Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

04/03/2019

50 phụ nữ ảnh hưởng nhất, tự do ngôn luận, mua 100 máy bay, BOT bẩn

Tổng hợp

Forbes công bố danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 'VOA, 04/03/2019)

Tạp chí của Mỹ tại Việt Nam vừa công bố danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam vào ngày 4/3, chỉ ít ngày trước ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

vn1

Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (hàng trên, bên trái), Tổng giám đốc VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo (hàng trên, bên phải), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (hàng dưới, bên trái) và Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê.

Đây là lần thứ hai Forbes công bố danh sách này, dựa trên tiêu chí về ảnh hưởng tài chính, tầm ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng tích cực của họ đối với xã hội Việt Nam, Forbes cho biết trên trang web của tạp chí.

Xuất hiện trong "top 50" năm nay bao gồm những gương mặt trong nhiều lĩnh lực : chính trị, kinh doanh, khoa học-giáo dục, hoạt động xã hội, truyền thông-sáng tạo và giải trí-thể thao.

Trong lĩnh vực chính trị, những người được chọn bao gồm Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch thường trực quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng ban Dân vận trung ương Trương Thị Mai, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang Bùi Tuyết Minh, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc Nguyễn Thị Ngọc Đẹp.

Trong số 20 phụ nữ được bình chọn trong lĩnh vực kinh doanh năm nay, có nhiều gương mặt "quyền lực" quen thuộc như bà Mai Kiều Liên- Tổng Giám đốc Vinamilk, bà Cao Thị Ngọc Dung-Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận, bà Trương Mỹ Lan-Chủ tịch Vạn Thịnh Phát, bà Nguyễn Thị Phương Thảo-Chủ tịch thường trực HD Bank, Tổng Giám đốc VietJet Air, nơi vừa ký hợp đồng mua 100 máy bay của Mỹ trong kỳ thượng đỉnh Trump-Kim tuần qua…

Lĩnh vực khoa học và giáo dục có bà Phan Thị Hà Dương-Viện Toán học-Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, bà Trần Vân Khánh-Đại học Y Hà Nội, Phó Giáo sư Trần Thị Lý-Đại học Deakin, Úc, bà Lê Thị Kim Phụng-Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, bà Chu Cẩm Thơ-Sáng lập, Giám đốc nghiên cứu và phát triển POMath.

Có tổng cộng 16 gương mặt phụ nữ được bình chọn trong lĩnh vực hoạt động xã hội, truyền thông-sáng tạo và giải trí-thể thao, trong đó có Hoa hậu chuyển giới quốc tế 2018 Nguyễn Hương Giang, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, vận động viên điền kinh giành huy chương vàng ASIAD 2018 Bùi Thị Thu Thảo, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê, người sáng lập và điều hành trung tâm CHANGEVN Hoàng Thị Minh Hồng, Trưởng đại diện báo Phụ Nữ Nguyễn Thu Trang, người sáng lập dự án Sáng kiến Ung thư Muối Trương Thanh Thủy…

Lần đầu tiên Forbes bình chọn 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam là vào năm 2017.

Một chi tiết thú vị là danh sách những gương mặt phụ nữ trong lĩnh vực chính trị của danh sách năm nay gần như lặp lại của năm 2017. Chỉ có một người không có trong danh sách năm nay là bà Nguyễn Thị Phương Nga-Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, và thay vào đó là 2 tướng Công an Bùi Tuyết Minh và Nguyễn Thị Ngọc Đẹp.

Một chi tiết đáng chú ý khác trong lĩnh vực kinh doanh là sự vắng mặt của bà Nguyễn Thanh Phượng (con cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Bản Việt.

Đại diện của Forbes Việt Nam nói rằng điểm chung của những gương mặt phụ nữ trên là "tinh thần dấn thân, dám nghĩ dám làm, bền bỉ, giúp họ vươn lên thành công trong lĩnh vực của mình, đồng thời xác lập và khẳng định những giá trị mới với người phụ nữ hiện đại", Thư ký tòa soạn Võ Quốc Khánh cho biết trên trang web của tạp chí.

https://youtu.be/wHKK4NbAAh4?list=PL231429C17BE39E34

***************

Tự do ngôn luận : Giới nhân quyền hối thúc Liên Âu gây áp lực với Hà Nội (RFI, 04/03/2019)

Ngày 04/03/2019, Liên Hiệp Châu Âu dự kiến có cuộc đối thoại nhân quyền lần thứ 8 với chính quyền Việt Nam. Nhân dịp này, một số tổ chức nhân quyền lên tiếng kêu gọi Bruxelles gia tăng áp lực để Hà Nội chấm dứt đàn áp tự do ngôn luận, tôn trọng quyền lập hội, phóng thích tù nhân chính trị.

vn2

Một số nhà hoạt động và blogger Việt Nam bị bỏ tù vì bị coi là đối lập chính trị (Ảnh : www.hrw.org)

Cuộc đối thoại về nhân quyền lần thứ 8 Liên Âu-Việt Nam được tổ chức ở Bruxelles trong bối cảnh Nghị Viện Châu Âu có kế hoạch bàn thảo về Hiệp Định Tự Do Thương Mại Liên Âu-Việt Nam (EVFTA) trong những tháng tới. Giới bảo vệ nhân quyền hy vọng việc thông qua hiệp định thương mại này phải đi liền với việc cải thiện đáng kể tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.

Trong một thông báo ra ngày hôm nay, 04/03, Liên Đoàn Quốc Tế về Nhân Quyền (FIDH) và Ủy ban Bảo vệ Nhân Quyền Việt Nam (VCHR) kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu gây áp lực với Việt Nam yêu cầu "ngừng các cuộc đàn áp nhắm vào những người bất đồng chính kiến bày tỏ quan điểm ôn hòa, hủy bỏ các điều luật đàn áp, trả tự do ngay lập tức cho toàn bộ tù nhân chính trị".

Theo tổng thư ký Liên Đoàn Quốc Tế về Nhân Quyền, "các hành động tấn công đang diễn ra của chính quyền Việt Nam nhắm vào các quyền tự do chính trị và dân sự làm xói mòn khả năng của chính quyền trở thành một đối tác kinh tế bền vững của Liên Hiệp Châu Âu. Châu Âu cần gây áp lực để Hà Nội ngừng đàn áp xã hội dân sự và tiến hành khẩn cấp các cải cách về luật pháp và định chế".

Về phần mình, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch (HRW), cuối tháng 2/2019, cũng gửi một tờ trình đến Liên Hiệp Châu Âu để yêu cầu Liên Âu "gây sức ép để Việt Nam ngay lập tức phóng thích các tù nhân và những người bị tạm giam vì lý do chính trị ; chấm dứt đàn áp các quyền tự do ngôn luận, lập hội, nhóm họp và đi lại ; cho phép tự do thông tin ; ngừng can thiệp vào các công việc tôn giáo và có các biện pháp cụ thể để ngăn chặn nạn công an bạo hành».

Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền đánh giá năm 2018 là năm mà đàn áp nhân quyền tại Việt Nam gia tăng. Theo HRW, chính quyền Việt Nam đã kết án và bỏ tù ít nhất 42 blogger và nhà hoạt động nhân quyền, căn cứ theo nhiều điều luật mang tính đàn áp. Số án tù trong năm 2018 tăng gấp ba lần so với năm 2017.

Liên Đoàn Quốc Tế về Nhân Quyền (FIDH) cũng ghi nhận việc đàn áp, bạo hành nhắm vào những nhà bảo vệ nhân quyền, các nhà tranh đấu, các blogger bất đồng chính kiến và thành viên của nhiều nhóm tôn giáo gia tăng trong năm 2018. Ít nhất 150 tù nhân chính trị đang bị giam giữ.

FIDH đặc biệt chú ý đến các đàn áp nhắm vào những người bày tỏ quan điểm ôn hòa trong các cuộc biểu tình hồi đầu mùa hè năm 2018 chống lại hai dự luật về Đặc Khu Kinh Tế và An Ninh Mạng. Hàng trăm người biểu tình bị bắt. Ít nhất 118 người tham gia bị phạt tù sau đó.

Nhân quyền gắn chặt với Hiệp định khung về hợp tác Liên Âu-Việt Nam

Tháng 10/2018, Ủy Ban Châu Âu tuyên bố chấp thuận Hiệp Định Tự Do Thương Mại Liên Âu-Việt Nam. Hiệp định nói trên đang chờ sự phê chuẩn của Hội Đồng Châu Âu và Nghị Viện Châu Âu. Hiệp định EVFTA ràng buộc chặt chẽ với Hiệp Định Khung về Đối Tác và Hợp Tác Toàn Diện giữa Liên Âu và Việt Nam (PCA), ký kết năm 2012.

Tuy nhiên, Hiệp định PCA có thể bị đình chỉ, nếu Việt Nam không tuân thủ các nghĩa vụ về nhân quyền. Tháng 9/2018, 32 nghị sĩ Nghị Viện Châu Âu ký thư ngỏ kêu gọi Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền trước khi Hiệp Định Tự Do Thương Mại được đưa ra bỏ phiếu.

Trọng Thành

********************

Quanh việc VietJet mua 100 máy bay Boeing của Mỹ (BBC, 04/03/2019)

Hai hãng hàng không Việt Nam VietjJt và Bamboo Airways mới đây đã ký hợp đồng mua hơn 100 máy bay của hãng Boeing trị giá hơn 15 tỷ đôla. Trong đó riêng Vietjet mua 100 chiếc.

vn3

Tổng thống Donald Trump gặp CEO VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo hôm 27/2 tại Phủ Chủ tịch nhân sự kiện hãng này mua 100 máy bay Boeing

Thương vụ diễn ra trong thời điểm Thượng đỉnh Trump-Kim lần hai được tổ chức tại Việt Nam từ 27-28/2.

Reuters bình luận rằng lễ ký kết diễn ra khi Trump đang ở Việt Nam sẽ góp phần thắt chặt quan hệ kinh tế và quân sự giữa hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam.

Bài báo trên Reuters cũng cho hay VietJet - một hãng hàng không tư nhân - thường nhân dịp các Tổng thống Mỹ tới Việt Nam là 'trưng' ra các đơn hàng 'khủng' mua máy bay của Hoa Kỳ.

Hãng này trước đây đã ký hợp đồng mua 100 máy bay Boeing 737 MAX thân hẹp khi cựu Tổng thống Mỹ Obama sang Việt Nam, bài báo trên Reuters cho hay.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của VietJet Air nói với Reuters là bốn máy bay trong 100 chiếc nói trên sẽ được trao cho Việt Nam vào cuối năm nay.

Lần này, khi Tổng thống Trump sang Việt Nam, VietJet ký hợp đồng sẽ mua thêm 100 máy bay Boeing 737 MAX trị giá gần 13 tỷ đô la. Thương vụ này đã được thỏa thuận vào năm ngoái tại the Farnborough Airshow.

Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ, trong quyết định cho phép các hãng hàng không Việt Nam bay đến Mỹ lần đầu tiên, và mã hóa với các hãng hàng không Hoa Kỳ, tuyên bố tuần trước rằng Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn hàng không quốc tế.

VietJet cho biết họ đã lên kế hoạch mua các máy bay thân rộng để mở đường bay đến các thành phố có cộng đồng người Việt lớn ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như ở California.

Ngoài VietJet, hãng hàng không Bamboo của ông chủ Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cũng ký hợp đồng mua 10 máy bay Boeing 737 thân rộng, và đang đàm phán để mua 25 máy bay Boeing 737 thân hẹp, theo Reuters.

"Thương vụ này là một phần trong chiến lược của chúng tôi nhằm mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế, bao gồm cả việc bay đến Hoa Kỳ và Châu Âu", ông Quyết nói với Reuters.

Bamboo Airways dự kiến mở đường bay quốc tế vào quý hai năm nay tới Japan, South Korea, Thái Lan và Singapore, và đường bay thẳng tới Mỹ vào cuối năm nay.

Năm ngoái, Bamboo Airways cũng đã đặt hàng 20 máy bay thân rộng Boeing 787 trị giá 5,6 tỷ đôla theo giá niêm yết.

Còn quá sớm ?

vn4

Máy bay hãng hãng không VietJet - Ảnh minh họa

Nhưng một nguồn tin giấu tên nói với Reuters là quá sớm để VietJet đặt hàng máy bay thân rộng.

Một nguồn tin khác thì cho hay 100 máy bay Boeing 737 MAX nói trên đã nằm trong sổ đặt hàng của hãng Boeing với tên người mua 'không xác định'.

Hãng Boeing cũng nói thương vụ mới nhất của VietJet đưa tổng số đơn hàng mua Boeing của hãng này lên tới 200 chiếc, bao gồm 80 chiếc thuộc mẫu 737 MAX 10 mới nhất của hãng.

VietJet đưa vào vận hành 385 chuyến bay mỗi ngày trong nội địa Việt Nam và tới các nước như Japan, Hong Kong, South Korea, Taiwan, Singapore, China, Thailand, Myanmar and Malaysia.

Tuy nhiên, các nhà phân tích ngành công nghiệp đã đặt câu hỏi liệu Boeing có giao tất cả các máy bay theo đơn đặt hàng khi mà ngành công nghiệp đã đạt đến đỉnh cao của giai đoạn tăng trưởng mở rộng.

Nhà Trắng ước tính tổng số tiền của thương vụ này khoảng 21 triệu đô la.

Các thương vụ này sẽ giúp hơn 83.000 việc làm ở Mỹ và mang lại sự an toàn, tin tưởng cho các hành khách quốc tế và Việt Nam, phát ngôn viên Nhà Trắng cho hay.

Tại Thượng đỉnh Trump-Kim diễn ra vừa qua tại Việt Nam, ông Trump đã nhắc đến thương vụ mua Boeing của VietJet tại bữa ăn trưa, theo Reuters.

"Chúng tôi đánh giá rất việc quý vị đã [góp phần] làm giảm thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ, điều rất nhức nhối trước khi tôi đến đây, và hiện nay chúng tôi hạn chế nó bằng những đơn đặt hàng lớn như đơn hàng mà quý vị đã đưa ra hôm nay," ông Trump nói.

Vì sao mua nhiều thế ?

vn5

Máy bay hãng hàng không Bamboo - Ảnh minh họa

Nhiều phân tích từ các cây bút trên mạng xã hội thu hút quan tâm của đọc giả khi tìm cách lý giải vì sao lại có thương vụ lớn như vậy vào thời điểm này.

Một trong các bài viết nói trên là của Facebooker Nguyễn Giang Nam thu hút hơn 3000 lượt likes và hàng ngàn lượt shares.

Lý giải vì sao ông Quyết và bà Thảo được cho là "không thể có chừng ấy tiền" "để mua đống máy bay đó", ông Nam viết :

"Trong hàng không có một nghiệp vụ được dùng khá phổ biến, đó là nghiệp vụ "sale and leaseback". Hãng hàng không mua máy bay của hãng sản xuất (Boeing và Airbus) rồi bán lại cho các hãng cho thuê máy bay với cam kết thuê lại chính các máy bay đó. Các hãng hàng không khi mua đạt số lượng thì sẽ luôn được Boeing, Airbus chiết khấu. Nếu số lượng đủ lớn và đúng dòng máy bay đang bán chậm thì mức chiết khấu khá cao. Giống như mua điện thoại Samsung giá niêm yết sẽ được tặng quà hoặc thối lại tiền."

"Tuy nhiên các hãng hàng không không thể kiếm được một số tiền lớn để mua máy bay. Thế nên các hãng này mới phải làm thêm nghiệp vụ "bán đi rồi thuê lại". Bán toàn bộ số máy bay vừa đặt mua cho một hãng chuyên cho thuê máy bay với giá niêm yết, xong ký hợp đồng thuê lại. Khi đó hãng hàng không "lời" ngay một số tiền hoa hồng đáng kể. Nếu mua nhiều thì "tiền lời" có thể lên đến cả tỉ đôla."

"Sẽ có bạn thắc mắc vậy thì mua càng nhiều, càng lời. Mấy hãng hàng không sao không mua luôn 1000 chiếc cho lời nhiều ? Thực tế cái lời đó là lời giả. Bản chất chính là lấy lợi nhuận của tương lai ra mà ăn trong hiện tại..."

"Điều này lý giải tại sao VietJet và Bamboo Airways liên tục mua máy bay với số lượng khủng. VietJet đã đặt mua tổng cộng 250 máy bay trong khi hiện tại chỉ đang vận hành tổng cộng 64 máy bay. Bamboo ký mua 44 chiếc trong khi chỉ đang vận hành 6 chiếc.

Đặc biệt Bamboo Airways mua khá nhiều Boeing 787 là loại máy bay to bay đường dài, thường chỉ có hãng lớn, bay tuyến xa, nhu cầu lớn mới khai thác, trong khi Bamboo Airways thậm chí còn chưa được phép bay quốc tế. Lý do là vì dòng máy bay này tỉ lệ chiết khấu hoa hồng cao hơn mấy dòng máy bay kia. Và FLC có lẽ đang trong giai đoạn thiếu hụt vốn trầm trọng nên phải dùng Bamboo Airways để giải quyết nhu cầu vốn trước mắt".

*******************

Dân tham gia kiểm tra ‘minh bạch’ tại BOT ‘bẩn’ ! (RFA, 04/03/2019)

Mạng VTC loan tin ngày 2 tháng 3 về việc có một nhóm người dân tại tỉnh Khánh Hòa tiến hành lập lán trại, ngồi đếm xe ở trạm thu phí đường bộ BOT Ninh Lộc.

vn6

Hình minh hoạ. Các tài xế phản đối một trạm thu phí BOT - Courtesy FB

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, anh Nguyễn Minh Hùng, người đại diện nhóm đếm xe qua trạm thu phí BOT Ninh Lộc, tỉnh Khánh Hòa từ ngày 26/2 - 4/3 cho biết nguyên nhân vì sao có quyết định lập nhóm kiểm đếm như thế :

"Trạm cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương sau khi kết thúc lòi ra việc gian lận thu phí. Với lại vụ cướp trạm Long Thành-Dầu Giây thì cũng lòi gian lận thu phí, nên người dân nghi ngờ những trạm thu phí ngày khai báo gian lận, không minh bạch. Hùng nhà gần đây nên đi ra kiểm đếm thử coi đúng hay không.

Tại vì trạm BOT này lúc trước nói rằng đầu tư 1.437 tỷ và dự kiến thu phí là 14 năm 5 tháng, nhưng không biết vì lý do gì mà họ lại nói là họ đầu tư 2.644 tỷ 478 triệu và họ dự kiến thu phí tới 21 năm 8 tháng 16 ngày. Trong khi lưu lượng xe năm sau cao hơn năm trước, thì thời gian thu phí đáng lẽ phải rút ngắn lại chứ sao lại tăng lên nên người dân sợ không minh bạch trong thu phí nên người dân đang kiểm đếm xe."

Vào chiều ngày 3/3, trao đổi với truyền thông trong nước, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết Tổng Cục đã nắm được sự việc đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc. Đồng thời cho rằng những người ngồi tại trạm nhưng không gây cản trở gì tới hoạt động thu phí, nên chưa có biện pháp can thiệp. Nhưng nếu có hành động gây rối, gây khó dễ tới hoạt động thu phí, gây mất trật tự tại khu vực trạm thì Tổng cục sẽ đề nghị cơ quan công an vào cuộc.

Anh Nguyễn Minh Hùng cho biết thêm tình hình tại trạm BOT Ninh Lộc trong những ngày qua :

"Lúc đầu thì mấy anh em lập lán trại ở gần trạm BOT thì chính quyền địa phương mới tới yêu cầu tháo dỡ đi vì đất đó là đất công nên mấy anh em mới tháo dỡ để di dời vô đất của Bồ Công Anh cho đúng pháp luật, không cản trở gì đâu."

Hiện tại, anh Nguyễn Minh Hùng và các cộng sự cho biết chưa thể công bố số liệu kiểm đếm được trong những ngày qua, vì kết quả sau cùng sẽ gửi lên Bộ Giao thông-Vận tải, Kiểm toán nhà nước, cũng như Thanh tra chính phủ.

Trước thông tin chính phủ Hà Nội đang thúc đẩy áp dụng hệ thống thu phí điện tử, anh Hùng bày tỏ sự ủng hộ, hoan nghênh :

"Vì thu phí tự động có những mặt lợi của nó là xe đi qua nhanh hơn, tránh gây ùn tắc giao thông hơn như là thu phí thủ công như thế này. Và sẽ minh bạch hơn so với thu phí thủ công, nhưng không hiểu sao thì họ chậm tiến hành không biết nữa."

vn7

Trạm BOT cầu Đồng Nai là trạm đầu tiên thực hiện thu phí tự động. Courtesy : Citizen’s photo

Việc triển khai hệ thống thu phí tự động đã được nhắc đến trong Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ; Quyết định 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017, và Chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ ngày 27/2/2018.

Trước đó, Tổng Cục đường bộ Việt Nam có thông báo cho biết cả nước sẽ tiến hành thu phí tự động trên tất cả cao tốc vào cuối năm 2019.

Vẫn hy vọng hệ thống thu phí tự động sớm được đưa vào sử dụng để giảm bớt tình hình BOT phức tạp như hiện nay, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cho rằng :

"Tôi thấy chỉ thị của Thủ tướng là hợp lý nhất. Tức là áp dụng việc thu phí tự động. Trên cơ sở đó thì cứ thu được xe nào thì thông báo trực tiếp cho các cơ quan giám sát. Điều đấy có lẽ phù hợp với các thông lệ quốc tế."

Tuy nhiên, tài xế Nguyễn Minh Hùng cho rằng hệ thống thu phí tự động cũng chỉ minh bạch hơn so với thu phí thủ công thôi chứ không minh bạch tuyệt đối :

"Hùng thấy cái nào cũng gian lận được hết, như trạm BOT TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương. Lúc đó họ cũng thu phí tự động, nhưng sau khi kết thúc thu phí tự động, họ lại truy tố 5 người dùng phần mềm chèn vô để gian lận thu phí."

Vào ngày 1 tháng 1 vừa qua, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã bắt giữ 4 cán bộ thuộc công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (công ty quản lý trạm thu phí cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Trung Lương) và 1 người thuộc công ty Xuân Phi với hành vi mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật nhằm che giấu doanh số thu phí, trốn thuế xảy ra tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Do đó, theo anh Nguyễn Minh Hùng, cách tốt nhất hiện nay là :

"Chỉ có cách minh bạch là nhà nước mình thanh tra tổng phí ban đầu, rồi đưa lên bảng điện tử ở trên trước trạm thu phí đó, và mỗi xe đi qua thì họ trừ dần xuống, nếu trừ về 0 thì lúc đó chấm dứt (thu phí). Còn nếu trong thười gian thu phí họ có xây dựng, nâng cấp, sửa chữa thêm thì họ sẽ cộng thêm hạng mục đó là bao nhiêu, công khai cho người dân biết. Lúc đó mỗi xe đi qua thì sẽ trừ, người dân có quyền giám sát hết thì mới minh bạch được thôi."

Thông tấn xã Việt Nam ngày 4 tháng 3 vừa loan tin cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiểm soát chặt chẽ và đúng quy định pháp luật đối với hoạt động thu phí tại các trạm BOT trên cả nước. Đồng thời cần thực hiện nghiêm việc triển khai hệ thống thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Nhận xét về yêu cầu này của Thủ tướng, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết :

"Tôi nghĩ đây là một biện pháp tốt mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện rồi và tôi hy vọng chỉ thị này của Thủ tướng sẽ được thực hiện sớm."

Việc người dân như nhóm anh Nguyễn Minh Hùng chủ động tham gia đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc cũng như ‘chốt’ được dân lập nên tại BOT Bắc Thăng Long- Nội Bài cho thấy ý thức ngày càng được nâng cao của nhiều người trong nước đối với các vấn nạn sai trái. Tuy vậy đã xuất hiện thông tin cáo buộc nhóm ở BOT Ninh Lộc bị ‘kích động’ bởi thế lực nào đó. Chiêu thức này từng được áp dụng như tại BOT Cai Lậy, BOT An Sương… vừa qua khi người dân và các tài xế phản đối những sai trái tại đó.

Quay lại trang chủ
Read 555 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)