Hai tàu chiến Mỹ tiến lại gần quần đảo Hoàng Sa (VOA, 27/05/2018)
Hai tàu chiến của hải quân Mỹ đã tới gần các hòn đảo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông để thể hiện "quyền tự do hàng hải", Reuters đưa tin hôm 27/5, dẫn hai quan chức Mỹ.
Thủy thủ Mỹ trên tàu chiến Antietam.
Hãng tin Anh nhận định rằng, dù bước đi này đã được hoạch định nhiều tháng trước và nó đã trở thành thường lệ, động thái diễn ra ở một thời điểm nhạy cảm, vài ngày sau khi Hoa Kỳ rút lại lời mời Trung Quốc tham dự một cuộc thao dượt hải quân uy mô lớn do Mỹ tổ chức.
Reuters dẫn các quan chức Mỹ giấu tên cho biết rằng chiến hạm được trang bị trên lửa là Higgins và Antietam đã tiến vào phạm vi 12 hải lý cách các hòn đảo thuộc Hoàng Sa như Tri Tôn và Phú Lâm mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Hãng tin này cũng trích lời những người chỉ trích hoạt động này nói rằng động thái như trên ít tác động tới Trung Quốc và gần như chỉ mang tính biểu tượng.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 27/5 phản đối "sự khiêu khích" của Washington.
Trong tuyên bố ngắn được Reuters trích dẫn, Bộ này nói rằng hành động của Mỹ vi phạm chủ quyền của Trung Quốc vì hai tàu chiến tiến vào vùng lãnh hải của Bắc Kinh khi chưa được phép.
Bộ này cũng nói thêm rằng tàu và máy bay của Trung Quốc đã được triển khai để cảnh cáo và yêu cầu chiến hạm Mỹ rời đi.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung với các thủy thủ trên một tàu chiến của nước này ở Biển Đông hồi tháng Tư.
Các bức ảnh chụp từ vệ tinh hôm 12/5 cho thấy rằng Trung Quốc dường như đã triển khai các tên lửa đất đối không và tên lửa hành trình chống hạm ở Phú Lâm.
Đầu tháng này, không lực Trung Quốc đã cho các máy bay ném bom đáp xuống các đảo nhân tạo ở Biển Đông, gây quan ngại ở Việt Nam và Philippines.
Hoa Kỳ lâu nay muốn các nước khác cũng tham gia hoạt động thể hiện "quyền tự do hàng hải" ở Biển Đông.
Reuters cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy cuộc họp thượng đỉnh với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un đã gây thêm căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục tranh chấp về thương mại.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 24/5 chỉ trích Mỹ rút lại lời mời nước này tham dự cuộc diễn tập hải quân do Hoa Kỳ tổ chức có tên gọi Vành đai Thái Bình Dương, viết tắt là RIMPAC, vì việc quân sự hóa Biển Đông.
Theo Reuters, Bắc Kinh từng tham gia cuộc thao dượt hàng hải quốc tế được coi là lớn nhất thế giới, diễn ra hai năm một lần ở Hawaii vào tháng Sáu và tháng Bảy.
Tin cho hay, RIMPAC tạo cơ hội cho lực lượng vũ trang của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trao đổi trực tiếp, và điều này sẽ giúp giảm bớt căng thẳng cũng như tính toán sai lầm nếu đôi bên đối đầu trong tình thế xấu hơn.
Theo Reuters, Lầu Năm Góc nói rút lại lời mời vì Bắc Kinh quân sự hóa các hòn đảo ở Biển Đông.
Trong một tuyên bố ngắn, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng Hoa Kỳ đã "phớt lờ sự thật và làm rùm beng cái gọi là quân sự hóa Biển Đông", và lấy đó là cái cớ để không mời Trung Quốc.
*********************
Tàu chiến Mỹ đi sát quần đảo Hoàng Sa (RFA, 27/05/2018)
Reuters hôm 27/5 trích nguồn tin từ hai giới chức Hoa Kỳ giấu tên cho biết hai tàu chiến Mỹ vừa tiến hành cuộc tuần tra trong vòng 12 hải lý gần quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc kiểm soát ở khu vực Biển Đông vào cùng ngày.
Hình ảnh vệ tinh đảo Phú Lâm với những vũ khí mới được Trung Quốc triển khai - AMTI (CSIS)
Hai giới chức được Reuters dẫn tin cho biết động thái mới này của Mỹ có thể khiến Bắc Kinh tức giận trong khi Tổng thống Donald Trump đang cần sự cộng tác của Trung Quốc về vấn đề Bắc Hàn. Trước đó, Tổng thống Hoa Kỳ vừa tuyên bố huỷ bỏ cuộc gặp với Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jon Un dự định diễn ra ở Singapore trong tháng tới vì những lời nói mà ông cho là thù địch của Bắc Hàn nhắm vào Mỹ.
Theo hai giới chức Mỹ, hai tàu được nói là khu trục hạm có tên lửa dẫn đường Higgins và tuần dương hạn có tên lửa dẫn đường Antietam. Hai tàu đi qua các đảo Tree, Licoln, Triton và đảo Phú Lâm.
Đảo Phú Lâm là một căn cứ quân sự quan trọng của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi nước này triển khai những vũ khí quân sự và xây đường băng. Hình ảnh vệ tinh hôm 12/5 cho thấy Trung Quốc đã bố trí thêm những vũ khí mới ra đảo này, theo Chương trình Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI). Theo AMTI, các vũ khí này bao gồm tên lửa đất đối không, tên lửa hành trình chống ngầm và hệ thống radar.
Hôm 18/5 vừa qua Trung Quốc cũng lần đầu tiên lên tiếng xác nhận đã điều máy bay ném bom H-6k đến Biển Đông. Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, các máy bay này đã được triển khai đến đảo Phú Lâm.
Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ sau đó đã lên tiếng phản đối hành động này của Trung Quốc, coi đây là sự liên tục quân sự hoá Biển Đông của Trung Quốc.
Hoàng Sa là quần đảo hiện đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam. Ngoài Hoàng Sa, Trung Quốc cũng có tranh chấp về chủ quyền tại quần đảo Trường Sa với một số nước châu Á trong đó có Việt Nam.
Hoa Kỳ từ trước đến nay vẫn duy trì lập trường trung lập trong tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông nhưng nói Hoa Kỳ có quyền lợi về tự do hàng hải, và hàng không trong khu vực.
Từ năm 2015, Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra trong chương trình tự do hàng hải tại Biển Đông, theo đó các tàu chiến Mỹ đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo ở khu vực Biển Đông, thách thức đòi hỏi về chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.