"Thành phố Hồ Chí Minh lạc hậu trên 20 năm so với Bangkok về chống ngập" (RFA, 06/04/2019)
Ngày 2/4/2019, truyền thông trong nước dẫn lời ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trong năm 2019, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư 4.900 tỷ đồng cho các công trình chống ngập.
Thành phố Hồ Chí Minh ngập sau cơn bão số 9 ngày 25/11/2018 - Courtesy : vov.vn
Ông Dũng cũng cho biết, tính đến 2020, tổng vốn đầu tư mà Thành phố đã và sẽ dành cho chống ngập lên đến 93.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4 tỷ đô la Mỹ
Đầu tư nhiều như thế, nhưng hiệu quả thực tế ra sao ?
Trao đổi với đài RFA, Tiến sĩ Hồ Long Phi – nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý nước - Biến đổi khí hậu thuộc ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận định rằng công tác chống ngập ở Thành phố hiện đi sau Bangkok, Thái Lan khoảng hai đến ba chục năm.
"Quốc gia nào cũng vậy. Đầu tiên phải đi vào xây dựng các công trình truyền thống, không ngoại lệ. Bangkok họ hoàn thiện cách đây 20 năm rồi, 1995 -2000 là họ gần như xong hết. Tokyo chẳng hạn, họ đã xong cách đây 50, 70 năm rồi và bây giờ họ đang ở các bước bổ sung. Còn mình (Thành phố Hồ Chí Minh-PV) thì hiện nay chưa xong bước căn bản. "
Ông Phi nhận định, để chống ngập, các nước thường xây dựng các công trình cứng hay còn gọi là công trình truyền thống, như : cống thoát nước, cống ngăn triều…, giúp giải quyết khoảng 90% tình trạng ngập ; 10% còn lại giải quyết bằng các giải pháp phi truyền thống, bao gồm các công cụ về chính sách, về thể chế, về xã hội, cùng các công trình thích nghi với môi trường như hồ điều tiết nước, dải phân cách thấp, v.v…
Theo Kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn, nguyên cán bộ Cục quản lý công trình thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, hiện là chuyên gia tư vấn cho Trung tâm chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định chống ngập và thoát nước phải đi song hành với nhau.
"Đứng về mặt kỹ thuật, Thành phố Hồ Chí Minh có 75% diện tích ở dưới cái cao trình 1,7m-đấy là cái cao trình mực nước lớn nhất ở Thành phố hiện nay thế cho nên chịu tác động của triều, thì phải có công trình chống ngập, tức là đê bao".
"Nhưng đê bao không thì cũng không giải quyết được vấn đề vừa chống ngập vừa thoát nước nữa. Thoát nước ở vùng trũng, mà đã bao đê, thì phải bằng bơm thôi. Hiện nay, cái làm của Thành phố cũng chưa đồng bộ lắm. Nghĩa là bất kỳ chỗ nào đã đê bao thì phải có bơm, nhưng hiện nay bơm chưa đi song hành với đê bao. Vậy cho nên, khi mưa xuống mà triều dâng cao thì không bơm nước ra thì không thoát được nước, như vậy là ngập"
Nhưng cho dù có bơm nước ra đường ống chính thì lại gặp khó do hạn chế về năng lực thoát nước đô thị. Kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn cho biết :
"Năm 2001 khi mà qui hoạch tổng thể hệ thống thoát nước ra đời, quyết định 752, đề ra thành phố cần 6000 km đường cống, nhưng Thành phố hiện nay mới có hơn 50 khối lượng đó thôi. Cho nên khối lượng thoát nước vẫn còn thiếu nhiều lắm".
Theo tính toán của Tiến sĩ Hồ Long Phi, để hoàn thiện hệ thống chống ngập cho diện tích của Thành phố Hồ Chí Minh hiện vào khoảng 750km2, thì cần gấp đôi con số dự trù 4 tỷ của Thành phố, tức khoảng 8 tỷ đô la Mỹ. Theo Tiến sĩ Phi, con số này được tính toán dựa trên tốc độ đô thị hoá của Thành phố và những chi phí gia tăng trong đền bù, giải tỏa mặt bằng.
Tuy nhiên, với tốc độ giải ngân và đầu tư 15 năm qua chỉ vào khoảng 4 tỷ, trong đó vốn ODA đối ứng của Nhật là 2 tỷ đô la Mỹ, thì con đường trước còn mắt khá xa
"Tôi nghĩ 10-15 năm nữa mới giải ngân hết con số 4 tỷ đô la còn lại. Và con số này (4.900 tỷ đầu tư chống ngập trong 2019-PV) cũng nằm trong lộ trình đó. Điều đó không có nghĩa là hệ thống chống ngập trong thời gian vừa qua không có tác dụng, chưa có tác dụng đầy đủ, vì nhiều lý do".
Lý do mà ông nêu ra là do thiết kế ban đầu dùng những thông số đầu vào hơi nhỏ so với tốc độ biến đổi khí hậu, thành ra nhanh chóng bị lạc hậu, làm cho hệ thống chỉ phát huy hiệu quả khoảng 60%. Tiếp đó, do người dân xả rác, làm cho năng lực thoát nước của cống hạn chế. Và nguyên nhân cuối cùng là tiến độ thi công quá chậm.
"Rồi những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện, dẫn đến một công trình từ khi dự kiến cho đến khi kết thúc thường là 5 năm. Thì đó là lý do mà tình trạng ngập ở Thành phố Hồ Chí Minh kéo dài dai dẳng như vậy".
Khi được hỏi, trở ngại lớn nhất của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc chống ngập có phải nằm ở các giải pháp kỹ thuật hay không ? Tiến sĩ Hồ Long Phi khẳng định không phải như vậy :
"Giải pháp kỹ thuật khá rõ. Cái trở ngại lớn nhất là trở ngại về tài chính. Chống ngập hiện nay không phải là một công trình đem ra để đấu thầu được, bởi vì nó còn bao cấp".
"Dân chúng chỉ đóng một phần tượng trưng rất là nhỏ, so với chi phí thực sự của việc đầu tư và hoạt động của các công trình đó. Mà bao cấp thì nhà thầu không hứng thú, không thấy có cách nào để thu tiền hết, thì họ không bỏ tiền ra. Đó là cái nhược điểm lớn nhất hiện nay tại sao các công trình chống ngập nó thiếu bền vững về tài chính. "
Tiến sĩ Phi cũng nói thêm rằng, trở ngại thứ hai liên quan đến thể chế.
"Có nghĩa là cách chúng ta quản lý đầu tư xây dựng hiện nay bị cắt vụn ra chứ không thống nhất thành một cái mảng thành ra nó dẫn đến cái chuyện là bên này đá bên kia. Ví dụ bên qui hoạch đô thị thì ít quan tâm đến chuyện chống ngập phải làm thế nào, họ chỉ biết làm những công trình theo ý của họ, làm sao lợi nhuận cao nhất thôi, rồi sau đó hậu quả sẽ có người khác lo".
"Nó chia cắt như vậy đó, thành ra cuối cùng, giống như chúng ta đang có một cuộc đuổi bắt. Trong đó, những người chạy trước luôn luôn là các thành phần khác của chính quyền, của nhà nước còn chống ngập luôn luôn là người đi sau nhận điều tiếng, giải quyết hậu quả thôi. Hạn chế về mặt thể chế khiến chúng ta vẫn còn loay hoay và hiệu quả chống ngập giảm đi rất là nhiều".
Tiến sĩ Hồ Long Phi cũng cho rằng không thể có chuyện hoàn hoàn chống ngập 100% vì năng lực thiết kế của các công trình cứng là hữu hạn, trong khi biến đổi thiên nhiên là vô hạn. Theo thiết kế chỉ giải quyết được 90%.
"Những đô thị đã hoàn thiện từ lâu rồi, mà bây giờ vẫn ngập, họ vẫn làm những cái bổ sung. Ví dụ như ở Tokyo, họ bổ sung hàng chục triệu m3 các hồ điều tiết ngầm để giải quyết hệ thống hiện có. "
Xuân Nam
********************
Rừng Việt Nam tiếp tục bị tàn phá với tốc độ nhanh (RFA, 05/04/2019)
Báo cáo về hiện trạng rừng trên toàn quốc, do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công bố năm 2018, cho thấy Việt Nam có 14 triệu hectares rừng trên cả nước, trong đó rừng tự nhiên hơn 10 triệu, rừng trồng hơn 4 triệu.
Rừng bị phá ở tỉnh Dak Lak chụp hôm 12/3/2013. AFP photo
Vẫn theo báo cáo này, diện tích rừng đủ tiêu chuẩn che phủ toàn quốc tương ứng hơn 40%, tức là có tăng nhưng chủ yếu là rừng trồng với mức sinh học thấp, còn rừng tự nhiên với mức đa sinh học cao lại giảm đi đáng kể.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu tại Đại Học Cần Thơ bày tỏ sự nghi ngờ về con số mà Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa ra :
Tôi cho là tốc độ phủ điện tích rừng không bằng tốc độ rừng bị phá. Đâu phải rừng trồng lên bao nhiêu là sống bấy nhiêu, tỷ lệ thất bại cũng nhiều. Tôi nghe báo cáo là hơn 30% tùy theo địa phương, có nơi báo cáo là 40%, nhưng theo những người làm lâm nghiệp mà tôi tiếp xúc thì chỉ chỉ khoảng hơn 20% mà thôi.
Sau những cơn lũ chết người hồi tháng Mười năm 2017, được báo chí trong nước mô tả là lịch sử, một viên chức đã về hưu của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại tỉnh Hòa Bình nói với đài Á Châu Tự Do phá rừng là nguyên nhân chính gây ra những trận lũ khủng khiếp như vậy.
Điển hình trong khoảng thời gian vài tháng của năm 2017, báo VNExpress loan tin về vụ khai thác gỗ pơ mu tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam hồi tháng Bảy. Bước sang tháng Tám thì báo Pháp Luật đang phóng sự điều tra về nạn phá rừng ở tỉnh Yên Bái, nói rằng lâm tặc được chống lưng cho hành động phi pháp của họ.
Cũng trong tháng Tám 2017, báo điện từ VTC News có bài nói về sư lo ngại của người dân huyện Tân Lạc , tỉnh Hòa Bình, liên quan đến việc rừng đầu nguồn bị phá làm ảnh hưởng đến đời sống và nguồn nước sử dụng ở đây.
Tháng Ba năm 2019, vụ việc đất rừng ở Sóc Sơn bị vi phạm cũng được đưa lên các mặt báo kèm chỉ thị báo cáo từ phía thanh tra chính phủ.
Thạc sĩ lâm nghiệp Nguyễn Huỳnh Thuật, người sáng lập Rừng Gọi và Nhóm Yêu Quí Động Vật Cát Tiên ở Đồng Nai, phân tích :
Rừng khắp nơi của nước ta bị tàn phá bởi các công trình xây dựng, khai khoáng hoặc thủy điện. Cái thứ hai là mở đường đi xuyên, thứ ba là xây dựng các chuỗi nhà hàng khách sạn, thứ tư là làm cáp treo, thứ năm là việc khai thác cát và thứ sáu là chuyển đổi những khu rừng nguyên sinh để làm rừng công nghiệp như vường cao su và cà phê chẳng hạn.
Theo một bản tin của AFP năm 2017 nói về nạn phá rừng ở Đắk Lak thì Việt Nam dường như không ngăn chặn được tệ nạn này. Cùng thời điểm, báo VNExpress phát hành trong nước cũng đưa tin về vụ khai thác bất hợp pháp rừng gỗ quí pơ mu tại huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam, có sự thông đồng giữa một phó đồn công an đia phương với lâm tặc.
Mới đây nhất, đầu tháng Tư 2019, một bài viết của tác giả Stephen Nash trên Asia Times, nói rằng kết quả nghiên cứu cho thấy Việt Nam là điển nóng của đa dạng sinh học với 30 vườn quốc gia, nơi sinh sống của hàng chục loại động vật hoang dã quí hiếm, không thua những công viên Safari nổi tiếng ở tận Kenya hay Tanzania.
Hai xe tải vận chuyển gỗ rừng tại Đăk Lăk, ngày 17 tháng 5 năm 2003. AFP photo
Và những vườn quốc gia, những khu rừng nguyên sinh của Việt Nam như rừng Cúc Phương chẳng hạn, tác giả Stephen Nash viết tiếp, cần gấp rút được bảo tồn trước khi mọi tài sản quí báu trong đó, mà có thể khoa học chưa biết tới, bị diệt chủng và biến mất vì hành vi khai thác gỗ và nạn săn bắt thú hoang dã đang xảy ra một cách không thương tiếc.
Nhà nghiên cứu thuộc nhóm Minh Triết, ông Nguyễn Khắc Mai, nhận định :
Trên tổng thể đất nước mình không chỉ rừng phòng hộ mới bị phá hoại mà tất cả các vườn quốc gia để nghiên cứu thì cũng bị xâm phạm nghiêm trọng. Đấy là vấn đề rất lớn chứ không phải chuyện đùa, nó đang gây ra những đảo lộn kinh khủng và nhãn tiền, từ rừng, từ nước, từ nước ngầm cho đến các dòng sông, đều thấy một sự mất mát, một sự xuống cấp nguy hiểm.
Việt Nam có qui định bảo vệ rừng phòng hộ, ông Nguyễn Khắc Mai khẳng định, nhưng mặt khác lại cho người nước ngoài thuê rừng thì đó chính là hành động phá hoại gián tiếp :
Giao đất rừng cho người nước ngoài, chủ yếu là cho người Tàu thuê những khu rừng lớn, phần lớn những khu rừng ấy đều có rừng phòng hộ cả. Họ làm gì trong ấy cũng không ai biết để mà kiểm tra kiểm soát được, sự phá hoại hết sức nghiêm trọng.
Bảo vệ vườn quốc gia, bảo tồn rừng là trách nhiệm của con người đối với thiên nhiên và đất nước, là nhận định của thạc sĩ lâm nghiệp Nguyễn Huỳnh Thuật, từ năm 2012 từng kiến nghị chính phủ về hai dự án thủy điện ở Cát Tiên, được coi là Khu Dự Trữ Sinh Quyền Thế Giới, vì cho rằng những công trình này phá hoại môi trường, làm đảo lộn hệ sinh thái cũng như đời sống của con người và cây cỏ trong vùng. Đến năm 2013, thủ tướng chính phủ lúc bấy giờ ra quyết định ngưng việc xúc tiến dự án thủy điện ở Cát Tiên, Đồng Nai.
Về câu hỏi có thực Việt Nam đã không thể ngăn chặn được tệ nạn phá và khai thác rừng bừa bãi phi pháp hay không, chủ tịch Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên Và Môi Trường, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, trả lời :
Về mặt chủ trường, đường lối, chính sách thì Việt Nam càng ngày càng quan tâm về ý nghĩa giá trị của Đồng Bằng Sông Hồng, Mũi Cà Mau, vùng Tây Nghệ An vân vân… Những rừng tự nhiên đã đóng cửa từ lâu, không được khai thác, những rừng phòng hộ thì phải khai thác theo đúng qui định, qui hoạch.
Tuy nhiên thực tiễn luôn có những bất cập, những vi phạm mà qui định của pháp luật không thể làm hết được, vẫn còn chỗ này chỗ khác, nơi này nơi kia. Về mặt chủ trương thì rất rõ, thế còn như tôi nói là thực hiện Luật chưa được nghiêm chỉnh cho nên vẫn còn hiện tượng này hiện tượng khác.
Theo một bản tin trên tờ Phnom Penh Post số 5 ra tháng Ba vừa qua, một loạt hội thảo được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan, qua đó ASEAN xác định các điểm quan trọng đối với sự tồn tại đa dạng sinh học ở khu vực trong đó có Việt Nam 2019.
Giám đốc điều hành Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN (ACB), Tiến sĩ Theresa Mundita Lim, tuyên bố sự đa dạng sinh học phong phú của ASEAN là điều đáng tự hào nhưng vấn đề quan trọng là tài nguyên thiên nhiên này đang cạn kiệt nhanh chóng và đang đối diện sự mất mát lớn. . .
Việt Nam cùng các nước ASEAN đã ký Công Ước Về Đa Đạng (CBD) và các hiệp định môi trường đa phương khác như Công Ước Ramsar, vùng đất ngập nước được chỉ định có tầm quan trọng toàn cầu theo Công Ước Ramsar, một hiệp ước quốc tế điều chỉnh việc bảo tồn các khu vực đất ngập nước. Việt Nam hiện có 8 khu Ramsar được thế giới công nhận.
https://youtu.be/aishBI8piTc
Thanh Trúc
*******************
Tranh chấp đất rừng, trưởng thôn ở Hà Tĩnh bị bắn trọng thương (Người Việt, 06/04/2019)
Đang trên đường đi về nhà, ông trưởng thôn Vĩnh Phúc, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, bất ngờ bị một nhóm người đi xe tải chặn đường, nổ súng bắn nhiều phát vào người.
Ông Nguyễn Viết Lý bị ông Nguyên bắn 2 phát đạn vào đùi. (Hình : Infonet)
Sáng ngày 6 tháng Tư, 2019, xác nhận với báo Người Lao Động, ông tá Phan Xuân Công, trưởng Công An huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh), cho biết đã bắt giữ ông Thái Bá Nguyên (35 tuổi, ở thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê), người đã dùng súng bắn bị thương ông Nguyễn Viết Lý, trưởng thôn Vĩnh Phúc (xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê) để điều tra.
Tin cho biết, khoảng 5 giờ 30 chiều 5 tháng Tư, ông Lý đang đi trên đường trong cánh rừng thuộc thôn Trại Tuần (xã Hương Vĩnh) để về nhà thì bị 5 người đàn ông lái xe hơi bán tải chặn đường. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì ông Lý bất ngờ bị ông Nguyên dùng súng bắn vào đùi phải.
Sau khi bắn, ông Nguyên lái xe bỏ trốn nhưng bị bắt giữ sau đó. Tại hiện trường, công an thu giữ 2 vỏ đạn nhưng chưa xác định được là loại đạn gì.
Bước đầu cơ quan hữu trách xác định ông Lý bị trúng 2 phát đạn vào đùi phải và được người nhà chuyển ra thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) điều trị do đạn găm sâu vào đùi.
Theo người dân địa phương, vụ này có thể do tranh chấp đất rừng và trước đó gia đình ông Lý nhiều lần bị ông Nguyên đe dọa. (Tr.N)
Bắt 20 kg sừng tê giác tại Lào Cai (RFA, 25/05/2018)
Công an Thành phố Lào Cai phát hiện hơn 20 kg sừng tê giác vận chuyển trái phép trong một xe ô tô từ Vĩnh Phúc lên Lào Cai vào rạng sáng ngày 24 tháng 5.
Sừng tê giác được giấu trong lọ lục bình. Courtesy of news.zing.vn
Theo truyền thông trong nước, 20 kg sừng tê giác được gói trong bốn túi màu đen, giấu trong bốn lọ lục bình để bán sang Trung Quốc. Nhưng khi di chuyển đến phường Kim Tân, thành phố Lào Cai thì xe bị cảnh sát chặn lại khám xét và phát hiện tang vật.
Hiện hai người trong xe ô tô là Dương Văn Thành 44 tuổi và Dương Văn Sang 36 tuổi đang bị công an thành phố Lào Cai tạm giam.
Một cán bộ điều tra nói với báo chí trong nước rằng chuyên án này được Công an Thành phố Lào Cai lập ra từ hai tháng trước.
Việt Nam gần đây phát hiện nhiều đường dây buôn bán trái phép động vật hoang dã như sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê…
Vào ngày 11 tháng 5 năm 2018, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã khởi động Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã tại Việt Nam, với ngân sách tài trợ 10 triệu đô la.
Một chiến dịch tuyên truyền người dân không sử dụng sừng tê giác, ngà voi cũng được tiến hành lâu nay với sự tham gia của nhiều nhân vật có tiếng trong giới giải trí ; tuy nhiên tình trạng buôn bán trái phép những vật phẩm cấm như vừa nêu vẫn xảy ra.
*****************
Vào đầu tháng 5 năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt nam cho công bố hiện trạng rừng trên toàn quốc tính đến ngày 31/12/2017. Theo đó diện tích rừng trên toàn quốc đạt được hơn 14 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là hơn 10 triệu ha và rừng trồng hơn 4 triệu ha. Diện tích đủ tiêu chuẩn che phủ toàn quốc tương ứng hơn 40%.
Một phụ nữ tập hợp vỏ sò trong một khu rừng ven biển ở tỉnh Thanh Hóa, ảnh này chụp vào ngày 18 tháng 5 năm 2018. AFP
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì độ che phủ rừng có tăng nhưng chủ yếu là rừng trồng với mức sinh học thấp, trong khi rừng tự nhiên với mức đa sinh học cao thì lại thấp đi đáng kể.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu ở Cần Thơ cho rằng ông nghi ngờ về con số mà Bộ Nông nghiệp- Phát Triển Nông Thông đưa ra, ông lập luận :
"Tôi cho là tốc độ phủ diện tích rừng không bằng tốc độ rừng bị phá. Đâu phải mình trồng lên bao nhiêu là sống bấy nhiêu, tỉ lệ thất bại cũng nhiều. Tôi nghe báo cáo là trên 30%, tùy theo địa phương, có nơi báo cáo là 40%. Những người làm bên lâm nghiệp mà tôi tiếp xúc thì chỉ khoản hơn 20% thôi".
Sang trung tuần tháng 5, Bộ Nông nghiệp- Phát Triển Nông Thông tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập lực lượng kiểm lâm Việt Nam. Nhân dịp này, ngành lâm nghiệp được đánh giá có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế và xã hội Việt Nam, giá trị đạt được hơn 8 tỷ đô la.
Giáo sư Đặng Hùng Võ nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường thừa nhận ngành lâm nghiệp có góp phần giúp phát triển kinh tế tại Việt Nam :
"Việc rừng năm vừa rồi có những đóng góp lớn thì tôi cho rằng việc bảo vệ và khai thác rừng là hai mặt song hành, đánh giá lại thì vừa rồi rừng đóng góp phát triển kinh tế cũng là một yếu tố quan trọng, việc đóng góp từ rừng sản xuất, khai thác môi trường rừng vào việc du lịch nghỉ dưỡng, việc khai thác rừng vào việc khu du lịch sinh thái , thủy điện v.v…".
Giáo sư Đặng Hùng Võ nói với chúng tôi rằng trong luật bảo vệ phát triển rừng trước đây, rất hạn chế việc giao đất rừng cho cộng đồng dân cư với tư duy là cộng đồng dân cư không phải là một tổ chức và không có người chịu trách nhiệm. Nhưng luật lâm nghiệp đã được sửa đổi vào năm ngoái. Ông cho biết thêm :
"Luật lâm nghiệp được quốc hội thông qua năm 2017 thì đã có nhũng thay đổi cơ bản về tư duy, giao đất rừng cho cộng đồng dân cư địa phương, bởi vì các nhà xây dựng pháp luật Việt Nam đã ngộ ra được rằng giao cho các tổ chức của nhà nước thì nó không đạt được hiệu quả, còn giao cho cộng đồng dân cư thì kêu gọi được sức mạnh của nhân dân vào bảo vệ rừng thì tôi cho rằng đây là thay đổi cơ bản về tư duy bảo vệ rừng và phát triển rừng ở Việt Nam".
Đồng thuận với y kiến của Giáo sư Đặng Hùng Võ về vấn đề giao cho các tổ chức nhà nước quản lý đất rừng không đạt được hiệu quả, Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật người từng làm việc cho cơ quan quản lý khu rừng quốc gia Nam Cát Tiên chia sẻ thêm một nhận định mà ông cho rằng có liên quan đến vấn đề tham nhũng.
"Ở trong xã hội Việt Nam vấn đề tham ô tham nhũng, cấu kết lãnh đạo với kiểm lâm rồi báo chí phanh phui rất là nhiều. Chánh thanh tra chính phủ hoặc là trung ương có thông báo là bây giờ thanh tra ở đâu là dính ở đó, cho nên cái đó là một điều rất là trăn trở".
Dù phía cơ quan chức năng có những đánh giá tích cực về tình hình rừng được khôi phục và mang lại những lợi ích kinh tế cho đất nước, tin tức về nạn phá rừng tại Việt Nam tiếp tục được loan đi.
Dak Lak, một tỉnh ở Tây Nguyên Việt Nam, vừa qua thừa nhận có 18 ha rừng biên giới bị phá trắng, trong đó 10 ha rừng bị cắt hạ đã lâu vì vết cắt đã cũ và 8 ha còn lại mới xảy ra gần đây.
Lại có tin Bộ Kế hoạch và đầu tư đang đề xuất xin chuyển gần 70 ha đất rừng làm sân golf, thuộc dự án khu du lịch sinh thái Mường Thanh. Điều đáng lưu ý là diện tích này có nguồn gốc đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm và được nhà nước giao cho các hộ gia đình, cá nhân sản xuất.
Thực tế cho thấy giữa chủ trương bảo tồn, khôi phục, phát triển rừng và công tác thực thi pháp luật, qui định trong lĩnh vực này vẫn còn độ chênh rất lớn. Nhiều vấn đề cần phải giải quyết mới có thể đạt được chỉ tiêu đề ra về độ che phủ và chất lượng rừng.
*********************
Hiện nay, trên thị trường xăng Việt Nam có hai loại xăng gồm Ron, tức xăng A, và xăng E. Xăng Ron được xem là dòng xăng không chì. Hiện tại, nhà nước khuyến cáo dùng xăng E tức xăng sinh học có pha từ 5% Ethanol trở lên để thay thế các loại xăng Ron và có thể trong thời gian tới, xăng E sẽ chiếm toàn bộ thị trường xăng Việt Nam. Vấn đề này gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong người tiêu dùng. Bởi hầu hết các dòng xe đều gặp trục trặc khi chạy xăng E.
Hai dòng xăng phổ biến ở các cây xăng Việt Nam hiện nay - RFA
Ông Đặng Hữu Phát, nhân viên phân phối xăng, chia sẻ : "Người tiêu dùng thì họ chuộng xăng 95 nhiều hơn. Mà sở thích của họ, họ quen dùng xăng 95 thì họ đi xăng 95, còn ai mà muốn dùng xăng E5 thì cái đó tùy họ thôi chứ mình không thể ép buộc được".
Ông Phát chia sẻ thêm là hiện nay, thị trường xăng đang trong tình trạng ngày càng nhiều cây xăng chuyển sang bán xăng E, trong khi đó, nguồn xăng Ron đang ngày càng khan hiếm. Nhiều chủ xe cách cây xăng hàng chục kilomet vẫn chấp nhận lái xe đến cây xăng của ông để đổ xăng bởi xe của họ không thể chạy xăng E được. Mỗi khi đổ xăng E vào thì máy nổ không bốc, thỉnh thoảng bị chết máy giữa đường. Và họ không còn lựa chọn nào khác là dùng xăng Ron 95.
Tình trạng xe chạy giữa đường bị chết máy hoặc trương nở các bộ phận điều chế hòa khí bằng kim loại chịu nhiệt thấp dường như xảy ra thường xuyên khi những chiếc xe hơi dùng xăng E. Và có một vấn đề nữa là xăng E chạy hao hơn rất nhiều so với xăng Ron 95 bởi trong quá trình đốt, xăng E cháy không bốc và dẫn đến một lượng xăng thừa thải ra theo đường khói. Điều này dẫn đến hệ quả là xăng E gây ô nhiễm môi trường trầm trọng so với xăng Ron. Về phía người dùng xe hơi, xăng E gây tốn kém nhiều hơn và gây nguy hiểm cao hơn, bởi xe đang chạy có tốc độ mà tắt máy sẽ kéo theo hiện tượng mất phanh và mọi nguy hiểm có thể ập đến nếu tài xế không có kinh nghiệm. Các xe mô tô cũng gặp sự cố trục trặc trên đường đi do xăng ngày càng nhiều.
Cùng quan điểm với ông Phát, ông Nguyễn Như Ngà, chủ nhà xe, chia sẻ : "Chạy nó không bốc bằng xăng 95 bởi vì tôi chạy xe cũng được mười mấy, hai mươi năm rồi, chỉ có 95 mới chạy được thôi, xe tôi mà đổ E5 ron 92 là không chạy được".
Ông Trần Huỳnh Ân, người từng nhiều lần gặp trục trặc sau khi đổ xăng, chia sẻ : "Đổ xăng cũng có nhiều cây xăng cũng bị tình trạng xăng kém chất lượng. Tuy vậy mình nói với họ thì họ phủ nhận. Như vậy mình phải về súc bộ chế hòa khí và sửa chữa thôi. Nói chung thì bây giờ uy tín các cây xăng cũng có lắm vấn đề…".
Ông Ân đưa ra nhận định, có lẽ vì tình trạng xăng dầu Việt Nam có quá nhiều vấn đề để bàn về cái dở, cái tệ của nó mà không riêng gì doanh nghiệp xăng dầu Nhật Bản, bất kì doanh nghiệp xăng dầu của quốc gia văn minh nào đến Việt Nam kinh doanh đều có cơ may thành công và đắt hàng ngoài sức tưởng tượng.
Nhận xét về giá cả cũng như sự lựa chọn của nhà xe đối với xăng và doanh nghiệp xăng, dường như các nhà xe đều có chung quan điểm, thà chấp nhận giá đắt hơn một chút, tốn thời gian đi xa hơn một chút nhưng đổ được xăng đảm bảo chất lượng và gặp người bán xăng lịch sự cũng tốt hơn đi gần, đổ giá rẻ nhưng kém văn hóa và gây khó chịu.
Ông Nguyễn Như Ngà, chủ nhà xe, chia sẻ thêm : "(Xăng Ron 95) mắc hơn một ngàn, hai ngàn đồng cũng không quan trọng, vấn đề là xe chạy có được không, chạy có bốc không mà thôi !".
Ông Đặng Hữu Phát, nhân viên phân phối xăng, chia sẻ thêm : "Xăng Ron 95 thì nó phải chạy bốc hơn xăng E rồi. Nói chung nếu tôi có xe thì tôi cũng chọn xăng Ron 95 để đổ thôi !".
Có một thực tế là số lượng xe cũ, xe nội địa tại Việt Nam chiếm tỉ lệ khá cao trong các xe lưu thông hằng ngày. Và nếu như các xe dòng cũ đều dùng xăng E thì khó có thể lường được mối nguy trong giao thông. Nhưng nếu để đạt được mục đích thay xăng E vào chỗ xăng Ron trên toàn bộ thị trường thì chắc chắn xe cũ sẽ gặp vấn đề. Và không thể thay thế toàn bộ dòng xe cũ trong một thời gian ngắn bởi điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của người dân. Nói cho cùng, việc thay xăng Ron thành xăng E chỉ có lợi cho doanh nghiệp bán xăng và ngành xăng dầu nhưng hoàn toàn không có lợi cho người tiêu dùng.
Nhóm phóng viên