Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

29/04/2016

Ráng làm Người Tử Tế

Uyên Vũ

Hơn 30 năm trước, chính xác là năm 1985. Ông đạo diễn Trần Văn Thủy tại Hà Nội thực hiện một phim tài liệu có tên "Chuyện tử tế". Phim tài liệu này được xem như phần tiếp theo của phim tài liệu "Hà Nội trong mắt ai" vốn đang bị cấm chiếu và cũng của ông Trần Văn Thủy. Phim chưa kịp ra mắt công chúng thì lập tức lại tiếp tục bị nhà cầm quyền cấm chiếu. Ông đạo diễn có nguy cơ bị bắt vào tù bất cứ lúc nào. Lúc ấy, những người "may mắn"được xem phim đều trải qua những giây phút vừa tự hào (xem hàng hiếm), vừa xót xa (cho ông đạo diễn và những cảnh đời trong phim), vừa run rẩy hồi hộp vì sợ công an bắt… Xem ra, làm phim hoặc xem phim về sự tử tế thật nhiêu khê và nguy hiểm.

tute0

 

Một cảnh trong phim "Chuyện Tử Tế"

Tuần trước, cũng tại Hà Nội, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng "bịn rịn chia tay" với chính quyền, đồng đảng và đồng bào sau gần 10 năm nắm chức thủ tướng. Trong bài phát biểu của ông, có lẽ câu tâm đắc nhất của ông và của giới truyền thông (tường thuật lại) là : "Làm sao ráng làm được người tử tế". Câu phát ngôn của ông khiến rất nhiều người bật cười. Không hẳn vì nó ngộ nghĩnh. Người ta cười vì lần đầu tiên nghe một ông cộng sản gộc nói về tử tế, càng cười hơn vì chữ "ráng", nó khiến cho ông thủ tướng có vẻ là người "cộng sản nhưng thật thà"… Xem ra, làm người tử tế ở Việt Nam càng ngày càng khó, đến ông thủ tướng nắm trọng trách cả một quốc gia khi về vườn cũng chỉ mong "ráng làm được người tử tế".

Tôi dám chắc, nếu tôi kể điều này với bất kỳ thường dân nào ở bất kỳ một đất nước bình thường nào, chẳng hạn như Thái Lan thì khó ai tin được điều tôi kể. Họ có thể hoặc cho là tôi bịa đặt hoặc cho là tôi diễn dịch sai cái từ "tử tế" đó. Vậy, tử tế là gì ? Câu hỏi quá đơn giản, nhưng tựu trung tử tế là một chuẩn mực mà con người sống giữa xã hội cần phải có. Tử tế vốn dĩ chẳng phải điều gì lớn lao mà là những điều đơn giản nhất ta đối xử với nhau mỗi ngày. Cho dù nó bình thường là thế nhưng sự văn minh, bền vững của một xã hội lại thường bắt đầu từ những việc nhỏ như thế. Ví dụ đi đường nhặt được của rơi, người tử tế sẽ tìm cách trả lại nguyên vẹn cho người đánh mất, hoặc biết được một hoàn cảnh thương tâm, người tử tế sẽ tìm cách giúp đỡ… thế thôi.

Phim "Chuyện tử tế" của đạo diễn Trần Văn Thủy, tôi được bạn bè lén cho xem từ lâu, qua một video tape cũ kỹ, những thước phim bị rỗ, bị sọc cùng với âm thanh the thé như vọng từ những cảnh đấu tố ở phim "Chúng tôi muốn sống" của đạo diễn Lê Quỳnh mà ngày xưa tôi đã xem. Dù gì thì ở miền Nam, sự cay nghiệt, rít róng và đáo để cũng không thể sánh với miền quê ngoài Bắc thời cải cách ruộng đất. Còn trong phim tài liệu này, với những điều đạo diễn Trần Văn Thủy kể lại đã mang đến cho tôi bao sự thật tăm tối rợn người. Trần Văn Thủy kể chuyện ông đi quay phim về công việc lao động "nặng nhọc mà vinh quang" của một ông thợ làm gạch. Rồi một buổi sáng, ông thợ chạy ra quát tháo và đuổi đoàn làm phim đi. Ông ta nói "Tại sao các ông không quay cảnh thực xem chúng tôi đang sống như thế nào ? Các ông chỉ tô vẽ những điều không có thật, còn chúng tôi sống như thế nào thì mặc kệ". Đó là dấu ấn của nền văn nghệ minh họa, khi người nghệ sĩ sáng tác theo đơn đặt hàng, theo những gì mà "người ta" muốn. Để làm mặt này sáng đẹp hơn, họ phải tạm lờ tịt cái mặt kia của đời sống đi, coi như không thấy.

Nhưng như thế làkhông tử tế. Cũng trong phim, một ông lão giảng giải : "Tử tế, các đồng chí làm phim thân mến ạ, gốc của nó là từ chữ Hán. Chữ "tử" có nghĩa là những chuyện nhỏ bé. Chữ "tế" có nghĩa là những chuyện bình thường. Hai chữ "tử tế" gộp lại có nghĩa là cẩn thận từ những việc nhỏ bé, rồi do lâu đời ta đọc khác đi và nghĩa cũng khác đi. Nó cũng phải được học hành, được dạy dỗ, được tập luyện, kế thừa và gìn giữ. Tử tế như hoa thơm, hoa đẹp không thể thiếu được của cuộc đời". Sống giữa lòng miền bắc xã hội chủ nghĩa mà cả một lão phu và ông làm phim phải giảng giải lại sự tử tế cho công chúng thì chính quyền cấm đoán là phải. Vì sao ư ? Vì ông ấy đã dám vượt thời đại, cái thời đại đầy hỗn mang, phi lý, tàn nhẫn đến độ có người đặt cho nó một từ thật chính xác : "thời đại đồ đểu".

tute1

Cảnh phim "Chuyện tử tế" khi đạo diễn bị ông thợ đóng gạch đuổi đi

Cách đây vài tháng, khi kỷ niệm 30 năm phim tài liệu "Chuyện tử tế" ra đời, đạo diễn Trần Văn Thủy kể lại : "Bình thường, để làm một bộ phim là điều cực kỳ gian nan. "Chuyện tử tế" được thực hiện trong hoàn cảnh éo le, khi tôi bị công an theo dõi. Hoàn cảnh đó làm sao có đầu óc thoáng đãng, thoải mái, lãng mạn để nảy ra những ý tưởng thực hiện. Nhưng tôi vẫn làm bằng tất cả sự chân thành, tâm huyết, viết lời bình từ những điều tận đáy gan ruột và cố gắng đặt những vấn đề của dân tộc, của đất nước lên trên bản thân mình". Còn đến nay, giữa thời buổi này thì sao ? Ông đạo diễn Trần Văn Thủy tâm sự tiếp : "Có một thực trạng buồn đang tồn tại là sự "không tử tế" ngày càng nhiều. 30 năm trước, thời điểm tôi làm bộ phim, cảm giác mọi chuyện cũng không đến nỗi tồi tệ như hiện nay. Xã hội của chúng ta đang lao vào kiếm tiền. Người người kiếm tiền, nhà nhà kiếm tiền và kiếm bằng đủ mọi cách. Đây là một bi kịch cực kỳ lớn trong xã hội hiện nay. Hạnh phúc của con người không phải nhà, xe và tiền, mà hạnh phúc đích thực là quan hệ tử tế giữa người với người". Than ôi ! Nghe não nuột cả lòng.

Một xã hội kiểu gì mà thực trạng xã hội càng ngày càng tồi tệ, càng ngày càng xuống dốc. Không nghe ông đạo diễn nói có tiếp tục làm phim về "chuyện tử tế" nữa hay không. Có lẽ ông đạo diễn cảm thấy không đủ sức hoặc có lẽ ông ấy vẫn còn ám ảnh bởi hoạn nạn năm xưa nên sẽ không thực hiện một "chuyện tử tế" nào nữa. Theo tôi, ông đạo diễn nói đúng nhưng chưa đủ. Một trẻ em lớn lên trong một gia đình thiếu vắng sự quan tâm lẫn nhau, vào trường học chứng kiến sự chênh lệch giàu nghèo và không được học những bài học làm người, ra ngoài xã hội phải chịu những bất công từ chính sách, từ cách đối xử thiếu chuẩn mực… sẽ khó gầy dựng, nuôi dưỡng và bồi đắp sự tử tế. Như thế, vấn đề cốt tủy của sự "không tử tế" nằm ở tầm vóc quy mô lớn hơn, ở những quyết sách điều hành và những cái người có tâm để quản trị đất nước.

Đất nước Việt Nam yêu dấu của chúng ta như một căn nhà mà nền tảng đang mục ruỗng, rường cột căn nhà ấy đang dần thoái hóa, mái che nhà thủng lỗ chỗ những mảng to lớn. Một đất nước đã tan hoang như vậy mới nảy sinh một ông thủ tướng tuyên bố "ráng làm người tử tế" một cách trơ trẽn.

Riêng tôi, tôi sẽ chờ xem "diễn viên quần chúng" , cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ làm gì để "ráng làm người tử tế", sau 10 năm giữ quyền lực cao nhất đất nước. 10 năm cầm quyền vừa qua của ông ấy, là 10 năm xã hội đảo điên suy đồi. Những tài nguyên của đất nước cứ dần dần mai một, người yêu nước thay nhau vào tù, công an, quân đội giành nhau làm tướng, thảm cảnh những nông dân mất đất, quỳ giữa phố khóc lóc kêu gào nhiều năm trường. Án oan sai, người tạm giam bị giết trong ngục tối mỗi năm mỗi tăng, người với người mỗi lúc mỗi tàn ác hơn, thực phẩm mỗi ngày mỗi nhiễm độc hơn…

Chưa bao giờ xã hội Việt Nam bất ổn như ngày nay, khi mà tính mạng và sự an toàn của mỗi công dân bấp bênh như thế : trẻ em bị phó mặc cho các cô bảo mẫu, các thầy cô giáo ở trường. Ra đường thì số phận cũng tùy vào lương tâm của những người lái xe, sức khỏe thì do hệ thống y tế và những người chế biến thực phẩm định đoạt. Người ta có thể bị giết chết vì một ánh nhìn hay một câu nói lỡ lời, có thể bị tạt acid hay bị khủng bố bằng mắm tôm trộn dầu nhớt…Cảnh giác trước bất cứ tình huống nào, con người nào là bài học thường xuyên được nhắc nhở trong các chương trình truyền hình phát toàn quốc. Như thế, Việt Nam đã vượt qua Thời Kỳ Đồ Đểu và hiện trong Thời đại Thập Diện Mai Phục.

Tại Hoa Kỳ, các vị tổng thống sau khi mãn hạn nhiệm kỳ thường tiếp tục làm việc để đóng góp cho xã hội, có thể là viết sách, diễn thuyết hoặc đi vận động cho các tổ chức từ thiện phi chính phủ. Tôi thử chờ xem trong cương vị một công dân, ông Dũng sẽ làm gì ? Nếu ông Dũng mau quên, ông nên nhờ trợ lý nhắc rằng chính ông vừa phát biểu câu "Việt Nam không thể đứng chót trong ASEAN như thế này" cách đây vài ngày. Không hiểu ông nói Việt Nam đứng chót ASEAN về mặt nào hay về mọi mặt.

Dù phải đau lòng lắm, nhưng tôi cho là đất nước chúng ta đã đứng chót về mọi mặt so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, dĩ nhiên kể cả Lào, Cam Bốt và Miến Điện. Kinh tế suy sụp thì chỉ cần một kế hoạch giỏi là có thể phục hồi và vươn dậy, nhưng nếu văn hóa, xã hội, đạo đức suy đồi (chưa nói đến suy sụp) thì phải mất rất nhiều thời gian, công sức mới khôi phục. Liệu có ai còn đau lòng khi xem đoạn video clip cảnh sát Malaysia bắt một ổ mại dâm núp bóng cơ sở Spa với đại đa số các cô gái là người Việt Nam, cảnh sát xâu họ vào một chuỗi dây xích sau khi đã còng tay từng người rồi đẩy vào xe bít bùng. Hình ảnh này khiến tôi liên tưởng đến cảnh buôn bán nô lệ ngày xưa. Chỉ cần một hình ảnh đó đã nói thay nhiều thực trạng khác của xã hội quê hương chúng ta hiện tại : kinh tế, đạo đức, chính trị, xã hội, giáo dục…

tute2

Cảnh sát Malaysia đang xích các cô gái Việt Nam tại Kuala Lumpur

Tôi có một trang Facebook, những lúc rỗi rảnh tôi thường "lướt phây" xem có chuyện gì mới lạ. Ở đó tôi thấy những đoạn video clip khiến tôi rùng mình ghê sợ vì những cảnh tượng tàn nhẫn, tôi thấy những cách người ta kết án nhau, "ném đá" vào mặt mũi nhau bằng những lời nguyền rủa cay độc nhất, thô bỉ nhất và hằng hà sa số lời bình độc ác… hệt như thời trung cổ. Ở đó tôi cũng biết những vụ nhảy lầu tự tử đôi khi chỉ vì một lý do tưởng như rất nhỏ, ví dụ có một người đàn ông làm mất 2,5 triệu đồng (hơn $100), tưởng là rất nhỏ nhưng có lẽ với người ấy số tiền đó là toàn bộ những gì anh ta có, một người khác đọc tin ấy bèn làm mấy câu thơ :

"đàn ông

49 tuổi

mất 2,5 triệu

buồn đến mức

tức

nhảy từ lầu 5

vướng lại lầu 2

bài thơ không dám diễu nhai

vì biết mình chưa hậu hiện đại

bằng…"

Ở đó, tôi cũng đọc được rằng tại Hà Nội có nhiều người ăn sáng bằng một tô phở 650.000 đồng, ăn tối trong một căn phòng vàng và đêm đến thì ngủ ở một khách sạn với giá 6.200 đô la Mỹ một đêm. Phở 650.000 đồng là phở Sagagyu được đặt trong tô bằng sứ có mạ vàng với một cái muỗng cong, còn tô phở bò Mỹ chỉ có giá 125.000 đồng đặt trong tô thường, muỗng thẳng. Một thế giới cực kỳ xa hoa nằm trong lòng một đất nước Việt Nam nghèo khó vẫn tồn tại như điều bình thường, nhưng nó cũng khiến hãng tin BBC từ Anh Quốc phải đến tận nơi tường thuật một phóng sự về chuyện khó tin này. Họ còn cho biết : "Ở Việt Nam, nhiều người có thú chơi xe mô tô Harley Davidson mà một thành viên người ngoại quốc của câu lạc bộ nhận xét "Ông sẽ không bao giờ nhìn thấy nhiều xe hạng sang như thế này ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới". Chơi xe hơi đắt tiền, mới, lạ không thể tưởng. Có người sưu tập một lúc nhiều chiếc đắt tiền nhất thế giới. Như xe hơi Xe Porsche hai cầu quý hiếm đến nỗi dù Alastair Leithead là nhà báo đi nhiều nhưng chưa biết có loại xe đó ; xe Rolls-Royce Phantom chế tạo theo ý người đặt hàng mua… Như thế, chuyện tử tế không còn hoặc tồn tại một cách thầm lặng nhỏ nhoi âu cũng là điều bình thường. Việt Nam hoa lệ ? Hoa cho người giàu và nước mắt dành để người nghèo chia nhau.

tute3

Một chiếc xe Bentley sang trọng trên đường phố

Ông thủ tướng Dũng có biết thực trạng đất nước không ? Chắc chắn ông ấy biết, là người điều hành, các báo cáo phải gửi đến ông ta, báo chí cũng đăng nhan nhản. Mới tuần trước, báo chí lên tiếng rằng ngân sách không đủ tiêu vì chính phủ vung tay quá trán, nay phải cố gắng đi vay nợ cả trong lẫn ngoài nước 116 nghìn tỷ đồng để chi tiêu. Nếu vay không đủ thì phải gia tăng sưu thuế bù vào. Người nông dân đang phải è cổ đóng hàng trăm thứ phí, thuế khác nhau hàng năm. Tình hình nguy ngập đến độ Bộ trưởng Tài chính phải thốt lên "mấy năm nay, điều hành ngân sách như kiểu đi trên dây. Năm 2016 tiếp tục đi trên dây. Cứ tình hình này kéo sang năm 2017, dây mà đứt thì chúng ta chết". Còn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cảm thán rằng với vẻn vẹn 45.000 tỷ đồng ngân sách còn lại sau khi trừ đi chi thường xuyên thì "không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả". Tôi tự hỏi ông Dũng ra đi để lại một di sản tang thương như thế thì những người kế nhiệm ông sẽ xoay sở ra sao hay nó càng thêm trầm trọng.

Cũng chính ông Dũng khi ở cương vị thủ tướng giáp mặt với các đòi hỏi về nhân quyền từ các chính phủ, tổ chức phi chính phủ, các dân biểu từ những nước tự do. Ông ta cũng thừa biết sau 10 năm ông ta cầm quyền, tình hình đất nước nguy ngập về mọi mặt : kinh tế, chính trị, xã hội… ông ấy đã làm được điều tử tế nào cho đất nước chưa ? Hay ông ấy chỉ ráng làm người tử tế sau khi thua cuộc bởi những màn đấu đá giữa các đồng chí với nhau ?

Ông Dũng hẳn là biết rõ trong thời gian tại nhiệm của ông có bao nhiêu vùng đất hiểm yếu đã cho Trung Cộng thuê mướn dài hạn, bao nhiêu đất đai cha ông phải nhường cho Trung Cộng dọc đường biên giới, bao nhiêu vị trí thuận lợi trên khắp đất nước đã thành tô giới Đại Hán và Biển Đông giờ đây trở nên ao nhà Trung Cộng, sông Mekong đã cạn dòng, nông dân miền tây sông nước, quê hương của chính ông Dũng đang đối diện với đói ăn vì đồng lúa khô cạn. Ba người con của ông đều đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong ngành tài chính và chính quyền sau một thời gian được đưa qua các nước tân tiến nhất du học.

Còn nhớ thủ tướng tiền nhiệm của ông Dũng là ông Phan Văn Khải cũng có những câu phát ngôn "để đời" đến độ được dân mạng phong cho chức "vua chém gió" tỷ như mấy câu như : "Việt Nam, Cuba thay nhau canh cho thế giới hòa bình, ta thức Cuba ngủ, Cuba ngủ ta thức hoặc "tôi giả vờ khen ông Obama nhưng thực ra muốn phân hóa nội bộ của ổng". Ông Khải còn có câu nói nổi tiếng về Thánh Gióng "Công lao là như thế, tài năng là như thế, nhưng mà không màng chức vụ, danh lợi, không đòi hỏi ai cám ơn cả, không đòi hỏi phong chức phong tước gì cả, đánh giặc xong là thanh thản về trời để sống một cuộc đời vui thú điền viên, một cuộc đời thanh thản…" . Ông Khải hiện giờ cũng "vui thú điền viên, sống cuộc đời thanh thản" sau khi góp phần làm lụn bại đất nước. Lẽ ra, làm người nắm vận mạng hơn 90 triệu người dân, ông ta phải "lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ" ("tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc"). Tiếc thay, các ông lãnh đạo cộng sản Việt Nam khi nắm quyền hành, ít ai còn giữ được sự thiện lương cần có. Trò chơi quyền lực và sự vinh hoa đã khiến họ không khác gì các tổ chức băng đảng Mafia thì lấy đâu tâm trí mà lo cho thiên hạ, mà phục dựng sự thiện lương của xã hội ! ?

Hướng cái nhìn về quê hương luôn làm tâm tư tôi trĩu nặng. Làm sao để dựng lại người, dựng lại nhà, làm sao để tử tế không còn là điều xa xỉ, xa lạ giữa xã hội. Thực ra, chuyện tử tế vẫn còn, người tử tế cũng còn. Đó là những vị luật sư sẵn sàng bào chữa miễn phí cho người nghèo, người bị áp bức. Là những người dám đương đầu với bộ máy công an để xuống đường biểu tình phản đối chính sách, và bảo vệ sự thật. Đó là thùng trà đá, là tủ bánh mì, là những túm gạo miễn phí đặt bên vỉa hè dành cho những người nghèo đang lê chân kiếm sống. Là quán cơm từ thiện giá 2.000 đồng và những người mang tủ sách về nông thôn, những người bỏ bớt công việc đi đào giếng, dựng cầu giúp bà con thiểu số nơi thâm sơn cùng cốc. Chưa kể, để làm người tử tế, họ cần phải làm thầm lặng vì nếu nhà cầm quyền biết được sự ảnh hưởng của thiện lương nơi họ. Nhà cầm quyền sẽ gây rất nhiều khó khăn để cản trở, chiếm phần thậm chí trục xuất nếu là người từ nước ngoài trở về giúp đồng bào mình. Những hạt mầm tử tế dù hiếm hoi sẽ phải mọc lên giữa những tàn tro của giả trá bất lương.

tute4

Gạo miễn phí, quà tết cho người nghèo

Chúng ta không hy vọng gì ở một chính thể tàn bạo và bất lương ở trong nước, cũng chẳng hy vọng những kẻ cầm quyền có thể đổi thay theo chiều hướng tốt đẹp cho dân tộc. Chỉ hy vọng nơi những người tử tế còn sót lại sẽ "dựng lại người, dựng lại nhà" với sự chung tay của những người con đất Việt xa xứ vẫn còn đang thao thức với quê hương.

Uyên Vũ

Nguồn : Sài Gòn Nhỏ - Nam Cali số tháng 04/2016

Quay lại trang chủ
Read 692 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)