Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

26/05/2018

Bắt sừng tê giác lậu, tàn phá rừng, bỏ xăng Ron 95

RFA tiếng Việt

Bắt 20 kg sừng tê giác tại Lào Cai (RFA, 25/05/2018)

Công an Thành phố Lào Cai phát hiện hơn 20 kg sừng tê giác vận chuyển trái phép trong một xe ô tô từ Vĩnh Phúc lên Lào Cai vào rạng sáng ngày 24 tháng 5.

buon1

Sừng tê giác được giấu trong lọ lục bình. Courtesy of news.zing.vn

Theo truyền thông trong nước, 20 kg sừng tê giác được gói trong bốn túi màu đen, giấu trong bốn lọ lục bình để bán sang Trung Quốc. Nhưng khi di chuyển đến phường Kim Tân, thành phố Lào Cai thì xe bị cảnh sát chặn lại khám xét và phát hiện tang vật.

Hiện hai người trong xe ô tô là Dương Văn Thành 44 tuổi và Dương Văn Sang 36 tuổi đang bị công an thành phố Lào Cai tạm giam.

Một cán bộ điều tra nói với báo chí trong nước rằng chuyên án này được Công an Thành phố Lào Cai lập ra từ hai tháng trước.

Việt Nam gần đây phát hiện nhiều đường dây buôn bán trái phép động vật hoang dã như sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê…

Vào ngày 11 tháng 5 năm 2018, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã khởi động Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã tại Việt Nam, với ngân sách tài trợ 10 triệu đô la.

Một chiến dịch tuyên truyền người dân không sử dụng sừng tê giác, ngà voi cũng được tiến hành lâu nay với sự tham gia của nhiều nhân vật có tiếng trong giới giải trí ; tuy nhiên tình trạng buôn bán trái phép những vật phẩm cấm như vừa nêu vẫn xảy ra.

*****************

Rừng ở Việt Nam : báo cáo và thực tế (RFA, 25/05/2018)

Tình trạng phá rừng

Vào đầu tháng 5 năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt nam cho công bố hiện trạng rừng trên toàn quốc tính đến ngày 31/12/2017. Theo đó diện tích rừng trên toàn quốc đạt được hơn 14 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là hơn 10 triệu ha và rừng trồng hơn 4 triệu ha. Diện tích đủ tiêu chuẩn che phủ toàn quốc tương ứng hơn 40%.

buon2

Một phụ nữ tập hợp vỏ sò trong một khu rừng ven biển ở tỉnh Thanh Hóa, ảnh này chụp vào ngày 18 tháng 5 năm 2018. AFP

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì độ che phủ rừng có tăng nhưng chủ yếu là rừng trồng với mức sinh học thấp, trong khi rừng tự nhiên với mức đa sinh học cao thì lại thấp đi đáng kể.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu ở Cần Thơ cho rằng ông nghi ngờ về con số mà Bộ Nông nghiệp- Phát Triển Nông Thông đưa ra, ông lập luận :

"Tôi cho là tốc độ phủ diện tích rừng không bằng tốc độ rừng bị phá. Đâu phải mình trồng lên bao nhiêu là sống bấy nhiêu, tỉ lệ thất bại cũng nhiều. Tôi nghe báo cáo là trên 30%, tùy theo địa phương, có nơi báo cáo là 40%. Những người làm bên lâm nghiệp mà tôi tiếp xúc thì chỉ khoản hơn 20% thôi".

Sang trung tuần tháng 5, Bộ Nông nghiệp- Phát Triển Nông Thông tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập lực lượng kiểm lâm Việt Nam. Nhân dịp này, ngành lâm nghiệp được đánh giá có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế và xã hội Việt Nam, giá trị đạt được hơn 8 tỷ đô la.

Ảnh hưởng kinh tế

Giáo sư Đặng Hùng Võ nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường thừa nhận ngành lâm nghiệp có góp phần giúp phát triển kinh tế tại Việt Nam :

"Việc rừng năm vừa rồi có những đóng góp lớn thì tôi cho rằng việc bảo vệ và khai thác rừng là hai mặt song hành, đánh giá lại thì vừa rồi rừng đóng góp phát triển kinh tế cũng là một yếu tố quan trọng, việc đóng góp từ rừng sản xuất, khai thác môi trường rừng vào việc du lịch nghỉ dưỡng, việc khai thác rừng vào việc khu du lịch sinh thái , thủy điện v.v…".

Giáo sư Đặng Hùng Võ nói với chúng tôi rằng trong luật bảo vệ phát triển rừng trước đây, rất hạn chế việc giao đất rừng cho cộng đồng dân cư với tư duy là cộng đồng dân cư không phải là một tổ chức và không có người chịu trách nhiệm. Nhưng luật lâm nghiệp đã được sửa đổi vào năm ngoái. Ông cho biết thêm :

"Luật lâm nghiệp được quốc hội thông qua năm 2017 thì đã có nhũng thay đổi cơ bản về tư duy, giao đất rừng cho cộng đồng dân cư địa phương, bởi vì các nhà xây dựng pháp luật Việt Nam đã ngộ ra được rằng giao cho các tổ chức của nhà nước thì nó không đạt được hiệu quả, còn giao cho cộng đồng dân cư thì kêu gọi được sức mạnh của nhân dân vào bảo vệ rừng thì tôi cho rằng đây là thay đổi cơ bản về tư duy bảo vệ rừng và phát triển rừng ở Việt Nam".

Đồng thuận với y kiến của Giáo sư Đặng Hùng Võ về vấn đề giao cho các tổ chức nhà nước quản lý đất rừng không đạt được hiệu quả, Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật người từng làm việc cho cơ quan quản lý khu rừng quốc gia Nam Cát Tiên chia sẻ thêm một nhận định mà ông cho rằng có liên quan đến vấn đề tham nhũng.

"Ở trong xã hội Việt Nam vấn đề tham ô tham nhũng, cấu kết lãnh đạo với kiểm lâm rồi báo chí phanh phui rất là nhiều. Chánh thanh tra chính phủ hoặc là trung ương có thông báo là bây giờ thanh tra ở đâu là dính ở đó, cho nên cái đó là một điều rất là trăn trở".

Dù phía cơ quan chức năng có những đánh giá tích cực về tình hình rừng được khôi phục và mang lại những lợi ích kinh tế cho đất nước, tin tức về nạn phá rừng tại Việt Nam tiếp tục được loan đi.

Dak Lak, một tỉnh ở Tây Nguyên Việt Nam, vừa qua thừa nhận có 18 ha rừng biên giới bị phá trắng, trong đó 10 ha rừng bị cắt hạ đã lâu vì vết cắt đã cũ và 8 ha còn lại mới xảy ra gần đây.

Lại có tin Bộ Kế hoạch và đầu tư đang đề xuất xin chuyển gần 70 ha đất rừng làm sân golf, thuộc dự án khu du lịch sinh thái Mường Thanh. Điều đáng lưu ý là diện tích này có nguồn gốc đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm và được nhà nước giao cho các hộ gia đình, cá nhân sản xuất.

Thực tế cho thấy giữa chủ trương bảo tồn, khôi phục, phát triển rừng và công tác thực thi pháp luật, qui định trong lĩnh vực này vẫn còn độ chênh rất lớn. Nhiều vấn đề cần phải giải quyết mới có thể đạt được chỉ tiêu đề ra về độ che phủ và chất lượng rừng.

*********************

Bỏ xăng Ron 95, lợi hay hại ? (RFA, 25/05/2018)

Hiện nay, trên thị trường xăng Việt Nam có hai loại xăng gồm Ron, tức xăng A, và xăng E. Xăng Ron được xem là dòng xăng không chì. Hiện tại, nhà nước khuyến cáo dùng xăng E tức xăng sinh học có pha từ 5% Ethanol trở lên để thay thế các loại xăng Ron và có thể trong thời gian tới, xăng E sẽ chiếm toàn bộ thị trường xăng Việt Nam. Vấn đề này gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong người tiêu dùng. Bởi hầu hết các dòng xe đều gặp trục trặc khi chạy xăng E.

buon3

Hai dòng xăng phổ biến ở các cây xăng Việt Nam hiện nay - RFA

Xăng nào lợi hơn ?

Ông Đặng Hữu Phát, nhân viên phân phối xăng, chia sẻ : "Người tiêu dùng thì họ chuộng xăng 95 nhiều hơn. Mà sở thích của họ, họ quen dùng xăng 95 thì họ đi xăng 95, còn ai mà muốn dùng xăng E5 thì cái đó tùy họ thôi chứ mình không thể ép buộc được".

Ông Phát chia sẻ thêm là hiện nay, thị trường xăng đang trong tình trạng ngày càng nhiều cây xăng chuyển sang bán xăng E, trong khi đó, nguồn xăng Ron đang ngày càng khan hiếm. Nhiều chủ xe cách cây xăng hàng chục kilomet vẫn chấp nhận lái xe đến cây xăng của ông để đổ xăng bởi xe của họ không thể chạy xăng E được. Mỗi khi đổ xăng E vào thì máy nổ không bốc, thỉnh thoảng bị chết máy giữa đường. Và họ không còn lựa chọn nào khác là dùng xăng Ron 95.

Tình trạng xe chạy giữa đường bị chết máy hoặc trương nở các bộ phận điều chế hòa khí bằng kim loại chịu nhiệt thấp dường như xảy ra thường xuyên khi những chiếc xe hơi dùng xăng E. Và có một vấn đề nữa là xăng E chạy hao hơn rất nhiều so với xăng Ron 95 bởi trong quá trình đốt, xăng E cháy không bốc và dẫn đến một lượng xăng thừa thải ra theo đường khói. Điều này dẫn đến hệ quả là xăng E gây ô nhiễm môi trường trầm trọng so với xăng Ron. Về phía người dùng xe hơi, xăng E gây tốn kém nhiều hơn và gây nguy hiểm cao hơn, bởi xe đang chạy có tốc độ mà tắt máy sẽ kéo theo hiện tượng mất phanh và mọi nguy hiểm có thể ập đến nếu tài xế không có kinh nghiệm. Các xe mô tô cũng gặp sự cố trục trặc trên đường đi do xăng ngày càng nhiều.

Cùng quan điểm với ông Phát, ông Nguyễn Như Ngà, chủ nhà xe, chia sẻ : "Chạy nó không bốc bằng xăng 95 bởi vì tôi chạy xe cũng được mười mấy, hai mươi năm rồi, chỉ có 95 mới chạy được thôi, xe tôi mà đổ E5 ron 92 là không chạy được".

Nhiều cây xăng kém chất lượng…

Ông Trần Huỳnh Ân, người từng nhiều lần gặp trục trặc sau khi đổ xăng, chia sẻ : "Đổ xăng cũng có nhiều cây xăng cũng bị tình trạng xăng kém chất lượng. Tuy vậy mình nói với họ thì họ phủ nhận. Như vậy mình phải về súc bộ chế hòa khí và sửa chữa thôi. Nói chung thì bây giờ uy tín các cây xăng cũng có lắm vấn đề…".

Ông Ân đưa ra nhận định, có lẽ vì tình trạng xăng dầu Việt Nam có quá nhiều vấn đề để bàn về cái dở, cái tệ của nó mà không riêng gì doanh nghiệp xăng dầu Nhật Bản, bất kì doanh nghiệp xăng dầu của quốc gia văn minh nào đến Việt Nam kinh doanh đều có cơ may thành công và đắt hàng ngoài sức tưởng tượng.

Nhận xét về giá cả cũng như sự lựa chọn của nhà xe đối với xăng và doanh nghiệp xăng, dường như các nhà xe đều có chung quan điểm, thà chấp nhận giá đắt hơn một chút, tốn thời gian đi xa hơn một chút nhưng đổ được xăng đảm bảo chất lượng và gặp người bán xăng lịch sự cũng tốt hơn đi gần, đổ giá rẻ nhưng kém văn hóa và gây khó chịu.

Ông Nguyễn Như Ngà, chủ nhà xe, chia sẻ thêm : "(Xăng Ron 95) mắc hơn một ngàn, hai ngàn đồng cũng không quan trọng, vấn đề là xe chạy có được không, chạy có bốc không mà thôi !".

Ông Đặng Hữu Phát, nhân viên phân phối xăng, chia sẻ thêm : "Xăng Ron 95 thì nó phải chạy bốc hơn xăng E rồi. Nói chung nếu tôi có xe thì tôi cũng chọn xăng Ron 95 để đổ thôi !".

Có một thực tế là số lượng xe cũ, xe nội địa tại Việt Nam chiếm tỉ lệ khá cao trong các xe lưu thông hằng ngày. Và nếu như các xe dòng cũ đều dùng xăng E thì khó có thể lường được mối nguy trong giao thông. Nhưng nếu để đạt được mục đích thay xăng E vào chỗ xăng Ron trên toàn bộ thị trường thì chắc chắn xe cũ sẽ gặp vấn đề. Và không thể thay thế toàn bộ dòng xe cũ trong một thời gian ngắn bởi điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của người dân. Nói cho cùng, việc thay xăng Ron thành xăng E chỉ có lợi cho doanh nghiệp bán xăng và ngành xăng dầu nhưng hoàn toàn không có lợi cho người tiêu dùng.

Nhóm phóng viên

Quay lại trang chủ
Read 586 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)