Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

11/03/2019

Hà Nội ô nhiễm, phụ nữ Lộc Hưng bị tấn công, quỵt nợ hay cạn kiệt ngoại tệ

Tổng hợp

Hà Nội ô nhiễm bụi mịn hàng đầu thế giới (BBC, 11/03/2019)

Hà Nội vẫn nằm đầu trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới, xét trên nồng độ bụi mịn trong không khí.

onhiem1

Hà Nội ô nhiễm bụi mịn hàng đầu thế giới

Báo cáo chất lượng không khí năm 2018 của Tổ chức Thông tin về Chất lượng không khí toàn cầu IQAir AirVisual cho hay Hà Nội đứng thứ 12 trong 62 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Ở khu vực Đông Nam Á, Hà Nội ô nhiễm thứ hai, sau Jakarta của Indonesia. Sài Gòn đứng thứ 15 trong danh sách này.

Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hà Nội chỉ có 38 ngày không khí sạch trong một năm, riêng trong năm 2017.

Khảo sát của IQAir AirVisual có trụ sở tại Thụy sỹ được thực hiện trên 3.000 thành phố bằng cách đo nồng độ bụi mịn PM2.5, được coi là tác nhân ô nhiễm không khí nguy hại nhất cho sức khỏe con người.

Cũng theo báo cáo này, không khí Hà Nội năm 2018 khá hơn một chút so với năm 2017.

Cụ thể, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình của thành phố năm ngoái là 40,8 microgam trên một mét khối không khí so với 45,8 năm 2017.

Theo WHO ô nhiễm không khí là rủi ro môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người hiện nay, ước tính 4.2 triệu ca tử vong mỗi năm liên quan đến ô nhiễm không khí ngoài trời và 3,8 triệu ca liên liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà.

Còn theo WHO, 6 trong 10 ca bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất liên quan đến ô nhiễm không khí.

Hà Nội làm gì để giảm bụi mịn ?

onhiem2

Các loại khẩu trang thông thường không lọc được bụi mịn

Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho hay khí thải từ các phương tiện tham gia giao thông là nguyên nhân hàng đầu của tình trạng không khí ô nhiễm tại Hà Nội.

Tuy nhiên cho đến nay dường như lãnh đạo Hà Nội chưa có bước đi nào quyết liệt để giảm tình trạng này.

Dưới sức ép của WHO, mới đây Hà Nội vừa đưa ra kế hoạch hành động kiểm soát chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

VnExpress cho hay theo bản kế hoạch này, các bộ và cơ quan liên quan có nhiệm vụ thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế ô nhiễm không khí, bao gồm sản xuất xanh, đầu tư vào công nghệ xanh, lắp đặt các trạm quan trắc không khí bổ sung, hạn chế sử dụng các công nghệ sản xuất lạc hậu.

Tác giả Anton Hansen viết trên VnExpress rằng cũng giống như loại khẩu trang chỉ có tác dụng ngăn bụi tạm thời, các giải pháp nói trên không thể mang lại hiệu quả về mặt lâu dài.

Anton Hansen nhận định rằng hầu hết mọi người ở Việt Nam không nhận thức được rủi ro về sức khỏe do ô nhiễm không khí. "Chỉ một phần nhỏ dân số Việt Nam được giáo dục về các phòng chống tác hại của việc phơi nhiễm với ô nhiễm".

"Hầu hết người dân Việt Nam khi ra đường đều đeo khẩu trang cotton, nhưng nó chỉ dùng để ngăn tia UV chứ không hiệu quả với bụi mịn".

Một cách nữa hay được người Việt Nam dùng là đeo khẩu trang bệnh viện. Đây là loại khẩu trang mỏng, chỉ có tác dụng ngăn không cho bệnh qua đường hô hấp lây lan chứ cũng không lọc được bụi mịn. Hơn nữa đây là khẩu trang dùng một lần nên lại góp thêm phần làm ô nhiễm môi trường khi bị vứt bỏ, ông Anton Hansen viết.

Giải pháp lâu dài mà Hà Nội cần làm, theo ông Anton Hansen, là các thay đổi sâu rộng về hạ tầng, giảm số lượng phương tiện giao thông cá nhân, khuyến khích giao thông công cộng, nhân rộng quy mô nông nghiệp công nghiệp và chăn nuôi sang sản xuất hữu cơ hoặc tránh các công nghệ nguy hiểm như biến đổi gien.

Bàn nhau mua máy lọc không khí

Không khí ô nhiễm báo động của Hà Nội cũng là đề tài được bàn tán sôi động trên các diễn đàn cho người nước ngoài đang sống tại đây.

Trên trang Nonstop Newcomer, một người tên Colin viết :

"Tôi yêu rất nhiều điều ở Hà Nội, như những hồ nước tuyệt đẹp, các quán cà phê, mức sống rẻ. Nhưng không khí ô nhiễm là nguyên nhân chính khiến tôi không muốn sống ở đây lâu. Và tôi ghét phải check chất lượng không khí mỗi khi tôi quyết định có chạy quanh Hồ Tây hay không".

Người này cũng bày vài cách để giảm nguy cơ tổn hại phổi khi sống ở Hà Nội : thường xuyên đeo khẩu trang và bật máy lọc không khí cả ngày cả đêm ở nhà.

Trên diễn đàn Hanoi Massive Community, nhiều người hỏi nhau kinh nghiệm mua máy lọc không khí của hãng nào, giá cả và địa chỉ mua.

Đầu năm 2019, có thời điểm nồng độ bụi mịn trong không khí tại một khu vực nội thành Hà Nội vượt ngưỡng 200 microgram/m3, rất nguy hại cho sức khỏe. Trong khi theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, mức tiêu chuẩn là 24 microgram/m3.

Thành viên có tên Tom Druk của Hanoi Masive Community khuyên 'những người chưa quen với ô nhiễm không khí Hà Nội' hãy ở yên trong nhà những ngày không khí trở nên tệ hại, và nếu có phải ra ngoài thì nhất thiết phải đeo khẩu trang loại đặc biệt có thể lọc được các hạt bụi kích cỡ nhỏ.

Bụi mịn là gì ?

Bụi mịn được coi là yếu tố giết người thầm lặng.

Bụi mịn PM1.5 (Particulate Matter 2.5) chỉ những hạt rắn, lỏng có đường kính nhỏ hơn 2,5 micoromet trôi nổi trong không khí.

Environmental Health Perspectives cho hay do kích thước siêu nhỏ, bụi mịn dễ đi sâu vào hệ hô hấp, luồn lách vào phổi, gây tắc và tổn thương phổi. Nó có thể ảnh hưởng đến cấu trúc DNA.

Nghiên cứu của giới khoa học còn chỉ ra rằng, bụi siêu nhỏ còn có thể là tác nhân gây ra bệnh rối loạn tâm lý, nhồi máu cơ tim, giảm trí nhớ.

Trẻ em, trẻ còn trong bụng mẹ, người già, người có các bệnh phổi và hô hấp là những người dễ bị tổn thương nhất bởi bụi mịn.

***********************

Phụ nữ vườn rau Lộc Hưng bị tấn công vào tuần qua (RFA, 11/03/2019)

Ít nhất hai phụ nữ có nhà bị phá hủy tại vườn Rau Lộc Hưng vào tuần qua bị công an tấn công, sách nhiễu. Mạng báo UCANews đưa tin hôm 11/3/2019.

onhiem3

Phụ nữ vườn rau Lộc Hưng cầm biểu ngữ đòi đất-RFA

Vào ngày 8 tháng 3 vừa qua, một số phụ nữ đã tập trung tại Vườn rau Lộc Hưng ở quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh với các biểu ngữ đòi đối thoại với chính quyền và trả lại đất cho họ. Công an và các lực lượng an ninh khác đã buộc họ rời khỏi vườn rau trong khi dân phòng hoặc công an mặc thường phục mang khẩu trang đứng quay phim. Những phụ nữ này đã yêu cầu công an rời khỏi đất của họ.

Các nhân chứng cho biết cảnh sát đã hành hung dã man hai phụ nữ là bà Bảo Quyên và bà Thúy Thanh khi hai người này đang chụp hình và quay video.

UCAnews dẫn lời bà Quyên, một bà mẹ ba con, cho biết một nhóm đàn ông đánh bà, lôi bà vào một chiếc ô tô, đập đầu vào cửa xe. Sau đó đưa bà đến trụ sở phường 1 quận tân Bình. Bà cho biết hai nữ công an đã yêu cầu bà cởi quần áo để họ khám xét đồng thời yêu cầu bà cho biết tên của những người mà họ cho là đang cầm đầu nhóm chống đối.

Phía an ninh cũng yêu cầu bà thuyết phục những người khác nhận tiền bồi thường, không tập trung chống đối gây rối trật tự công cộng. Bà bị giam giữ 9 tiếng đồng hồ.

Bà đã yêu cầu các quan chức cao cấp trong chính quyền hãy đến để chứng kiến những gì đang xảy ra trên mảnh đất này cũng như những gì đang xảy ra cho cư dân nơi đây.

Từ 1954, Vườn rau Lộc Hưng đã là nơi trú ngụ của bao nhiêu gia đình từ Bắc vào Nam khai hoang sinh sống. Sau 1975, khu vườn này là nơi cư ngụ của hàng trăm người thu nhập thấp, sinh viên nghèo, những cựu tù nhân lương tâm và các thương phế binh Việt Nam Cộng hòa.

Cơ quan chức năng địa phương tiến hành hoạt động cưỡng chế phá hủy hằng trăm ngôi nhà tại khu vực Vườn Rau Lộc Hưng vào hai ngày 4 và 8 tháng 1 vừa qua.

Hôm 16/1/2019, nhiều tờ báo trong nước đăng tin công an quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, đang củng cố hồ sơ xử lý với gần 20 người bị cho là có hành vi gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ khi cơ quan chức năng cưỡng chế khu đất vườn rau Lộc Hưng thuộc phường 6, quận Tân Bình vào hai ngày 4/1 và 8/1.

********************

Việt Nam cạn kiệt ngoại tệ : 100 triệu USD còn không có để trả nợ ! (VNTB, 10/03/2019)

Cuộc khủng hoảng nợ Việt - Nhật đã kéo dài tròn một quý, tính từ thời điểm nhà thầu Nhật Bản, hẳn không còn chịu nổi thói dây dưa chây ì và còn có thể muốn xù nợ của đối tác Việt Nam tại dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên ở Sài Gòn, đã phải phát thư đòi nợ và cũng đồng thời là thư khiếu nại.

onhiem4

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang phải tạm dừng vì thiếu tiền làm tiếp và thiếu tiền... trả nợ 

Ngày 7/3/2019, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thêm một lần nữa phải gửi văn bản khẩn cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xin tạm ứng ngân sách trung ương hơn 2.150 tỷ đồng để thanh toán cho ‘nhà thầu ngoại quốc’ thi công tuyến Metro số 1 ; nếu trung ương không cho thành phố ứng tiền, thì kiến nghị thủ tướng cho thành phố tạm ứng từ ngân sách của thành phố để trả nợ.

‘Nhà thầu ngoại quốc’ trên chính là nhà thầu Nhật Bản, dù báo chí nhà nước không dám gọi thẳng ra như thế.

Dự án Metro số 1 được thực hiện từ nguồn vốn ODA của Nhật do ngân sách trung ương bố trí và nguồn vốn đối ứng từ ngân sách thành phố. Đến nay, công trình này đã thực hiện được 62%, nhưng đang phải tạm dừng vì hết tiền, và nhà thầu Nhật tuyên bố dừng do bị nợ tiền kéo dài.

Dự án trên đã trở nên nổi tiếng không chỉ bởi nạn đội vốn đến hơn 30.000 tỷ đồng mà còn do một cái chết chấn động vào đầu tháng 11 năm 2018 : ông Võ Phi Anh, mới có 54 tuổi và là Phó Tổng giám đốc Cienco 6 đơn vị thi công một số hạng mục thuộc công trình tuyến metro số 1 tại TP HCM, chết trong tư thế treo cổ ở cầu thang văn phòng làm việc. Cái chết bằng dây thừng này bị nghi vấn cao về tiêu cực của những quan chức phụ trách dự án này.

Chi tiết ngoại giao rất đáng chú ý là cú đòi nợ của Nhật đã từ nhà thầu lên tới cấp đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam rồi đến cấp bộ trưởng ngoại giao Nhật. Có thể cho rằng là lần đầu tiên Nhật Bản - quốc gia mà Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất từ nguồn vốn phát triển chính thức ODA và luôn mơn trớn người Nhật để được vay mượn và nhận viện trợ không hoàn lại nhiều hơn thế, đã công khai phi vụ đòi nợ cho quốc tế biết, bất chấp phía Việt Nam kiên định giữ kín câu chuyện đáng xấu hổ này.

Gần đây nhất vào ngày 18/1/2019, trong cuộc gặp với ông Toshiko Abe, thứ trưởng thường trực Ngoại giao Nhật Bản, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã phải hứa hẹn sẽ trả món nợ hơn 100 triệu USD cho nhà thầu Nhật trước ngày 1/2/2019. Nhưng đến nay đã quá thời hạn của lời ‘hứa cuội’ đó…

Vào lúc này, nhiều dư luận đã dậy lên dấu hỏi : chính phủ và Thủ tướng Phúc khẳng định nền kinh tế tăng tưởng vượt bậc và quỹ dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục hơn 60 tỷ USD, nhưng tại sao chỉ nợ có 100 triệu USD mà không chịu trả cho nhà thầu Nhật ?

Từ tháng Năm - Sáu năm 2018, tình hình vét đô cho Quỹ dự trữ ngoại hối đã chậm hẳn lại, để cho đến nay không còn nghe báo cáo thành tích dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng phi mã. Cũng trong thời gian đó, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và hai cơ quan tham mưu là Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính một lần nữa, trong nhiều lần kể từ năm 2011 đến nay - phải tính đến việc gom 500 tấn vàng trong dân, mà rất có thể sẽ được quy đổi sang USD để trả nợ nước ngoài.

Chưa bao giờ kể từ khi nhậm chức thủ tướng, Nguyễn Xuân Phúc thể hiện tâm thế sốt ruột đến thế khi cứ nằng nặc yêu cầu Ngân hàng nhà nước phải có giải pháp thu gom vàng và ngoại tệ trôi nổi trong dân, dù đến nay Ngân hàng nhà nước vẫn chỉ biết cách duy nhất để gom là cho in tiền ồ ạt và tung hàng núi tiền đồng ra thị trường tự do để thu mua ngoại tệ và vàng.

Vụ chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và chính phủ Việt Nam quá chây ì trong việc trả nợ khoản 100 triệu USD cho nhà thầu Nhật cho thấy thực trạng quỹ dự trữ ngoại hối Việt Nam có thể đang cạn kiệt nhanh chóng. Một mơ mộng chợt bay bổng : nếu được thanh toán cho nước ngoài bằng đồng VN, vấn đề sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều, đặc biệt với một nhà nước có truyền thống… in tiền phi mã.

Đó cũng là bối cảnh mà hàng năm ngân sách của chính thể độc đảng bắt buộc phải trả nợ từ 10 - 12 tỷ USD nợ nước ngoài, mà nếu không trả được thì sẽ bị các tổ chức tín dụng quốc tế chế tài đủ thứ chuyện.

Minh Quân

Quay lại trang chủ
Read 420 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)