Quan hệ Việt – Đức tiếp tục tan băng sau vụ Trịnh Xuân Thanh ? (VOA, 25/03/2019)
Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Đức bắt đầu thăm Việt Nam hôm 24/3, gần một tháng sau chuyến công du Berlin của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và vụ "bắt cóc" ông Trịnh Xuân Thanh được cho là có trong chương trình nghị sự.
Đại sứ quán Đức tại Hà Nội cho biết rằng ông Peter Altmaier cùng một phái đoàn kinh tế cấp cao và một số nghị sĩ quốc hội liên bang Đức thăm Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 24 tới 26/3.
Tin cho hay, ông Altmaier "sẽ tiến hành nhiều cuộc trao đổi song phương với đại diện chính phủ Việt Nam và tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc".
Bộ trưởng Kinh tế Đức được trích lời nói trong một thông cáo rằng "Việt Nam là một đối tác kinh tế trung tâm của Đức tại Châu Á".
"Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam sẽ tạo ra một động lực mới và sẽ giúp giới kinh tế Đức hiện diện được rộng khắp hơn nữa ở Châu Á. Tôi ủng hộ việc nhanh chóng ký kết hiệp định này trong thời gian sớm nhất có thể, vì câu trả lời cho những thách thức toàn cầu chỉ có thể là cùng nhau nỗ lực cho một nền thương mại cởi mở, tự do và công bằng trên thế giới", ông Altmaier nói.
Chuyến thăm của quan chức phụ trách kinh tế liên bang Đức diễn ra khoảng một tháng sau khi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tới Berlin.
Sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hôm 20/2 nói rằng "từng có những bất đồng đáng chú ý giữa Đức với Việt Nam, đặc biệt là vì vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh ở Berlin".
"Hôm nay chúng tôi muốn đạt một thỏa thuận về cách thức chúng tôi có thể thiết lập lại mối quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Đức, và vun đắp nó bằng chất liệu mới", ông Maas nói.
Theo Đại sức quán Đức ở Hà Nội, ngoài việc trao đổi với quan chức chủ nhà, trong chuyến thăm Việt Nam, ông Altmaier "sẽ đến thăm một doanh nghiệp Đức, dự một diễn đàn kinh tế với doanh nghiệp Đức và doanh nghiệp Việt Nam và tham dự lễ khai trường 'Ngôi nhà Đức ở Thành phố Hồ Chí Minh', nơi có văn phòng của Tổng lãnh sự quán Đức, của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức và của các doanh nghiệp Đức".
Hiện chưa rõ vụ việc liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh có được mang ra thảo luận trong chuyến thăm Việt Nam của quan chức Đức, hay liệu ông Altmaier có cuộc tiếp xúc nào với nhân vật từng đẩy quan hệ Berlin và Hà Nội xuống mức thấp nhất trong nhiều năm hay không.
********************
Bộ trưởng Đức đề cập vụ Trịnh Xuân Thanh với Thủ tướng Việt Nam (RFA, 27/03/2019)
Bộ trưởng Kinh tế & Năng lượng Cộng hòa liên bang Đức, ông Peter Almaier, đề cập đến vấn đề nhân quyền Việt Nam và vụ bắt cóc cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh trong cuộc hội đàm ngày 25 tháng 3 với ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc (trái) và Thủ tướng Đức Angela Markel tại thượng đỉnh G20 tại Đức, 7/2017. Vài tháng sau Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc trên đất Đức. AFP
Ông Peter Altmaier bày tỏ hy vọng vụ việc làm xấu đi mối quan hệ song phương Đức- Việt vụ như bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức sẽ không lặp lại.
Thông tin vừa nêu được một phóng viên Đức tháp tùng ông Bộ trưởng viết lại trên twitter, sau đó tờ Thời báo, một tờ báo Việt ngữ tại thủ đô Berlin trích dịch lại.
Một blogger người Việt tại Đức là ông Bùi Thanh Hiếu thì trích dẫn các báo Đức, chỉ trích chuyện bắt cóc Trịnh Xuân Thanh của Việt Nam, cho rằng chính phủ Đức đã gầy dựng lại quan hệ với Việt Nam vì lợi ích của các tập đoàn tư bản, mà lại bỏ qua chuyện phi pháp của Việt Nam, cũng như những hành động vi phạm nhân quyền của quốc gia này.
Báo chí Việt Nam không đưa tin về chuyện nước Đức đề cập đến chuyện Trịnh Xuân Thanh, và cũng không rầm rộ đưa tin về cuộc thăm viếng này, mà chỉ có một số tờ báo ca ngợi quan hệ hai bên, trích lời ông Bộ trưởng Đức Peter Altmaier về những thành công của các công ty Đức tại Việt Nam.
Vụ bắt cóc cựu quan chức dầu khí Việt Nam Trịnh Xuân Thanh từ Berlin rồi đưa về Hà Nội qua ngã Slovakia và Matxcova diễn ra vào cuối tháng 7 năm 2017. Đến tháng 9, Berlin cho ngưng quan hệ đối tác chiến lược với phía Việt Nam.