Việt Nam nói Báo cáo Nhân quyền 2018 của Mỹ "thiếu khách quan" (RFA, 15/03/2019)
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 14/3 lên tiếng về Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2018 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố một ngày trước đó, cho rằng bản báo cáo đó của phía Mỹ "vẫn chứa đựng một số nhận định thiếu khách quan".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng - RFA edit
Hôm 13/3/2019, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo công bố báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao nước này cho khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó phần nói về Việt Nam bản báo cáo gọi đây là "đất nước công an trị" và chỉ trích các vi phạm nhân quyền ở quốc gia độc đảng này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong thông cáo đăng tải trên trang thông tin của Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ.
"Tuy đã ghi nhận những thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam, Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2018 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn chứa đựng một số nhận định thiếu khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác, không phản ánh đúng tình hình thực tế của Việt Nam.
Những quyền tự do cơ bản của công dân Việt Nam được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, được tôn trọng và bảo đảm trên thực tế".
Dẫn các số liệu phát triển về kinh tế xã hội của Việt Nam trong năm 2018 và việc nhóm làm việc về Rà soát Định kỳ Phổ quát chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo về kết quả Rà soát của Việt Nam..., bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định sẵn sàng đối thoại với Hoa Kỳ.
Bản Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018 của Hoa Kỳ cho hay, tính đến cuối tháng 11 năm 2018, có ít nhất 11 nạn nhân bị chết trong đồn công an Việt Nam mà phía chính quyền chỉ cung cấp rất ít thông tin về việc điều tra liên quan những cái chết đầy khuất tất đó, thậm chí gia đình các nạn nhân còn bị sách nhiễu và hăm dọa khi yêu cầu chính quyền trả lời cho những thắc mắc của họ về cái chết của người thân.
****************
Xử 6 nhà hoạt động vào ngày 18/3 và 20/3 (RFA, 15/02/2019)
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) ngày 15/3/2019 ra thông cáo báo chí kêu gọi trả tự do cho 6 nhà hoạt động thuộc 2 tổ chức không được Việt Nam công nhận mà sẽ bị đưa ra xét xử trong những ngày sắp tới và đề nghị quốc tế cần gây sức ép với Việt Nam để lãnh đạo Hà Nội "đừng biến đất nước thành một nhà tù khổng lồ".
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của HRW - Photo : RFA
Human Rights Watch cho rằng sáu nhà hoạt động và blogger Việt Nam phải đối mặt với các mức án tù lâu năm do phản đối ôn hòa của họ.
Tổ chức này lên tiếng yêu cầu chính phủ Việt Nam cần ngay lập tức phóng thích sáu người này ; họ bị truy tố vì các hoạt động chính trị ôn hòa, như lập hội, bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội, và tham gia vào các cuộc tập trung công công.
Phúc thẩm 5 thành viên Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết gồm các ông Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Đức Độ, sư thầy Phan Trung, Nguyễn Quốc Hoàn và Từ Công Nghĩa sẽ diễn ra tại bị Tòa án nhân dân cấp cao Thành Phố Hồ Chí Minh vào ngày 18/3 tới đây.
Trong phiên xử sơ thẩm ngày năm tháng mười năm ngoái, cả 5 người này đều bị tòa án cáo buộc tội danh "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" với các bản án từ 8 năm đến 15 năm tù giam.
5 nhà hoạt động của Liên minh dân tộc Việt Nam tự quyết Photo : RFA
Ông Nguyễn Văn Đức Ấn, anh trai của Nguyễn Văn Đức Độ - người bị tuyên 11 năm tù trong phiên xét xử trước và cáo buộc bị bạn tù đánh đến ngất xỉu trong trại giaam cho Đài Á Châu Tự Do biết như sau :
"Hôm kia em trai của em vào gặp, tinh thần của Độ rất kiên cường nhưng sức khỏe cũng như mọi khi, hơi yếu. Phiên tòa tới đây, em trai em vô tội và em hy vọng họ sẽ xử khác phiên tòa trước".
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á Châu của tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở ở New York nêu rõ trong thông cáo rằng :
"Chính quyền đang sử dụng các điều luật hà khắc trong bộ luật hình sự Việt Nam để đàn áp bất đồng chính kiến ôn hòa, khiến số người bất đồng chính kiến ôn hòa trong chốn lao tù vốn đang trên đà gia tăng lại càng nhiều hơn. Các đối tác thương mại và các nhà tài trợ quốc tế cần gây sức ép để giới lãnh đạo ở Hà Nội đối thoại với những người bất đồng chính kiến, chứ đừng biến đất nước thành một nhà tù khổng lồ".
Một trường hợp khác là ông Lê Minh Thể, sinh năm 1963, từng là thành viên của nhóm Hiến Pháp cũng sẽ bị Tòa án quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ đem ra xét xử vào ngày 20/3 tới đây sau một lần phiên tòa bị hoãn hồi đầu tháng này do có yêu cầu của luật sư để có thời gian tiếp cận hồ sơ và thân chủ.
Theo cơ quan chức năng Việt Nam, từ đầu năm 2017 đến tháng 10/2018, ông Thể lập nhiều tài khoản Facebook cá nhân để đăng tải, chia sẻ, bình luận các nội dung bị cho là xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của đảng cộng sản và Nhà nước.
Ông Thể bị quy kết là thường xuyên lên Facebook kết nối với các phần tử phản động trong và ngoài nước, phát trực tiếp các video kêu gọi, kích động người dân tham gia biểu tình, phản đối dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng.
Theo Công an thuộc tỉnh miền Tây Nam Bộ thì hành vi của công dân Cần Thơ này gây ảnh hưởng đến uy tín của đảng, Nhà nước, lãnh đạo trung ương và địa phương đồng thời gây hoài nghi trong người dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng đồng thời lo ngại về việc mở rộng đàn áp của Việt Nam vào giới hoạt động dân sự ôn hòa.
Theo tổ chức này, tính đến tháng 3 năm nay, có ít nhất 142 người đã bị kết án với các tội danh bắt nguồn từ các cuộc biểu tình hồi tháng Sáu năm 2018 để phản đối tuyên bố của chính phủ về dự luật đặc khu kinh tế và luật an ninh mạng.
**********************
Sức khỏe tù chính trị Nguyễn Văn Túc tồi tệ thêm (RFA, 15/03/2019)
Sức khỏe tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Túc hiện đang bị suy giảm trầm trọng.
Tù nhân chính trị Nguyễn Văn Túc. AFP
Thông tin này được bà Bùi Thị Rề, vợ ông Túc đăng tải trên Facebook cá nhân vào chiều ngày 13/3, sau khi vào Trại giam số 6 huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An thăm chồng.
Vẫn theo bà Rề, ông Túc cho biết hiện đang bị giam chung với một người buôn ma túy và bị đối xử rất tàn bạo.
Bên cạnh đó, bà Rề cũng cho biết đồ gia đình gửi vào cho ông Nguyễn Văn Túc cũng bị giữ cho đến hư mới giao cho ông Túc.
Kèm theo đó, bà Rề đăng tải một bức thư ngắn ông Túc ghi về các bệnh của mình như co thắt động mạch vành, thường xuyên đau thắt ngực trái, mắt viêm giác mạc mãn tính, thoái hóa xương 3 đốt sống cổ, bệnh trĩ ngoại điểm 3 cần được mổ gấp…
Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Túc bị tuyên y án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế trong phiên phúc thẩm tại Tòa án tỉnh Thái Bình hôm 14/9/2018.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông Túc, đồng thời giữ nguyên bản án và cáo buộc ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo Khoản 1, Điều 79, Bộ luật Hình sự 1999 tại phiên sơ thẩm đối với ông.
Vào ngày 8/11/2018, ông Nguyễn Văn Túc đã bị chuyển đi từ trại giam ở tỉnh Thái Bình đến Trại giam số 6 huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An mà gia đình không hề được thông báo gì.
**********************
Bộ Ngoại giao Mỹ : nhân quyền Việt Nam năm 2018 vẫn tệ hại (VOA, 14/03/2019)
Chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp các tiếng nói bất đồng bằng cách bắt giam tùy tiện, ngược đãi tù nhân, siết chặt các quyền bày tỏ trên mạng, quyền hội họp, quyền lập hội…, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong bản phúc trình về tình hình nhân quyền các nước trong năm 2018 vừa được công bố.
Nhiều người tham gia vào các cuộc biểu tình chống Luật đặc khu đã bị kết án tù
Về tình trạng bắt giữ và giam cầm tùy tiện, nhất là đối với những nhà hoạt động chính trị hay các cá nhân phản đối cưỡng chế đất, vẫn là một vấn đề nghiêm trọng, theo phúc trình.
Phúc trình dẫn ra trường hợp của nhà hoạt động Phạm Đoan Trang – người bị bắt giữ và thẩm vấn nhiều lần trong năm qua, trong đó có một lần cô bị đưa đi từ nhà riêng đến Cục điều tra An ninh thuộc Bộ Công an để thẩm vấn hàng giờ về cuốn sách ‘Chính trị Bình dân’ của cô.
Ngoài ra, chính quyền còn quản chế hay bắt giam tùy tiện nhiều nhà hoạt động tôn giáo và chính trị tại nơi cư trú của họ hay đưa vào đồn công an địa phương hay đưa đến các trung tâm bảo trợ xã hội, theo phúc trình. Một số nhà vận động nhân quyền cũng bị thường bị bắt sau khi đi nước ngoài về.
Những người tham gia vào các cuộc biểu tình chống Nhà nước thường xuyên bị sách nhiễu và tấn công, cũng theo bản báo cáo này. Báo cáo nêu ra trường hợp công an Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng Sáu đã đánh đập và bắt giữ 180 người chống một cuộc biểu tình chống Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng.
Những nhà hoạt động bị kết án tù cũng đối mặt với các hình thức ngược đãi như ép cung, đánh đập, tra tấn, thiếu chăm sóc y tế, đưa đi xa nhà và gây khó khăn cho thân nhân đi thăm viếng.
Phúc trình dẫn số liệu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết trong năm 2018 có hơn 100 người bị ngồi tù ở Việt Nam vì các lý do chính trị và tôn giáo. Trong đó, phúc trình nêu lên trường hợp của các thành viên Hội Anh em Dân chủ, bao gồm các ông Nguyễn Trung Trực, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, nhà hoạt động tự do tôn giáo Nguyễn Bắc Truyền và nhà hoạt động môi trường Hoàng Đức Bình đều nhận được những bản án nặng nề.
Bản phúc trình dẫn lời các nhà hoạt động cho biết các cán bộ của Bộ Công an thường ‘đánh đập các tù nhân chính trị để buộc họ nhận tội hay sử dụng các phương cách khác để ép họ viết biên bản nhận tội, trong đó có việc yêu cầu các bạn tù tấn công họ với lời hứa hẹn về một số ân huệ’. Ngoài ra công an cũng tìm cách moi thông tin từ các tù nhân chính trị về các nhà hoạt động nhân quyền khác.
Mặc dù theo luật định, trước khi chính thức bị truy tố, những người bị giam giữ có quyền thông báo cho gia đình, Bộ Công an vẫn giam giữ một số blogger và nhà hoạt động bị tình nghi về phạm tội an ninh quốc gia mà không công bố thông tin. Cho đến tháng 11, vẫn còn hơn một chục blogger bị bắt giam cho đến nay vẫn chưa biết tin tức là bị giam ở đâu, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Điều kiện giam giữ trong các nhà tù ở Việt Nam đa phần là ‘khắc nghiệt’, báo cáo cho biết. Phần ăn không đủ, thức ăn không vệ sinh, quá tải, thiếu nước sạch và vệ sinh kém là một số vấn đề của nhà tù Việt Nam mà phúc trình chỉ ra.
Theo phúc trình thì các cán bộ trại giam sẽ nhắm vào các tù nhân chính trị để ngược đãi và thường giam họ chung trong những nhóm nhỏ riêng rẽ với tù thường phạm. Phúc trình dẫn lời các cựu tù nhân cho biết cán bộ trại giam dùng sách đánh họ để không để lại vết đánh có thể nhìn thấy. Trong một số trường hợp, họ còn cổ vũ cho các tù nhân khác quấy rối và tấn công tù nhân chính trị. Trường hợp của bà Trần Thị Nga kể lại rằng bà bị một bạn tù ở trại giam Gia Trung ‘đánh đập tàn nhẫn’ cũng được nêu như một dẫn chứng.
Nhà hoạt động Công giáo Lê Đình Lượng, người bị kết án 20 năm tù vì ‘tiến hành các hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân’ bị biệt giam tại Trung tâm Giam giữ tỉnh Nghệ An ở nơi không có ánh sáng Mặt trời trong vòng một năm, phúc trình dẫn lời kể của thân nhân ông cho biết.
Về khẩu phần ăn thì các cựu tù nhân chính trị cho biết họ được cho ăn không đủ và đồ ăn thì tệ hại với chỉ hai chén nhỏ cơm và rau mỗi ngày mà còn bị lẫn với sỏi và côn trùng. Về chăm só cy tế, nhiều tù nhân chính trị và thân nhân của họ cho biết họ không được chăm sóc đầy đủ trong tù và dẫn đến những hậu quả lâu dài cho sức khỏe của họ.
Việt Nam vẫn duy trì cách làm là chuyển tù nhân đi rất xa quê nhà của họ khiến cho thân nhân của họ khó mà thăm viếng và thường xuyên bị chuyển trại mà không thông báo cho gia đình. Điển hình là trường hợp của tù nhân Trương Minh Đức từ Thành phố Hồ Chí Minh bị chuyển đến Trại giam số 6 ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Bên cạnh các tù nhân chính trị, bản phúc trình cũng cho biết các học viên tại các trung tâm cai nghiện ma túy cũng bị ngược đãi với dẫn chứng các học viện tại một trung tâm cai nghiện ở Tiền Giang bỏ trốn hàng loạt hồi tháng Tám đã cho biết họ bị buộc làm việc không lương 8 tiếng một ngày và sẽ bị trừng phạt, bao gồm đánh đập, nếu họ cứng đầu.
Trên lĩnh vực tư pháp, bản phúc trình cho biết hệ thống tư pháp của Việt Nam ‘trên thực tế nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản’ và ‘vai trò của Đảng là đặc biệt nổi bật’ trong những vụ án tham những hay thách thức Đảng và Nhà nước. Phúc trình dẫn lời các luật sư cho biết trong nhiều trường hợp ‘dường như thẩm phán đã có phán quyết có tội trước khi xét xử’.
Các luật sư đại diện cho các nhà hoạt động chính trị cũng bị sách nhiễu, giới hạn, khai trừ và đạo luật hình sự mới buộc họ phải vi phạm nghĩa vụ với thân chủ của họ trong những trường hợp liên quan đến ‘an ninh quốc gia’.
Về quyền tự do biểu đạt, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Việt Nam tiếp tục sử dụng những điều khoản về an ninh quốc gia và chống bôi nhọ để hạn chế quyền này, trong đó có định ra các tội danh nhu ‘phá hoại cơ sở chủ nghĩa xã hội’, ‘gây chia rẽ lương giáo’, ‘tuyên truyền chống Nhà nước’ hay ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân’.
Theo đó, chính quyền tiếp tục hạn chế những bài viết và phát ngôn chỉ trích các lãnh đạo, Đảng hay đòi đa nguyên chính trị, đa đảng, đòi nhân quyền, tự do tôn giáo hay chỉ trích chính sách đối với Trung Quốc về lãnh thổ.
Dẫn chứng mà phúc trình đưa ra là Luật An ninh mạng với những điều khoản mơ hồ như ‘xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành quả cách mạng, phá hoại đoàn kết dân tộc, gây rối trật tự công cộng’ và vụ bắt giữ blogger Lê Anh Hùng về tội ‘lạm dụng các quyền tự do dân chủ’ để chỉ trích các lãnh đạo trên mạng.
Theo phúc trình, dưới Luật An ninh mạng này, chính quyền Việt Nam đã gây sức ép buộc các công ty như Facebook và Google dỡ bỏ những ‘tài khoản giả’ và ‘nội dung độc hại’, trong đó có nội dung chống Nhà nước.
Về quyền tự do đi lại, chính quyền Việt Nam đã hạn chế việc đi lại của các cựu tù nhân như bà Bùi Thị Minh Hằng và ông Đinh Nhật Uy trong khi tiếp tục giám sát và hạn chế sự đi lại của các nhà hoạt động và lãnh đạo tôn giáo nổi bật như Nguyễn Đan Quế, Phạm Chí Dũng, Phạm Bá Hải, Nguyễn Hồng Quang, Thích Không Tánh, Lê Công Cầu và Dương Thị Tân.
Một số nhà hoạt động còn bị cấm ra nước ngoài như Bùi Minh Quốc, Đinh Hữu Thoại, Đỗ Thị Minh Hạnh, Phạm Đoan Trang, Lê Hồng Quang và Lệ Công Định. Những người này bị tịch thu hộ chiếu với những cáo buộc mơ hồ hay không được cấp hộ chiếu mà không có lời giải thích rõ ràng.
*******************
Ngăn chặn không cho giới hoạt động độc lập tưởng niệm Gạc Ma (RFA, 14/03/2019
Dịp kỷ niệm vụ thảm sát 64 binh sĩ công binh Việt Nam tại đảo Gạc Ma ở Trường Sa một số nhà hoạt động tại Việt Nam lại bị ngăn chặn.
Lực lượng công an ngăn chặn những người hoạt động độc lập. 14/03/2019 RFA
Tin cho biết vào sáng 14/3 những nhà hoạt động dân sự độc lập bị ngăn cản không cho đến những địa điểm trung tâm các thành phố lớn để tổ chức lễ tưởng niệm như vừa nêu.
Một trong những người bị ngăn chặn là cựu nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh ; ông cho biết đã bị nhân viên an ninh mặc thường phục canh gác trước cửa căn hộ ông ở tại Hà Nội từ hai ngày trước. Sáng nay ông bị ngăn cản không ra được khu vườn hoa Lý Thái Tổ để thắp hương tưởng niệm. Ông nói với RFA :
"Chúng tôi đi ra thì họ đi theo, ba bốn người đi xe gắn máy chạy theo. Đến khi dừng lại mua hoa thì họ chặn lại, cưỡng ép không cho mua hoa và bắt đi về. Họ có bốn năm người nên chúng tôi cũng phải về, không làm gì được, thành ra không ra thắp hương được".
Theo ông Huỳnh Ngọc Chênh, và hình ảnh trên mạng xã hội Facebook cho thấy tại khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ, cơ quan chức năng Hà Nội cho dựng rạp tổ chức một sự kiện ca nhạc thể dục. Do đó những nhà hoạt động xã hội độc lập không thể làm lễ tưởng niệm được.
Tuy nhiên các cơ quan nhà nước, kể cả một số trường học lại có tổ chức lễ tưởng niệm Gạc Ma.
Báo chí nhà nước cho biết tại trung tâm thành phố Đà Nẵng, Ban Liên lạc Bộ đội Trường sa tại thành phố này đã tổ chức lễ tưởng niệm long trọng, có thắp hương tại trung tâm Đà Nẵng.
Ông Huỳnh Ngọc Chênh nói về sự tổ chức này :
"Nhà nước cộng sản làm cái gì cũng độc quyền hết, với những tổ chức trong vòng kiểm soát của họ. Không cho xã hội dân sự tham gia vào bất cứ sự kiện gì. Tức là làm trong vòng kiểm soát của đảng, kể cả chuyện chống Trung Quốc".
********************
Bác bỏ giải trình của Bộ Công an về vấn nạn ‘tự tử’ nơi giam giữ (RFA, 13/03/2019)
Phái đoàn Việt Nam vào hai ngày 11 và 12 tháng 3 vừa qua tiến hành lần phúc trình thứ 3 trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về việc thực thi Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự & Chính trị mà Hà Nội tham gia ký kết năm 1982.
Đại diện Bộ Công an đang trả lời câu hỏi chất vấn của Uỷ ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 12/03/2019. video captured
Trong phúc trình, đại diện Bộ Công An phát biểu rằng một trong các nguyên nhân dẫn đến tử vong trong các cơ sở giam giữ của Việt Nam có thể là do "phạm nhân day dứt, dằn vặt về hành vi phạm tội của mình dẫn đến bi quan mà tự tử", hoặc do phạm nhân mắc phải các căn bệnh hiểm nghèo từ trước khi nhập trại.
Câu nói của vị đại diện Bộ Công an lập tức gây bất mãn trên các mạng xã hội cũng như với rất nhiều người dân Việt Nam trong và ngoài nước.
Một người dân ở Hà Nội và một người dân ở Sài Gòn bật cười khi nghe phát biểu này :
"Nghe nó nực cười, kiểu như trẻ con nói chuyện với nhau. Đại diện Bộ Công an mà nói một câu như thế thì phải nói là rất dối trá và đê tiện, không chấp nhận được. Những người từng bị cho là tự tử trong đồn công an họ là những người đang rất yêu đời, lạc quan".
"Theo quan niệm của mình thì đó là họ ngụy biện, lấp liếm thôi chứ tình trạng ngược đãi tù nhân, vi phạm nhân quyền thì ai cũng thấy. Đó là cách họ đổ thừa cho phạm nhân mà thôi. Tôi cho rằng đó là lấp liếm, nói sai sự thật không thể chấp nhận được".
Họ còn nói vui rằng rất nhiều quan chức cán bộ nói day dứt mà sao chẳng thấy ông nào tự tử cả !
Cô Trịnh Kim Tiến, con gái ông Trịnh Xuân Tùng, người bị trung tá công an Nguyễn Văn Ninh ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đánh chết hồi tháng Hai năm 2011 vì chạy xe không đội mũ bảo hiểm, bày tỏ cảm xúc của mình khi nghe phát biểu từ vị đại diện
"Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Công an trả lời một cách vô trách nhiệm trước quốc tế.Bộ công an : Không chỉ với quốc tế mà còn với người dân trong nước thì câu chuyện mà coi việc người dân chết trong đồn công an diễn ra từ nhiều năm nay rồi và họ không có một động thái nào để chấm dứt hay ngăn chặn việc này tiếp diễn. Những câu trả lời như lý do những phạm nhân tự tử là do cảm thấy day dứt tội lỗi là để trốn tránh, phủi bỏ trách nhiệm.
Cho dù những điều họ nói là thật đi nữa thì trách nhiệm của cơ quan công an ở đâu, trách nhiệm của những người đang trông coi phạm nhân ở đâu khi để phạm nhân tự tử trong đồn hay các trụ sở công an ?
Việc tự tử tại những nơi này không phải là việc dễ dàng bởi nơi đây có sự kiểm soát rất chặt chẽ của công an viên".
Theo báo cáo của Bộ Công an do trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm trình bày tại phiên họp hôm 19/03/2015 về "Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật", thì trong giai đoạn từ tháng 10/2011 đến tháng 9/2014 đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam trên toàn quốc. Nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tử vong này được Bộ Công an lý giải là do bệnh lý và do đối tượng bị tạm giữ, tạm giam tự sát.
Luật sư Võ An Đôn, người từng bảo vệ quyền lợi cho 3 trường hợp nạn nhân chết trong trại tạm giam, tạm giữ nói rằng :
"Người ta muốn lấp liếm sự thật đi, ví dụ như những vụ mà tôi làm thì trước đó cơ quan chức năng cho biết tự tử, nhưng khi báo chí vào cuộc, dư luận ầm ầm lên thì người ta cho biết là bị đánh chết, chứ trước đó người ta vẫn nói là nạn nhân tự tử".
Cho đến nay chưa có một thống kê chính thức từ năm 2014 có bao nhiêu nạn nhân chết trong đồn công an, nhưng theo ghi nhận từ các phương tiện truyền thông thì năm 2018 đã có 11 cái chết liên quan đến việc bị tạm giam, tạm giữ.
Bà Nguyễn Thị Kim Lan, vợ của tù nhân lương tâm Ngô Hào, người đang thụ án 15 năm tù tại trại An Điềm, tỉnh Quảng Nam với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, từng bị đột quỵ trong nhà tù nhưng trại giam không hề báo cho gia đình, nói với RFA rằng những gì chồng bà làm là đúng nên không có gì phải day dứt hay ân hận. Nếu phạm nhân tự tử chỉ có thể vì họ phẫn uất với công an, với chính quyền mà thôi :
"Họ có tự tử đi chăng nữa cũng không phải vì day dứt khi làm sai mà vì họ muốn đòi những điều ngay thẳng, trắng đen rõ ràng. Họ tự tử là vì họ bực tức về công an, về chính phủ, về chính sách và tất cả những gì họ không vừa ý chứ không phải vì day dứt tội lỗi mà tự tử".
Theo cơ chế hiện nay ở Việt nam thì Bộ Công an trực thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh trật tự, an toàn xã hội ; phản gián ; điều tra phòng chống tội phạm ; thi hành án hình sự, thi hành án không phải phạt tù, tạm giữ, tạm giam ; bảo vệ, hỗ trợ tư pháp…
Ngay cả cơ quan khám nghiệm pháp y và các y bác sĩ hoạt động trong trại giam cũng là người thuộc Bộ Công an. Chính vì thế việc đưa ra ánh sáng những vụ bị cho là tự tử trong đồn công an sẽ rất khó khăn.
Cựu Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang cho rằng chuyện phạm nhân tự tử là điều khó tin, và nếu có thì trách nhiệm thuộc về phía công an :
"Tôi cho rằng đây chỉ là những lời biện bạch thôi, không cơ sở khoa học thực tế để chứng minh. Khi có người bị tạm giam hay bị giam chết thì trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan giam giữ, không thể nói trách nhiệm hoàn toàn về phía nạn nhân được. Tổng kết lại thì thấy gần đây có nhiều người bị cơ quan an ninh hay công an bắt tạm giam khi ra về hoặc với thương tích hoặc không bao giờ trở về với lý do tự tử. Tôi cho rằng đây là điều khó tin".
Thực tế khó tin như lời của vị cựu đại tá công an vừa rồi được chứng minh qua giải thích của công an đối với những vụ chết tại đồn như trường hợp nạn nhân Ngô Chí Tâm ở Thủ Đức mà công an địa phương cho là ‘thắt cổ tự tử bằng dây thun quần’ ; trường hợp nạn nhân Nguyễn Hồng Đê ở Ninh Thuận mà công an Thành phố Phan Rang nói ‘dùng áo làm dây treo vào cửa sổ để tự tử ; trường hợp nạn nhân Nguyễn Hữu Tấn ở Vĩnh Long bị nói nạn nhân tự lấy dao rọc giấy cắt đứt cổ mình…
*******************
Việt Nam bị tố ‘xảo ngôn’ về Công ước ICCPR tại Geneva (VOA, 13/03/2019)
Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực bảo vệ các quyền dân sự, chính trị tại một phiên họp của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva hôm 11-12/3 nhưng các nhà quan sát chính trị nói với VOA rằng những phát biểu của phái đoàn Việt Nam không phản ánh sự thật vi phạm nhân quyền ở trong nước.
Đoàn chính phủ Việt Nam tại phiên đối thoại Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Geneva, Thụy Sĩ, hôm 12/03/2019. Photo WebTV.UN
Nhà báo độc lập Nguyễn Kim Chi nói bà cảm thấy thất vọng về các ý kiến của phía Việt Nam trong phiên đối thoại này :
"Tôi cũng như nhiều người theo dõi phiên điều trần này cảm thấy thất vọng về những điều phía Việt Nam tuyên bố ở đây. Tôi nghĩ rằng đó là một sự thật mà chúng tôi không hy vọng hay chờ đợi điều gì (thay đổi) lớn từ phiên điều trần này".
Trong hai ngày 11 và 12/3, tại Geneva, Thụy Sĩ, Ủy ban Nhân quyền Liên hiệp quốc đã tổ chức Phiên họp xem xét Báo cáo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR).
Một phái đoàn của chính phủ Việt Nam gồm 20 thành viên do thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc dẫn đầu. Trong đoàn còn có các đại diện của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tôn giáo Chính phủ và các các cơ quan khác.
Phiên đối thoại hôm 12/3 được tường thuật trực tiếp. Theo quan sát của VOA, các đại diện Việt Nam về phần lớn đọc các văn bản pháp luật được chuẩn bị sẵn và không đi vào chi tiết hay trả lời các thắc mắc của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc.
Ông Nguyễn Khánh Ngọc nói tại phiên đối thoại :
"Tôi xin dành mấy ý để cả thành viên Ủy ban hiểu được những gì đã xảy ra tại Việt Nam. Tất cả những gì băn khoăn liên quan đến Công ước và pháp luật Việt Nam thì các đại diện Việt Nam đã nói rồi. Toàn bộ nội dung Công ước đã được chuyển hóa đến hệ thống pháp luật Việt Nam. Quý vị hãy đọc thật kỹ Hiến pháp Việt Nam để thấy các nội dung này. Không chỉ Hiến pháp Việt Nam mà rất nhiều đạo luật cụ thể mà các đại diện các bộ ngành cụ thể đã trình bày các quyền đó được cụ thể tại các luật như thế nào".
Bà Nguyễn Kim Chi nói : "Họ báo cáo chung chung, không cụ thể, và không đúng với thực trạng đang diẽn ra. Chúng tôi cũng không tin vào những lời hứa của Chính quyền Việt Nam như đã phát biểu tại đây".
Ông Phạm Lê Vương Các, người theo dõi các phiên đối thoại ICCPR của Việt Nam trong hai ngày qua, cũng đồng ý với nhận xét đó :
"Phái đoàn Việt Nam trả lời một cách chung chung. Chính quyền Việt Nam hầu như phủ nhận tất cả những cáo buộc vi phạm các quyền dân sự và chính trị tại Việt Nam.
"Họ còn đưa ra các lý luận, nói chính xác là các xảo ngôn để né tránh vấn đề. Chẳng hạn như Ủy ban Nhân quyền hỏi có hay không việc biệt giam tại Việt Nam. Phái đoàn Việt Nam trả lời rằng ở Việt Nam không có biệt giam, và biệt giam không có trong khái niêm luật pháp của Việt Nam, nhưng họ lại nói ở Việt Nam chỉ có hình thức giam riêng.
"Qua đó cho thấy phái đoàn Việt Nam thiếu đi sự chân thành, cũng như né tránh nhìn nhận các hạn chế của mình đối với các quyền dân sự và chính trị tại Việt Nam".
Đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông nói : "báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, và phát sóng", và sau đó dẫn chứng việc hàng ngàn nhà báo nước ngoài được tự do đến Việt Nam đưa tin thượng đỉnh Mỹ- Triều vào tháng trước.
Tại hai phiên đối thoại, các thành viên Ủy ban đã nêu một số vấn đề cụ thể như vấn đề tù nhân lương tâm, vấn đề tra tấn, việc tiếp cận dịch vụ y tế của người bị HIV, phân biệt đối xử với người thiểu số tin theo đạo Tin Lành, người Thượng Tây Nguyên, luật an ninh mạng, luật lao động, về bình đẳng và không phân biệt giới tính, tự do báo chí, đa nguyên chính trị… và cả vấn đề của lực lượng Cờ Đỏ được cho là thể hiện hận thù tôn giáo.
Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam phát biểu tại Gevena hôm 12/03/2019.
Một đại diện của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam nói về quyền tự do tín ngưỡng hôm 12/3.
"Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo".
Từ Tp. Hồ Chí Minh , ông Võ Văn Ánh, một tín hữu của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Miền Nam, nơi các tín hữu không được tự do nhóm họp tại Hội thánh An Đông trên đường Sư Vạn Hạnh, nói với VOA rằng những lời phát biểu của đại diện Ban Tôn giáo tại Gevena không đúng với sự thật.
"Những điều họ nói là không đúng sự thật. Sự thật là họ đã chiếm đất đai thuộc nhà thờ, của giáo hội, của Hội Thánh Tin lành Việt Nam nói riêng, và những nơi thờ tự của các tôn giáo khác nói chung, rất là nhiều. Họ nói có tự do tôn giáo là một điều gian dối".
Truyền thông trong nước vẽ ra một bức tranh hoàn toàn khác. Họ nói việc Việt Nam tham dự phiên họp của Ủy ban Nhân quyền lần này thể hiện "sự nghiêm túc của Việt Nam trong thực hiện nghĩa vụ báo cáo về tình hình thực thi các cam kết quốc tế".
Theo TTXVN thì kể từ khi Việt Nam nộp Báo cáo quốc gia lần thứ hai về việc thực thi Công ước ICCPR năm 2002 đến nay, Việt Nam "đã đạt được những bước tiến mới và thành tựu đáng khích lệ trong việc bảo vệ và phát huy quyền con người, quyền công dân, trong đó có các quyền dân sự và chính trị".
TTXVN dẫn lời thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nói : "Với tinh thần trách nhiệm, xây dựng, thiện chí và chân thành của đoàn Việt Nam cũng như các thành viên Ủy ban Nhân quyền, phiên họp tại Geneva đã thành công tốt đẹp".
********************
Mỹ chỉ trích Việt Nam ‘hạn chế tự do trong giáo dục’ (BBC, 14/03/2019)
Báo cáo nhân quyền hàng năm của Bộ ngoại giao Mỹ nói chính phủ Việt Nam "hạn chế tự do học thuật và các sự kiện văn hóa".
Một hội chợ du học tại Việt Nam
Ngoại trưởng Michael R. Pompeo công bố báo cáo hàng năm vào hôm 13/3.
Ông Pompeo nói báo cáo năm nay của Mỹ đánh giá hành vi của khoảng 200 nước và vùng lãnh thổ.
Phần nói về Việt Nam vẫn gọi nước này là "nhà nước độc đoán", và rằng bầu cử quốc hội gần nhất năm 2016 "không tự do, chẳng công bằng, mặc dù có cạnh tranh hạn chế từ các ứng viên do Đảng Cộng sản duyệt".
Bộ ngoại giao Mỹ liệt kê các vấn đề nhân quyền Việt Nam như tra tấn, bắt giữ tùy tiện, giam giữ tù nhân chính trị, can thiệp quyền riêng tư…
Bộ trưởng giáo dục Phùng Xuân Nhạ (phải) cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin
'Thiếu tự do học thuật'
Trong phần nói về tự do học thuật, báo cáo của Mỹ nói các chuyên gia nước ngoài ở các đại học tại Việt Nam có thể tự do thảo luận chủ đề phi chính trị trong lớp.
Nhưng chính phủ tiếp tục cấm chỉ trích công khai chính sách của đảng và nhà nước, trong đó có chỉ trích của các tổ chức khoa học kỹ thuật, ngay cả khi chỉ trích "chỉ dành cho khán giả chuyên môn học thuật".
Báo cáo của Mỹ cũng nói chính phủ áp đặt ảnh hưởng lên cả triển lãm mỹ thuật, âm nhạc, hoạt động văn hóa bằng việc buộc các hoạt động phải có giấy phép.
Theo báo cáo, nhiều nhà hoạt động nói rằng công an dọa các lãnh đạo đại học nếu họ không đuổi học giới hoạt động.
Ngày 14/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam phản ứng, nói báo cáo của Mỹ "vẫn chứa đựng một số nhận định thiếu khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác, không phản ánh đúng tình hình thực tế của Việt Nam".
Người phát ngôn Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói :
"Những quyền tự do cơ bản của công dân Việt Nam được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, được tôn trọng và bảo đảm trên thực tế".
"Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ trong các khuôn khổ hiện có về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước", bà Thu Hằng khẳng định.
Hôm 12/03, một quan chức thuộc đoàn Việt Nam tại phiên Kiểm điểm Nhân quyền trước Liên Hiệp Quốc ở Geneva nói Việt Nam bảo vệ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận rất mạnh mẽ.
Theo ông, "báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, và phát sóng".
Vị quan chức cũng nói "chưa bao giờ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được như ngày nay" ở Việt Nam.