Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

13/03/2017

Việt Nam : Bauxit Tây Nguyên thua lỗ nặng, phản đối trạm thu phí BOT

tổng hợp

Hai dự án bauxite lỗ nghìn tỉ : Cảnh báo đã thành sự thật (Sống Mới,

Cảnh báo về sự thua lỗ, đội vốn của Tổ hợp Dự án Bauxite - Nhôm Lâm Đồng và Nhà máy Sản xuất Alumin Nhân Cơ nay đã thành sự thật. Theo kết luận thanh tra mới nhất, tính riêng dự án bauxite - nhôm Tân Rai đã thua lỗ 3.696 tỉ đồng sau 3 năm hoạt động.

bauxit1

Tổ hợp Dự án Bauxite - Nhôm Lâm Đồng

Cơ quan thanh tra vừa có kết luận thanh tra về hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Đáng chú ý là kết quả thanh tra tại Tổ hợp Dự án Bauxite - Nhôm Lâm Đồng (Dự án Tân Rai) và Nhà máy Sản xuất Alumin Nhân Cơ (Dự án Nhân Cơ). Thời gian đầu, các dự án này hoạt động chưa hiệu quả, vốn đầu tư tăng quá cao so với dự kiến khiến dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư khi đưa vào sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, dự án Tân Rai đã lỗ 3.696 tỉ đồng sau 3 năm đi vào hoạt động, tính từ tháng 10/2013 đến hết tháng 9/2016. Lỗ do hoạt động sản xuất kinh doanh là 2.520 tỉ đồng, còn lại là lỗ do chênh lệch tỉ giá.

Tổng mức đầu tư cho dự án Tân Rai theo quyết định ban đầu ban hành năm 2006 của Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV là 7.787,5 tỉ đồng ; công suất 600.000 tấn/năm, thời gian thực hiện 2006-2009. Qua 4 lần điều chỉnh, tổng vốn đầu tư cho dự án này đã tăng lên 15.414,4 tỉ đồng (gần gấp đôi dự kiến ban đầu). Tiến độ thực hiện cũng chậm 4 năm.

Theo báo Người lao động, một nguồn tin trong đoàn thanh tra cho biết, dự án đội vốn là do điều chỉnh tăng công suất sản xuất alumin thêm 50.000 tấn/năm (thành 650.000 tấn/năm), thay đổi công nghệ sản xuất, thay đổi chính sách thuế, tiền lương, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, trượt giá, kinh nghiệm quản lý điều hành của chủ đầu tư, năng lực thi công của nhà thầu còn hạn chế.

Trong kết luận thanh tra, đoàn thanh tra cũng đánh giá dây chuyền sản xuất của dự án Tân Rai đã hoạt động ổn định hơn, xấp xỉ đạt công suất thiết kế, giá thành sản xuất đã giảm; dự kiến năm 2017 dự án sẽ hết lỗ theo như tính toán (thời gian lỗ kế hoạch là 4 năm).

Với dự án Nhân Cơ, tổng mức đầu tư đã tăng gấp 5 lần, từ 3.285 tỉ đồng (năm 2007) lên 16.821 tỉ đồng (năm 2014) sau 2 lần điều chỉnh. Cơ quan thanh tra đã chỉ ra nguyên nhân đội vốn là do thay đổi công suất của nhà máy từ 300.000 tấn/năm lên đến 650.000 tấn alumin/năm, dừng thi công 2 năm để đánh giá lại hiệu quả, do thay đổi tỉ giá, tăng chi phí tiền lương, giải phóng mặt bằng, một số thay đổi về chính sách... Đến thời điểm thanh tra tháng 11-2016, Dự án Nhân Cơ đã cơ bản hoàn thành, chạy thử có tải và ra sản phẩm hydrat, alumin. Dự kiến dự án vận hành thương mại trong quý I-2017.

Điều đáng nói, sự thua lỗ, hiệu quả kinh tế của các dự bán bauxite đã được các chuyên gia cảnh báo và ngăn cản từ trước.

Tại hội thảo khoa học "Vai trò của công nghiệp khai thác bauxite - sản xuất Alumin - nhôm đối với phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên và những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, văn hóa khu vực" do Bộ Công Thương và VUSTA phối hợp tổ chức ngày 9/4/2009, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Bích San (nguyên Phó Tổng thư ký Liên hiệp Các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam VUSTA) đã đánh giá hiệu quả kinh tế của các dự án này rất thấp. VUSTA cũng kiến nghị về tính khả thi của dự án bauxite Tây Nguyên và khẳng định dự án "cầm chắc thua lỗ". Chưa kể đến khi hoạt động, dự án cần phải đầu tư một tuyến đường sắt khoảng 3,1 tỉ USD để giảm chi phí vận chuyển mới mong hoạt động bền vững.

Nguyên trưởng ban dự án nhôm (Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam cũ) ông, Nguyễn Văn Ban cũng nhiều lần cảnh báo về các dự án bauxite - nhôm Tây Nguyên. Ông Ban chỉ ra "điều rủi ro hiển nhiên" khi quy mô công suất của dự án nhỏ hơn rất nhiều so với công suất thiết kế của thế giới. Trong khi đó, khi xây dựng dự án không tính đến việc vận chuyển bằng ôtô (thường rất tốn kém) nên việc đưa dự án vào xây dựng, tiển khai hoạt động là cách làm liều lĩnh.

PV

*************************

‘Bauxite Tân Rai’ càng làm càng lỗ hàng ngàn tỉ đồng (Người Việt, 13/03/2017)

Sau 3 năm hoạt động, tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Ðồng nhiều tai tiếng khai thác tài nguyên quốc gia đem bán đã bị thua lỗ 3.696 tỉ đồng.

tanrai1

Tổ hợp Bauxit-Nhôm Lâm Ðồng, còn gọi là dự án Tân Rai có khả năng đóng cửa. (Hình : Báo Người Lao Ðộng)

Theo báo Người Lao Ðộng, ngày 13 Tháng Ba, Tập Ðoàn Công Nghiệp Than-Khoáng Sản Việt Nam vừa bị thanh tra nhiều nội dung về hoạt động kinh doanh, đầu tư của tập đoàn này.

Các kết quả thanh tra tại tổ hợp dự án Bauxite-Nhôm Lâm Ðồng và dự án Alumin Nhân Cơ cho thấy, "các dự án này hoạt động chưa hiệu quả, vốn đầu tư tăng quá cao so với dự kiến ban đầu".

Cụ thể, tại dự án tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Ðồng, theo quyết định ban hành năm 2006, tổng mức đầu tư là hơn 7.787,5 tỉ đồng(khoảng 493,5 triệu USD) với công suất 600.000 tấn/năm, thời gian thực hiện 2006-2009. Tuy nhiên, qua 4 lần điều chỉnh đã tăng vọt lên đến hơn 15.414 tỉ đồng (tương đương 805 triệu USD), gần gấp 2 lần vốn đầu tư dự kiến ban đầu. Trong khi đó thời gian thực hiện dự án bị chậm 4 năm so với quyết định phê duyệt lần đầu.

"Nguyên nhân việc đội vốn này do việc điều chỉnh tăng công suất, thay đổi công nghệ sản xuất alumin, nhà nước thay đổi chính sách thuế, tiền lương, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, thiếu kinh nghiệm quản lý điều hành của chủ đầu tư và năng lực thi công của nhà thầu hạn chế", báo Người Lao Ðộng dẫn thông tin từ cơ quan thanh tra cho biết.

tanrai2

Vụ vỡ đường ống chứa chất độc hại tại nhà máy alumin Tân Rai, khiến ô nhiễm môi trường. (Hình : Báo Người Lao Ðộng)

Ðáng chú ý, kết quả của đoàn thanh tra cũng cho thấy tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Ðồng sau 3 năm đi vào hoạt động, tính từ Tháng Mười 2013 đến hết Tháng Chín, 2016 đã thua lỗ 3.696 tỉ đồng, vượt xa so với số lỗ lũy tiến dự kiến theo kế hoạch là 1.660 tỉ đồng, không kể phần lỗ do chênh lệch tỉ giá.

Còn tại dự án nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ, vốn đầu tư cho dự án này cũng tăng rất mạnh so với dự kiến ban đầu. Theo quyết năm 2007, tổng vốn đầu tư cho dự án này chỉ 3.285 tỉ đồng, nhưng đến năm 2014 đã tăng lên đến 16.821 tỉ đồng, cao hơn gấp 5 lần. Ngoài ra, dự án này đưa vào hoạt động chậm 6 năm so với quyết định ban đầu.

Trước đó, quá trình đầu tư các dự án này đã xảy ra một số sự việc. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc vỡ đường ống dẫn sút nhà máy Alumin Nhân Cơ vào ngày 23 Tháng Bảy, 2016 tại Ðắk Nông gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, khiến người dân tức giận, buộc ông Hoàng Quốc Vượng, thứ trưởng Bộ Công Thương phải cam kết "rút kinh nghiệm, không để xảy ra sự cố tương tự". (Tr.N)

********************

Người dân Phú Thọ chặn xe phản đối trạm thu phí BOT (RFA, 13/03/2017)

tanrai3

Đoàn xe dừng tại trạm thu phí gây ách tắc hàng trăm mét trên quốc lộ 32. Courtesy of tienphong.vn

Sáng 13/3, nhiều người dân huyện Tam Nông - tỉnh Phú Thọ cùng 20 xe ô tô các loại đã dàn hàng ngang trước trạm thu phí BOT để phản đối việc trạm này thu phí quá cao. Báo trong nước đưa tin như vừa nêu hôm 13/3 và cho biết nhiều người dân bức xúc vì mức phí quá cao, mỗi lượt xe ô tô con qua lại mất phí 35.000 đồng ; xe tải 2,5 tấn là 50.000 đồng/lượt.

Đại diện Công ty TNHH BOT Hùng Thắng, chủ đầu tư dự án, cho biết Công ty này đang áp dụng mức phí trên cả chặng theo quy định của Bộ Tài chính. Tuy nhiên người dân không bằng lòng và muốn áp dụng cách thu đi bao nhiêu km sẽ nộp phí bấy nhiêu.

Công ty này cũng cho biết thêm rằng đã đề xuất với Bộ Giao thông vận tải giảm 50% vé lượt với xe con dưới 7 chỗ cho người dân sống gần trạm thu phí, nhưng đề xuất này chưa được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận.

Trạm thu phí BOT Tam Nông đặt trên quốc lộ 32 đoạn qua huyện Tam Nông (Phú Thọ), để thu phí hoàn vốn cho dự án đường Hồ Chí Minh từ quốc lộ 32 đến Hương Nộn. Dự án được đưa vào sử dụng từ đầu tháng 1/2017 và thu phí chính thức từ ngày 6/3.

Quay lại trang chủ
Read 624 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)