Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

31/05/2016

Khi "bên thắng cuộc" tháo chạy

Uyên Vũ

win1

Logo của U.S. Department of Homeland Security logo.

Mấy hôm trước, nhận một cuộc gọi điện thoại từ Việt Nam, tôi được báo tin rằng, một cháu gái một người quen biết của tôi, chưa đến 30 tuổi, sinh ra ở một khu "vùng sâu, vùng xa", nơi mà giao thông cách trở, ánh sáng và văn minh đô thị còn chưa lan đến đã sang Mỹ.

Chuyện này làm tôi khá sửng sốt vì lẽ bố của đứa cháu này là một đảng viên cộng sản lâu năm, từng làm chỉ là anh bộ đội sống không nổi nơi đất Bắc, vào Nam làm xã đội trưởng rồi trưởng công an, rồi chủ tịch, bí thư xã, rồi thành chủ tiệm vàng (!). Con gái một gia đình cộng sản rặt, ở tít tắp trong vùng sâu vùng xa mà cũng đi Mỹ được là vì sao ? Tất nhiên, cô cháu đó không đi theo tỵ nạn cộng sản, cũng không phải diện đoàn tụ hay du học sinh, diện hôn nhân cũng không nốt. Thật bất ngờ, cô này sang Mỹ vì đang đầu tư vào Mỹ theo diện EB-5. Một lý do thật sang trọng, đường hoàng và đầy kiêu hãnh.

EB-5, con đường trải thảm đến Hoa Kỳ

Tôi không hỏi kỹ tiến trình qua Mỹ ra sao. Tôi biết bước đường ấy rất nhiêu khê, phức tạp, đầy rủi ro và dĩ nhiên rất tốn kém. Chuyện tốn kém này vượt quá khả năng lượng định của tôi, một kẻ nghèo rớt mùng tơi, chưa bao giờ sở hữu vật dụng gì đắt tiền. Cứ theo tài liệu đã phổ biến của U.S.I.S. (U.S. Investment Services - công ty tư vấn cho cá nhân và công ty Việt Nam đầu tư vào thị trường Mỹ, đặc biệt thông qua chương trình EB-5) thì "đầu tư theo diện EB-5" (viết tắt của Employment Base Fifth) là chương trình xin thẻ xanh Mỹ an toàn và nhanh nhất dành cho người nước ngoài đến Mỹ theo hình thức đầu tư. Số tiền tối thiểu là 500 ngàn Mỹ kim nếu đầu tư gián tiếp vào một dự án đã được chấp thuận, số tiền sẽ là một triệu Mỹ kim nếu tự đầu tư. Điều kiện đi kèm là phải tạo ra 10 việc làm toàn thời gian cho công dân hoặc thường trú nhân Mỹ trong vòng hai năm liên tiếp. Chưa kể chính phủ Mỹ chỉ cấp giới hạn 10.000 visa theo diện EB-5 mỗi năm cho toàn thế giới. Và điều khó khăn nhất là phải chứng minh số tiền đầu tư trên là tiền trong sạch. Nước Mỹ không chấp nhận tiền bẩn, nói chung là khó lắm, khó lắm !

Ấy vậy mà không phải vậy ! Cách đây hai tháng, báo Lao Động tại Việt Nam loan tin : "Tại cuộc hội đàm về đầu tư định cư Mỹ diễn ra hôm 06 tháng Tư, 2016, con số do công ty tư vấn USIS đưa ra khiến nhiều người giật mình : Năm 2015, chỉ riêng với loại hình EB-5 tăng chóng mặt so với các loại hình khác như EB-1, EB-2. Cụ thể EB-5 được dành riêng cho các nhà đầu tư và các doanh nhân đầu tư vốn đáng kể vào nền kinh tế Mỹ, từ 6,418 suất năm 2014, đến năm 2015 đã tăng vọt 17,662 suất.. Trong đó, dẫn đầu là Trung Quốc, và Việt Nam hiện đang đứng thứ hai, và bỏ xa hàng loạt các nước khác như các nước ASEAN hay Ấn Độ…

Đọc tin này ai mà không giật mình ? Đất nước Việt Nam nơi mà cộng sản độc tài đảng trị, đã đưa xuống gần chạm đáy mức tụt hậu và nghèo khổ của thế giới lại bỗng dưng vươn vai (và chen vai) với các cường quốc để đầu tư vào Mỹ một cách hùng hồn, hùng hổ và đầy "đỉnh cao trí tuệ" thì không kinh ngạc mới là chuyện lạ. Thật ra, sống 55 năm ở Việt Nam, mở tờ báo ngày nào ra cũng toàn thấy loan những tin "sửng sốt", "giật mình", "kinh ngạc"… tôi cũng đã dần miễn nhiễm và bớt sửng sốt, kinh ngạc trước đủ thứ chuyện trên đời rồi. Hơn bốn năm trước, làng báo chí Việt Nam "hồ hởi và phấn khởi" loan tin một doanh nhân trẻ tên Phạm Đình Nguyên (con của nhà thơ Phạm Chu Sa) bỏ 900.000 đô la mua luôn một thị trấn có tên Buford ở tiểu bang Wyoming. Doanh nhân trẻ này có lẽ cũng thích chơi trội nên mới đầu tư kiểu đó. Các tỷ phú trẻ người Việt chạy sang Mỹ hiện nay đầu tư số tiền lớn hơn ông Nguyên rất nhiều lần, đầu tư ngay trung tâm những đô thị lớn chứ chả ai chọn chốn nhà quê Wyoming bao giờ.

win2

Bức Billboard in hình ông chủ thị trấn Buford và nhãn hiệu cafe Phindeli "made in Vietnam"

Cách đây vài tháng, tôi cũng đến thăm một gia đình, mới qua Mỹ hai năm nay. Cả hai vợ chồng còn trẻ, mở một nhà hàng bán thức ăn Việt Nam rất đông khách, cả hai vợ chồng đều lao vào làm bếp như đầu bếp thực thụ. Họ không giấu vẻ tự hào về "thành quả" của họ trên đất Mỹ vì nhà hàng này chỉ là một phần nhỏ gia sản của họ. Anh chồng dắt tôi "tham quan" cơ ngơi và cho biết anh đã mua toàn bộ khu này gồm 16 units rồi cho Mỹ thuê lại, cơ ngơi của anh là một quần thể nhiều kiến trúc phong cách Tây Ban Nha, nằm ngay chính giữa một thành phố du lịch khá nổi tiếng, với bãi parking lot mênh mông, cùng các di tích nghệ thuật xa xưa lọt thỏm trong cơ ngơi ấy. Thú thật là tôi choáng váng và cũng không thể ước lượng giá trị những bất động sản của anh ta có giá bao nhiêu. Anh cũng tiết lộ một khách sạn năm sao sang trọng sát khu của anh ngỏ ý muốn mua lại toàn bộ khu của anh với giá rất cao nhưng anh không thèm bán.

"Tất cả vì tương lai con em chúng ta, các bác ạ" đó là câu cửa miệng của nhiều người khi chọn qua các nước văn minh hiện đại sinh sống. Tôi cũng thế, sống ở quê hương bản quán quá lâu, ít có dịp xuất ngoại, tôi như người đã cắm sâu chân mình vào đất nước. Cuộc ra đi như phải cắt lìa và để lại một phần thân thể nơi chôn nhau cắt rốn, không ngày nào tôi không đau đáu nhớ về quê nhà. Tương lai của con tôi giờ đây đã được bảo đảm như mọi công dân Mỹ. Đó cũng là lời hứa của USIS dành cho những người đầu tư EB-5 : Được hưởng các quyền lợi như công dân Mỹ, con em nhà đầu tư được miễn học phí trường công từ tiểu học đến trung học, học phí đại học được áp dụng như người bản xứ (bằng 1/3 so với du học sinh). Nhà đầu tư và các thành viên gia đình có quyền sinh sống, học tập và làm việc tại bất cứ nơi nào trên đất Mỹ. Không những vậy, các nhà đầu tư còn được ra vào Mỹ không cần visa, được bảo lãnh người thân, xin nhập quốc tịch… Thật hấp dẫn !

Vào dịp 30 tháng Tư vừa qua, một tờ báo tại Việt Nam tỏ vẻ lo ngại cho biết : "giới chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội cũng báo động về một hiện tượng, một xu hướng đáng buồn trong giới doanh nhân, quan chức Việt Nam. Cả đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa và chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đều báo động về xu hướng quan chức và doanh nhân Việt Nam không chỉ gửi con cái ra nước ngoài học tập, mà bản thân họ còn chuyển tài sản ra nước ngoài, tính đường bỏ ra nước ngoài sinh sống, làm ăn. Chuyện gì đang xảy ra ? Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, với nhóm quan chức có tiền cho con đi học nước ngoài, thậm chí mua nhà mua cửa ở nước ngoài, sống bên đó thì đó là những quan chức không phải sống bằng tiền lương, đàng hoàng, trong sạch. "Khi họ có khoản thu nhập không đàng hoàng thì họ có tâm lý nơm nớp sợ, bị lộ thì phải tranh thủ khi còn cơ hội, còn quyền lực cho con ra nước ngoài, mua nhà mà không ai dám nói gì", bà Lan nói. Nhưng ngoài những quan chức dùng địa vị để vơ vét ra, thì nguyên nhân dẫn đến hiện trạng trên còn là do môi trường sống và môi trường kinh doanh kém an toàn : kém an toàn với trẻ nhỏ khi học hành, kém an toàn với những nhà kinh doanh đã được sống trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh". Bà Phạm Chi Lan có vẻ đã điểm đúng huyệt của các quan chức cộng sản tham nhũng và cũng đúng khi cho rằng Việt Nam là đất nước không an toàn.

win3

Vợ chồng Nguyễn Xuân Phúc rong chơi tại New York

Một bà cộng sản nòi khác là bà Vũ Kim Hạnh (người từng là tổng biên tập giỏi nhất của tờ báo Tuổi Trẻ, cũng là người cả gan đăng lên trang một báo Tuổi Trẻ vụ ông Hồ Chí Minh có vợ Tàu,) bà ấy báo động rằng nhiều doanh nghiệp đang làm ăn bình thường bỗng bán nhà máy, phân xưởng, bán nhiều lắm, bán rầm rầm để ra đi, doanh nghiệp Việt đang nhỏ dần, teo tóp dần. Chính bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cũng cho biết trong năm ngoái (2015) có đến 80.000 doanh nghiệp đóng cửa, giải thể. Vì sao nên nỗi thế ? Không có gì khó hiểu cả. Trong khi các quan chức đua nhau "trải thảm đỏ" mời các nhà đầu tư nước ngoài vào làm ăn với rất nhiều ưu đãi như giá thuê đất rẻ mạt (tỷ như chuyện Hà Tĩnh cho Formosa thuê 33.000ha mặt bằng trong 70 năm với giá trọn gói chỉ có 96 tỷ đồng tiền Việt), miễn giảm nhiều loại thuế để khuyến khích đầu tư. Trong khi đó các doanh nghiệp Việt muốn mượn tiền ngân hàng để làm ăn thì chịu lãi suất đến 12%, bên cạnh đó còn phải bỏ thêm nhiều tiền để lo lót, để "chạy đường dây". Làm ăn mà khó khăn thế thì các doanh nghiệp "tháo chạy" là phải.

Bà Vũ Kim Hạnh, với nhiều năm tiếp xúc với giới doanh nhân, được coi là người rất am hiểu các hoạt động thương trường cay đắng tiết lộ "Ở những công ty đa quốc gia, công ty dịch vụ hay các tập đoàn lớn của nhà nước, trong những bữa ăn trưa chung, hay bữa nhậu chiều tối, mốt thời thượng bây giờ là hỏi nhau, đưa chuyện thân mật, bình thường (mà có hơi… khoe chút, khoe kín đáo một cách khá hở hang) : sao, mấy đứa nhỏ xong thẻ xanh rồi chứ, mua nhà xong chưa, nhanh nhanh đi, cân nhắc gì, bờ Đông một cái, bờ Tây một cái, mình xong hết rồi… !". Thế đấy, việc sở hữu nhà cửa, công việc làm ăn vừa ở Mỹ vừa ở Việt Nam đã trở thành một thứ "mốt thời thượng" của quan chức và tầng lớp trung lưu. Anh bạn tôi ở thành phố Anaheim cho biết đối diện nhà anh là nhà của một trưởng phòng văn hóa thông tin một quận của Sài Gòn. Trên mạng giờ đây vẫn còn nhiều thông tin về hai căn nhà cũng ở Anaheim mà nhiều bằng chứng cho thấy là sở hữu của gia đình Nguyễn Xuân Phúc, đương kim thủ tướng nước Việt Nam cộng sản. Xem ra, đây là thời người người tháo chạy, nhà nhà tháo chạy tìm bãi đáp an toàn.

Ôm của thoát thân

Tháo chạy khỏi Việt Nam không những "à la mode" mà còn là "rush hour" khi các công ty chuyên lo thủ tục EB-5 báo động : ngày 5 tháng Năm 2016 có rất nhiều thông tin xoay quanh việc tăng mức đầu tư tối thiểu lên USD 800.000 và thay đổi này có thể sẽ được áp dụng sớm hơn so với dự kiến ban đầu là 30 tháng Chín 2016. Hoa Kỳ là lựa chọn số một mà một trong những lý do là mức giá đầu tư thấp hơn so với Canada (800.000 CAD), Úc (2.000.000 AUD), Anh (2.000.000 bảng Anh) và các quốc gia khác như New Zealand, thậm chí Singapore cũng tăng mức đầu tư tối thiểu trước làn sóng Tàu Cộng và Việt Cộng đang tràn lên đổ bộ các quốc gia tân tiến nhất.

win4

Bảng giá các loại xe sang trọng niêm yết ở Việt Nam

Mới đây, ông luật sư Hồ Minh Kính cũng viết trên Facebook cá nhân : "Làm việc cho chương trình EB-5 mới thấy số người giàu có Việt Nam đầu tư vào Mỹ 500 nghìn USD để đổi lấy thẻ xanh cho gia đình ngày càng tăng, đa số là doanh nhân ở độ tuổi 40-50, sở hữu nhiều triệu đô la. Nước Mỹ đang thu hút chất xám và dòng tiền từ Việt Nam… Người đã đầu tư 500 nghìn USD nhận thẻ xanh sẽ mua nhà, mua xe, mang tiền qua Mỹ thêm vài lần 500 nghìn USD nữa. Dòng kiều hối chảy về Việt Nam từ Mỹ khoảng 7-8 tỷ, thì dòng đô la chảy ra cũng không ít : du học, chữa bệnh, du lịch… và bây giờ thêm kênh đầu tư, chuyển dịch tài sản. Làm được nhiều hồ sơ, thu nhập tốt hơn nhưng sao trong lòng vẫn man mác buồn".

Ông luật sư man mác buồn vì ông ấy thấy ngoại tệ vừa chảy vào Việt Nam đã trôi tuột ra nước ngoài trở lại. Cũng có thể do ông biết rõ các doanh nghiệp kiếm được nhiều tiền nhất đều là sân sau của các quan chức cộng sản, họ vơ vét tài nguyên, tài lực của đất nước đến cạn kiệt rồi tháo chạy tán loạn.

Cuộc tháo chạy của người miền Nam cách đây 41 năm là "bỏ của chạy lấy người" trước họa cộng sản. Bây giờ thì chính những kẻ "bên thắng cuộc" ấy lại "ôm của chạy" theo bén gót những nạn nhân của mình - những nạn nhân mà có lúc họ gọi là "phản quốc", lúc khác họ đổi giọng là "khúc ruột ngàn dặm". Với khối tài sản khổng lồ ôm theo, tôi nghĩ họ đã chạy không những bén gót mà còn vượt qua mặt nhiều "khúc ruột ngàn dặm" đã định cư ở Mỹ làm ăn lương thiện vài chục năm nay. Nhạc sĩ Tuấn Khanh trong một bài viết đã kể rằng : "Trên con đường dài dẫn ra biển Hungtington Beach, Quận Cam, có những khu nhà rất đẹp mà chủ hầu hết là người Việt. Họ là những người rất trẻ, hoặc đó là những gia đình bình thường nhưng sống khép kín. Bạn tôi, một người đã sống ở nơi này, gần bằng thời gian của thế hệ người Việt đầu tiên đặt chân đến Mỹ sau tháng Tư 1975, nói rằng đó là những khu định cư mới của "Việt cộng".

Những ngôi nhà đó được mua rất nhanh trong khoảng vài năm gần đây - mỗi căn từ 450.000 cho đến hơn một triệu USD, cho thấy có một nguồn ngoại tệ khổng lồ được chuyển ra khỏi nước Việt Nam, để xây dựng một ước mơ thầm kín và khác biệt bên ngoài tổ quốc của mình". Những bất động sản đắt tiền ấy đều mua bằng tiền mặt - nói theo ngôn ngữ của họ là "tiền tươi". Thậm chí, không chỉ xùy tiền nhanh để mua nhà - lớp người này rất nhiều tiền - họ mua luôn các cơ sở thương mại. Từ các tiệm nail với giá vài chục ngàn cho đến các siêu thị giá trên chục triệu USD. Công ty ImmCa, một công ty hàng đầu về tư vấn chương trình EB5 vừa rồi còn giới thiệu cho khách hàng Việt Nam một dự án "xây khu thượng lưu giữa lòng New York". Cán bộ Việt Cộng và con cái họ sẽ thành một giai cấp thượng lưu mới của Mỹ ? Những dự án về tượng đài ngàn tỷ, những dự án bê tông cốt tre, những siêu dự án chỉ tồn tại trên giấy nhưng tiền thuế của 90 triệu người dân phải chi ra đáp ứng cho hết những dự án này nối tiếp dự án khác… Tất cả đã biến thành "tiền tươi, thóc thật" tại các dự án cá nhân ở Mỹ.

Giai cấp mới tại Mỹ ?

Tôi biết một trường hợp gần đây khá phổ biến : Con gái của một tay công an cấp huyện ở tỉnh Nghệ An mới sang du học hai năm, khoe với bạn là hàng tháng cô ta mua hàng và đóng một kiện gồm 20 thùng hàng, mỗi thùng 50 lbs gởi về Việt Nam từ chai thuốc nhỏ mắt, chỉ xỉa răng, kem đánh răng, bàn chải, dầu ăn, nước mắm, thuốc bổ, sữa bột, nước suối đóng chai, kẹo bánh, đồ hộp, thịt cá của Mỹ và Canada đông lạnh, dầu gội, xà bông, đến cuộn giấy lau tay, giấy vệ sinh… tất cả đều gởi về cho gia đình dùng để "được an toàn". Tôi chợt nghĩ đến những đứa trẻ ở miền núi phía Bắc không có quần, không có dép trong mùa Đông lạnh cắt da, những đứa trẻ phải tự săn chuột để chia nhau ăn cho đầy những dạ dày lép xẹp, hệt như những con thú hoang yếu ớt bị lạc bầy. Tôi cũng nghĩ đến người mẹ tự tử để hy vọng tiền phúng điếu sẽ trang trải tiền học cho đứa con mình. Tôi đang nghe tiếng những thiếu phụ miền Trung khóc mếu khi biển đầy cá chết, con thuyền kiếm sống của chồng con họ nay gác mũi lên bờ.

win5

Trẻ em miền núi cơ cực

Một phần tư thế kỷ trước, sau khi Nga Xô và khối cộng sản Đông Âu sụp đổ. Tự dưng ở Nga hậu cộng sản xuất hiện hàng loạt những đại tỷ phú trẻ, họ khuynh loát vào nền kinh tế thế giới. Cả thế giới đặt câu hỏi tại sao những công dân cộng sản lại giàu như vậy ? Câu hỏi không dễ trả lời, nhưng cũng không quá khó, vì suốt nhiều năm nay đại đa số dân Nga vẫn đang nghèo đói. Hệt như tình cảnh đại đa số dân Tàu nghèo mạt rệp trong khi một tên tướng Tàu là Từ Tài Hậu tích trữ tại nhà riêng hơn một tấn tiền mặt, hàng trăm ký ngọc bích cùng vô vàn đồ cổ giấu dưới hầm, để chở số hàng quý giá này, cảnh sát đã phải điều 10 chiếc xe tải mới chở hết số tài sản chất cao như núi ấy. Từ Tài Hậu không kịp trốn đi, nhưng số liệu từ báo chí Trung Quốc cho biết riêng tỉnh Quảng Đông trong năm 2014 đã có 790 quan chức "đột ngột mất tích" ; 1.240 quan khác bị phát giác đã trốn ra nước ngoài. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã phát động một chiến dịch mang tên "săn cáo hải ngoại" để mong thu hồi phần nào tài sản bị trôi ra nước ngoài. Đích đến của quan chức Tàu không chỉ là Mỹ, Úc, Canada mà còn ở những nước dễ dãi hơn như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nam Phi. Điểm chung dễ nhận thấy nhất của Nga, Tàu và Việt Nam là cộng sản và tham nhũng.

Tất nhiên, không phải ai sang Mỹ đầu tư theo EB5 cũng là quan chức tham nhũng hoặc kiếm tiền bất chính. Có nhiều gia đình lương thiện, chí thú làm ăn hoặc được hưởng thừa kế… họ hoàn toàn đáng trân trọng khi có kế hoạch đầu tư, mưu sinh tại Mỹ như tất cả mọi người khác. Kẻ cần điểm mặt là bọn tham quan ô lại đang "hạ cánh an toàn", "tất cả vì con em chúng ta, kệ cha con em chúng nó" nơi hải ngoại. Một cộng đồng người Việt giàu có đang dần hình thành tại các quốc gia tân tiến một cách không mấy khó khăn. Luật pháp Mỹ rất chặt chẽ nhất là liên quan đến chuyện rửa tiền, nhưng thế nào cũng có những khe hở mà các cán bộ Việt Cộng vốn thừa ma mãnh có thể chui lọt, luật pháp Việt Nam thì đã nằm gọn trong tay giới quan chức. Ở Việt Nam có một câu phổ biến trong giới trọc phú : "cái gì không mua được bằng tiền, sẽ mua được bằng rất nhiều tiền" quy tắc truyền miệng ấy có vẻ đang phát huy tác dụng mạnh mẽ, và xã hội Việt Nam hiện nay đang bị ô nhiễm và đầu độc trên mọi lãnh vực. Giới cầm quyền Việt Nam thừa biết điều ấy.

Lối thoát êm thắm sau khi bòn rút cạn kiệt quê hương, để lại một đất nước nợ nần kiệt quệ chỉ là hải ngoại. Quận Cam, thủ phủ của người tỵ nạn Việt Nam nay đã có thêm những "láng giềng" giàu sụ và kín đáo. Rồi đây sẽ có những Little Hà Nội bên cạnh những Little Saigon ở quận Cam, ở San Jose, San Diego, ở Texas, ở Dallas ; rồi cũng sẽ có Little Hà Nội ở Washington DC, ở New York ? Đến được Mỹ thì phải tuân theo luật pháp Mỹ, họ khó gây ảnh hưởng xấu nơi những cộng đồng tỵ nạn Việt Nam. Nhưng thật khó chịu khi biết quê hương chúng ta bị rúc rỉa, bị xói mòn và phá tan nát mà thủ phạm đang nhởn nhơ phè phỡn ngay bên cạnh chúng ta.

Uyên Vũ

Nguồn : Sài Gòn Nhỏ - Nam Cali số tháng 05/2016)

Quay lại trang chủ
Read 794 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)