Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

15/03/2017

Luật tôn giáo, danh hài bị chê, kinh tế vỉa hè và đời sống dân chài

RFA tiếng Việt

Luật Tôn giáo mới của Việt Nam bị chỉ trích (RFA, 15/03/2017)

Luật mới về Tôn giáo hay Tín ngưỡng được Quốc hội Việt Nam thông qua hồi tháng 11 năm ngoái, 2016. Tuy hiệu lực của Luật mới này chỉ bắt đầu vào tháng Giêng năm 2018. Nhưng Luật mới đã bị phê bình và chỉ trích trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại khoá họp lần thứ 34 đang diễn ra tại Điện Quốc Liên ở Genève từ ngày 27 tháng 2 đến ngày 24 tháng 3 năm nay.

vn1

Mục sư Nguyễn Công Chính tại Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai hôm 26/3/2012. AFP photo

Tại điểm 4 nghị trình của hội nghị đề cập "Các vấn đề nhân quyền khẩn cấp trong thế giới" hôm sáng thứ tư 15 tháng 3, Ông Võ Văn Ái nhân danh hai tổ chức Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Hành động Chung cho Nhân quyền, lên tiếng tố cáo Luật Tôn giáo mới của Hà Nội.

Theo lời ông Ái, Luật Tôn giáo mới vi phạm tự do tôn giáo, bởi vì "Các tôn giáo phải chọn lựa, hoặc chịu đăng ký để được hưởng thứ "tự do" trong chiếc lồng kiểm soát của Nhà nước độc đảng, hoặc từ chối cơ chế đăng ký để phải gánh chịu sự đàn áp thô bạo của nhà cầm quyền".

Với Luật mới này, các tôn giáo phải xin đăng ký là việc trái chống với Điều 18 trong Công ước Liên Hiệp Quốc về các Quyền Dân sự và Chính trị.

Ông Võ Văn Ái nhấn mạnh rằng Luật Tôn giáo mới này "pháp lý hóa" những cuộc đàn áp các tôn giáo xẩy ra hằng ngày tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ông Ái nêu 3 trường hợp tù nhân tôn giáo lâu năm mà tình trạng sức khoẻ sa sút do điều kiện giam cầm :

Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, 89 tuổi, Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bị tù đày, lưu xứ rồi quản chế hơn 30 năm qua. Hiện nay, Thanh Minh Thiền Viện ở Saigon là nơi ngài bị quản chế không lý do cũng như không hề được xét xử, thường trưc bị công an theo dõi và kiểm soát chặt chẽ. Một số phái đoàn ngoại giao được phép gặp gỡ Ngài, nhưng với Phật tử Việt Nam thì công an ngăn cản, hăm doạ không cho thăm viếng.

Gần đây, nhà cầm quyền gia tăng áp lực mạnh mẽ qua thân nhân gia tộc hay qua hàng giáo phẩm Phật giáo Nhà nước để đưa ngài về miền Bắc hoặc vào ở nơi cơ sở của Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam (là tổ chức Phật giáo của Nhà nước). Ông Võ Văn Ái yêu cầu Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc can thiệp trả tự do tức khắc cho Đức Tăng Thống.

Bà Trần Thị Thuý, tín đồ Phật giáo Hoà Hảo, bị kết án tùy tiện 8 năm tù ở vì tội "hành động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" (Điều 79 trong bộ Luật Hình sự), nhưng trong thực tế, bà chỉ đòi hỏi quyền đất đai. Hiện bà đang bị một khối u tử cung, và nhiều mụt nhọt lở lói trên thân thể khiến bà không thể đi đứng nếu không có người dìu đỡ.

Ở vào tình trạng tồi tệ như thế, nhưng bà không được chăm sóc thuốc men, ngay cả thuốc men gia đình gửi tới cũng bị ngăn chận. Bà đang bị giam tại trại tù An Phước, tỉnh Bình Dương.

Mục sư luther Nguyễn Công Chính bị kết án tùy tiện 11 năm tù giam vì tội "phá hoại đoàn kết quốc gia" (Điều 87 trong bộ Luật Hình sự), thực tế ông chỉ phục vụ tín ngưỡng của mình và hoạt động cho tự do tôn giáo. Vợ ông chỉ được phép thăm nuôi một lần mỗi hai tháng. Lần thăm cuối của bà hôm 10 tháng 2 đầu năm nay, bà nhận thấy sức khoẻ ông sa sút trầm trọng, Hai cánh tay và chân ông bị sưng vù, nhưng ông không được chăm sóc thuốc men cho bệnh cao máu, viêm xoang và phong thấp. Hiện ông bị giam tại trại Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

Ông Võ Văn Ái đánh giá, ngoài những hành xử tùy tiện và vô cớ trong sự giam tù, việc từ chối chăm sóc thuốc men tương xứng cho những tù nhân nói trên vi phạm "Công ước Liên Hiệp Quốc chống Tra tấn, Hành xử độc ác, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá" mà Việt Nam tham gia ký kết năm 2015.

Ông Ái cũng cho biết trường hợp Mục sư Nguyễn Trung Tôn hôm 27 tháng 2 vừa qua, khi đến Quảng Bình thăm những nạn nhân bị công an hành hung, ông Tôn đã bị công an thuê bọn côn đồ bắt cóc, đánh đập, lục soát, trói tay và bỏ lại trong rừng vùng Hà Tĩnh.

Kết thúc lời phát biểu, ông Võ Văn Ái yêu cầu Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc áp lực Việt Nam trả tự do cho Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, trả tự do cho tất cả tù nhân tôn giáo và các nhà hoạt động nhân quyền, cũng như khẩn cấp chăm sóc thuốc men tương ứng với bệnh tình của những tù nhân nói trên, quy chiếu theo Công ước Cống Tra tấn mà Việt Nam ký kết năm 2015.

Ỷ Lan, thông tín viên RFA

******************

Khi khán giả quay lưng với danh hài (RFA, 15/03/2017)

vn2

Một bài múa được dàn dựng nghiệm túc của sinh viên Trường sân khấu Điện ảnh Hà Nội hôm 12/2/2017. Ảnh minh họa. AFP photo

Hài kịch có lẽ là loại hình dễ thu hút khán giả Việt Nam nhất. Người bình dân có thu nhập thấp là lớp khán giả trung thành của hài kịch. Sau những giờ phút vất vả mưu sinh, hài kịch giúp cho họ đẩy ra ngoài cơ thể những phiền muộn trong cuộc sống. Đối với người trung lưu có chút ít tiền của, hài kịch là thể loại giải trí tuyệt vời vì tiếng cười trên sân khấu không những giúp họ lấy lại thăng bằng trong cảm xúc mà ở những vở kịch hay, nội dung của nó theo chân người xem về tới tận nhà để lại những phê phán thói hư tật xấu của xã hội giúp cho người ta có cái nhìn nhân bản hơn trong đời sống.

Hài kịch được viết và trình diễn như những vở diễn ngắn gây cười khi sân khấu chuyển cảnh. Tuy ngắn nhưng muốn hay và khiến khán giả bật lên những tràng cười hoàn toàn không phải là chuyện dễ dàng. Một vở hài kịch sống lâu với thời gian đòi hỏi tính hài hước trên từng câu thoại, người diễn phải có duyên và lột hết những điều mà kịch bản đưa ra bằng kinh nghiệm của từng người. Nội dung một vở hài kịch thường được cân nhắc xử lý qua tài năng của mỗi tác giả. Hài kịch không có nhiều đề tài và có lẽ vì thế tác giả thể loại này ngày càng hiếm hoi cho tới ngày gần như biến mất khỏi sân khấu.

Diễn lố

Báo chí lâu lâu lại kéo một cái tên "danh hài" ra để mổ xẻ những vở diễn dưới tầm của họ rồi đâu lại vào đấy, những kịch bản rẻ tiền vẫn đua nhau tung hoành trên sân khấu.

Thiếu kịch bản, danh hài thường tự biên tự diễn những tiểu phẩm hài cho mình và lâu dần theo quy luật đào thải, chất xám trong đầu không đủ cung cấp cho những show diễn dày đặc đã buộc họ phải có những thao tác dưới tầm, những khỏa lấp coi thường khán giả và dễ thấy nhất là diễn lố, ngôn ngữ chợ búa, bẩn thỉu, dung tục thậm chí chửi thề trên sân khấu khó thể chấp nhận trong cộng đồng người có ý thức về văn hóa.

Diễn lố đang là phong trào của rất nhiều danh hài mà điển hình là Trấn Thành như anh thừa nhận với phóng viên báo VnExpress :

"Đúng ! Trấn Thành là người khẳng định tự chính mình là luôn luôn lố từ cảm xúc dư ra một tí tức là khẳng định cái điều đó. Thậm chí trong khi diễn xuất Thành cũng lố Thành chấp nhận điều đó thành nhìn nhận điều đó. Chúng ta đã chọn phong cách làm lố thì lâu lâu sẽ bị over hơn một tí. Nếu như còn làm sai thì mình còn có cái để làm tốt hơn cho chính bản thân mình chứ nếu quá hoàn hào thì đâu còn là người nghệ sĩ nữa !".

Diễn lố chỉ có lợi cho kịch sĩ vì họ không chịu làm việc nghiêm túc bước lên sân khấu với cái đầu trống rỗng. Cử chỉ tục tỉu, khó coi của diễn viên hài làm cho người ta bật lên tiếng cười vô thức nhưng ngay sau đó là sự khó chịu lẫn khinh bỉ không cần che giấu.

Tiếng cười của khán giả ngày một thưa dần thay vào đó là những nịnh nọt của các fan cuồng bất kể hay dở của nhân vật mà họ ái mộ. Càng cuồng, thì thần tượng của họ càng đi xuống do ngộ nhận vào bản lĩnh của mình là có thật. Cái vòng tròn lẩn quẩn ấy đang dìm hài Việt Nam vào lãng quên nếu không muốn nói một cách khác : chìm sâu hơn vào dung tục thô lậu của những tay hề chưa bao giờ biết giá trị thật của tiếng vỗ tay.

"Không thích thì tắt TV !"

Nghệ sĩ hài có cần vỗ tay không ? Dĩ nhiên là có, Nhưng khi họ đã đạt tới đỉnh cao thì tiếng vỗ tay không còn quyến rũ họ như lúc ban đầu. Vỗ tay hay không đối với nhiều danh hài không còn quan trọng bằng những hợp đồng béo bở. Trấn Thành là một trong những danh hài dám xác nhận điều này khi công khai tuyên bố rằng "Nếu không thích xem Trấn Thành diễn bạn cứ tắt TV".

Câu tuyên bố gây sốc này được nhà văn Trần Tiến Dũng chia sẻ :

Tôi cho rằng nó nhảm nhí, dùng từ đó mới tương đối chính xác chứ thực tế còn hơn như vậy. Thật sự những tay như Trấn Thành nói rằng nếu không thích các bạn cúp cái TV đi….thực ra băng nhóm chúng nó ăn chịu với nhau chúng chiếm lĩnh hết chương trình, nó vẽ ra kịch bản nhảm nhí, tệ hại nhưng chúng cứ diễn.

Nếu hỏi có quần chúng không thì thật ra quần chúng coi TV những chương trình game show thì đâu có trả tiền. Chỉ có tiền của các đơn vị quảng cáo hay ngân sách nhà nước, tiền thuế thôi nên bây giờ những cái màn ấy mà ra ngoài diễn thì chưa chắc người ta đi xem vì phải tốn tiền mua vé. Nó đã lũng đoạn hết cả một hệ thống, tụi nó ăn chịu với nhau nên nó tha hồ vẽ những chương trình nhảm nhí, nhảy lung tung trên đó mà chả ai nói tới trong cái thế giới quái quỷ của tụi nó.

vn3

Một vở diễn hài của Trấn Thành. Courtesy of tinmoi.vn

Nhà báo, họa sĩ, nhà thơ Đỗ Trung Quân cũng đồng tình với nhà văn Trần Tiến Dũng, ông nói :

Trước nhất tôi xin trả lời với tư cách một người đã rời showbiz Việt Nam cũng 5 năm hơn rồi. Là một công dân bình thường tôi có theo dõi những lời than phiền của khán giả về một vài nhân vật có thái độ ngạo mạn, nói năng khiếm nhã và có những kịch bản dù hài hước nhưng thiếu tính cách văn hóa dù là giải trí, và hình như nó cũng đã đi quá giới hạn.

Tôi nhận định như thế này : truyền thông báo mạng ở Việt Nam xem cái đó như một phương tiện để câu view, lấy rating nên không đặt nặng vấn đề ở một giới hạn nào đó. Cứ nhìn Facebook cá nhân là nơi có thể trao đổi, tranh luận thậm chí cãi nhau hay mạt sát hoặc bênh vực một cách cuồng nhiệt cho một cá nhân nào đó. . .nó trở thành một hiện tượng mà tôi cho là nhà nước đã chấp nhận thà như thế còn hơn để người dân chú ý vào những việc lớn khác mà nhà nước không muốn cho người dân biết.

Có phải trách nhiệm của chính quyền khi định hướng nội dung ngành mình quản lý có điều gì đó khuất tất, khó công khai trong việc trả lại sự hồn nhiên cho sân khấu hài ? Nhà thơ Đỗ Trung Quân lý giải sự nghi ngờ này :

Những người quản lý truyền thông đều biết chuyện đó nhưng thấy vô hại đối với chủ trương của họ thì họ cũng để mặc. Nếu đụng đến một vấn đề như vừa rồi câu chuyện một ông Phó chủ tịch Quận đang đi dẹp vỉa hè mang đồng hồ Vertu ra, một nhà báo đăng lời yêu cầu ông ta trả lời công khai xuất xứ của chiếc đồng hồ liền bị thủ trưởng ra công văn kỷ luật. Tôi chưa nói phương pháp có đúng hay không của cái công văn đó vì người đưa ra là một nhà báo mạng liệu ông ta có đủ thẩm quyền hay không thì tôi chưa bình luận nhưng vụ việc đó họ đã giải xử lý còn những vấn đề kia, những vấn đề ta vừa bàn tới có lẽ người ta cứ để yên như vậy cũng chả sao, đó là hiện tượng thật sự đáng buồn".

Gây cười thiếu tế nhị

Trước tình trạng khan hiếm kịch bản, những diễn viên hài chấp nhận hợp tác với nhau làm những tiểu phẩm tấu hài để chạy show. Phải công tâm mà nói trong mười vở tấu hài khó chọn ra được một vở có thể chấp nhập như một cách gây cười tế nhị, đúng đắn. Người xem vẫn cười nhưng nụ cười méo mó và tội nghiệp do bị thôi thúc bổn phận phải vỗ tay trước sức lao động của người khác mà lại quên rằng để trả tiền vào cửa họ phải lao động cật lực và đàng hoàng hơn những diễn viên kia trên sân khấu.

Nhà văn Trần Tiến Dũng chia sẻ nhận xét này :

Theo tôi thì chả có giới viết kịch bản nào riêng đâu mà do tụi nó tự vẽ với nhau. Trong cái giới vừa diễn vừa tự vẽ ra ngồi trong mấy cái quán cà phê, lấy ý tưởng bên ngoài rồi nên chẳng có kịch tác gia hay kịch bản gì cả. Những cái show ngẫu hứng hay tùy hứng tự bốc lên để diễn thôi chứ không có trường lớp gì. Theo tôi biết là như vậy chứ không phải như trước kia có những kịch bản, có những tình tiết tử tế đàng hoàng. Bây giờ nó không có những chuyện ấy nữa đâu, nó tha hóa tới cùng cực rồi.

Đối với Tuấn Khanh, người nhạc sĩ của những cảm xúc bị ruồng rẫy, cơ nhỡ và nghèo đói nhìn sinh hoạt hài kịch của Việt Nam không khác gì một trại lính. Đây là điều mà nhạc sĩ cho rằng nhà nước thấy những tiêu cực lớn lao của họ nhưng nhắm mắt cho qua :

Hài ở Việt Nam qua nhiều năm nó đã đi một cái hướng khác. Hồi xưa hài được dựng trên những tình huống, tức là tình huống hài và ngôn ngữ hài nhưng sau cái một thời gian rất dài hài Việt Nam bị bế tắc. Bất cứ yếu tố nào làm cho khán giả cười đều làm cho nhà nước nhột nhạt. Không những chỉ có hài mà tất cả những khuynh hướng dễ hiểu, đơn giản hay dung tục là những khuynh hướng được chấp nhận nhanh chóng nếu không ẩn giấu một ngôn ngữ nào đó không có ẩn ý gì thì sẽ được nhà nước cổ vũ.

Hàng năm có chương trình táo quân, đó là cái gì hiếm hoi còn lại của những kịch bản hài cố gắng tìm lại một thứ ngôn ngữ hài qua kịch bản mang tính sâu sắc, đồng thời cũng có ngôn ngữ mang tính phê phán của người dân. Chứ còn hài thì tại Việt Nam trong nhiều năm qua nó đã chết đối với khuynh hướng tìm kiếm kịch bản tốt nhất rồi.

Ở các nước theo thể chế dân chủ không hề có chuyện cấm đoán các show diễn nếu không có sự chống đối trực tiếp từ dân chúng. Việt Nam thì khác, có hẳn một Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đặt trách vấn đề định hướng, xây dựng và phát triển văn hóa nghe nhìn.

Ông Nguyễn Thành Chung, Phó cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình khi được hỏi về biện pháp nào để làm sạnh sẽ môi trường văn hóa, đặc biệt là những tay hề thất thố với khán giả, đã trả lời :

"Đối với những chương trình có nội dung không phù hợp, Cục có văn bản yêu cầu các đài phát thanh, truyền hình giải trình và trong trường hợp nội dung chương trình đó vi phạm pháp luật, Cục đều kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định. Trong thời gian vừa qua, Cục đã tiến hành xử lý một số trường hợp, chẳng hạn như chương trình truyền hình thực tế, chương trình game show"...

Những tiếng vỗ tay dễ dãi

vn4

Năm 2014 show hài "Ơn giời, cậu đây rồi" được đánh giá là chương trình hài kịch ăn khách, hấp dẫn nhất

Báo chí tiếp tục phân tích hành động của Trấn Thành và nhiều chuyện bí ẩn đã được phô bày, trong đó người dân biết thêm về các chương trình hài nhạt nhẽo nhưng được bảo kê bằng quảng cáo và ngân sách. Người quảng cáo không cần kịch bản hay họ chỉ cần số view cao hay thấp. Ngân sách cũng không cần kịch bản của danh hài cái mà ngân sách cần là vật liệu bôi trơn, vốn đang được áp dụng trong mọi lĩnh vực tại Việt Nam từ trước tới nay.

Năm 2014 show hài "Ơn giời, cậu đây rồi" được đánh giá là chương trình hài kịch ăn khách, hấp dẫn nhất. Với cách dàn dựng mới lạ, xử lý tình huống linh hoạt, ứng biến của diễn viên và khách mời không theo kịch bản định sẵn đã đem đến ngạc nhiên hào hứng cho khán giả.

Nhưng "Ơn giời, cậu đây rồi" không thoát nổ cách diễn "lố" của hai danh hài Trường Giang, Trấn Thành đối với khách mời. Hai danh hài này đã vô tư ôm hôn khách mời tham gia vai diễn trên sân khấu khiến một làn sóng phản đối ào ạt nổi lên. Tuy nhiên may mắn cho cả hai người, họ không bị kiện ra tòa về tội sàm sỡ trước công chúng.

Một vở hài hiếm hoi không phạm bất cứ điều cấm kỵ nào là tiểu phẩm "Máu nhuộm bãi Thương Hải" của nhóm hài Pro dự thi trong Chương trình Cười xuyên Việt của kênh TV Truyền hình Vĩnh Long. Vở hài kịch này kéo người xem ra khỏi thế giới dễ dãi của các danh hài khác và hán giả không thể quên những câu thoại gây cười tế nhị, nhẹ nhàng và đầy ấn tượng.

Kịch bản của "Máu nhuộm bãi Thượng Hải" cho người ta thấy vẫn còn nhân tài trong thể loại hài kịch. Nếu những nhân vật của nhóm Pro không giữ được bản sắc mà họ có trong ngày hôm nay thì có lẽ trách nhiệm lớn nhất là những tiếng vỗ tay dễ dãi của người thưởng ngoạn vô tình thúc đẩy những con người nghệ sĩ tài năng quay lưng lại với nghệ thuật, vốn là thứ từng mang họ lên đỉnh cao danh vọng.

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

*****************

Kinh tế vỉa hè : Bài toán nan giải (RFA, 15/03/2017)

Nhiều người hiện phải mưu sinh bằng việc buôn bán trên vỉa hè thành phố. Hoạt động này lại khiến nhiều người dân không có lối đi ; dẫn đến trật tự đô thị không được bảo đảm.

vn5

Một quán ăn vỉa hè. RFA photo

Truyền thông trong nước tiếp tục thông tin về công tác dọn dẹp vỉa hè cho thông thoáng tại Sài Gòn, Hà Nội. Tin cho biết các vị lãnh đạo thành phố, quận, huyện lần này dường như tỏ ra kiên quyết hơn với mục tiêu lập lại trật tự đô thị.

Biện pháp quyết liệt như thế có vẻ hiệu quả tại một số nơi ; nhưng lại không được như ý ở nhiều địa điểm vì cũng như bao lâu nay mỗi khi chiến dịch kết thúc thì mọi chuyện đây lại vào đấy.

Nguyên nhân vì sao ? Câu trả lời không quá khó vì ai cũng thấy rất nhiều người dân phải dùng đến vỉa hè làm nơi buôn bán.

Một chị cho biết bản thân là dân gốc địa phương, có cha mẹ được nhà nước ghi công cách mạng nhưng số tiền trợ cấp hằng tháng không đủ sống và chị này được địa phương ưu tiên cho một chổ để buôn bán lấy tiền nuôi cha mẹ :

‘Ba mẹ cô cũng là dân địa phương nhưng mà cũng có công với Cách Mạng. Ba mẹ cô giờ già, lớn tuổi rồi đâu có làm gì ra tiền đâu. Có công cách Mạng thì Nhà nước đâu có nuôi được bao nhiêu. Cô làm con thì cô phải chấp nhận ra bán buôn để nuôi cha mẹ cô.

Chị nói thật có tình trạng buổi sáng thì ngồi trong vạch qui định ; nhưng sau giờ làm việc thì lại lấn ra đề bày hàng mong được bán nhiều hơn :

‘Tại vì cô nghĩ chiều rồi, hết giờ làm việc rồi, cô mới dọn ra dậy để bán cho cái cuộc sống nó dễ thở chút xíu’.

Trong khi đó có nhiều người không phải là dân gốc ở Sài Gòn, họ từ những địa phương xa khác đến thành phố vì còn có cơ hội chứ ở quê thì khó có cơ hội kiếm tiền giúp trang trải cuộc sống.

Hai chị em bán nước bên lề đường từ Đồng Nai lên trình bày :

‘Thì ai mà đi buôn bán long lể đường cũng là khó khan hết rồi, phải đi kế sinh nhai thôi chứ nếu mà có tiền mướn mặt bằng này kia thì đâu có buôn bán long lề đường chi’.

‘Tại vì mỗi người một cái hoàn cảnh khác nhau. Mình chọn cái điều kiện này buôn bán để mình lo gia đình, lo con đồ này nọ’.

vn6

Một xe hủ tíu vỉa hè. RFA photo

Một phụ nữ cho biết từ Phú Thọ phải vào Sài Gòn để bán hủ tiếu gõ trên lề đường vì ở quê làm ăn thất bát, đầu tư vào chăn nuôi thì lỗ vốn :

‘Người đi bán rong như chị toàn những người ở xa. Như bố mẹ chị ở quê mua con bò giống hết 40 triệu. Đầu năm thì bò mắc, cuối năm thì bò xuống giá, nguyên cái công tiền vốn mua 40 triệu đầu năm đến cuối năm bán có 30 triệu, chưa kể tiền công. Một năm người nông dân lỗ mất 20 triệu rồi, tiền đâu người ta bù ?

Thì biết là không cho bán lòng lề đường, mang tiếng không đuổi về quê nhưng bọn chị bây giờ mà cấm bọn chị bắt buộc phải về quê rồi. Mà về quê chăn nuôi mà cái giá cả như bây giờ chăn nuôi có vài đồng đi tích cóp bao nhiêu năm… như anh chị vào đi làm 5 năm góp được 50 triệu đi vay ngân hàng thêm 100 triệu xây chuồng nuôi heo… năm nay đã lỗ 100 triệu. Tại vì heo nó xuống giá quá…

Ông Nguyễn Quốc Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú chủ trương dẹp vỉa hè nhưng không triệt đường sinh sống của người dân. Ông Thái đưa ra thông báo thời hạn để người dân sắp xếp lại nơi buôn bán. Vì theo như ông Thái nhận định rằng ‘Nhiều gánh hàng rong là cả nguồn nuôi sống của một gia đình’.

Quan điểm của ông Nguyễn Quốc Thái được nhiều người buôn bán ở vỉa hè hoan nghênh.

‘Nói chung Việt Nam mình còn nghèo. Nếu giờ làm căng quá đâm ra cuộc sống người ta khó sống lắm. Người ta buôn bán làm việc gì khó khăn quá không được người ta làm bậy làm bạ con người ta mất hết phẩm chất. Tại người ta muốn lương thiện mà giờ nhà nước ra chính sách khó khăn quá đi’.

Hai chị em bán nước từ Đồng Nai cho biết rất muốn được vào buôn bán ở một địa điểm cố định do cơ quan chức năng địa phương tổ chức ; thế nhưng có nhiều khó khăn :

‘ Có khu buôn bán thì mình cũng vô khu buôn bán mình bán chứ cũng được vậy. Nhưng mà tỉ như cái giá như thế nào chứ đâu phải lúc nào mình cũng được vô đâu. Mấy người có tiền họ mới được vô mấy chỗ đó. Mình không có vốn mình phải bán vậy thôi’.

Chị bán hủ tiếu gõ từ Phú Thọ cũng chỉ rõ những trở ngại khi phải kiếm một nơi ổn định để mưu sinh :

‘Thời gian chỗ này cũng có chiến dịch công an đi hốt đó. Tại vì đi hốt như vậy ngày đi bốn năm lần, chị cũng bị hốt bàn hốt ghế nhiều lắm rồi. Cái cảm giác mình vừa bán vừa bị công an hốt á. Lo lắm !’

Những người trong cuộc như các chị đang buôn bán trên đường phố Sài Gòn có những đề nghị với cơ quan chức năng :

‘Nếu mà nhà nước có chính sách nào cho người dân á… thì mình có công việc này kia thì mình cũng chọn cái kia chứ buôn bán ngoài này cũng… bấp bênh lắm, lúc có lúc không’.

‘Kiểu nương cho mình buôn bán để mình kiếm miếng cơm manh áo qua ngày. Chứ cũng khổ lắm thì mới ra long lề đường này bán’.

Cần phải trả lại vỉa hè cho người đi bộ, về lý thì phải như vậy, nhưng để hợp tình thì còn phải tìm cách tổ chức sao cho những người dân buôn bán vỉa hè có được một nơi làm ăn ổn định.

***********************

Cuộc sống dân làng chài (RFA, 15/03/2017)

Thảm họa môi trường do Formosa gây nên đến nay gần trọn một năm ; thế nhưng nhiều ngư dân ở các làng chài trong khu vực bị tác động vẫn chưa thể có được cuộc sống ổn định.

vn7

Ngư dân vá lưới. RFA photo

Bà Nguyệt sinh sống tại làng chài Bình An, Thừa Thiên Huế hơn 60 năm, cuộc sống lam lũ khổ cực khi phải gánh vác gia đình 4 người, người chồng thì đau ốm ko lao động được, con cái đứa thì mù, đứa thì bỏ xứ đi lập nghiệp, gánh nặng gia đình đè lên vai bà :

"Chồng thì đau, con thì mù, đang dắt đi làm đâ. Đi kéo (lưới) đây, đi kéo ở lung nhưng lại không có gì. Đi kéo như thế họ có thì mình có, họ không có mình cũng không có gì".

Hai vợ chồng chủ thuyền nơi từng thuê bà Nguyệt cùng đi đánh bắt trước đây cho biết :

"Từ khi thải nước chết đến giờ là dân kéo làm ăn thế nào. Cá chết coi như thất thu, không có việc làm.

Nói chung là có ảnh hưởng Formosa. Làm thì không thất nghiệp nhưng không thu nhập được.

Formosa mới đền bù đợt 1, còn đợt 2 hẹn tháng 1, tháng 2, qua tháng 3 vẫn chưa đền bù cho dân".

Những tác động đến môi trường biển của việc xả thải từ công ty Formosa tưởng chừng đã hết, nhưng gần đây, trên bờ biển dọc các tỉnh miền Trung lại xuất hiện những vệt nước đỏ.

"Vừa rồi nước đỏ lên, nó (cá) sợ quá không biết có về nữa không.

Một tuần nay rồi nước đỏ có về, nên thu nhập con cá bán không có lãi, bán không được nữa".

vn8

Làng chài. RFA photo

Kế mưu sinh của những người dân biển bị ảnh hưởng nặng nề, từ chủ thuyền cho tới những người làm thuê và kéo theo những hệ lụy khác.

"Bán cá chủ thu vô được 100 thì mỗi người 20, mà giờ chủ không có bạn không có luôn. Đi ngày hôm nay là chủ đói bạn đói".

"Cô cũng không biết công việc gì để làm, cô cũng muốn chứ. Đi công nhân thì nơi nhà bán gạo họ chê già không nhận, họ sợ không có sức lao động".

Người dân ở đây cho hay, những người đàn ông đã bỏ làng đi tìm việc nơi khác :

"Mấy anh mấy chú thất nghiệp quá thì đi làm ăn, còn ở nhà đàn bà phụ nữ kéo cái này thôi".

Chỉ còn những người phụ nữ phải gánh vác gia đình, con cái nên ở lại bám biển.

Cách đó 40km, tại đầm Cầu Hai, xã Lộc Tì, cô Nguyễn Thị Hoa cùng chồng làm nghề chài lưới đã hơn 40 năm nay, vợ chồng làm việc quần quật quanh năm suốt tháng nhưng cũng vì ốm đau bệnh tật nên không thể để dành được đồng nào, tất cả mọi sự trong nhà dựa vào nguồn thu nhập từ đầm cá :

"Hai vợ chồng già rồi, chồng thì 65 tuổi rồi, còn tôi 60 tuổi. Giờ ông yếu rồi, ông nuôi tôi từ ngày ấy đến giờ rồi. Yếu rồi, đau lên đau xuống mãi hoài không làm gì được hết.

Làm mùa này để tiết kiệm mùa mưa có tiền để mua gạo mua cơm, mua muối mắm ăn qua ngày".

Đây là một trong số ít những trường hợp mà chúng tôi ghi nhận được, những người phụ nữ và gia đình họ gắn liền với nghề chài lưới từ bao đời. Cuộc sống lam lũ vất vả, thời tiết thì khắc nghiệt, nhưng lại gặp phải cơn hoạn nạn khiến tương lai của họ càng mù mịt hơn, họ chỉ còn trông đợi vào sự trợ giúp từ những khoản tiền bồi thường để trang trải cuộc sống qua ngày. Họ cố nhẫn nhịn mà bám biển, vì đây là nhà.

Quay lại trang chủ
Read 566 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)