Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

27/05/2018

Biển Đông : Việt Nam tất bật chạy đôn chạy đáo - lo ngại thật hay giả vờ ?

RFI tiếng Việt

Biển Đông : Trọng tâm chuyến thăm Nhật Bản của chủ tịch Việt Nam (27/05/2018)

Việt Nam muốn tăng cường hợp tác với Nhật Bản để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Trả lời phóng viên Nhật Bản tại Hà Nội ngày 25/05/2018, chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã khẳng định như trên, đồng thời ca ngợi những nỗ lực của Tokyo trong việc duy trì ổn định tại vùng biển này.

bien1

Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang. Ảnh ngày 30/08/2016.AFP

Chủ tịch nước Việt Nam sẽ thăm chính thức Nhật Bản trong vòng 5 ngày, từ ngày 29/05 đến 02/06/2018, sẽ hội kiến Nhật hoàng Akihito, hoàng hậu Michiko và gặp thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Theo trang The India Wire (26/05), ngoài hợp tác liên quan đến Biển Đông, chủ tịch Trần Đại Quang cho biết sẽ đề cập đến vấn đề đánh bắt hải sản và duy trì ổn định, tự do lưu thông an toàn trên khắp vùng biển, hiện đang bị Trung Quốc gia cố và quân sự hóa. Nhật Bản đã cung cấp nhiều tầu tuần tra và hỗ trợ an ninh hàng hải cho Việt Nam cùng với nhiều nước Đông Nam Á khác có tranh chấp với Trung Quốc.

Vẫn trong buổi phỏng vấn, chủ tịch Việt Nam bày tỏ hy vọng Hà Nội và Tokyo hợp tác để cùng giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp theo đúng luật pháp quốc tế.

Trong quan hệ thương mại, Hà Nội hy vọng Nhật Bản sẽ trở thành đối tác chính đối với hàng xuất khẩu Việt Nam sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định tự do Mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP). Từ năm 2017, Nhật Bản trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, chiếm 25% tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Thu Hằng

**********************

Ảnh vệ tinh : Trung Quốc triển khai thêm vũ khí ở Hoàng Sa (RFI, 26/05/2018)

Các ảnh vệ tinh do cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (Asian Maritime Transparency Initiative - AMTI) công bố ngày 24/05/2018 cho thấy là Trung Quốc đã triển khai thêm hệ thống vũ khí trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, vào ngày 12/05.

bien2

Hình ảnh vệ tinh của AMTI cho thấy Trung Quốc phát triển hệ thống vũ khí mới trên đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa, ngày 12/05/2018. CSIS AMTI/Handout via Reuters

Theo AMTI, một cơ quan thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - CSIS của Mỹ, các vũ khí nói trên có thể đã được sử dụng trong các cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông ngày 09/05. Nhưng do đến ngày 20/05, các hệ thống vũ khí đó không được loan báo là đã được dời khỏi đảo Phú Lâm, cho nên AMTI cho rằng chúng được đặt luôn tại đây.

Tuy nhiên, AMTI không thể xác định được cụ thể đó là những hệ thống vũ khí gì do chúng được che phủ. Họ chỉ có thể đoán rằng trong số này có các tên lửa địa đối không gắn trên xe tải và các tên lửa chống hạm, cùng các radar kèm theo.

Bên bờ phía bắc đảo Phú Lâm, họ đếm được 20 xe mới, trong đó có thể bao gồm các xe chở hệ thống tên lửa và một xe chở radar. Bên bờ phía đông, AMTI đếm được 2 xe tải và 4 xe được che phủ. Chiến đấu cơ J-11, được thiết kế để tác chiến trên không cũng như tấn công từ trên không, cũng được nhìn thấy trên đảo Phú Lâm. Theo AMTI, trước đây, chiến đấu cơ J-11 cũng từng được triển khai đến đảo Phú Lâm, gần đây nhất là vào tháng 10/2017.

Ngày 19/05, Tân Hoa Xã loan tin là không quân Trung Quốc lần đầu tiên đã điều động một nhóm oanh tạc cơ đến thao dượt quân sự ở "vùng biển phía Nam". Theo AMTI, các oanh tạc cơ đó đã đáp xuống đảo Phú Lâm.

Ngày 21/05, Việt Nam, qua lời phát ngôn viên bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, đã lên án hành động này của Trung Quốc là "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa", cũng như "làm gia tăng căng thẳng, gây bất ổn trong khu vực".

Thanh Phương

*********************

Việt - Trung : Tranh chấp Biển Đông lan sang ngành du lịch (RFI, 25/05/2018)

Vụ du khách Trung Quốc mặc áo in bản đồ đường lưỡi bò khiến dư luận Việt Nam phẫn nộ cho thấy là tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc trên vấn đề chủ quyền Biển Đông nay đã lan sang ngành du lịch. Sự kiện này cũng được báo chí quốc tế quan tâm, thể hiện qua một bài báo đăng trên trang Asia Times ngày 24/05/2018.

bien3

Biên phòng Việt Nam kiểm tra giấy tờ du khách và thương gia Trung Quốc tại một cửa khẩu Việt Nam. Ảnh chụp ngày 24/06/1999. AFP PHOTO/HOANG DINH NAM

Đêm 13/05 vừa qua, một đoàn du khách Trung Quốc sau khi xuống sân bay Cam Ranh thì bị phát hiện mặc áo thun in hình "đường lưỡi bò", tức là bản đồ mà Trung Quốc tự vẻ nên để khẳng định chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông. Sau đó cơ quan chức năng của sân bay đã yêu cầu những người này cởi bỏ áo thun. Nhóm khách Trung Quốc thì khẳng định với công ty du lịch của Việt Nam rằng họ đến một khu chợ tại Trung Quốc mua áo quần cho chuyến đi du lịch, "thấy áo đẹp nên mua mặc", chứ không có ý đồ gì cả.

Ngày 17/05 vừa qua, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam về vụ việc nói trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng không trả lời thẳng, mà chỉ nhắc lại lập trường của Việt Nam về Biển Đông : "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".

Nói chung, chính quyền Việt Nam có vẻ như xem vụ du khách Trung Quốc mặc áo in hình lưỡi bò chỉ là một sự cố nhỏ, như phát biểu của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn ngày 18/05 cho rằng cần xử lý "kịp thời" vụ này, nhưng phải "mềm dẻo, không để sự cố nhỏ ảnh hưởng đến đại cục".

Theo Asia Times, tuy cơ quan chức năng ở sân bay Cam Ranh đã yêu cầu các du khách Trung Quốc cởi bỏ ngay áo thun in đường lưỡi bò, nhưng hành động này không kịp để ngăn chận một làn sóng bài Trung Quốc trên các mạng xã hội. Dân Việt Nam trong những ngày qua đã đua nhau đăng lên Facebook các bức ảnh chụp những du khách Trung Quốc nói trên. Nhiều người đòi là phải trục xuất họ, những người khác thì chỉ trích các lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã không mạnh mẽ lên án hoặc xử lý nghiêm khắc vụ này.

Một số người đặt đặt câu hỏi là làm sao một nhóm đông du khách như vậy có thể phối hợp hành động theo một cách mà chắc chắn sẽ gây phẫn nộ người Việt Nam. Chính phủ Trung Quốc vẫn kiểm soát rất chặt chẽ các tour du lịch nước ngoài, điều này khiến nhiều người nghi ngờ là trong vụ này có sự đồng lõa của Nhà nước Trung Quốc.

Chính bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam, cho rằng đây là "những biểu hiện lợi dụng thông qua khách du lịch để tuyên truyền, quảng bá có ý đồ, có tổ chức, có sự chuẩn bị chứ không phải vô tình". Theo ông Mai Tiến Dũng, đối với những hành động này "cần phải phản bác và quản lý chặt chẽ".

Nói chung vụ áo thun in đường lưỡi bò đã làm bùng lên trở lại căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh do tranh chấp Biển Đông. Asia Times nhắc lại rằng vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014 đã dẫn đến các vụ bạo động chống Trung Quốc, khiến hơn 20 công dân Trung Quốc thiệt mạng, theo tin của Reuters (chính phủ Việt Nam chỉ thông báo có 4 người chết và hơn 100 người bị thương). Hàng trăm người Trung Quốc khác cũng đã phải di tản khỏi Việt Nam.

Nhưng gần đây, du khách Trung Quốc lại ồ ạt đổ sang Việt Nam. Các số liệu thống kê cho thấy trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, đã có gần 1,8 triệu du khách Trung Quốc đến Việt Nam, tăng đến gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Asia Times, tuy Trung Quốc là nguồn du khách chủ yếu, vụ du khách Trung Quốc mặc áo in đường lưỡi bò xảy ra tại Cam Ranh được nhiều người xem là có ý đồ. Hiện giờ người Việt Nam khi muốn đến quần đảo Trường Sa đang tranh chấp thì phải bay đến Cam Ranh, rồi từ đó đi tàu đến khu vực quần đảo này. Nhưng việc đi đến Trường Sa bị hạn chế nghiêm ngặt, ngay cả đối với công dân Việt Nam. Nhóm du khách Trung Quốc mặc áo in đường lưỡi bò có lẽ là đi đến thành phố biển Nha Trang gần đó.

Asia Times nhận xét là báo chí Việt Nam, mà toàn bộ do Nhà nước kiểm soát, đã đề cập đến vụ này với một giọng điệu gay gắt khác lệ thường, với những phản ứng đối nghịch với phản ứng của chính quyền. Trong một nước tự do, dân chủ, việc mặc những chiếc áo với những thông điệp gây tranh cãi có thê gây ầm ĩ trên mạng một thời gian, nhưng sau đó vụ việc sẽ lắng đi. Nhưng ở một quốc gia độc đảng như Việt Nam, người dân lại muốn hạn chế quyền tự do bày tỏ ý kiến của du khách thông qua trang phục.

Asia Times cũng trích dẫn ý kiến của một người Việt Nam nghi nhận rằng du khách Trung Quốc được tự do mua quần áo in bản đồ Biển Đông ở Trung Quốc, trong khi dân Việt Nam lại bị trấn áp khi xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc hay mặc áo thun in hình đường lưỡi bò bị gạch chéo.

Nhưng Asia Times lưu ý rằng trong khi Việt Nam tranh cãi nhau về chuyện áo thun và du khách, Trung Quốc vẫn tiếp tục lấn lướt trên Biển Đông. Chỉ vài ngày sau vụ việc nói trên, lại có tin là Bắc Kinh lần đầu tiên điều động oanh tạc cơ đến các đảo ở Biển Đông.

Tờ New Delhi Times ngày 22/05/2018 cũng đã có bài viết về vụ du khách Trung Quốc mặc áo thun in hình lưỡi bò, nhắc lại rằng ít nhất đây là vụ thứ tư liên quan đến các du khách Trung Quốc trong vòng hai năm trở lại đây. Theo tờ báo Ấn Độ, những vụ này cho thấy Bắc Kinh đang dùng "quyền lực mềm" để nhắc Việt Nam về tranh chấp Biển Đông và mỗi lần như thế thì công luận Việt Nam lại phẫn nộ.

Vào năm 2016, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã rút giấy phép của một công ty du lịch vì đã phục vụ những du khách Trung Quốc đốt giấy bạc Việt Nam. Cũng năm đó, Bắc Kinh đòi Việt Nam điều tra về việc công an cửa khẩu "viết bậy" vào họ chiếu của một du khách Trung Quốc. Cũng trong năm 2016, các hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc bị tố cáo là đã phổ biến những thông tin bóp méo lịch sử Việt Nam.

New Delhi Times trích lời tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn : "Nếu nhìn vào bức tranh rộng hơn, chúng ta có thể thấy là chính quyền Trung Quốc sử dụng ngày càng nhiều thường dân để quảng bá đòi hỏi chủ quyền của họ trên Biển Đông, từ ngư dân quân cho đến các du khách".

Giáo sư Alan Chong, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, được New Delhi Times trích dẫn cũng có cùng nhận xét :"Trong lịch sử, Trung Quốc vẫn khuyến khích công dân nước họ quảng bá chính sách đối ngoại khi đi ra nước ngoài, và đặc biệt là sửa chữa những cái nhìn "sai lệch" của thế giới về Trung Quốc. Mọi hình thức hoạt động của người dân ở bên ngoài đều có thể được hướng vào mục đích tuyên truyền".

Thanh Phương

Quay lại trang chủ
Read 825 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)