Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/03/2019

Việt Nam trở thành nơi buôn bán ma túy lớn nhất Đông Nam Á

Tổng hợp

Bắt xe tải chở 500 kg ma túy ở Sài Gòn (Người Việt, 20/03/2019)

Một vụ vận chuyển ma túy với số lượng gần 500 kg "lớn nhất từ trước đến nay" từ Đắk Nông về Sài Gòn đã bị Bộ Công An phối hợp với các lực lượng hữu trách bắt giữ.

matuy1

Gần nửa tấn ma túy bị bắt giữ. (Hình : Thanh Niên)

Theo báo Thanh Niên, vào 2 giờ 30 trưa ngày 20 tháng Ba, 2019, khoảng 100 người thuộc Cục Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm Về Ma Túy phối hợp với Công an ở Sài Gòn, Công an các tỉnh Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Dương, Tổng Cục Hải Quan… đã ập vào khu vực dân cư Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân, thành phố Sài Gòn) bắt vụ vận chuyển ma túy với số lượng được cho là "lớn nhất từ trước đến nay".

matuy2

Các nghi can trong vụ vận chuyển ma túy bị bắt giữ. (Hình : Thanh Niên)

Căn nhà nhóm tội phạm trú ngụ nằm trong khu biệt thự trên đường số 3, xung quanh vắng vẻ, thưa thớt người. Phía sau căn nhà là kho chứa hàng có mặt tiền rộng chừng 10 mét.

Đây là đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy đá từ Lào qua cửa khẩu đường bộ Bờ Y về Sài Gòn rồi phân phối ra khắp Việt Nam tiêu thụ. Công an đã bắt giữ tại chỗ ít nhất 5 người có quốc tịch Lào, Trung Quốc và Việt Nam, thu giữ xe bán tải chở gần nửa tấn ma túy (hơn 700 gói).

Đến 6 giờ chiều cùng ngày, lực lượng hữu trách vẫn đang tiến hành kiểm đếm tang vật, kiểm tra kho cất giữ "hàng" của đường dây tội phạm này trải dài từ Sài Gòn, Bình Dương, Tây Ninh, Đăk Nông, tạm bắt giữ tổng cộng 11 nghi can, trong đó 8 người Trung Quốc, 3 người Việt Nam. (Tr.N)

****************

Ma túy tại Việt Nam : nguồn cung khó cắt, cai nghiện thiếu hiệu quả (RFA, 19/03/2019)

Truyền thông trong nước gần đây thường xuyên đăng tải thông tin những vụ bắt giữ các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy.

matuy3

Bắt đối tượng mua bán 294kg ma túy đá. RFA video

Mới đây nhất, Tòa án Nhân dân Hà Nội vào ngày 18/3 vừa tuyên án tử hình 3 người và một người án chung thân về tội vận chuyển ma túy bằng đường hàng không.

Trước đó, trong Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/9/2018, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết chính phủ Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, ngăn chặn ma túy lậu vào trong nước ; triệt xóa các tụ điểm phức tạp về ma túy.

Trước những thông tin này, một chuyên gia trên 10 năm kinh nghiệm làm việc về ma túy – mại dâm tại Thành phố Hồ Chí Minh nói với Đài Á Châu Tự Do :

"Bên ngăn chặn chỉ là bên bắt bớ kiểu công an bình thường hàng ngày thôi. Còn lực lượng buôn bán ma túy thì họ cấu kết từ xưa tới giờ. Việt Nam là một đất nước tham nhũng, không thể ngăn chặn việc đó ngày 1 ngày 2 đâu. Nói chung là ma túy liên quan tới tham nhũng rất nhiều. Những ngành chặn ma túy phải nói là ngành làm ra tiền khá là nhiều, như mafia vậy. Rất khó để chặn đường cung, thành ra tất cả nỗ lực phòng chống ma túy phải cần ngưng đường cung nhiều hơn mà cái đó thì không làm được".

Do đó, theo vị chuyên gia này, đây là nguyên nhân dẫn đến tình hình ma túy ở Việt Nam ngày càng xấu đi.

Bên cạnh đó, tình hình cai nghiện ma túy cũng được sự quan tâm của người dân trong nước khi ngày càng nhiều vụ việc các học viên tại các cơ sở cai nghiện công khai trốn trại.

Giải thích nguyên nhân vì sao lại có tình trạng như vậy, vị chuyên gia trên 10 năm kinh nghiệm làm việc về ma túy cho rằng :

"Thực tế thì các trung tâm cai nghiện đang cư xử với học viên như người tù vậy, đặc biệt các trung tâm nhà nước. Họ vẫn giữ đầu óc trong việc quản lý cai nghiện như tù nhân. Thành ra khi mà người cai nghiện bị đối xử như vậy thì dẫn đến việc phản kháng như một người mất tự do thôi. Hàng năm đều có những chuyện phá trại để trốn ra ngoài hay ra một cách chính thức, hàng loạt, vẫn xảy ra ở Việt Nam là chuyện bình thường. Tại vì không có một phương pháp cai nghiện nào hiệu quả, nhân văn hay cai nghiện theo một phương pháp tốt mà mình đang áp dụng giống như một trại tập trung hay một cái tù thì rất là khó".

matuy4

Học viên cai nghiện ở Vũng tàu trốn trại bị bắt trở lại, tháng 11/2016. AFP

Với kinh nghiệm từng đưa người nhà đi cai nghiện nhiều lần tại nhiều trại khác nhau, chị Linh Đỗ hiện đang sống ở Sài Gòn nói rõ hơn :

"Lần đầu tiên nhà nước mình kêu đi thì chị cho người nhà đi. Cái gì thuộc về nhà nước thì tất nhiên không tốt rồi, liệu trình cũng không nói. Nhưng đại loại là cho mình sinh hoạt rất bình thường, không có liệu trình gì đặc biệt hết. Giờ con nghiện ăn cùng lúc đó sẽ cho con mèo, con chó ăn uống ngon hơn, chăm sóc tốt hơn, làm người nghiện cảm thấy thua con vật, đại loại vậy đó. Rồi nếu la ó thì sẽ bị quýnh".

Sau khi nghe người nhà kể về trung tâm cai nghiện nhà nước, chị Linh đã chọn trung tâm tư nhân với mong muốn người nhà được đối xử tốt hơn dù phải trả một khoản tiền không nhỏ :

"Khi mình vô chỗ tư nhân sẽ khác, có bác sĩ đàng hoàng vì mình trả tiền. Đa phần sẽ cho uống thuốc vitamin thôi nhưng sẽ nói là thuốc an thần để người bệnh sẽ an tâm hơn. Rồi tới giờ thì có người dọn phòng, cho ăn uống chứ chả có thuốc gì cả".

Dưới góc nhìn của mình, vị chuyên gia về ma túy tại Sài Gòn cho rằng các trung tâm tư nhân có vẻ đang thương mại hóa, thực hiện theo quy trình để móc túi học viên bằng cách đẻ ra nhiều loại phương pháp. Ông cho rằng việc cai nghiện thực tế không khó, vì ông đã từng giúp rất nhiều người tiến hành cai nghiện tại nhà :

"Thực sự quy trình cai nghiện rất dễ, có rất nhiều cách để cai nghiện và có thể cai nghiện ngay tại cộng đồng. Ví dụ người nghiện nặng chỉ cần 1 tuần là họ có thể cắt cơn được ngay. Cai nghiện tại nhà thôi, chỉ cần một người trông rồi cho họ uống thuốc ngủ hoặc những loại thuốc để họ qua những đau đớn đó trong một tuần thôi là xong hết".

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người dù cai nghiện tại trung tâm nhà nước hay tư nhân, thậm chí tại nhà, thì tỉ lệ tái nghiện là rất cao.

Do đó, vị chuyên gia ma túy cho rằng đây là nguyên nhân vì sao cai nghiện ở nhà tuy dễ nhưng người thân con nghiện lại không thực hiện :

"Mặt bằng chung ở Việt Nam thì gia đình quá khổ sở với người nghiện, không biết cách nào để sống chung với người nghiện, cũng rất ít tổ chức đủ kinh nghiệm để làm việc đó. Thành ra gia đình muốn tống người nghiện vô trung tâm. Trung tâm ở Việt Nam từ tư nhân cho đến nhà nước đều giữ người nghiện khỏi gia đình càng lâu càng tốt".

Còn chị Linh Đỗ lại cho rằng môi trường và ý thức người nghiện sẽ quyết định xem họ có thể sẽ nghiện lại hay không. Vì khi ra khỏi trại cai nghiện, người nghiện về lại môi trường cũ sẽ vẫn biết được những người cung cấp ma túy, do đó nếu có thể, thay đổi môi trường sống mới sẽ phần nào hạn chế việc tái nghiện.

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Bộ Lao động, thương binh và xã hội về tình hình sử dụng ma túy tại Việt Nam, chỉ trong nửa đầu năm 2018 đã có hơn 222.000 người nghiện ma túy trong nước có hồ sơ quản lý. Trong số này có 67,5% sống ngoài xã hội, 13,5% đang được cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở.

Bên cạnh đó, thống kê cũng chỉ ra rằng người nghiện tại Việt Nam đang có xu hướng trẻ hóa và sử dụng nhiều loại ma túy mới.

********************

Ba người lãnh án tử hình vì buôn ma túy (RFA, 19/03/2019)

Tòa án Nhân dân Hà Nội vào ngày 18/3 vừa tuyên án tử hình 3 người và một người án chung thân về tội vận chuyển ma túy bằng đường hàng không.

matuy5

Các bị cáo phạm tội về ma túy bị đưa ra tòa xét xử. Courtesy of An ninh Thủ đô

Báo mạng VietnamNews loan tin ngày 19/3.

Ba người lãnh án tử hình là bà Vũ Thị Thu Hoài – 46 tuổi, cô Vũ Thị Hải Yến – 23 tuổi, và anh Lê Trung Thành – 39 tuổi. Ngoài ra còn có bà Phạm Thị Hợp, 41 tuổi, bị tuyên án chung thân vì có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Tất cả những người này đều đến từ thành phố Hải Phòng.

Theo cáo trạng, vào nửa đêm ngày 20/6/2017, Cảnh sát Điều tra tội phạm ma túy thuộc Bộ Công an và an ninh ở Sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội đã tìm thấy ma túy đá được giấu trong một tá thanh long xanh trong túi xách tay của cô Yến.

Điều tra cho thấy từ giữa tháng 6/2017, bà Hợp đã đồng ý vận chuyển ma túy đá từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hải Phòng. Vì bận chăm con nhỏ, bà Hợp đã nhờ bà Hoài đi thay, sau đó bà Hoài đã rủ thêm cô Yến. Hai người này bị bắt khi đang giữ hơn 2,6kg ma túy đá.

Trong khi đó, anh Lê Trung Thành lại liên quan đến một đường dây khác khi cùng vận chuyển ma túy đá với bà Phạm Thị Hợp từ Campuchia về Việt Nam vào tháng 11 năm 2017. Anh Thành được bà Hợp hứa sẽ trả 20 triệu đồng sau khi xong việc.

Theo báo Công an, còn một người liên quan đến vụ án là bà Nguyễn Thị Liên hiện đang trốn lệnh truy nã.

Về tình hình sử dụng ma túy tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Phòng, Chống Tệ Nạn Xã Hội, Bộ Lao Động - Thương Binh - Xã Hội trong nửa đầu năm ngoái có hơn 222.000 người nghiện ma túy tại Việt Nam có hồ sơ quản lý. Trong số này có 67,5% sống ngoài xã hội, 13,5% đang được cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở.

Quay lại trang chủ
Read 516 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)