Cách đây hai tuần, vợ tôi cho tôi xem một bài trên báo Soha Online, bài ấy có cái tựa thật dài : "Mùa "đóng góp" hãi hùng ở Thanh Hoá : Xông vào nhà tịch thu cả giường ngủ để ép dân nghèo nộp tiền". Dưới cái tựa, bài viết cũng dài và không chỉ có bài ấy, Soha Online còn có cả một loạt bài về "mùa "đóng góp" hãi hùng ở Thanh Hóa". Tôi không đủ can đảm đọc toàn bộ loạt bài ấy, vì trong trí tôi hiện lên rõ mồn một cảnh khốn khó và ghê rợn ở thôn quê những ngày xã ấp đi càn quét để truy thu thuế, phí của nông dân.
Tôi cứ ngỡ cảnh ấy đã lùi thật xa trong ký ức, nào ngờ đến bây giờ nông thôn Việt Nam vẫn còn đẫm nước mắt. Hơn 41 năm trước, bố tôi đi tù "cải tạo", từ thành thị mẹ tôi phải đưa lũ con thơ về thôn quê sinh sống, bà chỉ có ý nghĩ đơn sơ : dù gì nông dân cũng là người làm ra lúa gạo, đám con sẽ không bị chết đói ! Nhưng đám con thơ chỉ biết học hành, không quen cầy cấy ấy chỉ biết khóc vì đói ăn, vì cực nhọc và vì sự hà hiếp của đám cường hào nông thôn… Đêm đen vùng thôn quê, tiếng loa phóng thanh sang sảng kêu gọi nhân dân "tự giác", tiếng chân rầm rập của đám du kích xéo nát vườn rau, tia sáng loang loáng từ những ngọn đèn pin cùng tiếng quát nạt, tiếng chó sủa và tiếng những đứa trẻ khóc thét vì sợ hãi.
Tôi cũng chợt nhớ đến bài viết "Cái đêm hôm ấy, đêm gì ?" trên báo Văn Nghệ của Phùng Gia Lộc viết về cảnh cán bộ xã lùng sục làng quê bắt dân nộp thóc. Dân nghèo hết cả gạo đang phải ăn rau trừ cơm thì cán bộ "siết" cả bàn ghế, giường tủ, chum vại… Ngay chính nhà ông Phùng Gia Lộc, một người viết báo vừa đi vay được vài cân gạo ăn tạm cũng bị bọn cường hào ào ạt vào nhà định siết cả chiếc xe đạp, sau cùng bọn chúng hốt sạch ít thóc còn lại (để dành khi mẹ già anh mất sẽ có bữa cơm mời hàng xóm). Ông Phùng Gia Lộc kể : "Mẹ tôi chống gậy vái dài : - Van các anh ! Cắn rơm cắn cỏ tôi lạy các anh ! Lúa của tôi. Đó là tạ lúa hai đứa con gái hắn mua góp lại cho, để hôm sau tôi chết, bà con thương mà chạy đến để ăn lưng cơm sốt" ; "Tôi ngoặm hai hàm răng vào cổ tay mình để kìm giữ cái gì cứ chực tung ra. Hai vợ chồng xúc hết lúa ra thúng bì. Dặn thằng Học trông em, ngó bà, tôi cùng vợ hì hục gánh thóc ra trụ sở nộp…
Cái đêm tăm tối man rợ ấy mới đây còn hiện hữu nơi làng quê Thanh Hóa và gia đình chị Toàn (tên người phụ nữ) bị tịch thu cả chiếc giường ngủ, tài sản đáng giá nhất. Từ cái đêm bị thu giường, vợ chồng, con cái ôm nhau co ro ngủ dưới nền đất. Chị kể : Năm ấy gia đình chị nợ tiền đóng góp cho xã 800 ngàn (khoảng $40), nhưng nhà không còn gì."Tôi không biết làm sao cả, chỉ mong các bác ấy thương cho", "Họ đến đông lắm, cả trưởng làng, phó làng cùng các cán bộ ở làng. Có cả các anh công an xã nữa", "Hai vợ chồng tôi đã khóc lóc van xin mong họ thư thư cho ít bữa nhưng không được", "Không tìm được cái gì đáng giá, mấy người ấy chực quay ra thì ông trưởng thôn lại lao vào. Ông ấy tháo chiếc giường mà vợ chồng cùng hai con của tôi đang nằm""Thấy trưởng làng vào tháo giường, mấy anh đội mạnh(công an viên)cũng lao vào. Tất cả xúm vào tháo tung chiếc giường nhà tôi ra rồi bó lại khiêng ra nhà văn hóa của làng.Khi ấy tôi chỉ biết khóc nhưng van xin thế nào họ cũng chẳng động lòng…Năm nay tổng thu nhập từ bán lúa nhà chị được ba triệu đồng thì phải nộp cho nhà nước hai triệu.
Tiếng khóc của người nông dân nghèo chưa bao giờ làm động lòng các quan chức. Rất nhiều người trong số họ xuất thân từ đồng ruộng, nhưng từ khi phủi chân khỏi lớp phèn chua nơi bùn lầy nước đọng họ đã quên tất cả. Mấy năm trời làm ruộng nơi thôn quê tôi chứng kiến nhiều, một anh hàng xóm học hành chỉ đến lớp Ba, được cất nhắc lên làm an ninh khu xóm đã quay mặt ngay lập tức với láng giềng, thậm chí anh ta còn làm "chỉ điểm" cho công an xã ! Nói chi đến các ông quan quyền cao chức trọng. Tôi được xem bảng kê chi tiết các khoản quỹ, phí đóng góp hàng năm của một gia đình nông dân năm 2016, trong đó họ phải đóng 15 khoản quỹ từ quỹ "phòng chống thiên tai" đến quỹ "đền ơn đáp nghĩa"… và 9 khoản thu nào là "dân sinh kinh tế" đến "chế độ gián tiếp cán bộ"… Tôi chắc chắn rằng tất cả các khoản này nếu chiếu theo luật pháp thì không có khoản nào là bắt buộc cả. Chính nhà cầm quyền đã tự bịa ra đủ thứ vét đến cạn kiệt túi tiền ít ỏi của người nông dân ít học.
Ai đã từng đến các vùng trung du, vùng núi ở miền Trung hoặc miền núi phía Bắc thì sẽ khó tránh khỏi rơi lệ khi biết được cuộc sống của nông dân nơi đây khổ như thế nào. Học sinh nội trú không biết đến thịt cá là gì, rời lớp học chúng phải hè nhau đi bắt chuột rồi nướng ăn, lớp học thì nền đất mấp mô, tường vách tranh tre nứa lá, học sinh nhiều lứa tuổi, nhiều lớp học chung trong một phòng, chỉ có một thầy, lúc dạy cho nhóm này, lúc quay lại dạy cho nhóm khác. Nhiều nơi không có cầu bắc ngang sông, các cháu bé phải đu giây vượt sông, có nơi cả cô lẫn trò chui vào một túi nylon lớn rồi thuê người bơi vượt sông mang theo…
Mấy chục năm rồi mà cái nghèo, cái khó vẫn bủa vây lấy nông dân. Nông dân vốn ít học, đẻ nhiều con, đất đai chẳng những không sinh thêm mà còn cằn cỗi đi vì họ không biết cách chăm sóc đất, cứ phun thật nhiều thứ thuốc, bón đủ thứ phân hóa học. Cán bộ địa phương cũng không giỏi giang gì hơn, chỉ giỏi học đòi những thứ ăn chơi hưởng thụ. Vốn có thời gian gắn bó với ruộng đồng, khi còn ở Việt Nam tôi hay ghé về nông thôn và thấy càng ngày miền quê càng tiêu điều. Không biết thị trường ra sao nên nông dân ngậm đắng nuốt cay khi bán 40kg chanh với giá không bằng ổ bánh mì. Tôi cũng nhiều lần chứng kiến vườn chôm chôm chín đỏ không ai hái, hỏi ra mới biết giá chôm chôm thấp đến nỗi không đủ tiền thuê người hái ; còn có những thảm cảnh như chủ vườn mía phải đốt trụi vì không ai mua. Có lần tôi hỏi một ông làm chủ tịch nông hội xã sao không chỉ vẽ cho nông dân cách trồng cây gì, nuôi con gì để đời sống khá hơn. Tay ấy nhăn nhở nửa đùa nửa thật nói "chỉ có trồng cây cần sa và nuôi con bia ôm là mau khá" (!). Thu nhập từ ruộng đồng quá thấp, nông dân phải bỏ ruộng chạy ra thành phố làm thuê, từ công nhân, cho đến xe ôm, thợ xây, giúp việc nhà, bán hàng rong…với thu nhập chỉ khoảng hai ba triệu đồng/tháng ($100 - $150) để gửi về nuôi gia đình.
"Ai ơi ăn bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần". Tôi có bẩy năm ở thôn quê, làm lao động chính như một người nông dân thực thụ, tôi thấu hiểu nỗi vất vả, cực nhọc và cả đau đớn để có được củ khoai, trái bắp, hạt gạo nơi quê hương. Suốt đời tôi sẽ không quên những tháng ngày đẫm mồ hôi nước mắt trên đồng ruộng ấy. Theo thống kê chính thức, Việt Nam hiện có 10 triệu gia đình nông dân với khoảng 65 triệu người sống tại nông thôn, trong đó có 30 triệu người trực tiếp lao động, chiếm 70% lao động toàn quốc, nhưng chỉ mang lại 20% GDP. Ngay tại vựa lúa miền Tây trù phú năm xưa, người nông dân bây giờ thu nhập chỉ bằng nửa mức lương tối thiểu cả nước. Và dù có tiếng là nước xuất cảng gạo hạng nhì thế giới, rất nhiều nông dân còn đói ăn, thất học. Nghèo khổ cũng là nguyên nhân gây nhiều thảm cảnh khác, họ thiếu dinh dưỡng trầm trọng nên dễ mắc bệnh hơn, đàn ông nông thôn cũng hầu hết nghiện rượu, thứ rượu pha bằng các chất hóa học tàn phá cơ thể, ung thư và các bệnh hiểm nghèo hủy hoại sức khỏe nhưng họ không đủ tiền chạy chữa. Trong khi thanh niên nông thôn lên vùng đô thị làm mướn thì rất đông các cô gái quê cũng lên đô thị làm nghề massage, bia ôm hoặc mại dâm. Nhiều cô chọn lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc để mong giúp đỡ cha mẹ và thoát cảnh nghèo túng. Nhớ khúc nhạc rộn ràng xưa kia : "Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát / Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác…". Làng quê vẫn xơ xác nhưng hồn quê nay đã hết "bao khúc ca yêu đời"…
Nhìn các bệnh viện Chợ Rẫy, Ung Bướu, Nhi Đồng ở Sài Gòn… đầy ắp người miền quê nhếch nhác, co ro cúm rúm, họ mang cả nồi niêu xoong chảo nấu ăn trong khuôn viên bệnh viện cho đỡ tốn tiền mà thấy tội nghiệp ; đã bệnh tật lại không đủ tiền chữa bệnh tỷ lệ tử vong tại nông thôn cũng cao hơn trung bình, thế hệ con cái họ tiếp tục thừa hưởng kiếp nạn ấy. Vòng luẩn quẩn nghèo đói - bệnh tật - nghèo đói không biết bao giờ mới chấm dứt. Rất nhiều nông dân đã chọn cái chết để chấm dứt vòng đời cay đắng đó, hàng năm theo thống kê có khoảng 40.000 người tự tử vì trầm cảm, con số đó cao gấp ba lần số người chết vì tai nạn giao thông. Bệnh viện Chợ Rẫy cao 10 tầng là nơi nhiều người chọn làm nơi nhẩy lầu quyên sinh, không năm nào không xẩy ra vài vụ và nghèo khổ, bế tắc là lý do chính.
Ông Nguyễn Lân Dũng, một giáo sư có tiếng ở Hà Nội có lần đúc kết về 10 cái nhất của nông dân : Cống hiến nhiều nhất ; Hy sinh lớn nhất ; Hưởng thụ ít nhất ; Được giúp đỡ kém nhất ; Bị đè nén thảm nhất ; Bị tước đoạt nặng nhất ; Cam chịu lâu dài nhất ; Tha thứ cao cả nhất ; Thích nghi tài giỏi nhất ; Năng động khôn ngoan nhất. Tuy có vài điểm tôi chưa đồng ý hoàn toàn với ông giáo sư Dũng nhưng đại thể thì ông ấy đã nói đúng về thực trạng của nông dân Việt Nam, tôi chỉ muốn thêm rằng người nông dân còn bị cộng sản vắt chanh bỏ vỏ cạn kiệt nhất, điều ấy hiển hiện nơi những đoàn dân oan lôi thôi lếch thếch, ăn chực nằm chờ từ năm này qua năm khác tại các vườn hoa, đường phố gần các trụ sở tiếp dân tại Hà Nội và Sài Gòn. Rất nhiều người trong số họ đã từng bị cán bộ cộng sản lừa phỉnh, dụ dỗ để nuôi giấu dưới hầm nhà, họ đã nhiều lần che chở khi cán bộ bị lùng sục và giờ đây đất đai cha ông họ để lại đã bị chính những kẻ họ đã giúp đỡ năm xưa chiếm đoạt. Không những thế, khi nông dân được giúp đỡ khi gặp thiên tai hoặc tài trợ "xóa đói giảm nghèo", họ luôn bị các cán bộ ăn chận, qua mỗi chặng từ trung ương về tỉnh, từ tỉnh về huyện, từ huyện đến xã… đến tay người cần trợ giúp thì chẳng còn lại bao nhiêu.
Vụ Formosa "bồi thường" 500 triệu đô la cho bốn tỉnh miền Trung, khi số gạo trợ cấp đến tay người dân thì chỉ có 15kg toàn là thứ gạo đã bị mốc xanh đen và hôi hám ; hay vụ dân nghèo huyện Thạch Thất nhận 60 con dê trợ cấp thì có 12 con đi thẳng vào trang trại trù phú của tay bí thư huyện ủy thay vì đến tay dân nghèo, chưa kể số người "nghèo" được nhận trợ cấp hầu hết là bà con thân thuộc các quan chức. "Họ ăn chận không chừa thứ gì, từ tiền trợ giúp khuyết tật, tiền khẩu phần ăn của trẻ con, tiền y tế của người già, bớt xén tiền từ thiện, cứu trợ lũ lụt của gia đình gặp thiên tai, chết chóc…" đó là lời một bà cụ nông dân miền Bắc nói với báo chí. Mấy tháng trước, tôi có xem một video clip quay cảnh một nhóm dân oan giăng biểu ngữ, biểu tình trước trụ sở tiếp dân của trung ương đảng cộng sản Việt Nam tại đường Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, nổi bật trong clip là một ông cựu bộ đội, ngực áo đeo huy chương. Ông ta vung tay nói một cách dõng dạc, dứt khoát và rành mạch : "Đả đảo cộng sản tham nhũng ; Đả đảo cộng sản ức hiếp dân lành, đảng cộng sản không xứng đáng là người cầm quyền và lãnh đạo đất nước ! Phải phế truất đảng cộng sản đi !" Những người đứng chung quanh ông đồng thanh hô theo "đả đảo, đả đảo", "truất phế, truất phế".
Quan sát kỹ đời sống nông dân thấy cảnh bất mãn nhà cầm quyền ngày càng dâng cao, họ đã không cam chịu bị chèn ép, bị bóc lột… Đối diện với nghèo đói thê thảm, họ không gì để mất và nhờ tiếp cận thông tin họ đang liên kết lại. Tôi lại chợt liên tưởng đến nhân vật Jacquou Le Croquant - người nông dân nổi dậy chống cường quyền áp bức bên Pháp xưa kia, tôi lại nhớ đến ông Đoàn Văn Vươn, những người nông dân yêu tha thiết mảnh đất mà họ đã đổ mồ hôi, đổ xương máu gây dựng. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vì chà đạp lên tầng lớp đã nuôi dưỡng mình, họ xứng đáng phải nhận những cơn giận dữ của nông dân, họ phải bị phế truất như mong ước của những người nông dân mất đất.
Uyên Vũ
Nguồn : Sài Gòn Nhỏ - Nam Cali số tháng 09/2016)