Hành trình hội nhập vào nước Mỹ, ‘ai cũng khen cô Kiều’ (VOA, 27/03/2019)
Bà Liên Kiều, một phụ nữ Mỹ gốc Việt, vừa được Dân biểu Đảng Dân chủ Lou Correa, đại diện Địa hạt 46 ở Nam California, Hoa Kỳ, vinh danh là "Người Phụ nữ năm 2019" vào ngày 26/3 tại trường Đại học Chapman, Quận Orange, nhân "Tháng Lịch sử Phụ nữ".
Bà Kelly Daniels, còn có tên là Quan Thị Liên Kiều, mặc áo dài, bên cạnh Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Lou Correa, trong buổi lễ vinh danh "Người Phụ Nữ Năm 2019", ngày 23/3/2019. Photo Văn Lang/Người Việt.
Trao đổi với VOA, nữ doanh nhân gốc Việt được nhiều người biết đến ở thành phố Westminster, bang California, cho biết :
"Kiều có tên là Kelly Daniels, tên mẹ đẻ là Quan Thị Liên Kiều. Những điểm nhấn để giúp Kiều thăng hoa trong công việc là làm CEO quản lý và điều hành Công ty New Horizon Immigration, chuyên hỗ trợ bà con thi nhập quốc tịch, hỗ trợ cho phụ nữ lớn tuổi, những người có thu nhập thấp".
Bà nói thêm :
"Hầu hết những người đến với công ty đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Nhờ sự giúp sức của ekip làm việc mà bà con vượt qua được. Chúng tôi bắt đầu gần như là con số không, vượt qua bao khổ luyện, với nhiều phấn đấu và cuối cùng đã được vinh danh".
Bà được vinh danh không chỉ vì là phụ nữ gốc Việt duy nhất thành đạt trong kinh doanh thuộc Địa hạt 46, mà còn là những đóng góp của bà trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua, theo báo Người Việt.
Công ty của bà chuyên lo các giấy tờ cho người Việt di dân, dạy tiếng Anh, dạy thi quốc tịch, cũng như giúp nhiều phụ nữ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, xin trợ cấp chính phủ, tìm hiểu cách xin việc làm, hòa nhập vào cuộc sống, đặc biệt những người khuyết tật và những người kém may mắn.
Bà Ngô Mũi Ghét, 72 tuổi, quê ở Bạc Liêu, sang Quận Cam định cư năm 2000, nhưng mãi đến những năm gần đây bà mới thi nhập quốc tịch Mỹ. Bà nói với VOA rằng bà rất may mắn "thi là đậu ngay, nhờ trung tâm của cô Kiều tận tình chỉ dạy".
"Tôi già rồi nhưng cũng ráng đi học, nhờ cô Kiều dạy và lo các giấy tờ. Tôi chỉ học có mấy tháng và đã thi đậu quốc tịch. Cô Kiều và các thầy cô giáo khác dạy và cắt nghĩa về các vấn đề ở Mỹ, về cuộc sống ở đây…Cổ tận tình dạy cho nên ai nấy đều thi đậu cả ! Cứ chúng tôi lớn tuổi thì đều được dạy miễn phí. Ai cũng khen cô Kiều !".
Bà Kelly Daniels, tức Quan Thị Liên Kiều
Bà Trang Lâm, 59 tuổi, từ Sài Gòn sang California định cư cùng gia đình năm 2012 và vừa nhập quốc tịch vào tháng 5 năm ngoái, chia sẻ với VOA :
"Tôi đi học hơn một năm, vừa học tiến Anh ESL vừa học thi quốc tịch. Cô Kiều rất tốt. Chồng của cô cũng vậy. Lúc còn sống ổng dạy rất tận tình. Tôi vào chỉ đóng 100 đôla mà học cho đến khi nào thi đậu thì thôi. Những người bạn của tôi cũng vậy, nhỡ không thi đậu thì học tiếp, không phải đóng thêm tiền. Nhưng tôi đảm bảo chắc chắn rằng tới đó học thì đậu".
Ông Peter Daniels, chồng quá cố của bà Kiều, đã cùng bà dốc sức phát triển tổ hợp New Horizon Immigration ngay từ lúc ban đầu khi hai người thành hôn vào năm 2007. Ông đã cống hiến cả đời mình để tận tụy phục vụ cho cộng đồng thông qua các hoạt động xã hội. Ông là cựu Chủ tịch Chương trình Tị nạn tại Quận Cam – USA với 36 năm điều hành, giúp đỡ chương trình Con Lai, Thuyền nhân Vượt biển đến Mỹ & giúp họ hòa nhập vào xã hội Mỹ.
Tờ báo trích lời ông Peter Daniels lúc sinh thời nói : "Kiều nối tiếp tôi hỗ trợ cộng đồng. Cô ấy là người vợ đảm đang, là người mẹ có đầy đủ phẩm chất, nhân cách tốt và là tấm gương sáng cho người vợ, người mẹ khác noi theo".
Báo Người Việt trích lời giáo viên Thu Hào, cô giáo dạy lớp thi quốc tịch tại công ty New Horizon, cho biết : "Vì cảm mến tấm lòng của Kiều, giúp đỡ hết tất cả mọi người, muốn học thi vào quốc tịch nhưng không đủ điều kiện. Qua những việc làm của Kiều ở Mỹ cũng như người kém may mắn ở Việt Nam, chính đó là động lực để tôi đến dạy ở lớp luyện thi quốc tịch này mà không nhận thù lao, cũng là để trả ơn đất nước này những gì mà tôi nhận được".
Sang Mỹ định cư vào năm 2007, ngoài vai trò là CEO của New Horizon Immigration Service, bà Liên Kiều còn là thành viên Hội Đồng Quản trị của Nhóm Giúp đỡ Người Việt Tị nạn trên đất Thái Lan, Phó hội trưởng Hội Đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Hoa Kỳ, và Hội trưởng Hội Đồng hương Cần Giuộc.
Ngoài việc giúp người Việt ở Mỹ, bà Liên Kiều còn tổ chức nhiều hoạt động từ thiện tại quê nhà :
"Chúng tôi cũng có các hoạt động để giúp đỡ cho các bà con ở Việt Nam. Chúng tôi đóng góp cho bà con ở Cần Giuộc, mua quà cho người nghèo, người lớn tuổi… Trong chuyến công tác vừa rồi, chúng tôi có đến thành phố Tuy Hòa và Nha Trang để giúp đỡ các em trẻ mồ côi, những người khuyết tật, cơ nhỡ… Tôi thật vui mừng khi được làm những công việc này".
***********************
Tại sao ông Nguyễn Quang Hồng Nhân bị trục xuất khỏi nước Đức ? (RFA, 28/03/2019)
Năm 1979, ông Nguyễn Quang Hồng Nhân được biết là một Tù Nhân Lương Tâm với án tù 20 năm, bị tòa án ở thành phố Nha Trang, Khánh Hòa cáo buộc “hoạt động tuyên truyền chống phá cách mạng”. Một thời gian dài, sau khi ra tù, ông Nhân và gia đình sống lặng lẽ tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Hồng Nhân và vợ cùng con gái Hồng Ân trong buổi lễ tốt nghiệp Đại học Âm nhạc Nürnberg hôm 12/02/2019 - Photo by thoibao.de
Năm 2011, Đức và Việt Nam ký quan hệ "đối tác chiến lược".
Năm 2014, con gái của ông Nhân - cô Nguyễn Quang Hồng Ân thắng tất cả 3 giải trong cuộc thi Piano Quốc Tế tại thành phố San Jose, Hoa Kỳ vào lúc 15 tuổi.
Năm 2015, do cô bé Hồng Ân dưới 18 tuổi, nên các kỳ thi âm nhạc của cô dành cho Piano đến Đức và Áo, luôn phải có cha mẹ tháp tùng.
Từ đó, gia đình ông Nguyễn Quang Hồng Nhân đã xin tị nạn chính trị tại Đức.
Hồ sơ xin tị nạn gặp trở ngại vì lúc bấy giờ Đức cho là nhà cầm quyền VN không có vấn đề nhân quyền bị vi phạm tại Việt Nam.
Cũng trong năm 2015, Việt Nam và EU cơ bản đàm phán xong hiệp định EVFTA.
Vào tháng 7/2016, tình "hữu nghị thắm thiết đó" bị Trịnh Xuân Thanh "phá hoại" bằng cách đào thoát khỏi Việt Nam và đến Đức xin tị nạn chính trị, rồi bị phía nhà cầm quyền VN bắt cóc không lâu sau đó.
Từ đấy, quan hệ ngoại giao Việt - Đức chưa có dấu hiệu gì tiến triển tốt hơn, trong khi Đức vẫn đòi phải trả Trịnh Xuân Thanh như là một trong các chỉ dấu "phục thiện" của nhà cầm quyền Việt Nam.
Tháng 2/2019 Phạm Bình Minh - Bộ trưởng BNG sang thăm Đức vẫn phải xin visa nhập cảnh.
Tháng 3/2019 chuyến đi âm thầm của Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng BKHĐT đến Đức cũng theo "quy trình" xin cấp visa.
Vào ngày 24 đến 26/3/2019 Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức đã thăm chính thức Việt Nam.
Tại sao trục xuất ông Nguyễn Quang Hồng Nhân một cách bất ngờ và vội vã?
Sau khi bị Đức từ chối, ông Nguyễn Quang Hồng Nhân làm lại đơn xin tị nạn với chính quyền Canada tại Tòa Đại Sứ của nước nầy ở Áo - quốc gia đầu tiên gia đình ông đặt chân đến khi rời Việt Nam.
Vào lúc 8 giờ sáng thứ ba, ngày 26 tháng 3, cảnh sát Đức đã đến trại tị nạn ở thành phố Nürnberg thuộc bang Bayern miền Nam Đức bắt và trục xuất ông Nguyễn Quang Hồng Nhân và vợ về lại Việt Nam. Photo by thoibao.de
Cách đây hơn một tuần, Tòa Đại sứ Canada ở Vienna gửi thư báo tin cho ông hay, gia đình ông được mời phỏng vấn để tiến hành thủ tục cấp visa.
Ông Nhân và gia đình xin cơ quan thẩm quyền của Đức cấp giấy đến Vienna để được Tòa Đại Sứ Canada ở Vienna phỏng vấn, nhưng Đức từ chối. Không những thế, ngày 26/3/2019, cảnh sát Đức ép buộc cả 2 vợ chồng ông Nhân đến phi trường, lên máy bay về Việt Nam.
Ông Nhân và vợ bị trao lại cho nhà cầm quyền Việt Nam ở sân bay Nội Bài, như cô Hồng Ân báo tin.
Điều vô cùng bất ngờ với dư luận là ông Nhân bị đối xử thô bạo và rất vội vã, ngay vào lúc Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức đang ở thăm Việt Nam!
Thật khó thay đổi !
Trịnh Xuân Thanh không thể được nhà cầm quyền trao trả cho phía Đức vì các lý do sau :
- Trịnh Xuân Thanh tự tay viết đơn đầu thú.
- Đã bị kết án chính thức tại tòa án của nhà cầm quyền Việt Nam.
Một khi trả Trịnh Xuân Thanh về Đức, mặc nhiên nhà cầm quyền Việt Nam tự tay xác nhận họ đã thực hiện hành vi bắt cóc.
Sự xác nhận này sẽ kéo theo những hậu quả lớn :
- Tất cả những viên công an tham gia vào đường dây bắt cóc này, buộc phải trả lời trước tòa án tại Berlin về việc xâm phạm an ninh quốc gia của Đức Quốc, bất chấp Trịnh Xuân Thanh có lên tiếng phủ nhận đi chăng nữa.
- Hiệp định EVFTA không thể biến thành hiện thực cho đến khi danh dự quốc gia của nước Đức được khôi phục trọn vẹn.
Ông Nguyễn Quang Hồng Nhân và vợ bị trục xuất khỏi Đức thô bạo và vội vã, như là một thông điệp không thể rõ ràng hơn của nhà nước Đức, đối với nhà cầm quyền Việt Nam:
- Nước Đức là của người Đức. Cho phép cư trú hay buộc phải ra "khỏi nhà" là quyền của người Đức.
- Nhân quyền là giá trị phổ quát toàn thế giới, nhưng nó vẫn buộc phải đi cùng danh dự - phẩm giá của người Đức và an ninh quốc gia của nước Đức.
- Những chuyến đi của Phạm Bình Minh, Nguyễn Chí Dũng và cả của Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức không mang lại một kết quả khả quan nào hơn cho quan hệ ngoại giao Đức - Việt.
Ông Nguyễn Quang Hồng Nhân và vợ thật vô phước, khi trở thành nạn nhân cho mối bang giao Đức - Việt rạn vỡ, vốn không phải do gia đình ông gây ra!
Nguyễn Ngọc Già
*******************
Nhà hoạt động Nguyễn Quang Hồng Nhân bị Đức trục xuất về Việt Nam (VOA, 26/03/2019)
Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang Hồng Nhân và vợ hôm 26/3 đã bị trục xuất từ Đức về Việt Nam trong khi gia đình ông đang chờ xin Canada xin cấp cho quy chế tị nạn.
Chiều ngày 26/3 theo giờ địa phương ở Đức, cô Nguyễn Quang Hồng Ân, con gái ông Nhân, cho VOA biết ba và mẹ cô đã bị cảnh sát đưa ra sân bay Munich, áp giải về Việt Nam, với chặng dừng chân ở Bangkok.
"Khoảng 8 giờ sáng nay có khoảng 10 cảnh sát đến nói rằng ba mẹ em phải ra khỏi nhà và sau đó áp giải đến thẳng sân bay Munich và trục xuất về Việt Nam trong ngay chiều hôm nay".
Cũng trong ngày 26/3, ông Nguyễn Quang Hồng Nhân viết email cho VOA : "Cảnh sát Đức đã đến bắt và giao tôi và vợ tôi về Việt Nam… Tôi đang tị nạn chính trị tại Đức. Canada cho tị nạn và chúng tôi chuẩn bị đi Canada".
Cô Hồng Ân nói thêm :
"Tôi cũng giải thích mọi cách, đưa ra đủ mọi giấy tờ rằng chúng tôi đang xin tị nạn tại Canada, nhưng họ nhất quyết làm theo mệnh lệnh. Đúng 8 giờ 40 thì họ lôi ba mẹ tôi ra xe đưa đi".
Cô Hồng Ân nói thêm rằng ba và mẹ cô sẽ có "công an Việt Nam chờ sẵn để tiếp nhận". Cô cho VOA biết như vậy sau khi nhận được cuộc điện thoại cuối cùng trước khi ba và mẹ cô bị tịch thu điện thoại di động và đưa lên máy bay ở Munich.
VOA chưa liên lạc được với chính quyền thành phố Nuremberg cũng như Sở Di trú Đức để xác nhận việc ông Nguyễn Quang Hồng Nhân và vợ là bà Trịnh Thúy Hạnh bị trục xuất hôm 26/3.
Cô Hồng Ân lo sợ rằng cha và mẹ cô sẽ bị chính quyền Việt Nam giam cầm và tù đày :
"Chắc chắn rằng khi bị trục xuất về Việt Nam thì ba mẹ tôi sẽ bị bắt giam, tù đày".
Ông Nguyễn Quang Hồng Nhân, còn được biết đến là nhà văn, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang, từng bị chính quyền Việt Nam cầm tù.
Năm 1979, ông Nguyễn Quang bị tòa án ở thành phố Nha Trang, Khánh Hòa cáo buộc "hoạt động tuyên truyền chống phá Cách mạng" và tổ chức đưa sinh viên, học sinh ra nước ngoài.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA vào đầu năm 2018, ông Nguyễn Quang Hồng Nhân nói :
"Sau khi cộng sản chiếm miền Nam thì tôi hoạt động về nhân quyền, nhưng sau đó tổ chức bị vỡ. Sau khi ra tù tôi thấy Việt Nam thiếu về nghề nghiệp nên tôi mới mở một trường công nghệ ở Đà Lạt để đào tạo ngành nghề cho sinh viên, nhưng họ biết tôi ở tù mới ra cho nên họ đóng cửa. Trong khoảng thời gian 8 năm liền tôi không làm được gì nên tôi chỉ viết sách – viết khoảng 20 quyển sách và phát hành trên Amazon cho đến khi tôi rời khỏi Việt Nam vào năm 2015.
"Tôi cũng cùng với bác sĩ Nguyễn Đan Quế thành lập Hội cựu tù nhân lương tâm, thành lập Diễn đàn Đại học Nhân quyền, và sau đó là Viện Nhân quyền Việt Nam. Đó là những việc làm mà khiến chính quyền Việt Nam để ý và theo dõi rất nhiều".
*******************
Công an Việt Nam thẩm vấn nhà hoạt động Nguyễn Quang Hồng Nhân vừa bị Đức trục xuất (RFA, 27/03/2019)
Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang Hồng Nhân và vợ bị Đức trục xuất hôm 26/3 đã về đến Việt Nam.
Cô Nguyễn Quang Hồng Ân, con gái của Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang Hồng Nhân. Screen capture
Cô Nguyễn Quang Hồng Ân, là con gái ông Nhân, vẫn còn tại Đức, xác nhận với RFA tin vừa nói hôm 27/3/2019.
Được biết gia đình ông Nguyễn Quang Hồng Nhân đang chờ xin Canada xin cấp cho quy chế tị nạn thì bị Đức trục xuất.
Trả lời RFA từ Đức hôm 27/3, cô Nguyễn Quang Hồng Ân kể lại :
"Bỗng dưng ngày hôm qua 26/3, một tốp cảnh sát chừng 6 hay 7 người ập vô, sau đó lên đến hơn 10 cảnh sát, họ đến chẳng nói gì cả, chỉ nói là phải rời khỏi đây. Em phải cố gắng hết sức để hỏi họ thì họ nói là có lệnh tống xuất Ba em về Việt Nam, họ bắt phải đi ngay bây giờ, đúng 8 giờ 40 phút thì xe bắt đầu chạy, bây giờ phải gói đồ. Họ hỏi có đem được gì không ? Nếu không thì chỉ đi tay không thôi. Lúc đó tình hình rất khẩn cấp, em không hiểu tại sao lại bị như vậy, em hỏi họ quyết định này từ đâu, thì họ có cầm một quyết định cho em coi nhưng rất nhanh và em chưa kịp đọc gì cả, và họ cũng không cho em chụp hình. Ba em rất là sốc, muốn liên lạc qua Canada nhưng không được, còn cảnh sát thì cứ la lối nên không làm được gì hết. Ba em bị ngã quỵ vì sốc, và cũng có nhiều bệnh, em có xin họ cho gặp bác sĩ và thuốc, họ có hứa cho nhưng họ đưa thẳng Ba em đến Munich, rồi đưa lên máy bay luôn".
Sau khi ông Nguyễn Quang Hồng Nhân và vợ bị cảnh sát Đức đưa ra sân bay trục xuất về Việt Nam được gần một ngày thì cô Nguyễn Quang Hồng Ân có lên trụ sở cảnh sát thành phố Nuremberg cũng như Sở Di trú Đức để hỏi thì được cho biết phía Đức đã giao Ba Mẹ cho công an Việt Nam tại Hà Nội. Cô nói tiếp :
"Em đã liên lạc được với Ba ở Việt Nam, Ba cho biết công an đã thẩm vấn Ba, hiện Ba rất xuống tinh thần. Sau đó họ đưa Ba đi đâu thì em không rõ".
Đài Á Châu Tự Do đã gọi các số điện thoại của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức nhưng không thể kết nối.
Cơ quan Di trú Liên bang Đức từ chối trả lời các câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do về trường hợp của vợ chồng ông Nhân, lấy lý do để bảo vệ thông tin cá nhân trong thủ tục xin tị nạn.
Ông Nguyễn Quang Hồng Nhân là nhà hoạt động nhân quyền, nhà văn từng bị chính quyền Việt Nam cầm tù. Năm 1979, ông Nguyễn Quang Hồng Nhân bị tòa án Nha Trang, Khánh Hòa cáo buộc "hoạt động tuyên truyền chống phá Cách mạng" và tổ chức đưa sinh viên, học sinh ra nước ngoài.
Ông Nguyễn Quang Hồng Nhân và gia đình đến Đức vào năm 2015 và xin tỵ nạn tại nước này. Hồ sơ được nạp tại Nuremberg nơi gia đình ông tạm cư. Sau đó ông làm đơn xin tỵ nạn với chính quyền Canada tại Đại sứ quán nước này ở Áo.
Tuy nhiên chỉ ít ngày trước đây khi gia đình ông này xin cơ quan chức năng Đức cấp cấy giấy để sang Vienna, Áo để được phía Canada phỏng vấn thì bị từ chối và đến ngày 26 tháng 3 ông Nguyễn Quang Hồng Nhân cùng vợ bị phía Đức bắt giao cho Việt Nam như vừa nêu.
Ông Nguyễn Quang Hồng Nhân được cho biết là một trong 68 người sáng lập Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm tại Việt Nam.