Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

30/11/2016

Nghệ sĩ và thái độ chính trị

Uyên Vũ

Trong đợt lũ lụt miền Trung tháng trước, MC Phan Anh bất chợt nổi lên như một anh hùng, thậm chí trên mạng xã hội một số người còn tôn xưng anh là thủ tướng tương lai (!). Vì sao một người làm nghệ thuật có thể trổi vượt như vậy ? Dĩ nhiên Phan Anh không phải là nhà hoạt động chính trị, không ra ứng cử bất kỳ một chức vụ công quyền nào trong xã hội và như anh minh định anh không hề có ý định bước vào lĩnh vực chính trị.

nghesi1

MC Phan Anh

Điểm lại sự kiện : Chỉ vài ngày sau khi trận bão lũ nhấn chìm hàng triệu người trong biển nước, qua mạng xã hội MC Phan Anh và gia đình tự đóng góp trước số tiền 500 triệu đồng và ra lời kêu gọi cộng đồng chung tay cứu giúp đồng bào gặp hoạn nạn. Chỉ một ngày sau, số tiền ủng hộ là 8 tỷ đồng, và vài ngày sau con số 24 tỷ đồng đã gửi về tài khoản của Phan Anh. Để dễ so sánh, trong cùng thời điểm, một tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản - vốn bao trùm 64 tỉnh thành toàn cõi Việt Nam và hoạt động vài chục năm nay - là "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam" cũng ra lời kêu gọi và số tiền quyên góp được từ người dân và cán bộ chỉ vỏn vẹn trên 2 tỷ đồng.

Như chức danh đi trước tên, nghề chính của Phan Anh là MC (dẫn chương trình) cho vài chương trình trên truyền hình, trước đó anh cũng đóng một số vai phụ trong phim ảnh nhưng không mấy ai biết. Vì thế, anh thực sự không phải người có tên tuổi lớn trong quần chúng. Phan Anh chỉ được nhiều người biết đến khi anh cùng đồng nghiệp quay một phóng sự về cá chết do nhiễm độc Formosa tại Vũng Áng, sau đó anh "bị" các phóng viên gạo cội của đài truyền hình trung ương tấn công trong một chương trình truyền hình khác. Đại đa số người theo dõi chương trình đã tỏ lòng yêu mến và cảm phục Phan Anh và họ công khai ủng hộ anh qua mạng xã hội.

Dĩ nhiên, trước hết anh là một người điển trai với khuôn mặt sáng và cương nghị, nhưng có lẽ anh chinh phục khán giả vì tính cách : anh biết quan tâm đến những vấn đề của xã hội, anh bộc trực bày tỏ thái độ và biết khiêm tốn lắng nghe dư luận. Cần biết, sau khi bị tấn công và nổi tiếng, qua mạng xã hội, Phan Anh đã phát động một phong trào có tên "Đừng Im Lặng" với ý chính : xã hội Việt Nam đang đầy rẫy vấn đề hệ trọng liên quan đến môi trường, văn hóa, đạo đức… nhưng đại đa số người dân chỉ biết im lặng, tự đối phó. Phan Anh kêu gọi người dân thay đổi thái độ sống bằng cách phải lên tiếng trước những bất cập, những tội ác, và sai phạm tồn tại ở môi trường sống chung quanh. Thông điệp "Đừng Im Lặng" của anh như một tiếng chuông cảnh tỉnh thói thờ ơ, ích kỷ, thói vô trách nhiệm và không liên đới xã hội của người Việt hiện nay. Ngay sau khi nhận tiền 8 tỷ đầu tiên, chính Phan Anh cùng với những người thiện nguyện trực tiếp mang quà cứu trợ trao tận tay người nghèo và luôn minh bạch mọi khoản chi tiêu… Với tất cả các ưu điểm như vậy, dễ hiểu là người dân cảm thấy tin tưởng vào anh hơn vào một hệ thống quan liêu, trì trệ, bảo thủ và khuất tất của cái gọi là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do đảng cầm quyền tạo ra.

Sự kiện này có thể nói chưa từng xảy ra tại Việt Nam, chưa một ai chỉ bằng uy tín cá nhân có thể kêu gọi lương tri cộng đồng và được hưởng ứng mạnh mẽ như vậy, kể cả những vị lãnh đạo tinh thần. Điều đó tất nhiên khiến đảng cộng sản cầm quyền khó chịu, tuy thế họ cũng biết khôn để không "đụng" đến anh - người đang có tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng - họ chỉ có thể sử dụng đội ngũ phá rối thường gọi là dư luận viên để công kích, khủng bố tinh thần Phan Anh. Quả thực, đứng vào địa vị của Phan Anh hiện nay khá nguy hiểm, anh phải một mình đối phó với đám đông dư luận viên quấy phá, vừa phải hy sinh cuộc sống cá nhân để quản lý và lập kế hoạch phân minh cho số tiền của thiên hạ gửi gắm. Nhưng tôi tin chính anh đủ tri thức, bản lĩnh và sự can trường để làm việc đó. Cũng từ sự kiện này cho thấy giữa một xã hội chao đảo và băng hoại, quần chúng Việt Nam luôn khao khát một lãnh tụ lương thiện để gửi gắm niềm tin. Như vậy, rõ ràng trong số những nghệ sĩ người Việt, hẳn có không ít người vừa lương thiện, vừa nổi tiếng, không ai gây được thiện cảm và kỳ vọng như Phan Anh, chính vì họ không dám dấn thân, không dám bày tỏ thái độ và không thuyết phục được mọi người tin mình.

Đến đây một vấn đề nữa được đặt ra : nghệ sĩ chỉ chuyên tâm làm nghệ thuật hoặc nên tham gia vào đời sống cộng đồng ? Vấn đề này ở Việt Nam không mới, thậm chí đã có rất nhiều những tranh luận chung quanh chuyện "nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh" từ thời tiền chiến (1935 - 1939) giữa hai chủ soái của hai phái là các ông Hoài Thanh và Hải Triều ngày xưa. Tôi cũng không có ý định sa đà vào chủ đề này. Sự kiện MC Phan Anh ở trên cho thấy rõ rệt anh ấy là một nghệ sĩ và anh ấy thể hiện chính kiến của mình vừa như một công dân có ý thức, vừa với tư cách một nghệ sĩ. Trước khi là một nghệ sĩ, anh đã là một công dân, nếu anh ý thức đầy đủ vai trò một công dân thì đương nhiên có nhiệm vụ liên đới với cộng đồng. Thật buồn khi đại đa số nghệ sĩ người Việt chỉ xem cộng đồng như một giai cấp cách biệt với mình : tầng lớp khán giả. Đã là khán giả thì tầng lớp ấy chỉ được nghe và xem những món nghệ thuật (dù ngon hay dở) do anh trình bầy, còn anh ta/cô ta không thấy cần thiết phải chia sẻ chung với cộng đồng một ưu tư hay nhu cầu gì cả và vô hình chung họ thường cho rằng họ ở một tầng lớp cao hơn, ưu tú hơn.

Một nghệ sĩ với các tố chất thiên bẩm, giống như ngọn ăng-ten, nên dễ rung cảm, dễ bắt được những tín hiệu mà người thường khó biết. Như con chim báo bão, lẽ ra họ cần báo trước cho cộng đồng những tín hiệu bất thường mà chỉ họ mới nhận thấy. Cũng có một số cánh chim báo bão như vậy. MC Phan Anh có thể đã nẩy ra sáng kiến từ sự gợi ý vô tình hay có chủ đích từ một ai đó mà anh cảm phục. Người đó có thể là một nghệ sĩ lớn hay chỉ là một người bạn chung quanh anh. Dù không hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, tôi cũng may mắn có nhiều bạn trẻ là những nghệ sĩ biết dấn thân, tôi từng tham gia tranh đấu cho tự do và nhân quyền cũng từ cảm hứng vì một số nghệ sĩ trong và ngoài nước.

nghesi2

Nhạc sĩ Tuấn Khanh (ảnh Uyên Nguyên)

Còn nhớ, năm 2007 tôi được tặng một đĩa nhạc mang tên "Bụi Đường Ca" của nhạc sĩ Tuấn Khanh, CD này không bán trên thị trường, nhưng nếu có bán chắc chắn sẽ bị tịch thu trước hết vì CD không thông qua sự kiểm duyệt (bắt buộc) của nhà nước, trọn CD do nhạc sĩ Tuấn Khanh sáng tác, tự hòa âm, tự thiết kế và in sang thành nhiều bản mang tặng bạn bè. Đi xa hơn, Tuấn Khanh viết những dòng tự sự về xã hội trên blog cá nhân (lúc đó phong trào viết blog vừa khởi phát) đồng thời tải (upload) ca khúc của anh lên dưới dạng mp3 và cho mọi người thoải mái tải về (down load). Anh tâm sự : "Xin lỗi ai đó, nếu đang chờ đợi tôi sẽ viết một bản tình ca đơn thuần, trong lúc này.

Cũng có lẽ là tôi đã mệt vì những câu chuyện tình yêu rất đơn giản cứ được phát rả rích mỗi ngày trên đài truyền hình, radio và được giới thiệu trên báo chí như một điều lạ. Trong một xã hội còn quá nhiều điều để hát, để viết, để nói… thì việc cứ hát tình yêu quẩn quanh, không khác gì việc trốn chạy với chính mình, trốn chạy với ý thức sống tử tế. Và hèn… Và có lẽ từ nay trở đi, tôi sẽ không bao giờ phát hành bài hát hay CD theo lối truyền thống (trình - duyệt - cho - làm - bán) nữa. Đây cũng là một cách mà tôi xin được chia sẻ với nhiều bạn bè tôi, các anh chị nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo… cũng chọn lựa cách truyền đạt underground này để bảo vệ sự nguyên vẹn của bản thân mình".

Cuối năm 2007, khi chúng tôi cùng một số nhà thơ, họa sĩ trẻ ở Sài Gòn khởi phát cuộc biểu tình đầu tiên (sau 32 năm Sài Gòn bị cưỡng chiếm) chống Trung Cộng, cũng lại nhạc sĩ Tuấn Khanh trong chiếc áo T-shirt màu đỏ mướt mồ hôi, tay cầm loa khản giọng kêu gọi thanh niên và sinh viên Sài Gòn. Tuấn Khanh lúc đó là một nhạc sĩ nổi tiếng, anh có nhiều bài hát mà khán giả trẻ yêu thích, anh xuất hiện trên truyền hình, làm giám khảo nhiều game shows âm nhạc… Tuấn Khanh viết báo thẳng thắn bày tỏ lập trường (và bị sa thải khỏi tòa báo vì lập trường đó), Tuấn Khanh nhạy cảm với nỗi đau nhân quần, anh ngược xuôi vận động, giúp đỡ người bất hạnh…Tương tự như Phan Anh hiện nay. Chỉ khác là Tuấn Khanh không đứng lên kêu gọi, anh cứ tự hành động và hành động đó như một hột giống, như một chất men thấm vào cộng đồng, bắt đầu nảy sinh thành hành động của nhiều người khác.

Tôi cũng may mắn quen thân nhiều anh em trong giới nghệ thuật, trước hết đó là nhóm các họa sĩ trẻ tại Sài Gòn sinh hoạt chung với nhau trong nhóm có tên "Khoan Cắt Bê Tông", hệt như các nghệ sĩ "underground" của thế giới, họ sẵn sàng dấn thân vừa thể nghiệm nghệ thuật vừa truyền tải các thao thức về thời cuộc. Đó là các họa sĩ Ngô Lực, Lê Hào, Lan Phương, Lê Thuận, Phạm Hùng, Mai Anh, Việt Bách, Tiến Văn Miếu… Trong một xưởng nhỏ gần ga Bình Triệu, nhóm Khoan Cắt Bê Tông đã trình diễn (performance) và mời khán giả tham gia vào các dự án của họ, không cần xin phép nhà cầm quyền, mỗi lần trình diễn, nhóm Khoan Cắt Bê Tông thu hút rất đông giới nghệ sĩ, trí thức và mở rộng cửa cho tất cả những ai muốn tham gia. Một số tác phẩm trình diễn như performance "những sợi chỉ đỏ" chế giễu sự áp đặt của đảng cộng sản lên đời sống người dân, performance phản đối Trung Quốc cắt internet cable của Việt Nam, performance "Quỷ Đỏ" chế giễu những người cộng sản dùng bạo lực chiếm địa vị và nhuộm đỏ đời sống, hay performance "Đỏ ơi…" tái hiện lại hình ảnh công an đàn áp dân chúng… Nhóm Khoan Cắt Bê Tông còn tham gia thả hoa đăng Vu Lan trên kênh Nhiêu Lộc để tưởng niệm các chiến sĩ tử trận tại Hoàng Sa - Trường Sa… Là một họa sĩ bodypainting nổi tiếng nhất Việt Nam, họa sĩ Ngô Lực còn đưa các thông điệp chống Trung Quốc lên thân thể người mẫu… Tất nhiên, qua phương cách thực hiện nghệ thuật khá mới mẻ và hình thức đầy ẩn ý, nhà cầm quyền khó kết tội họ và chỉ biết dùng hạ sách áp lưc lên chủ nhà để họ không còn nơi trình diễn.

nghesi3

Tương tự như vậy, một số họa sĩ làm việc chính thức hoặc cộng tác với báo Tuổi Trẻ Cười, bằng ngòi bút trào lộng, họ đã đưa các thói xấu của nhà cầm quyền vào những bức hý họa, biếm họa sâu cay. Bằng nhiều cách khéo léo họ đã qua mặt được sự kiểm duyệt của ban tư tưởng đảng cộng sản. Tất nhiên, đôi khi họ cũng bị răn đe hay buộc phải tháo bỏ tác phẩm. Dù sao, với riêng cá nhân tôi, tôi cảm phục trí thông minh, óc hài hước và nét vẽ thần sầu của nhiều họa sĩ báo Tuổi Trẻ Cười. Một hoạt động nghệ thuật khác là chương trình Gặp Nhau Cuối Năm với hài kịch Táo Quân của đài VTV3. Đây là một chương trình được đón đợi nhất sân khấu hài kịch đêm Giao thừa với các tài năng gây cười. Sự hoạt kê của người nghệ sĩ đã mang lại cho khán giả tiếng cười sảng khoái kèm theo không ít lời chế giễu đủ mọi ban ngành của nhà nước. Chương trình này gần đây đã bị ban tư tưởng kiểm soát chặt chẽ và cắt bỏ không thương tiếc những trường đoạn chỉ trích nặng nề nhà cầm quyền. Và vì thế nó đã bớt hay, bớt ý nhị và bớt hấp dẫn khán giả truyền hình.

Giờ đây, với sự phát triển kỹ thuật chưa từng có, mạng xã hội như Facebook, YouTube… đang biến thành một nơi trình diễn, một nơi bày tỏ thái độ hiệu quả nhất đối với một nghệ sĩ. Năm vừa qua nhiều người biết sinh viên, rapper Nah Sơn, người đã trình chiếu cho công chúng người Việt khắp thế giới qua mạng internet bản nhạc rap ĐMCS, bản nhạc này đầy những tiếng chửi thề Đ.M (vì tôn trọng độc giả, tôi xin viết tắt) và đối tượng bị chửi chính là cộng sản nhưng nó thu hút hàng trăm ngàn người xem và gây thành một phong trào lan rộng nhiều địa phương trong nước : dùng sơn kẻ chữ ĐMCS để chửi rủa nhà cầm quyền. Cách thức đầy khiêu khích này có thể làm nhiều người dị ứng, nhưng có thể hiểu đó là một hiện tượng bùng phát của giới trẻ vì quá bức bối trong chiếc lồng "tư tưởng" được chỉ đạo. Nhạc rap được họ chọn như một cách phản kháng, hay hoặc dở thời gian sẽ sàng lọc. Dù sao đó cũng chỉ cuộc chơi của giới trẻ. Tôi chỉ mong những nghệ sĩ Việt còn đang tự ru mình trong các tháp ngà hãy tỉnh dậy, hãy nhìn quê hương chúng ta đang mục ruỗng và băng hoại. Các vị cứ im lặng, cứ chìm đắm, cứ rúc đầu vào ảo mộng mãi được sao ?

Uyên Vũ

Nguồn : Sài Gòn Nhỏ - Nam Cali số tháng 11/2016

Quay lại trang chủ
Read 735 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)