47 năm sau, ‘Hà nội Jane’ vẫn gây phẫn nộ (VOA, 05/04/2019)
Gần 47 năm sau khi tới thăm Hà nội vào cao điểm của chiến tranh Việt Nam, nữ minh tinh màn bạc Mỹ Jane Fonda vẫn phải trả giá cho chuyến đi định mệnh, dù trong quá khứ, bà dã nhiều lần ngỏ lời xin lỗi các cựu chiến binh Mỹ về ‘sai lầm không thể tha thứ’ của mình.
Nữ diễn viên Mỹ Jane Fonda ngồi trên nòng súng phòng không, hát một bài ca phản chiến tặng bộ đội miền Bắc gần Hà Nội trong chiến tranh Việt Nam vào tháng 7/1972. Hành động phản chiến của bà bị nhiều cựu chiến binh Mỹ coi là hành động 'phản bội'
Mới đây, ‘Hà nội Jane’, biệt danh được đặt cho nữ diễn viên Jane Fonda, lại xuất hiện trên báo chí Mỹ khi Giám sát viên Greg Lazzaro của Hội đồng Giám sát thị trấn Seneca Falls, bang New York, yêu cầu ngưng tài trợ và cắt đứt quan hệ với Viện Vinh danh Phụ nữ Quốc gia (National Women’s Hall of Fame), vì Viện này đã chọn Jane Fonda vào danh sách 10 phụ nữ được vinh danh trong năm 2019.
Đề nghị của Giám sát viên Lazzaro đã bị bác vào đêm 2/4, tuy nhiên cuộc tranh luận gay gắt về công và tội của Jane Fonda, gần 50 năm sau chuyến đi thăm Hà nội vào lúc chiến tranh Việt Nam lên tới cao điểm, nêu bật một lần nữa tính cách nhạy cảm và sự chia rẽ sâu xa trong xã hội Mỹ vì chiến tranh Việt Nam, trong đó hơn 58.000 binh sĩ Mỹ đã hy sinh.
Ông Lazzaro đơn cử những hành động phản chiến của Jane Fonda trong thời chiến tranh Việt Nam để giải thích vì sao ông đề nghị ngưng tài trợ và cắt đứt quan hệ với Viện Vinh Danh Phụ nữ Quốc gia. Ông nói ông hành động vì lòng tôn trọng dành cho các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, vốn không thể tha thứ những hành động ‘phản bội’ của Jane Fonda.
Nghị quyết được giám sát viên Lazarro phổ biến tuần trước, có đoạn viết :
"Những hành động của Jane Fonda, như tiếp tế vật dụng y tế, thuốc men cho Bắc Việt trong thời chiến tranh Việt Nam, châm biếm các tù nhân chiến tranh Mỹ bị bắt ở Việt Nam… chụp ảnh với bộ đội miền Bắc trong khi ngồi trên nòng súng phòng không dùng để bắn hạ máy bay Mỹ, đã gây chia rẽ đất nước chúng ta, khiến cho các cựu chiến binh từng chiến đấu ở Việt Nam mãi cho tới bây giờ, vẫn coi là một hành động phản quốc".
Thời gian vẫn chưa xóa nhòa được hình ảnh của ‘Hanoi Jane’ mặc áo bà ba, ngồi trên nòng súng, cười tươi như hoa chụp ảnh chung với bộ đội phòng không Bắc Việt. Hình ảnh cô diễn viên sáng giá của Mỹ, đoạt giải Oscar, đứng về phe "địch" vào một ngày tháng 7 năm 1972, vẫn còn đậm nét trong ký ức của những cựu chiến binh Mỹ từng bị cầm tù, hay đổ máu trên chiến trường Việt Nam, nhưng may mắn hơn nhiều động đội, còn sống sót để trở về.
Seneca Falls là một thị trấn nhỏ nhưng đóng vai trò lịch sử vì là nơi khai sinh của phong trào Nữ quyền tại Hoa Kỳ. Hội nghị đầu tiên về quyền phụ nữ tổ chức tại đây vào năm 1898 - được coi là một bước ngoặt quan trọng, dẫn đến nước Mỹ hiện đại, trong đó phụ nữ được quyền đi bầu, và những đóng góp của phụ nữ được thừa nhận và vinh danh.
Ngoài Jane Fonda, trong 10 phụ nữ được vinh danh năm nay còn có cố dân biểu Louise Slaughter và Thẩm phán Tòa án Tối cao Sonia Sotomayor.
**********************
Tướng mở đường Trường Sơn ‘diệt Mỹ’ qua đời (VOA, 05/04/2019)
Tướng Đồng Sĩ Nguyên, người có công mở đường Trường Sơn giúp bộ đội Bắc Việt "Nam tiến" trong thời chiến tranh Việt Nam, vừa qua đời ngày 4/4 ở tuổi 96.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trái) cùng Tư lệnh Trưởng Đồng Sĩ Nguyên (giữa) và Chính ủy Đặng Tính (phải) đến thăm bộ đội Trường Sơn vào năm 1973.
TTXVN dẫn thông tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên từ trần vào lúc 11g42 ngày 4/4/2019 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau một thời gian dài lâm bệnh và được "Đảng, Nhà nước, tập thể giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa".
Tướng Đồng Sĩ Nguyên được nhớ đến nhiều nhất trong vai trò ‘người mở đường Trường Sơn đánh Mỹ’ trong cương vị Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn.
Từ một đường mòn nhỏ, bộ đội Bắc Việt, dưới sự chỉ huy của ông Đồng Sĩ Nguyên, đã xây dựng con đường trở thành một "trận đồ bát quái" xuyên rừng rậm qua miền Trung Việt Nam, hạ Lào và Campuchia, theo báo chí trong nước.
Đường Trường Sơn, hay còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh, có 14 tuyến đường với 20.000 km đường bộ, 800 km đường kín, 1.500 km đường rải đá, 200 km đường nhựa, 1.500 km đường ống xăng dầu, 1.350 km cáp thông tin, 3.800 km đường giao liên và 500 km đường sông.
Đây cũng chính là tuyến đường huyết mạch cung cấp lương thực, binh lính và khí tài để chi viện cho bộ đội miền Nam trong suốt thời gian chiến tranh từ năm 1959-1975.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên và Chính ủy Đặng Tính tại một lán rừng Trường Sơn vào tháng 3/1973.
Tướng Đồng Sĩ Nguyên tên thật là Nguyễn Hữu Vũ. Ông sinh ngày 1/3/1923 tại làng Trung Thôn, xã Quảng Trung, phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Tham gia từ năm 12 tuổi và với nhiều thành tích đóng góp cho hoạt động cách mạng, ông Đồng Sĩ Nguyên là một trong hai tướng lãnh, với Lê Đức Anh, được Quân đội Nhân dân Việt Nam phong hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng.
Sau chiến tranh, Tướng Đồng Sĩ Nguyên lần lượt được bổ nhiệm vào các vị trí Thứ trưởng Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng Kinh tế, Bộ trưởng Xây dựng, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu thủ đô, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Ông từng là Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng chính phủ và đặc phái viên Chính phủ phụ trách Chương trình 327 về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.
Hồi tháng 2/2010, ông cùng với Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã viết thư kiến nghị gửi Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam để cảnh báo về "hiểm họa an ninh quốc gia" khi nhiều tỉnh cho nhà đầu tư nước ngoài thuê dài hạn một diện tích đất rừng lớn, trong đó có cả rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn và ở các vị trí được xem là xung yếu.
Ông chỉ trích giới hữu trách địa phương đã có cái nhìn ngắn, chỉ thấy cái "lợi trước mắt" mà không thấy cái "hại lâu dài". Bức thư của ông và tướng Vĩnh đã được giới trí thức và dư luận ủng hộ mạnh mẽ, khiến Thủ tướng lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng, phải ra lệnh yêu cầu ủy ban nhân dân các tỉnh không được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và không ký hợp đồng cho thuê đối với các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Khánh An
**************
Trung tướng, cựu ủy viên Bộ Chính trị Đồng Sĩ Nguyên qua đời (BBC, 04/04/2019)
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nổi tiếng với tuyến đường Trường Sơn trong chiến tranh Việt Nam, đã qua đời ở tuổi 96.
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam
Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương thông báo ông qua đời hồi 11 giờ 42 phút, ngày 4/4/2019 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Ông Đồng Sĩ Nguyên là Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn từ 1/1/1967 đến khi kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Từ cái nhìn của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông là đại công thần, đóng vai trò chỉ huy tuyến đường vận chuyển quân lương, vũ khí, và hoàn thiện đường ống dẫn xăng, dầu từ Bãi Cháy (Quảng Ninh) vào chiến trường Nam Bộ.
Sinh ra ở tỉnh Quảng Bình, họ Nguyễn, ông gia nhập đảng cộng sản năm 1939.
Ông bắt đầu trở thành lãnh đạo cao cấp của quân đội Bắc Việt với vị trị Phó Tổng Tham mưu trưởng năm 1964.
Sau đó, trong cương vị Tư lệnh của Bộ đội Trường Sơn, ông được giao trọng trách chỉ hủy việc vận chuyển đi qua mạng lưới giao thông quân sự chiến lược chạy từ lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tới lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa, đi qua miền Trung Việt Nam, hạ Lào và Campuchia.
Bộ đội làm kinh tế
Sau khi cuộc chiến kết thúc năm 1975, tướng Đồng Sĩ Nguyên đề ra phương án chuyển phần lớn bộ đội Trường Sơn sang làm kinh tế.
Theo một bài báo chính thống, ông Nguyên, vào tháng 6/1976, báo cáo trước Bộ Chính trị về kế hoạch giảm biên chế 28 vạn quân, chuyển sang làm kinh tế.
Theo đó, Tổng cục Xây dựng Kinh tế trực thuộc Bộ Quốc phòng được thành lập, lấy bộ đội Trường Sơn còn lại làm nòng cốt.
Cùng năm 1976, ông trở thành thứ trưởng quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng Kinh tế.
Không lâu sau, đến tháng 2/1977, ông được điều làm thứ trưởng xây dựng, rồi 9 tháng sau, trở thành bộ trưởng xây dựng.
Năm 1979, ông quay lại quân đội, giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô.
Ông Nguyên tiếp tục được tin tưởng với vị trí Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị năm 1982.
Cùng năm đó, ông trở thành Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Giao thông Vận tải.
Tại Đảng hội Đảng lịch sử lần thứ 6 năm 1986, khi Việt Nam quyết định đổi mới, ông Nguyên được bầu Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Vị tướng nổi tiếng nhất Việt Nam thế kỷ 20, Võ Nguyên Giáp, nhận định ông Đồng Sĩ Nguyên là người mà ông "rất tin và quý mến".
"Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đức độ và tài năng, một người học trò ưu tú của Bác Hồ", Tướng Giáp nhận định.