Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

11/03/2019

Công ty Mỹ vào Việt Nam, Trung Quốc thầu cao tốc Bắc-Nam, PVN gặp khó khăn

Tổng hợp

Hơn 50 công ty hàng đầu của Mỹ đến Việt Nam tìm hiểu thị trường (Người Việt, 11/03/2019)

Hơn 50 công ty gồm cả những tập đoàn hàng đầu nước Mỹ thuộc nhiều ngành khác nhau sẽ đến Hà Nội vào ngày thứ Ba, 12 tháng Ba, 2019, để thảo luận và tìm kiếm cơ hội dinh doanh, theo tin của Hội Ðồng Doanh Nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN.

congty1

Cơ sở sản xuất của hãng General Electric tại Hải Phòng. (Hình : Đầu Tư)

Theo nguồn tin cho biết, những công ty hàng đầu nước Mỹ, thấy liệt kê tên gồm cả những tập đoàn nổi tiếng thế giới như Google, Apple, Microsoft, nước giải khát Coca-Cola, dầu khí ExxonMobil, GE, Ford, ngân hàng và tín dụng MasterCard, Qualcomm, IBM, JP Morgan, Syngenta, dược phẩm như AstraZeneca…

Đây là phái đoàn doanh nghiệp đông đảo và đa dạng nhất từ trước đến nay của Hoa Kỳ đến Việt Nam kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh. Chuyến thăm và tìm hiểu của họ tiếp nối theo phái đoàn của Tổng Thống Trump đến Hà Nội dự cuộc họp thượng đỉnh với lãnh tụ Bắc Hàn về vấn đề phi nguyên tử hóa bán đảo Triều Tiên. Đồng thời ông Trump cũng đã gặp các người đứng đầu Việt Nam về quan hệ thương mại giữa hai nước.

Khi ở Việt Nam, đại diện các tập đoàn Mỹ cũng sẽ tham dự một buổi hội thảo về an ninh mạng và giữ an toàn bí mật dữ liệu. Hội Ðồng Doanh Nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN có hơn 160 thành viên với khả năng tạo ra hơn 6 ngàn tỉ đô la và thu dụng hơn 13 triệu người làm trên khắp thế giới, trong đó có cả Việt Nam, nơi hơn một trăm công ty Mỹ đã đổ vào đây hàng tỉ đô la đầu tư trong hơn 20 năm qua.

Cho đến nay, các doanh nghiệp Hoa Kỳ mới đầu tư tại Việt Nam khoảng 10 tỉ đô la, đứng hàng thứ 9 trong tổng 128 các quốc gia đầu tư vào Việt Nam.

Theo tin từ Bộ Công Thương Việt Nam, 25 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao và trở thành đối tác toàn diện, mậu dịch hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tăng gần 120 lần, từ 450 triệu đô la năm 1994 lên hơn 60 tỉ đô la vào năm 2018.

Hiện Việt Nam đứng thứ 16 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ và tăng trưởng thương mại giữa hai nước hàng năm khoảng 20%. (TN)

********************

Cân nhắc tập đoàn Trung Quốc muốn đầu tư cao tốc Bắc-Nam (Đất Việt, 11/03/2019)

Với cả hai hình thức đầu tư cao tốc Bắc-Nam : Hợp đồng tổng thầu (Engineering Procurement and Construction-EPC) và Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (Build-Transfer and Operate-BTO) mà tập đoàn Trung Quốc gợi ý, chuyên gia lo Việt Nam sẽ đều bị phụ thuộc.

congty2

Cao tốc Bắc-Nam có 8 dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (Public - Private Partner-PPP). Ảnh minh họa

Trong buổi làm việc với Bộ Giao thông và vận tải vào ngày 7/3, lãnh đạo Tập đoàn Thái Bình Dương của Trung Quốc bày tỏ mong muốn được tham gia đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam tại Việt Nam theo hai hình thức : EPC và BTO.

Trước thông tin tập đoàn Trung Quốc ngỏ ý muốn đầu tư cao tốc Bắc-Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đình Thám, nguyên Trưởng Bộ môn công nghệ quản lý và xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội, cho rằng, với cả hai hình thức EPC và BTO, Việt Nam đều dễ rơi vào thế bị động, bị phụ thuộc vào nhà đầu tư.

Phân tích cụ thể, ông cho biết, hợp đồng tổng thầu EPC là hợp đồng trọn gói, một chủ thể thực hiện tất cả các công đoạn từ thiết kế đến cung cấp thiết bị công nghệ, thi công xây dựng công trình, và chính quyền chỉ cần giám sát chủ thể đó. 

"Hợp đồng EPC có cái lợi là khi nhà đầu tư cho vay vốn. Họ sẽ làm tất cả mọi thứ rồi chuyển giao cho phía Việt Nam, Việt Nam không phải lo gì cả ngoài việc vay vốn, thế nhưng khi ấy chắc chắc giá thành sẽ rất cao.

Điều quan trọng là chúng ta không làm chủ được ! Chúng ta vay vốn trên giấy, trên cái mà mình không chủ động và khi ấy chúng ta rất khó được quyết định mọi thứ.

Việt Nam đã có quá nhiều bài học về hợp đồng EPC, nhất là với phía doanh nghiệp Trung Quốc, chúng ta không nắm được cái gì của họ", Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đình Thám chỉ rõ.

Đối với hợp đồng BTO, đó là hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh, trong đó phần kinh doanh chủ đầu tư sẽ tự quyết định giao cho ai kinh doanh, có thể là chính chủ đầu tư, hoặc giao cho nhà thầu hoặc một chủ thể nào khác. Nhiều ý kiến cho rằng, hình thức hợp đồng này sẽ gắn trách nhiệm của chủ thể trong xây dựng và duy tu ; doanh nghiệp muốn không tốn chi phí cho duy tu sau này, có lợi nhuận tốt thì phải đảm bảo chất lượng công trình ngay từ khi thi công.

Lãnh đạo Tập đoàn Thái Bình Dương cũng nhận xét, BTO là mô hình được đánh giá cao và được áp dụng rất thành công tại Trung Quốc và có thể là mô hình hoàn thiện của hình thức đầu tư đối tác công - tư PPP.

Thế nhưng, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đình Thám bày tỏ băn khoăn : Với hợp đồng BTO, nhà đầu tư xây dựng, chuyển giao và tham gia khai thác, như vậy họ có thể "ăn" ở khâu thi công, chiếm lãi phần này, trong khi khâu khai thác sau này thì lỗ lãi hai bên cùng chịu.

Nhấn mạnh với hai hình thức hợp đồng này, Việt Nam sẽ đều bị phụ thuộc hoàn toàn, vị chuyên gia cho biết, xét về mặt kỹ thuật, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được cao tốc Bắc-Nam và thực tế, chúng ta đã xây dựng nhiều tuyến cao tốc, tiêu biểu như cao tốc Hải Phòng. Đó là một kinh nghiệm và cũng là lý do mà Việt Nam cần cân nhắc trước khi hợp tác với nhà đầu tư Trung Quốc.

Xét về yếu tố vốn, bởi Việt Nam không có vốn mới phải hợp tác với nhà đầu tư dưới dạng góp vốn. Nhưng theo ông Thám, nếu vay trước thì có thể trả trước một phần lãi, phần còn lại có thể trả chậm sau, trong khi nếu nhà đầu tư xây xong Việt Nam cũng phải trả cả vốn lẫn lãi nhưng số tiền sẽ được tính cao hơn.

"Đều là vay trả sau, tại sao Việt Nam không tìm nguồn vốn ODA để vay, dù lãi suất không còn thấp như trước nhưng ít ra cũng ưu đãi hơn nếu đi vay thị trường. Đã đi vay thì nên vay sòng phẳng, còn vay mà không biết kết quả, vay "tù mù" thì khó trong mọi chuyện", Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đình Thám lưu ý. 

Từ những phân tích ở trên, vị chuyên gia thẳng thắn cho rằng, Việt Nam phải hết sức cân nhắc trước ý định hợp tác làm cao tốc Bắc-Nam của tập đoàn Trung Quốc bởi về nguyên tắc, chúng ta phải làm chủ thì mới quyết định được, còn khi không nắm được gì thì sẽ bị dẫn dắt, phụ thuộc và mất quyền chủ động, điều đó đẩy Việt Nam vào thế yếu.

Trước câu hỏi Việt Nam vẫn có thể thực hiện giám sát đối với nhà đầu tư, ông Thám tỏ ra hoài nghi về năng lực giám sát của những người được giao trọng trách này.

"Trình độ giám sát thì ta có nhưng cái khó nhất chính là tìm được người có tâm, thực sự vì nước, vì dân mà làm chuyện đó. Kinh nghiệm trước nay cho thấy, trong nhiều dự án, nơi hay xảy ra tiêu cực nhất chính là ban quản lý dự án. Lựa chọn ban quản lý dự án thế nào chính là chìa khóa quyết định thành công của dự án.

Khó nhất là phải làm sao tìm được người trong ban quản lý có tâm và để tránh tiêu cực, quan trọng là vấn đề đãi ngộ thế nào", Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đình Thám nói.

Khẳng định "ta làm chủ được thì ta làm được", vị chuyên gia đề nghị, với dự án cao tốc Bắc-Nam, Việt Nam nên tổ chức đấu thầu quốc tế công khai, minh bạch, khi nhiều nhà thầu cùng tham gia Việt Nam sẽ có nhiều lựa chọn. 

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông thực hiện trong giai đoạn 2017-2020, được chia thành 11 dự án thành phần, trong đó có 3 đoạn đầu tư bằng ngân sách nhà nước, 8 đoạn còn lại sẽ được kêu gọi đầu tư vốn tư nhân theo hình thức PPP.

Với 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, Bộ Giao thông và vận tải đã phát hành hồ sơ mời thầu 21 gói thầu/8 dự án. Về cơ bản, các gói thầu/dự án đã được đánh giá xong đề xuất kỹ thuật, dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu trong Quý I/2019.

Toàn tuyến cao tốc có tổng chiều dài 654km, tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng, đi qua địa phận 13 tỉnh, gồm : Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long.

Thành Luân

********************

Nhiều dự án thăm dò, khai thác dầu khí của PVN phải dừng hoặc bán (RFA, 12/03/2019)

Trong số 13 dự án thăm dò, khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thì có đến 11 dự án không hiệu quả, buộc phải dừng hoặc chuyển nhượng lại cho phía nước ngoài.

congty3

Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất. AFP

Truyền thông trong nước dẫn thông tin từ Báo cáo của Bộ Công Thương gởi Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước, loan tin vừa nói hôm 12/3/2019.

Các dự án không hiệu quả điển hình như: Dự án Junin 2 ở Venezuela, dự án lô 67, lô 39 ở Peru đang chuyển nhượng cho đối tác, dự án thăm dò lô Marine XI ở Conggo đang gặp khó khăn phải chuyển nhượng vốn góp, thăm dò lô Danan ở Iran góp vốn 82,07 triệu USD xin tạm dừng, lô M2 ở Myanmar dừng vì rủi ro và dự án ở Campuchia.v.v…

Các dự án này được PVN ủy quyền cho Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thực hiện. Cơ quan chức năng đang xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong việc đầu tư thua lỗ lớn, kéo dài và tiềm ẩn rủi ro tài chính tại PVEP.

Liên quan đến PVEP, ngày 8/1 vừa qua, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Vũ Thị Ngọc Lan, Phó Tổng giám đốc PVEP về tội lạm dụng chức vụ để chiếm đoạt tài sản trong vụ án liên quan OceanBank. Bà Lan giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc PVEP từ tháng 1 năm 2009.

Cũng tin liên quan kinh tế, trong ngày 12/3, Công ty Núi Pháo đã gởi đơn đến Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên ‘kêu cứu’ vì tiêu thụ tinh quặng đồng gặp khó khăn.

Cụ thể, việc không tiêu thụ được tinh quặng đồng đã khiến Công ty Núi Pháo gặp khó khăn trong thu hồi vốn để tái đầu tư sản xuất cũng như tăng chi phí bảo quản sản phẩm lưu kho.

Theo công ty Núi Pháo, kể từ khi có thay đổi về chính sách xuất khẩu cho sản phẩm tinh quặng đồng, công ty đã rất nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước, nhưng do không tìm được đối tác tin cậy và có năng lực nên việc tiêu thụ tinh quặng đồng của công ty đang gặp nhiều khó khăn.

Tin cho biết, ước tính đến hết năm 2018, lượng tinh quặng đồng tồn kho của công ty vào khoảng trên 35.000 tấn.

Công ty Núi Pháo đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên xem xét, sau đó có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị cho công ty được tạm xuất, gia công tinh quặng đồng ở nước ngoài sau đó tái nhập lại.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo hiện thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Masan, sau khi tập đoàn này mua lại từ Dragon Capital vào cuối năm 2013.

Dự án Núi Pháo từng bị người dân địa phương phản đối vì gây ô nhiễm môi trường. Vào tháng 6 năm 2016, nhiều người dân xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên tập trung phản đối sau quá trình khiếu kiện về nạn ô nhiễm do dự án gây nên.

Tin cho biết có chừng 3 ngàn hộ dân bị di dời để giao mặt bằng cho dự án.

Quay lại trang chủ
Read 392 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)