Hiệp hội nạn nhân dioxin Việt Nam gửi thư đến tòa án Mỹ yêu cầu công lý cho các nạn nhân (RFA, 19/04/2019)
Hiệp hội nạn nhân chất da cam / Dioxin Việt Nam (VAVA) tuần này đã gửi thư đến tòa án Hoa Kỳ yêu cầu công lý cho các nạn nhân chất da cam Việt Nam.
Khu vực thực hiện Dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa. Courtesy vava.org.vn
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 18/04/2019.
Tập đoàn hóa chất Hoa Kỳ Monsanto là một trong những nhà cung cấp chính của hơn 80 triệu lít thuốc diệt cỏ có chứa chất da cam mà Mỹ đã rải khắp miền Nam Việt Nam từ năm 1961 đến 1971 để khai quang những khu rừng rậm nhiệt đới bị cho là nơi ẩn náu của quân đội Bắc Việt Nam.
Trong thư gởi Tòa án Mỹ, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Phó chủ tịch VAVA và Chủ tịch Hiệp hội nạn nhân chất da cam / Dioxin thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam yêu cầu các nhà cung cấp thuốc diệt cỏ cho Hoa Kỳ trong chiến tranh phải chịu trách nhiệm bằng cách hỗ trợ cho người dân Việt Nam và xử lý môi trường,
Năm 2004, các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam đã đệ đơn kiện 37 công ty hóa chất Mỹ, trong đó nổi bật là Monsanto và Dow Chemical, yêu cầu các công ty cung cấp thuốc diệt cỏ cho quân đội Mỹ trong chiến tranh phải có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ khắc phục hậu quả của chất da cam với con người và môi trường Việt Nam. Tuy nhiên, đơn kiện này bị tòa liên bang Mỹ bác bỏ ba lần với lý do không đủ căn cứ.
Vào tháng 3 năm nay, một bồi thẩm đoàn liên bang ở San Francisco đã trình chứng cứ cho thấy thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto có tác hại trực tiếp lên cơ thể con người, là yếu tố quan trọng gây ra bệnh ung thư của cư dân California Edwin Hardeman, 70 tuổi và yêu cầu Monsanto bồi thường cho Hardeman gần 81 triệu USD
Tòa án San Francisco tháng 8/2018 đã ra phán quyết buộc Monsanto phải bồi thường 288 triệu USD cho công dân Dewayne Johnson sau khi ông này bị ung thư vì tiếp xúc trong thời gian dài với thuốc diệt cỏ Roundup và Ranger Pro do công ty hóa chất này sản xuất.
Bằng cách nhấn mạnh những trường hợp này, VAVA hy vọng tòa án Hoa Kỳ sẽ xem xét vụ kiện kể từ năm 2004 để công lý được mang đến cho hơn 4,8 triệu nạn nhân chất da cam ở Việt Nam.
*****************
Việt Nam lại đâm đơn lên tòa Mỹ đòi bồi thường cho nạn nhân chất da cam (VOA, 18/04/2019)
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vừa gửi đơn lên tòa án Hoa Kỳ, "kêu gọi hành động đúng nghĩa vì cuộc sống của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam".
Một phần sân bay Biên Hòa, một khu vực được cho là bị nhiễm chất da cam ở Việt Nam.
Báo VietnamNet hôm 18/4 cho biết Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thành phố Hồ Chí Minh vừa gửi thư tới một tòa án Mỹ, yêu cầu các công ty hóa chất Hoa Kỳ bồi thường cho nạn nhân chất da cam ở Việt Nam.
Vào năm 2004, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kiện công ty Monsanto, công ty Dow Chemical và hơn 30 công ty đã sản xuất chất da cam lên tòa án tại New York. Tuy nhiên, thẩm phán Jack Weinstein đã ra phán quyết cho rằng việc cung cấp chất độc không cấu thành tội ác chiến tranh.
Truyền thông Việt Nam cho biết VAVA đã ba lần bị tòa án Mỹ bác đơn.
VietnamNet hôm 18/4 trích thư gửi tòa án Mỹ của Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ nhắc lại kết luận của bồi thẩm đoàn tại tòa án liên bang San Francisco, Mỹ, hôm 19/3/2019, nói rằng thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto có tác hại trực tiếp lên cơ thể con người, là yếu tố quan trọng gây ra bệnh ung thư của cư dân California Edwin Hardeman, 70 tuổi, và yêu cầu Monsanto bồi thường cho Hardeman gần 81 triệu đôla.
Truyền thông Việt Nam trích lời ông Thổ đặt nghi vấn : "Trong khi các nạn nhân chất độc da cam/dioxin của Mỹ được bồi thường thì ‘công lý nào cho cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam’ khi đang từng ngày bị chất độc hóa học hủy diệt đến tận cùng ? Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đau xót khi phía Mỹ bác đơn kiện vì cho là thiếu chứng cứ ?".
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ nói thêm : "Xin qúy vị hãy lật lại hồ sơ từ năm 2004 đến nay của nguyên đơn là nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đối với bị đơn Monsanto, Dow Chemical. Hy vọng cán cân công lý luôn công minh".
Thống kê của Việt Nam cho biết hiện có hơn 4,8 triệu nạn nhân của chất da cam/dioxin, đang bị hủy diệt từ từ do ung thư và các loại bệnh hiểm nghèo.
*******************
Đoàn Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ thăm Việt Nam (RFA, 18/04/2019)
Đoàn Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ do Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Phó Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Hoa Kỳ dẫn đầu hôm 18/4 có cuộc gặp người đứng đầu ngành quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, tại Hà Nội.
Đoàn trợ lý Nghị sĩ Hoa Kỳ thăm địa điểm Dự án "Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng" hôm 17/04/2019. Courtesy chinhphu.vn
Tại buổi tiếp đón, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết tin tưởng chuyến thăm của đoàn Thượng nghị sĩ sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ đối tác toàn diện Mỹ - Việt Nam.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch đánh giá cao hợp tác quốc phòng giữa hai nước cũng như công tác khắc phục hậu quả chiến tranh.
Vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đánh giá cao đóng góp của cá nhân Thượng nghị sĩ Patrick Leahy đối với thành công của Dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Ông hy vọng Thượng nghị sĩ Patrick Leahy tiếp tục có những đóng góp để Dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa sắp tới sẽ thành công.
Thượng nghị sĩ Patrick Leahy bày tỏ vui mừng trở lại thăm Việt Nam, đồng thời khẳng định cá nhân ông rất quan tâm và trên cương vị của mình sẽ nỗ lực hết sức để Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa thành công tốt đẹp. Tin cho biết vào ngày 20 tháng 4, công tác này được khởi sự.
Trước đó vào chiều ngày 17/4, Đoàn Trợ lý Nghị sĩ Hoa Kỳ do bà Terra Lynn Sabag, Phó Chánh văn phòng Hạ Nghị sĩ Rick Larsen làm trưởng đoàn đã đến thăm địa điểm thực hiện Dự án xử lý ô nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng.
Bà Terra Lynn Sabag bày tỏ vui mừng trước những kết quả đạt được của dự án, góp phần làm sạch và giải phóng gần 30ha để nâng cấp, mở rộng sân bay Đà Nẵng.
Sau chuyến thăm Đà Nẵng, Bà Terra Lynn Sabag cũng có chuyến thăm và làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 18/4 theo Chương trình Trao đổi Văn hóa Giáo dục Việt Nam-Hoa Kỳ (MECEA).
Trong thời gian ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Terra Lynn Sabag và đoàn trợ lý nghị sĩ Hoa Kỳ có chuyến thăm, làm việc với Phòng Thương mại Hoa Kỳ-Việt Nam (Amcham) ; thăm Công ty Intel ; Trường Đại học Fulbright, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi.
*******************
Mỹ, Việt Nam cam kết tăng cường hợp tác an ninh năng lượng (VOA, 17/04/2019)
Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam tái khẳng định cam kết của hai bên sẽ tăng cường hợp tác về an ninh năng lượng, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Mỹ và Việt Nam cam kết tăng cường hơn nữa trong việc hợp tác về an ninh năng lượng.
Trong một thông cáo chung ra hôm 12/4, Bộ Ngoại giao Mỹ nói hai chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam vừa tổ chức Đối thoại an ninh năng lượng Mỹ-Việt Nam thường niên tại Washington, DC, trong cùng ngày.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong thông cáo : "Hai phái đoàn Mỹ và Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh năng lượng đối với phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh kinh tế khu vực tăng trưởng mạnh mẽ đi kèm với nhu cầu cao về năng lượng".
Thông cáo này viết thêm : "Cả hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc phải cải thiện tính minh bạch và sự ổn định của môi trường đầu tư ngành năng lượng Việt Nam thông qua sự phát triển do lĩnh vực tư nhân dẫn đầu và các cải cách về thể chế".
Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các nguồn năng lượng, Francis Fannon, đề nghị Mỹ tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật để đẩy mạnh các nỗ lực nhằm nâng cao năng lực điều tiết của Cơ quan quản lý điện lực Việt Nam (ERAV).
Theo phóng viên Thông Tấn Xã Việt Nam tại Washington, tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và tập đoàn General Electric (GE) của Mỹ đã ký hợp đồng tư vấn về nghiên cứu hệ thống tích điện phục vụ phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian diễn ra đối thoại. Tuy nhiên không có chi tiết nào cụ thể về hợp đồng mới ký kết này được đưa ra.
Các đại diện Việt Nam đã thảo luận về chương trình thí điểm về Thỏa thuận mua điện trực tiếp (DPPA), trong đó cho phép các tập đoàn Hoa Kỳ có mục tiêu năng lượng tái tạo 100% được mua trực tiếp điện từ các nguồn năng lượng tái tạo cho các cơ sở sản xuất của họ ở Việt Nam.
Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nêu bật sự ủng hộ của họ và hợp tác với Bộ Công Thương Việt Nam về những cải cách cho ngành điện, tăng cường năng lượng tái tạo và khả năng lưu trữ của Việt Nam, thúc đẩy nhập khẩu khí đốt thiên nhiên và tăng cường hiệu quả năng lượng.
Các phái đoàn Mỹ và Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác trong tất cả mọi lĩnh vực được thảo luận trong cuộc đối thoại tại Washington, và sẽ thẩm định lại những tiến bộ tại Đối thoại An ninh Năng lượng Mỹ-Việt lần thứ 3 vào năm 2020 sẽ tổ chức tại Việt Nam.