Xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2018 sụt giảm (RFA, 24/01/2019)
Xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2018 giảm 7,8% so với năm 2017, chỉ đạt 3,55 tỷ USD.
Một đầm nuôi tôm ở Mỹ Xuyên - AFP
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho thấy xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2018 chỉ tăng trong tháng 1 và tháng 3, còn lại các tháng khác đều giảm. Một trong những nguyên nhân được đưa ra là nhu cầu tiêu thụ tôm ở Mỹ, Canada giảm do có bão tuyết và lượng tôm tồn kho ở Nhật Bản, Hàn Quốc và EU ở mức cao.
Trong năm 2018, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc giảm 28% ; Nhật Bản giảm 9,2% ; EU và Mỹ cũng giảm lần lượt 2,8% và 3,3%.
EU vẫn là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 23,6% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường.
VASEP dự báo với lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do FTA đang và chuẩn bị có hiệu lực, xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2019 dự kiến tăng trưởng tốt và đạt trên 4 tỷ USD.
Tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam tổ chức tại tỉnh Cà Mau tháng 2/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề trước năm 2025 hoặc đến năm 2025 phải đạt 10 tỉ USD xuất khẩu tôm, trở thành ngành chủ lực trong nông nghiệp Việt Nam.
Tuy xuất khẩu tôm năm 2018 sụt giảm nhưng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2018 lại tăng 19,6% so với năm 2017, đạt 1,72 tỷ USD.
Ấn Độ vẫn là thị trường cung cấp thủy sản cho Việt Nam lớn nhất với kim ngạch gần 345 triệu USD, chiếm 20% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này.
Thị trường cung cấp thủy sản nhiều thứ hai cho Việt Nam là Na Uy. Năm 2018, nhập khẩu thủy sản từ thị trường này đã tăng rất mạnh, lên tới 46,2% so với năm 2017, đạt 178,64 triệu USD.
Trong năm 2018, chỉ có 4 thị trường nhập khẩu thủy sản vào Việt Nam giảm kim ngạch so với năm 2017, đó là Đan Mạch giảm hơn 20% ; Ba Lan giảm hơn 17% ; Myanmar giảm hơn 17,4% ; Ấn Độ giảm 3,6%.
*********************
Chỉ tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD tôm năm 2025 có dễ thực hiện ? (RFA, 24/1/2019)
Xuất khẩu sụt giảm
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho thấy xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2018 giảm 7,8% so với năm 2017, chỉ đạt 3,55 tỷ USD.
Một nông dân Long Xuyên cầm những con tôm đến mùa thu hoạch - AFP
VASEP dự báo với lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (VKFTA, CPTPP, EVFTA…) đang và chuẩn bị có hiệu lực, xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2019 dự kiến tăng trưởng tốt và đạt trên 4 tỷ USD.
Ông Nam, Giám đốc công ty sản xuất tôm giống tại tỉnh Bạc Liêu nhận định về dự báo của VASEP :
Phát triển ngành tôm là mong muốn của Việt Nam nói chung và của Thủ tướng nói riêng, nhưng nó mang nhiều rủi ro về dịch bệnh và thời tiết, môi trường nên xuất khẩu tôm năm 2018 chưa cao, nhưng sang năm 2019 phải xem tình hình thời tiết như thế nào mới dự đóa n được, nhưng 4 tỷ thì đạt được chứ.
Tại đối thoại bàn tròn do Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với VASEP tổ chức ngày 22/11/2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh, "vua tôm" Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn thủy sản Minh Phú lý giải nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm sụt giảm là do đầu năm 2018, các nước như Mỹ, Canada xảy ra bão tuyết khiến tiêu thụ tôm giảm đáng kể, hàng tồn kho lớn, kéo theo lượng hàng tồn kho ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu cao. Hơn nữa, Trung Quốc siết nhập khẩu tôm đường tiểu ngạch qua biên giới khiến tôm từ Ấn Độ, Ecuador, Indonesia…, không vào được quốc gia này cũng dẫn đến lượng hàng tồn kho của các nước này tăng cao.
Ngoài yếu tố thời tiết và dịch bệnh khiến sản lượng xuất khẩu tôm Việt Nam sụt giảm thì còn một yếu tố bất lợi khác là các nước khác cũng xuất khẩu cùng một thị trường. Nếu họ không gặp dịch bệnh, môi trường tốt hơn thì sản lượng của họ sẽ cao hơn.
Ông Nam nêu ví dụ các nước như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ đều xuất sang cùng thị trường là Nhật Bản, Mỹ hoặc Châu Âu và nói thêm rằng tôm Việt Nam bây giờ đã đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khó tính, do Việt Nam đã áp dụng quy trình nuôi tôm bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm, ít xài hóa chất, kháng sinh, còn nhiều năm trước đây thì Việt Nam gặp khó khăn trong việc nhập tôm vào thị trường Mỹ, Nhật do lượng kháng sinh, tạp chất trong tôm. Ông nêu lý do :
Tôm nhiễm tạp chất thì chủ yếu thị trường đó là của Trung Quốc. Nó áp đặt cái giống như vậy để bêu xấu hình ành con tôm Việt Nam mình. Nó buộc mình phải làm như vậy nó mới nhập. Sau khi nhập xong thì nó lên tiếng là hàng của Việt Nam xấu. Nó cạnh tranh không lành mạnh, bởi khi xuất hàng qua đó thì mình phải xuất đi từ Việt Nam với nhãn, mác thương hiệu của mình.
Nó bắt mình làm để giao cho nó, xong nó lại đi nói mình. Nó nói hàng Việt Nam kém chất lượng như vậy để nó xuất hàng của nó đi.
Theo số liệu của VASEP, chỉ trong hai tháng đầu năm 2015, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã từ chối nhập khẩu 107 lô tôm nhập từ Việt Nam, tăng 224% so với cùng kỳ năm 2014.
Con số 10 tỷ USD đến năm 2025
Tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam tổ chức tại tỉnh Cà Mau tháng 2/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu rằng mục tiêu đến năm 2030 đạt kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tỷ USD là quá thấp. Ông đặt vấn đề trước năm 2025 hoặc đến năm 2025 phải đạt 10 tỉ USD xuất khẩu tôm, đưa xuất khẩu tôm trở thành ngành chủ lực trong nông nghiệp Việt Nam.
Sau khi nghe thông tin từ Thủ tướng, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối ở Hà Nội, trao đổi với RFA rằng :
Đồng Bằng Sông Cửu Long không phải nơi nào cũng có thể nuôi tôm được thành ra phải có qui hoạch cụ thể. Vừa rồi thủ tướng nói làm sao từ đây tới 2025 phải nâng xuất khẩu đang 3 tỷ lên thành 10 tỷ. Đó là ước vọng nhưng muốn thành hiện thực cũng hết sức khó khó khăn. Bởi vì trồng lúa thì kỹ thuật không cần cao lắm, thứ hai là chi phí, vốn đầu tư cũng không cần cao lắm, hệ thống cơ giới thiết bị máy móc nó đầy đủ, bây giờ chuyển sang nuôi tôm thì nó để ra nhiều chuyện khác, đất đai môi trường như thế nào là một việc, thứ hai nuôi tôm nuôi cá phải cả chục tỷ mới làm được mà rất là rủi ro về môi trường, có thể thắng hai ba vụ đầu mà thất bại một vụ là bán nhà.
Với cái nhìn của một giám đốc công ty sản xuất tôm giống, ông Nam lạc quan với con số 10 tỷ USD xuất khẩu từ nay đến năm 2025, bởi bây giờ không còn tôm tạp chất hay kháng sinh :
Mình nhập trực tiếp con tôm bố mẹ từ bên đảo Hawaii của Mỹ về Việt Nam, cho nó đẻ ra con tôm giống. Từ con giống mình mới đưa ra các farm, cá hộ nuôi. Sau đó các nhà máy chế biến thu mua tôm thịt rồi xuất khẩu ngược lại qua Mỹ và các nước khác.
Ông Thắng, chủ một hộ nuôi tôm ở Tiền Giang cũng tỏ ra lạc quan :
Trước đây mình làm theo dạng nông dân tức mạnh ai người đấy làm. Sau này chính phủ làm theo công nghệ mới và làm theo chuỗi sản phẩm mới thì chắc chắn sẽ đẩy mạnh để mình có thương hiệu tôm sạch để xuất ra thế giới. Những người nông dân như bọn anh đều được đi học và được cập nhất những kiến thức mới về nuôi tôm. Trước đây 1 hectare chỉ được khoảng 5 tấn thôi, bây giờ 1 hectare có thể nuôi được 7 tấn đến 8 tấn.
Truyền thông trong nước trích dẫn kiến nghị của bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư kí VASEP tại Hội nghị tổng kết ngành công thương diễn ra hôm 17/1 rằng, ngành Hải quan cần tăng cường kiểm soát hoạt động tạm nhập tái xuất tôm Ecuador và Ấn Độ thông qua cảng Hải Phòng để nhập vào Trung Quốc nhằm hạn chế tối đa hoạt động gian lận thương mại nhằm kéo khách hàng Trung Quốc mua tôm Việt Nam.