Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

01/03/2019

Xuất khẩu gạo, ô nhiễm không khí, xe công đón vợ, gang thép Thái Nguyên

RFA tiếng Việt

Gạo Việt Nam vẫn còn bấp bênh (RFA, 01/03/2019)

Xuất khẩu gạo trong hai tháng đầu năm 2019 đang bị sụt giảm về giá trị và được dự báo còn tiếp tục khó khăn. Nguyên nhân do đâu và ai sẽ là người chịu thiệt thòi nhiều nhất ?

gao1

Hình minh họa - Courtesy mard.gov.vn

Khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2019 ước đạt 837 ngàn tấn, tương đương 364 triệu USD, tăng 1,1% về khối lượng nhưng giảm 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 1/3/2019, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, nguyên Cục trưởng Chế biến Nông Lâm Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết :

"Cái này là do thường kỳ hàng năm, chứ không do gì cả, nhưng vấn đề thứ nhất do doanh nghiệp thu mua chờ giá nên nông dân bị thiệt thòi. Thứ hai là do phía nước ngoài biết giá sẽ giảm nên họ chờ. Các thị lớn như Philippines, Indonesia, rồi Trung Quốc chỉ mua 100 ngàn tấn gạo là ít quá. Chuyện hàng năm này thì ai cũng biết, nhà nước cũng biết, nhưng đúng ra chuyện thu mua cho dân nhà nước phải chuẩn bị trước. Chứ nước đến chân mới nhảy, rồi khi thủ tục đầy đủ xong là hết lúa rồi, đó là một cái dở".

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh kể lại chuyện ông biết được khi còn là Cục trưởng Chế biến Nông Lâm Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam :

"Về mua trữ gạo, nhà nước thì nói vốn nhiều lắm, nhưng khi tôi làm Cục trưởng quản lý nhóm doanh nghiệp thì họ nói với tôi, là tiếp cận nguồn vốn khó lắm, mà doanh nghiệp không có vốn sao mua trữ được".

Ông Trần Tuấn Kiệt, Giám đốc chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh của công ty xuất khẩu gạo Louis Rice, nhận định :

"Tình hình có thể là tháng 4 đến tháng 6 thì xuất khẩu gạo sẽ phát triển trở lại, còn hiện nay thì do vụ Đông Xuân rộ đồng quá, nhiều quá, các doanh nghiệp thu mua không kịp. Còn bên công ty tôi thì đa số không mua trữ lại do sẽ bị giam vốn, khi có hợp đồng thương mại hay chính phủ thì mới triển khai thu mua".

Khi trò chuyện với RFA hôm 1/3, Bác Nguyễn Văn Nguyên, một người trồng lúa lâu năm ở Huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, cho biết tình hình thực tế tại địa phương mình :

"Ở chỗ khác thì nhà nước mua hỗ trợ nông dân rồi trữ lại, ở đây thì chưa có, ở đây chỉ có thương lái mua chứ không có nhà nước mua. Thương lái thì họ ép giá mình, vì lúa sụt nên họ mua chậm lắm. Bên tỉnh Đồng Tháp còn bị thương lái đặt mua, rồi giá xuống quá thương lái bỏ cọc luôn".

gao2

Ảnh minh họa : Gạo xuất khẩu của Việt Nam Courtesy : VietNamExport

Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì nguyên nhân gây ảnh hưởng giá lúa tại Việt Nam, là do thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc vẫn chưa lên kế hoạch nhập khẩu gạo cho năm 2019. Còn các thị trường truyền thống như Phillipines, Indonesia đều đã nhập khẩu nhiều trong năm ngoái và hiện chưa có nhu cầu nhập khẩu thêm.

Liên quan vấn đề này Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nhận định :

"Thật ra thì giá gạo trên thị trường thế giới cũng có thay đổi nhưng không đáng kể. Cái chính là thường vụ Đông Xuân này thì thương lái vào mua gạo rất là nhiều, trong đó thị trường Trung Quốc là thị trường rất quan trọng. Cái câu chuyện chính là năm nay sức mua của Trung Quốc đối với gạo Việt Nam chậm, các hợp đồng bán sang Trung Quốc chưa mạnh. Cho nên nó tạo ra phản ứng dây chuyền, nhà xuất khẩu mà không bán được, thì các người mua sẽ không mua, thì người nông dân vẫn phải để lúa trên đồng vì thường bán lá bán ngay trên đồng".

Năm qua, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã chú trọng vấn đề chất lượng nhưng vẫn gặp khó khăn, các chuyên gia cho rằng, một phần do thị trường lớn là Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp hạn chế nhập khẩu, như đột ngột tăng thuế nhập khẩu 50%, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nhận định :

"Tôi nghĩ tác động chính là từ phía Trung Quốc, nhưng việc Trung Quốc tăng thuế cũng không phải việc chính. Bởi vì vừa qua Trung Quốc tăng thuế 50% là đánh vào gạo nếp. Vụ Đông Xuân này không phải là gạo nếp, mà do sức mua của Trung Quốc chậm".

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nhìn chung thì Trung Quốc chưa có đột biến gì về sản xuất lúa gạo, cũng như không có thay đổi hiện trạng tổng cầu của họ. Do đó ông cho rằng đây chỉ là biến động tạm thời, và trong năm nay tình hình sẽ thay đổi. Nhưng biến động này xảy ra vào lúc nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch rộ, đã gây một hiệu ứng không tốt về giá, làm người nông dân thiệt thòi.

Bác Nguyễn Văn Nguyên giải thích vì sao giá rẻ vẫn phải bán :

"Lúa sụt giá lắm em, mần ra thì cũng vừa đủ vốn chứ không có lời, tuy giá thấp nhưng lỗ thì cũng không lỗ. Giá thấp cũng vẫn phải bán vì không có chỗ phơi và chứa. Mình mần bao nhiêu thì mình cắt ngoài đồng rồi họ mua lúa ướt ngay đồng. Nông dân không có chỗ phơi nên phải bán hết".

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Việt Nam mặc dù là sản xuất buôn bán lớn nhưng vẫn qua thương lái, qua trung gian, qua thị trường biên mậu, nên bao giờ vào lúc thu hoạch rộ, nhất là Vụ Đông Xuân là vụ chính, và vùng chuyên canh chính là Đồng bằng sông Cửu Long thì giá lúa lúc nào cũng xuống.

Không chỉ riêng thương lái, ngay cả người buôn bán bình thường cũng biết cứ đến thời điểm này là đợt giá hạ để mua vào kiếm lời. Vì người nông dân không có kho và không có tiền để làm vụ sau nên họ phải bán lúa ngay trên ruộng, tình trạng này liên tục bị lợi dụng. Nên Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng chính phủ muốn tránh việc này thì cần xây dựng kho, cải tạo dịch vụ hậu cần… cho nông dân vay vốn. Đó là biện pháp áp dụng cơ chế thị trường để quản lý rủi ro.

Trong khi lạm phát cũng tương đối nhiều mà mười mấy năm nay giá lúa cứ như vậy, mà chi phí nhân công tăng, vật tư cũng tăng giá, gây khó cho nông dân. Vì vậy, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh cho rằng cần có biện pháp, để tính trước Đông Xuân sẽ có bao nhiêu lúa, đầu ra sẽ như thế nào ? Theo ông, phải mở rộng thị trường chứ không phải chỉ Philippines, Trung Quốc.v.v… Ngoài ra vấn đề truy xuất nguồn gốc, phải kết hợp nông dân và doanh nghiệp, để có được thương hiệu gạo tốt mới bán được cho các nước khó tính.

*******************

Việt Nam làm gì để đối phó với ô nhiễm không khí và bụi mịn-PM2.5 ? (RFA, 01/03/2019)

Từ đầu năm 2019 đến nay, truyền thông trong nước liên tục đăng tải thông tin chất lượng không khí tại hai thành phố lớn của Việt Nam, Hà Nội và Sài Gòn chạm ngưỡng nguy hại và nồng độ bụi mịn(PM2.5) vượt mức quy chuẩn.

gao3

Quang cảnh Hà Nội bị khói bụi về đêm. Hình chụp ngày 27/10/17. Courtesy : Ảnh chụp màn hình zing.vn

Đài RFA tìm hiểu các cơ quan chức năng và dân chúng tại Việt Nam đối phó với tình trạng vừa nêu như thế nào ?

Đạt ngưỡng báo động ?

Báo mạng Tuổi Trẻ Online liên tiếp đăng tải thông tin cập nhật về chỉ số chất lượng không khí (AQI) được ghi nhận suy giảm trong thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán ở hai hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Số liệu quan trắc tại các trạm đo chỉ số AQI trên 300, cho thấy nhiều nơi ở mức kém, chạm ngưỡng nguy hại.

Song song đó, Tuổi Trẻ Online còn dẫn nguồn cảnh báo từ giới chuyên gia khoa học và y tế liên quan tần suất bụi mịn (PM2.5) trong không khí ngày càng tăng, cụ thể trong tháng 1 năm 2019, nồng độ bụi mịn vượt mức 100, gấp 2 lần quy chuẩn quốc gia và trên 4 lần so với quy chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các chuyên gia y tế thế giới qua nhiều nghiên cứu y học xác nhận bụi mịn (PM2.5) gây tác hại lên sức khỏe con người với những căn bệnh chết người về hô hấp, ung thư, tim mạch…

Tuy nhiên, báo giới quốc nội cũng ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia trong lãnh vực môi trường lên tiếng lý giải tình trạng ô nhiễm không khí tại hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội diễn biến xấu và nguy hại trong thời gian từ đầu năm 2019 đến nay chỉ là do tình trạng đột biến trong hoạt động giao thông dịp lễ tết và tình trạng kẹt xe kéo dài trong phạm vi thành phố, theo như nhận định của Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, ông Hoàng Dương Tùng ; hay ông Hoàng Xuân Cơ, giảng viên khoa Môi trường của Đại học Khoa học Tự nhiên nói với Báo Người Đô Thị rằng không nên quá bi quan vì tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị của Việt Nam chưa đến mức nguy hiểm. Đồng quan điểm với hai vị chuyên gia này, Giáo sư-Tiến sĩ Khoa học Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp khẳng định với RFA :

"Nó không phải đến mức nguy hiểm vì đó chỉ là chỉ số đột xuất của một lần đo hoặc là một vài lần đo, chứ còn chỉ số so với tiêu chuẩn trung bình ngày, trung bình năm thì cũng bằng độ gần 2 lần quy định tối đa thôi. Cho nên, chỉ số này có cao hơn nhưng không giống như ở Bangkok hay ở Bắc Kinh. Thành ra, hiện nay vẫn là bình thường".

Cư dân thành thị nói gì ?

Trong khi đó, cư dân sinh sống ở Hà Nội và Sài Gòn cho biết họ ghi nhận tình trạng khói bụi trong những năm gần đây ra sao ? Một cư dân ở Hà Nội và cũng là một bác sĩ cho biết :

"Khỏang tầm hai, ba năm trở lại đây có những ngày bụi rất là ghê gớm. Vào buổi sáng thường có những hôm không nhìn thấy mặt trời do bụi. Người dân Hà Nội đi làm đa số đi bằng xe máy nên cảm nhận được bụi. Về nhà thấy mắt của mình bị khô và gỉ mắt ra đen sì, thứ hai nữa là bụi bám vào trong đường hô hấp, đọng lại ở mũi, hỉ ra ở mũi rất là đen và rất là nhiều.

Trong quá trình khám bệnh, tôi nhận thấy bụi gây ảnh hưởng đến rất nhiều nguời già và trẻ em. Đặc biệt là trẻ em vì cơ thể của các bé dễ bị bệnh. Có những bé cứ tuần này bị viêm đường hô hấp, viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản…uống thuốc, khỏi bệnh xong thì tuần sau lại bị tiếp. Nhiều bà mẹ, ông bố phàn nàn rằng một tháng con tôi bị bệnh đến 2,3 lần mà toàn là bệnh đường hô hấp".

gao4

Một cư dân ở Sài Gòn nói với RFA rằng phải bịt mặt suốt ngày trong lúc buôn bán bên hè phố vì bụi. RFA

Hai cư dân ở Sài Gòn chia sẻ :

"Tôi ở đây thì cứ việc bịt mặt miết thôi. Còn không bịt thì chịu không được. Bụi trắng phếu như vầy. Ngay ngã 3, gió xoáy từ đó theo hướng đến đây".

"Hai, ba năm trước đã thấy. Bây giờ thì hơn hay sao đó. Cần đi ra đường thì phải bị khẩu trang, đeo găng tay, chứ không có thì mình hít thở, chịu không nỗi đâu".

Đối phó thế nào ?

Bà Nguyễn Thị Anh Thư, chuyên viên nghiên cứu về chất lượng không khí, thuộc Tổ chức GreenID cho Tuổi Trẻ Online biết tổ chức này thực hiện báo cáo định kỳ đánh giá chất lượng không khí ở hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội trong 3 năm trở lại đây với kết quả cả hai thành phố đang đối mặt ô nhiễm bụi mà nồng độ bụi mịn (PM2.5) trong không khí ở mức cao.

Trong một báo cáo về tình trạng môi trường không khí năm 2010 của Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, thuộc Bộ Giao thông-Vận tải thực hiện cho thấy bụi khói thải ra nhiều nhất từ công nghiệp ; trong đó nhiệt điện chiếm 40%, dân dạng than dầu khí chiếm 33%, giao thông vận tải 22% và theo quy hoạch phát triển nhiệt điện than của Việt Nam thì khí thải nhiệt điện than được cho là sẽ tăng gấp 5%.

Chuyên gia Nguyễn Thị Anh Thư của GreenID còn cho rằng nguyên nhân hàng đầu khiến chất lượng không khí suy giảm ở các thành phố lớn tại Việt Nam là do sự gia tăng các nguồn gây ô nhiễm nội ô như các hoạt động xây dựng và sinh hoạt của người dân cùng với số lượng các phương tiện giao thông và đặc biệt là các nguồn khí thải theo hướng gió từ các khu công nghiệp hay ô nhiễm không khí xuyên biên giới từ các nước láng giềng ảnh hưởng đến Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung.

Đài Á Châu tự Do ghi nhận không chỉ thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam bị xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí mà các thành phố lớn ở những quốc gia Châu Á như Bangkok, Thái Lan ; Seoul, Hàn Quốc ; Bắc Kinh, Trung Quốc ; New Delhi, Ấn Độ cũng bị chìm ngập trong bụi mịn (PM2.5) và khói độc. Các quốc gia này cho biết có những biện pháp ngắn hạn và dài hạn để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí như khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, giảm phát khí thải nhà máy, kiểm soát bụi từ hoạt động xây dựng, cắt giảm lượng lớn than đốt, hạn chế lượng xe và các phương tiện vận tải công cộng, phun mưa nhân tạo để làm sạch không khí…

Trả lời câu hỏi của RFA rằng những biện pháp đối phó tình trạng ô nhiễm không khí mà các cơ quan chức năng của Việt Nam có thể thực hiện trong ngắn hạn và dài hạn gồm những gì, Giáo sư-Tiến sĩ Khoa học Phạm Ngọc Đăng cho biết :

"Thật ra khi chỉ số trung bình ngày, trung bình năm vượt qua khoảng 3,4 lần lên thì mới báo động. Bấy giờ coi như là giống như các nước khác thôi, phải hạn chế xe cộ hoặc là hạn chế sản xuất hay người già, phụ nữ, trẻ em không nên ra ngoài trời…Nhưng Việt Nam chưa đến mức độ như vậy, cho nên Nhà nước chưa có biện pháp gì gọi là báo động cả".

Trái lại, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Khải cho rằng Việt Nam lơ là trong việc khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí để bảo vệ sức khỏe cho người dân :

"Số người bị ung thư đến bệnh viện rất nhiều, đông hơn cái chợ. Người chăm sóc cũng rất nhiều, kể cả nhân viện bệnh viện, kể cả người thường. Tốn rất nhiều sức lao động vào đấy. Chi phí rất nhiều. Tiêu tốn ra rất nhiều. Đấy là bằng chứng rõ nhất ! Như người ta bảo rằng cá chết hồi biến cố thảm họa môi trường biển Formosa chết là do thủy triều đỏ. Nhưng tôi nói không phải là thủy triều đỏ thì có ai lên tiếng phản biện với tôi không ? Tôi đọc các thông tin về nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường đều thiếu. Thế tại sao các cơ quan chức năng không mời chuyên gia đến họp về ô nhiễm môi trường ? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bảo rất muốn nghe ý kiến của các nhà khoa học. Thế làm thế nào góp ý được ? Suốt ngày thấy ông trên tivi nói rằng các vấn đề khoa học cần được giải quyết, mà ông bận đi khắp nơi và tôi trình bày thì mất cả ngày. Thế ai nghe ?"

Ô nhiễm không khí được giới chuyên gia thế giới gọi tên là "sát thủ thầm lặng và toàn diện (silent mass killer) vì không chừa bỏ một ai, do bụi khói xâm nhập buồng phổi suốt 24 giờ, không thể không hít thở được.

Theo ghi nhận của Kỹ sư Phạm Phan Long, Chủ tịch tổ chức Viet Ecology có trụ sở ở Mỹ, trong hai năm 2016 và 2017, bụi mịn (PM2.5) tại hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, dựa theo dữ liệu hai trạm quan trắc của Hoa Kỳ tại Việt Nam có thể ước lượng đã gây ra 13 ngàn trường hợp tử vong hàng năm và theo nghiên cứu của Tiến sĩ Lê Việt Phú, Đại học Fulbright Vietnam cho biết mỗi năm Việt Nam có khoảng 40 ngàn người chết do ô nhiễm không khí.

Kỹ sư Phạm Phan Long cũng như Tiến sĩ Nguyễn văn Khải cùng cảnh báo nếu Việt Nam không chủ động nhanh chóng đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí ngay từ bây giờ thì tử vong và tổn thất kinh tế sẽ tăng nhanh trong hai thập niên tới. Riêng kỹ sư Phạm Phan Long còn nhấn mạnh rằng người dân Việt Nam sẽ phải gánh chịu ô nhiễm từ điện than đến những 30 lần rủi ro nhiều hơn so với dân chúng ở Trung Quốc.

Hòa Ái

*******************

40 làng nghề ở Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng (RFA, 01/03/2019)

Có đến 40 làng nghề bị phát hiện gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khi cơ quan chức năng khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề theo Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề ở Hà Nội.

gao5

Ảnh minh họa : Sản xuất nhang ở ngoại thành Hà Nội hôm 3/1/2019. AFP

Truyền thông trong nươc loan tin vừa nêu hôm 1/3/2019.

Việc khảo sát do Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội thực hiện theo Đề án "Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030".

Cụ thể, có 57 làng nghề ô nhiễm môi trường nước, 22 làng nghề ô nhiễm môi trường không khí, về môi trường đất chỉ kiểm tra 37 làng nghề và có 5 làng nghề ô nhiễm.

Theo Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội đây sẽ là cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh để có kế hoạch xử lý ô nhiễm phù hợp với từng loại hình sản xuất, với điều kiện thực tế của địa phương.

Cũng tin liên quan môi trường, hôm 1 tháng 3, lực lượng chức năng đã tìm ra người đổ hóa chất xuống khiến kênh thủy lợi đoạn qua xã Tam Phước và Tam An, huyện Phú Ninh, Quảng Nam làm cá chết hàng loạt.

Khi trả lời báo chí trong nước, thượng tá Nguyễn Văn Phong, Phó công an huyện Phú Ninh cho biết, thủ phạm là ông Đ.N.M., 45 tuổi sống ở thôn Phú Mỹ, xã Tam Phước. Vào chiều ngày 26/2, ông M. đã đem một thùng phuy có chứa dung dịch hóa chất đến bờ kênh thủy lợi để súc rửa và gây nên tình trạng kênh bị nổi bọt trắng kéo dài khoảng 500m và làm cá chết hàng loạt.

Tin cho biết, công an huyện Phú Ninh đã thu giữ chiếc thùng phuy và tiếp tục xác minh nguồn gốc dung dịch để làm rõ vụ việc.

*****************

Vẫn chưa xử lý vụ xe công đón vợ Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ở sân bay (RFA, 01/03/2019)

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/3/2019, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết vụ xe biển xanh đón người nhà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ở sân bay Nội Bài hôm 4/1/2019 vẫn đang trong quá trình xử lý, chưa có kết quả.

gao6

Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh - AFP

Ông Hải cho biết khi có kết quả sẽ thông báo cho các cơ quan truyền thông.

Theo báo chí trong nước thì câu hỏi về việc xử lý chuyện xe công đón vợ bộ trưởng Trần Tuấn Anh từng được đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua, nhưng câu trả lời của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng không có gì thay đổi.

Bốn ngày sau vụ việc diễn ra, công luận tại Việt Nam phản ứng dữ dội, hôm 8/1/2019 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phải có thư xin lỗi gửi đến nhân dân, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng nghiệp trong ngành Công thương. Trong thư có đoạn "Với tư cách là người đứng đầu Bộ Công thương, đồng thời người trong gia đình có liên quan, tôi xin được nhận lỗi trước công luận vì đã để xảy ra sự việc này". Ông cho biết lý do chậm phản hồi là do đang nằm điều trị tại khoa tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, theo yêu cầu của Ban bảo vệ sức khỏe trung ương.

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ hôm 31/1/2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng phát biểu rằng "Chúng ta đều rút kinh nghiệm qua bài học tại Bộ Công thương, không mắc phải hay tái phạm như thế nữa. Tôi cho đây là sự theo dõi, giám sát của người dân và báo chí là rất tốt. Nếu không có sự phản ánh này thì chúng ta có thể bỏ qua các việc, dẫn đến nói một đằng, làm một nẻo thì không ổn".

Tuy nhiên sau cả tháng vụ việc lại được giải thích như cũ.

Tình trạng xe biển số xanh, tức xe công, bị sử dụng để làm việc riêng của những quan chức được bố trí xe từng được báo chí phản ánh nhiều trong những năm qua ; đặc biệt trong những dịp lễ, tết.

*******************

Bộ Cộng an điều tra vi phạm hình sự tại Nhà máy gang thép Thái Nguyên (RFA, 01/03/2019)

Thanh tra Chính phủ vừa chuyển hồ sơ sai phạm tại Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) sang Bộ Công An để điều tra, sau khi có kết luận thanh tra đối với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO hồi ngày 20 tháng 2.

gao7

Thanh tra Chính phủ cho biết vừa chuyển hồ sơ sai phạm tại Công ty Gang thép Thái Nguyên sang Bộ Công An để điều tra vì có những vi phạm hình sự. Courtesy : Ảnh cụp màn hình infonet.vn

Truyền thông trong nước cho biết thông tin vừa nêu được công bố tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2019, diễn ra vào chiều ngày 1 tháng 3.

Trong phiên họp báo, Thanh tra Chính phủ kiến nghị giao các bộ, ngành liên quan cùng Tổng Công ty Gang thép Việt Nam (VNS) và TISCO rà soát toàn bộ hợp đồng ký với nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn Xây lắp Luyện kim Trung Quốc (MCC) để khởi kiện theo quy định pháp luật.

Thanh tra Chính phủ cũng cho biết đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công An để điều tra những vi phạm có dấu hiệu hình sự.

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 tại Nhà máy thép Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi năm 2005, giao cho VNS thẩm định, xem xét, phê duyệt và TISCO là chủ đầu tư của dự án với mức tổng đầu tư là gần 4000 tỷ đồng, nhằm tạo khả năng sản xuất lên 500 ngàn tấn phôi thép/năm.

Tháng 7 năm 2007, TISCO ký kết hợp đồng một phần của dự án với MCC về thiết kế, cung cấp thiết bị, xây dựng và lắp đặt với giá trị gần 161 triệu đô la Mỹ (USD) cùng sự cam kết gói thầu không thay đổi mức giá trong thời gian thực hiện hợp đồng dự kiến 30 tháng.

Tuy nhiên đến năm 2012, VNS và TISCO gửi văn bản xin Bộ Công Thương điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên hơn 8 ngàn tỷ đồng, so với mức ban đầu vào khoảng gần 4300 tỷ đồng.

Theo kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ công bố, MCC chưa chuyển đủ thiết bị theo hợp đồng, cung cấp nhiều máy móc sai khác về xuất xứ, tình trạng máy móc hư hỏng, bị gỉ sét và dự án bị chậm tiến độ 10 năm, đã bị tạm dừng thi công từ năm 2013.

Điều đáng chú ý là TISCO đã thanh toán cho MCC trên 92% giá trị hợp đồng và còn thanh toán thay cho MCC tiền thuế 11,6 triệu USD cùng hơn 4,7 tỷ đồng chi phí bốc xếp bảo quản thiết bị vượt giá trị hợp đồng.

Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên nằm trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương Việt Nam.

Quay lại trang chủ
Read 519 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)