Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

26/05/2018

Bán phụ nữ sang Trung Quốc, muốn đánh thuế cả người chết, Phú Quốc bị ngập

Người Việt

Hàng trăm thôn nữ ở Tây Ninh bị lừa bán sang Trung Quốc (Người Việt, 26/05/2018)

Trong hàng trăm thôn nữ ở Tây Ninh bị lừa bán, có gần 200 người "không rõ số phận giờ ra sao" dù những kẻ buôn người đã bị bắt.

vn1

Dù chuyện đã qua vài năm nhưng mỗi khi nhắc lại việc bị lừa bán thì chị Nương lại rùng mình sợ hãi. (Hình : Người Lao Động)

Cung cấp cho báo Người Lao Động, ông Võ Tấn Dũng, đội trưởng Đội Phòng Ngừa Đấu Tranh Chống Tệ Nạn Xã hội và Buôn Bán Người, Phòng Cảnh Sát Hình Sự, Công An tỉnh Tây Ninh, cho biết các băng nhóm buôn bán người bị bắt khai báo với công an đã bán trót lọt ít nhất 478 phụ nữ ở Tây Ninh ra ngoại quốc, chủ yếu là Trung Quốc, trong khoảng 10 năm qua.

Thông qua cán bộ Chi Cục Phòng Chống Tệ Nạn Xã hội tỉnh Tây Ninh, báo Người Lao Động gặp được chị Nương (tên nhân vật đã được thay đổi), một trong những thôn nữ ở Tây Ninh bị lừa bán sang Trung Quốc, hứng chịu dày vò nhưng may mắn trốn thoát.

Chị Nương kể, sáu năm trước chị bán rau quả ở huyện Hòa Thành. Một hôm, chị được một phụ nữ cùng xóm rủ sang Trung Quốc một tuần để "ăn đám cưới" con bà ta, cũng là bạn thân của mình. Tuy nhiên, khi đến thành phố Nam Ninh, Trung Quốc, bà này bất ngờ bán chị Nương cho nhóm buôn người khác rồi lẳng lặng bỏ đi.

"Thời điểm đó gần Tết. Tuyết rơi rất nhiều. Tụi buôn người nói nếu không chấp nhận làm vợ đàn ông Trung Quốc thì chúng sẽ giết. Tôi rất sợ nên phải theo họ. Họ đưa tôi đến một vùng có rất nhiều mỏ than, cách xa thành phố. Tôi bị bán cho một gia đình Trung Quốc ở đó", chị nhớ lại.

Chị Nương nói nhà chồng nghèo, ăn uống kham khổ. Chồng hơn chị 4 tuổi, là công nhân mỏ than nhưng "ngáo ngáo, khờ khạo, lại bị mất một lỗ tai". Ngủ chung phòng 5-6 đêm nhưng gã chồng khờ cứ nằm im re. Chị mừng thầm, nghĩ mình sẽ được yên thân cho đến khi có cơ hội bỏ trốn.

Thế rồi bất ngờ một đêm, người mẹ chồng xộc vào phòng ngủ, cởi sạch đồ của chị Nương, bắt phải quan hệ với chồng. Chị không chấp nhận thì bị bà ta đánh đập. Và thế là chị "phó mặc mọi chuyện". Sau đó, bà mẹ chồng dường như muốn chị có bầu, sinh con nên những đêm sau, bà ta liên tiếp đến phòng ngủ yêu cầu Nương quan hệ với con trai bà. Có đến 5-6 lần bà ta trực tiếp đứng giám sát xem vợ chồng chị "quan hệ". Nếu không chịu, bà ta đánh đập.

Một hôm tình cờ, chị Nương phát hiện nhà hàng xóm cũng có một cô dâu Việt. Nhờ người này chỉ đường, hỗ trợ, chị Nương đã trốn thoát về Việt Nam sau bốn tháng sống cảnh "ngục tù" tại Trung Quốc. Về tới Tây Ninh, chị liền tố cáo sự việc đến công an, người phụ nữ lừa bán chị bị bắt giữ sau đó.

Theo các chuyên gia, hiện ở Trung Quốc xảy ra tình trạng thừa nam, thiếu nữ. Để có vợ, nhiều người đàn ông Trung Quốc sẵn sàng chi tiền cho mạng lưới buôn người săn tìm những thôn nữ tại Việt Nam và Tây Ninh là một trong những điểm "nóng" được giới buôn người lựa chọn.

Nói với báo Người Lao Động, ông Võ Tấn Dũng thừa nhận, nạn buôn bán người vẫn đang diễn biến phức tạp tại Tây Ninh dù công an đã triệt phá nhiều vụ án. Cụ thể từ năm 2007 đến nay, công an tỉnh đã giải cứu 306 nạn nhân, khởi tố điều tra 49 vụ án buôn bán người với 250 bị can.

Trong đó, 198 phụ nữ bị bán sang tay, lòng vòng nên đến nay, công an không xác minh được họ làm gì, ở đâu, số phận ra sao. Hầu hết nạn nhân là các cô gái tuổi từ 18-30, ít học, nhà nghèo, sống ở những nơi hẻo lánh bị dụ bằng cách sang Trung Quốc đi làm lương cao, đi du lịch ngắn ngày…

Cũng theo ông Dũng, các nhóm buôn người thu lợi nhuận rất lớn. Thông thường, để mua được vợ, mỗi người đàn ông Trung Quốc phải chi từ 100 đến 200 triệu đồng (hơn 4.392 USD đến 8.785 USD) cho kẻ buôn người.

"Nếu như trước đây, các nhóm buôn người trực tiếp đưa nạn nhân từ Tây Ninh qua Trung Quốc, thì nay họ hoạt động tinh vi hơn, gây khó khăn cho công tác phá án. Cụ thể, thông qua mạng Zalo, Facebook, giới buôn người có được hình nạn nhân rồi gửi sang Trung Quốc xem, chọn. Sau đó, chúng sẽ dụ dỗ nạn nhân và đưa họ vào tròng", ông Dũng cho biết. (Tr.N)

*******************

‘Đại biểu quốc hội’ đề nghị đánh thuế người bán trà đá, người chết nợ thuế (Người Việt, 26/05/2018)

"Riêng về vấn đề một số người nợ thuế đã chết, thì tôi có kiến nghị là đề nghị rà soát để xác định rõ là người chết thì người thừa kế vẫn phải nộp, vì theo quy định của Luật Thừa Kế thì không phải chết có nghĩa là đã hết nghĩa vụ, chết không có nghĩa là hoàn toàn xóa khoản nợ, mà đây là tiền ngân sách của nhà nước, là một vấn đề mang tính kỷ luật rất cao".

vn2

Trà đá vỉa hè Hà Nội. (Hình : Bất Động Sản Việt Nam)

"Đại biểu quốc hội" Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại nghị trường được báo Dân Trí hôm 26 tháng Năm trích lời nói.

Theo Luật Quản Lý Thuế, một trong những trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền phạt được quy định là : "Cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ".

Truyền thông Việt Nam cho hay, đến cuối năm 2017, số nợ thuế không có khả năng thu hồi là 31.500 tỷ đồng (hơn 1,38 tỷ USD) và đó là các khoản nợ thuế "của người chết hoặc mất tích, doanh nghiệp giải thể, không còn tài sản để thu hồi nhưng chưa được xóa và phải tính phạt chậm nộp 0,03%/ngày".

Trong phiên họp một ngày trước, "Đại biểu quốc hội" Nguyễn Văn Cảnh lại tiếp tục nhắc lại "chủ trương đấu giá biển số xe đẹp từ các kỳ họp trước".

Báo Tuổi Trẻ tường thuật : "Ông Cảnh cho rằng quy định hiện hành chỉ mới đấu giá được một tỷ lệ rất nhỏ biển số xe trong kho biển số hiện có. Nếu quy định chặt chẽ, mở rộng số lượng biển số xe được đấu giá, số tiền thu được có thể lên gấp mười lần hiện nay, mỗi năm có thể thu cho ngân sách 5.000 tỷ đồng (hơn 219,6 triệu USD). Ông Cảnh đánh giá đó là một biểu hiện của sự lãng phí khi chính sách không phát huy hết được nguồn lực, thu triệt để cho ngân sách".

vn3

Một quán trà đá vỉa hè. (Hình : Sao Star)

Trong khi đó, Bộ trưởng tài chính Đinh Tiến Dũng được báo Tiền Phong dẫn lời chống chế rằng đề nghị đánh thuế nhà là "nhằm đảm bảo tính công khai minh bạch tài sản, phục vụ cho công tác phòng chống tham nhũng, còn mục tiêu tăng ngân sách chỉ là thứ yếu".

Cùng thời điểm, mạng xã hội chỉ trích gay gắt phát ngôn của "Đại biểu quốc hội" Nguyễn Mạnh Tiến, người cũng đang giữ chức phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc Hội Việt Nam : "Người bán trà đá tại Việt Nam là có tỷ suất lợi nhuận cao nhất thế giới, 5.000% đến 7.000% nhưng lại không đóng đồng nào cho ngân sách, họ chỉ đóng tiền tượng trưng nào đó cho địa phương".

Nhiều Facebooker cho rằng với đà này, các "Đại biểu quốc hội" nên tiếp tục đề nghị đánh thuế với cả những người đang mưu sinh bằng cách lượm ve chai, chạy xe ôm…

Nhà báo Đào Tuấn của báo Lao Động bình luận trên trang Facebook cá nhân : "Sao tôi thấy dân biểu đề nghị giống cách ngân hàng đếm vàng, đô la trong dân, thấy giống Bộ tài chính đếm vịt thế cơ chứ. Nhiều thứ ở ta giờ cảm giác giống y như thuế cửa sổ ở Anh, đánh trên không khí và ánh sáng. Bn cái gì làm ra tiền chẳng bàn, toàn như bói cá với góc nhìn cách đặt vấn đề toàn là ‘cá thu !’" (T.K.)

******************

Lấp suối xây nhà tràn lan, Phú Quốc ngập nặng (Người Việt, 26/05/2018)

Người dân huyện Phú Quốc đang đối diện với tình trạng ngập nặng tại nhiều nơi trên đảo. Trong khi đó, tình trạng lấn suối, lấn kênh rạch vẫn tiếp tục diễn ra với sự thờ ơ, bất lực của chính quyền.

vn4

Nhiều tuyến đường trung tâm huyện đảo Phú Quốc bị ngập khi mưa. (Hình : Thanh Niên)

Theo báo Thanh Niên, tại những con suối ở xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, người dân lấn mỗi bên khoảng 10 mét, khiến con suối có nhiều đoạn bị "thắt cổ chai", mỗi khi trời mưa, nước không thoát kịp và gây ngập khắp nơi.

Giải thích việc này, ông Trần Văn Việt, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Cửa Dương, cho biết ở xã hiện có 16 nhà dân lấn suối, nhưng tình trạng này là do khi đo đạc để cấp "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), cơ quan chức năng đã bấm nhầm tọa độ, cấp luôn cả phần suối cho người dân".

Cùng chịu chung tình trạng trên là những nhà dân sống dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo, khu phố 7, thị trấn Dương Đông. Khi mưa lớn, đường ngập sâu, xe cộ qua lại gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Tấn Trọng (ở khu phố 6, thị trấn Dương Đông) cho biết con rạch Ông Trì ngăn cách khu phố 6 và khu phố 10 trước đây rộng hơn 15 mét, nhưng giờ chỉ còn khoảng 3 mét. Dọc hai bên rạch, người dân lấn đất ra để bán. Hậu quả của việc lấn rạch Ông Trì là những lúc mưa lớn kéo dài, như hôm 30 tháng Tư, đoạn đường Cách Mạng tháng Tám đã "biến" thành sông.

Còn bà Trần Thị Lan, chủ một cửa hàng ở thị trấn Dương Đông, cho biết lúc trước tại đây có một con suối dẫn nước từ trên núi xuống biển, nhưng nay con suối đã bị lấp để xây nhà nên nước không thoát được.

Mới đây, trong buổi làm việc với Ủy Ban Nhân Dân xã Cửa Dương, ông Đinh Khoa Toàn, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Phú Quốc, cho biết đây là vấn đề "nóng" bởi chỉ qua vài cơn mưa trái mùa đã làm nhiều địa điểm của xã Cửa Dương ngập, không biết mùa mưa sẽ ngập khủng khiếp thế nào.

"Trước mắt đối với trường hợp lỡ cấp suối cho dân thì yêu cầu thu hồi ‘sổ đỏ,’ sau đó đo đạc rồi cấp lại giấy mới", ông Toàn nói.

Trong khi đó, bà Trần Mỹ Hiệp, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thị trấn Dương Đông, cho biết ủy ban đã xác định được bảy nhà dân lấn rạch Ông Trì. "Lãnh đạo thị trấn Dương Đông đang chờ bản trích đo của Văn Phòng Quản Lý Đất Đai huyện Phú Quốc, để xử lý vi phạm hành chính trước, nếu các hộ này không khắc phục sẽ tiến hành cưỡng chế", bà Hiệp nói.

Riêng tuyến đường Trần Hưng Đạo, ông Huỳnh Quang Hưng, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Phú Quốc, cho biết "do Sở Giao Thông Vận Tải Kiên Giang quản lý, huyện vẫn đang tìm giải pháp khắc phục tình trạng ngập lụt trên tuyến đường này". (Tr.N)

Quay lại trang chủ
Read 618 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)