Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

30/03/2019

Giảm thu bất động sản ở Sài Gòn, phá núi xây biệt thự ở Khánh Hòa

Tổng hợp

Thu bất động sản giảm mạnh, lấy đâu tiền nuôi đội ngũ ăn không ngồi rồi ? (VNTB, 30/03/2019)

3 tháng đầu năm 2019 dù trôi qua với kết quả tạm thời yên tâm dành cho chính thể độc đảng ở Việt Nam về thu ngân sách vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2018, nhưng một ‘tin mừng’ bắt buộc phải xảy ra cũng kèm theo : nguồn thu từ tiền sử dụng đất liên tục giảm sâu.

thu1

Nhiều khu dân cư trở thành bãi chăn bò

Sài Gòn - nơi được xem là bò sữa’ về thu thuế của Bộ Chính trị, cũng là thành phố có nguồn thu bất động sản lớn nhất và thị trường nhà đất nơi đây đã được các nhóm đầu cơ cá mập ‘đánh lên’ suốt từ năm 2017 đến gần đây, trong 3 tháng qua có số thu thuế bất động sản chỉ ước 1.308 tỷ đồng, đạt 13,08% dự toán và giảm đến 74,85% so cùng kỳ.

Trong một cuộc báo cáo cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào trung tuần tháng Năm năm 2018, chính bộ trưởng "Bộ Thắt Cổ" – ông Đinh Tiến Dũng – đã phải thừa nhận một sự thật trần trụi và tàn nhẫn trong cơ cấu thu ngân sách của chính thể độc đảng ở Việt Nam vào năm 2017 : dù tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 vượt 49,16 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội, vượt 76,48 nghìn tỷ so với dự toán, nhưng số tăng thu đạt được chủ yếu không phải từ hoạt động sản xuất kinh doanh mà là nhờ tăng thu từ tiền sử dụng đất (61,58 nghìn tỷ đồng so với dự toán), và một phần khác từ thu cổ tức và lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước (15,19 nghìn tỷ đồng), tăng thu từ dầu thô (11,28 nghìn tỷ đồng so với dự toán).

Đến tháng Mười năm 2018, một bản báo cáo của cơ quan Kiểm toán nhà nước Việt Nam được công bố đã phải thừa nhận rằng phần thu cân đối ngân sách nhà nước 2018 tuy có thể đạt 1.358,4 nghìn tỷ đồng – tức tăng 3% so với dự toán, nhưng đây là số tăng thấp nhất so với kết quả thực hiện dự toán trong 4 năm trở lại đây.

Báo cáo này cũng cho biết số thu vượt dự toán chủ yếu từ các nguồn thu về nhà, đất không ổn định (hay còn được xem là "cấu trúc thu không bền vững").

Nỗi lo lắng trên của cơ quan Kiểm toán nhà nước cũng chính là tâm trạng lo sợ không nguôi của chính thể độc đảng ở Việt Nam : nếu trong năm 2019 và những năm sau đó mà hai nguồn thu này vẫn "không ổn định" theo chiều hướng suy giảm chứ không tăng vọt ồn ào như năm 2017 và 2018 – đặc biệt đối với thu thuế buôn bán nhà đất, ngân sách nhà nước và ngân sách đảng sẽ tìm đâu ra nguồn mới để bù đắp cho cái miệng rộng ngoác như hàm cá mập của quốc nạn bội chi ngân sách, chi xài lãng phí vô tội vạ cùng quốc nạn tham nhũng mà đang nhấn chìm xã hội Việt Nam xuống tầng dưới cùng của địa ngục thời hiện đại ?

Ngày 25/3/2019, đã có thêm một xác nhận từ giới nghiên cứu khoa học về triển vọng thâm hụt nguồn thu bất động sản, tại hội thảo khoa học và công bố ấn phẩm "Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018 : Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng". 

Về cơ cấu ngân sách, một chuyên gia là phó giáo sư, tiến sỹ Tô Trung Thành chỉ ra trong thu nội địa, có nhóm khoản thu giữ vai trò quan trọng là thu từ nhà đất. Nguồn thu này chỉ chiếm tỷ lệ trung bình là 9,6% tổng thu nội địa giai đoạn 2006-2011 đã tăng lên trung bình 11,6% giai đoạn 2012-2014. Tới giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ trên đã lên tới 13,8%. Tuy nhiên, vấn đề là, chiếm tỷ lệ cao nhất trong nhóm này là khoản thu có tính chất một lần là thu từ giao quyền sử dụng đất (chiếm trung bình 8,15% tổng thu ngân sách giai đoạn 2015-2018). Trong khi ấy, thuế từ nhà đất chỉ chiếm 0,2% tổng thu ngân sách Nhà nước. Việc phụ thuộc lớn và các khoản thu không bền vững như thu từ giao đất nói trên theo nhóm tác giả là một lý do khiến ngân sách ngay lập tức bị ảnh hưởng nếu thị trường bất động sản ảm đạm.

Một dấu hỏi quá khốn quẫn đối với nền ngân sách ăn bám của nhà nước cộng sản : Nếu quả bom bất động sản nổ, hoặc không nổ đột ngột thì sẽ phải xì hơi dần, chắc chắn mật độ thương vụ mua bán đất đai sẽ giảm dần hoặc giảm mạnh, kéo theo số thu thuế từ giao dịch đất đai sẽ giảm đáng kể trong những năm sau. Khi đó, ngân sách sẽ khó còn có nguồn thu tăng thêm từ tiền đất lên đến 60.000 – 70.000 tỷ đồng/năm, trong khi nguồn thu từ 3 khối kinh tế đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân vẫn không có gì khả quan hơn trong thời buổi kinh tế ngập ngụa suy thoái.

Minh Quân

********************

Phá nát núi ở Khánh Hòa để xây biệt thự mà chính quyền ‘không rõ’ (Người Việt, 30/03/2019)

Hàng loạt dự án mang danh "trồng rừng" nhưng nhiều hécta đất đá cùng cây cối trên núi Chín Khúc, giáp Nha Trang với huyện Diên Khánh, Cam Lâm bị đào xới núi xây khu biệt thự, trong khi chính quyền địa phương nói… không biết.

thu2

Đường lên đỉnh núi Chín Khúc được đào xới tan nát - nhìn từ thành phố Nha Trang. (Hình : Người Lao Động)

Theo báo Người Lao Động, núi Chín Khúc nằm phía Tây thành phố Nha Trang, trước đây cây cối xanh tươi, nay bị chặt hạ, để lại đồi trọc. Nhiều hécta đất đá bị đào bới, san lấp để làm dự án. Từ chân núi lên đến đỉnh dài gần 6 cây số được làm đường rộng 5-6 mét, ngoằn ngoèo. Nhiều máy múc, khoan bê tông được huy động, cập rập phá núi. Từ đỉnh nhìn xuống, nhiều mảng đất đá đã bị xé toạc, khoét sâu vào chân núi.

Ông Nguyễn Văn Thái, một người dân sống ở đây, cho biết từ khi các dự án làm trên núi Chín Khúc, người dân hết sức khổ sở.

"Hơn 20 năm sống ở đây, tôi chưa bao giờ thấy lũ quét như năm rồi, rất kinh khủng. Nước từ trên núi đổ xuống như thác khiến cả khu dân cư Phong Châu ngập nặng. Đường Phong Châu nối dài gần như bị xóa sổ… Các dự án làm cho được việc họ chứ không biết gì đến hậu quả gây ra. Người ta cạo núi trắng xóa như vậy thì làm sao mà chịu được", ông nói.

"Cần nói thêm là trong đợt mưa lũ cuối năm 2018, Nha Trang xảy ra hàng loạt vụ sạt lở nghiêm trọng làm 21 người tử vong, trong đó chủ yếu là do sạt lở núi", ông Thái tố với báo Người Lao Động.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hy, chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Thái, cho biết đợt mưa vừa qua chính quyền xã phải túc trực để di dời dân vì sạt lở nghiêm trọng. Thậm chí, phải thuê xe múc để phá đường thoát nước chống ngập.

Ông Hy nhìn nhận các dự án đã làm thay đổi dòng chảy. Tuy nhiên, khi đề cập đến dự án bạt núi, làm đường lên đỉnh Chín Khúc thì ông Hy nói "không nắm rõ".

thu3

Nhiều hécta trên núi Chín Khúc ở Khánh Hòa bị ủi phá làm dự án. (Hình : Người Lao Động)

Theo báo VnExpress, ngày 30 tháng Ba, 2019, trong phúc trình Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, thì tháng Mười Hai, 2018, núi Chín Khúc có bảy dự án được đề nghị thực hiện. Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và đầu tư Khánh Hòa cho biết "đến nay đơn vị chỉ nhận được hồ sơ của dự án Khu biệt thự sông núi Vĩnh Trung".

Dự án Khu biệt thự sông núi Vĩnh Trung, do Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa (Công ty Xây dựng Khánh Hòa) làm chủ đầu tư, được ủy ban tỉnh cấp phép hồi năm 2011, với tổng diện tích gần 30 hécta.

Đến tháng Bảy, 2018, tỉnh Khánh Hòa tiếp phê duyệt điều chỉnh dự án, phần dịện tích giảm còn gần 20 hécta. Lúc này, chủ đầu tư cho rằng "đang gặp khó khăn, không thể trồng rừng như phê duyệt ban đầu, chỉ giữ lại diện tích để làm biệt thự, đất ở xã hội, khu thương mại cùng bãi đỗ xe".

Ngoài dự án trên, tháng Sáu, 2012, Công ty Xây dựng Khánh Hòa cũng được tỉnh cấp phép cho thực hiện dự án xây khu biệt thự và du lịch sinh thái với tổng diện tích gần 200 hécta, chủ yếu đất rừng sản xuất. Công ty sau đó huy động máy múc, xe ủi để phá núi mở rộng diện tích thực hiện dự án.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa cho hay, khi thành lập đoàn kiểm tra tại núi Chín Khúc năm 2014, Công ty Xây dựng Khánh Hòa mở đường lâm nghiệp, đường ranh cản lửa bảo vệ khu A theo sườn núi và san lấp ở 3 khu vực rộng khoảng 7.000 mét vuông, trong khi chưa đủ hồ sơ pháp lý.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sau đó yêu cầu doanh nghiệp ngừng thi công, đào bới, giữ nguyên hiện trạng để hoàn tất các thủ tục trình cơ quan thẩm định, cấp phép trước khi thi công trở lại. Tuy nhiên, dự án vẫn tiếp tục thực hiện từ đó đến nay.

thu4

Doanh nghiệp phá đá, đốn hạ cây làm đường. (Hình : VnExpress)

Theo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, các dự án dự án đang triển khai với diện tích khoảng 700 hécta. Hiện chỉ có dự án Biệt thự Sông Núi Vĩnh Trung "có đánh giá tác động môi trường" và đã được phê duyệt.

Tỉnh Khánh Hòa có chủ trương cho các dự án làm nhưng nhiều chủ đầu tư chưa thực hiện đánh giá tác động môi trường, chưa phê duyệt quy hoạch 1/500 đã tự phá núi để triển khai. Điều này đã gây ngập lũ, sạt lở nghiêm trọng.

Cuối năm 2018, sau hàng loạt trận sạt lở núi làm chết 21 người, Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang mới đi kiểm ra, rà soát và mới biết có khoảng 67 dự án trên đồi, núi. Các dự án tập trung nhiều ở núi Cô Tiên, Hòn Ngang, Giáng Hương, Hòn Rớ, Chín Khúc…

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Tấn Tuân, phó bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, nói rằng "đang cho kiểm tra về các dự án, sau đó sẽ thông báo kết quả". (Tr.N)

Quay lại trang chủ
Read 462 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)