Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

23/02/2019

Cấm đụng lãnh đạo, đất vàng Đà Nẵng, phạm pháp nước ngoài, chỉ số kinh tế

RFA tiếng Việt

Báo Người Tiêu Dùng bị đình bản 3 tháng vì hỏi "Bao giờ Lê Hoàng Quân vào lò ?" (RFA, 23/02/2019

Ngày 22/02/2019, Cục Báo chí - Bộ Thông tin và truyền thông xử phạt báo điện tử Người Tiêu Dùng 65 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo điện tử trong thời hạn 3 tháng vì bài báo "Nhiều cấp dưới bị bắt giam và bị kỷ luật nặng, bao giờ ông Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân "vào lò" ?" - đăng trên báo này ngày 27/12/2018.

cam1

Hai ông Lê Hoàng Quân và Lê Thanh Hải khi đón Thủ tướng Anh tháng 7 năm 2015 - AFP

Quyết định xử phạt cũng yêu cầu Báo điện tử Người Tiêu Dùng phải cải chính, xin lỗi đối với thông tin sai sự thật.

Mạng báo Thanh Niên dẫn thông tin từ cơ quan chức năng cho hay, báo điện tử Người tiêu dùng bị kết luận vi phạm 2 lỗi, thứ nhất là thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong bài viết nêu trên.

Cụ thể là nội dung "lấp liếm việc giao đất cho 51 dự án phân lô bán nền ngay tại khu tái định cư và lấn ranh của người dân không thuộc quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm" bị cho là sai so với Thông báo số 1483/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ.

Ngoài ra nội dung trong bài viết của cơ quan ngôn luận Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng bị cho rằng "Thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án, sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong bài viết".

Thông tin sai được nêu là "Ít nhất đến lúc này, ông Lê Hoàng Quân và nhất là ông Lê Thanh Hải đã có dấu hiệu của việc "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "cố ý làm trái" gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng".

Trong Biên bản vi phạm hành chính về hoạt động báo chí của Cục Báo chí - Bộ Thông tin và truyền thông được lan truyền trên Facebook cho thấy, bà Đặng Thi Kim Hiền, Tổng biên tập báo Người Tiêu Dùng sau khi đọc biên bản "khẳng định không có ý kiến và không ký biên bản vi phạm hành chính".

Hồi năm 2018, báo Tuổi trẻ Online cũng bị đình bản 3 tháng và phạt 220 triệu đồng vì bài báo "Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình" đăng ngày 19/6/2018.

Bài viết cho rằng trong buổi tiếp xúc cử tri Thành phố Hồ Chí Minh "Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị của cử tri cần có Luật biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này".

Tuy nhiên theo Cục báo chí, thực tế ông Trần Đại Quang không nói câu này.

Theo báo cáo của tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) công bố hồi tháng 4/2018, thì Việt Nam được xếp vào danh sách quốc gia không có tự do báo chí.

Việt Nam vẫn đang cầm tù một phóng viên của Đài Á Châu Tự Do là anh Nguyễn Văn Hóa, trong khi đó một blogger khác là anh Trương Duy Nhất vẫn đang bị mất tích khi đang tìm kiếm quy chế tị nạn chính trị tại Thái Lan.

******************

Thanh tra việc mua bán 10 cơ sở đất "vàng" ở Đà Nẵng (RFA, 22/02/2019)

Tổng Thanh tra Chính phủ Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xác minh việc mua bán 10 cơ sở nhà đất ở Đà Nẵng mà cơ quan này chuyển hồ sơ, tài liệu từ tháng 10/2018. Đặc biệt trong những cơ sở này có liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ Nhôm, cựu thượng tá Công an.

cam2

Công nhân sau giờ làm việc tại một công trường xây dựng ở trung tâm thành phố Đà Nẵng hôm 15/02/2011. AFP

Truyền thông trong nước trích dẫn kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết, từ năm 2010-2016, Đà Nẵng đã thực hiện việc chuyển đổi 52 cơ sở nhà đất thuộc thành phố quản lý sang mục đích khác. Cụ thể, bán lại cho bên đang thuê 31 cơ sở, bán đấu giá 8 cơ sở, bán trực tiếp không thông qua đấu giá 8 cơ sở ; cho thuê, giao đất 50 năm và hoán đổi 5 cơ sở.

Thanh tra Chính phủ kết luận trong 52 cơ sở nhà đất được bán, chuyển đổi mục đích sử dụng khác có 8 cơ sở nhà đất bên thuê không mua thông qua hình thức đấu giá liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") nên Thanh tra đã chuyển hồ sơ, tài liệu và kết quả xác minh ban đầu sang Bộ Công an để tiếp tục làm rõ.

Đáng chú ý là 10 cơ sở đất "vàng" : Công ty cổ phần Lương thực Đà Nẵng và Công ty cổ phần Thương mại- Dịch vụ Đà Nẵng được mua 5 cơ sở nhà đất ; Công ty cổ phần Công Nghệ Phẩm Đà Nẵng được mua 3 cơ sở nhà đất ; Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Hưng Phát và Công ty cổ phần Đầu tư Nhất Gia Phúc được mua 2 cơ sở nhà đất.

Trong 10 cơ sở đất "vàng" trên có 4 cơ sở nhà đất theo quy định phải tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng UBND Thành phố Đà Nẵng lại ký hợp đồng cho thuê và ngay sau đó làm thủ tục bán lại cho bên thuê (Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Hưng Phát đối với cơ sở nhà đất số 47 Nguyễn Thái Học và số 2 Hải Phòng ; Công ty cổ phần đầu tư Nhất Gia Phúc với cơ sở nhà đất số 39 Pasteur và số 73 Nguyễn Thái Học).

Thanh tra kết luận việc UBND Thành phố Đà Nẵng bán 4 cơ sở nhà đất cho bên đang thuê không thông qua hình thức đấu giá là vi phạm Điều 58 Luật Đất đai 2003, Điều 61 Nghị định 181/2004 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Điều 7 Quyết định số 09/2007 của Thủ tướng về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước.

Xin được nhắc lại, ông Phan Văn Anh Vũ hay Vũ ‘Nhôm’ từng là thượng tá công an. Ông bỏ trốn sang Singapore nhưng bị nước này trục xuất về Việt Nam hồi đầu năm ngoái. Sau đó ông Phan Văn Anh Vũ bị tòa án Việt Nam tuyên 8 năm tù về tội ‘cố ý làm lộ bí mật nhà nước’ và sau đó thêm 17 năm tù về tội ‘lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản.’

*********************

Thêm người Việt bị bắt ở nước ngoài do phạm pháp (RFA, 22/02/2019)

Mạng Asia Times loan tin ngày 21 tháng 2 dẫn nguồn của Việt Nam Express cho biết ba nghi phạm có tên Đặng Tiến Trung, 30 tuổi, Phạm Văn Hùng hay Hưng, 28 tuổi và Lê Viết Lân, 22 tuổi bị bắt tại phi trường quốc tế Suwarnabhumi hôm ngày 16 tháng 2 lúc đang chờ máy bay để đi Anh.

cam3

Hình minh họa : công nhân Việt ở nước ngoài đang chờ về nước. AFP

Cơ quan chức năng sau đó tiến hành khám xét căn hộ chung cư nơi ba người này ở và phát hiện hơn 20 hộ chiếu giả với con dấu thị thực giả.

Trong vụ này còn có một người Thái tên Wichit bị bắt gần khu vực Khao San chẳng bao lâu sau đó với cáo buộc tòng phạm trong hoạt động buôn bán hộ chiếu giả. Nghi phạm này khi bị bắt bị tịch thu 56 ngàn bath, tương đương chừng 1.800 đô la Mỹ.

Cảnh sát Thái Lan buộc Đặng Tiến Trung tội sử dụng hộ chiếu giả, trong khi những người kia bị buộc đóng dấu thị thực nhập cảnh (visa) giả mạo vào hộ chiếu cho những người khác sử dụng.

Trong khi đó thì ở Malaysia, có 11 phụ nữ Việt Nam được cứu khỏi một đường dây mại dâm hôm tối Chủ nhật ngày 17 tháng 2 vừa qua.

Cũng theo tin Asia Times loan đi ngày 21 tháng 2 thì số phụ nữ Việt này được cứu cùng với hai phụ nữ Indonesia khỏi một khu có 12 phòng làm từ container tàu biển. Tại những phòng này họ bị những tên ma cô thuộc một băng đảng ở bang Johor cưỡng bức phải phục vụ tình dục cho khách mua vui.

Cảnh sát thuộc Lực lượng Chống buôn người và Dân nhập cư lậu của Malaysia cho biết cuộc đột kích vào một địa điểm trên đường Tanjung Kupang ở khu Gelang Patah thuộc bang Johor được tiến hành vào thời điểm trước nửa đêm ngày 17 tháng 2.

Trong vụ đột kích, cảnh sát bắt giữ tại hiện trường một người đàn ông địa phương 45 tuổi bị nghi là chủ của khu phòng vừa nêu cùng với hai tòng phạm, một người cũng là người Malaysia còn người kia là công dân Campuchia. Hai người đàn ông Indonesia và hai người Bangladesh cũng bị bắt do đi mua dâm trái phép.

Tại hiện trường, cảnh sát tịch thu được hơn 28 ngàn ringgit, tương đương chừng 6.800 đô la Mỹ, hai điện thoại di động, hơn 100 bao cao su và một cuốn sổ ghi các giao dịch mua bán dâm hằng ngày.

Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy băng ma cô dắt mối mua bán dâm tại khu phòng vừa nêu hoạt động được 4 tháng, khách hàng được nhắm đến là số công nhân xây dựng. Giá đi khách mỗi lần là 80 ringgit, tương đương chừng 20 đô la Mỹ.

******************

Chỉ số tự do kinh tế 2019 của Việt Nam tăng hạng (RFA, 22/02/2019)

Chỉ số tự do kinh tế năm 2019 (Index of Economic Freedom) của Việt Nam vừa được tăng lên hạng thứ 128 trên thế giới.

cam4

Ảnh minh họa chụp tại Cảng Hải Phòng, Việt Nam. Reuters

Mạng BizHub trích thông tin vừa nêu từ báo cáo của Heritage Foundation công bố hôm 21/2/2019.

Theo đó, điểm số của Việt Nam được cải thiện thêm 2,2 điểm, đạt 55,3 điểm so với năm ngoái. Nguyên nhân có sự gia tăng này là nhờ vào ‘sức khỏe’ tài khóa, tự do đầu tư và môi trường pháp lý.

Theo Heritage Foundation, tự do kinh tế là quyền cơ bản của mỗi con người để kiểm soát lao động và tài sản của chính mình. Trong một xã hội tự do về kinh tế, các cá nhân được tự do làm việc, sản xuất, tiêu thụ và đầu tư theo bất kỳ cách nào họ muốn, trong khi chính phủ cho phép lao động, vốn và hàng hóa được tự do di chuyển, v.v…

Chỉ số bao gồm 12 yếu tố định lượng và định tính, được phân thành bốn loại bao gồm luật pháp, quy mô chính phủ, hiệu quả điều tiết kinh tế và thị trường mở, tại 186 quốc gia.

Chỉ số cho thấy nền kinh tế Việt Nam mở rộng với tốc độ rất nhanh trong năm 2018 và sẽ được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Trung Quốc - Hoa Kỳ.

Heritage Foundation cũng cho biết, để tiếp tục tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam sẽ cần cải cách các doanh nghiệp nhà nước, giảm thâm hụt ngân sách, tăng tính minh bạch trong kinh doanh và tăng cường công nhận quyền sở hữu tư nhân.

Việt Nam cũng cần củng cố thể chế để làm cho chế độ điều tiết hiệu quả hơn, thu hẹp bộ máy quan liêu và làm cho nó minh bạch hơn, củng cố hệ thống tư pháp để thúc đẩy tự do kinh tế.

Chỉ số này dự kiến sẽ là một công cụ hữu ích cho nhiều đối tượng, bao gồm các học giả, nhà hoạch định chính sách, nhà báo, sinh viên, giáo viên và những người trong kinh doanh và tài chính, những người có thể sử dụng chỉ số trong nghiên cứu, chính sách công, kinh doanh và vận động để phân tích 186 nền kinh tế trên toàn thế giới.

Quay lại trang chủ
Read 481 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)