

Ông Cao Hà Trực cho biết từ năm 1999 đến 2008 nhiều hộ dân ở đây đã khiếu kiện lên thành phố đòi quyền được chứng nhận đất. Tuy nhiên vụ kiện sau đó đã chìm vào im lặng vì chính quyền địa phương không có trả lời dứt khoát với người dân về những đòi hỏi của họ, theo lời của ông Cao Hà Trực.

Sau vụ cưỡng chế đất hôm 4 và 8/1 và gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của người dân, mới đây, vào ngày 13/1, truyền thông trong nước cho biết chính quyền quận Tân Bình đã đề nghị hỗ trợ 7.055.000 đồng/m2 đất vườn rau Lộc Hưng cho những người bị ảnh hưởng và hỗ trợ hoa màu từ 4 đến 6 triệu đồng/ tháng trong 3 tháng cho những hộ có hoa màu bị ảnh hưởng do cưỡng chế.

Sài Gòn Giải Phóng hôm 15/1 cho biết đã có 30/134 hộ dân kê khai, đăng ký nhận hỗ trợ theo chính sách quận mới công bố.

Tờ báo cũng cảnh báo tình trạng một nhóm đối tượng chuyên "khống chế’ người dân, ép họ phải theo sự dẫn dắt của họ. Ông Cao Hà Trực cho rằng tờ báo của thành ủy đang có ý nói đến ông là người vẫn thường xuyên công khai hướng dẫn cho bà con trong khu vực vườn rau về các vấn đề pháp lý liên quan đến khu đất và những sai phạm trong quá trình cưỡng chế.

**********************

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận quyết định về hưu (RFA, 14/01/2019)

Vào sáng ngày 14/1, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc nghỉ hưu của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó Bí thư Thành ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

kien2

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - RFA edit

Theo quyết định này, bà Tâm nghỉ hưu từ ngày 1/1/2019, tuy nhiên bà vẫn còn giữ chức Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm là người có những phát biểu gây chú ý đặc biệt trong xã hội.

Mạng báo Tuổi trẻ online dẫn chia sẻ của bà Tâm cho hay, cha mẹ bà đi làm cách mạng, nên bà xa gia đình từ sớm và sống với các cơ sở cách mạng.

Bà Tâm cũng nói thêm, mỗi khi được giao nhiệm vụ mới, bà đều thấy "được", nhưng xen lẫn vào đó là cả cảm giác "bị" nữa. Bởi mỗi khi được phân công việc gì, bà rất lo lắng không biết mình có thể làm tốt được hay không.

Trả lời báo Thanh Niên sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, bà Tâm cho biết bà còn trăn trở vì bà thấy có lỗi của mình trong một số tồn tại và hạn chế của thành phố thời gian qua. Tuy nhiên bà nói bà không thấy ân hận, hay hối tiếc vì bà đã cố gắng hết sức mình.

Năm 2015, bài trả lời phỏng vấn của bà với báo Vietnamnet nhận nhiều chỉ trích của dư luận khi bà nói đại ý là con cán bộ làm lãnh đạo là hồng phúc của dân tộc.

"Nếu như con em cán bộ lãnh đạo có sự trưởng thành và được các đại hội Đảng tín nhiệm, được tổ chức tín nhiệm giao những trọng trách thì đó là điều hạnh phúc của dân tộc, của Đảng", bà Quyết Tâm khẳng định.

Liên quan đến những bức xúc của người dân Thủ Thiêm trong những sai sót của thành phố khi thực hiện quy hoạch Thủ Thiêm kéo dài đến 20 năm, bà Quyết Tâm vào năm ngoái từng nói "người dân hỏi chứng tôi có day dứt vụ Thủ Thiêm không thì tôi thưa rất day dứt, nghe thấy xót lắm".

Vào ngày 20/10 năm ngoái, trong buổi tiếp xúc cử tri của đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết vấn đề Thủ Thiêm, một người dân đã ném một chiếc giày lên sân khấu nhằm vào bà Quyết Tâm nhưng không trúng ai.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm sinh năm 1958 ở tỉnh Tây Ninh. Trình độ học vấn cao nhất của bà được các báo trích đăng là học Phổ thông nội trú Hoàng Lê Kha, Tây Ninh.

*************************

Vụ xử Bác sĩ Hoàng Công Lương : Tòa phá sóng phiên phúc thẩm (BBC, 14/01/2019)

Phòng xử được gắn thiết bị phá sóng và vẫn cho xét xử dù thiếu nhiều nhân vật quan trọng là ghi nhận của luật sư và truyền thông Việt Nam hôm 14/1.

kien3

Bác sĩ Hoàng Công Lương thời điểm tháng 7/2017, khi mới trở về nhà sau thời gian bị tạm giam

Phòng xử bị gắn thiết bị phá sóng

Báo chí Việt Nam cho hay phòng xử bác sỹ Hoàng Công Lương được gắn thiết bị phát sóng di động của Bộ Công An nên phóng viên dự phiên tòa không thể đưa tin bài về diễn biến phiên xét xử nếu không chạy ra ngoài.

Trên Facebook cá nhân, luật sư Nguyễn Văn Quynh, người bào chữa cho bác sỹ Hoàng Công Lương cũng cho hay hệ thống phá sóng này khiến máy móc thiết bị của luật sư bị phá sóng hoàn toàn, không kết nói được tài liệu, văn bản lưu trữ trực tuyến trên mạng internet.

"Với 13.000 hồ sơ bút lục, các quy định văn bản pháp luật chúng tôi không thể mang hết theo vào tòa án đối với công nghệ thông tin hiện nay. Việc các cơ quan chức năng ngắt sóng không cho kết nối đã hạn chết quyền bào chữa của luật sư và quyền nhờ người bào chữa của bị cáo. Ngoài ra còn thể hiện phiên tòa không khách quan so với phiên tòa sơ thẩm lần đầu vào tháng 05/2018", luật sư Quynh viết.

"Đối với xét xử công khai của tòa án nhưng lại hạn chế luật sư, báo chí kết nối trực tuyến cho thấy mục đích của phiên tòa xét xử như quy định của bộ luật hình sự là chưa đạt được việc xét xử công khai, chưa được du luận theo dõi vụ án đồng tình ủng hộ. Do đó mục đích của tuyên truyên phổ biến giáo dục pháp luật là chưa đạt được".

"Đây là vụ án hình sự bình thường không phải vụ án an ninh quốc gia, hoặc liên quan bí mật nhà nước mà xét xử kín. Việc ngắt sóng vô hình chung cho dư luận thấy sự thiếu công khai minh bạch của cơ quan tòa án tỉnh Hòa Bình".

Trong 'Thư ngỏ gửi Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng' đăng trên trang cá nhân, luật sư Quynh cho rằng việc truy tố bác sĩ Lương tội Vô ý làm chết người "tạo một tiền lệ nguy hiểm cho giới y học cả nước".

Phiên xử thiếu nhiều nhân vật quan trọng như nhân chứng, người có nghĩa vụ liên quan. Do đó, luật sư Trần Thu Nam cho hay ông đã đề nghị hoãn phiên tòa nhưng thẩm phán chủ tọa không chấp thuận.

"Luật sư Nguyễn Văn Chiến, người bào chữa cho BS Hoàng Công Lương liên tục bị ngắt lời. Nhận thấy, Chủ toạ ko khách quan nên tôi đã đề nghị thay đổi Thẩm phán Chủ toạ phiên tòa nhưng không được chấp thuận. Một phiên tòa có dấu hiệu không bình thường, có nhiều bất lợi cho các bị cáo", ông Nam viết trên trang cá nhân.

Trong khi đó, truyền thông Việt Nam cho hay Hội đồng xét xử quyết định vẫn tiến hành xét xử vì đã có đầy đủ lời khai trong hồ sơ nên những sự vắng mặt trên không làm ảnh hưởng.

Bác sỹ Hoàng Công Lương có mặt tại tòa án nhân dân Thành phố Hòa Bình sáng 14/1 xét xử vụ chạy thận làm chết chín người năm 2017 sau thời gian phải nằm viện do trầm cảm.

Bác sỹ Lương bị truy tố tội danh Vô ý làm chết người với khung hình phạt từ 3 - 10 năm tù.

Đề nghị giám định tâm thần

Ông Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết sức khỏe của bác sỹ Lương đã khá hơn.

kien4

Bác sỹ Hoàng Công Lương ra tòa hồi tháng 5/2017

Trả lời báo chí Việt Nam trước phiên tòa, bác sỹ Lương cũng cho biết anh đang uống thuốc theo đơn của của Viện tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai.

Bác sỹ Lương nói anh còn mệt nhưng do không muốn làm ảnh hưởng đến Hội đồng xét xử và những người liên quan nên đã cố gắng tham gia phiên tòa hôm 14/1.

Theo truyền thông trong nước, nguyên nhân khiến bác sỹ Lương bị trầm cảm, mất ngủ dài ngày là do sốc tâm lý vì bị đổi tội danh từ vô tội thành 'giết người không chủ ý' trong vụ án kéo dài gần hai năm.

Báo Việt Nam tường thuật rằng các luật sư đề nghị Hội đồng xét xử trưng cầu giám định tâm thần đối với bác sỹ Hoàng Công Lương tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.

Cùng được đưa ra xét xử với bác sỹ Hoàng Công Lương còn có ông Bùi Mạnh Quốc (giám đốc Công ty Trâm Anh). Cả hai có chung tội danh 'vô ý gây chết người'.

Ngoài ra còn có Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng vật tư, trang thiết bị y tế của bệnh viện), Trần Văn Thắng (Trưởng Phòng Vật tư, trang thiết bị y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình), Hoàng Đình Khiếu (Phó Giám đốc, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) bị truy tố với tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc công ty Thiên Sơn) và Trương Quý Dương (Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình) bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Vì sao bác sỹ Hoàng Công Lương phải ra tòa ?

Sự việc chín bệnh nhân chạy thận tử vong gây chấn động dư luận xảy ra năm 2017.

kien5

Bác sỹ Hoàng Công Lương cùng các đồng nghiệp

Thời điểm đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thuê công ty bên ngoài sửa chữa hệ thống lọc nước RO.

Sau khi công việc hoàn thành, các cán bộ bệnh viện, trong đó có bác sỹ Hoàng Công Lương, đã không kiểm tra chất lượng nước cũng không báo cáo cấp trên về kết quả sửa chữa mà vẫn cho hệ thống hoạt động để lọc thận cho 18 bệnh nhân, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát.

Kết quả làm chín người chết cho tồn dư axit trong nước cao gấp 260 lần mức cho phép.

Hồi tháng 5/2018, bác sĩ Lương từng gửi tâm thư đến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong được 'xem xét lại bản chất của vụ án...' để 'không làm oan người vô tội'.

Thời điểm đó cũng có một chiến dịch kêu gọi ủng hộ bác sĩ Hoàng Công Lương thu hút hơn 10.000 chữ ký từ đồng nghiệp, người dân.

Quay lại trang chủ
Read 488 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)