Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

31/08/2016

Cái ác sẽ hủy hoại quê hương

Uyên Vũ

Báo Dân Trí tại Việt Nam ngày 03 tháng Tám đăng tin về vụ một tài xế cố tình cán chết học sinh, bản tin cho biết : Chiều ngày 31 tháng Năm, 2016, cháu Phượng ở Hà Tĩnh đang đi xe đạp đến trường thì bị một xe tải chở đất đi cùng chiều vượt ẩu, cua gấp tông vào gây tai nạn. Một tài xế taxi, chứng kiến toàn bộ vụ tai nạn kể lại : "Khi xe tải tông vào chiếc xe đạp điện và cuốn cháu Phượng xuống gầm xe. Cháu Phượng nằm trong gầm xe tải, tay còn vẫy kêu cứu. Tài xế đã nhảy khỏi cabin xuống nhìn nạn nhân rồi lên xe, cho xe chạy về phía trước cán qua đầu khiến cháu Phượng chết tại chỗ".

caiac1

Nhiều cha mẹ dùng bạo lực với trẻ thơ

Báo VnExpress cũng đăng một tin tương tự : Một cô gái 16 tuổi tên Hoa, chạy xe gắn máy trên đường thì đụng phải chiếc xe chở container, cô ngã xuống và bị xe cán lên đùi rồi mắc kẹt tại chỗ, vài người đi đường xúm vào yêu cầu tài xế lùi lại, thậm chí có người còn dùng xe gắn máy chắn mũi xe container, nhưng tài xế tên Đặng Hữu Anh Tuấn phóng xe lên trước nghiến ngang người cô gái, rồi lùi lại cán lên người cô lần thứ ba và bỏ chạy. Cô gái cũng tử vong ngay sau đó. Gã tài xế sau đó chỉ bị xử tám năm tù.

Những vụ ghê rợn như trên không phải quá hiếm hoi, như một quy luật bất thành văn, nhiều chủ xe vận tải khi tuyển tài xế thường "thòng" một câu quan trọng : "bao cán" (hệt như người bán trái cây cam kết "bao ngọt" với khách hàng), điều ấy có nghĩa chủ xe sẽ bao thầu nếu tài xế cán người, tối đa hai xác/năm. Khi mới nghe lần đầu, tôi đã không tin chuyện ấy có thật, nhưng nghe nhiều người kể lại, báo chí đăng tải và mức án tám năm dành cho tài xế "bị xui" không có người "bao cán" thì không tin cũng phải tin. Vì sao họ cố tình giết người như vậy ? Câu trả lời thật lạnh lùng : "Thà cán chết để bồi thường một lần còn hơn phải nuôi bệnh suốt đời !".

Sự ác độc phủ bóng xã hội

Những tội ác phi nhân tại Việt Nam hiện nay càng ngày càng tăng, thử mở bất kỳ tờ báo nào (nhưng điển hình là báo Công An) sẽ thấy sự độc ác nhan nhản khắp nơi, dầy đặc trên các cột báo. Và sự tàn độc không chỉ với người ngoài : nhiều báo đăng tin Nguyễn Xuân Bình, 32 tuổi - một cựu cầu thủ đã giải nghệ, về Long Xuyên sinh sống bằng nghề bán điện gia dụng, đã đầu độc chết hai con gái mới năm tuổi và tám tuổi, sau đó tự kết liễu đời mình. Một người cha khác tên Tâm ở Tân Biên (Tây Ninh) khi ba đứa con đang ngủ say, đã khóa chặt cửa, tưới xăng đốt nhà, cả bốn cha con anh ta bị thiêu rụi, anh ta để lại một lá thư tuyệt mệnh đại ý vì nghèo quá không nuôi nổi con nên tự tay giết con rồi tự sát… Có thể cho rằng hai người cha đó trong cơn cùng quẫn đã mất tính người. Nhưng trường hợp cô Phan Mùi Mấy 25 tuổi ở Hà Giang thì chỉ vì bực tức và ghen tuông với chồng, nên đã mua thuốc chuột về đầu độc ba đứa con ruột. Khi thấy cả ba đứa trẻ vẫn bình an vô sự, cô ta đã dùng giây xiết cổ từng trẻ đến chết, phóng hỏa đốt nhà rồi trốn vào rừng… Từ khi bị bắt giữ, Mấy khá bình thản, trả lời rành rọt từng câu hỏi của người điều tra. nhưng tuyệt nhiên không có giọt nước mắt.

Tội ác tại Việt Nam tiếp tục gia tăng cả về số lượng lẫn cách thức, nếu cách đây mươi năm, tạt acid là phổ biến, thì gần đây người ta giết người, chặt thành nhiều khúc để dễ phi tang hoặc vài năm nay, nếu những kẻ trộm chó bị dân làng xúm vào đánh đến chết, đốt cháy cả người lẫn xe đã thành một hiện tượng phổ biến (nhất là khu vực phía Bắc) thì bây giờ họ sẽ không đánh chết ngay mà giết kẻ trộm một cách từ từ như một cách gặm nhấm, thưởng thức cho thỏa thú tính. Và cái ác cứ thế tự vượt qua những kỷ lục của nó để ác hơn nữa mỗi ngày. Cái ác hình như rình rập, ẩn hiện khắp nơi, đe dọa mọi nguời dân.

Vì sao nên nỗi ?

Tại sao Việt Nam ra nông nỗi như vậy ? Theo tôi, nguyên nhân chính của tình trạng suy thoái này trước hết là nền văn hóa bạo lực, đây là nguồn gốc sâu xa nhất của tình trạng xã hội xuống cấp và suy thoái đạo đức trầm trọng. Trong nhiều năm gần đây, báo chí trong nước và các mạng xã hội đã khai thác quá nhiều tin "cướp, hiếp, giết" vớí cánh tả tỉ mỉ, đậm nét vừa như gặm nhấm vụ án một cách thích thú, vừa làm kích thích lòng độc ác tiềm ẩn trong con người. Cách đây 5 năm, một thanh niên miền quê Bắc Giang tên Lê Văn Luyện, giết cả nhà bốn người chủ tiệm vàng để cướp của khiến báo chí "thổi phồng" quá đáng khiến hắn từ một kẻ sát nhân bỗng nhiên nổi danh như cồn. Sau đó nhiều án mạng xảy ra, một số kẻ giết người trẻ măng khi khai trước tòa đều "tự hào" xưng là "đàn em anh Luyện". Thực tế Lê Văn Luyện đã thành một thứ "thần tượng máu lạnh" mà nhiều đứa trẻ phải trầm trồ thán phục. Mới đây, vài tờ báo còn ca ngợi chuyện bà Lê Thị Nghê ở Quảng Nam, năm 1969 đã tự tay chôn sống đứa con ba tháng tuổi đang khóc vì đói, để "bảo toàn mạng sống" cho nhóm du kích Việt cộng đang trốn lính Mỹ trong một hang núi. Bà Nghê sau đó phát điên vì bị ám ảnh. Thứ văn hóa bạo lực này lại phát xuất từ chính những bài học kích thích thù hận mà trẻ con phải học trong nhà trường. Tập thơ của "thần đồng" Trần Đăng Khoa tên "Góc sân và khoảng trời" viết khi anh ta tám tuổi có những câu như : "đi nữa chú ơi/ đi khắp mọi nơi/ tìm giết hết Mỹ…". Những bài thơ đại loại như vậy hoặc những bài toán "cộng trừ xác Mỹ" học sinh Việt Nam vẫn phải học khi còn bé.

Bạo hành trong gia đình

caiac2

Một "bảo mẫu" đang hành hạ em bé (ảnh cắt từ clip)

Một vấn đề khác cũng rất quan trọng là chuyện bạo lực trong gia đình. Hành vi bạo lực thường thấy nhất là giữa vợ chồng, bạo lực giữa cha mẹ với con cái hay anh em ruột với nhau hoặc giữa mẹ chồng và con dâu thường thấy ở nông thôn. Những ông chồng Việt phần nhiều còn mang nặng tính gia trưởng, bên cạnh đó là thói quen thường xuyên nhậu nhẹt, họ luôn áp đặt quyền lực và trút những cơn giận lên đầu vợ con. Những số liệu quốc gia công bố gần đây cho thấy, gần 60% phụ nữ VN từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo hành về thể chất, tinh thần và tình dục. Một chuyện mới được đăng báo vài hôm nay cho biết, có ông chồng đánh vợ chán chê bèn lấy nước sôi đổ vào tai vợ. Tại Hà Nội đã từng có một cuộc triển lãm các hung khí đã được dùng để gây bạo hành gia đình, nhìn những vật triển lãm ấy ai cũng phải rùng mình.

Xâm hại trẻ em

Tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em cũng trở thành vấn đề đáng quan ngại cho xã hội. Trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Gần đây dư luận đang phẫn nộ về vụ án một cán bộ 76 tuổi, tên là Nguyễn Khắc Thủy cựu giám đốc một ngân hàng tại Vũng Tàu đã nhiều lần xâm hại tình dục một bé gái mới sáu tuổi sống cùng chung cư, thâm chí từ khi cháu mới bốn tuổi, ngay nơi công cộng và có một doanh nhân ngoại quốc nhìn thấy và tố cáo. Không chỉ với một bé gái, khi vụ án được khởi tố và báo chí vào cuộc thì thêm vài bà mẹ khác cũng lên tiếng tố cáo ông này đã từng xâm hại những bé gái con của họ. Một vấn nạn khác không quá hiếm ở Việt Nam là tình trạng các cháu bé bị những cô "bảo mẫu" hành hạ dã man trong các nhà trẻ, các lớp mẫu giáo. Nhiều cháu bị dán băng keo bịt miệng, bị trấn nước, bị tra tấn bằng nhục hình. Cha mẹ các cháu mải đi làm việc nên phó thác hoàn toàn chuyện ăn uống, học hành của con mình cho những kẻ vô lương tâm.

Gần 20 năm trước, tôi có nhiều dịp cộng tác với tổ chức Radda Barnen của Thụy Điển để tìm hiểu về những tệ nạn xã hội tại Sài Gòn, đồng thời sinh hoạt với một nhóm chuyên khoa tâm lý trị liệu, và được trực tiếp nghe nhiều nhân chứng cho biết, thuở ấu thơ họ thường xuyên chứng kiến hoặc là nạn nhân của bạo lực rồi khi trưởng thành, kể cả khi có con, họ vẫn mang theo mình những thương tổn tâm lý sâu sắc có thể kéo dài suốt cả cuộc đời. Họ tìm đến những nhà tâm lý trị liệu để học cách hàn gắn vết thương ấu thời. Một số nạn nhân của bạo hành sẽ trở thành thủ phạm khi chưa kịp trưởng thành, vài năm nay có biết bao nhiêu video clips về những đám học sinh đánh nhau, lột áo quần nhau, hệt một bầy thú dữ. Chúng hành hạ nhau như để trả thù hoặc như một cách giải tỏa nỗi ấm ức từ vô thức.

Môi trường giáo dục lẽ ra là nơi ươm mầm và huấn luyện trí dục, đức dục cho học sinh và đào tạo họ thành những công dân tốt. Nhưng rõ ràng nền giáo dục Việt Nam, cổ súy cho duy vật và vô thần cùng thói chạy đua tìm thành tích đã góp phần tạo nên một xã hội suy đồi đạo đức cá nhân, và làm băng hoại tuổi trẻ. Những đứa trẻ lớn lên trong một bầu không khí giả dối và vô cảm từ nhà trường, hỏi sao khi ra xã hội chúng có thể tự hoàn thiện nhân cách ?

Đạo đức xã hội suy đồi

Ở Việt Nam, từ cán bộ, doanh nhân cho đến giới trẻ truyền tai nhau những bí quyết ứng xử xã hội kiểu : "không có chuyện gì khó, chỉ sợ không có tiền", hoặc "những gì không mua được bằng tiền, sẽ mua được bằng rất nhiều tiền". Điều ấy nói lên tiền bạc vật chất là tối thượng, luật pháp hoặc đạo đức chỉ là thứ yếu. Một xã hội mà luật pháp bị coi thường là một xã hội để mặc cho những kẻ quyền thế hoặc nhiều tiền thao túng và lộng hành. Cũng vậy, tiếng nói của những nhà lãnh đạo tinh thần từ lâu đã bị tiếng nói của cường quyền lấn áp. Thiếu vắng những chuẩn mực về đạo đức và luật pháp, xã hội Việt Nam không biết dựa vào đâu khi ngay cả những cái gọi là "lý tưởng" đã không còn. Sự phân hóa, cái hố thẳm phân cách giàu nghèo càng ngày càng nới rộng. Một bên là tầng lớp giàu có hãnh tiến hưởng đặc quyền, đặc lợi khinh rẻ người nghèo ; bên kia là những con người nghèo khổ bị áp bức và bóc lột, giương cặp mắt thèm khát và thù hận về những người nhiều tiền hơn mình… Xã hội ấy đang suy đồi một cách khủng khiếp.

caiac3

Bạo lực trong giới học sinh

Lướt qua truyền thông, báo chí, những trang tin nhiều người đọc nhất là những tin tỉ mỉ ở hậu trường liên quan đến những người nổi tiếng. Những bài báo moi móc đời tư, hoặc chăm chú vào trang phục gợi dục giới trình diễn dẫn đến một thị hiếu dung tục. Bên cạnh đó nổi bật là sự lạm quyền của những người lãnh đạo lẫn các viên chức thuộc cấp : Tham nhũng khắp nơi như một quốc nạn không thuốc giải, cường quyền ức hiếp, bóc lột, thậm chí phương cách sử dụng vũ lực nặng nề với dân chúng… Đã có biết bao nhiêu người bị tù oan, bị bức cung, và bị đánh chết trong đồn công an là một ví dụ điển hình.Đời sống tinh thần của người dân thiếu vắng hẳn lòng nhân ái, sự bao dung cần có.

Hiểm họa ma túy

Nhưng, tác động ghê gớm nhất, gây bạo lực hàng đầu và nhiều tệ đoan xã hội hiện nay vẫn là "ma túy"và "rượu độc" đang bán tràn lan khắp thành thị đến thôn quê. Nó tàn phá về thể chất và tinh thần của giới thanh thiếu niên. Rất nhiều người trong số họ sống hư hỏng sa đọa do nghiện rượu và nghiện ma túy. Những kẻ mang độc chất phân phối trong xã hội không hiếm được sự tiếp tay của kẻ cầm quyền. Vụ án một tay cán bộ có nhiệm vụ chống ma túy chính là kẻ vận hành đường dây ma túy mà báo chí mới đăng tải hoặc các tay quản giáo trại giam "phục hồi nhân phẩm", "cai ma túy" chính là những kẻ bán ma túy giá cao cho trại viên tại nhiều địa phương.

Tình hình suy thoái đạo đức trong xã hội Việt Nam ngày nay, bắt nguồn từ những nguyên nhân cơ bản này, đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và tác động lẫn nhau. Tất cả vấn nạn nầy khiến cho Xã hội Việt Nam đẫm máu vì bạo lực tràn lan khắp cả đất nước.

Việt Nam ngày nay cái ác hoành hành khắp nơi. Không chỉ cái ác cụ thể mà chúng ta nhìn thấy với máu và acid, với cướp giật đường phố, với bạo hành trẻ thơ. Cái ác đó có cướp đi sinh mạng, sức khỏe hay làm tổn thương tinh thần của con người nhưng có những cái ác do sự tắc trách của nhà cầm quyền gây nên những hệ lụy và thảm cảnh lên không biết bao nhiêu thế hệ ?

caiac4

Cô nuôi trẻ trấn nước, bóp cổ trẻ thơ (ảnh cắt từ clip)

Tôi không phải là nhà xã hội học, cũng không có tham vọng phân tích sâu xa về một xã hội Việt Nam đang tự hủy hoại. Trên đây chỉ là những nét phác họa về hiện tình đất nước đang bị tội ác hoành hành. Ngoại trừ vài tiếng nói lẻ loi từ các vị lãnh đạo tinh thần, từ các thức giả nặng tình với dân tộc. Chưa bao giờ thấy xã hội đồng thanh lên tiếng hay lên án về nó. Đáng trách nhất vẫn là những người đang vận hành đất nước, những kẻ đã và đang trực tiếp gây ra thảm trạng này. Người dân chỉ thấy họ là những con chuột ngày đêm đục khoét tài nguyên, tranh giành miếng ăn và đua nhau đem gia đình tháo chạy khỏi con thuyền quê hương đang chìm dần trong tan hoang rã mục.

Uyên Vũ

Nguồn : Sài Gòn Nhỏ - Nam Cali số tháng 08/2016)

Quay lại trang chủ
Read 790 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)