Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/04/2019

Lạc hậu về chống ngập, rừng tiếp tục bị tàn phá, tranh chấp đất rừng

Tổng hợp

"Thành phố Hồ Chí Minh lạc hậu trên 20 năm so với Bangkok về chống ngập" (RFA, 06/04/2019)

Ngày 2/4/2019, truyền thông trong nước dẫn lời ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trong năm 2019, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư 4.900 tỷ đồng cho các công trình chống ngập.

rung1

Thành phố Hồ Chí Minh ngập sau cơn bão số 9 ngày 25/11/2018 - Courtesy : vov.vn

Ông Dũng cũng cho biết, tính đến 2020, tổng vốn đầu tư mà Thành phố đã và sẽ dành cho chống ngập lên đến 93.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4 tỷ đô la Mỹ

Đầu tư nhiều như thế, nhưng hiệu quả thực tế ra sao ?

Trao đổi với đài RFA, Tiến sĩ Hồ Long Phi – nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý nước - Biến đổi khí hậu thuộc ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận định rằng công tác chống ngập ở Thành phố hiện đi sau Bangkok, Thái Lan khoảng hai đến ba chục năm.

"Quốc gia nào cũng vậy. Đầu tiên phải đi vào xây dựng các công trình truyền thống, không ngoại lệ. Bangkok họ hoàn thiện cách đây 20 năm rồi, 1995 -2000 là họ gần như xong hết. Tokyo chẳng hạn, họ đã xong cách đây 50, 70 năm rồi và bây giờ họ đang ở các bước bổ sung. Còn mình (Thành phố Hồ Chí Minh-PV) thì hiện nay chưa xong bước căn bản. "

Ông Phi nhận định, để chống ngập, các nước thường xây dựng các công trình cứng hay còn gọi là công trình truyền thống, như : cống thoát nước, cống ngăn triều…, giúp giải quyết khoảng 90% tình trạng ngập ; 10% còn lại giải quyết bằng các giải pháp phi truyền thống, bao gồm các công cụ về chính sách, về thể chế, về xã hội, cùng các công trình thích nghi với môi trường như hồ điều tiết nước, dải phân cách thấp, v.v…

Theo Kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn, nguyên cán bộ Cục quản lý công trình thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, hiện là chuyên gia tư vấn cho Trung tâm chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định chống ngập và thoát nước phải đi song hành với nhau.

"Đứng về mặt kỹ thuật, Thành phố Hồ Chí Minh có 75% diện tích ở dưới cái cao trình 1,7m-đấy là cái cao trình mực nước lớn nhất ở Thành phố hiện nay thế cho nên chịu tác động của triều, thì phải có công trình chống ngập, tức là đê bao".

"Nhưng đê bao không thì cũng không giải quyết được vấn đề vừa chống ngập vừa thoát nước nữa. Thoát nước ở vùng trũng, mà đã bao đê, thì phải bằng bơm thôi. Hiện nay, cái làm của Thành phố cũng chưa đồng bộ lắm. Nghĩa là bất kỳ chỗ nào đã đê bao thì phải có bơm, nhưng hiện nay bơm chưa đi song hành với đê bao. Vậy cho nên, khi mưa xuống mà triều dâng cao thì không bơm nước ra thì không thoát được nước, như vậy là ngập"

Nhưng cho dù có bơm nước ra đường ống chính thì lại gặp khó do hạn chế về năng lực thoát nước đô thị. Kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn cho biết :

"Năm 2001 khi mà qui hoạch tổng thể hệ thống thoát nước ra đời, quyết định 752, đề ra thành phố cần 6000 km đường cống, nhưng Thành phố hiện nay mới có hơn 50 khối lượng đó thôi. Cho nên khối lượng thoát nước vẫn còn thiếu nhiều lắm".

Theo tính toán của Tiến sĩ Hồ Long Phi, để hoàn thiện hệ thống chống ngập cho diện tích của Thành phố Hồ Chí Minh hiện vào khoảng 750km2, thì cần gấp đôi con số dự trù 4 tỷ của Thành phố, tức khoảng 8 tỷ đô la Mỹ. Theo Tiến sĩ Phi, con số này được tính toán dựa trên tốc độ đô thị hoá của Thành phố và những chi phí gia tăng trong đền bù, giải tỏa mặt bằng.

Tuy nhiên, với tốc độ giải ngân và đầu tư 15 năm qua chỉ vào khoảng 4 tỷ, trong đó vốn ODA đối ứng của Nhật là 2 tỷ đô la Mỹ, thì con đường trước còn mắt khá xa

"Tôi nghĩ 10-15 năm nữa mới giải ngân hết con số 4 tỷ đô la còn lại. Và con số này (4.900 tỷ đầu tư chống ngập trong 2019-PV) cũng nằm trong lộ trình đó. Điều đó không có nghĩa là hệ thống chống ngập trong thời gian vừa qua không có tác dụng, chưa có tác dụng đầy đủ, vì nhiều lý do".

Lý do mà ông nêu ra là do thiết kế ban đầu dùng những thông số đầu vào hơi nhỏ so với tốc độ biến đổi khí hậu, thành ra nhanh chóng bị lạc hậu, làm cho hệ thống chỉ phát huy hiệu quả khoảng 60%. Tiếp đó, do người dân xả rác, làm cho năng lực thoát nước của cống hạn chế. Và nguyên nhân cuối cùng là tiến độ thi công quá chậm.

"Rồi những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện, dẫn đến một công trình từ khi dự kiến cho đến khi kết thúc thường là 5 năm. Thì đó là lý do mà tình trạng ngập ở Thành phố Hồ Chí Minh kéo dài dai dẳng như vậy".

Khi được hỏi, trở ngại lớn nhất của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc chống ngập có phải nằm ở các giải pháp kỹ thuật hay không ? Tiến sĩ Hồ Long Phi khẳng định không phải như vậy :

"Giải pháp kỹ thuật khá rõ. Cái trở ngại lớn nhất là trở ngại về tài chính. Chống ngập hiện nay không phải là một công trình đem ra để đấu thầu được, bởi vì nó còn bao cấp".

"Dân chúng chỉ đóng một phần tượng trưng rất là nhỏ, so với chi phí thực sự của việc đầu tư và hoạt động của các công trình đó. Mà bao cấp thì nhà thầu không hứng thú, không thấy có cách nào để thu tiền hết, thì họ không bỏ tiền ra. Đó là cái nhược điểm lớn nhất hiện nay tại sao các công trình chống ngập nó thiếu bền vững về tài chính. "

Tiến sĩ Phi cũng nói thêm rằng, trở ngại thứ hai liên quan đến thể chế.

"Có nghĩa là cách chúng ta quản lý đầu tư xây dựng hiện nay bị cắt vụn ra chứ không thống nhất thành một cái mảng thành ra nó dẫn đến cái chuyện là bên này đá bên kia. Ví dụ bên qui hoạch đô thị thì ít quan tâm đến chuyện chống ngập phải làm thế nào, họ chỉ biết làm những công trình theo ý của họ, làm sao lợi nhuận cao nhất thôi, rồi sau đó hậu quả sẽ có người khác lo".

"Nó chia cắt như vậy đó, thành ra cuối cùng, giống như chúng ta đang có một cuộc đuổi bắt. Trong đó, những người chạy trước luôn luôn là các thành phần khác của chính quyền, của nhà nước còn chống ngập luôn luôn là người đi sau nhận điều tiếng, giải quyết hậu quả thôi. Hạn chế về mặt thể chế khiến chúng ta vẫn còn loay hoay và hiệu quả chống ngập giảm đi rất là nhiều".

Tiến sĩ Hồ Long Phi cũng cho rằng không thể có chuyện hoàn hoàn chống ngập 100% vì năng lực thiết kế của các công trình cứng là hữu hạn, trong khi biến đổi thiên nhiên là vô hạn. Theo thiết kế chỉ giải quyết được 90%.

"Những đô thị đã hoàn thiện từ lâu rồi, mà bây giờ vẫn ngập, họ vẫn làm những cái bổ sung. Ví dụ như ở Tokyo, họ bổ sung hàng chục triệu m3 các hồ điều tiết ngầm để giải quyết hệ thống hiện có. "

Xuân Nam

********************

Rừng Việt Nam tiếp tục bị tàn phá với tốc độ nhanh (RFA, 05/04/2019)

Báo cáo về hiện trạng rừng trên toàn quốc, do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công bố năm 2018, cho thấy Việt Nam có 14 triệu hectares rừng trên cả nước, trong đó rừng tự nhiên hơn 10 triệu, rừng trồng hơn 4 triệu.

rung2

Rừng bị phá ở tỉnh Dak Lak chụp hôm 12/3/2013. AFP photo

Vẫn theo báo cáo này, diện tích rừng đủ tiêu chuẩn che phủ toàn quốc tương ứng hơn 40%, tức là có tăng nhưng chủ yếu là rừng trồng với mức sinh học thấp, còn rừng tự nhiên với mức đa sinh học cao lại giảm đi đáng kể.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu tại Đại Học Cần Thơ bày tỏ sự nghi ngờ về con số mà Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa ra :

Tôi cho là tốc độ phủ điện tích rừng không bằng tốc độ rừng bị phá. Đâu phải rừng trồng lên bao nhiêu là sống bấy nhiêu, tỷ lệ thất bại cũng nhiều. Tôi nghe báo cáo là hơn 30% tùy theo địa phương, có nơi báo cáo là 40%, nhưng theo những người làm lâm nghiệp mà tôi tiếp xúc thì chỉ chỉ khoảng hơn 20% mà thôi.

Sau những cơn lũ chết người hồi tháng Mười năm 2017, được báo chí trong nước mô tả là lịch sử, một viên chức đã về hưu của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại tỉnh Hòa Bình nói với đài Á Châu Tự Do phá rừng là nguyên nhân chính gây ra những trận lũ khủng khiếp như vậy.

Điển hình trong khoảng thời gian vài tháng của năm 2017, báo VNExpress loan tin về vụ khai thác gỗ pơ mu tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam hồi tháng Bảy. Bước sang tháng Tám thì báo Pháp Luật đang phóng sự điều tra về nạn phá rừng ở tỉnh Yên Bái, nói rằng lâm tặc được chống lưng cho hành động phi pháp của họ.

Cũng trong tháng Tám 2017, báo điện từ VTC News có bài nói về sư lo ngại của người dân huyện Tân Lạc , tỉnh Hòa Bình, liên quan đến việc rừng đầu nguồn bị phá làm ảnh hưởng đến đời sống và nguồn nước sử dụng ở đây.

Tháng Ba năm 2019, vụ việc đất rừng ở Sóc Sơn bị vi phạm cũng được đưa lên các mặt báo kèm chỉ thị báo cáo từ phía thanh tra chính phủ.

Thạc sĩ lâm nghiệp Nguyễn Huỳnh Thuật, người sáng lập Rừng Gọi và Nhóm Yêu Quí Động Vật Cát Tiên ở Đồng Nai, phân tích :

Rừng khắp nơi của nước ta bị tàn phá bởi các công trình xây dựng, khai khoáng hoặc thủy điện. Cái thứ hai là mở đường đi xuyên, thứ ba là xây dựng các chuỗi nhà hàng khách sạn, thứ tư là làm cáp treo, thứ năm là việc khai thác cát và thứ sáu là chuyển đổi những khu rừng nguyên sinh để làm rừng công nghiệp như vường cao su và cà phê chẳng hạn.

Theo một bản tin của AFP năm 2017 nói về nạn phá rừng ở Đắk Lak thì Việt Nam dường như không ngăn chặn được tệ nạn này. Cùng thời điểm, báo VNExpress phát hành trong nước cũng đưa tin về vụ khai thác bất hợp pháp rừng gỗ quí pơ mu tại huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam, có sự thông đồng giữa một phó đồn công an đia phương với lâm tặc.

Mới đây nhất, đầu tháng Tư 2019, một bài viết của tác giả Stephen Nash trên Asia Times, nói rằng kết quả nghiên cứu cho thấy Việt Nam là điển nóng của đa dạng sinh học với 30 vườn quốc gia, nơi sinh sống của hàng chục loại động vật hoang dã quí hiếm, không thua những công viên Safari nổi tiếng ở tận Kenya hay Tanzania.

rung3

Hai xe tải vận chuyển gỗ rừng tại Đăk Lăk, ngày 17 tháng 5 năm 2003. AFP photo

Và những vườn quốc gia, những khu rừng nguyên sinh của Việt Nam như rừng Cúc Phương chẳng hạn, tác giả Stephen Nash viết tiếp, cần gấp rút được bảo tồn trước khi mọi tài sản quí báu trong đó, mà có thể khoa học chưa biết tới, bị diệt chủng và biến mất vì hành vi khai thác gỗ và nạn săn bắt thú hoang dã đang xảy ra một cách không thương tiếc.

Nhà nghiên cứu thuộc nhóm Minh Triết, ông Nguyễn Khắc Mai, nhận định :

Trên tổng thể đất nước mình không chỉ rừng phòng hộ mới bị phá hoại mà tất cả các vườn quốc gia để nghiên cứu thì cũng bị xâm phạm nghiêm trọng. Đấy là vấn đề rất lớn chứ không phải chuyện đùa, nó đang gây ra những đảo lộn kinh khủng và nhãn tiền, từ rừng, từ nước, từ nước ngầm cho đến các dòng sông, đều thấy một sự mất mát, một sự xuống cấp nguy hiểm.

Việt Nam có qui định bảo vệ rừng phòng hộ, ông Nguyễn Khắc Mai khẳng định, nhưng mặt khác lại cho người nước ngoài thuê rừng thì đó chính là hành động phá hoại gián tiếp :

Giao đất rừng cho người nước ngoài, chủ yếu là cho người Tàu thuê những khu rừng lớn, phần lớn những khu rừng ấy đều có rừng phòng hộ cả. Họ làm gì trong ấy cũng không ai biết để mà kiểm tra kiểm soát được, sự phá hoại hết sức nghiêm trọng.

Bảo vệ vườn quốc gia, bảo tồn rừng là trách nhiệm của con người đối với thiên nhiên và đất nước, là nhận định của thạc sĩ lâm nghiệp Nguyễn Huỳnh Thuật, từ năm 2012 từng kiến nghị chính phủ về hai dự án thủy điện ở Cát Tiên, được coi là Khu Dự Trữ Sinh Quyền Thế Giới, vì cho rằng những công trình này phá hoại môi trường, làm đảo lộn hệ sinh thái cũng như đời sống của con người và cây cỏ trong vùng. Đến năm 2013, thủ tướng chính phủ lúc bấy giờ ra quyết định ngưng việc xúc tiến dự án thủy điện ở Cát Tiên, Đồng Nai.

Về câu hỏi có thực Việt Nam đã không thể ngăn chặn được tệ nạn phá và khai thác rừng bừa bãi phi pháp hay không, chủ tịch Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên Và Môi Trường, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, trả lời :

Về mặt chủ trường, đường lối, chính sách thì Việt Nam càng ngày càng quan tâm về ý nghĩa giá trị của Đồng Bằng Sông Hồng, Mũi Cà Mau, vùng Tây Nghệ An vân vân… Những rừng tự nhiên đã đóng cửa từ lâu, không được khai thác, những rừng phòng hộ thì phải khai thác theo đúng qui định, qui hoạch.

Tuy nhiên thực tiễn luôn có những bất cập, những vi phạm mà qui định của pháp luật không thể làm hết được, vẫn còn chỗ này chỗ khác, nơi này nơi kia. Về mặt chủ trương thì rất rõ, thế còn như tôi nói là thực hiện Luật chưa được nghiêm chỉnh cho nên vẫn còn hiện tượng này hiện tượng khác.

Theo một bản tin trên tờ Phnom Penh Post số 5 ra tháng Ba vừa qua, một loạt hội thảo được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan, qua đó ASEAN xác định các điểm quan trọng đối với sự tồn tại đa dạng sinh học ở khu vực trong đó có Việt Nam 2019.

Giám đốc điều hành Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN (ACB), Tiến sĩ Theresa Mundita Lim, tuyên bố sự đa dạng sinh học phong phú của ASEAN là điều đáng tự hào nhưng vấn đề quan trọng là tài nguyên thiên nhiên này đang cạn kiệt nhanh chóng và đang đối diện sự mất mát lớn. . .

Việt Nam cùng các nước ASEAN đã ký Công Ước Về Đa Đạng (CBD) và các hiệp định môi trường đa phương khác như Công Ước Ramsar, vùng đất ngập nước được chỉ định có tầm quan trọng toàn cầu theo Công Ước Ramsar, một hiệp ước quốc tế điều chỉnh việc bảo tồn các khu vực đất ngập nước. Việt Nam hiện có 8 khu Ramsar được thế giới công nhận.

https://youtu.be/aishBI8piTc

Thanh Trúc

*******************

Tranh chấp đất rừng, trưởng thôn ở Hà Tĩnh bị bắn trọng thương (Người Việt, 06/04/2019)

Đang trên đường đi về nhà, ông trưởng thôn Vĩnh Phúc, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, bất ngờ bị một nhóm người đi xe tải chặn đường, nổ súng bắn nhiều phát vào người.

rung4

Ông Nguyễn Viết Lý bị ông Nguyên bắn 2 phát đạn vào đùi. (Hình : Infonet)

Sáng ngày 6 tháng Tư, 2019, xác nhận với báo Người Lao Động, ông tá Phan Xuân Công, trưởng Công An huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh), cho biết đã bắt giữ ông Thái Bá Nguyên (35 tuổi, ở thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê), người đã dùng súng bắn bị thương ông Nguyễn Viết Lý, trưởng thôn Vĩnh Phúc (xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê) để điều tra.

Tin cho biết, khoảng 5 giờ 30 chiều 5 tháng Tư, ông Lý đang đi trên đường trong cánh rừng thuộc thôn Trại Tuần (xã Hương Vĩnh) để về nhà thì bị 5 người đàn ông lái xe hơi bán tải chặn đường. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì ông Lý bất ngờ bị ông Nguyên dùng súng bắn vào đùi phải.

Sau khi bắn, ông Nguyên lái xe bỏ trốn nhưng bị bắt giữ sau đó. Tại hiện trường, công an thu giữ 2 vỏ đạn nhưng chưa xác định được là loại đạn gì.

Bước đầu cơ quan hữu trách xác định ông Lý bị trúng 2 phát đạn vào đùi phải và được người nhà chuyển ra thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) điều trị do đạn găm sâu vào đùi.

Theo người dân địa phương, vụ này có thể do tranh chấp đất rừng và trước đó gia đình ông Lý nhiều lần bị ông Nguyên đe dọa. (Tr.N)

Quay lại trang chủ
Read 510 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)