Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

21/02/2019

Tương lai nào cho Phật giáo Việt Nam ngoài quốc doanh ?

VNTB

Đức Đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ đang bị đe dọa ‘áp giải’ về Thái Bình ? (VNTB, 21/02/2019)

Một nguồn tin cho biết, trong những ngày tới đây, nhân dịp có một phái đoàn chư tăng của chùa Vĩnh Nghiêm đến thăm Hòa thượng Thích Quảng Độ, sẽ có một vài nhân vật dân sự tháp tùng, và họ sẽ tìm mọi cách để ép đưa ngài Thích Quảng Độ về lại Thái Bình như một hình thức ‘an trí’ thời Pháp thuộc.

tangthong1

Đức Tăng thống (X), Hòa thượng Thích Nguyên Lý (XX) cùng một số chư tăng chùa Từ Hiếu, mồng 1 Tết Kỷ Hợi.

Kể từ khi Đức Đệ ngũ Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất rời quê nhà Thái Bình để về lại Sài Gòn vào cuối năm 2018, đến nay đã có ít nhất ba lần, vị Hòa thượng 91 tuổi này đã bị đe dọa ‘áp giải’ về lại Thái Bình.

Chuẩn bị lần thứ tư đe dọa ‘áp giải’ ?

Phật tử Diệu Thường kể rằng sau khi cô cháu gái của Đức Tăng thống đưa Ngài từ Thái Bình về lại Sài Gòn theo ý chỉ của Ngài, và chọn chùa Từ Hiếu ở quận 8 là nơi gửi trọn phần đời còn lại, thì cách đây hơn một tháng, ông Định – người cháu gọi Ngài theo thứ bậc dòng tộc là 'chú', đã đến tận chùa Từ Hiếu dự tính dùng vũ lực để ép Đức Tăng Thống về lại Thái Bình.

Sau khi nghe Phật tử Diệu Thường thuật lại câu chuyện, Hòa thượng Thích Nguyên Lý, trụ trì chùa Từ Hiếu đã hỏi ý Đức Tăng Thống : "Ông Định, cháu của Ngài muốn đưa Ôn Ngài về lại Thái Bình, Ôn Ngài nghĩ sao ?". Ngài nói : "Tôi đã phải rời bỏ Thái Bình về đây vì ở đó tôi rất bất an, không sống nổi, giờ còn về lại đó làm gì ? Đó là nhà của anh chị tôi năm xưa. Tôi là người tu thì phải ở chùa chứ sao lại ở nhà". 

Vài hôm sau đó, trong lễ tang vị Hòa thượng trụ trì Thiền viện Thanh Minh, quận Phú Nhuận, Sài Gòn, ông Định cùng 'nhóm người nào đó' tìm mọi cách để buộc Đức Tăng Thống rời chùa Từ Hiếu, bằng việc cho người đến cung thỉnh Đức Tăng Thống về Thiền viện Thanh Minh để làm chủ các nghi thức tang lễ, gọi là Trưởng ban lễ tang. Sau đó nhân cớ này sẽ tiếp tục đưa ngài về lại Thái Bình.

Hòa thượng Thích Nguyên Lý nói rằng đó là buổi trưa ngày 18/01/2019, khi thỉnh Ôn Ngài đi viếng Hòa thượng Thanh Minh, Ngài bảo : "Tôi đã vào thăm Hòa thượng Thanh Minh trong bệnh viện Pháp Việt rồi, giờ tôi yếu không muốn đến chỗ đông người, tình nghĩa giữa chúng tôi như vậy là đã trọn vẹn lắm rồi".

Hòa thượng Thích Nguyên Lý kể về lần đe dọa thứ ba : "Chiều 18/01/2019, vợ chồng ông Định đến chùa xin gặp Ôn Ngài để mời Ngài về nhà đám giỗ bà nội. Tôi có kể lại việc hôm 17/01/2019 (12 tháng chạp) có thưa với Ôn Ngài về ngày giỗ của thân mẫu Ôn. Ngài nói : "Mẹ tôi qua đời đã lâu rồi, vả lại sau 49 ngày là mẹ tôi đã về cảnh giới của bà : đến ngày giỗ mẹ, tôi chỉ tưởng niệm trong tâm. Thầy chỉ cần hoa quả xôi chè tưởng niệm ngày mất của mẹ tôi là đủ. Còn ở gia đình các cháu muốn làm gì thì cứ tùy ý mà làm, sao cho thanh tịnh và đơn giản, cốt là tưởng nhớ ân đức của tổ tiên ông bà…". 

Tôi không cho ông Định gặp Ôn Ngài, vì các lý do sau : thứ nhứt, ngày 11/01/2019, khi ông tới chùa , trước mặt Hòa thượng Quảng Độ và tôi, ông đã nhào tới đòi đánh cô Diệu Thân là người chăm sóc Ôn Ngài, khi cô ấy không muốn rời khỏi phòng khách. Cô Thiên Hương phải ra tay ngăn cản.

Thứ hai, ngày 16/01/2019, khi tôi đang làm từ thiện ở Phú Yên, ông Định đã dẫn đoàn 7 người đến chùa Từ Hiếu mượn cớ thỉnh Ôn Ngài về Thanh Minh Thiền Viện thắp nhang cho Hòa thượng Thanh Minh, nhưng thực ra là sau đó ông áp giải Ôn Ngài về lại miền Bắc. Âm mưu này đã được một Phật tử cho hay trước khi phái đoàn của ông Định đến chùa Từ Hiếu. Vì vậy các Thầy trong chùa đóng cửa phòng Ôn Ngài theo lệnh của tôi điện về, không cho phái đoàn tiếp xúc Ôn Ngài. Ông Định đã đập phá cửa phòng ngay cầu thang phòng Ngài ở làm cho Ôn Ngài hốt hoảng bất an suốt ngày hôm đó.

Thứ ba, ông Định đã gọi điện cho em gái ở Thái Bình tuyên bố sẽ "chém chết cô Diệu Thân rồi chấp nhận vô tù".

Vì ba lý do trên, từ nay tôi không cho ông gặp Ôn Ngài. Sau đó, ông Định bước ra sân la lối và dọa sẽ kiện thầy Nguyên Lý ra tòa".

Một nguồn tin được xác nhận, vào tối ngày rằm tháng Giêng Kỷ Hợi, từ Thái Bình, ông Định đã quay trở lại Sài Gòn với toan tính sẽ cùng đoàn chư tăng chùa Vĩnh Nghiêm đến thỉnh an Đức Tăng thống trong vài ngày tới. Liệu đây sẽ là lần đe dọa thứ tư cho ‘áp giải’ Đức Tăng thống về lại Thái Bình ?

Hòa thượng Thích Quảng Độ : biểu tượng của Phật giáo Việt Nam Thống nhất

Với nhiều người dân miền Nam, Hòa thượng Thích Quảng Độ là biểu tượng của một nhà hoạt động vì quyền tự do tôn giáo. Sau tháng 4 năm 1975, Hòa thượng được chính quyền Hà Nội xem là một nhân vật bất đồng chính kiến cần phải cô lập. Ngài đã trải qua nhiều năm tháng tù đày, sách nhiễu.

Ngài nhiều lần được chính giới quốc tế đề cử giải Nobel Hòa Bình vì đã dành cả cuộc đời tranh đấu bất bạo động cho công lý, hòa bình, nhân quyền, dân chủ. Hòa thượng Thích Quảng Độ được trao Giải tưởng niệm Thorolf Rafto vinh danh các nhà hoạt động nhân quyền năm 2006. Cùng năm, Ngài được nhận giải Can đảm vì Dân chủ do Phong trào Dân chủ Thế giới trao tặng. Trước đó, năm 2003, Ngài từng lãnh giải thưởng nhân quyền quốc tế Homo Homini cùng với Hòa thượng Thích Huyền Quang và linh mục Nguyễn Văn Lý. 

Năm 1995, Ngài bị bắt giam và bị phạt 5 năm tù và 5 năm quản chế với cáo buộc "phá hoại chính sách đoàn kết và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước". Dưới áp lực của Hoa Kỳ, Ngài được trả tự do năm 1998 và đến tá túc tại Thanh Minh Thiền viện, quận Phú Nhuận, Sài Gòn, trong tình trạng bị quản thúc dài hạn. Giữa tháng chín năm ngoái, Ngài bị buộc phải hồi hương quê nhà Thái Bình, nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó, Ngài đã quay lại Sài Gòn.

Hòa thượng Thích Quảng Độ từng là giảng sư đại học, một nhà văn, một dịch giả với một kho tác phẩm rất đáng kính nể : Kinh Mục Liên Sám Pháp : Kinh Đại Phương tiện Phật Báo Ân : Thoát vòng tục lụy, Sài Gòn 1962 (truyện dịch từ Hán văn của Tinh Vân) : Dưới mái chùa hoang, Sài Gòn 1962 (truyện) : Truyện cổ Phật giáo, Sài Gòn 1964 : Ðại thừa Phật giáo tư tưởng luận : Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận : Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận : Từ điển Phật học Hán Việt (2 tập) : Phật Quang Đại Từ điển (9 tập) : Chiến tranh và bất bạo động : Thơ trong tù (tháng 3 năm Đinh Tỵ đến tháng 11 Mậu Ngọ) : Thơ lưu đày (tháng 2 năm Nhâm Tuất đến tháng 2 năm Nhâm Thân)…

Minh Châu

*****************

Gia đình Phật tử : Bi – Tri – Dũng của hôm nay ? (VNTB, 20/02/2019)

"Từ Bi", lấy câu "Duy tuệ thị nghiệp" làm phương châm, đưa vào huấn dụ. "Tự dũng mãnh thắp đuốc lên mà đi" làm nền tảng, trong quá trình tu tập và hoằng dương chánh pháp ! Ba chữ nầy, cũng đã dược chọn làm châm ngôn cho tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam từ khi vừa được thành lập…

tangthong2

Gia đình Phật tử : Bi – Tri – Dũng của hôm nay ?

Gia đình Phật tử Việt Nam là một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên được thành lập từ những năm 1940, mang danh xưng chính thức là Gia đình Phật tử vào năm 1951 trên cơ sở các tổ chức giáo dục thanh thiếu niên theo tinh thần Phật giáo, do cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám sáng lập. 

Vào đầu thế kỷ 20 Gia đình Phật tử Việt Nam có hơn 150.000 Huynh trưởng và Đoàn sinh tham gia sinh hoạt thường xuyên.

Hiện nay, tổ chức Gia đình Phật tử tại nhiều chùa vẫn duy trì lịch sinh hoạt vào mỗi chủ nhật hàng tuần. Có nơi thì sinh hoạt vào chủ nhật sau mỗi 2 tuần lễ như chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài Gòn – một tự viện thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

Ghi nhận từ một số vị huynh trưởng ở Gia đình Phật tử tại Sài Gòn trước 1975, thì chính tinh thần Bi – Trí – Dũng đã tạo làn sóng thanh niên Phật tử ở Huế, Sài Gòn và nhiều tỉnh thành miền Nam sôi sục xuống đường phản đối chiến tranh. 

Sau năm 1973, làn sóng này vẫn tiếp tục được đẩy lên rất cao, mặc dù thực thi Hiệp định Paris thì quân đội Mỹ đã rút binh sĩ khỏi chiến trường ở miền Nam, và người lính Mỹ cuối cùng rời trại Alpha ở Sài Gòn vào ngày 29/03/1973. Như vậy, sau thời điểm đó, dễ dàng nhận ra là tinh thần Bi – Trí – Dũng đã bị thế lực phe phái chính trị lợi dụng. 

Sau tháng tư năm 1975, các tổ chức Gia đình Phật tử ngưng trệ mọi hoạt động. Các anh chị huynh trưởng số thì đi vùng "kinh tế mới" : số bị đi "cải tạo" : số khác thì "vượt biên" định cư tại nước ngoài. Nhiều văn phòng, cơ sở của các Ban Hướng dẫn Cư sĩ Phật tử bị trưng thu, niêm phong sau ngày 30/04/1975 : Hồ sơ, khí mãnh thì một phần lớn kỳ hiệu, ấn tín, quyết định công nhận chính thức đơn vị, và những văn kiện lịch sử không còn do bị tiêu hủy trong cơn binh lửa… 

Cho đến năm 1986 thì Gia đình Phật tử mới bắt đầu được dần khôi phục, khi mà chính quyền đã ‘quốc doanh hóa’ được tổ chức Phật giáo Việt Nam vào cuối năm 1981. 

Tuy nhiên mãi đến tháng 12/1995, Ban Tôn giáo Chính phủ với Thông tư số 01, mới chính thức cho phép Gia đình Phật tử sinh hoạt trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Rồi phải chờ hai năm sau đó, đến Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ IV tại Hà Nội, thì sinh hoạt Gia đình Phật tử mới được chính thức đưa vào Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cải tên Ban Hướng dẫn Cư sĩ Phật tử thành Ban Hướng dẫn Phật tử. 

Ban Hướng dẫn Phật tử có 2 phân ban trực thuộc : (1) Phân ban Hướng dẫn Cư sĩ Phật tử : (2) Phân ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử. Qua cơ chế này, các đơn vị Gia đình Phật tử trực thuộc Phân ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử tỉnh, thành. Phân ban này lại trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh, Thành hội. Mỗi đơn vị Gia đình Phật tử sinh hoạt nơi tự viện nào phải có sự bảo lãnh và chịu trách nhiệm của vị trụ trì nơi ấy.

Tiếp tục chờ đợi đến tháng 7 năm 2001, tại tổ đình Từ Đàm - Huế, mới diễn ra Đại hội Huynh trưởng Gia đình Phật tử toàn quốc lần thứ IX. Đại hội lần thứ VIII Huynh trưởng Gia đình Phật tử toàn quốc (cũng là đại hội cuối cùng trước khi lịch sử nước Việt Nam lật qua trang mới) được tổ chức tại Đà Nẵng vào các ngày 29, 30, 31/07/1973.

Chính cơ chế quản lý hành chính như nêu trên, đã khiến châm ngôn Bi – Trí – Dũng trở thành thuần túy là công cụ để phục vụ cho những yêu cầu đặt ra vào từng thời kỳ của Đảng cầm quyền. 

"Hiện nay sinh hoạt Gia đình Phật tử gần như hiếm hoi có các nội dung kêu gọi trách nhiệm của người Phật tử trước những bất công, oan khuất mà người dân Việt Nam đang phải gánh chịu. Tôi nghĩ rằng nếu như về mặt thể chế chính trị đã công nhận quyền được tự do lập hội, tự do công đoàn, thì ở đây cần trả lại cho sinh hoạt Gia đình Phật tử đúng như châm ngôn Bi – Trí – Dũng. 

Người đoàn sinh của Gia đình Phật tử phải hiểu trách nhiệm của mình với cộng đồng, để mạnh dạn lên tiếng cổ súy quyền tự do ngôn luận, tự do chính trị như thế hệ các cha anh từng là đoàn sinh Gia đình Phật tử trước năm 1975. Người đoàn sinh phải chia sẻ nỗi đau của người dân oan khuất đang bị cướp mất quyền tư hữu đất đai của chính họ. Người đoàn sinh Gia đình Phật tử không thể bịt tai, che mắt làm ngơ đồng ý phó mặc thế sự kiểu đã ‘có Đảng và nhà nước lo rồi’"... Nhà báo có bút danh Thảo Vy, một Phật tử ở Sài Gòn, chia sẻ.

Tâm sự với người viết, một vị Hòa thượng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất kể rằng việc huấn luyện về Bi – Trí – Dũng giờ đây cũng phải uyển chuyển, tránh để chính quyền lo ngại, và các huynh trưởng cũng tránh bị ai đó chụp chiếc mũ lợi dụng quyền tự do ngôn luận. 

Với góc nhìn của thực thi các cam kết trong CPTPP, các FTA mà Việt Nam đã ký kết, nếu Nhà nước Việt Nam thực sự tôn trọng quyền tự do lập hội hiến định, tôn trọng quyền tự do tôn giáo, cần chấm dứt ‘bao cấp đường lối tư tưởng’. 

Hãy để cho đoàn thể Áo Lam tự quyết qua đại hội, và tu chính nội quy mà không phân biệt chuyện là của tổ chức nào, là Phật giáo Việt Nam – tức Phật giáo ‘quốc doanh’ theo lý tưởng "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", hay Phật giáo Việt Nam Thống Nhất với nhiệm vụ "xiển dương Phật pháp, phụng sự chúng sinh, an bình quốc gia, xã tắc". Đó mới thực sự là Bi – Trí – Dũng của ngày hôm nay, của hậu chiến gần nửa thế kỷ, nhưng lòng người dường như vẫn còn mầm mống ly tán.

Minh Châu

Quay lại trang chủ
Read 657 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)