Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

21/04/2019

Thu phí nuôi bệnh nhân, nghề trồng dưa hấu, báo Việt Nam và báo quốc tế

Tổng hợp

Thu phí người nhà chăm sóc thân nhân ở bệnh viện : ghi nhận đa chiều (VNTB, 21/04/2019)

Bệnh viện Thủ Đức (Sài Gòn) đã ngưng thu phí người nuôi bệnh khi vấp sự phản ứng trên cộng đồng mạng xã hội. Về phía Bộ Y tế, phát ngôn trên báo chí, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, mấu chốt không phải ở việc thu phí mà là ở việc cung ứng dịch vụ cho người thăm nuôi.

phi1

Bệnh viện Thủ Đức (Sài Gòn) đã ngưng thu phí người nuôi bệnh khi vấp sự phản ứng trên cộng đồng mạng xã hội.

Ghi nhận ý kiến đa chiều quanh chuyện phí dịch vụ này.

* Bác sĩ Đinh Đức Long, bệnh viện Bưu Điện : Tôi làm chuyên môn và tôi không bận tâm vấn đề ấy của bộ phận hành chính. Chắc là khi thu, họ phải có cái lý gì đó. Đến nay có văn bản nào về phí dịch vụ trong bệnh viện này hay chưa mới là vấn đề cần làm rõ.

* Điều dưỡng Trần Thu Nga, bệnh viện Nhân dân Gia định : Tôi không rõ câu chuyện của bệnh viện Thủ Đức. Phí dịch vụ này ở bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh là 200 ngàn đồng/ ngày – đêm. Với khoản tiền đó, người nuôi bệnh được ở chung phòng với người thân đang chữa trị tại đây, có giường riêng, phòng điều hòa. Chi phí điều trị ở bệnh viện này cũng đắt, người khá giả mới dám vào nằm điều trị, nên số tiền thêm 200 ngàn được tính gộp luôn vào viện phí, cũng ít thấy ai phản ứng.

Ở bệnh viện Từ Dũ, nghe nói dự kiến người nuôi bệnh thứ nhất không phải đóng phí, người thứ hai sẽ phải đóng phí 100.000 đồng/ngày. Tôi thấy điều đó có thể chấp nhận.

* Điều dưỡng Trần Thị Hà, bệnh viện Bình Dân : Nơi tôi làm việc không có khoản thu này. Tôi nghĩ nguồn thu đó có lẽ nhằm chia sẻ với bệnh viện trong chi phí vệ sinh, sử dụng điện, nước... mà người nuôi bệnh sử dụng. Việc tắm rửa, giặt giũ… ngay tại bệnh viện của người nuôi bệnh là những hình ảnh quen thuộc. Tuy nhiên nếu đặt câu chuyện vào hoàn cảnh ở bệnh viện Ung bướu, có lẽ dù với giá tiền ra sao, thì đó vẫn là gánh nặng rất lớn cho túi tiền gia đình người bệnh.

* Ông Nguyễn Nguyên, người nuôi bệnh, bệnh viện Ung bướu : Hãy đặt mình vào vị trí của những bệnh nhân và những thân nhân nuôi bệnh nhân, Có ai muốn vào bệnh viện không, vào bệnh viện, bệnh nhân đã phải trả đủ thứ tiền rồi, nay lại tính thu phí người nuôi bệnh nữa... Các nước càng phát triển, người dân càng sung sướng khi có nhiều dịch vụ, còn nước mình, cái gì cũng thu tiền...

* Bà Hồng Nhung, người nuôi bệnh : Tôi cũng từng ở trong ngành Y. Tôi trả lời câu hỏi của nhà báo, nhưng xin đừng cụ thể người nhà của tôi đang điều trị ở đây. Tất cả những lần phải nhập viện, nếu không chọn vào khoa dịch vụ - nhiều trường hợp cả khoa dịch vụ cũng kín giường nên người bệnh mới vào sẽ không có cơ hội lựa chọn, người thân của tôi đều phải nằm diện giường ghép, nghĩa là một giường bệnh có hai người. Nhiều bận đông bệnh, một giường ghép ba bệnh. Thực tế thì thường người bệnh thứ ba, thứ hai chủ động nhường giường cho người bệnh nặng hơn, còn mình thì ra hành lang nằm.

Tôi biết những thầy thuốc nơi đây không ai muốn tình cảnh như vậy. Nhưng là bệnh viện công, họ đành chịu, và phí mà người bệnh đóng dĩ nhiên là tính nguyên giường bệnh. Trong tình cảnh đó, nếu thu thêm khoản phí người nuôi bệnh thì ngặt quá. Thời gian đầu người thân nhập viện, người nhà đi theo nuôi bệnh thường là hai người. Những trường hợp người thân phải mổ xẻ, việc nuôi bệnh cực hơn, một đêm phải chia ca nhiều bận để chăm sóc.

Tôi hiểu khoản chi phí nước nôi, vệ sinh của bệnh viện phải gánh thêm từ những người nuôi bệnh. Riêng tiền điện thì vẫn vậy, có thêm bao nhiêu người nuôi bệnh đi nữa, thì tiện điện phát sinh nếu có chỉ là phần sạc điện thoại mà thôi.

* Bà Nguyễn Thị Ngoan, người nuôi bệnh, bệnh viện Ung bướu : Đọc trên Zalo điện thoại, tôi thấy bác sĩ Võ Đức Chiến, giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nói người nhà chăm sóc bệnh nhân theo tình cảm. Việc chăm sóc bệnh nhân là của điều dưỡng. Vậy bác sĩ có biết là đối với bệnh nhân bị bệnh nặng như ung thư, một phòng bệnh có bao nhiêu bệnh nhân không, và có mấy điều dưỡng trực ở phòng đó ? Nhiều bệnh nhân đi lại không được để vệ sinh cá nhân... thì điều dưỡng có túc trực ở đó 100% để chăm sóc bệnh nhân không ?

Coi trên phim nước ngoài chiếu trên đài của mình, tôi thấy nhà nước mình cần hướng đến như nước ngoài là nhà thương công thì phải chữa bệnh không thu phí bệnh nhân, không cần người nhà chăm sóc bệnh nhân. Người nhà chỉ đến thăm rồi về, không được ở lại bệnh viện. Trong khi chưa làm được điều đó, ngành y tế phải thấy trách nhiệm của mình mà phấn đấu, sao lại đề ra một chủ trương thất nhân tâm đến như vậy? Hay là ngân sách dành cho các vấn đề an sinh xã hội đã cạn kiệt vì phải dành trả nợ công?

* Ông Cao Minh Tâm, nhà báo : Tôi cũng từng là bệnh nhân nằm ở bệnh viện Bình Dân gần cả năm trời. Tôi chia sẻ hoàn toàn cả ý kiến đồng tình lẫn phản bác. Tôi muốn nói đến trường hợp của bệnh viện Nhi Đồng 2. Nơi đây đang có đề xuất sẽ thu phí người nuôi bệnh thứ 3. Tức là mỗi bệnh nhân hiện nay được phép có đến hai người chăm sóc thường trực tại giường bệnh, nếu thêm người thứ 3 thì bệnh viện sẽ thu phí.

Tôi có đến tìm hiểu ở bệnh viện Thủ Đức. Họ đã ngừng thu. Theo tôi tính, ngoài khoản 30.000 đồng/ngày, còn chi phí gửi xe, ăn uống, mướn ghế bố... hết gần cả 100.000 đồng/ngày. Chưa kể cơ sở vật chất ở đây không được khang trang như các bệnh viện khác ; như chỉ có một nhà vệ sinh công cộng, mỗi lần đi rất xa và không có phòng tắm. Ngoài ra phòng dịch vụ thường chỉ hai - 3 giường, nhưng ở đây đến 4 - 5 giường. Mức phí bỏ ra thì bệnh viện phải đáp ứng được nhu cầu của người nhà bệnh nhân, điều này lại chưa tương xứng ở bệnh viện Thủ Đức.

Tôi cũng muốn cung cấp thêm thông tin, chuyện thu phí người nuôi bệnh thứ hai trở đi ở bệnh viện Từ Dũ, chỉ áp dụng ở một số khu dịch vụ cao, hậu sản, hậu phẫu... mà thôi.

Một số bệnh viện xây dựng khu lưu trú riêng cho thân nhân người bệnh nên việc thu phí dịch vụ, tôi cho rằng hợp lý. Dĩ nhiên ở đây vẫn có thể khai thác miễn phí, nếu như Bộ Y tế chấp nhận ở các khu lưu trú ấy được phép khai thác các dịch vụ quảng cáo dược phẩm. Nguồn thu từ đó, tôi tin đủ trang trải.

Nói thêm, tôi từng có thời gian được phân công viết mảng y tế. Hiện nay, tôi vẫn chưa hiểu rõ vì sao Bộ Y tế lại yêu cầu các bệnh viện công phải tự chủ tài chính, qua việc "nâng chất lượng dịch vụ để tăng nguồn thu một cách hợp lý" là như thế nào ?

Phúc lợi xã hội nhìn từ bệnh viện công, tôi nghĩ là điều mà những người có trách nhiệm cao nhất ở Bộ Chính trị cần phải nhìn lại, nhất là vừa qua ông Nguyễn Phú Trọng đã ‘trải nghiệm’ phần nào ở bệnh viện Kiên Giang và bệnh viện Chợ Rẫy. Và nghe đâu ở bệnh viện 108 cũng đã thu phí người nuôi bệnh với mức 200 ngàn đồng/ ngày - đêm mà không vấp sự phản ứng nào (!?)

Minh Châu

*******************

Đầu ra của dưa hấu Quảng Ngãi là Trung Quốc khiến người trồng khóc ròng (VNTB, 21/04/2019)

Từ nhiều năm qua, người dân Việt Nam đã quá quen với điệp khúc "giải cứu dưa hấu" và năm nay điệp khúc này lại tái diễn tại những cái đồng dưa hấu ở Quảng Ngãi. Đã vào vụ thu hoạch rộ nhưng chủ yếu do bị thương lái Trung Quốc ép giá, giảm mua nên giá dưa hấu rớt thê thảm khiến bà con trồng dưa hấu ở xã Tịnh Hiệp (huyện Sơn Tịnh) phải bán tháo bán lỗ hoặc phải ngậm ngùi phá bỏ hàng loạt…

phi2

   Nông dân Quảng Ngãi phải đem dưa hấu cho bò ăn. 

Đầu vụ giá dưa tròn Hồng Lương từ 5.000-6.000 đồng/kg, giá dưa dài Hắc Mỹ Nhân từ hơn 6.000-8.000 đồng/kg thì với mức giá này bà con trồng có lãi. Tuy nhiên, độ khoảng 10 ngày sau giá dưa hấu rớt thê thảm xuống còn khoảng 2.000 đồng/kg mà cũng không có mấy người mua trong khi người bán thì nhiều.

Trao đổi với chúng tôi, gia đình anh My là một trong những hộ trồng dưa hấu ở thôn Xuân Mỹ, xã Tịnh Hiệp cho biết năm nay gia đình anh trồng khoảng mấy chục sào dưa hấu và chỉ thu được khoảng 40 triệu đồng, tuy không lỗ vốn nhưng lại lỗ công chăm sóc. Xét cho cùng thì hộ gia đình anh My còn may mắn hơn nhiều so với nhiều hộ trồng dưa hấu khác ở xã Tịnh Hiệp vì với mức giá rớt như vậy, người trồng dưa hấu hẳn sẽ lỗ nặng, chỉ mong thu lại tiền phân, tiền giống nếu phải chi trả thêm tiền thuê đất thì coi như vụ mùa năm nay mất trắng.

"So với các năm tổng thiệt hại hơn một nữa, có người không có thu, có người thu được hòa vốn là cao nhất còn lợi tức thì không có mấy người"

Anh Dũng, một hộ trồng dưa hấu cũng ở thôn Xuân Mỹ ngao ngán nói tình cảnh dưa hấu giờ còn lại bán không được, bà con lại đón nhận thêm một mùa vụ thất bại. 

"Nói về cái vốn, nếu bán từ ba ngàn đồng/kg trở lên mới thu được cái vốn, còn dưới là từ hai ngàn hoặc ngàn rưỡi/kg trở lại thì lỗ, bà con nông dân không có làm được. Thất bại nhiều lắm !".

Vài năm trước đây, bà con trồng dưa hấu ở xã Tịnh Hiệp chủ yếu trồng loại dưa tròn Hồng Lương vì loại dưa này cho năng suất cao, chi phí đầu tư và giá cả thấp. Tuy nhiên, vài năm gần đây bà con dần chuyển sang trồng loại dưa dài Hắc Mỹ Nhân có chi phí đầu tư cao nhưng loại dưa này lại cho ra chất lượng ruột đỏ đậm, độ ngọt cao nên người tiêu dùng trong nước lẫn thương lái Trung Quốc ưa chuộng.  Và yếu tố thương lái Trung Quốc là nguyên nhân chính quyết định lời lãi hoặc thua lỗ của bà con.

Theo như chia sẻ của anh My bà con chỉ việc làm ra sản phẩm còn giá cả như thế nào thì thương lái Trung Quốc hoàn toàn quyết định, được giá thì có lãi, còn không được giá thì bà co khóc ròng.

"Có nghĩa là Trung Quốc chủ yếu chứ còn mình không có bán cho ai nữa hết".

Ngoài ra, dưa hấu mà thương lái Trung Quốc đặt mua là quả phải có trọng lượng trên 5kg. Những quả bị thiếu trọng lượng chắc chắn bà con chịu lỗ hoặc để thối vì chẳng ai mua.  

Trả lời báo Quảng Ngãi onlines vào ngày 05/04/2019, ông Đỗ Xuân Hùng, Phó Chủ tịch xã Tịnh Hiệp cho biết giá cả thị trường dưa hấu rất là bấp bênh, phải phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và mặt hàng này tiêu thụ trong nước không thì không thể hết được. Chính quyền địa phương có khuyến cáo người dân không nên trồng dưa hấu nhiều mà nên chuyển qua trồng cây đậu phụng, cây bắp hoặc những cây trồng khác. Tuy nhiên, với truyền thống của người dân thì người dân không bỏ được truyền thống, vẫn tiếp tục trồng dưa hấu.

Còn ý kiến của bà con trồng dưa hấu mà chia sẻ việc chuyển đổi cây trồng, bà con cho rằng dù cây dưa hấu đang là canh bạc nhưng bà con chưa thể tìm được cây trồng nào khác đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây dưa hấu nên bà con vẫn tiếp tục trồng dưa hấu chứ không bỏ. Anh My nói :

"Cây mía, cây bắp thì ở mình nó không phù hợp. Như anh này ảnh không trồng đại trà được, ở mình họ làm không được. Người dân mình có tỉa đậu, tỉa đồ nhưng không có đạt. Như họ làm ở đây (trồng dưa hấu) là một ăn một thua như đánh bạc được thì kiếm đồng còn không được thì lỗ".

Không riêng gì ở huyện Sơn Tịnh, người trồng dưa hấu ở các huyện khác của tỉnh Quảng Ngãi như Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ hoặc ở các tỉnh khác như Quảng Nam, Bình Định, Đắk Lắk… từ bao năm nay đối diện chung cảnh là giá cả, đầu ra của sản phẩm phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc, tiêu thụ mạnh thì được nhờ còn không thì chỉ biết khóc ròng. Nhắc lại hai năm 2017-2018, ghi nhận giá dưa hấu ở Quảng Ngãi rớt kỷ lục có thời điểm trên dưới 1000 đồng/kg mà vẫn tồn đọng hàng ngàn tấn. 

Minh Hải

*******************

Khác biệt giữa báo chí Nhà nước Việt Nam và báo chí thế giới (RFA, 19/04/2019)

Trong hội nghị các hãng thông tấn Châu Á - Thái Bình Dương (OANA) vào ngày 19/4 với chủ đề ‘Vì một nền báo chí chuyên nghiệp và sáng tạo’, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu cho biết OANA đang cung cấp 2/3 lượng thông tin toàn cầu, khẳng định vai trò kiểm chứng thông tin và mang lại niềm tin của công chúng với báo chí chính thống.

bao1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổ chức các hãng thông tấn Châu Á – Thái Bình Dương. Courtesy of baochinhphu.vn

Nhận xét về phát biểu vừa nêu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ông Đặng Vỹ, một cựu nhà báo ở Việt Nam với hơn 20 năm kinh nghiệm cho rằng với ông, không có khái niệm báo chính thống hay không chính thống, mà thực chất báo chí chỉ có nhiệm vụ là phải truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, đúng nguyện vọng người dân đến với bạn đọc. Còn tính chính thống chỉ do nhà cầm quyền tự đặt ra, tự phong cho mình là cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, nhà báo Đặng Vỹ cũng cho rằng con số 2/3 lượng thông tin mà Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam đưa ra hoàn toàn không có cơ sở :

"2/3 là con số không được kiểm chứng, mà đến giờ phút này bạn đọc chờ đợi thông tin từ mạng xã hội nhiều hơn. Bạn đọc chỉ chờ đợi thông tin ở báo chính thống để xác tín thông tin, chứ mạng xã hội đã đưa tin trước rồi".

Tình trạng thông tin trên báo chí Nhà nước chậm trễ hơn mạng xã hội cũng là một nội dung chính trong hội nghị lần này. Vẫn theo lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện tại có hơn 4 tỷ người sử dụng Internet trên toàn thế giới, trong đó hơn 3 tỷ người sử dụng mạng xã hội. Vì thế, báo chí và truyền thông phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ mạng xã hội. Do đó, ông cho rằng các cơ quan truyền thông vừa phải đảm bảo duy trì những nguyên tắc cơ bản của báo chí, vừa phải kịp thời tự làm mới để không bị tụt lại phía sau.

Trái ngược với phát biểu này, anh H., một phóng viên 13 năm kinh nghiệm làm cho Đài Truyền hình Việt Nam hiện đang công tác tại Hoa Kỳ cho biết trong thực tế, những nguyên tắc báo chí không được áp dụng tại Việt Nam :

"Báo chí cộng sản đi ngược lại hoàn toàn với tiêu chí báo chí thế giới nói chung. Báo chí cộng sản là sự kiểm duyệt với nhiều tầng lớp kiểm duyệt khác nhau như cấp phòng, cấp ban, thậm chí là cấp giám đốc, tổng biên tập".

bao2

Ảnh minh họa : Một sạp bán báo ở Việt Nam. AFP

Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) vào ngày 18/4 có ra thông cáo báo chí với nội dung ‘Tự do báo chí Châu Á-Thái Bình Dương bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi chính trị’.

Theo RSF, những nguyên nhân chính gây nên tình trạng hạn chế tự do báo chí trong khu vực này bao gồm tình trạng chính phủ kiểm duyệt gắt gao và tự kiểm duyệt ngày càng nhiều ; quấy rối trên mạng và thông tin sai lệch khiến nền dân chủ và tự do báo chí bị xói mòn.

Xác nhận những thực trạng này trong môi trường báo chí nội địa, anh N., một người từng hơn 10 năm làm báo ở Việt Nam, hiện đang làm việc tại Hoa Kỳ trả lời qua email cho RFA biết :

"Viết báo trong nước trước tiên phải viết đúng chủ trương đường lối, đúng định hướng chỉ đạo, chủ yếu nêu những mặt tích cực của cuộc sống, để ủng hộ chính quyền. Ở trong nước báo chí là công cụ tuyên truyền của đảng nên phải đưa tin phục vụ cho đảng, nhà nước trước, sau đó mới đến dân. Nếu không đưa tin theo chỉ đạo, hoặc theo đúng định hướng, nhà báo sẽ bị nhắc nhở, khiển trách, kỷ luật, hoặc tù tội. Nói tóm lại, ở Việt Nam không có tự do báo chí".

Còn theo anh H., phóng viên, nhà báo ở Việt Nam có tâm huyết muốn đi tìm sự thật để đưa đến cho độc giả là thật sự rất khó khăn vì dưới sự kiểm duyệt gắt gao như vậy, sau một thời gian dài làm việc trong môi trường như thế thì tự phóng viên sẽ có ý thức tự kiểm duyệt chính bản thân mình khi làm bất cứ nội dung gì.

"Tự kiểm duyệt tức là ví dụ như làm vấn đề gì thì phải biết là vấn đề đó có được đề cập và được lên mặt báo hay không, bạn biết trước rồi. Nếu bạn biết nó không được lên mặt báo và sẽ bị kiểm duyệt gắt gao thì lúc đấy bạn tự khắc nản chí và cũng không muốn làm nữa".

Ngoài ra, anh H. còn cho biết thêm thông tin về ‘thế lực phía sau’ của những tòa soạn, nhà đài :

"Khi bạn được điều động đi thực hiện phóng sự nào đấy mà báo chí trong nước vẫn gọi là ‘đánh’ một nhân vật cấp cao như thứ trưởng hoặc bộ trưởng, hay những nhân vật của tập đoàn lớn như Vingroup hay Sungroup, bạn cũng tự hiểu là lãnh đạo của mình đã có sự yểm trợ của một lực lượng đủ mạnh phía sau lưng mới dám đưa ra quyết định yêu cầu bạn làm phóng sự đánh những nhân vật và tập đoàn quan trọng như vậy".

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng 838 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình. Tuy nhiên, tình hình báo chí trong nước xưa nay vẫn được đánh giá là theo đường lối tuyên truyền, định hướng.

Trong Bảng xếp hạng tự do báo chí của RSF, Việt Nam hiện đứng hạng 176 trong danh sách 180 nước.

Do đó, dẫu biết so sánh môi trường báo chí giữa Việt Nam và các nước khác là khập khiễng, nhưng nhà báo H. vẫn cho rằng có sự khác biệt rất lớn giữa dân chủ và cộng sản trong báo chí ở Việt Nam và Mỹ.

"Khi mới tiếp xúc và làm báo bên này tôi cũng thật sự thấy sung sướng bởi vì báo chí ở đây chỉ đi tìm sự thật và duy nhất sự thật mà thôi để đưa đến cho khán giả và độc giả của mình".

Quay lại trang chủ
Read 722 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)