Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

30/06/2016

Nhiều nghi vấn quanh sự kiện máy bay Việt Nam rơi

Uyên Vũ

roi1

Một chiếc phi cơ tiêm kích Su-30MK2 của không quân Venezuela

Liên tiếp trong vài ngày, hai chiếc phi cơ quân sự của Việt Nam đã bị rơi xuống biển, tại vị trí cách không xa đất liền. Vụ này cũng khiến người ta nhớ lại hơn một năm trước, vào lúc 11h45 ngày 15 thángTư, 2015, hai máy bay tiêm kích Su-22 bay huấn luyện từ sân bay Thành Sơn, Phan Rang đâm vào nhau trên không rồi rớt xuống biển gần khu vực đảo Phú Quý. Hai phi công tử nạn là trung tá Lê Văn Nghĩa và đại úy Nguyễn Anh Tú. Như thế, chỉ trong vòng 14 năm nay, không lực Việt Nam đã xảy ra 18 vụ rớt máy bay, có vụ làm chết gần 20 tướng tá.

Vụ rớt máy bay quân sự lần này xảy ra trong một bối cảnh phức tạp hơn. Theo truyền thông trong nước loan tin, sáng ngày 14 tháng Sáu, 2016, chiếc phi cơ tiêm kích Su-30MK2 8585 trong một phi vụ huấn luyện đã cất cánh từ sân bay quân sự tại Thọ Xuân, Thanh Hóa. Chỉ ít phút sau, lúc 7.29′ chiếc phi cơ đã mất tín hiệu, vị trí sau cùng là trên vùng biển Nghệ An, gần đảo Mắt, cách đất liền chỉ 30-40km. Điều khiển chiếc tiêm kích này là hai phi công đã trải qua nhiều giờ bay : thượng tá Trần Quang Khải và thiếu tá Nguyễn Hữu Cường.

Việt Nam đã lập tức tung lực lượng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn phối hợp với nhiều ngành khác, tổng cộng lên đến 2,700 người gồm nhiều binh lính, và các phương tiện máy móc, tàu thuyền, máy bay quân đội đi tìm nhưng không phát hiện được gì. Ngày hôm sau 15 tháng Sáu, phi công Nguyễn Hữu Cường đã được tàu đánh cá của một ngư dân cứu sống trên vùng biển Nghệ An. Theo báo chí thuật lại lời viên phi công này thì anh ta nghe có tiếng nổ trong động cơ máy bay nên anh và đồng đội đã bấm nút thoát hiểm, khi rơi xuống biển hai người cách nhau vài cây số, anh ta xác nhận mình ở gần bờ hơn.

roi2

Phi công Nguyễn Hữu Cường khi vào bờ (ảnh Thanh Niên)

Một ngày sau nữa, ngày 16 tháng Sáu đại diện Vietnam Airlines đã được huy động đến vùng biển máy bay Su 30-MK2 mất tích để "nghe" tín hiệu cấp cứu của phi công Khải, thì đến 12g trưa chiếc phi cơ tuần duyên Casa 212-400 trong khi đang đi tìm kiếm viên phi công còn lại bỗng đột ngột mất tích, địa điểm máy bay mất liên lạc là vị trí 19°25’40″N-107°19’54″E trên vùng biển Tây Nam đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng).. Tín hiệu sau cùng mà chiếc Casa báo cáo cho biết khi đang bay qua vị trí trên, máy bay xin hạ độ cao thì bỗng dưng mất tín hiệu hoàn toàn. Trước đó, các đơn vị cứu nạn nhận được một số tin hiệu cấp cứu, khi nhận được tín hiệu này, nên máy bay Casa đã được cử đến vị trí để tìm kiếm. Chiếc Casa 212-400 này chở theo một phi hành đoàn gồm chín sĩ quan và do một sĩ quan cao cấp đích thân điều khiển.

Đến chiều ngày 17 tháng Sáu, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm thấy những vật dụng cá nhân cùng nhiều mảnh vỡ nhỏ và bộ phận của chiếc tuần duyên Casa 212-400. Sau đợt vớt những mảnh vỡ máy bay này người ta nhận thấy những mảnh vỡ đó bị bẹp dúm dó lại như thể bị nghiền nát, bởi một tác động mạnh. Vị trí vớt các mảnh vỡ tại khu vực Nam Đông Nam đảo Bạch Long Vĩ xa nhất 36 hải lý, phía Đông đường phân định vịnh Bắc bộ 3 hải lý.

Đến 20g cùng ngày, thì một tàu đánh cá của ngư dân tìm thấy thi thể của Trần Quang Khải, viên phi công còn lại của chiếc tiêm kích Su-30 MK2. Thi thể viên phi công này đựơc tìm thấy bị quấn chặt bởi dù và áo phao, thuộc vùng biển Nghệ An gần vị trí máy bay gặp nạn. Nguồn tin của báo chí còn cho biết pin dự phòng của phi công mất tích này đã hết nên từ sáng 16 tháng Sáu, khi bay qua vùng biển này các phi công đi tìm đã không còn nghe được tín hiệu như những ngày qua.

roi3

Máy bay Casa 212 của hãng Airbus do Tây Ban Nha sản xuất

Nhà cầm quyền Việt Nam đã ngỏ lời "đề nghị giúp đỡ" từ phía nhà cầm quyền Trung Quốc, trong khi đó, đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng đề nghị hỗ trợ cho Việt Nam trong công việc tìm kiếm máy bay và những người mất tích nhưng dường như nhà cầm quyền Việt Nam không mấy quan tâm tới sự "sốt sắng" của Hoa Kỳ. Còn Trung Quốc, "được lời như cởi tấm lòng", đã lập tức điều động một lực lượng đại quy mô với tàu ngầm, các tàu chiến đến vịnh Bắc Bộ để tham gia "giúp đỡ" tìm kiếm người và máy bay của Việt Nam.

Cũng cần nêu rõ, phi cơ tiêm kích Su-30MK2 là loại máy bay quân sự tối tân nhất mà Việt Nam mua được, hiện tại quân đội Việt Nam chỉ có tổng cộng 23 chiếc Su-30MK2 mỗi chiếc trị giá khoảng 50 triệu đô la. Máy bay này do hãng Sukhoi của Nga sản xuất với những công năng gần tương đương với loại F-15E Strike Eagle của Mỹ ; còn chiếc Casa 212-400 là một trong ba chiếc mới mua của Tân Ban Nha do hãng Airbus sản xuất vừa là vận tải nhẹ vừa có thể tấn công bằng rocket được mệnh danh là "mắt thần biển Đông" và cũng được cho là loại máy bay tuần duyên tối tân nhất của Việt Nam.

Vụ tai nạn máy bay này cho thấy đây thực sự là vấn đề hệ trọng đối với việc quốc phòng của Việt Nam, không những vì đã làm thiệt mạng 10 người, tổn thất nhiều tiền của mà còn chứa đầy bí ẩn (ít nhất là đối với công luận trong và ngoài nước). Vụ việc này đặt ra một loạt những dấu hỏi ngay từ khi mới bắt đầu.

- Ngay hôm sau tai nạn, một số tờ báo loan tin một viên phi công đã bơi vào bờ, tin này đã bị gỡ bỏ. Báo chí tiếp tục loan tin phi công Nguyễn Hữu Cường được tìm thấy lúc 4g sáng trên biển, khi anh ta đốt diêm quẹt và kêu cứu. Bản tin sau đó được sửa lại là anh ta bắn pháo sáng báo hiệu. Viên phi công này hoàn toàn khỏe mạnh khi được đưa vào bờ và anh ta không xuất hiện, không trả lời báo chí bất kỳ chi tiết nào thêm.

- Thi thể viên phi công xấu số được vớt vài ngày sau, bị quấn chặt trong dù và áo phao, ngay gần khu vực máy bay rớt và cũng do ngư dân tìm thấy, trong khi quân đội cử lực lượng hùng hậu tìm kiếm với các thiết bị như máy dò định vị, máy quét Sonar lại không tìm hoặc không tìm thấy. Lý giải nguyên nhân viên phi công tử nạn, một viên tướng cho rằng anh ta "bị sặc nước".

roi4

Đưa thi thể phi công Trần Quang Khải vào bờ

- Tại khu vực chiếc Casa rớt lực lượng tìm kiếm cho rằng "nghe thấy tín hiệu kêu cứu", đó là tại vị trí 40 hải lý phía Đông Nam đảo Bạch Long Vỹ thuộc Hải Phòng, tức là cách nơi chiếc Su 30 rớt khoảng 200km về phía Bắc. Chiếc Casa sau khi thì báo tin "vừa nhìn thấy phao" và bắt đầu đảo quanh và hạ độ cao thì mất tín hiệu hoàn toàn. Vị trí này ngay sát đường phân định vịnh Bắc Bộ, nghĩa là giáp ranh với vùng biển của Trung Quốc.

- Chiếc Casa 212-400 là máy bay cánh quạt, trang bị nhiều thiết bị dò tìm, vận tốc tối đa chỉ khoảng hơn 300km/giờ, khi bay đi tìm kiếm chắc chắn sẽ bay với tốc độ không cao, bay trên tầm thấp, nhân viên trên chiếc này đều không mặc áo phao. Khi vớt những mảnh vỡ của chiếc Casa, hình ảnh cho thấy hông chiếc máy bay bị xé thành từng mảnh và bẹp dúm hệt như bị bóp nát, trong khi ba lô, giày dép của người mất tích trôi trên biển lại rất bình thường. Trả lời báo chí, một viên tướng cho rằng "do thời tiết xấu", thực ra, một bức ảnh chiếc Casa này do một chiếc DC cùng bay chung, chụp trước đó khoảng 30 phút cho thấy thời tiết rất đẹp, khi chiếc Casa mất tín hiệu, chính chiếc DC này quay trở lại tìm cho đến khi gần cạn nhiên liệu mới quay về.

roi5

Mảnh vỡ dúm dó bên hông chiếc Casa 212 khi được vớt lên từ biển

- Điều gì đã xảy ra khi cả hai phi công tiêm kích của Su-30MK2 báo cho biết "còn cách mục tiêu 15km" thì nghe tiếng nổ trong buồng lái ; "mục tiêu" đó là mục tiêu gì, có lẽ không phải đảo Hòn Mắt nhỏ xíu và không có phi đạo để một chiếc tiêm kích hạ cánh. Tại sao cả hai phi công đều do ngư dân tìm thấy ? Một sĩ quan không quân cao cấp nhảy dù xuống biển với áo phao tại sao lại chết vì "sặc nước" ? Hình ảnh chụp các phi công cho thấy trang phục của họ giống như trang phục của một công nhân, dường như họ không được trang bị đầy đủ các phương tiện thoát hiểm, cũng như không được huấn luyện một cách bài bản và chuyên nghiệp như phi công các nước khác. "Qua xem xét, nạn nhân tử vong khoảng 2 ngày trước", thiếu tá Nguyễn Thanh Thủy, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn hỗn hợp đảo Mắt, nói về sự thiệt mạng của phi công Trần Quang Khải. Vậy là khi rớt xuống biển, anh ta vẫn còn sống.

- Toàn bộ dữ liệu hành trình, radar, giám sát không lưu… trong quá trình bay của phi cơ tiêm kích và của chiếc tuần duyên tối tân nhất Việt Nam này, là con số 0. Không có gì được ghi nhận cả. Không có bất kỳ buổi công bố chính thức nào về nguyên nhân máy bay rơi.

- Cả một uỷ ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia với bao nhân lực, máy móc, tiền bạc, phương tiện đều bó tay sau 4 ngày và phải cầu cứu đến Trung Quốc. Tín hiệu mà lực lượng cứu nạn nghe được là tín hiệu gì ? Tại sao nó lại phát ra tận rất xa về phía Bắc cách vị trí thực sự 200km ?

- Phi cơ hiện đại nhất Việt Nam, trị giá đến 50 triệu đô la tại sao lại bay một mình, không có đội hình để yểm trợ nhau, bảo vệ nhau ?

- Tại sao không có một sự phối hợp nào giữa không quân - hải quân và kỹ thuật điện tử… để mỗi phi cơ làm nhiệm vụ đều có sự theo dõi, giám sát, đồng hành chặt chẽ của tàu ngầm, chiến hạm, radar… ? Tại sao sau tai họa nghiêm trọng này là sự im lặng ? !

- Tại sao không kêu gọi các lực lượng cứu hộ hàng không - trên biển… của quốc tế, của Mỹ, EU, Úc… để họ hỗ trợ, tìm kiếm cứu nạn và điều tra nguyên nhân, như việc Malaysia kêu gọi tìm chiếc máy bay dân sự MH370 của họ bị mất tích ?

-Việc hai chiếc phi cơ tiêm kích SU 27 năm 2015 "đâm vào nhau" ở vùng biển đảo Phú Quý cách bờ khoảng 30 hải lý và mới đây chiếc Su 30 MK 2 vừa rơi ở vùng biển đảo Hòn Ngư - Nghệ An cũng chỉ cách bờ khoảng 20 hải lý liệu có sự trùng hợp hoặc tương đồng nào với nhau ? Hệ thống điều khiển không lưu, radar của Việt Nam có vấn đề gì mà không thể kiểm soát trong một khoảng cách tương đối gần như vậy ?

Một chi tiết khác đáng lưu ý là báo Tuổi Trẻ sáng ngày 16 tháng Sáu, 2016, cho biết vào hệ thống liên lạc không lưu tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã bị tạm thời gián đoạn một thời gian. Các hãng hàng không cho biết trong sáng nay nhiều chuyến bay không thể cất cánh, cũng như hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất trong nhiều phút. Những máy bay đang chuẩn bị hạ cánh buộc phải bay vòng trên không hoặc hạ cánh xuống sân bay dự bị. Tổng giám đốc một hãng hàng không xác nhận với báoTuổi Trẻ rằng hãng của ông đã có một số chuyến bay không thể cất cánh cũng như hạ cánh vào khoảng thời gian sau 8g sáng. Cục trưởng cục hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh xác nhận đã có sự cố này và đang tìm hiểu nguyên nhân. Ông Thanh cho biết lúc 7g47 sáng đã xảy ra hiện tượng can nhiễu trên tần số điều hành bay tại khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Đến 8g05 sáng cơ sở điều hành bay đã thực hiện phương án dự phòng, sử dụng các tần số dự bị theo đúng quy trình, bảo đảm điều hành bay an toàn tuyệt đối. Sau 18 phút đã thiết lập trở lại điều hành bay thông thường trên tần số chính. Trong khoảng thời gian nêu trên, có 06 chuyến bay chờ và 01 chuyến chuyển hướng tới sân bay dự bị.

Tương tự như tại phi trường Tân Sơn Nhất, vào đêm 18 tháng Sáu, 2016, phi trường Nội Bài, Hà Nội cũng gặp một trục trặc kỹ thuật gì đó chưa được công bố, khiến nhiều máy bay đã phải bay vòng vòng ngoài khu vực hạ cánh. Hình ảnh từ flightradar24 cho thấy sân bay đã không sẵn sàng cho nhiều máy bay hạ cánh từ khoảng 22g30 chiều. Trước đó, chuyến bay VN-834 của Vietnam Airlines bay từ SiemRiep phải hạ cánh khẩn cấp. Mãi đến sau 23g30 chiều, các chuyến bay đến Nội Bài mới có thể hạ cánh mà không còn phải bay vòng vòng chờ nữa. Rất nhiều chuyến từ các sân bay trong Việt Nam bay tới Nội Bài phải cất cánh chậm so với lịch trình nhiều giờ đồng hồ.

Sự kiện đáng ngại này xảy ra trong giai đoạn Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh quân sự quy mô lớn nhất của họ tại khu vực biển Đông, khi bồi đắp một số đảo nhân tạo vùng quần đảo Trường Sa, xây dựng trái phép một số phi đạo lớn trên các hòn đảo này. Tại Du Lâm, cực nam đảo Hải Nam, họ đã xây dựng căn cứ tàu ngầm quân sự lớn nhất nước, từ căn cứ này đến bờ biển Hà Tĩnh của Việt Nam chỉ chưa đến 200km đường chim bay. Trước đó, báo chí Mỹ dẫn lời một quan chức quốc phòng nước này cho hay Trung Quốc đã trắng trợn triển khai số lượng máy bay chiến đấu lớn chưa từng có tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Một quan chức Mỹ giấu tên nói với tờ Stars and Stripes rằng Trung Quốc đã đưa 16 máy bay tiếm kích tối tân J-11 tới đảo Phú Lâm vào ngày 07 tháng Tư. Theo ông này, việc triển khai số lượng lớn như vậy là "chưa có tiền lệ", mặc dù đây không phải lần đầu tiên Bắc Kinh trái phép đưa máy bay chiến đấu tới Phú Lâm. Còn theo thông tin Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 13 tháng Sáu, Trung Quốc đang ráo riết tuyển nhân sự làm việc tại sân bay phi pháp với đường băng dài 3.000 m trên đảo Phú Lâm. Trung Quốc đã nhiều lần phản ứng tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ hiện diện ở Biển Đông, nhất là khi có nhiều thông tin Bắc Kinh sẽ sớm tuyên bố Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tại vùng biển này.

roi6

Thiết bị gậy nhiễu sóng điện tử loại nhỏ của Trung Quốc triển lãm trong một hội chợ vũ khí

Đây cũng là giai đoạn Hoa Kỳ vừa dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam, mối quan hệ giữa hai nước bắt đầu đi theo một chiều hướng thân mật, đặc biệt là về quốc phòng. Động thái này đã khiến Trung Quốc hết sức khó chịu, họ đã nhiều lần bắn tin công khai nhưng không chính thức là sẽ "tính sổ" với Việt Nam.

Trong khi nhà cầm quyền Việt Nam dường như đang cố gắng ém nhẹm những thông tin mà họ biết về tai nạn phòng không, nhưng khá ngạc nhiên là báo Thanh Niên ngày 19 tháng Sáu đăng một bài về nguy cơ xảy ra chiến tranh điện tử tại khu vực Đông Á. Theo bài báo cho biết thì hệ thống điện tử đóng vai trò sống còn đối với vũ khí. Khi bị can thiệp vô hiệu hóa hệ thống liên lạc và định vị, thì chiến đấu cơ, máy bay không người lái (UAV), hệ thống tên lửa, tàu chiến… sẽ mất khả năng chiến đấu, thậm chí bị phá hủy. Năm 2014, Nga từng can thiệp thành công để chiếm quyền điều khiển một chiếc UAV MQ-5B của Mỹ ở Ukraine. Bài báo nhận định rằng, chiến tranh điện tử đã trở thành một xu thế mới mà các cường quốc đều theo đuổi. Một cuộc thử nghiệm diễn ra ở California cho thấy, với kỹ thuật điện tử này có thể gây ảnh hưởng ở khu vực có bán kính lên đến hơn 300 km, khiến máy bay trong vùng bị mất ổn định.

Giáo sư Richard Javad Heydarian, chuyên về các vấn đề quốc tế và khoa học chính trị tại Đại học La Salle (Philippines), nhận định với báo Thanh Niên : "Với nguy cơ bùng nổ chiến tranh điện tử do Bắc Kinh phát động, Mỹ đang tiến hành tất cả các nỗ lực để phòng ngừa. Dù Mỹ vượt trội về quân sự truyền thống, Trung Quốc vẫn có thể khai thác tác chiến điện tử kết hợp cùng ưu thế về khoảng cách địa lý".

Tương tự, ngày 18/6, tiến sĩ Koh Swee Lean Collin, chuyên gia quân sự của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), cũng nhận xét với Thanh Niên :"Trung Quốc được cho là đã vận hành các hệ thống can thiệp tín hiệu định vị toàn cầu (GPS) và sở hữu cả thiết bị can thiệp vào sóng điện từ". Thông tin này đã được đề cập gần đây trong giới quân sự. Ngày 26 tháng Tư, Ngũ Giác Đài đã đệ trình báo cáo thường niên "Sự phát triển quân sự và an ninh của Trung Quốc 2016" lên quốc hội Hoa Kỳ. Báo cáo có đoạn nêu rõ : Không quân Trung Quốc đang tiến nhanh trong việc trang bị khả năng điều khiển và chỉ huy bằng kỹ thuật điện tử để can thiệp điện từ, tiến hành tác chiến điện tử.

roi7

electronic-warfare1

Về chiến lược chiến tranh điện tử mà Bắc Kinh đang tập trung theo đuổi, báo cáo trên nhận xét thêm : "Trung Quốc đặt lực lượng tác chiến điện tử trở thành lực lượng thứ 4 và ngang bằng với các binh chủng lục quân, không quân, hải quân. Vũ khí tác chiến điện tử mà Trung Quốc sở hữu có thể can thiệp vào nhiều phương tiện liên lạc, tín hiệu vệ tinh… Với những vũ khí như vậy, Bắc Kinh không chỉ có khả năng vô hiệu hóa các tên lửa tấn công, mà thậm chí còn có thể can thiệp cắt đứt liên lạc, phá hỏng hệ thống định vị của máy bay đối phương để triệt hạ.

Trong một diễn biến khác, ngày 16 tháng Sáu, tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Hạm đội 7 của hải quân Mỹ đưa ra thông báo nước này vừa điều động 120 binh sĩ cùng 4 chiến đấu cơ E/A-18G Growler đến Căn cứ không quân Clark của Philippines. Đây chính là loại chiến đấu cơ tác chiến điện tử hiện đại nhất của Mỹ hiện nay. E/A-18G Growler sở hữu nhiều kỹ thuật tác chiến điện tử, có khả năng gây nhiễu điện từ mạnh mẽ và dò tìm các nguy cơ tấn công. Nhờ đó, loại chiến đấu cơ này chẳng những đủ sức gây nhiễu để vô hiệu hóa lực lượng đối phương mà còn truy tìm để định vị mục tiêu tấn công.

Liệu tất cả những động thái và diễn biến vừa nêu có liên quan với nhau không là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Nhân đây nhiều câu hỏi lớn hơn, kỳ lạ hơn và vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng của nhà cầm quyền về nguyên nhân cá biển, cá nước ngọt chết hàng loạt khắp nơi, về vấn đề ô nhiễm biển, vỡ hồ chứa titan trong khi khai thác bauxite trên cao nguyên Trung phần và mối quan hệ ngoại giao mập mờ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Điều khó hiểu chính là sự im lặng về phía nhà cầm quyền Việt Nam. Người dân Việt Nam cần phải biết những nguy cơ có thể xảy ra với vận mệnh tổ quốc, dân tộc mình.

Uyên Vũ

Nguồn : Sài Gòn Nhỏ - Nam Cali số tháng 06/2016

Quay lại trang chủ
Read 736 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)