Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

12/04/2019

Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện chính quyền cộng sản Việt Nam

Tổng hợp

Quá trình các vụ kiện giữa Trịnh Vĩnh Bình và Chính phủ Việt Nam (RFA, 12/04/2019)

Web

******************

Việt Nam nói phán quyết Trịnh Vĩnh Bình ‘lẽ ra là bí mật’ (BBC, 12/04/2019)

Mạng xã hội Việt Nam ồn ào hôm 12/4, trong lúc báo chí nhà nước im lặng, trước tin nói một tòa quốc tế ra phán quyết yêu cầu Việt Nam bồi thường hàng chục triệu đôla cho ông Trịnh Vĩnh Bình.

thangkien2

Vẻ mặt phấn khởi của ông Trịnh Vĩnh Bình sau khi rời khỏi một phiên tòa xét xử cuối tháng Tám (hình tư liệu)

Cuối ngày 12/4, Bộ Tư pháp Việt Nam ra thông cáo, xác nhận phán quyết đã có, nhưng theo quy định, 'các bên có trách nhiệm giữ bí mật'.

Bản tin riêng của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) nói tòa đã buộc Việt Nam phải bồi thường cho triệu phú người Hà Lan gốc Việt tổng cộng 37.581.596 đôla thiệt hại và gần 7,9 triệu đôla án phí.

Phóng viên VOA nói có phán quyết 200 trang, theo đó, Tòa án nói rằng chính phủ Việt Nam vi phạm Điều khoản 3(1) về Đối xử Công bằng và Thỏa đáng, và Điều 6 về trưng thu trong Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư lẫn nhau giữa Vương quốc Hà Lan và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tòa yêu cầu chính phủ Việt Nam bồi thường cho ông Bình 27.518.596 đôla cho phần tài sản đã chiếm của ông, 10 triệu đôla cho "thiệt hại tinh thần", 786.672,71 đôla cho án phí ở Tòa án Quốc tế và 7.111.170,94 đôla cho chi phí pháp lý, luật sư.

Thông cáo của Bộ Tư pháp Việt Nam thì nói ngày 10/4, Hội đồng Trọng tài được thành lập theo Quy tắc Trọng tài UNCITRAL đã ban hành Phán quyết về Vụ kiện đầu tư của ông Trịnh Vĩnh Bình đối với Chính phủ Việt Nam trên cơ sở Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Hà Lan.

"Theo quy định của tố tụng trọng tài, các bên có trách nhiệm giữ bí mật Phán quyết. Tuy nhiên, hiện nay, một số trang thông tin điện tử và mạng xã hội đưa tin, phản ánh không chính xác nội dung của Phán quyết cùng với những diễn giải, suy đoán chủ quan gây hiểu nhầm trong dư luận".

Bộ Tư pháp nói họ đang "phối hợp chặt chẽ" với các nơi liên quan để "nghiên cứu kỹ nội dung Phán quyết để thực hiện các bước tiếp theo phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích của Chính phủ Việt Nam".

Giới luật sư nói gì ?

"Muốn đầu tư ở Việt Nam mà tồn tại được thì ngoài hiểu luật ra thì biết lệ là điều cực kỳ quan trọng", luật sư Ngô Anh Tuấn từ Hà Nội nói với BBC sau thông tin ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện chính phủ Việt Nam.

"Để tồn tại và đứng vững, phát triển được doanh nghiệp ở Việt Nam thì rất cần thiết phải hiểu "lệ" vì lệ nhiều khi quan trọng hơn luật. Chính vì thế mà không ít nhà đầu tư thành danh ở nước ngoài nhưng không thể trụ ở Việt Nam vì quá "cứng nhắc" và "không chịu hiểu" sự khác nhau giữa luật và lệ ở Việt Nam".

"Lệ ở Việt Nam rất thông dụng, đó là chạy chọt, quan hệ. Nếu không có quan hệ thì khó tồn tại. Nhiều doanh nghiệp lớn tồn tại được là nhờ vào quan hệ để tham nhũng chính sách".

"Về phía Chính phủ Việt Nam, đây là bài học lớn đối với việc tuân thủ luật pháp quốc tế".

"Chính phủ Việt Nam tới nay vẫn quá quen với việc luôn thắng kiện dù người kiện là bất kỳ ai, khi việc kiện cáo diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam, được xử lý bằng pháp luật Việt Nam".

"Nhưng chính phủ Việt Nam cần ý thức được rằng pháp luật và sự bảo hộ của luật đối với Nhà nước Việt Nam chỉ có giá trị ở Việt Nam, không thể có giá trị khi các tranh chấp với nhà đầu tư được kiện ra Tòa án quốc tế".

Vụ kiện xuyên thế kỷ

Ông Trịnh Vĩnh Bình từng là doanh nhân thành đạt tại Hà Lan với biệt danh 'Vua Chả Giò'.

1947 : Ông Trịnh Vĩnh Bình sinh ra tại Sóc Trăng.

1976 : Ông Bình cùng vợ con và hai em vượt biên sang Hà Lan.

1981-1996 : Ông Bình về nước 63 lần, mang theo tổng cộng hơn 2,3 triệu USD và gần 100 kg vàng.

(Theo truyền thông Việt Nam)

1981-1990 : Ông Trịnh Vĩnh Bình ra về Việt Nam theo lời kêu gọi Việt kiều về nước đầu tư của chính phủ. Ông được cho là mang theo hơn 2 triệu đô la và 96 ký vàng để làm vốn.

Từ năm 1990 trở đi : Ông Bình đầu tư nhiều lĩnh vực tại Việt Nam như khách sạn, thủy hải sản, xuất khẩu, nông sản, rau quả, trồng rừng, và nhà đất.

Tài sản của ông sau 6 năm được cho là đã tăng lên 8 lần số vốn ban đầu.

5/12/1996 : Ông Trịnh Vĩnh Bình bị bắt với cáo buộc tội "trốn thuế" và bị giam 18 tháng trước khi bị đưa ra xét xử với cáo buộc "vi phạm các quy định về quản lý đất đai" và tội "hối lộ".

8/1998 : Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên ông Bình 13 năm tù vì tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai và tội đưa hối lộ. Ông phạt 400 triệu đồng, tịch thu tài sản được cho là "sang nhượng bất hợp pháp".

1999 : Tòa phúc thẩm giảm án cho ông Bình từ 13 năm xuống thành 11 năm tù. Tuy nhiên ông Bình không thi hành án mà bỏ trốn về Hà Lan. Tại Hà Lan, ông Bình nộp đơn lên Tòa án Quốc tế khởi kiện chính phủ Việt Nam.

2003 : Việt Nam miễn chấp hành hình phạt tù trước đó và đồng ý để ông Bình trở lại Việt Nam, đồng thời xem xét trả một số tài sản cho ông.

2005 : Chính phủ Việt Nam được cho là 'dàn xếp' bên ngoài tòa với ông Bình và đền ông 15 triệu đôla, miễn án, tạo điều kiện cho ông Bình trở lại Việt Nam, đồng thời hoàn trả tài sản đã tịch biên.

1/2015 : Ông Trịnh Vĩnh Bình kiện Chính phủ Việt Nam ra Tòa án Trọng tài Quốc tế thuộc Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), đòi bồi thường 1,25 tỷ đô la do chính phủ Việt Nam được cho là đã 'lần lữa' không trả ông bất kỳ tài sản nào như đã hứa, ngoài số tiền đền bù 15 triệu đô la.

Số tài sản mà ông Bình bị chính phủ Việt Nam tịch thu là gần 2,5 triệu m2 đất, 11 căn nhà nằm rải rác từ Thành phố Hồ Chí Minh, dọc Quốc lộ 51, Vũng Tàu, nhiều khu đất, xưởng sản xuất.

********************

Bộ Tư pháp lên tiếng về vụ ông Trịnh Vĩnh Bình kiện Chính phủ (VnExpress, 12/04/2019)

Thông tin về phán quyết vụ kiện đầu tư của ông Trịnh Vĩnh Bình với Chính phủ Việt Nam bị Bộ Tư pháp cho rằng "không chính xác".

Trong thông cáo phát chiều 12/4, Bộ Tư pháp cho hay ngày 10/4 Hội đồng Trọng tài được thành lập theo Quy tắc Trọng tài UNCITRAL đã ra phán quyết về vụ kiện đầu tư của ông Trịnh Vĩnh Bình với Chính phủ Việt Nam. Theo quy định tố tụng, các bên "có trách nhiệm giữ bí mật phán quyết".

Bộ Tư pháp khẳng định một số trang thông tin điện tử và mạng xã hội đưa thông tin "phản ánh không chính xác nội dung của phán quyết cùng với những diễn giải, suy đoán chủ quan, gây hiểu nhầm". 

Đảm bảo tối đa quyền lợi của Chính phủ Việt Nam, Bộ Tư pháp cho hay đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền cùng công ty luật đại diện để thực hiện các bước tiếp theo.

Trước đó, từ ngày 10/4, trên một số trang mạng đã đưa tin Hội đồng Trọng tài quốc tế ra phán quyết ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện và Chính phủ Việt Nam phải bồi thường số tiền lớn.

thangkien3

Ông Trịnh Vĩnh Bình bị Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát lệnh truy nã do không thi hành án.

Năm 1998, ông Bình bị tòa án sơ thẩm phạt 13 năm tù về hai tội : Vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ đất đai và Đưa hối lộ. Hội đồng xét xử huỷ toàn bộ các quyết định giao đất, hợp đồng mua bán đất trái phép và giao những bất động sản của ông Bình cho chính quyền địa phương quản lý...

Cơ quan tố tụng xác định, năm 1976 ông Trịnh Vĩnh Bình cùng một số người thân vượt biên sang Hà Lan. Từ năm 1981 đến tháng 8/1996, ông về nước 63 lần, mang theo tổng cộng hơn 2,3 triệu USD và gần 100 kg vàng. Thời điểm này pháp luật chưa cho phép Việt kiều mua bán, sở hữu, đứng tên nhà cửa, đất đai. 

Năm 1992, ông Bình và một số nhân viên đưa hối lộ 510 triệu đồng hai cán bộ nhà nước để mẹ và các em vợ được nhận hơn 500 ha đất trồng rừng... Cuối năm 1996, ông Bình thu gom gần 2,5 triệu m2 đất, 11 căn nhà nằm rải rác từ Thành phố Hồ Chí Minh, dọc Quốc lộ 51, thành phố Vũng Tàu. 

Tại phiên phúc thẩm sau đó, Toà Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định "hành vi mua bán đất đai trái phép của ông Bình không được coi là đầu tư". Bản án phúc thẩm giảm hình phạt với ông Bình xuống còn 11 năm tù.

Không thi hành bản án đã có hiệu lực, ông Bình về Hà Lan.

Năm 2003 với tư cách nhà đầu tư, ông Bình nhờ tổ hợp luật sư kiện Chính phủ Việt Nam đòi bồi thường thiệt hại. Căn cứ khởi kiện là các quy định của Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký kết với Hà Lan vào năm 1994.

Năm 2006, ông Bình được Chính phủ Việt Nam miễn chấp hành hình phạt tù trước đó, cho về Việt Nam và xem xét giải quyết trả một số tài sản hợp pháp. Tuy nhiên, do sai phạm của một số cá nhân tại cơ quan thi hành án ảnh hưởng đến tài sản của ông Bình nên việc này chưa được thực hiện.

Tháng 1/2015, ông Bình đâm đơn kiện lần thứ hai, đòi bồi thường 1,25 tỷ USD. 

Việt Dũng

***************

Một phản ứng kiệt sức (RFA, 12/04/2019)

Kết quả phán quyết của tòa án Quốc tế buộc Việt Nam phải trả cho ông Trịnh Vĩnh Bình tổng cộng hơn 45 triệu đô la không những là tiếng chuông công lý cảnh báo hệ thống tư pháp Việt Nam mà còn mở mắt cho đại bộ phận người dân Việt Nam biết rằng họ không phải sống trong ốc đảo thông tin và mọi diễn biến trên thế giới sẽ gây tác động tới từng gia đình Việt Nam mặt này hay mặt khác.

thangkien4

Ông Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam nhằm lấy lại tài sản hợp pháp còn vướng lại Việt Nam cũng như những mất mát tù đày bất công đối với ông.

Là một Việt kiều Hà Lan, Trịnh Vĩnh Bình đã nổi tiếng từ thập niên 90 của thế kỷ trước vì đã về Việt Nam rất sớm để đầu tư vào bất động sản và sản xuất thủy sản tại Vũng Tàu. Trong một thời gian chưa tới 10 năm ông đã tạo dòng vốn của mình hơn 8 lần lúc ban đầu đã làm lòng tham của chính quyền địa phương để ý và kiếm cách chiếm đoạt. Trong một vụ kiện do ông Bình là nguyên đơn kiện người thân và nhân viên đã sai trái trong vấn đề thu chi khi đại diện cho ông vận hành những cơ sở sản xuất bề thế. Công an Bà Rịa Vũng Tàu đã vào cuộc và bị cáo biến thành người vô tội còn ông Bình trở thành người gian lận thuế và "vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai".

Tòa án tuyên phạt ông 13 năm tù giam sau đó "ân xá" xuống còn 11 năm. Công an đã cố tình thả ông bằng cách cho ông tại ngoại 7 ngày và làm ngơ để ông trốn về Hà Lan, nơi ông vốn mang quốc tịch thứ hai sau khi vượt biên vào năm 1976.

Ông Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam nhằm lấy lại tài sản hợp pháp còn vướng lại Việt Nam cũng như những mất mát tù đày bất công đối với ông. Trong khi chờ đợi, Việt Nam đã thỏa thuận trả cho ông 15 triệu đô la và hứa sẽ giao lại tài sản của ông tại Việt Nam cũng như cho phép ông kinh doanh trở lại.

Tuy nhiên hai năm sau ông Trịnh Vĩnh Bình lại tái khởi kiện vì Việt Nam thất tín không giữ lời hứa. Tòa án Quốc tế tiếp tục thụ lý và kết quả được tuyên vào ngày 10 tháng 4 buộc chính phủ Việt Nam phải trả cho ông Bình 37.581.596 đôla thiệt hại và gần 7,9 triệu đôla án phí.

Báo chí trong nước tuy tiếp cận được thông tin này từ các hãng thông tấn nước ngoài nhưng hoàn toàn không có lấy một dòng nào trên báo giấy hay báo mạng. Hai ngày sau Bộ Tư pháp Việt Nam ra thông cáo về bản án này trong đó có nội dung : "Theo quy định của tố tụng trọng tài, các bên có trách nhiệm giữ bí mật Phán quyết. Tuy nhiên, hiện nay, một số trang thông tin điện tử và mạng xã hội đưa tin, phản ánh không chính xác nội dung của Phán quyết cùng với những diễn giải, suy đoán chủ quan gây hiểu nhầm trong dư luận. Bộ Tư pháp đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và Công ty Luật đại diện cho Chính phủ Việt Nam nghiên cứu kỹ nội dung Phán quyết để thực hiện các bước tiếp theo phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích của Chính phủ Việt Nam".

Người dân biết rõ vụ việc hơn Bộ Tư pháp vì thông tin của vụ án tràn ngập mạng xã hội cũng như trên các phương tiện truyền thông Việt Ngữ nước ngoài. Người dân không bất ngờ khi bản thông báo nhấn mạnh tới điểm "Theo quy định của tố tụng trọng tài, các bên có trách nhiệm giữ bí mật Phán quyết" như một lời cáo buộc, một phản hồi bản án và có vẻ đây là tiền đề để chính phủ không tuân thủ phán quyết của Tóa án Quốc tế.

Văn bản này rơi vào sự dửng dưng của người đọc vì nó không mang một thông tin nào khả dĩ làm cho dân chúng tin rằng phán quyết này đi ngược lại công lý hay ít ra Việt Nam sẽ còn có cơ hội yêu cầu một phiên xử khác. Trách nhiệm giữ bí mật nếu có sẽ được tòa cho phép trong khi phiên tòa còn đang diễn tiến vì tránh những thông tin bất lợi cho bị cáo. Hai nữa các bên có trách nhiệm giữ bí mật phán quyết nếu có sự đồng thuận của nguyên đơn, mà trường hợp Việt Nam gặp gỡ với ông Trịnh Vĩnh Bình tại Singapore là một ví dụ, thì phán quyết ấy mới có giá trị.

Ông Trịnh Vĩnh Bình đã công khai việc khởi tố chính phủ Việt Nam trên các báo đài ngoại quốc từ nhiều năm trước, ông không chịu trách nhiệm gì về việc giữ bí mật như Bộ Tư pháp Việt Nam cố tình gán ghép như một sự bất cẩn của tòa án đối với kết quả phiên tòa.

Trong thông báo này Bộ Tư pháp đã trình bày ngắn gọn nguyên nhân xảy ra vụ kiện nhưng lờ đi vụ chi trả 15 triệu đô la cho ông Trịnh Vĩnh Bình vào năm 2006 tại Singapore. Sự giấu giếm này cho thấy chính phủ Việt Nam vẫn còn có tư duy không chịu thua cuộc đối với người dân, kể cả thỏa thuận rồi nuốt lời đối với người thắng cuộc. Tâm lý xem thường trọng tài quốc tế vẫn đè nặng lên đầu các quan lại cộng sản và họ chỉ chịu thua khi thông tin chính thức tung ra trên các cơ quan thông tấn nước ngoài.

Người ta từng có nghi ngờ các quan chức trong guồng máy chính trị hiếm có người nào biết facebook là gì, nếu các quan chức Bộ Tư pháp biết rằng ngay sau khi phán quyết được công bố, chỉ 15 phút sau chính ông Trịnh Vĩnh Bình đã vui mừng công bố cho toàn thế giới mà mạng Facebook tại Việt Nam tràn đầy hình ảnh lẩn thông tin của vụ án.

Xem thường sự hiểu biết của dân chúng là lề thói của cán bộ các cấp và đổi lại chính người dân tủm tỉm cười trước sự ngây ngô và "tự hào" của hệ thống thông tin Việt Nam. Bài học về sự tráo trở đối với giới kinh doanh trong lẫn ngoài nước vẫn không làm Việt Nam sáng mắt, bởi họ tin như đinh đóng cột rằng "cứ lập lại nhiều lần một lời giả trá thì cuối cùng dân sẽ tin đó là sự thật"

Câu nói kinh điển này chỉ đúng đối với Bắc Triều Tiên, nơi được xem là ốc đảo thông tin, còn với Việt Nam, không những điện thoại, internet và bây giờ lại có thêm facebook thì e rằng câu nói ấy chỉ dành cho cán bộ với nhau mà thôi.

Cánh Cò

*******************

Vụ án Trịnh Vĩnh Bình : Phản ứng của Bộ Tư Pháp có hợp lý ? (RFA, 12/04/2018)

Vào ngày 10 tháng 4 năm 2019, Hội đồng Trọng tài được thành lập theo Quy tắc Trọng tài UNCITRAL đã ban hành Phán quyết về Vụ kiện đầu tư của ông Trịnh Vĩnh Bình đối với Chính phủ Việt Nam, mà theo đó ông Trịnh Vĩnh Bình đã chiến thắng trong vụ kiện.

thangkien5

Ông Trịnh Vĩnh Bình trước Tòa Án Quốc Tế năm 2017. (Ảnh minh họa) - RFA PHOTO / Tường An

Đây là vụ kiện được mệnh danh là vụ kiện "thế kỷ" giữa triệu phú Trịnh Vĩnh Bình, công dân Hà Lan, với chính phủ Việt Nam. Ông Bình kiện chính phủ Việt Nam đã vi phạm Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Hà Lan và Việt Nam, cũng như bắt giam ông bất hợp pháp. Theo đơn kiện, ông đòi chính phủ Việt Nam phải trả tiền bồi thường là 1,25 tỷ đô la.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 11/4, Ông Trịnh Vĩnh Bình không muốn công bố cụ thể số tiền mà chính phủ Việt Nam sẽ phải trả ông là bao nhiêu và bao giờ sẽ phải thực hiện. Tuy nhiên bản tin của VOA vào ngày 11/4 trích phán quyết của tòa cho biết chính phủ Việt Nam phải trả cho ông Bình tổng cộng 37.581.596 đô la thiệt hại và gần 7,9 triệu đô la án phí. Trong số này có 10 triệu đô la tiền tổn thất về tinh thần.

Vào ngày12/4/2019, Bộ Tư pháp ra thông báo chính thức liên quan vụ kiện này. Bộ Tư Pháp Việt Nam cho rằng, hiện nay, một số trang thông tin điện tử và mạng xã hội đưa tin, phản ánh không chính xác nội dung của Phán quyết cùng với những diễn giải, suy đoán chủ quan gây hiểu nhầm trong dư luận.

Trong thông cáo của mình, Bộ tư pháp cũng cho biết, theo quy định của tố tụng trọng tài, các bên có trách nhiệm giữ bí mật Phán quyết.

Trao đổi với chúng tôi hôm 12/4, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà quan sát độc lập làm việc tại Singapore nhận định :

"Bộ Tư Pháp Việt Nam có ra một thông báo, rằng thông tin trên mạng xã hội liên quan vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình chưa chính xác, và họ có nói thêm một số thông tin khác nữa như đảm bảo bí mật giữa các bên thêm gia vụ kiện, rồi các xu thế khác nhau. Nhưng mà nói thì nói thế thôi, chứ nếu việc như chính ông Trịnh Vĩnh Bình công bố ra thì phía Việt Nam cũng không cần phải thông báo như thế. "

Sau thông cáo của Bộ Tư Pháp, ông Trịnh Vĩnh Bình vẫn khẳng định thông tin ông chiến thắng là đúng và cũng khẳng định rằng ông không cung cấp số tiền phải bồi thường cũng như giấy tờ liên quan đến phán quyết của tòa cho bất cứ ai.

Theo Tiến sĩ Hợp, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào quốc tế về kinh tế, văn hóa, xã hội… trên một nền pháp lý hoàn thiện hơn, vì vậy, Việt Nam nên có một cách cởi mở, thân thiện, công bằng hơn, sẵn sàng tiếp nhận thông tin từ tất cả các phía, để làm sao Việt Nam là một đất nước hưởng lợi bởi đầu tư nước ngoài có một hình ảnh tích cực về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Còn theo Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập thì vụ kiện này đáng lý ra là chính phủ Việt Nam phải biết trước là họ thua, có lẽ là trước đây họ quá chủ quan, không đề phòng chuyện này, và cuối cùng ông Trịnh Vĩnh Bình đã thắng. Theo ông, đây có thể nói đây là một tiền đề, khi Việt Nam ra quốc tế hay đi vào các vụ kiện quốc tế, thì khả năng rất lớn là chính phủ Việt Nam sẽ thua.

"Đó là bài học rất lớn đối với chính phủ Việt Nam, họ không thể hành xử ở quốc tế giống như ở trong nước được. Ở trong nước thì luôn luôn có những cái án bỏ túi, đặc biệt là những cái án chính trị xử lý những người đấu tranh dân chủ, bất đồng chính kiến, phản biện, bằng án bỏ túi. Nhưng mà ra quốc tế thì mọi chuyện phải bình đẳng, sòng phẳng, và không thể có chuyện Việt Nam đi cửa trong cửa ngoài, đi đêm, thỏa thuận ngầm… để có những bản án bỏ túi như vậy".

thangkien6

Công ty Bình Châu của ông Trịnh Vĩnh Bình trước khi bị tịch thu. Photo courtesy of Trịnh Vĩnh Bình

Triệu phú Trịnh Vĩnh Bình từng đem 3 triệu đô la Mỹ về đầu tư ở Việt Nam vào cuối năm 1987. Tuy nhiên vào năm 1998, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bắt ông với cáo buộc hối lộ và vi phạm các quy định về quản lý – bảo vệ đất đai. Ông bị giam 18 tháng 20 ngày và 1 năm 6 tháng quản chế. Năm 1999, ông bị tuyên án tù 11 năm và bị tịch thu toàn bộ tài sản.

Năm 2000 ông trốn tù, vượt biên lần nữa trở lại Hà Lan. Năm 2003 ông kiện chính phủ Việt Nam tại một tòa án ở Thụy Điển. Để tránh vụ kiện này chính phủ Việt Nam đã ký một thỏa thuận với ông ở Singapore vào năm 2006, theo đó thì ông sẽ giữ bí mật thỏa thuận này, không kiện nữa, và đổi lại chính phủ Việt Nam phải bồi thường cho ông số tiền là 15 triệu đô la Mỹ, trả lại tất cả các tài sản đã bị tịch thu của ông. Nhưng ông nói với thông tín viên Tường An của đài RFA tại Châu Âu rằng chính phủ Việt Nam đã không giữ lời hứa nên một lần nữa ông đã kiện chính phủ Việt Nam.

Trao đổi với chúng tôi hôm 12/4, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương nhận định :

"Tôi thấy đấy là một sự việc rất đáng tiếc. Những người khi đó xử lý vụ việc của ông Trịnh Vĩnh Bình đã không tính đến, không tôn trọng các quy định pháp luật ở trong nước, cũng như các quy định pháp luật về đầu tư nước ngoài. Lúc bấy giờ, người ta coi ông Trịnh Vĩnh Bình là người Việt Nam, một Việt Kiều quay trở về nước đầu tư hơn là một nhà đầu tư nước ngoài. Chính sự nhầm lẫn đó dẫn đến các quyết định không phù hợp dẫn đến các diễn biến và các hệ quả đáng tiếc. Tôi nghĩ đây là bài học đau xót và Việt Nam phải rút kinh nghiệm. Mặc dù báo chí trong nước có thể là không đăng nhưng tôi nghĩ các quan chức có liên quan nhà đầu tư nước ngoài, liên quan Việt Kiều cần xem xét kỹ, rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc. Để tránh không lập lại các sai sót như đã diễn ra".

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng, vụ việc ông Trịnh Vĩnh Bình xảy ra vào khoảng thời gian Việt Nam còn mới mở cửa, hệ thống văn bản pháp luật còn kém :

"Chính phủ chỉ có một văn bản nhỏ, một văn bản mập mờ. Cũng may là vào năm 1994 Việt Nam có ký một thỏa thuận liên quan đầu tư với chính phủ Hà Lan. Thì bây giờ trên cơ sở ấy Tòa quốc tế phán quyết ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện".

Đổi mới là một chương trình cải cách toàn diện bao gồm kinh tế và nhiều khía cạnh khác của đời sống xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng vào thập niên 1980. Đổi mới về kinh tế được chính thức thực hiện từ Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần VI, năm 1986.

Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt nam năm 1987 được xây dựng từ văn bản pháp quy đầu tiên quy định về đầu tư nước ngoài 1977. Được sửa đổi, bổ sung vào năm 1990 và năm 1992 ; và đến năm 1996 Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Cũng trong những năm này, Việt Nam bắt đầu ký các hiệp định khuyến khích đầu tư với các nước, trong số đó có Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Hà Lan được ký kết năm 1994.

Theo Bộ Kế Hoạch Đầu Tư, tính đến ngày 20/9/2018, tại Việt Nam có 26.646 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 334 tỷ USD. Trong giai đoạn 1994-2000 đầu tư nước ngoài đóng góp vào nguồn thu ngân sách 1,8 tỷ USD, trong khi giai đoạn 2011 - 2015, thu ngân sách từ khu vực đầu tư nước ngoài đạt 23,7 tỷ USD.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình cho thấy một thất bại chính trị và ngoại giao của chính phủ Việt Nam, và cảnh báo nếu không cẩn thận, Việt Nam sẽ còn phải nhận thêm các vụ tương tự :

"Qua vụ này thì có thể thấy thêm một thất bại chính trị, thất bại ngoại giao của chính phủ Việt Nam trên trường quốc tế. Tôi không nghĩ sau vụ này thì môi trường đầu tư bị ảnh hưởng nhiều, chỉ có điều sau vụ Trịnh Vĩnh Bình thì sẽ có một số vụ kiện ở trong nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kiện chính phủ Việt Nam, kiện chính quyền địa phương ở Việt Nam, đem ra tòa quốc tế thay vì đem ra tòa ở Việt Nam. Thì lúc đó Việt Nam sẽ phải lãnh nhận hàng loạt các vụ thất bại mới".

Ngoài vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình, trang tin The Guardian hôm 15/8/2018, trích thông tin điều tra của Finance Uncovered cho biết, hai tập đoàn dầu khí đa quốc gia là ConocoPhillips và Perenco đã đệ đơn lên tòa án thuộc Liên Hiệp Quốc để được phân xử không phải trả thuế cho Chính phủ Việt Nam trong thương vụ giao dịch của hai công ty này theo Luật Thương mại Quốc tế.

Tin cho biết ConocoPhillips đã bán hai công ty con nằm ở Việt Nam cho Tập đoàn Perenco. Thương vụ được bán với giá 1,3 tỷ đô la Mỹ và ConocoPhillips thu về lợi nhuận 896 triệu USD. Chính phủ Việt Nam cho biết sẽ thu khoảng 179 triệu USD tiền thuế lợi nhuận trong thương vụ này.

Người phát ngôn của ConocoPhillips giải thích rằng việc mua bán giữa hai công ty cư trú ở Anh nên không phải trả tiền thuế cho Chính phủ Việt Nam, và ConocoPhillips sẽ tìm kiếm tất cả các biện pháp pháp lý để chống lại việc thu thuế của Chính phủ Việt Nam trong giao dịch đó.

Cho đến nay, phía Tập đoàn ConocoPhillips và Hội đồng trọng tài vẫn chưa cung cấp các thông tin về địa điểm và thời gian phiên tòa sẽ diễn ra.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định :

"Đây là một bài học rất lớn cho chính phủ Việt Nam, và nếu không rút ra được bài học lớn như thế này, thì số tiền phải bồi thường cho ông Trịnh Vĩnh Bình tính luôn án phí khoảng 45 triệu USD chỉ là chuyện nhỏ, mà sẽ còn những thất bại rất lớn. Ví dụ như Việt Nam muốn kiện Trung Quốc ra Tòa quốc tế The Hague, về vấn đề biển Đông. Ngay cả có kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, nếu Việt Nam không chuẩn bị đầy đủ cơ sở dữ liệu về pháp lý cần thiết thì vẫn có thể thua như thường. Mặc dù về lý là Việt Nam đúng nếu kiện về vấn đề chủ quyền biển Đông thuộc về Việt Nam. Do quá trình chuẩn bị quá tồi tệ nên Việt Nam vẫn có thể thua như thường".

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì cho rằng, phía Việt Nam phải có sự chuẩn bị để có thể đáp ứng các yêu cầu kiện cáo, điều quan trọng phải chuẩn bị hồ sơ và có các luật sư am hiểu luật quốc tế, am hiểu tình tiết để tránh lập lại các trường hợp như vụ Trịnh Vĩnh Bình.

Trung Khang

*****************

Chính phủ Việt Nam chính thức thua kiện Trịnh Vĩnh Bình tại Tòa án Quốc tế (VOA, 11/04/2019)

Tòa án Trọng tài Quc tế va gi thông báo thng kin cho ông Trnh Vĩnh Bình, người đã theo đui v kin xuyên thế k đi với chính ph Vit Nam. Theo đó, chính ph Vit Nam buc phi bi thường cho triu phú người Hà Lan gc Vit tng cng 37.581.596 đôla thit hi và gn 7,9 triu đôla án phí.

thangkien7

Triệu phú Trnh Vĩnh Bình là mt trong những Vit kiu đu tiên tr v nước đu tư sau khi Vit Nam m ca.

Đây được xem là mt s kin chưa tng có đi vi chính ph Vit Nam khi phi bi thường s tin ln như vy cho mt doanh nhân gc Vit vì đã chiếm đot sai trái tài sn đu tư ca h ti Vit Nam.

Trong thông báo kèm theo phán quyết dài gn 200 trang gi cho ông Trnh Vĩnh Bình mà VOA đc được, Tòa án Quc tế nói rng bên b đơn (chính phủ Vit Nam) đã vi phm Điu khon 3(1) v Đi x Công bng và Tha đáng, và Điu 6 v trưng thu trong Hip đnh Khuyến khích và Bo h đu tư ln nhau gia Vương quc Hà Lan và nước Cng hòa Xã hi Ch nghĩa Vit Nam.

Tòa cũng yêu cầu chính ph Vit Nam bồi thường cho ông Bình 27.518.596 đôla cho phn tài sn đã chiếm ca ông, 10 triu đôla cho "thit hi tinh thn", 786.672,71 đôla cho án phí Tòa án Quc tế và 7.111.170,94 đôla cho chi phí pháp lý, lut sư.

Trả li VOA ngay sau khi nhn được thông báo thắng kin t Tòa án Quc tế, triu phú đã hơn 70 tui xúc đng nói : "Qua hơn 20 năm tranh đu đ đòi li công lý, tôi thy con đường Tòa án Quc tế là rt tt. H rt công tâm. H x trng ra trng, đen ra đen. Cho nên v mt lut pháp, công lý thì v này là rất rõ ràng. Tòa án đã cho mình thy là nhng gì mình trông đi Tòa án đ cnh báo chính ph Vit Nam v nhng vic làm sai trái ca h, nhng gì đang xy ra hng ngày Vit Nam và vn đang tiếp tc xy ra, thì h phi điu chnh li".

Triệu phú gc Vit nói rng ông hy vng v kin ca ông s m ra mt con đường cho nhng người dân khác mt đt đai, tài sn ti Vit Nam mun giành li công lý.

"Đây có thể là mt du hiu cho chính ph Vit Nam thy rng nhng ngày ti đây, h không nên khinh xut bắt b người vô ti hoc đ cho con ông cháu cha, nhng người có thế lc, vây cánh chiếm đot tài sn mt cách vô ti v, chiếm đot mt cách hp pháp bng cách ‘cưỡng chế’ theo lut pháp Vit Nam, nhưng dĩ nhiên, theo lut pháp quc tế thì đây là mt s vi phạm trng trn".

Ông cảnh báo chính ph Vit Nam "hãy coi chng" vì t v kin ca ông, người dân Vit Nam s "có cơ s" đ tiếp tc khi kin trong tương lai.

*********************

Vua ‘chả giò’ Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện chính phủ Việt Nam (RFA, 11/04/2019)

Vua ‘chả giò’ Trịnh Vĩnh Bình, việt kiều Hà Lan đã thắng kiện chính phủ Việt Nam trong vụ kiện ‘thế kỷ’ đòi bồi thường 1,25 tỷ đô la. Triệu phú Trịnh Vĩnh Bình cho Đài Á Châu Tự Do biết tin này vào ngày 10/4 vừa qua sau khi có phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế ở Paris, Pháp.

thangkien8

Hình minh họa. Ông Trịnh Vĩnh Bình - RFA

Ông Trịnh Vĩnh Bình không muốn công bố cụ thể số tiền mà chính phủ Việt Nam sẽ phải trả ông là bao nhiêu và bao giờ sẽ phải thực hiện. Tuy nhiên bản tin của VOA vào ngày 11/4 trích phán quyết của tòa cho biết chính phủ Việt Nam phải trả cho ông Bình tổng cộng 37.581.596 đô la thiệt hại và gần 7,9 triệu đôl a án phí. Trong số này có 10 triệu đô la tiền tổn thất về tinh thần. Đài Á Châu Tự Do chưa thể xác định được thông tin này. Tòa Trọng tài Quốc tế từ chối cung cấp thông tin về vụ án và phán quyết của tòa.

Lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do sau phán quyết của tòa, ông Bình nói "Chính phủ Việt Nam cần phải cẩn thận. Không dễ gì tịch thu tài sản của người khác. Chắc chắn sẽ còn những vụ kiện khác nữa trong thời gian tới".

Ông Trịnh Vĩnh bình không cho biết cụ thể sắp tới ông sẽ kiện chính phủ Việt Nam những gì.

Đây là vụ kiện lần 2 giữa ông Trịnh Vĩnh Bình và chính phủ Việt Nam được bắt đầu vào năm 2014. Ông Trịnh Vĩnh Bình đòi chính phủ Việt Nam bồi thường vì vi phạm luật đầu tư liên quan đến Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương giữa Hà Lan và Việt Nam và vi phạm nhân quyền vì bắt giữ ông trái pháp luật.

Theo Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa hai nước, Việt Nam sẽ phải tuân thủ phán quyết của tòa.

Nhà triệu phú Trịnh Vĩnh Bình từng đem 3 triệu đô la Mỹ về đầu tư ở Việt Nam vào cuối năm 1987. Tuy nhiên vào năm 1998, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bắt ông với cáo buộc hối lộ và vi phạm các quy định về quản lý – bảo vệ đất đai. Ông bị giam 18 tháng 20 ngày và 1 năm 6 tháng quản chế. Năm 1999, ông bị tuyên án tù 11 năm và bị tịch thu toàn bộ tài sản.

Năm 2000, ông Trịnh Vĩnh Bình trốn ra ngoài và vượt biên về Hà Lan. Đến năm 2003, ông khởi kiện nhà nước Việt Nam tại Trung tâm trọng tài Thương mại Stockholm, Thụy Điển, đòi bồi thường trên 150 triệu đô la.

Vào tháng 12 năm 2006, trước khi vụ kiện diễn ra, Việt Nam đã thương lượng với ông Bình để ký một thỏa thuận tại Singapore mà theo đó ông Bình ngưng vụ kiện và chính phủ Việt Nam cam kết trả lại tài sản, bồi thường các khoản chí phí phát sinh từ việc theo đuổi phiên tòa, cũng như tạo điều kiện để ông trở lại đầu tư ở Việt Nam. Đổi lại, phía Việt Nam đề nghị ông Bình phải rút đơn khỏi tòa Trọng tài Quốc tế và không tiết lộ nội dung thỏa thuận.

Tuy nhiên đến năm 2014, ông Bình tiếp tục kiện chính phủ Việt Nam lần thứ hai tại Tòa trọng tài Quốc tế ở Paris, Pháp với cáo buộc Việt Nam không thực hiện đúng cam kết trả tiền và tài sản cho ông trong lần thỏa thuận ngoài tòa lần trước. Ông Bình mướn văn phòng luật sư King & Spalding LLP ở Houston, Texas, đại diện cho ông.

Vào tháng 8 năm 2017, sau phiên tòa ở Paris, ông Bình xuất hiện ngoài phiên tòa với gương mặt vui vẻ và ra dấu hiệu chiến thắng nhưng phán quyết của tòa vẫn chưa được công bố.

Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ, Phó Thủ tướng Mai Tiến dũng sau đó nói với báo chí trong nước rằng : "Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là tạo môi trường kinh doanh rất bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài vào trong nước. Hiện nay tòa án quốc tế đang xem xét, với việc tranh chấp, vi phạm điều luật. Như các báo đều biết, vì vấn đề bảo hộ đầu tư nên một địa phương, một cơ quan nào vi phạm hoặc không thực hiện đúng cam kết, không thực hiện đúng điều luật thì nhà đầu tư nước ngoài đều kiện Chính phủ"

Nói với Đài Á Châu Tự do sau phán quyết của tòa, ông Trịnh Vĩnh Bình cho biết kết quả vụ kiện lần này của ông sẽ là án lệ cho các vụ kiện sau này tại Việt Nam đối với những người dân mất đất và tài sản khác.

**********************

Vì sao ông Trịnh Vĩnh Bình kiện Chính phủ đòi 1,25 tỷ USD ? (VnExpress, 01/09/2017)

Bị tuyên 11 năm tù, doanh nhân Việt kiều trốn thi hành án, kiện Chính phủ Việt Nam ra Trung tâm trọng tài Quốc tế ICC đòi bồi thường 1,25 tỷ USD.

Theo tài liệu cơ quan điều tra, ông Trịnh Vĩnh Bình sinh năm 1947 tại Sóc Trăng, cùng vợ con và hai em vượt biên sang Hà Lan năm 1976. Từ năm 1981 đến tháng 8/1996, ông về nước 63 lần, mang theo tổng cộng hơn 2,3 triệu USD và gần 100 kg vàng.

Thời điểm này pháp luật chưa cho phép Việt kiều mua bán, sở hữu, đứng tên nhà cửa, đất đai. "Nhưng để thực hiện việc kinh doanh bất động sản - cách là sinh lợi nhiều nhất, ông Bình đã chọn một số người thân để giúp sức", cơ quan điều tra nhận định.

thangkien9

Bị cáo Trịnh Vĩnh Bình (đứng đầu) trong phiên tòa phúc thẩm. Ảnh : Ngô Vũ.

Thành lập Công ty TNHH Tín Thành, Công ty Cổ phần Bình Châu chuyên mua bán nông, thủy hải sản tại Vũng Tàu với 12 cổ đông, song ông Bình bỏ vốn 100%. Doanh nhân này chỉ đạo nhân viên làm giả hộ khẩu cho hàng loạt người thân tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu để đứng tên nhà đất mua được và nhận đất trồng rừng trái pháp luật.

Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định, năm 1992, ông Bình và một số nhân viên đưa hối lộ 510 triệu đồng cho Tạ Quang Luyện (cán bộ Công ty Phát triển nhà tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Văn Huế (cán bộ Chi nhánh Phát triển kinh tế nông thôn phía Nam) để mẹ và các em vợ được nhận hơn 500 ha đất trồng rừng. "Không đầu tư trồng rừng như cam kết, 400 ha đất bị chính quyền thu hồi nhưng khi bán số đất còn lại ông Bình đã thu được hơn 6 tỷ đồng".

Cuối năm 1996 khi cùng những người liên quan bị khởi tố về hành vi Vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai ; Đưa và nhận hối lộ, ông Bình đã thu gom gần 2,5 triệu m2 đất, 11 căn nhà nằm rải rác từ Thành phố Hồ Chí Minh, dọc Quốc lộ 51, Vũng Tàu. Ở những phi vụ mua bán trước đó (khoảng 30.000 m2 đất), Việt kiều Hà Lan thu lãi hơn 10 tỷ đồng.

Tại ngoại hầu toà năm 1998, ông Bình bị tuyên 13 năm tù về hai tội danh. Hội đồng xét xử huỷ toàn bộ các quyết định giao đất, hợp đồng mua bán đất trái phép và giao những bất động sản này cho chính quyền địa phương quản lý...

Trong đơn kháng cáo kêu oan sau đó, ông Bình cho rằng "mang vàng, ngoại tệ về Việt Nam là để đầu tư ; việc đầu tư thông qua người thân là hợp pháp".

Giảm cho ông Bình 2 năm tù do số lượng đất vi phạm ít hơn kết luận của cấp sơ thẩm, song Toà Phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xác định "hành vi mua bán đất đai trái phép của ông Bình không được coi là đầu tư".

"Hành vi này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tích tụ, đầu cơ số lượng đất rất lớn tại các vùng sung yếu... gây ảnh hưởng xấu đến quản lý đất đai ở địa phương ; gây thất thoát thuế của nhà nước lên đến 12 tỷ đồng", bản án nhận định.

Không thi hành bản án đã có hiệu lực, ông Bình bỏ trốn và bị Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra quyết định truy nã toàn quốc.

Sau khi về Hà Lan, năm 2003, ông Bình với tư cách nhà đầu tư, nhờ tổ hợp luật sư kiện Chính phủ Việt Nam đòi bồi thường thiệt hại. Phía ông Bình viện dẫn các quy định của Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký kết với Hà Lan vào năm 1994 làm căn cứ khởi kiện.

Đến năm 2006, ông Bình được Chính phủ miễn chấp hành hình phạt tù trước đó, cho về Việt Nam và xem xét giải quyết trả một số tài sản hợp pháp. Tuy nhiên, do sai phạm của một số cá nhân tại cơ quan thi hành án ảnh hưởng đến tài sản của ông Bình nên việc này chưa được thực hiện.

Tháng 1/2015, ông Bình tiếp tục đâm đơn kiện lần thứ hai, đòi bồi thường 1,25 tỷ USD. Phiên tòa lần này diễn ra tại Trung tâm trọng tài Quốc tế ICC ở Paris, Pháp từ ngày 21/8.

Tại buổi họp báo chiều 30/8, trả lời câu hỏi về quan điểm và phản ứng của Chính phủ trước vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - cho biết, theo các nguyên tắc về bảo hộ đầu tư, khi có tranh chấp vi phạm thoả thuận với một địa phương nào đó (trong vụ này là Bà Rịa - Vũng Tàu), nhà đầu tư nước ngoài không kiện địa phương mà sẽ kiện Chính phủ. 

"Quan điểm của Chính phủ, của Thủ tướng là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cả với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trung tâm trọng tài Quốc tế đang xem xét vụ kiện nên chúng ta cũng phải đợi thôi", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Quốc Thắng

Quay lại trang chủ
Read 656 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)