'Cô bé Napalm' được trao tặng Giải Hòa bình Dresden của Đức (VOA, 13/02/2019)
Kim-Phúc Phan, "Cô bé Napalm" trong bức ảnh biểu tượng về chiến tranh Việt Nam ngày nào, vừa được vinh danh với một trong những giải cao quý nhất thế giới, Giải thưởng Hòa bình Dresden, cho các công tác thiện nguyện của mình. Bà Phúc, hiện sống ở Canada, là người sáng lập Quỹ Kim Phúc, một tổ chức chuyên hỗ trợ các tổ chức quốc tế để trợ giúp y tế miễn phí cho các nạn nhân của chiến tranh và khủng bố trên thế giới.
Tư liệu : Phóng viên nhiếp ảnh Nick Ut (phải) và Kim Phúc (trái) dự triển lãm thiết bị Leica ở Cologne ngày 17/09/2012.
Ảnh một cô bé Việt Nam bị trúng bom napalm, nét mặt kinh hoảng, vừa chạy vừa la khóc trên một con đường, trên người không một mảnh vải che thân vì quần áo đã bị cháy xém, đã trở thành biểu tượng cho bạo lực và những gì đáng ghê sợ nhất trong chiến tranh.
Tư liệu : cô gái Napalm-Girl
Phan thị Kim Phúc chính là cô bé trong tấm ảnh đó.
Bức ảnh biểu tượng cho chiến tranh được ghi lại qua ống kính của Nick Ut, một nhiếp ảnh gia trẻ làm việc cho hãng tin AP. Năm 1972, lúc tấm ảnh được chụp vào lúc cao điểm của chiến tranh Việt Nam, Kim Phúc chỉ mới lên 9.
46 năm sau, Kim Phúc được nước Đức trao tặng Giải Hòa bình Dresden, một trong những giải thưởng cao quý của thế giới. Bà Kim Phúc, năm nay 55 tuổi, sau này trở thành một trong những tiếng nói được cộng đồng quốc tế chú ý, cổ vũ cho hòa bình, chống lại bạo lực và hận thù. Bà được vinh danh trong một buổi lễ long trọng hôm thứ Hai 11/2 nhờ các nỗ lực không mệt mỏi để giúp trẻ em bị thương trong chiến tranh.
Lễ trao giải diễn ra tại Nhà hát Semperoper ở thành phố Dresden, bang Sachsen, miền đông nước Đức. Giải Hòa bình Dresden đi kèm với món tiền thưởng 10.000 euros.
Giải Hòa bình Dresden là một giải thưởng hàng năm được lập ra từ năm 2010, để nhắc nhở về số phận của thành phố Dresden, một thành phố đã bị lực lượng đồng minh ném bom vào cuối ThếChiến II,khiến trung tâm thành phố bị phá hủy hoàn toàn, và giết chết hàng nghìn thường dân.
Sau khi tái thống nhất nước Đức vào năm 1990, Dresden lấy lại được vị thế quan trọng của mình, và trở thành một trong các trung tâm văn hóa, giáo dục, chính trị và kinh tế của nước Đức.
Trong số những nhân vật từng được trao Giải Hòa bình Dresden, có cựu lãnh đạo Liên bang Xô viết Mikhail Gorbachev.
Bà Kim Phúc hiện cư ngụ ở Canada và là một Đại sứ thiện chí của UNESCO.
Tấm ảnh "Cô bé Napalm" đã gây chấn động dư luận quốc tế và được cho là đã góp phần làm thay đổi cái nhìn về chiến tranh Việt Nam, đồng thời giúp tác giả của nó, nhiếp ảnh gia Nick Ut, đoạt giải thưởng báo chí Pulitzer vào năm 1973.
*******************
Cuộc chiến chống các trạm ‘BOT bẩn’ nóng trở lại (VOA, 13/02/2019)
Các hoạt động phản đối nhiều trạm thu phí đặt sai vị trí trên các quốc lộ Việt Nam đang nóng lên trong những ngày của nửa đầu tháng 2/2019, cả tại hiện trường lẫn trên mạng xã hội.
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh và bạn bè chống BOT bẩn, tháng 2/2019
Trong những năm qua, nhiều đoạn quốc lộ hoặc cây cầu được các công ty tư nhân xây mới hoặc cải tạo theo hình thức hợp đồng xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT). Để thu hồi vốn, họ được nhà nước cho phép lập trạm thu phí cho các công trình đó trong một khoảng thời gian nhất định.
Tuy nhiên, công chúng Việt Nam trở nên bất bình rõ rệt từ hè 2017, sau những cuộc điều tra độc lập của một số nhà báo và người dân cho thấy có các trạm BOT đặt sai vị trí hoặc thu phí quá thời hạn cho phép. Trên mạng xã hội, những trạm như vậy bị gọi là các "trạm BOT bẩn".
Nhiều tài xế đã phản kháng ở một loạt địa phương trên khắp đất nước bằng cách dùng tiền lẻ để trả phí, hoặc dừng xe tranh cãi với nhân viên thu phí, gây ùn tắc. Trong nhiều trường hợp, các trạm đã miễn hoặc giảm phí khi phải đối đầu với các tài xế, hiện tượng này thường được báo chí và mạng xã hội gọi là "xả trạm" hoặc "thất thủ".
Tình hình đó đã dẫn đến việc các công ty đầu tư hoặc quản lý các công trình BOT phối hợp với nhà chức trách địa phương để đối phó. Thậm chí, ở cấp chính quyền trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký một công điện hôm 18/1/2018 cảnh cáo rằng nhà chức trách "sẽ xử lý" những ai "có hành vi cản trở giao thông" tại các trạm BOT.
Nhưng các hành động đấu tranh lúc âm ỉ, lúc bùng nổ vẫn diễn ra trong cả năm 2018 và tiếp tục sang đầu năm 2019.
Chống BOT, bị cấm đi trên đường cao tốc ?
Mới đây, sự chú ý của công chúng tăng cao sau vụ một công ty quản lý đường cao tốc Long Thành-Dầu Giây gần thành phố Hồ Chí Minh hôm 10/2 ra quyết định "từ chối phục vụ vĩnh viễn" đối với 2 xe ô tô mang biển số 51A-55850 và 51G-77256.
Theo tìm hiểu của VOA, những người đi trên 2 xe nêu trên đã không trả tiền tại trạm thu phí, dừng xe tại đó, và hô hào các lái xe khác cũng không trả phí.
Nhóm các lái xe lâu nay đấu tranh chống BOT nói họ không quen biết những người trên 2 xe trong vụ việc, và nhận định rằng sự phản ứng của những người đó có thể là "bức xúc nhất thời".
Trên báo chí trong nước, công ty quản lý đường cao tốc có tên gọi tắt là VEC E quy cho nhóm người đi 2 chiếc xe kể trên "đã cố tình gây rối".
Bất chấp cách mô tả của VEC E, báo chí chính thống của nhà nước và dư luận trên mạng xã hội đã nhanh chóng chỉ trích quyết định của công ty, gọi đó là "sự lộng hành vô pháp". Họ nhấn mạnh rằng chỉ có các cơ quan có thẩm quyền như Bộ Giao thông-Vận tải hoặc Bộ Công an mới có thể ra một quyết định như vậy.
Các báo Tiền Phong, Thanh Niên và một số báo khác trích lời các luật sư Nguyễn Tri Đức hay Trần Hải Đức khẳng định rằng việc "từ chối phục vụ" của VEC E thực chất là hành vi trái luật, vì công ty không có thẩm quyền quản lý nhà nước, cho dù các phương tiện có vi phạm đi nữa. Do đó, theo hai luật sư, VEC E phải "hủy ngay quyết định từ chối phục vụ" của họ. Đây cũng là quan điểm được một số luật sư khác đưa ra trên mạng xã hội.
Trạm thu phí Long Phước thuộc quản lý của Công ty VEC E
Tin tức mới nhất trong ngày 12/2 cho hay lãnh đạo của Tổng Công ty đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam, công ty mẹ của VEC E, đã gửi một văn bản đến công ty con, thừa nhận rằng : "Việc VEC E đề xuất từ chối phục vụ vô thời hạn đối với 2 phương tiện mang BKS 51A-55850 và 51G-77256 trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý là chưa đủ cơ sở".
Song song với sự kiện này, dư luận cũng dành sự chú ý lớn trong nhiều ngày nay tới hành trình Tết xuyên Việt chống BOT bẩn" của nhà báo Trương Châu Hữu Danh và các tài xế đồng hành.
Nhà báo trẻ nổi tiếng trong nhiều năm nay với khoảng 100.000 người theo dõi trên mạng xã hội từng tuyên bố anh và các bạn hữu "đấu tranh cho sự minh bạch, nhất là minh bạch trong BOT giao thông".
Bị truy tố vì không trả phí
Trong hành trình xuyên Việt vừa qua, theo lời kể trên Facebook cá nhân của anh Danh, nhóm của anh đã gặp rắc rối tại Nghệ An hôm 9/2, tức mùng 5 Tết.
Anh Danh thuật lại rằng một trong ba xe của nhóm khi đi qua trạm BOT Bến Thủy đã "xin nợ tiền" hoặc "trả bằng thẻ ATM", nhưng không được nhân viên trạm đồng ý, dù vậy, người lái xe là anh Nguyễn Quang Tuy vẫn cứ đi qua trạm.
Một lúc sau xe anh Tuy bị xe của cảnh sát giao thông chặn lại. Kể từ thời điểm lúc đó là buổi trưa cho đến tối, nhiều "dân giang hồ bịt mặt" đã bao vây, đập phá và "khủng bố" cả 3 xe của nhóm, theo lời nhà báo Trương Châu Hữu Danh, dù nhóm đã di chuyển đến một trụ sở công an và có các nhân viên công an hiện diện quanh đó.
Giữa lúc căng thẳng diễn ra, một người bạn tại địa phương tên là Hóa và vợ là Loan đến thăm hỏi nhóm anh Danh thì bị nhóm giang hồ đánh đập dã man, anh Danh cho hay. Kèm theo các bài viết trên Facebook về vụ việc, nhà báo Hữu Danh cũng đăng nhiều đoạn video để làm bằng chứng.
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh từng bi "giam lỏng" vì chống BOT hồi giữa tháng 1/2019
Trong khi đó, trên báo chí nhà nước, sự việc được mô tả là anh Tuy "cố tình tông cọc tiêu phản quang để vượt trạm thu phí cầu Bến Thủy 2 và có hành vi chống người thi hành công vụ".
Lãnh đạo công an huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, nơi vụ rắc rối xảy ra, còn bác bỏ trên báo chí rằng "không có chuyện" vợ chồng anh Hóa bị đánh và xe của họ bị đập.
Theo các báo, công an Hưng Nguyên đã khởi tố, tạm giữ tài xế Nguyễn Quang Tuy và xe của anh.
Các thông tin về sự việc ở Nghệ An và chuyến xuyên Việt chống BOT bẩn của nhóm anh Danh đã dẫn đến nhiều phản ứng trên mạng xã hội lẫn trên báo chí chính thống.
Dư luận ủng hộ chống BOT bẩn
Nhà báo, võ sư Đoàn Bảo Châu viết trên trang Facebook cá nhân có trên 100.000 người theo dõi rằng "đã đến lúc chấm dứt BOT ở Việt Nam". Theo ông Châu, mô hình này cần sự minh bạch trong khi ở Việt Nam sự minh bạch "còn đang trốn rất kĩ" và "tham nhũng đang hoành hành ở mọi ngành nghề, mọi cấp độ". Ông bình luận thêm rằng "Một cách làm tốt vào tay những kẻ lưu manh thì lập tức sẽ thành công cụ hút máu của dân".
Blogger thường viết bài phản biện xã hội Đỗ Văn Ngà cũng có chung quan điểm cho rằng các trạm BOT gian dối là những chiếc "vòi hút máu" của dân. Trong một bài đăng lên Facebook, ông Ngà ước tính rằng ở một số trạm thu phí, số tiền báo cáo với nhà nước và số tiền bỏ ngoài sổ sách chênh lệch hàng tỷ đồng mỗi ngày ở mỗi trạm.
"Quá béo bở, nên ai muốn đánh dẹp BOT thì chúng cũng sẽ chiến tới cùng" ông Ngà viết, hàm ý nhắc đến các nhà đầu tư hoặc các công ty quản lý các công trình BOT.
Ông Ngà viết thêm : "…bọn BOT chỉ cần bỏ ra mỗi ngày trăm triệu để thuê công an và côn đồ để bảo vệ chúng, thì chắc chắn bọn này sẽ đến xếp hàng đông như quân Nguyên. Chính đám này sẽ hăm dọa trả thù, đánh đập những người dân nào dám đánh BOT của nó. Điều này ví như bọn BOT cướp tiền nhân dân, rồi dùng tiền đó mua roi quất vào nhân dân cho chừa thói đòi hỏi".
Luật sư Lê Công Định, nhà đấu tranh vì dân chủ từng bị bỏ tù, khẳng định trên trang cá nhân rằng ông "ủng hộ toàn xã hội đánh BOT bẩn".
Các bài viết kể trên đã tạo hiệu ứng lan truyền với hàng trăm lời bình luận cũng như hàng trăm lượt chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy đề xuất 4 điểm về chống tham nhũng trong BOT giao thông
Hiến kế chống tham nhũng BOT giao thông
Trên báo mạng Giáo dục Việt Nam, một bài đăng hôm 9/2 đã dẫn ra các ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, một chuyên gia ngành giao thông, "hiến kế" ngăn chặn chống tham nhũng BOT giao thông.
Các đề xuất của vị tiến sĩ bắt đầu với việc cần phải đặt trạm thu phí BOT "đúng vị trí". Ông Thủy nói "đặt trạm ở đường không liên quan nhằm thu tiền cả phương tiện không đi qua là rất vô lý".
Điều thứ hai ông Thủy nêu lên là "phải kiên quyết có 2 con đường trở lên mới được làm đường BOT". Một đường dành cho người dân đi và một đường BOT cho người sẵn sàng trả phí, theo vị tiến sĩ.
Bên cạnh đó, các trạm BOT phải thu phí tự động không dừng 100%, đó là điểm thứ ba trong phần hiến kế của ông Thủy. Ông nói thêm rằng kể cả áp dụng cách thu phí tự động không dừng, cũng vẫn phải thường xuyên kiểm tra, giám sát.
Đề xuất cuối cùng của vị tiến sĩ là phải có hội đồng giám sát, trong đó có đại diện là người dân. "Họ phải biết được số tiền doanh nghiệp thu như thế nào, có phần mềm kiểm tra, đo số xe thực tế đi qua trạm bao nhiêu một ngày. Minh bạch vấn đề BOT cần hơn bao giờ hết để đảm bảo trên nguyên tắc thu đúng, thu đủ", báo Giáo dục Việt Nam trích lời tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy.