Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

31/10/2016

Thương về miền Trung bão lũ

Uyên Vũ

"Miền Trung tội lắm ai ơi, mùa Đông thiếu áo, Hạ thời thiếu ăn…".

 

Từ ngày còn nhỏ tôi đã nghe nhiều về thảm cảnh bão lũ hàng năm tại miền Trung. Miền Trung như chiếc đòn gánh của đất nước, phía Tây chập chùng núi cao, phía Đông là những rẻo đất nhỏ bé giáp biển. Miền Trung nghèo khó, người dân quanh năm lam lũ kiếm miếng ăn, chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Và tai ương hoạn nạn luôn trút về vùng đất ấy. Ai có nghe những giọng hò mái nhì, hò mái đẩy thê thiết hay tiếng ru hời của người miền Trung bao đời nay mới thấy áo não làm sao…

mientrung1

Xác một con bò sau trận lũ lụt

Những ngày này, nước lũ ào ạt tràn về Bắc Trung phần làm thiệt mạng mấy chục dân nghèo. Nước cuốn trôi biết bao nhà cửa, những ngôi nhà đơn sơ nằm cheo leo bên sườn đồi, dưới chân núi. Nước nhấn chìm biết bao hoa màu trên đồng ruộng, biết bao gia súc chìm nghỉm dưới làn nước mênh mông… Giao thông Bắc Nam bị đứt đoạn vì hàng trăm cây số đường sắt bị nước cuốn trôi, sạt lở nền đất. Hệ thống đường bộ cũng ngậm ứ trong biển nước.

Báo chí và mạng truyền thông xã hội ngập tràn hình ảnh và những tin tức buốt lòng của người dân Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, những tỉnh đang oằn mình gánh chịu tai ương nặng nề do nhà máy thép Formosa gây ra. Nay với trận bão lũ kinh khủng này (và có thể chưa chấm dứt) không biết người dân sẽ tiếp tục sống làm sao khi miếng nước sạch để nấu cơm cũng không có, khi miếng ăn và tài sản chắt chiu đã trôi sạch ? Tôi không thể rời mắt khi nhìn hình ảnh những người dân khoét lỗ trèo lên mái nhà đứng, những đàn trâu bò, heo gà, chó mèo chết trương, nổi lềnh bềnh theo con nước và những khu vườn, mái nhà xiêu vẹo giữa khung cảnh bầu trời mờ mịt, xám xịt sau khi nước rút…

"Bố con anh Nguyễn Văn Hà bị lũ cuốn giữa lúc mưu sinh kiếm sống. Anh Hà 46 tuổi ở phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn, trong lũ lớn đã cầm tay lưới đi kiếm cá. Cô con gái lớn là Nguyễn Thị Kiều Linh (17 tuổi) nói : "Con biết bơi, đi theo giữ cá để mạ đi bán mua gạo". Không ngờ đó là chuyến thả lưới cuối cùng của cô gái này. Tối 14 tháng Mười, vợ anh Hà là chị Trần Thị Tuyết thấy không ai về liền gọi điện nhưng máy anh Hà không thể liên lạc. Hai ngày sau, sáng 16 tháng Mười, chị Tuyết chết ngất khi thi thể chồng con được đưa về quàn tại nhà. Người trong xóm kể, cháu Linh tay vẫn cầm chặt cái vợt đựng cá, bên trong còn mớ cá đồng gỡ ra từ lưới. Anh Hà mất cùng đứa con đầu để lại gia tài là diện hộ nghèo, người vợ tần tảo cùng hai đứa con gái nhỏ hỏn không biết tựa vào ai để mưu sinh. Giữa căn nhà cấp 4 ẩm dột, 2 chiếc quan tài kề nhau, chị Tuyết ngất lịm phải đưa đi cấp cứu. Trong nhà chỉ còn lại hai đứa bé đứng cạnh hai chiếc quan tài của bố và chị…".

Trên đây là những dòng tin ngắn gọn do phóng viên Dương Minh Phong từ Đồng Hới, Quảng Bình gởi về cho một người bạn. Cuộc sống của hằng trăm ngàn người khác đang bị hết sức bi đát. Việt Nam quê hương tôi sao mãi đọa đầy ?

Nguyên nhân nào ?

Nguyên nhân của tai họa này theo báo chí tại Việt Nam cho biết : "Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh, từ đêm 13 tháng Mười, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở ra Nghệ An có mưa rất to. Tâm mưa là Quảng Bình với tổng lượng mưa đo được trong 24 giờ lên tới 747 mm - cao nhất trong lịch sử quan trắc tỉnh này. Mưa lớn kết hợp thủy điện xả lũ khiến mực nước sông suối đồng loạt dâng cao, tràn vào làng xã, gây ngập nặng ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Tuyến đường sắt Bắc Nam qua Quảng Bình bị xói lở, hư hỏng khoảng 200 km nền đường, nhiều đoạn đường sắt qua Quảng Bình, đường rầy treo cao lơ lửng so với nền đường từ 0,8m đến 1,6m. Từ chiều ngày 16, mưa giảm dần, nước lũ bắt đầu rút. Thống kê đến chiều 16 tháng Mười, đã có 24 người chết, 9 người mất tích, hơn 27.000 ngôi nhà bị phá hủy do mưa lũ. Riêng Quảng Bình có 18 người chết, 7 người mất tích".

Cứ theo những dòng tin tức lạnh lùng trên báo, có thể nói lẽ ra thảm họa này có thể tránh được hoặc ít nhất có thể giảm nhẹ đi nhiều lần. Trước hết, ai cũng biết bão lụt ở miền Trung xảy ra thường xuyên hàng năm, nếu nhà cầm quyền biết lo cho dân thì phải trang bị những hệ thống quan trắc tốt, theo dõi sát sao những dự báo và chuyển động thời tiết để cảnh báo cho người dân. Đồng thời phải lập ra những phương án cứu nguy, cứu ngập như hướng dẫn người dân phải làm sao khi nước bắt đầu dâng cao, trang bị cho mỗi nhà ít nhất một xuồng cao su, nhiều áo phao, lập những kho dự trữ thực phẩm, thuốc men, nước sạch nơi an toàn… Đó là cách thức chủ động phòng ngừa bão lụt, nếu địa phương không làm nổi thì nhà cầm quyền trung ương phải hỗ trợ. Điều ấy chắc chắn không tốn kém nhiều và dĩ nhiên không bằng một góc so với thiệt hại sau khi bão lũ.

Điều kế tiếp là nguyên nhân trực tiếp chính là do những đập thủy điện xả lũ đột ngột, đích danh trong lần này là đập thủy điện Hố Hô. Cứ thử tưởng tượng, địa hình của miền Trung có độ dốc chênh lệnh rất lớn từ phía Tây với dãy Trường Sơn sang phía Đông, các nguồn nước nhỏ từ thượng nguồn chảy về dòng lớn hơn và tập trung vào dòng chính, như thế vận tốc dòng chảy sẽ tăng đột ngột do nhiều dòng chảy có lưu lượng lớn đổ tập trung vào dòng chảy chính. Trường hợp trên dòng sông không có thủy điện, nghĩa là không có các hồ chứa nước của thủy điện, khi có mưa lớn vẫn sẽ sinh ra lũ. Nước mưa trên bề mặt lưu vực sông sẽ dồn về các dòng chảy tự nhiên (các khe, suối) đổ về sông chính. Do có nhiều dòng chảy tự nhiên cùng với các vật cản di chuyển của nước như địa hình, rừng, công trình, đường giao thông,… làm cho lượng nước dồn về các dòng chảy tự nhiên này chậm, vận tốc dòng chảy không quá lớn và ổn định (nghĩa là không có hiện tượng tăng đột ngột vận tốc dòng chảy). Do đó thời gian dồn nước lũ về các dòng sông chính kéo dài và mực nước dâng lên ở các sông chính chậm. Chính vì vậy, lũ vẫn phát sinh nhưng thời gian ngập nước ở hạ lưu chậm và không xảy ra lũ lớn.

mientrung2

Những xóm làng bị nhấn chìm chỉ còn trơ nóc nhà

Thủy điện tràn lan

Nhưng thực tế, nhà nước cứ cấp phép lập ra những thủy điện để bán điện cho dân bất chấp tác hại của nó. Xây dựng thủy điện là việc ngăn dòng chảy tự nhiên của nước, can thiệp vào quy trình tích trữ, tiêu thoát nước so với dòng chảy tự nhiên của sông. Đi kèm với mỗi thủy điện là một hồ chứa nước để dự trữ nước vào mùa khô. Khi có mưa lớn, mực nước của các hồ chứa dâng cao, và các hồ này phải xả nước để điều hòa lưu lượng nước và đảm bảo an toàn đập của hồ chứa. Cách đây vài năm vụ thủy điện Sông Tranh 2 ở Quảng Nam bị nứt dù chưa bắt đầu dự trữ nước đã dấy lên những nỗi lo ngại nơi dân chúng. Có hàng trăm dự án thủy điện đã, đang và sẽ vận hành khắp các tỉnh miền Trung. Đó là những "quả bom nước" khổng lồ treo lơ lửng trên thượng nguồn. Chỉ tính riêng thủy điện Sông Tranh 2 có thể chứa đến hàng trăm triệu mét khối nước. Nếu bị vỡ khối nước này có thể cuốn sạch khu vực hạ nguồn ra biển. Ồ ạt xây thủy điện vì dự án sinh lời cao, một hình thức kinh doanh trên xương máu người khác, bất chấp lời cảnh báo của những nhà khoa học và ngăn cản những dự án điện gió, điện sử dụng năng lượng mặt trời dù nước ta có lợi thế về nắng, gió. Hố Hô chỉ là một thủy điện công suất nhỏ, nhưng khi xả lũ đã gây hậu quả nặng nề, nếu nhiều thủy điện trước nguy cơ vỡ đập mà cùng xả lũ (lũ chồng lũ) thì tác hại đến dường nào !.

Phá sạch rừng

Một nguyên nhân quan trọng khác là việc phá sạch rừng trong nhiều năm qua. Ngay sau khi cưỡng chiếm miền Nam, lấy lý do tạo nguồn lương thực, nhà cầm quyền đã cho phá rừng làm nông trường. Chính tôi vào mùa khô năm 1976 khi bị buộc đi làm "lao động xã hội chủ nghĩa" đã lội đến tận đầu gối lớp tro tàn của cây rừng do nhà nước phá rừng rồi đốt sạch. Thử hỏi cây bắp, cây lúa làm sao mọc nổi khi lớp đất bị nung nóng như lò gốm ? Nhưng những đầu óc ngu dốt, kiêu ngạo và cuồng vọng của nhà cầm quyền cứ muốn "vắt đất ra nước, thay trời làm mưa".

Những cánh rừng già, với thảm thực vật phong phú của Việt Nam có tác dụng giữ nguồn nước bề mặt cũng như nước ngầm, khi phá rừng khai thác gỗ, lập đồn điền, trang trại thì không còn gì giữ lại và ngăn nguồn nước trôi đi. Đi từ Bắc chí Nam nhìn xa ngút tầm mắt có nơi nào rừng tự nhiên còn che phủ, ngoại trừ vài khu rừng cấm (nhưng bên trong là những trang trại của quan chức). Các "đại gia" giàu nứt đố đổ vách của Việt Nam hầu hết là những tay phá rừng (được cấp phép) điên cuồng nhất như Hoàng Anh, Quốc Cường ở Gia Lai. Và quan trên phá được thì quan dưới cũng phá, như một thứ phong cách thượng lưu, bàn ghế trong nhà các quan chức toàn bằng gỗ quý chạm khắc công phu từ các gốc cổ thụ tồn tại hàng trăm năm. "Rừng đã cháy và rừng đã héo. Em hãy ngủ đi. Rừng đã khô và rừng đã tàn. Em hãy ngủ đi…", Trịnh Công Sơn khi sáng tác bài này chắc không thể tưởng tượng lời ca của ông như một lời báo trước về thảm trạng quê hương.

Nhà cầm quyền đã đối phó ra sao ?

Trong suốt vài ngày lũ lụt miền Trung, không thấy một quan chức nào trực tiếp đến thăm hỏi ủy lạo người dân, không thấy một ai đứng ra chịu trách nhiệm trước dân. Người ta chỉ thấy hình ảnh thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bộ sậu y phục chỉnh tề ngồi trong hội trường kêu gọi "nhắn tin ủng hộ người nghèo" bằng điện thoại. Người ta chỉ thấy chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mặt hoa da phấn tham dự lễ hội trình diễn áo dài, tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng im bặt không hề lên tiếng, trong khi đó chủ tịch nước Trần Đại Quang trơ trẽn tuyên bố : "Vị thế chính trị của giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao". Các quan chức địa phương dĩ nhiên không ai dại gì chường mặt ra gánh vác trách nhiệm, họ đổ cho nhà máy thủy điện Hố Hô, còn ban giám đốc thủy điện thản nhiên lập lại rằng họ đã "xả lũ đúng quy trình". Còn người dân vùng lũ ? Họ chỉ còn biết trông mong vào sự cứu trợ của toàn xã hội. Đối diện với đói khát, nhà cửa tài sản tiêu tan, còn sống được sau bão lũ đã là may mắn, họ còn biết làm gì.

Hành động giúp dân

Một số cá nhân và tổ chức xã hội độc lập đã mau chóng hành động, vài nhóm ở Hà Nội, phối hợp cùng với các linh mục, các soeurs dù trời mưa bão đã vượt sông, băng đèo đến trao ít lương thực và tiền bạc trao tận tay người dân. Bắt đầu từ những vùng bị thiệt hại nặng nhất. Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, cựu giám mục giáo phận Phát Diệm và Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, giáo phận Vinh đã đích thân chèo thuyền đi ủy lạo và cứu trợ bão lụt. Một số tổ chức và cá nhân khác đang kêu gọi sự hảo tâm qua mạng internet, những cá nhân và tổ chức này với uy tín riêng đã được nhiều người ủng hộ bằng cách gửi tiền về. Một nhân vật được nhiều người biết là MC Phan Anh, người phát động phong trào "đừng im lặng" cho biết, anh vận động gia đình được 500 triệu đã chuyển ngay cho đồng bào miền Trung, anh kêu gọi xã hội chung tay với anh giúp đỡ người hoạn nạn, chỉ trong vòng 24h đã có 8 tỷ đồng chuyển về theo lời kêu gọi của anh, trong đó có nhiều người trong giới biểu diễn. Tôi tin vào tấm lòng của họ, tôi tin tấm lòng nhân ái trong xã hội còn nhiều và người tốt sẽ trao tận tay người dân những món quà nhỏ ấy. Tôi cũng thấp thỏm mong những cá nhân tổ chức quyên góp cho dân chúng ấy sẽ an toàn không bị nhà cầm quyền làm khó dễ hoặc ngăn chận việc từ thiện.

mientrung3

Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp chèo thuyền đi cứu trợ

Đã có quá nhiều trường hợp các quan chức ăn chận tiền cứu trợ, tôi đang đọc bản tin trên báo năm ngoái về trường hợp một cô chỉ là kế toán quèn của cái gọi là "ủy ban mặt trận tổ quốc" của Bình Phước đã ăn chận tiền cứu trợ đến 6.1 tỷ đồng ! Tôi cũng được biết vài luật sư lương thiện đang lập kế hoạch thay mặt dân kiện nhà máy thủy điện Hố Hô và bắt phải bồi thường. Thiết nghĩ khi nào người dân còn cam chịu để nhà cầm quyền muốn làm gì thì làm thì những thảm họa như thảm họa Formosa, thảm họa lũ lụt miền Trung sẽ vẫn còn tiếp tục xảy ra. Khi bài báo này lên khuôn, tin thời tiết cho biết cơn bão Sarika đang chuẩn bị đổ bộ vào Bắc phần hoặc lại tiếp tục ập vào Bắc Trung phần. Đây là trận bão được đánh giá là mạnh nhất, nguy hiểm nhất trong vài năm gần đây vào Việt Nam.

Ôi miền Trung quê hương Việt Nam… !

Uyên Vũ

Nguồn : Sài Gòn Nhỏ - Nam Cali số tháng 10/2016

Quay lại trang chủ
Read 932 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)