Mỹ 'có một số nhận định thiếu khách quan' (BBC, 13/03/2017)
Bộ Ngoại giao Việt Nam nói với BBC rằng Việt Nam sẵn sàng trao đổi "thẳng thắn, cởi mở" với Hoa Kỳ về "những vấn đề còn có sự khác biệt".
Huy hiệu Việt Nam - Hoa Kỳ - Ảnh minh họa
Phản ứng của chính phủ Việt Nam đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố phúc trình hàng năm về nhân quyền thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trả lời BBC hôm 13/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói :
"Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân".
"Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc không ngừng đảm bảo và cải thiện các quyền cơ bản của người dân thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao".
Đề cập đến báo cáo của Mỹ, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói : "Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với các nước, trong đó có Hoa Kỳ về những vấn đề còn có sự khác biệt".
"Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2016 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuy đã ghi nhận một số thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam, nhưng vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan, không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam".
Đến nay hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã từng tiến hành 20 vòng đối thoại song phương thường niên về quyền con người.
Phúc trình của Mỹ có một phần riêng nói về Việt Nam, trong đó một số từ được nhắc tới thuộc loại nhiều nhất là 'tùy tiện' và 'bắt giữ, tạm giam'.
Bản báo cáo dài đăng trên website đại sứ quán Hoa Kỳ ở Việt Nam hôm 06/03 có nhiều hạng mục khác nhau như tôn trọng nhân phẩm, bảo đảm quyền tự do, tình trạng nhà tù và về các vụ bắt bớ, quyền tự do dân sự, tham nhũng và công khai tài sản.
Ngay từ phần mở đầu, báo cáo nhận định việc Quốc hội Việt Nam trì hoãn thực thi một số luật đã được thông qua năm 2015 làm "ảnh hưởng tới quyền công dân, gồm có luật hình sự mới, thủ tục tố tụng hình sự và luật về tạm giữ, tạm giam".
Ông Obama tới Việt Nam hồi tháng 5/2016 khi đã đi tới đoạn cuối của nhiệm kỳ tổng thống Hoa Kỳ
"Vấn đề nhân quyền nổi bật nhất ở đất nước này là việc cấm đoán chặt chẽ quyền chính trị của người dân, nhất là quyền thay đổi chính quyền qua quá trình bầu cử tự do và công bằng ; giới hạn quyền tự do của công dân, trong đó tự do hội họp, liên kết và biểu hiện ; và bảo vệ không đầy đủ quyền công dân theo đúng thủ tục, trong đó có bảo vệ chống lại giam giữ tùy tiện".
"Có nhiều báo cáo chỉ ra rằng quan chức hoặc tay sai dưới sự chỉ huy của Bộ Công an hay công an tỉnh đã phạm phải các vụ sát hại tùy tiện hoặc bất hợp pháp, trong đó có báo cáo cho rằng có ít nhất 9 người thiệt mạng trong lúc bị tạm giam", nhưng chỉ có một số ít nhân viên an ninh phải chịu trách nhiệm, báo cáo viết.
*****************
Đạo diễn Mỹ thành Đại sứ du lịch Việt Nam (BBC, 13/03/2017)
Đạo diễn người Mỹ Jordan Vogt-Roberts tại buổi ra mắt phim Kong : Skull Island ở Los Angeles ngày 8/3
Đạo diễn người Mỹ Jordan Vogt-Roberts được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Nguyễn Ngọc Thiện trao quyết định bổ nhiệm Đại sứ Du lịch Việt Nam giai đoạn 2017-2020.
Sinh năm 1984, ông Jordan Vogt-Roberts đã đạo diễn phim Kong : Đảo đầu lâu, quay tại nhiều nơi ở Việt Nam.
Nhiều người ở Việt Nam đang hy vọng bộ phim giải trí này sẽ giúp thu hút thêm khách du lịch đến Việt Nam.
Tại buổi lễ ở Hà Nội hôm 13/3, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện được dẫn lời nói ông hy vọng đây là thời cơ với ngành du lịch và điện ảnh Việt Nam.
Còn ông Jordan Vogt-Roberts nói ông đã bán nhà ở Los Angeles để đến Việt Nam sinh sống, và làm công tác của Đại sứ Du lịch.
Các cảnh quay trong Kong : Đảo đầu lâu diễn ra tại những nơi như Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Tràng An (Ninh Bình) và Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, hang Sơn Đoòng (Quảng Bình).
Trình chiếu tại Việt Nam, phim này đã thu 18,2 tỷ đồng, trở thành bộ phim nước ngoài có doanh thu mở màn ngày đầu tiên cao nhất trong lịch sử tại Việt Nam.