Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

29/12/2016

Cái gì cũng làm chính quyền cộng sản Việt Nam lo sợ

tổng hợp

Bộ trưởng công an đề xuất Bộ Chính trị ra chỉ thị chống chệch hướng kinh tế (VietnamNet, 29/12/2016)

Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết lần đầu tiên ông đề xuất Bộ Chính trị ban hành chỉ thị về công tác an ninh kinh tế, chống chệch hướng trong kinh tế. 

Tiếp tục hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng nay, Bộ trưởng Công an Tô Lâm báo cáo nhiều vấn đề liên quan đến công tác phòng chống tội phạm trong năm qua.

so1

Bộ trưởng Công an Tô Lâm

Ông cho hay, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ nhiều chủ trương giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo lợi ích an ninh quốc gia.

Đồng thời, chủ động phát hiện sơ hở, yếu kém của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại. Từ đó kiến nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan rà soát tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, các ngân hàng.

Cùng với đó, ngành công an đã tham gia tích cực đấu tranh gian lận thương mại, góp phần lành mạnh hóa thị trường, môi trường cạnh tranh, góp phần chống gian lận, thất thu thuế.

Ngăn chặn hoạt động thông qua kinh tế để chuyển hóa chính trị

Trong năm qua, ngành Công an đã tập trung vào công tác đảm bảo an ninh kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đảm bảo an toàn các công trình quốc gia, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động thông qua kinh tế để chuyển hóa chính trị.

"Lần đầu tiên tôi có đề xuất Bộ Chính trị ban hành chỉ thị về công tác an ninh kinh tế, chống chệch hướng trong kinh tế. Lần đầu tiên có nghị quyết về vấn đề này để sắp tới triển khai ở các ngành, các cơ quan, địa phương", Bộ trưởng Tô Lâm cho hay. Chỉ thị này sẽ được triển khai vào đầu tháng tới.

Theo Bộ trưởng Công an, thời gian qua ngành công an đã thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, Quốc hội, các chương trình quốc gia của Chính phủ về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Liên tục mở các cuộc tấn công trấn áp tội phạm hình sự, các băng nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp.

Cụ thể, năm qua triệt phá hơn 1.900 băng nhóm tội phạm, trong đó có nhiều băng nhóm nguy hiểm núp bóng công ty, doanh nghiệp ảnh hưởng xấu đến môi trường cạnh tranh.

Ông cũng cảnh báo sự xâm nhập, can thiệp của tội phạm hình sự vào các hoạt động kinh tế thông qua thành lập các doanh nghiệp làm vỏ bọc để tập hợp các đối tượng có tiền án, tiền sự hình thành băng nhóm tội phạm có hoạt động đâm thuê, chém mướn, cướp bóc tài sản, tín dụng đen, siết nợ, can thiệp các hoạt động đấu thầu, các hoạt động kinh tế.

Ngành công an còn tập trung quyết liệt đấu tranh tội phạm, kinh tế, tham nhũng, môi trường. Cụ thể đã phát hiện xử lý 16.823 vụ vi phạm trật tự về quản lý kinh tế, nhiều hơn năm ngoái 911 vụ ; 224 vụ vi phạm pháp luật tham nhũng, trong đó nhiều vụ tham nhũng lớn và phát hiện hàng trăm doanh nghiệp lợi dụng chính sách trốn thuế…

Năm qua, ngành cũng đã xử lý 3.319 vụ buôn lậu, 535 vụ gian lận thương mại, 645 vụ sản xuất buôn bán hàng cấm góp phần kiềm chế, giảm hoạt động buôn lậu. Đồng thời, xử lý 17.622 vụ vi phạm về môi trường, nâng cao ý thức doanh nghiệp, giải tỏa bức xúc người dân.

Tăng cường công tác Phòng cháy chữa cháy góp phần ngăn ngừa, giảm thiệt hại về người và của. Cụ thể đã kiểm tra xử lý 19.629 trường hợp vi phạm Phòng cháy chữa cháy, thu về cho ngân sách gần 38 tỷ đồng.

Phải chính thức thừa nhận việc di dân

Đối với kiến nghị góp phần tăng cường quản lý và phát triển ổn định kinh tế-xã hội năm 2017, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng đó là tăng cường quản lý xã hội, tăng cường quản lý di dân, di cư.

"Di dân là vấn đề trên phạm vi quốc tế, nhiều quốc gia phải đối mặt và chúng ta có thể có ảnh hưởng. Chúng tôi đã có phương án đối với vấn đề di dân di cư, các bất ổn của các nước xung quanh đối với nước ta, nhưng đó là phạm vi quốc tế. Trong phạm vi quốc gia chúng ta cũng nảy sinh các vấn đề di dân di cư mà nếu không làm tốt sẽ gây nên những dấu hiệu bất ổn trong điều hành, quản lý" - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Tô Lâm lấy ví dụ ở Tây Nguyên, trước đây có 1,1 triệu dân, bây giờ đã tăng lên 5,5 triệu người, nếu trong điều hành kinh tế - xã hội những chỉ số vẫn như cũ thì sẽ ảnh hưởng đến định hướng phát triển chung và ổn định trong nhân dân.

Nhiều địa phương dân lao động, di cư nơi khác đến còn đông hơn dân tại chỗ, gây khó khăn cho việc quản lý, tạo xung đột xã hội, gây mất ổn định xã hội.

Cả những thành phố phát triển, có những khu công nghiệp tập trung, thu nhập cao hơn rất nhiều lần thì dân tập trung ở đấy để thụ hưởng những ưu đãi.

Ông đề nghị phải chính thức thừa nhận việc di dân để tạo điều kiện ổn định cho những vùng này, những chỉ số kinh tế - xã hội cần được điều chỉnh, có điều chỉnh chính sách, số liệu, cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội.

"Khẩu hiệu chúng ta hiện nay là ổn định để phát triển, nhưng bây giờ đề xuất đổi lại phát triển để ổn định. Chúng tôi đề nghị tăng yếu tố ổn định trong dự thảo nghị quyết của CP", Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận kiến nghị của Bộ trưởng Tô Lâm. Thủ tướng cho biết vấn đề quản lý nhà nước về di dân do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phụ trách và sẽ chủ trì một hội nghị riêng về vấn đề này.

Thu Hằng

*********************

Bộ Quốc phòng thêm bốn thượng tướng (BBC, 30/12/2016)

 

so2

Duyệt quân ngày 02/09 - Ảnh minh họa - AP

Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa trao Quyết định thăng quân hàm lên Thượng tướng cho bốn sĩ quan, nâng tổng số thượng tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam lên 10 người.

Các tân thượng tướng là thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Đơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng CSVN, Ủy viên Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương ; thứ trưởng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương, Ủy viên Quân ủy Trung ương ; Phó Tổng tham mưu trưởng Nguyễn Phương Nam, Ủy viên Trung ương, Ủy viên Quân ủy Trung ương ; và Phó Đô đốc Hải quân, Phó Tổng Tham mưu trưởng Phạm Ngọc Minh.

Bộ Quốc phòng đã có sáu thượng tướng là các ông Nguyễn Chí Vịnh, Lương Cường, Phương Minh Hòa, Bế Xuân Trường, Võ Trọng Việt, Võ Văn Tuấn.

Các tân thượng tướng được ca ngợi là "những cán bộ, sĩ quan ưu tú của Đảng, Nhà nước và Quân đội, đã có nhiều chiến công, thành tích xuất sắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế".

Chủ tịch Trần Đại Quang kêu gọi họ "tiếp tục rèn luyện bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân".

Trong phỏng vấn nhân Năm mới 2017 với Thông tấn xã Việt Nam hôm 29/12, Chủ tịch Quang cũng khuyến cáo quân đội Việt Nam "phải chuẩn bị tốt về mọi mặt, sẵn sàng chiến đấu cao, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống".

Theo Luật sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam (sửa đổi) năm 2014, "Thứ tr­ưởng Bộ Quốc phòng có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng, Đô đốc Hải quân không quá sáu ; Phó Tổng Tham m­ưu trư­ởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị : mỗi chức vụ có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng không quá ba".

Theo quy định quân đội Việt Nam chỉ được có không quá 415 tướng, tuy nhiên con số thực tế cao hơn khá nhiều.

************************

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng : ‘Công an phải bảo vệ Đảng’ (BBC, 27/12/2016)

 

so3

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - REUTERS

Phát biểu tại Hội nghị Toàn quốc lần thứ 72 ngành công an Việt Nam, lãnh đạo Đảng Cộng sản, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh công an phải làm tốt 'công tác bảo vệ Đảng'.

Ông Trọng, người đã tham gia Đảng ủy Bộ Công an với tư cách ủy viên, nhắc ngành công an Việt Nam rằng :

"...lực lượng Công an phải làm tốt công tác bảo vệ Đảng. Bảo vệ Đảng là bảo vệ và giữ vững nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng...

"Bảo vệ các cơ quan đầu não, không để sơ hở, không để kẻ địch, bọn phản động, phần tử xấu thâm nhập...".

Như các phát biểu với cơ quan, ban ngành khác dịp cuối năm, Giáo sư Trọng nhắc lại chủ đề 'chống tự diễn biến' khi đọc diễn văn với hội nghị ngành công an tại Hà Nội hôm 26/12 vừa qua.

"Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược "diễn biến hòa bình", tăng cường sử dụng các biện pháp "mềm", tập trung làm chuyển hóa về chính trị tư tưởng, thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", kích động chia rẽ, đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang; bôi nhọ hòng phủ nhận vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng..". ông Trọng nhận định.

'Còn Đảng còn mình'

Trước tình hình đó, ông chỉ đạo ngành công an phải "là lực lượng tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, tuyệt đối kiên định mục tiêu, lý tưởng, con đường xã hội chủ nghĩa".

Giáo sư Trọng cũng xác nhận công an là ngành gắn liền với sự sống còn của Đảng Cộng sản ở Việt Nam, theo nguyên văn bài phát biểu đăng trên trang Quân đội Nhân dân chiều 26/12 :

"Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải là những người hết lòng trung thành với Đảng, chỉ biết 'còn Đảng, còn mình'".

Về các biện pháp tiến hành bảo vệ an ninh trật tự xã hội, nhất là tại các vùng biên giới, vùng dân tộc ít người, vùng có nhiều tín đồ tôn giáo, Giáo sư Trọng nêu lại nhu cầu làm tốt công tác dân vận, và " tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh, trật tự từ cơ sở" mà công an phải đóng vai trò chủ đạo.

so4

Công an chỉ đường - Ảnh minh họa (AP)

Trước đó, hôm 19/12/2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm đến Tổng cục Tình báo Quốc phòng và phát biểu tương tự về nhu cầu 'tuyệt đối trung thành với Đảng' của cơ quan này.

"Phải luôn khẳng định, Tình báo Quốc phòng là lực lượng tuyệt đối trung thành, đặc biệt tin cậy của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân".

Nhưng để làm được điều đó, ông nhắc về tính trung thực:

" Phải quan tâm giữ gìn sự tin cậy đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với Tình báo Quốc phòng, mà quan trọng nhất để có được điều đó chính là sự trung thực, giữ đúng nguyên tắc công tác và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ".

Ngoài ra, ông nêu nhận định và cũng là chỉ thị :

"Tổng cục II - Bộ Quốc phòng cần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, không để bị động, bất ngờ chiến lược".

Quốc phòng và an ninh

Có vẻ như những nhắc nhở của Tổng bí thư Trọng được nêu ra trong bối cảnh các chuyển biến lớn trên thế giới trong năm 2016 mà ông đã nói tới trong cả hai bài phát biểu với ngành công an và Tổng cục II.

Điều này cho thấy nhu cầu ứng phó tốt hơn trước các xu hướng thay đổi cơ bản trên trường quốc tế và trong chính xã hội Việt Nam những năm tới cho các cơ quan an ninh, tình báo và quốc phòng Việt Nam ngày càng phải được nâng cao, theo ý kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cũng liên quan đến an ninh và quốc phòng Việt Nam, cùng ngày Tổng bí thư Trọng đến hội nghị ngành công an 26/12, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì phiên họp đầu tiên của Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Hội đồng này đã thảo luận chỉ thị "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới" và chỉ đạo cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện "các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh năm 2017 và những năm tiếp theo".

Báo Quân đội Nhân dân khi tường thuật về phiên họp này vẫn nêu quân hàm Đại tướng của Chủ tịch Trần Đại Quang dù trong bức hình chỉ thấy ông Quang mặc complê chứ không mang quân phục.

Quay lại trang chủ
Read 670 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)