Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

19/04/2019

Xe rác, thuốc giả, Trung Quốc phá sóng di động

Tổng hợp

Người dân chặn xe rác vào bãi Pha Lìn (RFA, 19/04/2019)

Hơn 100 người dân bản Nà Bỏ, huyện Tam Đường, Lai Châu đã căng lều bạt chặn xe chở rác vào bãi rác Phan Lìn để phản đối tình trạng ô nhiễm tại đây.

vn1

Người dân căng lều bạt chặn xe chở rác vào bãi rác Phan Lìn. Screen capture of TTXVN's video

Truyền thông trong nước loan tin ngày 19/4.

Theo đó, chỉ có một nguồn nước duy nhất tại bản Nà Bỏ phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của người dân nơi đây. Tuy nhiên, bãi rác Pha Lìn tại đầu nguồn nước với quy trình xử lý rác không đúng đã gây ô nhiễm nguồn nước trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân địa phương.

Tin cho biết, theo đúng quy trình, lẽ ra rác thải tại bãi Phan Lìn phải được xịt hóa chất rồi bị lấp kín, nhưng thực tế thì rác thải lộ thiên tràn ngập bãi với mùi hôi nồng nặc và ruồi nhặng bâu kín.

Người dân trong nhiều ngày qua phải đi mua nước sạch để sử dụng, còn những gia đình không có điều kiện phải chịu cảnh dùng nước ô nhiễm để ăn uống, tắm giặt.

Cơ quan tiếp dân tỉnh Lai Châu và các ban ngành huyện Tam Đường cũng đã gặp gỡ, đối thoại với người dân về tình trạng này, cho biết thêm đang khảo sát nguồn nước mới cho người dân Nà bỏ trong thời gian tới.

Trong những ngày qua, người dân tại một số địa phương trên cả nước cũng phản đối tình trạng nhà máy sản xuất gây ô nhiễm môi trường gây hại cho họ.

Trường hợp nhà máy của Công ty Trách nhiệm Hữu Hạn Bao Bì Vĩnh Khang ở huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh bị dân chúng địa phương phản ánh suốt 3 năm qua thải ra môi trường lượng chất ô nhiễm khiến nhiều người bị bệnh mắt và đường hô hấp. Người dân cho biết họ nhiều lần liên hệ với chính quyền địa phương và công ty yêu cầu giải quyết nhưng thực tế tồi tệ vẫn tiếp diễn.

Cũng trong tuần này, nhà máy sản xuất quặng thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn TM AMV-166 tại quận Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng bị đình chỉ sản xuất do dân chúng phản đối hoạt động của nhà máy gây ô nhiễm môi trường.

****************

Xử vụ sản xuất thuốc trị ung thư giả từ bột than tre (RFA, 19/04/2019)

Tòa án Nhân dân Thành phố Hải Phòng hôm 18/4 tuyên án 22 năm tù đối với ông Nguyễn Xuân Thu (sinh năm 1981), cựu Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Vinaca, trong đó 10 năm tù vì tội sản xuất hàng giả, 12 năm tù vì tội sản xuất hàng giả là thực phẩm ; và buộc nộp phạt 50 triệu đồng.

vn2

Ông Nguyễn Xuân Thu, cựu Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Vinaca, tại phiên xử hôm 18/04/2019. Courtesy of thanhphohaiphong.gov.vn

Truyền thông trong nước loan tin hôm 19/4 cũng cho biết ông Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1985), cựu Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hồng An Phong, bị tuyên án 17 năm tù với cùng tội danh nêu trên, và buộc nộp phạt 20 triệu đồng.

Theo cáo trạng, ông Thu và Tuấn từ năm 2012 đã cùng nhau bàn bạc sản xuất các loại thuốc chữa ung thư CO3.2, Vinaca xương khớp CO2, Vinaca Vi3, Vi4, Vi5, Vi6, Vi7, xà phòng Spa Vinaca, rượu XO, Vinaca Carbon đa dụng từ nguyên liệu bột than được đốt từ các cây tre, thân đu đủ, củ su hào, củ nghệ, thục đen...

Ông Tuấn sau đó được nói đã lập Công ty Hồng An Phong, đăng ký kinh doanh sản phẩm từ gỗ, rơm, tre, rạ và sản xuất máy thông dụng, để giúp ông Tuấn đốt thành than làm nguyên liệu sản xuất thuốc.

Năm 2017, Công ty Vinaca được thành lập với 20 chi nhánh trên toàn quốc do ông Thu làm Tổng giám đốc và bắt đầu tung ra các sản phẩm thương hiệu Vinaca, được các tổ chức chứng nhận ‘Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ tốt nhất Việt Nam năm 1017’.

Tại phiên tòa hôm 18/4, Cơ quan giám định thuộc Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) khẳng định các sản phẩm của Vinaca là hàng giả, không đúng thành phần, hàm lượng các chất.

Tuy nhiên, báo trong nước nói cựu Tổng giám đốc Công ty Vinaca tại phiên tòa một mực chối tội và nói bị ép cung. Ông Thu nói Vinaca không sản xuất sản phẩm mà chỉ làm nghiên cứu khoa học cho các trường Đại học trên thế giới, và được trả 10 tỷ USD.

Cựu Tổng giám đốc Công ty Vinaca còn cho rằng 20 cửa hàng chi nhánh của Vinaca trên toàn quốc chỉ là nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm và nghi ngờ bị người khác hãm hại.

Hội Đồng Xét Xử sau đó bác bỏ các phản bác của ông Thu, và đề nghị điều tra thêm hành vi ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ và ‘các bài viết có nội dung nói xấu chế độ, nói xấu nhà nước’ của ông Thu.

Ngược lại, ông Nguyễn Văn Tuấn được truyền thông trong nước nói đã thành khẩn khai nhận việc cung cấp than tre để làm hàng giả và được Cơ quan chức năng đánh giá trùng khớp với các lời khai trước đó.

Vợ và em vợ của ông Thu, cũng như số công nhân lại xưởng làm việc của Vinaca và Hồng An Phong liên quan tới vụ án không bị khởi tố vì được xác nhận không biết nguyên liệu là hàng giả.

Vụ sản xuất thuốc trị ung thư giả từ bột than tre gây bất bình trong dư luận xảy ra vào ngày 13/4/2018 khi chi cục quản lý thị trường Nam Định kiểm tra 5 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng của công ty Vinaca tại địa phương và thu giữ một số vật chứng.

Cơ quan giám định của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) sau đó xác nhận thuốc Vinaca ung thư C03.2 với giá bán 2 triệu VNĐ cho mỗi lọ không phải là thuốc mà chỉ là sản phẩm giả thực phẩm chức năng.

Thống kê chính thức của đơn vị Quan Sát Ung Thư Toàn Cầu thuộc Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) cho thấy trong năm qua trung bình mỗi ngày có hơn 300 người tại Việt Nam chết vì bệnh ung thư.

Các loại ung thư phổ biến nhất mà nam giới Việt Nam mắc phải gồm trước hết là ung thư gan, rồi đến ung thư phổi và ung thư đại tràng. Còn đối với nữ loại phổ biến nhất là ung thư vú.

***********************

Điều tra nhóm người Trung Quốc phá sóng di động ở Quảng Ninh (Người Việt, 18/04/2019)

Một nhóm hơn chục người Trung Quốc đã lén lắp đặt bộ thiết bị kích sóng thông tin di động nhằm gây nhiễu loạn các mạng thông tin di động của Việt Nam tại thành phố Móng Cái.

vn3

Hệ thống thiết bị kích sóng di động bị đoàn kiểm tra liên ngành phát giác. (Hình : Thanh Niên)

Ngày 18 tháng Tư, 2019, báo Thanh Niên dẫn tin từ Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, sau khi nhận được tố cáo của người dân, đoàn kiểm tra liên ngành đang điều tra việc 11 người Trung Quốc đã tự ý đầu tư, lắp đặt, sử dụng bộ thiết bị kích sóng thông tin di động (Repeater) trái phép từ tháng Ba, 2019 đến nay.

Đáng chú ý, bộ thiết bị phá sóng này đã khiến hàng loạt sóng di động của các doanh nghiệp Việt Nam quanh khu vực phường Ka Long (thành phố Móng Cái) bị nhiễu, thậm chí nhiều lúc tê liệt.

vn4

Bộ thiết bị kích sóng di động trái phép của nhóm người Trung Quốc bị tháo bỏ. (Hình : Người Lao Động)

Kết quả khảo sát một căn nhà ở phường Ka Long, tín hiệu mạng thông tin di động 3G của nhà mạng Việt Nam hoạt động bình thường do tại thời điểm kiểm tra, những người Trung Quốc "ngừng sử dụng, tháo dỡ, tự nguyện giao nộp thiết bị kích sóng di động nêu trên".

Nói với báo Hà Nội Mới, ông Đoàn Lê Văn, phó giám đốc phụ trách một lãnh đạo Trung Tâm Tần Số Vô Tuyến Điện Khu Vực V, cho hay hiện các cơ quan hữu trách đang kiểm tra xem nhóm người Trung Quốc trên sử dụng máy Repeater vào việc gì, bởi về mặt nguyên tắc, loại máy WCDMA 2100 MHz – DSC 1800 MHz – CDMA 850 MHz vừa bị phát giác này sẽ tác động tất cả các sóng điện thoại mà máy bắt được. Lâu nay, tại khu vực giáp biên giới Việt -Trung ở một số vị trí "có sự trùng lấn giữa sóng điện thoại di động của hai nước". (Tr.N)

*******************

Nhóm 11 người Trung Quốc gây nhiễu mạng di động ở Móng Cái (RFA, 18/04/2019)

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Quảng Ninh vừa phát hiện một nhóm 11 người Trung Quốc lắp đặt, sử dụng thiết bị kích sóng thông tin trái phép, gây nhiễu mạng thông tin di động tại thành phố Móng Cái.

vn5

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh, ngày 17/04/19 phát hiện nhóm 11 người Trung Quốc gây nhiễu mạng di động ở thành phố Móng Cái. Courtesy : Ảnh chụp màn hình nld.com.vn

Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu vào ngày 18 tháng 4, cho biết lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh, vào ngày 17 tháng 4 tiến hành kiểm tra một căn nhà ở phố 5/8, phường Ka Long, thành phố Móng Cái sau khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng mạng di động bị nhiễu tại khu vực này.

Đoàn kiểm tra phát hiện một nhóm 11 người Trung Quốc thuê mướn căn nhà số 10 và đã lắp đặt, sử dụng một bộ thiết bị kích sóng thông tin di động (Repeater) không có giấy phép từ tháng 3 năm 2019 và đã gây nhiễu sóng thông tin mạng di động.

Nhóm người Trung Quốc này đã tự nguyện tháo dỡ thiết bị kích sóng di động và giao nộp cho đoàn kiểm tra liên ngành Quảng Ninh.

Phó Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực V, ông Đoàn Lê Văn được truyền thông trong nước trích lời cho biết cơ quan chức năng vẫn đang điều tra để xác định mục đích sử dụng máy Repeater của nhóm 11 người Trung Quốc vào việc gì .

Báo Lao Động dẫn lời của một chuyên gia công nghê cho rằng cần phải xác minh xem nhóm người Trung Quốc đó có dùng máy Repeater để phục vụ cho việc đánh bạc qua mạng tại thành phố Móng Cái nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng Trung Quốc hay không ?

 

Quay lại trang chủ
Read 577 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)