Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

17/04/2019

Du lịch Việt Nam, kỷ luật cán bộ hưu trí, trì hoãn luật đất đai

RFA tiếng Việt

Du lịch Việt và khủng hoảng nguồn nhân lực (RFA, 17/04/2019)

"Đào tạo Nguồn nhân lực du lịch" là chủ đề được đưa ra trong một diễn đàn thảo luận tại hội trường Thống Nhất ở thành phố Hồ Chí vào trung tuần tháng 4 vừa qua. Hoạt động này do Đại học Hoa Sen và Sở Du lịch thành phố phối hợp tổ chức.

dulich1

Người dân Hà Nội xếp hàng mua vé máy bay giá rẻ trong một đợt khuyến mãi của Việt Nam Airlines tại Hội chợ Du lịch Quốc tế ngày 15 tháng tư năm 2016. AFP photo

Bên cạnh sự hiện diện của thủ tướng chính phủ và viên chức các ban ngành liên quan, còn có lãnh đạo các công ty du lịch, chuyên gia cùng đại diện các trường đào tạo ngành nghề du lịch.

Tại diễn đàn nhiều tiêu chí được đưa ra như đổi mới ngành du lịch, , phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chính sách của Nhà nước và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực, liên kết các cơ sở đào tạo nhằm phát huy nguồn nhân lực trong tương lai, biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhon…

Tuy nhiên đào tạo nguồn nhân lực được cho là ý kiến chủ đạo trong diễn đàn, vào khi tình hình thực tế phản ảnh qua báo chí cho thấy nhân lực trong ngành du lịch Việt Nam từ trong ra đến ngoài không những thiếu mà còn chưa thể đáp ứng được nhu cầu đang tăng của thị trường .

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, tổng giám đốc Viettravel doanh nghiệp du lịch lớn trong thành phố, phát biểu rằng tình trạng thiếu nhân lực ngành du lịch là vấn đề kéo dài lâu nay chứ không đợi tới giờ. Nguồn nhân lực nói tới ở đây, ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh, chính là số lượng ứng viên nộp hồ sơ khá đông nhưng nhưng ít người hội đủ tiêu chuẩn đáp ứng thực tế, chưa kể một khâu quan trọng khác là kỹ năng ngoại ngữ của ứng viên rất kém, dẫn đến chuyện khách đi thì đông mà người phục vụ đi theo thì rất ít.

Năm 2018, ông Nguyễn Quốc Kỳ trình bày tiếp, Viettravel đón 912.000 lượt khách. Hướng tới của 2019 là 1 triệu 100, ông nói, nhưng để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng này Viettravel cần thêm khoảng 300 nhân viên nữa mà thực tế đã chứng minh là rất khó tuyển cho đủ.

Số liệu từ Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cho thấy gần phân nửa hướng dẫn viên du lịch không thông thạo ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Hàn. Đây là trở ngại rất lớn cho ngành du lịch thành phố trong việc tiếp cận những thị trường tiềm năng, đại diện Sở Du lịch nhấn mạnh như vậy.

Không chỉ phía Nam mà khu vực phía Bắc, dù có trường đào tạo hướng dẫn viên du lịch, cũng lâm vào cảnh thiếu nhân sự một cách trầm trọng. Cô Giang, đang điều hành công ty du lịch TTB Tour ở Hà Nội, cho biết lúc cần thì chính cô cũng phải đi theo đoàn trong tư cách hướng dẫn viên du lịch :

Thứ nhất là thị trường tiếng, nhìn chung tour guide mà giỏi ngôn ngữ rất là hiếm. Thứ hai nữa là trách nhiệm của họ không cao, đạo đức nghề nghiệp của hướng dẫn viên thì xuống cấp.Họ không hết trách nhiệm không đam mê với công việc.

Ngoài việc không đào sâu kiến thức, họ nói theo bài bản thôi chứ không chịu mở rộng kiến thức. Khách bây giờ đặt rất nhiều câu hỏi thì mình nên mở rộng tầm nhìn ra. Nhưng mà số lượng tour guide như thế rất hiếm, có thể nói là khan hiếm vô cùng.

Thường thì một học viên ngành du lịch khi ra trường và được TTB Tour nhận thì công ty này phải đào tạo nghiệp vụ cho họ trong vòng một hay hai năm, nhưng :

Khi các bạn cứng việc rồi thì lại bay cao hơn, thường là như thế.

Những chuyện như vừa nói không có gì mới là khẳng định tiếp theo của ông Trần Long, tổng giám đốc Công Ty Truyển Thông Du lịch Việt ở thành phố Hồ CHí Minh :

Không phải chúng ta không có người. Mỗi một năm ra trường rất nhiều ngàn, nhân sự học du lịch ra có những lãnh vực như làm dịch vụ, buồng, bàn, bar hay kinh doanh đều có hết, nhưng cơ bản là chúng ta chưa tập trung đào tạo sâu về mặt chuyên môn cũng như chất lượng nghiệp vụ cho nguồn nhân sự, đâm ra nguồn nhân sự mà ra trường là chưa đáp ứng nổi nhu cầu thực tế của thị trường hiện nay.

dulich2

Du khách nước ngoài mặc áo dài Việt Nam tại Hà Nội hôm 20/10/2018. AFP

Dưới mắt ông Trần Long, các trường đào tạo hướng dẫn viên du lịch từ Trung cấp, Cao đẳng đến Đại học một năm đào tạo được rất nhiều, tuy nhiên giữa nhà trường và những đơn vị sử dụng lao động, tức sử dụng nguồn nhân lực, chưa phối hợp với nhau một cách chặc chẽ và chưa có một tiếng nói chung,chưa có một kế hoạch cụ thể mà gần như là chạy theo phong trào :

Trong khi đó du lịch cần sự nắm bắt, người làm du lịch phải có cái tố chất, cái năng khiếu từ hình thức từ giọng nói hay cung cách. Tôi nghĩ những yếu tố ấy không đơn giản mà ngay từ đầu vào, tức là tuyển sinh, mình cũng chưa chú trọng.

Bây giờ một hướng dẫn viên mà ăn nói thì ngọng hoặc hình thức nó kém quá thì khó thu hút du khách. Hay những người phục vụ mà không có một nụ cười, chuyên môn lại không cao, không nhanh nhẹn chẳng hạn, thì du lịch chúng ta sẽ luôn đi sau các nước phát triển về nguồn nhân lực.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống , được ông Trần Long nói đến ở đây, thì hiện Việt Nam có trên dưới 25.000 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ :

Tôi cho rằng 25.000 hướng dẫn viên du lịch này trình độ các bạn không đến nỗi tệ, nhưng về kỹ năng nghề, rồi cái văn hóa của mỗi công ty, cái cảm nhận và trách nhiệm thì hướng dẫn viên mình cần phải được đào tạo được nâng cao hơn nữa thì mới đạt được cái cơ bản.

Những trường phía Bắc thì đào tạo kiến thức có thể sâu hơn một chút, nhưng về kỹ năng thì ở phía Nam tốt hơn ở phía Bắc. Tôi nghĩ chúng ta cần thanh lọc lại, check lại, kiểm tra lại thường xuyên một năm một lần. Làm sao để mỗi cá nhân làm du lịch hiểu chúng ta đang làm cái gì mà tự học hỏi nâng cấp mình lên.

Bớt kêu ca và thay bằng việc làm cụ , đừng mãi lập lại cái điệp khúc rằng nguồn nhân lực Việt Nam thiếu và yếu trầm trong, ai cũng biết nhưng không ai có biện pháp giải quyết. Đó là góp ý của ông Nguyễn Văn Mỹ, thành viên Hội đồng quản trị công ty du lịch Lữ hành Lửa Việt :

Tôi có đăng ký phát biểu trong diễn đàn và tôi có bảo rằng làm sao mà bớt kêu ca đi, chuyện đó ai cũng biết rồi. Tôi chứng minh rằng nếu có thì thiếu cục bộ. Tôi dẫn chứng theo số liệu của Tổng Cục Thống Kê thì năm 2018 Việt Nam còn trên 200.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp. Bản thân tôi có trực tiếp tham gia giảng dạy, tôi biết có những đại học có những lớp chuyên ngành du lịch, các em học xong đi làm chưa tới 10%, một sự lãng phí ghê gớm.

Vấn đề ở đây, ông Nguyễn Văn Mỹ phân tích tiếp, sinh viên thì học theo phong trào, cứ chọn ngành nghề có vẻ kêu như Quản Trị Du lịch chẳng hạn, trong khi thị trường cần những ngành cụ thể, thí dụ lữ hành thì cần hướng dẫn viên, cần thiết kế tour, cần điều hành tour. Nhà hàng khách sạn thì cần buồng, cần bar, cần pha chế, cần bếp… chứ không cần cái quản trị chung chung mà từ chỗ đó nảy sinh cái thừa và cái thiếu :

Và tôi cho rằng nếu thực sự có thiếu cục bộ đi chăng nữa thì có 200.000 tốt nghiệp cử nhân và cao đẳng và thạc sĩ, nếu cần thì đào tạo nghiệp vụ rồi chuyển qua thì không thể thiếu được.

Chính sách và thu nhập của ngành du lịch của Việt Nam không hấp dẫn cho nên người ta không làm đúng ngành nghế :

Trường Đại học Hoa Sen là đơn vị chủ trì hội thảo còn thay mặt diễn đàn để kiến nghị nhà nước giảm thuế cho các trường đại học, hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực. Tôi cho rằng những ý kiến này không khả thi, thậm chí rất khó thực hiện trong điều kiện hiện nay. Các doanh nghiệp cứ chê rằng nhà trường đào tạo không thực tế, Đúng. Nhưng nếu vậy thì doanyh nghiệp phải vào nhà trường để phối hợp đào tạo, mời sinh viên về để thực tập bởi đó là dịp tuyển chọn người tốt nhất.

Đây là mô hình đào tạo, một sự kết nối chặt chẽ giữa Sinh Viên-Nhà Trường-Doanh Nghiệp, qua đó vai trò sinh viên được chú ý và được đề cao hơn, ông Nguyễn Văn Mỹ khẳng định.

Được biết trong khuôn khổ diễn đàn Nguồn Nhân Lực Du lịch Việt Nam 2019, có 8 trường đào tạo sẽ ngồi lại với nhau để ký một văn bản liên kết đào tạo.

Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, bày tỏ niềm hy vọng diễn đàn không chỉ giúp ngành du lịch thành phố tìm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn giúp thành phố trở thành trung tâm đào tạo nhân lực du lịch cao cho cả nước.

Thanh Trúc

****************

Đặt lại vấn đề kỷ luật cán bộ hưu trí và công chức suốt đời (RFA, 17/04/2019)

Trong Dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 17/4 có hai đề xuất đáng chú ý là kỷ luật quan chức đã nghỉ hưu và bỏ ‘viên chức suốt đời’.

dulich3

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi trình bày Tờ trình về dự án Luật Cán bộ, công chức hôm 17/4/2019. Courtesy moha.gov.vn

Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc khi trao đổi với chúng tôi hôm 17/4 nhận định :

"Đây là nội dung của việc sửa đổi Luật công chức mà dự kiến trong kỳ họp thứ 7 này sẽ đưa ra bàn. Hai nội dung mà anh vừa nói (kỷ luật quan chức đã nghỉ hưu và bỏ ‘viên chức suốt đời’) thì tôi nghĩ đối với người ở các quốc gia khác thì chuyện ấy cũng là đương nhiên thôi, nhưng rõ ràng ở Việt Nam đã được phát hiện từ lâu mà chúng ta chưa điều chỉnh lại".

Phát biểu tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi trình bày Tờ trình về dự án Luật Cán bộ, công chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, theo dự thảo luật cán bộ, công chức mới đưa ra, có bổ sung vào khoản 5 vào điều 78 của luật hiện hành quy định, nếu cán bộ sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có vi phạm và đã bị xử lý kỷ luật về Đảng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu 1 trong 3 hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo hoặc xóa tư cách, chức vụ đã đảm nhiệm…

Điều khoản này trước đây từng được bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông Lê Vĩnh Tân, khi trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội nhìn nhận việc kỷ luật hành chính đối với ông cựu bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng là vấn đề khó vì chưa có tiền lệ.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 17/4/2019, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam, nhận định :

"Có lẽ người ta đưa ra biên bản đó vì người ta muốn xử lý chức vụ, thời kỳ đang làm việc, đang tại chức. Vừa qua có trường hợp ông Bộ trưởng đã nghỉ hưu rồi vẫn xử lý cách chức trong thời kỳ ông ấy đang làm, cái sửa đổi lần này có lẽ người ta muốn nhắm đến hướng đó. Còn sai phạm về hình sự, hành chánh thì thời hiệu không phân biệt là cán bộ công chức hay người dân thường. Còn nếu có chức có quyền thì người ta sẽ xử lý cái chức trong thời kỳ mình sai phạm… Vừa qua đảng và nhà nước có cách chức một số người đã nghỉ hưu, mà vẫn cách chức trong thời kỳ đang làm. Có lẽ bây giờ người ta hợp thức hóa vấn đề đó".

Xin được nhắc lại, cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, đã bị cách chức bí thư Ban cán sự đảng giai đoạn 2011-2016 do có những sai phạm bổ nhiệm trong thời gian giữ chức vụ này. Và bị tước tư cách quyền bộ trưởng.

Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng, bây giờ đưa vấn đề này ra để nhấn mạnh, những người đã nghỉ hưu không phải đã hạ cánh an toàn. Nếu sai phạm còn thời hiệu xử lý thì pháp luật không hạn chế. Theo ông, việc sửa đổi này thực tế cũng phù hợp với pháp luật, vì hành vi sai phạm còn thời hiệu.

Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, về nguyên tắc, xử lý hành chánh hay hình sự có thời hiệu, tùy sai phạm nặng nhẹ, thời hiệu sẽ là 6 tháng, 1 năm, 5 năm, 10 năm hay 15 năm… khi sai phạm còn thời hiệu thì vẫn phải xử lý.

Ông Dương Trung Quốc nhận định :

"Về hưu thì người ta cho là hạ cách an toàn, chỉ lãnh lương hưu chứ không chịu trách nhiệm về những việc mình đã làm trong quá khứ, mà đâu phải sự việc gì cũng được phát hiện. Điều này tạo ra sự vô trách nhiệm đối với những việc mình làm, mình chỉ cần vượt qua thời kỳ đó là mình thoát. Điều này không có ở các nước khác, ngay cả lãnh đạo cấp cao như thủ tướng, tổng thống nếu sau này phát hiện sai phạm vẫn bị xử lý. Vì vậy rõ ràng đó là một yếu tố chúng ta thấy cần đưa vào luật".

dulich4

Ảnh minh họa : Công chức làm việc Courtesy dongnai.gov.vn

Ông Dương Trung Quốc cho rằng, đây là một xu thế phù hợp, để nâng cao trách nhiệm của công chức khi còn đương nhiệm. Và rõ ràng nó không tạo an toàn cho bất kỳ ai, làm những việc làm sai trái, sai pháp luật, nhất là liên quan đến công quỹ của nhà nước.

Theo ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa, trước đây có quy định khi chuyển công tác hay về hưu, thì những khuyết điểm trước đó có thể không được đề cập, không được xử lý. Chính điều này theo ông làm cho một bộ phận cán bộ công chức, cứ gần về hưu hoặc có hướng chuyển công tác, đã không nghiêm túc thực hiện trách nhiệm công vụ của mình, lợi dụng thời gian quá độ này để làm những điều pháp luật không cho phép. Ông nói tiếp :

"Vấn đề này làm xáo trộn trận tự xã hội và mất công bằng giữa những người nghiêm túc và những người lợi dụng sơ hở của pháp luật để tranh thủ làm chuyến tàu vét hoặc là tư duy nhiệm kỳ, để thực hiện ý đồ cá nhân hay tư lợi. Cho nên dư luận rất bất bình".

Cũng trong Dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này việc bỏ ‘viên chức suốt đời’ cũng được nhắc đến.

Theo Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, cái gọi là ‘viên chức suốt đời’ có lẽ là nối dài của việc người ta coi công chức là làm cách mạng :

"Tôi nhớ cách đây không lâu, khi khai lý lịch công chức thì có phần quá trình hoạt động cách mạng. Như vậy làm công chức không hoàn toàn là công việc của người làm công ăn lương trong bộ máy nhà nước. Có lẽ vì thế nó dẫn đến tình trạng cứ vào được biên chế coi như yên tâm, cứ chờ thăng tiến, trừ những trường hợp vướng sai lầm lớn mới bị kỷ luật. Nên đã tạo ra đội ngũ công chức mà sức ì rất lớn, sức phấn đấu không có, năng suất thấp. Nên người ta thấy điều này cần phải thay đổi trong luật".

Còn ông Lê Văn Cuông thì cho rằng, đây là một vấn đề rất tế nhị, liên quan đến cả một thể chế :

"Nó là một vấn đề rất tế nhị, liên quan đến cả một thể chế, trước đây khi tuyển dụng thì người ta chỉ an bài cho đến khi về hưu. Vấn đề thay đổi hay xử lý một cán bộ vi phạm cũng rất là khó, kể cả vấn đề ngồi chơi xơi nước, hiếm khi thay đổi các quy định pháp luật, hay cũng khó khăn để xử lý các trường hợp này. Cho nên nó làm trì trệ sự phát triển của xã hội và bất bình trong dư luận".

Ông Cuông cho rằng lần này, vấn đề bỏ "viên chức suốt đời" được cụ thể hóa bằng luật sẽ có tác dụng rất tốt, sẽ ngăn ngừa được tình trạng cố chạy chọt để có được một vé công chức.

Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, mọi người đều như nhau, có tội thì phải chịu tội, vi phạm thì phải bị xử lý, đó là điều đương nhiên, ai cũng tán thành.

Tuy nhiên ông Dương Trung Quốc lại cho rằng, tầng lớp công chức có vị thế riêng trong đời sống xã hội Việt Nam :

"Tầng lớp công chức có vị thế riêng trong đời sống xã hội Việt Nam, lý thuyết thì ai cũng bình đẳng trước pháp luật, nhưng rõ ràng công chức liên quan đến công việc nằm trong hệ thống của nhà nước".

Trong lúc dự luật đang thảo luận chứ chưa thông qua thì ông Dương Trung Quốc cũng dẫn chứng một số ý kiến cần suy nghĩ :

"Ở Việt Nam, đối với một công chức nắm chức vụ nào đó thì thường khi có sai sót gì thì họ luôn luôn đổ cho lịch sử, hoàn cảnh lúc đó dẫn đến sai sót đó… hay trách nhiệm tập thể… cả chi bộ đã thống nhất với nhau rồi… Nhưng chúng tôi là người dân hay nói ‘trách nhiệm tập thể nhưng tài khoản thì cá nhân’, lợi ích riêng tư thì bỏ túi được".

Cho nên ông Dương Trung Quốc cho rằng, vì vậy vấn đề này thường không giải quyết một cách dứt điểm được.

Trung Khang

******************

Thể chế và lợi ích nhóm : Nguyên do trì hoãn sửa đổi Luật Đất đai ? (RFA, 17/04/2019)

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai lại một lần nữa bị rút khỏi chương trình nghị sự tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới. Như vậy là qua hai lần sửa đổi, luật vẫn quy định "đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý".

dulich5

Cảnh sát chống bạo động đụng độ với người dân trong một vụ cưỡng chế đất ở tỉnh Nam Định, Hà Nội ngày 9 tháng 5 năm 2012. Reuters

Luật Đất đai của Việt Nam lần đầu tiên được ban hành ngày 8 tháng 1 năm 1988 do Chủ tịch Hội đồng nhà nước lúc đó là ông Võ Chí Công ký, sau đó được thay thế bằng Luật Đất đai năm 1993, có hiệu lực từ giữa tháng 10 cùng năm. Luật Đất đai năm 1993 đã được sửa đổi 2 lần vào năm 2003 và năm 2013.

Bà Cấn Thị Thêu, người phụ nữ Dương Nội từng bị tù vì lên tiếng đấu tranh về đất đai cho rằng Luật Đất đai cũ điều kiện có các quan chức cướp đất, chiếm đất của dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam :

"Luật Đất đai cũ là một luật gây rất nhiều oan sai, tạo điều kiện có các quan chức cướp đất, chiếm đất của dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Luật này còn tồn tại ngày nào thì bà con còn đau thương ngày nấy, còn khổ ngày nấy. Hôm nay bà con cũng lên tiếng với ban tiếp dân của trung ương là phải mau chóng sửa đổi Luật Đất đai để bảo đảm quyền lợi của dân, chứ bây giờ đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý thì họ cứ nhân danh Nhà nước thích cướp của ai thì cướp, thích thu của ai thì thu rồi tự định ra mức giá bồi thường, hỗ trợ gần như là cướp trắng của người dân.

Ví dụ đất Dương Nội có chỗ họ bán hàng trăm triệu một mét vuông nhưng họ trả cho dân có 201.600 đồng một mét vuông".

Chuyện thu hồi đất của dân rồi bồi thường với giá rẻ mạt gây ra là sóng phản đối, biểu tình khắp nơi từ Bắc tới Nam hàng chục năm qua.

Vụ biểu tình ở Tây Nguyên đòi đất, đòi tự do tôn giáo năm 2004 với gần 10.000 người tham gia đồng loạt ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Đắk Nông.

Đến năm 2012, nông dân các huyện Văn Giang, Hưng Yên, Dương Nội, Hà Đông, và xã Vân Hà huyện Đông Anh đã kéo về tập trung trước trụ sở tiếp dân của Mặt trận tổ quốc ở số 46, Tràng Thi, Hà Nội biểu tình khiếu kiện đất đai bị nhà cầm quyền địa phương trưng thu.

Tháng 10 năm 2016, hơn 60 hộ dân thuộc Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm biểu tình trước Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng và Quốc hội đòi hỏi quyền lợi khi đất đai của họ bị trưng thu và đền bù với giá rẻ mạt.

Mọi chuyện chưa được giải quyết thì xảy ra vụ cưỡng phá hàng trăm căn nhà tại vườn rau Lộc Hưng, TP.HCM ngay trước Tết Nguyên đán 2019.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội chiều ngày 25 tháng 5 năm 2018, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại nhấn mạnh "Không thể cứ kéo dài mãi tình trạng thu hồi hàng nghìn mét vuông đất, dù chỉ là đất ruộng, thậm chí đất không thể canh tác được, nhưng sau khi được đền bù thì người dân không mua nổi một suất đất hay một căn chung cư của chính dự án để sinh sống".

6666666666666666

Người dân Nam Định phản đối cưỡng chế đất bị cảnh sát cơ động đàn áp hôm 9/5/2012. Reuters

Năm 2013, cùng với đợt sửa đổi Hiến pháp, Quốc hội Việt Nam đưa ra dự thảo sửa đổi về Luật Đất đai với những tranh luận sôi nổi về việc đất đai thuộc sở hữu của ai, và thu hồi đất đai như thế nào. Luật Đất đai sửa đổi chính thức có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7 năm 2014.

Trao đổi với RFA vào thời điểm đó, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ nhận định rằng, muốn phát triển kinh tế và ổn định xã hội thì nên chấp nhận hình thức đa sở hữu, bao gồm phần của Nhà nước, phần của tư nhân, của doanh nghiệp, đoàn thể, hoặc tôn giáo. Bà nói thêm :

"Tôi rất tiếc về việc cho đến bản dự thảo hiện nay Nhà nước vẫn còn muốn thiên về hướng duy trì quyền sở hữu Nhà nước về đất đai. Tôi ở trong số những người có đề xuất khi tiến tới sửa đổi Luật Đất đai, theo đó nên công nhận nhiều hình thức sở hữu khác nhau".

Cho đến bây giờ Nhà nước Việt Nam vẫn quyết tâm duy trì đất đai là sở hữu toàn dân như một cách khẳng định quyền sở hữu này thuộc về Nhà nước cho dù người dân mong muốn cải cách. Thêm vào đó, luật này một lần nữa không được xem xét vào kỳ họp Quốc hội sắp tới. Bà Cấn Thị Thêu nêu ý kiến về việc này :

"Chính phủ Việt Nam là một chính phủ tham nhũng và không vì dân, cho nên nếu trì hoãn sửa đổi Luật Đất đai ngày nào thì họ còn có cơ hội cướp đất của dân ngày nấy".

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một luật sư hỗ trợ pháp lý cho người dân Lộc Hưng ở Sài Gòn cho rằng chương trình xây dựng luật do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết và việc thay đổi lịch trình thảo luận và thông qua các dự án luật là chuyện thường xảy ra, và ông đưa ra nhận định :

"Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai bị lùi lại giữa lúc tình hình đất đai trong nước đang nóng khiến cho dư luận đặt vấn đề liệu sự chậm trễ có liên quan gì đến "nhóm lợi ích" đang thao túng nguồn tài nguyên đất đai hay không ?

Theo chúng tôi, trong tình hình hiện nay Quốc hội cần nỗ lực và khẩn trương hoàn thiện Luật Đất đai, một đạo luật đặc biệt quan trọng chi phối toàn bộ đời sống xã hội, khắc phục nhiều điều khoản bất hợp lý, thậm chí gây ra bất công, phát sinh môi trường thuận lợi cho tham nhũng, gia tăng khiếu kiện, tạo mầm mống bất ổn xã hội...

Tuy nhiên, hoàn thiện Luật Đất đai ở Việt Nam là chuyện quá khó khăn, thậm chí là không thể, bởi nó vướng đến yếu tố thể chế và thiết chế xã hội, đến tương quan lực lượng chống tham nhũng và tham nhũng... Chính vì thế, Luật Đất đai là đạo luật được sửa đổi và bổ sung nhiều lần nhưng cũng là đạo luật có nhiều lỗ hổng và bất cập".

Theo số liệu Tổng Cục Quản Lý Đất Đai thuộc Bộ Tài Nguyên - Môi trường thì năm 2016 có hơn 2.000 vụ khiếu kiện đất đai ; năm 2017 có trên 3.500 đơn khiếu nại về đất đai.

Tại buổi báo cáo trước Quốc hội công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, trong đó có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc.

Diễm Thi

Quay lại trang chủ
Read 676 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)