Mỹ đánh giá rủi ro 'tiền bẩn' ở Việt Nam (BBC, 11/04/2019)
Casino mở cửa cho công dân Việt Nam là một trong những yếu tố sẽ khiến rủi ro rửa tiền tăng lên ở Việt Nam, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Việt Nam đã thí điểm cho phép người Việt vào chơi ở casino
Đây là một nội dung trong báo cáo hàng năm của "Báo cáo Chiến lược phòng chống ma túy quốc tế" (INCSR) do Bộ Ngoại giao Mỹ nộp lên Quốc hội hôm 28/3.
Trong phần về Việt Nam, báo cáo ghi nhận Việt Nam đã đề ra mục tiêu thúc đẩy giao dịch không dùng tiền mặt trong tương lai gần.
Tăng trưởng và đa dạng hóa nền kinh tế ; giao thương quốc tế gia tăng ; đường biên giới dài ; dân số trẻ, rành công nghệ và các sòng bạc mới mở cho dân địa phương, đặt ra khả năng Việt Nam tăng tiếp xúc với tiền bẩn trong những năm tới, theo báo cáo.
Kinh tế Việt Nam phát triển cũng tăng rủi ro rửa tiền
Nguồn tiền bẩn
Theo báo cáo của Mỹ, các nguồn tiền bẩn ở Việt Nam bao gồm tham nhũng công, lừa đảo, chơi game, mại dâm, hàng giả, buôn người, ma túy, buôn động vật hoang dã và hàng liên quan.
Kiều hối của các nhóm tội phạm có tổ chức ở Á châu, Châu Âu và Bắc Mỹ "tiếp tục là các nguồn quan trọng của tiền bẩn, đặc biệt là lợi nhuận từ ma túy và các tay buôn động vật dùng Việt Nam làm nước trung chuyển".
Hệ thống ngân hàng vẫn gặp rủi ro rửa tiền qua các khai báo giả.
Bắt đầu từ năm 2018, Việt Nam đã cấp giấy phép cho các sòng bài mở cho người Việt, làm tăng rủi ro rửa tiền "nếu giới chức không bảo đảm các sòng bài thực thi hiệu quả và áp dụng tiêu chuẩn chống rửa tiền", theo báo cáo.
Tháng Chín năm ngoái, chính phủ Việt Nam cho hay tòa án nhân dân tối cao đang soạn thảo dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền. Trong đó hướng dẫn xác định hành vi rửa tiền.
Ban Chỉ đạo Phòng, chống rửa tiền hiện có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
*******************
Mỹ kết án hai người gốc Việt lừa đảo nhiều triệu đôla hoàn thuế (VOA, 11/04/2019)
Hai thành viên của một gia đình gốc Việt ở Las Vegas hôm 10/4 đã bị kết án nhiều năm tù giam vì chiếm đoạt hơn 2 triệu đôla tiền hoàn thuế từ Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) rồi "nướng" vào các sòng bài.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Chanh V. Trinh bị kết án 8 năm rưỡi tù giam, trong khi Cannedy Trinh nhận bản án 2 năm tù.
Sau khi thụ án xong, hai bị cáo này mỗi người cũng phải chịu ba năm quản chế.
Chanh V. Trinh bị yêu cầu phải trả khoản tiền bồi thường hơn 2 triệu đôla, trong khi Cannedy Trinh phải trả hơn 1 triệu đôla.
Chanh V. Trinh, Cannedy Trinh và một người khác trong gia đình là Elizabeth Trinh năm ngoái nhận tội âm mưu lừa đảo chính phủ Hoa Kỳ vì nhận sai trái khoản tiền hoàn thuế thu nhập.
Ngoài ra, Chanh V. Trinh còn nhận thêm tội đánh cắp danh tính của người anh em quá cố. Tin cho hay, nghi can này cũng chính là "người nộp hồ sơ xin hoàn thuế hơn 6 triệu đôla, và đã nhận được hơn 2 triệu đôla từ IRS".
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết rằng Elizabeth Trinh dự kiến sẽ bị kết án vào ngày 15/5 tới.
Theo các tài liệu tại tòa, ba cư dân của thành phố Las Vegas thuộc biểu bang Nevada "âm mưu sử dụng thông tin sai về thu nhập khi nộp hồ sơ xin hoàn thuế cá nhân và doanh nghiệp liên bang", "lừa IRS gửi tiền hoàn thuế".
"Những người thuộc gia đình họ Trinh đã nộp hồ sơ hoàn thuế giả mạo sử dụng tên của các cơ sở kinh doanh hư cấu, tên của bản thân cũng như tên của những người khác, trong đó có cả một thành viên gia đình đã qua đời từ lâu", Bộ Tư pháp Mỹ cho biết.
Bộ này cho hay thêm rằng tất cả các bị cáo đã sử dụng số tiền chiếm đoạt được để sử dụng tại các sòng bài ở thành phố Las Vegas.
Theo tìm hiểu của phóng viên VOA Việt Ngữ, đây không phải là lần đầu tiên người Mỹ gốc Việt bị cáo buộc lừa đảo tiền hoàn thuế nhiều triệu đôla của chính phủ Hoa Kỳ.
Bộ Tư pháp cho biết rằng năm 2017, hai người Mỹ gốc Việt tên là Trong (John) Nguyen và Diep (Nancy) Vo, cư dân thành phố San Jose ở California, đã nộp hồ sơ xin hoàn thuế 1,5 triệu đôla tới IRS.
Tin cho hay, hai bị cáo này đã sử dụng danh tính của những người vô gia cư và các cá nhân trong cộng đồng người Việt ở San Jose để lừa đảo, và sử dụng các hộp thư thuê của bưu điện để nhận séc hoàn thuế của Sở Thuế vụ.
Viễn Đông
********************
Vì sao có cảnh hàng ngàn người xếp hàng từ 3g sáng xin visa Hàn Quốc ? (Phụ Nữ, 11/04/2019)
Mới đây, đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam và một số chuyên gia về du lịch đã lý giải việc hàng ngàn người xếp hàng từ 3g sáng chỉ để xin visa.
Bà Nguyễn Thu Quyên (Trưởng phòng Marketing KTO Việt Nam - Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam) cho biết, Việt Nam đang là thị trường trọng điểm của du lịch Hàn Quốc và cũng là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các thị trường khách quốc tế.
Năm 2013 chỉ có khoảng 117 nghìn người Việt sang Hàn Quốc nhưng đến năm 2018 con số này đã tăng lên gần 460 nghìn lượt khách, cao gấp 3 lần. Đáng chú ý, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019, Hàn Quốc đã đón hơn 100 nghìn du khách Việt Nam, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là con số vô cùng ấn tượng.
Lượng du khách gia tăng bắt nguồn từ một loạt các chính sách hấp dẫn, thu hút khách du lịch của Hàn Quốc như nới lỏng visa, giá vé máy bay rẻ nhờ khai thác đường bay thẳng. Hiện nay, có khoảng 10 hãng hàng không khai thác đường bay từ Việt Nam đến Hàn Quốc với hơn 2.000 chuyến/tháng.
Từ 6g sáng, người đi xin visa đã ngồi kín trước cổng Đại sứ quán Hàn Quốc.
Theo ông Nguyễn Công Hoan (Trưởng Ban truyền thông Hiệp hội Lữ hành Việt Nam) cho biết, sở dĩ có hiện tượng quá tải người Việt xin visa sang Hàn Quốc là bởi thời điểm này đang là mùa hoa anh đào, mùa cao điểm du lịch tại Hàn Quốc. Ngoài ra, lượng sinh viên, lao động Việt Nam sang quốc gia này học tập, làm việc cũng tăng cao.
"Một điểm quan trọng đó là nhiều người hiểu nhầm chính sách thị thực 5 năm cho công dân Việt Nam mới đây. Họ nghĩ chính sách này sẽ có sự thay đổi, siết chặt lại trong thời gian tới nên mới đổ xô đi làm visa. Điều đó khiến lượng khách đi làm visa tăng đột biến trong thời gian gần đây", ông Hoan nói.
Được biết, trước đây Đại sứ quán Hàn Quốc xét duyệt visa trong 8 ngày thì hiện nay do lượng người quá đông, nên thời gian xét duyệt kéo dài lên tới 14 ngày. Để chủ động đưa khách sang Hàn, hầu hết các đơn vị lữ hành đều phải có kế hoạch nộp xét duyệt visa trước nhiều ngày và khuyến khích khách đặt mua tour sớm.
Việc kéo dài thời gian xét duyệt visa đã khiến nhiều công ty lữ hành lo lắng bởi họ sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều bởi sự quá tải này. Thông thường khi đăng ký mua tour, các đơn vị sẽ có trách nhiệm hoàn thiện thủ tục visa cho khác. Trong mùa cao điểm, việc chậm trễ làm visa sẽ khiến các công ty lữ hành gặp khó khăn trong việc sắp xếp các tour.
Theo các chuyên gia, để tránh tình trạng quá tải người làm visa như hiện tại, với những người đi du lịch Hàn Quốc không với mục đích ngắm hoa anh đào hoặc không có việc quá gấp gáp thì có thể lùi thời gian làm visa trong một vài tháng tới.
An Vũ
******************
Người Mỹ gốc Việt bị lôi khỏi máy bay : ‘Tôi chỉ khóc’ (VOA, 10/04/2019)
Lên tiếng lần đầu tiên sau hai năm bị lôi khỏi máy bay của hãng United Airlines, ông David Đào cho biết rằng ông "chỉ khóc" khi xem lại đoạn video, quay cảnh mồm ông đầy máu và tiếng ông gào thét lúc bị kéo đi để nhường chỗ cho nhân viên hàng không trên chuyến bay bán vé quá số ghế.
Tin cho hay, vụ việc xảy ra năm 2017 đã làm ông Đào bị chấn động não, gãy mũi và hai răng.
Ông sau đó đã giải quyết vụ việc với hãng hàng không United Airlines và nhận được một khoản đền bù không được tiết lộ là bao nhiêu.
Trả lời kênh truyền hình ABC, khi được hỏi muốn nói gì với các nhân viên an ninh đã lôi ông khỏi máy bay, người đàn ông gốc Việt cho biết rằng ông "không giận họ".
"Đó là việc họ phải làm. Nếu họ không làm, họ có thể mất việc. Tôi không giận họ. Đó là việc của họ", ông Đào nói trong cuộc phỏng vấn phát sóng ngày 9/4.
Nói về sự chú ý của dư luận đối với cá nhân ông sau vụ việc xảy ra trên máy bay, trong đó có chuyện bằng hành nghề bác sĩ của ông từng bị tạm thời đình chỉ, ông Đào cho biết ông "ở trong nhà nhiều tháng trời".
Theo phóng viên của ABC thực hiện cuộc phỏng vấn, ông Đào nay đã về hưu và tình nguyện giúp đỡ các cựu chiến binh đã cứu giúp ông trong hành trình vượt biển từ Việt Nam.
Luật sư Tom Demetrio của ông Đào từng nói trong một cuộc họp báo rằng việc thân chủ của mình bị lôi khỏi máy bay "là một trải nghiệm còn đáng sợ và kinh hoàng hơn cả những gì ông ấy từng trải qua khi trốn chạy khỏi Việt Nam".
*******************
Tương ớt Chin-su và acid benzoic 'được phép ở Việt Nam' (BBC, 11/04/2019)
Một chuyên gia thực phẩm nói với BBC rằng ông "chưa thấy nước nào cấm dùng acid benzoic và muối của nó benzoate làm chất bảo quản trong thực phẩm".
Hình ảnh sản phẩm tương ớt trên website Masan Group
Ý kiến này được đưa ra trong lúc mạng xã hội xảy ra tranh cãi về việc hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su vừa bị thu hồi ở Nhật "do có chất cấm" nhưng vẫn được bày bán ở Việt Nam.
Trước đó, Thương vụ Việt Nam tại Nhật cho biết, sản phẩm tương ớt Chin-su "có dán nhãn sản phẩm không ghi chất phụ gia" và Cục Y tế và Phúc lợi Tokyo "cho rằng sản phẩm này đã vi phạm Luật Vệ sinh thực phẩm và Luật Dán nhãn thực phẩm".
Báo Thanh Tra hôm 9/4 cho hay : "Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, tùy yêu cầu của công tác quản lý thực phẩm của mỗi quốc gia khác nhau thì quy định khác nhau. Tùy theo thói quen sử dụng thực phẩm của người dân trong nước, lượng tiêu thụ thực phẩm khác nhau ở mỗi nước, nên có thể cùng là thành viên của Codex (Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế) nhưng có nước cho sử dụng, có nước không cho sử dụng ; có nước cho sử dụng ở hàm lượng này, có nước cho sử dụng ở hàm lượng khác nhưng nhìn chung không quá quy định của Codex".
"Nhật không cho dùng acid benzoic trong tương ớt nhưng cho dùng acid benzoic trong các sản phẩm khác ví dụ nước tương, bơ thực vật, đồ uống không cồn... Theo quy định của Codex, tương ớt sử dụng axit benzoic với hàm lượng 1.000mg/kg sản phẩm là an toàn với sức khỏe người tiêu dùng".
Trong khi đó, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ về việc tương ớt Chin-su có thể gây ung thư hay không.
'Hợp lý'
Hôm 10/4, ông Vũ Thế Thành, thạc sĩ Quản trị chất lượng, nói với BBC : "Tôi cho rằng phản hồi của Cục An toàn Thực phẩm Việt Nam là hợp lý. Tôi chưa thấy nước nào cấm dùng acid benzoic và muối của nó benzoate làm chất bảo quản trong thực phẩm cả. Mỹ, Châu Âu, kể cả Nhật cũng cho phép dùng. Tùy loại thực phẩm mà mức tối đa cho phép dùng khác nhau".
"Benzoic được dùng phổ biến nhất là trong nước ngọt, các loại mứt, bánh kẹo, nước tương, tương ớt tương cà. Ở Việt Nam thì phải kể thêm nước mắm, nhưng benzoic chủ yếu dùng trong nước mắm công nghiệp thôi, chứ nước mắm truyền thống hầu như không dùng benzoic vì được bảo quản bằng độ mặn của muối".
Tương ớt là sản phẩm quen thuộc trên mâm cơm mỗi ngày của người Việt
"Danh mục phụ gia cho phép sử dụng trong thực phẩm của Việt Nam hầu như đi theo 100% danh mục của Codex. Codex là do WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) và FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc) sáng lập".
"Những thông tin trên nhãn sản phẩm phải tuân thủ yêu cầu của cơ quan chức năng, chứ không phải muốn ghi sao cũng được, chẳng hạn thành phần sử dụng, các chất phụ gia, cách bảo quản, chất có thể gây dị ứng, hạn dùng... phải nêu rõ. Ở Việt Nam nếu là thực phẩm nhập cảng còn buộc phải ghi rất nhiều thông tin trên nhãn phụ, nhiều đến độ chữ in nhỏ li ti, tôi lấy kính lúp soi cũng không đọc được thành phần sử dụng".
'Hình ảnh không tốt đẹp'
Ông Thành lý giải thêm :
"Lâu nay, hình ảnh Masan trong mắt người tiêu dùng Việt Nam không được tốt đẹp lắm. Gần chục năm trước, nước tương Masan bị scandal độc chất 3-MCPD. Sau đó, họ chuyển sang làm nước tương kiểu lên men, và thổi phồng vụ 3-MCPD lên, Thế là các cơ sở nước tương làm theo kiểu phân giải acid ở Việt Nam bị phá sản gần hết".
"Rồi thì hai năm trước, họ gây ra scandal nước mắm thạch tín để giết nước mắm truyền thống, và cách đây hai tháng là dự thảo mới về quy chuẩn nước mắm".
"Nên lần này, tương ớt Masan dính vụ benzoic bên Nhật, báo chí đưa tin. Người tiêu dùng trong nước nghi ngờ, biết đâu lại một vụ tương tự như nước 3-MCPD để tiêu diệt các cơ sở tương ớt trong nước".
"Thật ra, lần này vụ benzoic tương ớt, tôi nghĩ họ bị "tai nạn" thật, do không tìm hiểu kỹ luật chơi ở Nhật thôi, nhưng họ lại trả lời quanh co đổ lỗi này nọ, nên người tiêu dùng lại càng không ưa. Dân bị ám ảnh về cách họ chơi nước tương, nước mắm truyền thống".
"Điều buồn cười là, vụ lùm xùm nước mắm dự thảo mới đây, ai cũng thấy họ dùng tiền thao túng chính sách, mua chuộc này nọ. Liền sau đó là vụ tương ớt xảy ra, phản hồi của Cục An toàn Thực phẩm về vụ Benzoic, theo tôi là đúng, thì người dân lại nghi ngờ rằng Cục có bao che này nọ nên mới trả lời thế".