Giàn khoan Đông Phương : Trung Quốc nắn gân Việt Nam trước chuyến thăm Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng (RFA, 11/04/2019)
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về việc Trung Quốc đưa giàn khoan Đông Phương đến khu vực Vịnh Bắc Bộ nơi Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn đang tiếp tục đàm phán, Thạc sĩ Hoàng Việt – một chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông cho rằng đây là cách mà Trung Quốc muốn nắn gân Việt Nam trước khi Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ.
"Có lẽ đây cũng là cách mà Trung Quốc luôn luôn nhắc nhở Việt Nam rằng Hoa Kỳ thì ở xa mà Trung Quốc thì ở gần. Để Việt Nam biết được vai trò của Trung Quốc".
Ví trí giàn khoan Đông Phương trên bản đồ. RFA edit
Tân Hoa Xã vào ngày 7 tháng 4 vừa qua loan tin cho biết Trung Quốc chuẩn bị đưa giàn khoan dầu khí lớn thứ nhì của nước này có tên Dongfang (Đông Phương) 13-2 CEPB ra lưu vực Yinggehai, hay còn gọi là lòng chảo Quỳnh Hải, nằm ở phía tây bắc Biển Đông, giữa đảo Hải Nam và bờ biển phía Bắc của Việt Nam.
Bốn ngày sau đó, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong buổi họp báo thường kỳ cho biết các cơ quan chức năng chính phủ Hà Nội đang xác minh thông tin Trung Quốc đưa giàn khoan Đông Phương 13-2 đi vào thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Trước đó, vào ngày 14/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ sang thăm Hoa Kỳ trong năm nay theo lời mời của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, nhiều đánh giá cho rằng việc "nắn gân" này không làm ảnh hưởng gì đến mối quan hệ Việt – Mỹ đang trong giai đoạn chín muồi như lời Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nguyên trưởng Nhóm Tư Vấn Lãnh Đạo Bộ Ngoại Giao Việt Nam, hiện là thành viên của tổ chức Minh Triết Làm Chủ Biển Đông nhận định :
"Tôi nghĩ sắp tới cần xem xét Trung Quốc làm thế này có phải là nhắc nhở, thậm chí là để dằn mặt Việt Nam hay không thì đây là một vấn đề cần đặt trong một bối cảnh rộng lớn hơn, chứ không phải chỉ vấn đề giàn khoan. Bởi vì quan hệ Việt – Mỹ bây giờ bước vào giai đoạn khó ai có được động thái ngăn cản được vì nằm trong tiến trình, trong sự thay đổi điều chỉnh chính sách lớn của phía Mỹ khu vực Indo-Pacific, nên những động thái ngăn trở chưa chắc đã có tác dụng".
Từ năm 2013, Việt Nam và Mỹ đã nâng tầm quan hệ lên Đối tác toàn diện. Hợp tác giữa hai bên trong các năm qua được phát triển trên nhiều lĩnh vực bao gồm kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa giáo dục và môi trường. Đặc biệt, Hoa Kỳ là nước cam kết giúp Việt Nam trong việc tăng cường năng lực biển qua việc cung cấp các tàu tuần tra cho Việt Nam.
Mới đây, hôm 1 tháng 4, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết Mỹ đã chính thức bàn giao 6 xuồng tuần tra cao tốc Metal Shark cho Cảnh sát biển Việt Nam. Trước đó, Mỹ cũng đã tặng Việt Nam 12 xuồng tuần tra Metal Shark khác.
Hoa Kỳ cũng là nước nhiều lần lên tiếng phản đối các hành động quân sự hóa và lấn lướt của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền với các nước khác, trong đó có Việt Nam. Hoa Kỳ khẳng định mình có quyền tự do hàng hải và hàng không tại khu vực này.
Hình chụp hôm 14/5/2014 từ tàu cảnh sát biển Việt nam cho thấy tàu hải giám của Trung Quốc (trái) đang đi gần giàn khoan dầu của Trung Quốc trong vùng nước tranh chấp ở Biển Đông. AFP
Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng chuyến thăm Hoa Kỳ của người đứng đầu nhà nước Việt nam sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến quan hệ Việt – Trung :
"Khi mà Việt Nam xích gần Hoa Kỳ hơn thì Trung Quốc có cái nhìn không được thiện cảm và an tâm cho lắm, theo cách nhìn của họ. Cho nên đó cũng là cách ảnh hưởng phần nào đến Việt Nam trong đối sách của Việt Nam. Gần đây, trong Hội thảo quốc phòng giữa Việt Nam – Hoa Kỳ, đó cũng giải thích vì sao ông Nguyễn Chí Vịnh ít khi nhắc, lên án chuyện Trung Quốc, trong khi Hoa Kỳ lên án rất mạnh mẽ. Việc này cho thấy thái độ của Việt Nam, giống như Việt Nam đang phải cân bằng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc".
Mặc dù Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn các tranh chấp ở khu vực Biển Đông, nhưng hai bên từ năm 2008 đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Việt Nam và Trung Quốc vào năm 2000 đã ký kết Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ với đường biên giới lãnh hải 2 nước ở khu vực ngoài cửa sông Bắc Luân.
Tuy nhiên, hiện cả Trung Quốc và Việt Nam vẫn chưa thể đi đến thống nhất trong việc phân định vùng cửa Vịnh Bắc Bộ, dù vẫn thường xuyên có các hoạt động tuần tra chung tại đây.
Do đó, Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng đây là một việc đáng quan ngại vì hiện nay vẫn chưa biết được giàn khoan Đông Phương đặt ở đâu. Ông chia thành hai trường hợp có hai trường hợp xảy ra :
"Nếu giàn khoan Đông Phương nằm trong vùng đã phân định thuộc về Trung Quốc thì không gì phải bàn. Nhưng nếu đặt giàn khoan này vào khu vực mà thuộc Việt Nam hoặc vùng chưa phân định thì đó là vấn đề chắc chắn Việt nam sẽ phản đối. Nếu Việt Nam không phản đối thì họ (Trung Quốc) sẽ làm tới và kịch bản vụ giàn khoan năm 2014 tiếp tục tái lập, hình thành những chuyện khác".
Đông Phương không phải là giàn khoan lớn đầu tiên được Trung Quốc đưa ra Biển Đông. Cách đây 5 năm, vào năm 2014, Trung Quốc đã cho triển khai giàn khoan khổng lồ Hải Dương 981 vào khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam. Vụ việc đã dẫn đến căng thẳng trong quan hệ hai nước trong nhiều tháng cho đến khi Trung Quốc quyết định rút giàn khoan về.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng cho rằng ngoài chuyện xác định địa điểm của giàn khoan Đông Phương, còn phải xem xét kỹ lý do tại sao Trung Quốc lại công bố chuyện này vào thời điểm này ?
"Trung Quốc nói là chuẩn bị cái này lâu rồi, bây giờ tiến hành trên thực địa thôi. Tôi nghĩ Tôi cho rằng đây rõ ràng là một hoạt động mang ý nghĩa biểu kiến vì Trung Quốc không bao giờ làm việc gì chỉ mang một ý nghĩa.
Vụ Đông Phương này làm ta nhớ lại vụ giàn khoan Hải Dương 981 5 năm trước đây. Lúc bấy giờ chúng ta chỉ chú ý vào việc Hải Dương 981 vào Biển Đông thôi, nhưng sau đó chúng ta cũng kịp thời phát hiện rất nhanh là Trung Quốc nghi binh dư luận để cấp tập, cơi nới các đảo đá trên Biển Đông. Nhớ lại chuyện đó, chúng ta phải cảnh giác lần này Trung Quốc làm thế này để làm gì ?".
Việc Trung Quốc xây lấp các đảo nhân tạo và triển khai vũ khí ra khu vực Biển Đông đã bị quốc tế lên án. Tuy nhiên, Trung Quốc nói rằng nước này có toàn quyền đối với những thực thể mà Trung Quốc xây lấp ở Biển Đông.
Trung Quốc đã vẽ ra đường đứt khúc 9 đoạn đòi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông, lấn cả vào vùng nước của các nước láng giềng như Việt Nam và Philippines. Tòa Trọng tài quốc tế hồi năm 2016 đã bác bỏ tính pháp lý của đường đứt khúc này nhưng Trung Quốc từ chối không tuân thủ phán quyết của tòa.
Vẫn theo Tiến sĩ Thắng, đến nay thì sự việc Trung Quốc đưa gian khoan dầu ra Biển Đông chưa thể đưa ra kết luận, vì ngay cả phía Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nói rất có mức độ. Theo ông, những hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông là vô luân vô pháp. Do đó, không thể loại trừ trường hợp Trung Quốc sẽ tiếp tục gây hấn với Việt Nam để gây thêm căng thẳng trên Biển Đông. Tuy nhiên, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng cho rằng tất cả những chuyện này vẫn cần thêm thời gian để tiếp tục theo dõi.
********************
Việt Nam đang xác minh thông tin giàn khoan Trung Quốc Đông Phương 13-2 CEPB (VOA, 11/04/2019)
Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa cho biết các cơ quan chức năng đang xác minh thông tin giàn khoan Đông Phương (Dongfang) 13-2 CEPB của Trung Quốc đang hoạt động ở Biển Đông.
Trả lời câu hỏi của báo chí về phản ứng của Việt Nam trước các thông tin cho rằng giàn khoan Đông Phương 13-2 CEPB của Trung Quốc đang hoạt động ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng vào chiều ngày 11/4/2019 nói : "Các cơ quan chức năng Việt Nam đang xác minh thông tin như vừa nêu".
Bà Lê Thị Thu Hằng cũng nhắc lại rằng, hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đã phân định rõ phạm vi và chế độ pháp lí lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mỗi nước trong vịnh Bắc Bộ, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Báo Tuổi Trẻ trích lời bà Thu Hằng nói : "Hai nước có trách nhiệm tuân thủ ngiêm túc quy định của hiệp định trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, vì lợi ích của mỗi nước, vì hoà bình, ổn định ở khu vực Biển Đông".
Trước đó, hôm 7/4, Hãng thông tấn Tân Hoa xã của Trung Quốc đưa tin Trung Quốc sẽ đưa giàn khoan sản xuất dầu khí xa bờ lớn thứ hai là Đông Phương 13-2 CEFB vào bồn trũng Yinggehai (Oanh Ca Hải) ở vịnh Bắc Bộ vào ngày 10/4.
Tân Hoa xã cho biết giàn khoan nổi này đã được Tập đoàn Châu Hải COOEC đóng xong vào đầu tháng 4 tại tỉnh Quảng Đông và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 6.
Lưu vực Yinggehai, nơi dự kiến sẽ đặt giàn sản xuất dầu khí lớn thứ hai của Trung Quốc, nằm ở phía tây bắc Biển Đông, giữa Đảo Hải Nam và vịnh Bắc Bộ của Việt Nam.
Giữa năm 2014, quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng phương bắc rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm sau khi Trung Quốc kéo giàn khoan dầu Hải Dương 981 vào khu vực Hoàng Sa mà Hà Nội nói là Vùng Đặc quyền Kinh tế của mình.
Sự hiện diện của giàn khoan dầu Hải Dương 981 ở Biển Đông đã dẫn tới các cuộc biểu tình bài Trung Quốc gây chết người ở Việt Nam.
*****************
Sách giáo khoa tiếng Việt dạy học hay tuyên truyền (RFA, 11/04/2019)
Trong những ngày gần đây, trên khắp các trang mạng lan truyền một trích đoạn của một bài thơ của tác giả Trần Đăng Khoa được dùng trong sách giáo khoa tập Tiếng Việt và Toán lớp 2, tập 2 do nhà xuất bản giáo dục và được phát hành cho toàn học sinh Việt Nam.
Trích đoạn thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa được đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt. Edited from FB Nhat Ky Yeu Nuoc
Trích một đoạn trong bài thơ :
"...Bác chào chú đứng gác
Rồi đi vòng quanh khắp trên thế giới
Để chăm sóc trẻ con
Nhất là đứa nào phải nằm trong bệnh viện...".
Ngay sau khi bài thơ được lan truyền trên mạng xã hội, dư luận phản ứng cho rằng những câu văn, câu thơ mang tính chất tuyên truyền và không chân thật này lại được Bộ Giáo dục đưa vào chương trình giảng dạy cho học sinh tiểu học.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa trao đổi với chúng tôi rằng, việc đưa hình tượng lãnh tụ vào sách giáo khoa thì đã có từ rất lâu rồi, từ thế hệ trước người ta đã sùng bái một con người và điều đó nó rất phổ biển ở nhiều nước.
"Như Trung Quốc có Mao Trạch Đông đúng sai đều sùng bái ca ngợi, ở Liên Xô có Lenin, ở Cuba có ông Castro… và Việt Nam có Cụ Hồ. Thì việc sùng bái cá nhân đó rất là nặng và họ coi các cá nhân lãnh đạo đó hơn cả thần, cả thánh, tổ tiên cha ông mình. Hành vi sùng bái quá mức, ca ngợi. Điều đó có thể có lợi đối với một số quốc gia, trong một số thời gian để đoàn kết đấu tranh ngoại xâm. Thế nhưng trong cái thời đại phát triển kinh tế thời bình như thời hiện nay chúng tôi nên nhìn lại vấn đề thì sẽ thấy việc đó hơi quá đáng, lố và bất thường. Thì những bài viết đó người ta cũng lẳng lặng quên đi thế vừa rồi trên mạng xã hội xuất hiện bài đó rồi người ta bới nó ra".
Thầy Khoa nói thêm rằng, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng như thầy một thời tuổi trẻ sùng bái cá nhân như vậy nhưng bây giờ xã hội phát triển và nhiều thay đổi nên không cần thiết bới sâu lại.
"Chúng tôi thời trẻ chúng tôi cũng thế thôi, cũng sùng bái cá nhân như thế, cũng coi lãnh tụ của ta là nhất thế giới, đẹp nhất và cái gì cũng nhất thì bên giờ phải nhìn nhận lại khi mà nhiều cái thay đổi như tuổi tác, nhiều phương tiện đủ để cho trí khôn, người dân phát triển lên có cái nhìn lại. Thôi thì cũng nên thông cảm với nhà thơ Trần Đăng Khoa không cần thiết phải bới sâu lại làm gì".
Vài ngày sau sự phản ứng của dư luận, nhà thơ Trần Đăng Khoa có chia sẻ bài viết trên trang cá nhân của mình rằng, ông chính là tác giả của bài thơ nhưng được viết vào năm 1969 vào thời điểm ông Hồ mất và khi đó ông mới 11 tuổi và đang nằm trong bệnh viện Mắt Hà Nội. Ông khẳng định rằng đoạn thơ được trích ra từ một bài thơ dài của ông có tên là "Em Gặp Bác Hồ", tuy nhiên nhà xuất bản chỉ trích đoạn cuối bài và không để nguồn từ đâu nên gây sự hiểu lầm trong dư luận.
Ông viết rằng :
"Chỉ tiếc người làm sách lại trích mấy câu cuối, và đoạn trích lại tách ra khỏi bài, nghĩa là tách ra khỏi hoàn cảnh của câu chuyện nên người đọc không hiểu gì cả. Còn tất nhiên câu hỏi thì không có gì khó. Chỉ yêu cầu đặt câu hỏi cho những chữ in đậm thì em bé nào cũng làm được. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn những người làm sách nên cẩn trọng. Có những câu thơ tách ra, nó vẫn đứng được độc lập. Nhưng cũng có những câu không tách ra được. Trường hợp mấy câu trích này là thế. Muốn tách phải có lời dẫn. Ở đây không có lời dẫn. Đấy là điều rất tiếc".
Dư luận xã hội chia sẻ nhiều ý kiến cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên những vấn đề tai tiếng liên quan đến sách giáo khoa tại Việt Nam, trước đây từng có những vụ việc lỗi trong sách giáo khoa hay những cách phát âm và sử dụng từ ngữ khó hiểu áp dụng cho bậc tiểu học khiến nhiều phụ huynh hoang mang.
Ngoài ra, trong sách Tiếng Việt 1 còn có nhiều bài thơ, câu văn được dư luận cho rằng dùng nhiều từ ngữ khó hiểu và đánh đố học sinh. Bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục được giảng dạy năm học 2018-2019 khiến phụ huynh và dư luận hoang mang vì cách đánh vần mới của bộ sách.
Cách đánh vần mới lại và việc lựa chọn sách TIếng Việt của phụ huynh. RFA Edited
Theo giải thích của thầy Khoa rằng, các nhà xuất bản vẫn còn tư duy sùng bái cá nhân và họ cho rằng điều đó đúng, tại Việt Nam nhiều khi chỉ một vài cá nhân có thể quyết định cả vấn đề in hay không in một bài viết nên thành ra nó xảy ra những chuyện như vậy.
"Tôi nghĩ rằng đa số các sách giáo khoa hiện nay do Bộ giáo dục đào tạo thẩm định thì có sự chọn lựa rất là kỹ, hạn chế những bài viết không thật sự sắc xảo, không nghệ thuật, một số đơn vị tư nhân phát hành sách sách giáo khoa thường không có thẩm định cẩn thận cho nên là họ viết và họ đưa vào theo ý chủ quan của họ".
Một cô giáo không muốn nêu tên chia sẻ với chúng tôi rằng, hiện nay sách giáo khoa không chỉ của Bộ Giáo dục phát hành mà còn nhiều sách của các nhà xuất bản ở các tỉnh thành khác, khi phụ huynh muốn con em mình học khá hơn thì sẽ lựa chọn mua thêm những loại sách đó về tham khảo nhưng chắc chắn nó không đúng của Bộ Giáo dục nên thành ra lỗi. Cô nói thêm :
"Thậm chí có những bài cấu tạo câu, đáp án đáp số này kia đều sai hết. Sách giáo khoa của bộ giáo dục mà đưa về cho các trường thì đó mới là sách chính xác nhất còn sách giáo khoa bây giờ tràn lan thị trường nhiều lắm em, ra nhà sách là thấy liền nhiều lắm nên thông thường các loại sách đó thì sai rất nhiều. Bây giờ mạnh ai có đủ điều kiện thì cứ xuất bản ra rất là đại trà nhưng chỉ như là dạng sách tham khảo này kia thôi chứ đưa vào trường học thì không có và thậm chí nhiều phụ huynh mua sách đó về để dạy cho con em mình,rồi đến khi giáo viên vô trường dạy thì hoàn toàn sai, cái này là do ngoài thị trường này kia thôi".
Ngoài ra, vị giáo viên này còn nói với chúng tôi rằng cô hiện đang làm giáo viên dạy môn Tiếng Việt cho học sinh lớp 2 và cô khẳng định bài thơ được cộng đồng mạng xôn xao mấy ngày qua là hoàn toàn không có trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 như trên.
"Nói chung mình hiện đang dạy môn văn học sinh lớp 2 và mình xác nhận hiện không có sách Tiếng Việt nào có bài thơ nào như vậy hết, chỉ có duy nhất một bài là "Cháu nhớ Bác Hồ" trong bài này thì câu cú này kia thì nó hơi hình tượng hóa, trừu tượng hóa nếu các em nhỏ chưa hiểu thì giáo viên phải giảng thôi, còn đối với bài thơ vừa nêu thì hiện nay mình không thấy có trong sách vì chính mình hiện đang dạy học sinh lớp 2 đây. Không biết tin ở đâu mà cộng đồng mạng lại đi nói như vậy. Còn việc thay đổi sách thì đến năm 2021 mới bắt đầu có sự thay đổi sách theo trình tự là cuốn chiếu".
Đồng ý với điều đó, thầy Khoa cho hay phụ huynh nên lựa chọn sách giáo khoa đã được chuẩn hóa và hiện nay trên cả nước vẫn thống nhất chỉ được sử dụng sách của nhà xuất bản giáo dục và được các cơ quan chức năng khắp nơi mang về trường. Thầy kêu gọi phụ huynh cùng các thầy cô nên lựa chọn những loại sách đạt chuẩn, cái gì chưa được cái gì còn kém thì bỏ đi đừng đưa học sinh kẻo làm trò cười cho thiên hạ cũng như những điều còn tồn đọng lâu nay.