Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

19/04/2019

Loạn xây cất ở Nha Trang do phá quy hoạch

Zing

Nha Trang sẽ bị 'giết chết' nếu không ngưng xây cao ốc dọc biển (Zing, 19/04/2019)

"Tập trung nhà cao tầng dọc bờ biển thì phía trong mất tầm nhìn, mất gió, khu vực dọc biển bị ô nhiễm, đây là cách phát triển có hại cho Nha Trang", Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói.

nhatrang1

Không gian của thành phố biển bị "chiếm đoạt" vì những công trình cao tầng chắn phía trước. Ảnh : Minh Hoàng.

Các chuyên gia, kiến trúc sư cho rằng giá trị của Nha Trang không phải là các tòa cao ốc, khách sạn, chung cư cao tầng xếp một hàng dọc bờ biển, mà là không gian, môi trường và tầm nhìn ra biển.

Chia sẻ với Zing.vn, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng Khánh Hòa cần loại bỏ ngay cách nghĩ dồn hết nhà cao tầng ra mặt tiền biển để tạo ra giá trị kinh tế, vì nó hoàn toàn sai lầm và sẽ "giết chết" Nha Trang.

Giá trị phố biển không phải nhà cao tầng

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận Nha Trang từ một thành phố biển đẹp có tiếng không chỉ trong nước mà thế giới cũng công nhận, nhưng nay đã chật chội vì quá chú trọng vào lợi ích trước mắt.

Ông cho rằng làm nhà cao tầng ra mặt tiền biển là một xu hướng phát triển rất ngắn hạn, vì đất khu vực này không nhiều, trong khi Nha Trang rất rộng, không chỉ có mỗi đường Trần Phú.

"Nó có hại cho thành phố. Đến Nha Trang, người ta cần tầm nhìn ra biển, cần gió biển, nay mình che hết phía trước, phía sau không còn được hưởng cái 'trời ban', nên dần dần chẳng ai đến nghỉ dưỡng nữa", ông Sơn nhìn nhận.

Theo vị kiến trúc sư, nếu muốn "giải cứu" Nha Trang việc đầu tiên là ngưng ngay cấp phép nhà cao tầng dọc bờ biển. "Cần phải minh định rõ giá trị đích thực của một thành phố biển nằm ở đâu. Đầu tiên là giá trị môi trường, không khí trong lành, sau đó mới đến biển - nơi có cát trắng nắng vàng và cái nữa là tầm nhìn ra biển".

Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn là Chủ tịch NgoViet Architects & Planners. Ông có trên 30 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc tại Châu Á và Bắc Mỹ. 

Ông tốt nghiệp chuyên ngành Quy hoạch và Kiến trúc tại Mỹ, với văn bằng Tiến sĩ tại Đại Học Washington, và Thạc sĩ tại Đại Học California ở Berkeley.

"Nếu tập trung nhà cao tầng dọc theo bờ biển thì phía trong mất tầm nhìn, mất gió. Nguy hiểm nhất là khu vực đường dọc bờ biển sẽ bị ô nhiễm bụi bẩn, khói xe. Và đây là cách phát triển rất ngắn hạn, có hại cho Nha Trang", Kiến trúc sư Sơn nói.

Ông Sơn phân tích thêm, sau khi ngưng cấp phép công trình cao tầng dọc bờ biển, ở những không gian còn lại nên dành cho các kiến trúc mang tính chất điểm nhấn.

"Không cứ phải cao là tốt, bởi nếu xung quanh cao hết thì nhà thấp mới có giá trị. Nói cách khác nếu ta tư duy theo kiểu giá trị của mét vuông, rõ ràng ưu tiên nhà cao tầng luôn chiếm lợi thế. Nhưng sự thật khái niệm ở đô thị hiện đại, không gian sang trọng, giá trị nhất của một thành phố luôn là không gian thấp", vị Kiến trúc sư nói.

Đô thị thẳng góc bờ biển

Cũng theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, về nguyên tắc quản lý đô thị, khi mình cấm ở một nơi thì phải có giải pháp ở một chỗ khác. Nên giải pháp lâu dài cho phố biển Nha Trang là phát triển kiến trúc đô thị theo phương pháp thẳng góc bờ biển.

"Đô thị thẳng góc bờ biển nghĩa là ta sẽ cho xây dựng những tuyến đường, đại lộ thẳng góc nối ra bờ biển. Khi cấp phép xây dựng áp dụng nguyên tắc thấp dần về phía biển. Lúc này các công trình phía sau sẽ không bị mất tầm nhìn, tất cả cùng được hưởng giá trị của phố biển lâu dài", ông Sơn nói.

nhatrang2

Nha Trang sẽ bị 'giết chết' nếu không ngưng xây cao ốc dọc biển (Zing, 19/04/2019)

Đồng quan điểm, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, cho rằng nếu Nha Trang cứ nhăm nhăm vào phát triển theo giá trị bất động sản thì thành phố, nhất là người dân sẽ trả giá.

"Đất mặt tiền biển cứ cấp phép xây cao nhưng ta quên mất rằng khi một khối bê tông 40 tầng được dựng lên thì 100 cái ở phía sau mất cơ hội phát triển. Nếu làm bài toán kinh tế về lâu dài rõ ràng là một thất bại. Có thể thời điểm đầu ngân sách của tỉnh tăng nhanh, nhưng tới một ngưỡng nào đó sẽ đi xuống theo chiều thẳng đứng", ông Lộc phân tích.

"Muốn thành phố phát triển không thể dựa vào một con đường, tỉnh cần quyết liệt để sửa sai, còn không đừng bàn đến việc 'giải cứu' Nha Trang làm gì nữa", ông Lộc nói thêm.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết quy hoạch chung Nha Trang do Thủ tướng phê duyệt (9/2012) đến nay đã 7 năm, theo quy định là sau 5 năm có thể làm lại hoặc sửa đổi quy hoạch đó.

Khánh Hòa nên mạnh dạn cho điều chỉnh lại dựa trên hiện trạng đang có. Trong điều chỉnh ghi nhận những công trình xây sai phép như hiện trạng, rồi đưa ra phương án, tìm giải pháp giải quyết mới cho nó. Không bám vào quy hoạch cũ, vì thực tế nó đã bị phá rồi.

Trước khi sửa đổi, Khánh Hòa nên tổ chức một hội nghị quốc tế, mời các chuyên gia về xây dựng, quy hoạch đô thị hàng đầu ở trong và ngoài nước để góp ý. Dựa trên những ý kiến đóng góp đó làm lại hoặc sửa đổi quy hoạch cho cả Nha Trang.

An Bình

***********************

Những con hẽm 'chết người' ở Nha Trang là sự trả giá do phá quy hoạch (Zing, 18/04/2019)

"Từ một thành phố đáng sống, nay Nha Trang quá chật, chúng ta đang phải trả giá cho việc phá vỡ quy hoạch", Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa nói.

nhatrang3

Nhà cao tầng mọc san sát ở Thành phố Nha Trang. Ảnh : Nguyễn Minh.

Trao đổi với Zing.vn, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Phạm Văn Chi thẳng thắn nói quy hoạch chung của Thành phố Nha Trang đã có và ai làm sai phải chịu trách nhiệm, những công trình sai phạm phải bị cắt bỏ.

Nguyên lý hình răng lược

Ông Chi cho biết thời ông làm chủ tịch tỉnh đã có chủ trương kiểm soát chặt việc cấp phép xây nhà cao tầng ở khu trung tâm, đặc biệt là phía biển.

"Hồi đó có quy hạch rõ ràng, hệ thống nhà cao tầng dọc bờ biển phải xây dựng theo nguyên lý hình răng lược. Tức tòa nhà này cách tòa nhà kia một khoảng nhất định, không gian phía sau không mất đi. Nguyên lý hình răng lược sẽ giảm thiểu tối đa việc bê tông hóa, tránh tạo ra bức tường chắn phía bờ biển", ông Chi nói.

Theo ông Chi, sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung (được ban hành và có hiệu lực từ tháng 9/2012), ông cũng từng góp ý rất nhiều về việc cấp phép xây dựng nhà cao tầng ở khu vực trung tâm Thành phố Nha Trang, nhưng không ai lưu tâm. "Nhà cao tầng cứ cấp phép tràn lan, không tuân thủ kiến trúc đô thị, hậu quả là đến giờ, khu trung tâm rất ngột ngạt", ông Chi nói.

Nguyên Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa nói làm việc gì cũng phải dựa trên luật, trong khi Nha Trang đã có quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt thì cứ theo đó mà thực hiện. "Ai làm sai thì chịu trách nhiệm, công trình nào sai phạm thì cắt bỏ", ông nói.

Nói về việc Khánh Hòa đang tìm các giải pháp để "giải cứu" Nha Trang và cụ thể hóa quy hoạch của Thủ tướng, ông Chi cho rằng điều đó là cần thiết, nhưng vin vào đó để nói làm cho phố biển tốt hơn thì chưa hẳn đúng.

"Quy hoạch có rồi, nhưng thực hiện không nghiêm, giờ vin vào cớ chưa có quy chế để đổ lỗi cho sai phạm là ngụy biện. Trong quy hoạch chung, Thành phố Nha Trang được Thủ tướng phê duyệt nêu rõ ở dải đô thị ven biển, trong đó có các khu trung tâm (dọc đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng), chỉ cho phép xây cao tối đa 40 tầng, mật độ xây dựng chỉ được 40%", ông Chi nói.

"Thế nhưng, giờ toàn nhà cao tầng, thậm chí đã có tòa nhà cao 43 tầng được cấp phép xây dựng. Đây rõ ràng là làm trái quy hoạch còn gì", ông Chi phân tích thêm và nói nếu muốn xây nhà cao tầng cứ lên phía tây Nha Trang, cấp phép xây cao 100, 200 tầng cũng được. "Tại sao cứ nhăm nhăm vào khu vực trung tâm ?".

Sau 7 năm từ khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung Nha Trang, mật độ xây dựng khu vực trung tâm, nhất là dọc đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng rất dày đặc. Nhiều dự án cao ốc, khách sạn cao tầng vi phạm rất rõ về luật Xây dựng.

"Cái vi phạm này rõ ràng không cần phải có quy chế mới thực hiện được. Nên giờ có ban hành cái gọi là quy chế gì đó thì chưa chắc giải quyết được vấn đề sai phạm tràn lan về xây dựng ở Nha Trang. Nếu cứ chạy theo tiêu chí kinh tế như hiện tại rất khó để sửa sai và thực hiện nghiêm quy hoạch của Thủ tướng", ông Chi nhìn nhận.

Người dân gánh hậu quả

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, chỉ ra rằng hầu hết dự án được tỉnh phê duyệt từ năm 2012 đến nay đều có mật độ xây dựng không dưới 60%. Có dự án còn cho xây dựng mật độ lên tới gần 70% so với quy định của Thủ tướng.

nhatrang4

Hàng loạt công trình khách sạn trong hẻm Tôn Đản mọc lên không đảm bảo khoảng lùi xây dựng. Ảnh : An Bình

Theo ông Lộc, trong thời gian dài Nha Trang chỉ cấp phép nhà cao tầng, khách sạn khi đã đảm bảo khoảng lùi xây dựng, nếu ở mặt tiền đường Trần Phú, phải đảm bảo khoảng cách với công trình bên cạnh theo nguyên lý hình răng lược. Trong quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt, khu trung tâm Nha Trang cũng chỉ cho xây nhà cao tối đa 40 tầng.

Tuy nhiên, theo ông Lộc, điều này không có nghĩa chúng ta dựng một hệ thống nhà cao 40 tầng ở mặt tiền Trần Phú. "Trong quy hoạch kiến trúc và thiết kế đô thị có cái gọi là nhịp điệu đô thị, nôm na như nguyên lý răng lược mà chúng tôi áp dụng trước khi có quy hoạch chung Nha Trang vậy", ông Lộc nói.

Nói về hậu quả của việc cấp phép xây dựng vượt trần, với mật độ quá dày đặc ở Nha Trang hiện nay, ông Lộc cho rằng chính người Nha Trang phải hứng chịu những tác động đó.

Tốc độ xây dựng nhanh, mật độ dày đặc sẽ dẫn đến mật độ dân số, giao thông tăng theo, gây ách tắc đường sá, một số nơi mất an toàn khi có sự cố về cháy nổ.

"5 năm trở lại đây Nha Trang trở nên quá chật chội, tình trạng quá tải chắc chắn sẽ còn kéo dài. Từ một thành phố biển đáng sống, nay Nha Trang quá chật, chúng ta đang phải trả giá cho việc phá vỡ quy hoạch. Tôi hay nói chỉ cần ra đường, đi một vòng là biết ngay hậu quả, điều này người dân Nha Trang thấu hiểu, không cần gì phải chuyên gia hay hội đồng này nọ", ông Lộc nói thêm.

An Bình

Quay lại trang chủ
Read 621 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)