Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/03/2019

Trương Duy Nhất đang bị giam tại Hà Nội

Tổng hợp

Blogger Trương Duy Nhất bị giam ở Hà Nội, sau 2 tháng mất tích (Người Việt, 20/03/2019)

Sau hai tháng mất tích, gia đình của blogger Trương Duy Nhất bất ngờ nhận được thông tin ông đang bị giam tại trại giam T16 ở quận Thanh Oai, thành phố Hà Nội.

Hkg9564658

Blogger, nhà báo Trương Duy Nhất trong lần ra tòa tại Đà Nẵng hồi Hồi tháng Ba năm 2014. (Hình : Getty Images)

Trang BBC Việt ngữ hôm Thứ Tư, 20 tháng Ba dẫn lời con gái ông Nhất, cô Trương Thục Đoan, cho hay vào ngày 15 tháng Ba, có người ẩn danh gọi cho mẹ cô ở Việt Nam thông báo là ba cô đang bị giam ở trại giam T16.

"Mẹ cô Đoan sau đó nhờ Luật Sư Trần Vũ Hải kiểm chứng thông tin này bằng cách lên làm giấy tờ hay cho gặp mặt". Theo BBC.

Trong cùng ngày 20 tháng Ba, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên ở Hà Nội cho biết trên trang facebook cá nhân rằng vợ ông Nhất (bà Cao Thị Xuân Phượng) đã bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội và ông đã chở vợ ông Nhất đến trại giam T16 ở Thanh Oai, Hà Nội.

Ông Nguyên nói rằng trại giam T16 chưa cho gặp nhưng đã cho tiếp tế. Vợ ông Nhất mang nhiều thức ăn và quần áo cho chồng nhưng quy định của trại giam chỉ cho đưa vào rất ít cùng với một ít tiền để ông Nhất có thể mua thức ăn trong căng tin trại giam.

Theo ông Nguyên, vợ ông Nhất cũng nhận được quyển "Sổ tiếp tế, thăm gặp" của trại giam. Thông tin trong sổ này cho hay ông Nhất bị bắt vào ngày 28 tháng Giêng, 2019, và đưa đến trại giam T16 trong cùng ngày.

Vẫn theo lời ông Phạm Xuân Nguyên, vợ ông Nhất phải bay về Đà Nẵng luôn trong ngày. "Chuyến bay của hãng Vietjet Air theo vé là 17 giờ, bị lùi đến 21 giờ, và khi tôi gõ những dòng này thì chị mới lên máy bay ở Nội Bài. Ở T16 không biết Nhất đã nhận được các thứ vợ tiếp tế chưa ?"

Hiện chưa thấy bất cứ báo nào ở trong nước đăng thông tin về việc ông Nhất đang bị giam ở Hà Nội.

tdn2

Vợ ông Trương Duy Nhất mang đồ tiếp tế cho chồng hôm 20 tháng Ba 2019 tại Hà Nội. (Hình : Facebook Phạm Xuân Nguyên)

Vụ ông Nhất mất tích ở Thái Lan 2 tháng trước gây nhiều chú ý của quốc tế khiến giới chức Thái Lan vào tháng Hai phải trả lời truyền thông và hứa rằng sẽ điều tra vụ ông Trương Duy Nhất tình nghi bị bắt cóc.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của nhật báo Người Việt hôm 11 tháng Hai, 2019, ông Phil Robertson, phó giám đốc Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền khu vực Á Châu bày tỏ sự lo lắng cho an toàn của nhà báo Trương Duy Nhất. Ông yêu cầu chính quyền Thái Lan và Việt Nam phải điều tra rõ vụ này.

Hôm 15 tháng Hai, 2019, ba vị dân biểu Liên Bang đồng ký tên vào thư gửi Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo kêu gọi điều tra việc mất tích của nhà báo, blogger Trương Duy Nhất.

Ba vị dân biểu liên bang này là Alan Lowenthal (Dân Chủ, Địa hạt 47,) đồng chủ tịch Ủy Ban Quốc Hội Về Việt Nam, tức Congressional Caucus on Vietnam, cùng với hai vị Dân Biểu Liên Bang Zoe Lofgren (Dân Chủ, Địa hạt 19) và Dân Biểu Liên Bang Harley Rouda (Dân Chủ, Địa hạt 48).

Trong một tuyên bố hồi tháng Hai, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng cho biết họ hoan nghênh cuộc điều tra của chính phủ Thái Lan về vụ mất tích của ông Nhất.

Trước đó, hôm 7 tháng Hai, 2019, trên trang Facebook Người Buôn Gió, blogger này khẳng định ông Trương Duy Nhất bị Tổng Cục 2 (TC2) bắt ở Thái Lan.

Cụ thể, Người Buôn Gió viết : "Khoảng 8 giờ tối ngày 26 tháng Giêng năm 2019. Trương Duy Nhất bị đám gồm 10 người của Tổng Cục 2 trùm túi lên đầu và đưa lên xe đi, trước khi đi Nhất còn xin thay quần áo".

Blogger này đưa cả hình ảnh ông Trương Duy Nhất có mặt ở Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc và hình ảnh ngày 25 tháng Giêng ông Nhất ở Thái Lan.

Ông Trương Duy Nhất, 55 tuổi, là một nhà báo, một người bất đồng chính kiến tại Việt Nam. Từ 1987 đến 1995, ông là phóng viên của báo Công an tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Từ 1995 đến 2011, ông là phóng viên báo Đại Đoàn kết, văn phòng miền Trung. Khi viết blog, ông là chủ của trang "Trương Duy Nhất – Một góc nhìn khác".

Ông Nhất từng bị kết án 2 năm tù (từ 2013 đến 2015) vì bị cáo buộc tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" vì "đã viết 11 bài đăng trên trang blog của ông, trong đó ông đã chấm điểm Thủ tướng và yêu cầu Tổng bí thư phải ra đi".

Trong vụ án này, ông Nhất bị bắt ngày 26 tháng Năm 2013, ra tòa sơ thẩm ở Đà Nẵng ngày 4 tháng Ba 2014, bị tuyên án 2 năm tù rồi bị tuyên y án sơ thẩm tại phiên tòa phúc thẩm ngày 26 tháng Sáu 2014. Ông Nhất mãn hạn tù vào ngày 26 tháng Năm 2015. (C.T)

*********************

Con gái Trương Duy Nhất xác nhận blogger đang bị giam ở Hà Nội (RFA, 20/03/2019)

Ông Trương Duy Nhất, người viết blog cho Đài Á Châu Tự Do, mất tích tại Bangkok vào cuối tháng 1 vừa qua với nghi ngờ bị mật vụ Việt Nam sang bắt cóc, hiện đang bị giam ở Hà Nội.

tdn3

Blogger Trương Duy Nhất trong một lần phỏng vấn với Đài RFA ở Washington DC hồi năm 2016 - Photo : RFA

Con gái Ông Trương Duy Nhất và một nhà văn Việt Nam cho biết như vừa nêu vào ngày thứ tư 20 tháng 3.

Trương Thục Đoan, con gái của ông Trương Duy Nhất, hiện đang ở Canada nói với Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do rằng phía Trại giam thông báo cho mẹ của cô là ông Nhất bị bắt vào ngày 28 tháng 1 và bị đưa vào trại T16 ở Thanh Oai, Hà Nội trong cùng ngày.

Các nhà hoạt động cho nhân quyền nghi rằng lực lượng chức năng Thái Lan bắt giữ ông Trương Duy Nhất ở ngoại ô Bangkok và rồi giao cho phía Việt nam hôm 26 tháng 1 ; sau khi ông này chạy sang Thái Lan để tìm qui chế tỵ nạn.

Trương Thục Đoan cho rằng cha của cô mất tích kể từ ngày 26 tháng 1 ở Thái Lan và nay lại ở Việt Nam. Cô cho rằng rõ ràng người cha không thể tự nguyện trở về trong nước.

Bà Cao Thị Xuân Phượng, vợ của ông Trương Duy Nhất và là mẹ của Trương Thục Đoan, vào ngày 20 tháng 3 đến Trại T16 với mục tiêu được thăm gặp chồng ; thế nhưng cán bộ trại không cho gặp với lý do việc điều tra chưa xong.

Trại nhận một ít thực phẩm và áo quần do bà Cao Thị Xuân Phượng gửi vào cho chồng.

Đây là lần đầu tiên có tin xác nhận về chuyện ông Trương Duy Nhất bị đưa về Việt Nam sau lần cuối cùng xuất hiện ở Thái Lan.

Blogger Trương Duy Nhất lần cuối cùng liên lạc với Đài Á Châu Tự Do để hỏi về bài viết liên quan đến phong trào đối lập gia tăng ở Venezuela và viễn cảnh thay đổi chế độ tại Việt Nam.

Vào ngày 20 tháng 3, bà đáp chuyến bay sớm đi Hà Nội sau khi có được giấy tờ cần thiết để đi thăm gặp từ chính quyền địa phương.

Trong khi đó ông Phạm Xuân Nguyên, cựu chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội, cũng viết trên Facebook về việc giúp đưa bà Phượng đến Trại T16 trong ngày 20 tháng 3.

Ông Phạm Xuân Nguyên viết rằng "Trại đã cấp cho vợ Nhất một ‘Sổ tiếp tế, thăm gặp’ cho những lần sau. Theo sổ này thì TDN bị bắt ngày 28/1/2019 và trong cùng ngày đã chuyển đến Trại T16".

Đài Á Châu Tự Do đã báo cáo trường hợp blogger Trương Duy Nhất cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và một số dân biểu Mỹ.

Trường hợp mất tích của ông Trương Duy Nhất khiến cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Thái Lan hoảng sợ. Phía cơ quan chức năng Xứ Chùa Vàng nói có chỉ thị tiến hành điều tra vụ việc.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hoan nghênh biện pháp điều tra từ phía chính phủ Thái Lan, đồng thời cho biết theo dõi sát vụ việc này.

Thống kê của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam có trụ sở tại Bang California, Hoa Kỳ cho thấy chính phủ của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang giam giữ hơn 200 tù chính trị, trong đó có những nhà hoạt động vì nhân quyền và những blogger mà nhà nước cho là mối nguy cho an ninh quốc gia.

Chính phủ Hà Nội kiểm soát truyền thông, kiểm duyệt mạng Internet và hạn chế quyền biểu đạt của người dân.

Bản thân ông Trương Duy Nhất từng bị tù hai năm sau khi bị bắt vào năm 2013 chỉ vì hoạt động phản biện.

Ông Phil Robertson, phó Giám đốc Phân Ban Châu Á của Human Rights Watch, trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài RFA vào tháng qua, cho rằng nếu Việt Nam và Thái Lan dính líu vào vụ mất tích của blogger Trương Duy Nhất, cần phải có những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với những ai có trách nhiệm.

Ông Phil Robertson tố cáo Việt Nam tiến hành một cách nhất quán hoạt động giám sát mang tính thù hận và sách nhiễu những người sắc tộc thiểu số Tây Nguyên phải trốn chạy để thoát cảnh bị đàn áp về chính trị và tôn giáo.

Ông này cho rằng hoạt động truy đuổi những tiếng nói bất đồng và yêu cầu chính quyền Thái Lan chặn đứng những sinh hoạt về nhân quyền và dân chủ liên quan Việt Nam là điều khiến Hà Nội bị lộ rõ một trong những thể chế vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất tại khu vực Đông Nam Á.

*******************

Blogger Trương Duy Nhất bị giam ở trại T16, theo hai nguồn tin (BBC, 20/03/2019)

Sau gần hai tháng kể từ khi blogger Trương Duy Nhất mất tích, gia đình ông được thông báo ông đang bị giam ở T16, một trại giam ở Việt Nam.

tdn4

Có tin nói ông Trương Duy Nhất 'trốn sang Thái Lan'

Hôm 20/3, từ Canada, cô Trương Thục Đoan, con gái ông Nhất cho BBC Tiếng Việt biết : "Một người, hôm 15/3, không biết là ai, gọi cho mẹ ở Việt Nam báo là ba hiện đang bị giam ở T16".

"Mẹ nửa tin nửa ngờ nên nhờ luật sư Trần Vũ Hải kiểm chứng bằng cách lên làm giấy tờ hay cho gặp mặt".

Cùng ngày 20/3, cây bút Phạm Xuân Nguyên ở Hà Nội đăng bài trên Facebook cá nhân, viết rằng vợ của ông Nhất đã từ Đà Nẵng bay ra Hà Nội.

Ông Nguyên cho biết ông đã chở vợ ông Nhất đến trại giam T16 ở Thanh Oai.

"Trại chưa cho thăm gặp nhưng đã cho tiếp tế. Vợ Nhất mang rất nhiều thức ăn và quần áo từ Đà Nẵng ra cho chồng, nhưng quy định của trại chỉ cho chuyển vào rất ít, cùng với một số tiền gửi nhất định để mua thức ăn ở căng tin trại".

Và trại đã cấp cho vợ ông Nhất một "Sổ tiếp tế, thăm gặp" cho những lần sau.

Theo sổ này thì ông Nhất bị bắt ngày 28/1/2019 và trong cùng ngày đã chuyển đến trại T16, theo lời ông Nguyên.

Vụ ông Trương Duy Nhất đã xảy ra khiến Thái Lan phải lên tiếng trả lời báo chí hồi tháng 2.

Cảnh sát Thái Lan khi đó hứa "sẽ điều tra việc ông Trương Duy Nhất dường như mất tích trong lúc có cáo buộc về khả năng ông bị bắt cóc ở Bangkok".

Người đứng đầu cơ quan di trú Thái Lan Surachate Hakparn nói với Reuters rằng không có hồ sơ chính thức về việc ông Nhất đã nhập cảnh Thái Lan.

Tuy vậy, văn phòng di trú Thái Lan đang xem xét có phải ông Nhất đã nhập cảnh Thái Lan bất hợp pháp và xem chuyện gì đã xảy ra với ông.

Quay lại trang chủ
Read 582 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)