Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/03/2019

Số doanh nghiệp chết yểu, lương công nhân dệt may

Người Việt

Số doanh nghiệp ở Việt Nam ‘chết’ nhiều hơn số mới thành lập (Người Việt, 02/03/2019)

Lần đầu tiên số doanh nghiệp ở Việt Nam giải thể và "chết lâm sàng" vượt số thành lập mới, theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê.

doanhnghiep1

Hàng chục ngàn doanh nghiệp ở Việt Nam giải thể do bị "làm phiền". (Hình : Thanh Niên)

Báo Thanh Niên ngày 1 tháng Ba, 2019, dẫn phúc trình từ Tổng cục Thống kê cho hay, trong hai tháng đầu năm 2019, ở Việt Nam có 13.692 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể ; 3.156 doanh nghiệp đã giải thể, 13.519 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (tăng gần 21% so cùng kỳ năm 2018) trong khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới chỉ là 15.979 doanh nghiệp.

Như vậy, số doanh nghiệp đã chết và đang "chết lâm sàng" nhiều hơn số doanh nghiệp được thành lập mới là 869 doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung hầu hết ở các lĩnh vực : bán buôn, bán lẻ, sửa chữa xe hơi, xe gắn máy, công nghiệp chế biến, xây dựng.

Đây cũng là lần đầu tiên thống kê cho thấy, số doanh nghiệp của Việt Nam giải thể và chờ giải thể lại cao hơn số thành lập mới với khoảng cách khá lớn.

Về lĩnh vực hoạt động, trong hai tháng qua, số doanh nghiệp mới thành lập tại một số lĩnh vực đầu tư kinh doanh đều có tỷ lệ giảm sút so cùng kỳ. Trong đó, có 6.000 doanh nghiệp ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa xe hơi, xe gắn máy (giảm 7,3%) ; 2.100 doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (giảm 9,4%) ; 2.000 doanh nghiệp xây dựng (giảm 17,2%)…

Tin cho biết, trong năm 2018, Việt Nam có 131.275 doanh nghiệp được thành lập với tổng vốn ghi danh lên đến 1.478 tỷ đồng (63,7 triệu USD), là năm thứ tư liên tiếp có lượng doanh nghiệp thành lập mới và vốn ghi danh "đạt kỷ lục". Thế nhưng về hiệu quả kinh doanh ra sao thì chưa thấy cơ quan hữu trách thống kê.

Nói về nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, bày tỏ với báo Thanh Niên, bạn đọc Đoàn Công Nam cho rằng : "Việc giải thể doanh nghiệp có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên nguyên nhân người dân chúng tôi nêu ra đây mong cơ quan nhà2019) nước nên suy ngẫm : Quá nhiều cơ quan kiểm tra doanh nghiệp (thuế, tài nguyên môi trường, cảnh sát môi trường, lao động …) mà cơ quan nào cũng nêu điều nọ, nghị định kia để nhằm phạt là tiền doanh nghiệp. Tôi có ông bạn làm doanh nghiệp khai thác vật liệu xây dựng than phiền : ‘Họ không xem doanh nghiệp là bạn để giúp đỡ, hướng dẫn mà xem doanh nghiệp như tội phạm, vòi vĩnh’".

Trong khi đó, bạn Việt chỉ nói ngắn gọn : "Môi trường kinh doanh ô nhiễm, nên số doanh nghiệp ‘chết và chết lâm sàng’ nhiều hơn số doanh nghiệp thành lập mới là điều tất nhiên". (Tr.N)

**********************

Hàng triệu công nhân dệt may Việt Nam sống lây lất (Người Việt, 02/03/2019)

Tại Việt Nam hiện nay có tới 99% công nhân dệt, may không được trả lương đủ sống, theo phúc trình được Oxfam và Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn công bố tại buổi tọa đàm "Tiền lương không đủ sống và hệ lụy" diễn ra hồi 26 tháng Hai, 2019, tại trụ sở của Oxfam Việt Nam.

doanhnghiep2

Hàng triệu công nhân may Việt Nam làm việc hết sức nhưng vẫn đói khổ. (Hình : Người Lao Động )

Oxfam là liên minh quốc tế của 17 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia để tìm giải pháp lâu dài nhằm giải quyết tình trạng nghèo đói và bất công trên thế giới.

Báo Người Lao Động ngày 1 tháng Ba cho biết, phúc trình của Oxfam là kết quả khảo sát doanh nghiệp may có quy mô trên 200 công nhân, với 70- 80% số người lao động trực tiếp, trong đó 85-90% là nữ, ở nhiều khu vực.

Các doanh nghiệp trên cung ứng hàng cho các thương hiệu nổi tiếng như : K.hey, Target, GU, Uni Clo, Carrefour, SFG, Forevernew, Cotton On, Peacocks, Tesco, DP Garments, Gap, Splat, Camel, BVH, New Look, Primax, Morrison, Jorge, CK, Zara, Posco, Arcadia, Dunnes, Mango, Jamax…

Phúc trình nêu rõ : "Tại Việt Nam hiện nay, có tới 99% công nhân may không được trả lương đủ sống căn cứ trên mức sàn lương Châu Á là 8,.9 triệu đồng/tháng (384 USD) và 74% không được trả lương đủ sống căn cứ trên mức sàn lương của Liên minh Lương đủ sống Toàn cầu là 5,2 triệu đồng/tháng (225 USD). Ước tính lương cơ bản trung bình của 2,5 triệu lao động trong 60.000 doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam chỉ 3,7 triệu đồng/tháng (160 USD)".

Chị Thu Hà (35 tuổi, ở Hải Dương), làm công nhân may 18 năm cho biết, công việc vất vả nhưng tiền lương nhận được thậm chí không đủ đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, chứ nói gì đến việc chăm lo cho hai đứa con có cuộc sống tốt đẹp. Do vậy, chị Hà muốn nghỉ việc đi "xuất khẩu lao động" ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, giám đốc sản xuất của công ty nơi chị làm việc từ chối ký vào đơn xin nghỉ việc, yêu cầu chị sang gặp phòng nhân sự. Tại đây, chị Hà và nhiều đồng nghiệp khác bị từ chối đơn. Nếu tự ý thôi việc sẽ không được hưởng quyền lợi bảo hiểm của mình.

Câu chuyện của chị Hà cho thấy, một thực tế là công ty rất muốn giữ công nhân nhưng họ không giữ bằng động lực "tiền lương" mà bằng biện pháp hành chính.

Cũng theo phúc trình của Oxfam, 69% công nhân dệt may cho biết, họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình ; 28% công nhân nói rằng "tiền lương không đủ để bảo đảm chi tiêu ăn uống cho gia đình trong cả tháng, thường 50% phải vay tiền để mua thức ăn ; 53% không đủ khả năng điều trị khi ốm đau và có tới 94% công nhân không dám nghỉ ốm khi cần".

"Cuộc khảo sát cho thấy rất nhiều công nhân may có mức lương chưa đủ sống. Họ phải chi tiêu ở mức dè xẻn và hiếm khi chi tiền vào những khoản chưa thực sự cần thiết. Các chi tiêu cho giải trí, hoạt động xã hội và thậm chí về quê thăm gia đình và bạn bè, ít công nhân có thể dám chi trong tiền lương hàng tháng của họ. Có công nhân nhận mức lương sản phẩm đạt 10-12 triệu đồng/tháng (431-517 USD), nhưng họ thường làm việc hết sức. Mong đợi của công nhân may hiện nay là lương đủ sống trong điều kiện làm việc bình thường, trong giờ làm việc tiêu chuẩn và cường độ làm việc phù hợp", phúc trình nhận định.

Chưa hết, có tới 65% công nhân may tại Việt Nam thường xuyên phải làm thêm giờ và 37% công nhân cho biết họ thường xuyên phải vay mượn bạn bè, người thân hoặc hàng xóm để bù đắp chi tiêu.

Đặc biệt, phúc trình cũng cho thấy không chỉ thiếu thốn về vật chất, tiền lương không đủ sống còn đem tới những hệ lụy về tâm lý, sức khỏe của người lao động và doanh nghiệp cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Chị Nguyễn Thanh Phụng (37 tuổi, công nhân may ở Sài Gòn) hiện đang mắc bệnh tim mãn tính và huyết áp cao, sức khỏe rất kém nhưng vẫn thường xuyên phải làm thêm giờ chỉ để đạt đủ định mức và được hưởng mức lương tối thiểu.

Hay chị Lê Thị Hậu (27 tuổi, công nhân may ở Long An), hàng ngày vẫn tiếp tục cuộc sống tằn tiện, cần mẫn làm việc với cái bụng rỗng để tích góp từng đồng, vẫn đang chờ đợi những thay đổi tích cực và cụ thể hơn cùng với mong mỏi một mức lương đủ sống, một tương lai khá hơn cho bản thân và gia đình.

"Lương không đủ sống" là một bóng đen đang phủ lên, kìm hãm sự phát triển của ngành may xuất cảng của Việt Nam và kéo dài chuỗi ngày sống khó khăn của những công nhân, dù họ ngày ngày cần mẫn tới xưởng, thậm chí chấp nhận làm thêm giờ hay sống xa gia đình.

Bà Nguyễn Thị Lê Hoa, phó giám đốc tổ chức Oxfam tại Việt Nam khẳng định : "Tình trạng tiền lương thấp trong chuỗi cung ứng ngành may ở Việt Nam đang làm cho công nhân và gia đình họ bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Mức lương không đủ sống khiến người lao động bị bần cùng hóa, không được hưởng những nhu cầu sống tối thiểu, buộc họ phải làm thêm giờ dẫn đến những tổn hại về sức khỏe và thậm chí rơi vào nợ nần". (Tr.N)

Quay lại trang chủ
Read 520 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)