Việt Nam : Top 20 nước đàn áp Thiên chúa giáo tệ hại nhất (VOA, 26/01/2019)
Việt Nam trong top 20 nước đàn áp tín đồ Thiên Chúa giáo nặng nề nhất trên tổng số 50 nước được tổ chức OpenDoors theo dõi và đánh giá trong năm 2018.
Giáo dân thắp nến cầu nguyện trong phiên xét xử hai nhà hoạt động Nguyễn Hữu Vinh và Cấn Thị Thêu tại Nhà thời Thái Hà ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 18 tháng 9, 2016. Tư liệu
Phúc trình vừa công bố của cơ quan giám sát toàn cầu chuyên bảo vệ các tín đồ Thiên Chúa giáo bị đàn áp trên thế giới nhấn mạnh vào sự đàn áp đối với hai nhóm tín đồ Thiên Chúa giáo : các sắc tộc thiểu số và những người hoạt động chính trị chống chính quyền.
Báo cáo của OpenDoors nói chính quyền Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo từ cấp trung ương đến cấp địa phương ‘theo dõi các hoạt động của người theo Thiên Chúa giáo và gây áp lực lớn lên các tín đồ’.
OpenDoors ghi nhận trong năm 2018 Việt Nam đã bỏ tù một số nhà hoạt động, blogger Công giáo và mục sư Tin Lành. Báo cáo dẫn ra trường hợp của giáo dân Nghệ An Lê Đình Lượng bị kết án 20 năm tù về cáo buộc ‘hoạt động lật đổ chính quyền’ cùng vụ trục xuất luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và thành viên ‘Hội Anh em Dân chủ’ Lê Thu Hà sang Đức. Ông Đài và bà Hà đều là tín đồ Thiên Chúa giáo. Hồi tháng 10 năm 2018, một tín đồ Công giáo khác là blogger nổi tiếng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được phóng thích sau hai năm thụ án với điều kiện phải sang Mỹ sống lưu vong.
Vẫn theo OpenDoors, năm qua có một số giáo xứ và tu viện ở Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh bị tấn công và ‘bị áp lực của các côn đồ do chính quyền thuê’, phải chấp nhận bị cưỡng chế thu hồi đất.
Một nhóm con chiên Thiên Chúa giáo khác đặc biệt bị ngược đãi ở Việt Nam là các sắc dân thiểu số, theo OpenDoors. Tổ chức này cho biết đa số người cải đạo sang Thiên Chúa giáo là các dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa của Việt Nam và ước tính có đến 80% tín đồ Tin Lành ở Việt Nam là người dân tộc thiểu số.
Phúc trình chỉ ra một số hình thức ngược đãi chẳng hạn như học sinh theo đạo bị phân biệt đối xử ở trường và không được quan tâm như các bạn học khác hay không được chăm sóc y tế. Một số em ‘thậm chí còn không được đi học’. Khi sinh viên người dân tộc ở Tây Nguyên cải đạo sang Thiên Chúa giáo (chủ yếu là Tin Lành), các em bị trường đe dọa đuổi học hoặc bị các thầy cô giáo thuyết phục bỏ đạo.
Sự ngược đãi không chỉ xuất phát từ chính quyền mà còn xảy ra ở chính những người thân, gia đình, cộng đồng, làng xã của người cải đạo, theo báo cáo.
OpenDoors nói khi phát hiện có người mới theo đạo Thiên Chúa ở những nơi mà phong tục tập quán của tổ tiên họ vẫn còn mạnh, để bảo vệ văn hóa của buôn làng, các trưởng tộc sẽ khai trừ người đó ra khỏi làng và xem họ là ‘những kẻ phản bội văn hóa và bản sắc của cha ông’. Ngoài ra, các lãnh đạo buôn làng còn hợp tác với chính quyền để ngược đãi những người cải đạo còn dân làng thì ngăn cản các buổi cầu nguyện của con chiên trong làng.
OpenDoors cho biết những người cải đạo còn bị người thân trong gia đình cắt đứt mọi quan hệ và không cho thừa hưởng gia sản. Trong một số trường hợp, họ còn buộc ly hôn với người vợ hoặc chồng theo Thiên Chúa giáo và không cho họ quyền nuôi con.
Trung Quốc ‘đỡ hơn’
Tổ chức OpenDoor cho biết cứ ba tín đồ Thiên Chúa giáo ở Châu Á thì có một người bị ngược đãi. Trên toàn cầu, tổ chức này ước tính, có 245 triệu tín đồ Thiên Chúa giáo bị ngược đãi, tăng so với 215 triệu người một năm trước đó.
Trên bảng xếp hạng, so với Trung Quốc, Việt Nam hà khắc hơn đối với các tín đồ Thiên Chúa giáo. Quốc gia đông dân nhất thế giới đã đi từ hạng 43 lên hạng 27, tức là đàn áp ngày càng mạnh tay.
Ở Trung Quốc, tình trạng phân biệt đối xử với tín đồ Thiên Chúa giáo, kể cả Công giáo và Tin Lành, là tệ nhất trong vòng một thập niên, theo OpenDoors, với ít nhất 50 triệu người bị các hình thức đàn áp nào đó trong lúc chính quyền Bắc Kinh thắt chặt kiểm sóa t tôn giáo.
Ông Henrietta Blyth, trưởng điều hành của Open Doors Anh và Ireland, dẫn lời một số lãnh đạo Giáo hội ở Trung Quốc cho biết sự ngược đãi trong năm 2018 là ‘tệ nhất kể từ Cách mạng Văn hóa hồi năm 1976’.
Trung Quốc đang trên đà trở thành quốc gia có đông tín đồ Thiên Chúa giáo nhất thế giới vào năm 2030 do dân số khổng lồ của nước này. Hiện ước tính có khoảng 93 cho đến 115 triệu tín đồ Tin Lành và từ 10 cho đến 12 triệu tín đồ Công giáo ở Trung Quốc. Đa phần sinh hoạt với các giáo hội không đăng ký với chính quyền.
Trong năm 2018, chính quyền Bắc Kinh đã đóng cửa hàng trăm nhà thờ không chính thức, bắt giam các linh mục và các tín đồ, hạ thánh giá, cấm bán Kinh Thánh trực tuyến và tăng cường giám sát các hội thánh. Hồi tháng trước, một số trường học và thành phố đã cấm tổ chức Lễ Giáng sinh.
Ông Blyth cho biết sự ngược đãi ở Trung Quốc là do ba yếu tố : sự lãnh đạo về mặt tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình, lo lắng của chính quyền về sự gia tăng tín đồ Thiên Chúa giáo và việc sử dụng công nghệ như là một công cụ đàn áp.
Tháng 9 năm ngóa i, Vatican đã ký một thỏa thuận tạm thời với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục với mục đích làm nồng ấm hơn quan hệ ngoại giao giữa hai bên. Tuy nhiên, một số vị chức sắc trong giáo hội gọi đây là sự phản bội. Hồng y Joseph Zen, cựu Tổng giám mục Hong Kong, nói rằng hậu quả sẽ là ‘thảm họa và kéo dài’ không chỉ đối với giáo hội ở Trung Quốc mà còn là toàn thể giáo hội bởi vì nó hủy hoại uy tín.
Dẫn đầu danh sách các nước đàn áp tín đồ Thiên Chúa giáo mạnh tay nhất là Bắc Triều Tiên. Tiếp theo sau lần lượt là Afghanistan, Somalia, Libya, Pakistan, Sudan, Eritrea, Yemen, Iran và Ấn Độ.
Theo Open Doors, chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Ấn là nguyên nhân làm tăng các vụ tấn công bạo lực của những người Hindu cực đoan nhắm vào các tín đồ Thiên Chúa giáo và nhà thờ.
"Đối với nhiều người Thiên Chúa giáo ở Ấn Độ, cuộc sống thường nhật của họ giờ đây đầy sự sợ hãi, hoàn toàn khác với bốn hay năm năm trước đây", ông Blyth nói.
Mười tám năm liên tiếp Bắc Triều Tiên dẫn đầu danh sách các nước bức hại tín đồ Thiên Chúa giáo. Trong năm 2018, hơn 4.305 tín đồ Thiên Chúa giáo bị sát hại tại quốc gia cộng sản cô lập này chỉ vì đức tin của họ, theo Reuters.
***********************
Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong bài mới trên Time (RFA, 25/01/2019)
Tạp chí Time vào ngày 24 tháng 1 có bài viết về Thiền sư Thích Nhất Hạnh với tiêu đề tạm dịch ra tiếng Việt là "Nhà sư dạy chánh niệm cho cả thế giới đang chờ đợi sự kết thúc cuộc sống này".
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cầu nguyện cho linh hồn nạn nhân chiến tranh Việt Nam tại một ngôi chùa ở huyện Sóc Sơn, ngoại ô Hà Nội. Ảnh chụp ngày 20/4/2007. AFP
Mở đầu bài viết, tác giả Liam Fizpatrick nhắc đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh qua lời ca ngợi ngài là "một trong những nhà lãnh đạo tinh thần có ảnh hưởng nhất trong thời đại chúng ta" mà nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey dành cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Trở lại chùa Từ Hiếu ở Huế vào chiều ngày 28 tháng 10 năm 2018 để tịnh dưỡng, Thiền sư Thích Nhất Hạnh cuối cùng cũng đã về lại ngôi chùa nơi ngài đã phát nguyện vào năm 16 tuổi, sau 40 năm lưu đày.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, sư thầy Thích Chí Thắng, đệ tử của Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho biết về tình trạng sức khỏe của ngài như sau :
"Hiện tại sức khỏe của thiền sư cũng khi khỏe, khi mệt, nhất là trời xứ Huế mùa đông lạnh, do đó sức khỏe của Ngài không được yên ổn lắm. Ngày nào trời nắng tốt Ngài có thể đi thiền hành bằng xe lăn trong sân chùa, trên thiền đường. Còn khi nào lạnh quá Ngài ở trong phòng thôi".
Hoạt động
Khi cuộc chiến giữa hai miền Nam – Bắc Việt Nam leo thang, vào năm 1966, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đi 19 nước để kêu gọi hòa bình. Ông đã nói chuyện với Nghị viện Anh, Canada và Thụy Điển. Ngoài ra, ngài cũng gặp gỡ Giáo hoàng Công giáo Paul VI.
Nhiều tài liệu cho biết, Ngài cũng đã gặp và kêu gọi Mục sư Martin Luther King Jr. công khai lên tiếng chống lại chiến tranh Việt Nam. Do đó, vào năm 1967, ngài được Mục sư Martin Luther King đề cử giải Nobel hòa bình.
Sau đó, Thiền sư Nhất Hạnh định cư tại miền tây nam nước Pháp và biến Tu viện Phật giáo Làng Mai thành lớn nhất Châu Âu, và mở thêm 8 tu viện khác từ Mississippi tới Thái Lan. Ngài trở thành một trong những người có sức ảnh hưởng nhất về Phật giáo tại phương Tây lúc bấy giờ.
Sư thầy Thích Chí Thắng cho rằng Thiền sư Nhất Hạnh đã hoàn thành sứ mệnh của mình :
"Thiền sư Nhất Hạnh đã vâng lời dạy của sư tổ và Ngài đã đi khắp nẻo đường trên thế giới truyền đạt tinh thần của đạo Phật đến với tầng lớp mọi người.
Tranh cãi
Tuy nhiên, chuyến trở về Việt Nam năm 2005 và 2007 của Thiền sư Nhất Hạnh đã gây nên nhiều tranh cãi trong cộng đồng người Việt tại Hải ngoại.
Thiền sư Nhất Hạnh về tới Chùa Từ Hiếu ở thành phố Huế. Courtesy of giacngo.vn
Nhiều người Việt lưu vong đã vô cùng tức giận vì cho rằng sự hiện diện của Thiền sư Nhất Hạnh ở Việt Nam đã vô tình giúp đỡ đảng Cộng sản có được ấn tượng với quốc tế rằng Việt Nam có quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, trong khi thực chất tôn giáo bị nhà cầm quyền kiểm sóa t chặt chẽ.
Nhưng thực tế, trong chuyến hồi hương năm 2007, Thiền sư Nhất Hạnh đã yêu cầu Thủ tướng Nguyễn Minh Triết bãi bỏ Ủy ban Tôn giáo, là cơ quan giám sát các nhóm tôn giáo ở Việt Nam.
Theo tạp chí Time, trong bài phỏng vấn vào năm 2013, Thiền sư Nhất Hạnh đã ca ngợi những người bất đồng chính kiến trẻ tuổi tại Việt Nam. Ngài nói rằng nếu đất nước có thể thay đổi, thì đó là nhờ vào sự can đảm của những người này. Ngài cũng cho biết Ngài đang đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận.
Bên cạnh đó, tạp chí thường niên Làng Mai năm 2018 đã kêu gọi chính phủ Hà Nội từ bỏ chủ nghĩa cộng sản. Việc này đã khiến hàng trăm tăng ni tại tu viện Bát Nhã ở xã Dambri, thành phố Bảo Lộc vào tháng 9 năm 2009 bị rất đông cảnh sát và côn đồ hành hung, xua đuổi, phải sang Thái Lan lánh nạn.
Ảnh hưởng
Ở phương Tây, Thiền sư Nhất Hạnh đôi lúc được gọi là cha của chánh niệm. Ngài nổi tiếng với lời dạy chúng ta có thể là Bồ Tát bằng cách tìm kiếm niềm vui trong những điều đơn giản.
Trong ‘Your true home’, một trong hơn 70 cuốn sách mà Thiền sư Nhất Hạnh đã viết, có đoạn cho rằng "một vị Phật là một người đã giác ngộ, có khả năng yêu thương và tha thứ. Bạn biết rằng nhiều lúc bạn sẽ như vậy. Do đó, hãy tận hưởng khi là một vị Phật".
Thiền sư Nhất Hạnh đã dạy rằng chúng ta không cần mất nhiều năm trên đỉnh núi để lĩnh hội trí tuệ Phật giáo. Thay vào đó, chỉ cần nhận thức hơi thở, thông qua đó đến hiện tại, nơi mà các hoạt động hàng ngày có thể đem đến niềm vui và điều kỳ diệu. Nếu chúng ta có chánh niệm, hoặc hiện diện đầy đủ tại đây và ngay bây giờ, những lo lắng sẽ tan biến và chúng ta có cảm giác vượt thời gian, giúp cho những phẩm cao quý nhất xuất hiện.
Sức ảnh hưởng của Thiền sư Nhất Hạnh đã lan tỏa toàn cầu. Điển hình như bà Christiana Figueres, cựu thư ký điều hành Quy ước khung về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc, vào năm 2016 đã phát biểu rằng bà không thể thành công Thỏa thuận Paris nếu như bà không có lời dạy của Thiền sư Nhất Hạnh đồng hành cùng bà.
Nhận xét về sức ảnh hưởng của sư huynh, sư thầy Thích Chí Thắng cho rằng :
"Ngài đã hướng dẫn các thiền sinh phương pháp thiền đi vào đời rất nhẹ nhàng và thảnh thơi. Ngài đi đến đâu thì thiền sinh rất đông, mọi người cũng tham khảo về lời dạy của Ngài trên sách vở và rất hâm mộ. Thật sự ảnh hưởng của thiền sư Nhất Hạnh trên thế giới là rất lớn.
Chúng tôi cũng rất hãnh diện khi ở ngay Tổ đình Từ Hiếu có một người hành đạo khắp thế giới như vậy. Chắc chắn rằng thầy chúng tôi cũng rất vui mừng khi có một học trò thay thầy mình, thay chư tổ truyền đạo Phật khắp năm châu".
Nhiều đánh giá cho rằng, những lời dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được nhiều người biết đến vì ngài đã đưa ra một "phiên bản đơn giản của Phật giáo, nhưng lại không quá đơn giản" theo lời giải thích của Janet Gyatso, Giáo sư Phật học tại trường đại học Harvard. Vẫn theo cô, triết lý cơ bản này cũng giống với Đức Đạt Lai Lạt Ma, là "chánh niệm và từ bi".
********************
Dự án đại di dân ra khỏi Kinh thành Huế (RFA, 24/01/2019)
Chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế vạch ra dự án dự kiến sẽ di dời 4.200 hộ dân ra khỏi Khu vực I của di tích này với mục đích trả lại không gian nguyên vẹn cho di tích Kinh thành Huế. Có thể nói đây là một trong những dự án lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế từ mấy chục năm nay. Dự án được người dân trong diện di dời đón nhận ra sao ?
Kinh thành Huế - Ảnh minh họa - AFP
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, dự án di dời 4.200 hộ dân, tương đương hơn 150.000 người ra khỏi Khu vực I di tích Kinh thành Huế được tiến hành từ năm 2019 đến năm 2025, qua hai giai đoạn : Giai đoạn 1 (2019-2022), ưu tiên di dời các hộ dân cư trú trên Thượng Thành, các Eo Bầu, hai bên Hộ thành hào, các tuyến phòng lộ…tương ứng với 2.930 hộ dân ; Giai đoạn 2 (2022-2025), di dời các hộ dân sống ven các hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, đàn Xã Tắc, Lục Bộ, Trấn Bình Đài, Xiển Võ Từ, Khâm Thiên Giám, hệ thống hồ thuộc 4 phường thành nội, tương ứng với 1.200 hộ dân.
Một người đàn ông buôn bán ở vỉa hè đường Hàn Thuyên cho biết, hộ gia đình ông nhận thông báo là thuộc diện phải di dời chia sẻ :
"Cái này là toàn bộ 4.200 hộ nằm ở trong khu này đây, với lại hạng di tích, hạng đặc biệt ở trên khu Thượng Thành. Đợt này là di dời hết 4.200 hộ, tivi thông báo".
Người đàn ông này cho biết thêm, hộ gia đình ông thuộc diện được Nhà nước cấp đất nên khi di dời sẽ được hưởng đền bù, các hộ dân khác nếu không có vấn đề gì cũng sẽ được hưởng đền bù tương tự.
"Không. Ở đây thì họ đền bù chứ. Nói chung ai mà không có vấn đề gì thì họ đền bù".
Dự kiến tổng kinh phí của dự án di dời dân bao gồm cả việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng gần 2.800 tỷ đồng được trích từ ngân sách Trung ương. Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ trích kinh phí khoảng 1.360 tỷ đồng để lo đầu tư xây dựng khu tái định cư. Ông Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế, đây cũng là đơn vị chủ trì của dự án trong một lần trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ đã cho biết, tỉnh nhà sẽ trích 1/3 số tiền thu từ việc bán vé tham quan di tích Đại nội Kinh thành Huế cho việc di dân. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã cho xây dựng khu tái định cư có diện tích 73ha, với 03 khối nhà chung cư tại đường Nguyễn Văn Linh, thuộc phường Hương Sơ ở phía Bắc thành phố Huế để bố trí chỗ ở mới cho các di dân.
Cũng liên quan đến dự án, vào chiều ngày 24/10/2018, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và các ban ngành chức năng đã lưu ý nói tỉnh Thừa Thiên Huế phải dành đất đai có vị trí thuận lợi cho người dân tái định cư để họ tiếp tục sinh sống bằng nghề nghiệp cũ.
Tuy nhiên một cụ bà sinh sống mấy mươi năm ở gần Đại nội Kinh thành Huế chia sẻ :
"Mình cũng không biết nữa. Họp ở trên, mấy ông mới nói ở trên chứ còn ở dưới dân họ đã biết chuyện chi mô. Đây là mình nghe người ni nói người tê nói mình nghe rứa thôi…".
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các hộ dân sinh sống ở Thượng Thành đều có cuộc sống khá khó khăn. Họ chủ yếu là những di dân đến từ những vùng ven của Huế và phía nam tỉnh Quảng Trị, với mục đích chủ yếu ban đầu là nhằm trốn tránh bom đạn chiến tranh vào các năm 1968 và 1972. Ban đầu họ chỉ chiếm dụng những diện tích đất trống trong Kinh thành Huế, sau đó ổn định cuộc sống, sinh con đẻ cái họ lại cơi nới thêm cho đến ngày hôm nay.
Do sống trên đất di tích nên các hộ dân này không được chính quyền chứng nhận quyền sử dụng đất, không được sửa chữa, xây dựng nhà cửa kiên cố mà phải giữ nguyên hiện trạng theo luật Di sản. Cuộc sống của các hộ dân là tạm bợ, lụp xụp kéo dài suốt mấy mươi năm qua hết sức khổ cực. Mùa mưa bão thì họ sợ sập nhà, mùa nắng thì ngột ngạt, không khí ô nhiễm, dịch bệnh…
Một cụ ông sinh sống ở đường Hàn Thuyên, cách không xa khu vực Thượng Thành chia sẻ về điều này :
"Đây thuộc dạng khó khăn chứ không phải giỡn".
Cũng nằm trên diện phải di dời, nhưng nhiều hộ dân ở các Eo Bầu lại có cuộc sống ổn định, khá giả hơn so với các hộ dân ở Thượng Thành cho nên khi nghe đến dự án di dời dân để trả lại không gian nguyên vẹn cho di tích Kinh thành Huế thì họ lại chẳng mấy mặn mà như lời của cụ bà sống gần Đại nội Kinh thành Huế nói với chúng tôi :
"Thì có nhiều người khó khăn, có nhiều người giàu có chứ đâu phải ai cũng giàu hết, ai cũng nghèo hết mô. Đi chỗ nào cũng vậy, có người giàu người nghèo".
Cuộc di dân lịch sử ở Kinh thành Huế - Photo : Tuổi Trẻ
Cụ bà này nói thêm, dự án tỉnh đưa ra là để bảo tồn di tích Kinh thành Huế là đúng nhưng phải có sự đồng thuận của người dân. Người dân lo lắng về nơi ở mới sẽ bị ảnh hưởng đến công việc làm ăn, lo lắng chính sách giải tỏa đền bù có hợp lý hay không ? An ninh –trật tự chổ ở mới có bảo đảm hay không ?…là hoàn toàn chính đáng, không có gì sai cả.
"Có nghe. Có nghe và có nhiều người họ cũng bàn tán, có nghe. Chuyện ấy cũng phải từ trên xuống dưới họp cho tới dân có đồng ý hay là không đã chứ. Chứ còn đó mới chỉ mấy ông trên nói, còn dưới dân chịu hay không đã chứ. Chắc dân họ cũng không chịu đâu vì nhà ở xưa nay đến giờ, từ nhỏ đến giờ mua cái nhà đâu phải xíu tiền anh, ví dụ nhà trị giá một tỷ đồng nếu bồi thường vài tỷ thì may ra họ chịu"
Người đàn ông buôn bán ở vỉa hè đường Hàn Thuyên cũng bày tỏ lo lắng cho những khó khăn mà gia đình phải đối diện khi di dời đến chổ ở mới vì phải chấp hành chủ trương của Nhà nước và Chính phủ đưa xuống.
"Khó khăn nhiều chứ. Mình ở thành phố giờ đi ra, nghe đi ra xa. Nghe nói đi ra ngoài phía Bắc (gần Bến xe phía Bắc thành phố Huế). Khó khăn nhiều".
Vì vậy, số đông người dân khi kết thúc chia sẻ với chúng tôi đều nói, nếu bắt buộc họ phải di dời thì họ mong muốn được các cấp chính quyền bố trí chỗ ở mới ổn định, đừng quá xa nội thành.
"Nguyện vọng của người dân mình thì rõ ràng là họ phải bố trí chổ nào đó cho mình ở là xong thôi"- Lời của cụ ông ở đường Hàn Thuyên.
Trong giai đoạn từ năm 1996-2018, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho di dời khoảng hơn 1000 hộ dân ở các di tích Lầu Tàng Thơ, đàn Âm Hồn, đàn Xã Tắc, các eo bầu và khu vực Thượng Thành ở phía nam Kinh thành.
Nếu việc di dời 4.200 hộ dân này thành công sẽ trả lại không gian nguyên vẹn của Kinh thành Huế cổ xưa, làm thay đổi tích cực bộ mặt đô thị và đồng thời sẽ làm động lực phát triển mạnh hơn nữa ngành dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng có điều kiện tiếp cận trực tiếp, đầy đủ thông tin về dự án, rất nhiều người chủ yếu là nghe truyền miệng.