Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

28/01/2019

Tuyến Metro 1 và 2, mỏ Cá Tầm, BOT An Sương-An Lạc

Tổng hợp

Bộ chính trị cộng sản Việt Nam ngày càng dẫm chân lên chính phủ, quốc hội (Người Việt, 27/01/2019)

Bộ Chính trị cộng sản Việt Nam ngày càng công khai lộ nguyên hình là cơ quan ngồi trên cả chính phủ và quốc hội, thay vì chỉ ngồi phía sau ra lệnh kín đáo.

metro1

Bản tin của tờ Tuổi Trẻ "Bộ Chính trị cộng sản Việt Nam đồng ý cho tăng mức đầu tư dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên" bị gỡ bỏ vì giẫm lên chân chính phủ và quốc hội. (Hình : Zing)

Hôm Chủ Nhật, 26 tháng Giêng, 2019, báo điện tử VietnamNet, một trong mấy tờ báo chính thức của Bộ Thông tin và truyền thông cộng sản Việt Nam, đưa tin "Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khảo sát thực trạng FDI (đầu tư nước ngoài) tại Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Bình Dương để hoàn thiện đề án trình Bộ Chính trị. Cuộc khảo sát được thực hiện tại Bắc Ninh, Hải Phòng hôm qua và dự kiến trong tháng sau sẽ thực hiện tại Hà Nội, Bình Dương. Sau đợt khảo sát này, chính phủ sẽ hoàn thiện đề án về ‘Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài đến năm 2030’ trình Bộ Chính trị".

Guồng máy công quyền của cái chế độ độc tài đảng trị tại Việt Nam từ trên xuống dưới đều hoàn toàn do đảng viên các cấp của Đảng cộng sản Việt Nam nắm giữ. Không ai không biết rằng cả chính phủ và cái Quốc hội cũng đều là họ cả, đảng gồm cả chính phủ và quốc hội, chỉ phân chia hình thức như tay phải với tay trái còn cái thân là đảng.

Các nước dân chủ thực sự thì chính phủ, Quốc hội hoàn toàn độc lập với nhau tuy có thể do một đảng mạnh cầm quyền và chi phối nhưng khó lòng tồn tại nếu không được lòng dân khi hết nhiệm kỳ và phải bầu lại chính quyền mới. Nếu chính phủ cầm quyền không nắm được Quốc hội, các chính sách phải thỏa hiệp với phe đối lập mới có thể tiến hành.

Tuy nhiên, những gì người ta thấy diễn ra từ đầu năm đến nay cho thấy Bộ Chính trị cộng sản Việt Nam gần như điều hành trực tiếp mọi thứ tại Việt Nam, còn chính phủ và Quốc hội chỉ là thứ tay sai cấp dưới, làm theo lệnh.

Như bản tin của VietnamNet kể trên, sau khi ông Vương Đình Huệ khảo sát xong, trình lên Bộ Chính trị để cái cơ quan chóp bu này xét rồi phán ra sao mới được thi hành.

Theo bản hiến pháp cộng sản Việt Nam thông qua hồi năm 2013, trong chương VIII về vai trò của chính phủ, đây là cơ quan "hành chánh cao nhất" của cộng sản Việt Nam và là "cơ quan chấp hành của Quốc hội". "Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác với Quốc hội, Ủy Ban Thường Vụ Quốc hội, chủ tịch nước".

Tất cả các điều từ 109 đến điều 117 của chương "chính phủ" của hiến pháp chế độ không có một câu một chữ nào nói chính phủ phải "trình Bộ Chính trị" để được chấp thuận cái gì trước khi đem thi hành.

Ngày 4 tháng Giêng, 2019, nhiều báo chính thống tại Việt Nam đưa tin "Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đồng ý duyệt tăng 51.712 tỷ đồng (tương đương 2,23 tỷ USD) cho 2 tuyến Metro Thành phố Hồ Chí Minh" đã bị gỡ bỏ, hoặc dẫn qua 1 bài viết khác.

Theo luật Ngân sách 2015 của chế độ, Quốc hội mới là cơ quan "quyết định chính sách cơ bản về tài chính – ngân sách nhà nước", không phải đảng. Như đảng "quyết" tất cả, bản hiến pháp chỉ là tờ giấy lộn không hơn không kém. 

Tư Ngộ

*********************

Việt Nam đưa mỏ Cá Tầm vào hoạt động (RFA, 28/01/2019)

Liên doanh Dầu khí Việt Nam – Nga Vietsovpetro đã chính thức bắt đầu khai thác dầu thô tại mỏ Cá Tầm ngoài khơi miền Nam Việt Nam.

metro2

Giàn khai thác CTC1-WHP được khởi công chế tạo từ tháng 3/2018, là hạng mục quan trọng nhất trong Dự án phát triển khai thác mỏ Cá Tầm thuộc Lô 09-3/12. Courtesy of vietsov.com.vn

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết tin trên hôm 28/1, và cho biết mỏ Cá Tầm là dự án hợp tác phát triển giữa Vietsovpetro, Tập đoàn sản xuất thăm dò dầu khí (PVEP) và Tập đoàn Bitexco.

Thông báo của PVN cho biết sản lượng ban đầu tại mỏ Cá Tầm là 1630 tấn mỗi ngày.

Theo PVN, Mỏ Cá Tầm nằm trong lô 09-3/12 (khoảng 160km về hướng Đông Nam của Việt Nam) và đã được nối với các cơ sở ở lô 09-1 bên cạnh, nơi có mỏ dầu lớn nhất cả nước là Bạch Hổ.

Mỏ Cá Tầm là dự án dầu khí mới nhất được đưa vào hoạt động tại Việt Nam sau nhiều năm kể từ năm 2014 khi giá dầu trên thế giới giảm mạnh. Việc đưa mỏ Cá Tầm vào hoạt động có ý nghĩa lớn đối với Việt Nam khi sản lượng dầu thô ở các mỏ chính của Việt Nam đang giảm.

Mới hồi đầu tháng này, PVN đã tuyên bố rằng vấn đề căng thẳng ở Biển Đông sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác ngoài khơi trong năm nay.

Tháng 3/2018, công ty khai thác dầu Repsol của Tây Ban Nha đã phải ngưng hoạt động theo hợp đồng đã ký với phía Việt Nam tại mỏ Cá Rồng Đỏ, ngoài khơi biển Vũng Tàu. Lý do được nhiều nhà phân tích đưa ra là vì sức ép từ Trung Quốc khi lô khai thác mỏ Cá Rồng Đỏ nằm trong vùng đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông.

Tháng 7/2017, Việt Nam cũng đã yêu cầu Repsol phải ngưng khai thác ở lô 136/03 mà theo đánh giá của một số chuyên gia quốc tế là do sức ép từ Trung Quốc.

********************

Nhà cầm quyền ở Sài Gòn quyết không khoan nhượng vụ BOT An Sương-An Lạc (Người Việt, 27/01/2019)

Hôm 27 tháng Giêng, trong bối cảnh căng thẳng tại BOT An Sương-An Lạc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giới tài xế và blogger suy đoán báo Người Lao Động được chỉ đạo đưa tin tuyên truyền về trạm thu phí này.

metro3

Công an đối đầu với giới tài xế tại BOT An Sương-An Lạc. (Hình : Facebook Trương Châu Hữu Danh)

Bài "Giải đáp nhiều thắc mắc về BOT An Sương-An Lạc" đăng trên báo này viết : "Sở Giao thông và vận tải thành phố ở Sài Gòn khẳng định thời gian thu phí của trạm BOT An Sương-An Lạc được xác định trong phương án tài chính kèm theo hợp đồng, tính toán dựa trên nhiều thông số như chi phí đầu tư, doanh thu thu phí, lãi vay, chi phí bảo trì… Thời gian thu phí thực tế sẽ được điều chỉnh căn cứ giá trị quyết toán công trình của dự án BOT An Sương-An Lạc và doanh thu thu phí thực tế, lãi vay, chi phí bảo trì công trình… được kiểm toán và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận".

"Về thông tin cho rằng dự án ban đầu đầu tư theo hình thức BT, sau đó đổi sang BOT, Sở Giao thông và vận tải khẳng định là không chính xác bởi trong các văn bản pháp lý liên quan, dự án không đề cập hình thức đầu tư là hợp đồng BT", theo báo Người Lao Động.

Bài báo nêu trên được cho là cách chính quyền tận dụng truyền thông nhà nước để giảm nhiệt của các vụ việc đang khiến công luận bức xúc, tương tự như việc báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh được chỉ đạo đăng bài "Vườn rau phường 6, Tân Bình : 3 minh định pháp lý" về Vườn rau Lộc Hưng vài ngày trước.

Trong lúc BOT An Sương-An Lạc được báo chí nhà nước ra sức biện hộ và được điều động công an cũng như các lực lượng "đeo khẩu trang" hùng hậu để tác chiến trước các giao dịch dân sự, các video phát trực tiếp từ trạm này trên mạng xã hội cho thấy giới tài xế vẫn phản đối quyết liệt với lập luận đây là "BOT bẩn của nhóm lợi ích".

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh của báo điện tử Làng Mới, người theo sát phong trào phản đối BOT "đặt nhầm chỗ", cho biết trên trang cá nhân : "Những ngày qua tại BOT An Sương-An Lạc đã có gần 10 người bị đánh đập và gần chục chiếc xe bị phá hoại. Tới giờ, có lẽ Sở Giao thông và vận tải và Công Ty IDICO (chủ đầu tư dự án BOT An Sương-An Lạc) chưa tự tin đối thoại. Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn thì yêu cầu các bên tuân thủ luật pháp. Công an quận Bình Tân thì rối như tơ vò, phải thụ lý, xử lý hoặc chịu trách nhiệm với hàng loạt đơn khiếu nại, tố cáo liên miên, chắc ra Giêng còn chưa hết đơn. Chưa rõ vì sao giới chức quận Bình Tân lại khá ‘rát’ khi giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực BOT An Sương-An Lạc thời gian qua".

Trong một diễn biến khác, truyền thông nhà nước cho biết một lãnh đạo Công An tỉnh Tiền Giang ẩn danh mới đây đã "đề nghị dời thời điểm thu phí trở lại của BOT Cai Lậy sao cho phù hợp hơn thời điểm dự trù hôm 14 tháng Hai".

Nguyên do được hiểu là vì thời điểm đó, lực lượng công an được điều đến trạm BOT Cai Lậy "sẽ mỏng hơn so với mong muốn của các đơn vị có liên quan do đang phải phân bố dàn trải để đảm bảo an ninh trên nhiều địa bàn".

Phát ngôn của giới chức Công An tỉnh Tiền Giang cho thấy nhà cầm quyền tỉnh Tiền Giang và giới chức Giao Thông Vận Tải đồng quan điểm rằng cần phải điều công an đến "xử lý" những tài xế phản đối thu phí.

Đến nay, các báo ở Việt Nam tốn khá nhiều giấy mực để bàn giải pháp tháo gỡ ngòi nổ tại các trạm thu phí bị giới tài xế phản đối kịch liệt như tại BOT Cai Lậy, BOT An Sương-An Lạc nhưng thực trạng này vẫn chưa có dấu hiệu sẽ vãn hồi trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Danh Huy, vụ trưởng Vụ PPP (Vụ Đối Tác, Hợp Tác Công Tư, Bộ Giao thông và vận tải) được báo điện tử của Đài Tiếng Nói Việt Nam hôm 2 tháng Giêng dẫn lời : "Bộ Giao thông và vận tải đang xem xét sửa đổi thông tư 35 theo hướng bỏ trần giá sử dụng dịch vụ đối với các dự án đường cao tốc, dự án đường BOT có tuyến song hành cho người dân lựa chọn, mức giá sẽ do thị trường quyết định, nếu nhà đầu tư đưa ra giá cao, người dân sẽ không lựa chọn và ngược lại. Cơ quan nhà nước chỉ kiểm soát giá trần đối với các dự án đường độc đạo".

"Tuy nhiên, hầu hết các dự án BOT đường bộ đang thu phí hiện nay đều là những dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường hiện hữu, nên ngay cả khi ‘vòng kim cô’ thông tư 35 được tháo gỡ, các doanh nghiệp đầu tư BOT chưa chắc được hưởng lợi từ chính sách này. Đây là những vướng mắc vượt ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp đầu tư BOT và của Bộ Giao thông và vận tải", tờ báo kết luận. (T.K.)

Quay lại trang chủ
Read 484 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)