Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

12/03/2019

Thanh lọc hàng ngũ Đảng, hoãn công bố tiêu chuẩn sản xuất nước mắm

Tổng hợp

Đảng có thể thanh luyện hết lãnh đạo, cán bộ thoái hóa ? (RFA, 12/03/2019)

Truyền thông trong nước vào ngày 12/3 vừa loan tin cho biết Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa đại diện Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 179 về việc kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, đảng viên.

nuocmam1

Hình chụp các ủy viên Trung ương Đảng tại lễ bế mạc đại hội đảng thứ 12 ngày 28/1/2016 ở Hà Nội  AFP

Quy định này được ban hành thay thế quy chế kèm theo Quyết định số 58 của Bộ Chính trị ban hành ngày 7 tháng 5 năm 2007.

Trong đó có yêu cầu cán bộ đảng viên phải thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá ưu, khuyết điểm trong công tác.

Nhận xét về điều này, ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa Đai hội đảng XII cho rằng đây là quy định không mới nhưng rất thiết thực và phù hợp với tình hình hiện nay:

"Thực ra các quy định đối với đảng viên cũng đã có quy định từ lâu, thế nhưng thời gian vừa qua việc thực hiện chưa được thường xuyên và nghiêm túc. Cho nên bây giờ Bộ chính trị có quy định mới để cụ thể hóa vấn đề này, bởi vì để mỗi cá nhân tự mình soi lại chính bản thân mình xem có những khuyết điểm gì, hoặc có những yếu kém, sai phạm gì chưa được mà tổ chức hay người ngoài góp ý, thì chính bản thân mình phải kiểm tra và soi xét. Vì chỉ bản thân mới nắm được mặt mạnh hay yếu của mình trước khi bên ngoài người ta đóng góp".

Vẫn theo ông Cuông, công tác tự phê bình và phê bình trong đảng có rất nhiều hạn chế, cho nên bây giờ phải củng cố và phát huy vai trò này để phát huy nghị quyết về nêu gương chấp hành trung ương.

Còn với Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang, người từng có 55 tuổi Đảng và vừa tuyên bố bỏ Đảng lại cho rằng vấn đề quản lý đảng viên, phê bình và tự phê bình, đánh giá đảng viên để chống tiêu cực thì từ bao nhiêu năm nay cũng đã làm như vậy rồi, không có gì mới, chỉ có bây giờ có những quy định cụ thể hơn.

Vẫn theo Phó Giáo sư Mạc Văn Trang, việc phê và tự phê chẳng qua chỉ là nhắc lại thôi. Rồi thì cũng lên gân cho quyết liệt hơn, nhưng mà thực tế thì đâu vẫn vào đấy thôi, từ xưa đến nay bao nhiêu lần vẫn vậy.

Theo cựu Đại biểu Lê Văn Cuông, nguyên nhân một phần là do quá trình kiểm điểm chưa nghiêm túc :

"Thật ra tình trạng nể nang né tránh trong sinh hoạt chi bộ xảy ra khá phổ biến. Cho nên chất lượng tự kiểm điểm hay đóng góp phê bình, hay còn gọi là phê và tự phê, còn có những hạn chế, bất cập".

nuocmam2

Ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, tại Tòa án Nhân dân Hà Nội ngày 29/03/18. Reuters

Lý giải nguyên nhân việc này, Phó Gió sư Mạc Văn Trang cho rằng:

"Anh em ngày nào cũng uống rượu với nhau, rồi lại ngồi nhìn mặt kiểm điểm nhau, bới móc nhau. Thế thì ai trong chi bộ lại tự nhiên bới móc nặng lời với nhau đâu, cho nên chả có vụ tham nhũng nào từ trong chi bộ bới móc nhau ra cả".

Do đó, theo ông Lê Văn Cuông, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 179 cũng có mặt tích cực, là một bước cụ thể hóa những chủ trương hay những quy định trước đây mà chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa nghiêm túc:

"Quy định này giờ thành quy định bắt buộc. Trước đây cũng có đề cập đến vấn đề này, nhưng có nơi thực hiện, nơi không thực hiện, làm cho tính nghiêm túc và tính toàn diện, đồng bộ chưa được tốt. Cho nên bây giờ phải quy định trong toàn hệ thống. Bây giờ văn bản này là cơ sở để kiểm tra giám sát việc thực hiện. Nếu như tổ chức cá nhân nào không thực hiện thì cứ căn cứ theo các quy định này để xử phạt hay có chế tài thì tôi nghĩ những quy định mới này sẽ nâng chất lượng thực hiện các quy định của đảng và nhà nước một cách nghiêm túc".

Bộ Chính trị cho biết quy định 179 được ban hành nhằm thúc đẩy công tác cán bộ được thực hiện đúng quy đinh, để từ đó phòng ngừa, ngăn chặn nạn chạy chức, chạy quyền, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…

Dưới góc nhìn cá nhân, Phó Giáo sư Mạc Văn Trang lại cho rằng tuy Bộ Chính trị có những điều lệ cụ thể hơn nên sẽ có tác dụng răn đe nhất định, nhưng về bản chất không thể thực hiện được bởi vì vẫn là vừa đá bóng vừa thổi còi, anh em trong một đảng với nhau thì vẫn thế thôi.

"Thực ra trước đây cũng quy định hết rồi: chống chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp. Từ hồi ông Nông Đức Mạnh đã kể ra mấy chục thứ chạy để chống. Thế thì ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đưa ra chống chạy đủ thứ: chạy chức, chạy bằng, chạy tuổi, quan hệ… nhưng mà đâu vẫn đấy thôi. Bởi vì trong cái cơ chế này thì những ê kíp gọi là nhóm lợi ích với nhau lúc nào họ cũng quan hệ với nhau để giữ cho nhóm được ổn định và bảo vệ quyền lợi của họ. Cho dù mỗi khi lên gân rồi lại quyết liệt hơn thì đảng viên lại sợ hãi, co lại một chút rồi sau đó thì lại đâu vào đấy, người ta nói như ném đá xuống ao bèo".

Vẫn theo Phó Giáo sư Mạc Văn Trang, Quy định 179 cũng là văn bản để căn cứ vào đó nếu cán bộ nào bị lộ ra thì sẽ bị xử, còn đồng chí nào không bị lộ thì thôi. Vì vây, quy định được đưa ra như thế thì các đảng viên cán bộ phải khéo hơn, kín đáo hơn, dè chừng hơn.

Tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của đảng năm 2018 và bàn phương hướng, nhiệm vụ cho năm nay 2019, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra thống kê cho biết trong năm qua, có 14.000 tổ chức của đảng và hơn 30.000 đảng viên đảng cộng sản Việt Nam bị kiểm tra. Có 4.000 tổ chức đảng và hơn 17.000 đảng viên bị thi hành kỷ luật.

Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo có 97 đảng viên bị xem xét xử lý kỷ luật. Tại Hà Nội, Đảng bộ thủ đô đã thi hành kỷ luật 1.114 đảng viên, trong đó khiển trách 838, cảnh cáo 147, cách chức 22, khai trừ 107 cán bộ.

Mới đây nhất, trong kỳ họp lần thứ 34 diễn ra từ ngày 6 đến 7/3 tại Hà Nội, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đã xem xét, kết luận thi hành kỷ luật thêm một số cán bộ cấp cao.

Do đó, có nhiều ý kiến nhận xét cho rằng quy định giám sát kiểm tra công tác cán bộ, đảng viên vừa được ban hành thực chất chỉ là hình thức để chỉnh đốn lại hình ảnh đảng viên đang bị hạ uy tín do những sai phạm trong thời gian vừa qua. Hay theo lời Phó Gió sư Mạc Văn Trang là nói lại cho quyết liệt hơn một chút thôi chứ bao nhiêu đời Tổng Bí thư, bao nhiêu nhiệm kỳ đều nói hết và làm hết rồi!

*****************

Việt Nam hoãn công bố tiêu chuẩn sản xuất nước mắm do sức ép công luận (VOA, 12/03/2019)

Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam quyết định chưa công bố bản dự thảo bộ tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất nước mắm, một thứ trưởng của bộ cho báo chí trong nước biết hôm 12/3.

nuocmam3

Một người mua nước mắm trong siêu thị ở Việt Nam

Động thái kể trên được đưa ra sau khi hàng loạt người có ảnh hưởng trên mạng xã hội chỉ trích trong nhiều ngày qua rằng bản dự thảo được soạn theo hướng tạo lợi thế cho nước chấm sản xuất kiểu công nghiệp chứa hóa chất là chính, trong khi có nguy cơ "bức tử" ngành sản xuất nước mắm truyền thống làm từ cá.

Trong số những người đã tích cực lên tiếng về vấn đề này là các nhà báo kỳ cựu Vũ Kim Hạnh, Mai Quốc Ấn, Hoàng Linh, Phạm Việt Thắng; bác sĩ Võ Xuân Sơn, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, và blogger Hiệu Minh.

Các báo, trong đó có Thanh Niên, Người Lao Động và Dân Trí, đưa tin hôm 12/3 cho biết Thứ trưởng Khoa học và công nghệ Phạm Công Tạc thừa nhận dự thảo "tiêu chuẩn về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm" đã nhận được nhiều ý kiến "trái chiều" của nhiều tổ chức, cá nhân và giới báo chí.

Theo một bài đăng cùng ngày trên "Thông tin Chính phủ", trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam, khi bản dự thảo được đưa ra lấy ý kiến góp ý, nhiều người chỉ ra rằng có hơn 50 mục trong bản thảo "không phù hợp với thực tế sản xuất nước mắm".

Điều mấu chốt làm những người am hiểu về nước mắm lo ngại là dự thảo đánh đồng khái niệm nước mắm truyền thống với nước chấm công nghiệp để ban hành một tiêu chuẩn chung.

Bà Trần Thị Dung, người có bằng tiến sĩ về nước mắm, phân tích trong một cuộc phỏng vấn đăng trên báo Vietnam Finance hôm 11/3 rằng dự thảo đưa ra một định nghĩa "có vấn đề" về nước mắm.

Nữ chuyên gia nhấn mạnh rằng "nước mắm là sản phẩm của ủ chượp cá và muối", trong khi nước mắm công nghiệp "dùng nước muối pha loãng nước mắm" và "nó phải kèm theo chất bảo quản, chất tạo màu, hương liệu…"

Bà Dung khẳng định với Vietnam Finance là "rõ ràng, nước mắm truyền thống khác xa với nước nước mắm công nghiệp". Theo lời bà, "những người soạn thảo dự thảo muốn đánh lẫn hai loại này với nhau".

Đáng chú ý hơn, tiến sĩ Dung cho biết phần nói về quy trình sản xuất trong dự thảo "đã nhập nhằng, đánh lận con đen giữa việc sản xuất nước mắm truyền thống và sản xuất nước chấm công nghiệp trong các nhà máy".

Nữ tiến sĩ nêu lên nghi vấn phải chăng có một nhóm lợi ích "muốn mượn tay nhà nước" để ra một quy định nhằm "bắt" các nhà sản xuất nước mắm truyền thống "phải đi theo điều họ đặt ra". Bà Dung không nói cụ thể hơn là nhóm lợi ích đó gồm những công ty hay tổ chức nào, song bà nhận định rằng quy định mới, nếu được thông qua, sẽ làm ngành nước mắm truyền thống bị "bóp chết".

Theo tìm hiểu của VOA, căn cứ vào những dữ liệu được các báo Sài Gòn Giải Phóng, Thương Hiệu và Công Luận, Zing News, v.v… công bố trong vòng 6 tháng qua, nước mắm hay nước chấm công nghiệp hiện chiếm tới 70% thị phần ở Việt Nam, tương đương xấp xỉ 190 triệu lít. Nước mắm truyền thống, hay còn gọi là nước mắm tự nhiên, chiếm phần còn lại, với khoảng 60 triệu lít.

Báo Thương Hiệu và Công Luận viết trong bản tin hôm 11/3 rằng hãng Massan của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang là "doanh nghiệp trụ vững nhất với các nhãn hiệu Chinsu, Nam Ngư và Đệ Nhị".

Những người đã chỉ trích dự thảo về tiêu chuẩn sản xuất nước mắm bày tỏ hoan nghênh việc Bộ Bộ Khoa học và công nghệ "tạm dừng" công bố bộ tiêu chuẩn. Họ nói bộ đã thể hiện "tinh thần cầu thị", cho thấy cơ quan của chính phủ biết "tiếp thu ý kiến của cộng đồng và giới truyền thông", và điều đó giúp "giảm thiệt hại cho những doanh nghiệp có liên quan và là bước để lành mạnh hóa môi trường cạnh tranh".

Quay lại trang chủ
Read 456 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)