Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nha Trang sẽ bị 'giết chết' nếu không ngưng xây cao ốc dọc biển (Zing, 19/04/2019)

"Tập trung nhà cao tầng dọc bờ biển thì phía trong mất tầm nhìn, mất gió, khu vực dọc biển bị ô nhiễm, đây là cách phát triển có hại cho Nha Trang", Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói.

nhatrang1

Không gian của thành phố biển bị "chiếm đoạt" vì những công trình cao tầng chắn phía trước. Ảnh : Minh Hoàng.

Các chuyên gia, kiến trúc sư cho rằng giá trị của Nha Trang không phải là các tòa cao ốc, khách sạn, chung cư cao tầng xếp một hàng dọc bờ biển, mà là không gian, môi trường và tầm nhìn ra biển.

Chia sẻ với Zing.vn, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng Khánh Hòa cần loại bỏ ngay cách nghĩ dồn hết nhà cao tầng ra mặt tiền biển để tạo ra giá trị kinh tế, vì nó hoàn toàn sai lầm và sẽ "giết chết" Nha Trang.

Giá trị phố biển không phải nhà cao tầng

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận Nha Trang từ một thành phố biển đẹp có tiếng không chỉ trong nước mà thế giới cũng công nhận, nhưng nay đã chật chội vì quá chú trọng vào lợi ích trước mắt.

Ông cho rằng làm nhà cao tầng ra mặt tiền biển là một xu hướng phát triển rất ngắn hạn, vì đất khu vực này không nhiều, trong khi Nha Trang rất rộng, không chỉ có mỗi đường Trần Phú.

"Nó có hại cho thành phố. Đến Nha Trang, người ta cần tầm nhìn ra biển, cần gió biển, nay mình che hết phía trước, phía sau không còn được hưởng cái 'trời ban', nên dần dần chẳng ai đến nghỉ dưỡng nữa", ông Sơn nhìn nhận.

Theo vị kiến trúc sư, nếu muốn "giải cứu" Nha Trang việc đầu tiên là ngưng ngay cấp phép nhà cao tầng dọc bờ biển. "Cần phải minh định rõ giá trị đích thực của một thành phố biển nằm ở đâu. Đầu tiên là giá trị môi trường, không khí trong lành, sau đó mới đến biển - nơi có cát trắng nắng vàng và cái nữa là tầm nhìn ra biển".

Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn là Chủ tịch NgoViet Architects & Planners. Ông có trên 30 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc tại Châu Á và Bắc Mỹ. 

Ông tốt nghiệp chuyên ngành Quy hoạch và Kiến trúc tại Mỹ, với văn bằng Tiến sĩ tại Đại Học Washington, và Thạc sĩ tại Đại Học California ở Berkeley.

"Nếu tập trung nhà cao tầng dọc theo bờ biển thì phía trong mất tầm nhìn, mất gió. Nguy hiểm nhất là khu vực đường dọc bờ biển sẽ bị ô nhiễm bụi bẩn, khói xe. Và đây là cách phát triển rất ngắn hạn, có hại cho Nha Trang", Kiến trúc sư Sơn nói.

Ông Sơn phân tích thêm, sau khi ngưng cấp phép công trình cao tầng dọc bờ biển, ở những không gian còn lại nên dành cho các kiến trúc mang tính chất điểm nhấn.

"Không cứ phải cao là tốt, bởi nếu xung quanh cao hết thì nhà thấp mới có giá trị. Nói cách khác nếu ta tư duy theo kiểu giá trị của mét vuông, rõ ràng ưu tiên nhà cao tầng luôn chiếm lợi thế. Nhưng sự thật khái niệm ở đô thị hiện đại, không gian sang trọng, giá trị nhất của một thành phố luôn là không gian thấp", vị Kiến trúc sư nói.

Đô thị thẳng góc bờ biển

Cũng theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, về nguyên tắc quản lý đô thị, khi mình cấm ở một nơi thì phải có giải pháp ở một chỗ khác. Nên giải pháp lâu dài cho phố biển Nha Trang là phát triển kiến trúc đô thị theo phương pháp thẳng góc bờ biển.

"Đô thị thẳng góc bờ biển nghĩa là ta sẽ cho xây dựng những tuyến đường, đại lộ thẳng góc nối ra bờ biển. Khi cấp phép xây dựng áp dụng nguyên tắc thấp dần về phía biển. Lúc này các công trình phía sau sẽ không bị mất tầm nhìn, tất cả cùng được hưởng giá trị của phố biển lâu dài", ông Sơn nói.

nhatrang2

Nha Trang sẽ bị 'giết chết' nếu không ngưng xây cao ốc dọc biển (Zing, 19/04/2019)

Đồng quan điểm, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, cho rằng nếu Nha Trang cứ nhăm nhăm vào phát triển theo giá trị bất động sản thì thành phố, nhất là người dân sẽ trả giá.

"Đất mặt tiền biển cứ cấp phép xây cao nhưng ta quên mất rằng khi một khối bê tông 40 tầng được dựng lên thì 100 cái ở phía sau mất cơ hội phát triển. Nếu làm bài toán kinh tế về lâu dài rõ ràng là một thất bại. Có thể thời điểm đầu ngân sách của tỉnh tăng nhanh, nhưng tới một ngưỡng nào đó sẽ đi xuống theo chiều thẳng đứng", ông Lộc phân tích.

"Muốn thành phố phát triển không thể dựa vào một con đường, tỉnh cần quyết liệt để sửa sai, còn không đừng bàn đến việc 'giải cứu' Nha Trang làm gì nữa", ông Lộc nói thêm.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết quy hoạch chung Nha Trang do Thủ tướng phê duyệt (9/2012) đến nay đã 7 năm, theo quy định là sau 5 năm có thể làm lại hoặc sửa đổi quy hoạch đó.

Khánh Hòa nên mạnh dạn cho điều chỉnh lại dựa trên hiện trạng đang có. Trong điều chỉnh ghi nhận những công trình xây sai phép như hiện trạng, rồi đưa ra phương án, tìm giải pháp giải quyết mới cho nó. Không bám vào quy hoạch cũ, vì thực tế nó đã bị phá rồi.

Trước khi sửa đổi, Khánh Hòa nên tổ chức một hội nghị quốc tế, mời các chuyên gia về xây dựng, quy hoạch đô thị hàng đầu ở trong và ngoài nước để góp ý. Dựa trên những ý kiến đóng góp đó làm lại hoặc sửa đổi quy hoạch cho cả Nha Trang.

An Bình

***********************

Những con hẽm 'chết người' ở Nha Trang là sự trả giá do phá quy hoạch (Zing, 18/04/2019)

"Từ một thành phố đáng sống, nay Nha Trang quá chật, chúng ta đang phải trả giá cho việc phá vỡ quy hoạch", Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa nói.

nhatrang3

Nhà cao tầng mọc san sát ở Thành phố Nha Trang. Ảnh : Nguyễn Minh.

Trao đổi với Zing.vn, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Phạm Văn Chi thẳng thắn nói quy hoạch chung của Thành phố Nha Trang đã có và ai làm sai phải chịu trách nhiệm, những công trình sai phạm phải bị cắt bỏ.

Nguyên lý hình răng lược

Ông Chi cho biết thời ông làm chủ tịch tỉnh đã có chủ trương kiểm soát chặt việc cấp phép xây nhà cao tầng ở khu trung tâm, đặc biệt là phía biển.

"Hồi đó có quy hạch rõ ràng, hệ thống nhà cao tầng dọc bờ biển phải xây dựng theo nguyên lý hình răng lược. Tức tòa nhà này cách tòa nhà kia một khoảng nhất định, không gian phía sau không mất đi. Nguyên lý hình răng lược sẽ giảm thiểu tối đa việc bê tông hóa, tránh tạo ra bức tường chắn phía bờ biển", ông Chi nói.

Theo ông Chi, sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung (được ban hành và có hiệu lực từ tháng 9/2012), ông cũng từng góp ý rất nhiều về việc cấp phép xây dựng nhà cao tầng ở khu vực trung tâm Thành phố Nha Trang, nhưng không ai lưu tâm. "Nhà cao tầng cứ cấp phép tràn lan, không tuân thủ kiến trúc đô thị, hậu quả là đến giờ, khu trung tâm rất ngột ngạt", ông Chi nói.

Nguyên Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa nói làm việc gì cũng phải dựa trên luật, trong khi Nha Trang đã có quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt thì cứ theo đó mà thực hiện. "Ai làm sai thì chịu trách nhiệm, công trình nào sai phạm thì cắt bỏ", ông nói.

Nói về việc Khánh Hòa đang tìm các giải pháp để "giải cứu" Nha Trang và cụ thể hóa quy hoạch của Thủ tướng, ông Chi cho rằng điều đó là cần thiết, nhưng vin vào đó để nói làm cho phố biển tốt hơn thì chưa hẳn đúng.

"Quy hoạch có rồi, nhưng thực hiện không nghiêm, giờ vin vào cớ chưa có quy chế để đổ lỗi cho sai phạm là ngụy biện. Trong quy hoạch chung, Thành phố Nha Trang được Thủ tướng phê duyệt nêu rõ ở dải đô thị ven biển, trong đó có các khu trung tâm (dọc đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng), chỉ cho phép xây cao tối đa 40 tầng, mật độ xây dựng chỉ được 40%", ông Chi nói.

"Thế nhưng, giờ toàn nhà cao tầng, thậm chí đã có tòa nhà cao 43 tầng được cấp phép xây dựng. Đây rõ ràng là làm trái quy hoạch còn gì", ông Chi phân tích thêm và nói nếu muốn xây nhà cao tầng cứ lên phía tây Nha Trang, cấp phép xây cao 100, 200 tầng cũng được. "Tại sao cứ nhăm nhăm vào khu vực trung tâm ?".

Sau 7 năm từ khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung Nha Trang, mật độ xây dựng khu vực trung tâm, nhất là dọc đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng rất dày đặc. Nhiều dự án cao ốc, khách sạn cao tầng vi phạm rất rõ về luật Xây dựng.

"Cái vi phạm này rõ ràng không cần phải có quy chế mới thực hiện được. Nên giờ có ban hành cái gọi là quy chế gì đó thì chưa chắc giải quyết được vấn đề sai phạm tràn lan về xây dựng ở Nha Trang. Nếu cứ chạy theo tiêu chí kinh tế như hiện tại rất khó để sửa sai và thực hiện nghiêm quy hoạch của Thủ tướng", ông Chi nhìn nhận.

Người dân gánh hậu quả

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, chỉ ra rằng hầu hết dự án được tỉnh phê duyệt từ năm 2012 đến nay đều có mật độ xây dựng không dưới 60%. Có dự án còn cho xây dựng mật độ lên tới gần 70% so với quy định của Thủ tướng.

nhatrang4

Hàng loạt công trình khách sạn trong hẻm Tôn Đản mọc lên không đảm bảo khoảng lùi xây dựng. Ảnh : An Bình

Theo ông Lộc, trong thời gian dài Nha Trang chỉ cấp phép nhà cao tầng, khách sạn khi đã đảm bảo khoảng lùi xây dựng, nếu ở mặt tiền đường Trần Phú, phải đảm bảo khoảng cách với công trình bên cạnh theo nguyên lý hình răng lược. Trong quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt, khu trung tâm Nha Trang cũng chỉ cho xây nhà cao tối đa 40 tầng.

Tuy nhiên, theo ông Lộc, điều này không có nghĩa chúng ta dựng một hệ thống nhà cao 40 tầng ở mặt tiền Trần Phú. "Trong quy hoạch kiến trúc và thiết kế đô thị có cái gọi là nhịp điệu đô thị, nôm na như nguyên lý răng lược mà chúng tôi áp dụng trước khi có quy hoạch chung Nha Trang vậy", ông Lộc nói.

Nói về hậu quả của việc cấp phép xây dựng vượt trần, với mật độ quá dày đặc ở Nha Trang hiện nay, ông Lộc cho rằng chính người Nha Trang phải hứng chịu những tác động đó.

Tốc độ xây dựng nhanh, mật độ dày đặc sẽ dẫn đến mật độ dân số, giao thông tăng theo, gây ách tắc đường sá, một số nơi mất an toàn khi có sự cố về cháy nổ.

"5 năm trở lại đây Nha Trang trở nên quá chật chội, tình trạng quá tải chắc chắn sẽ còn kéo dài. Từ một thành phố biển đáng sống, nay Nha Trang quá chật, chúng ta đang phải trả giá cho việc phá vỡ quy hoạch. Tôi hay nói chỉ cần ra đường, đi một vòng là biết ngay hậu quả, điều này người dân Nha Trang thấu hiểu, không cần gì phải chuyên gia hay hội đồng này nọ", ông Lộc nói thêm.

An Bình

Published in Việt Nam

'Văn' và 'Thị' là hai tên đệm phổ biến với người Việt. Đến nay, câu chuyện và ý nghĩa thật sự của chúng còn có nhiều giả thiết và tranh cãi.

(Bấm vào hình để xem clip)

van2

Vì sao 'nam Văn nữ Thị' là tên đệm phổ biến của người Việt ?

 

Vidéo : Ái Duyên - Ngân Phạm - Thanh Điệp

Đồ họa: Như Ý

Dẫn chuyện: Lê Phát

Nguồn : Zing, 30/01/2019

Published in Văn hóa

Giới nhà giàu Việt tăng nhanh và những nhu cầu xa xỉ (Zing, 17/10/2018)

Theo nhiều tổ chức quốc tế, tầng lớp siêu giàu Việt Nam đang tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới. Cùng với đó, các thói quen tiêu dùng xa xỉ cũng ngày một phổ biến hơn.

giau1

Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng giới siêu giàu mỗi năm giai đoạn 2012-2017. Ảnh : Wealth-X.

Lần lượt các đơn vị nghiên cứu quốc tế như Wealth-X và Knight Frank đều nhận định số lượng người siêu giàu của Việt Nam đang tăng trưởng thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Đi kèm với đó, nhu cầu của người Việt đối với các mặt hàng xa xỉ từ bất động sản siêu sang, xế hộp đến trái cây, hải sản tiền triệu cũng đang dần tăng lên.

Việt Nam sẽ có 38.600 triệu phú USD năm 2026

Đầu tháng 9, công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường Wealth-X công bố báo cáo World Ultra Wealth (WUW) về giới siêu giàu trên thế giới. Theo Wealth-X, Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2012-2017.

Theo báo cáo WUW, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về tốc độ tăng trưởng người siêu giàu giai đoạn 2012 - 2017, ở mức 12,7% mỗi năm, chỉ xếp sau Bangladesh (17,3%) và Trung Quốc (13,4%).

Người siêu giàu theo định nghĩa của Wealth-X là các cá nhân có tài sản trên 30 triệu USD (698.9 tỷ đồng).

Nếu hoàn thành mục tiêu tăng tổng sản phẩm quốc nội thêm 6,7% so với năm 2017, GDP của Việt Nam ước đạt hơn 240,5 tỷ USD trong năm 2018. Từ con số này, GDP bình quân đầu người sẽ rơi vào khoảng 2.540 USD (59,2 triệu đồng). Có nghĩa là để được công nhận thuộc giới siêu giàu, cá nhân đó phải sở hữu khối tài sản có giá trị gấp ít nhất 11.800 lần thu nhập bình quân của mỗi người Việt trong năm nay.

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên giới siêu giàu Việt được nhắc đến. Năm 2017, báo cáo The Wealth của Knight Frank đã khẳng định số lượng người có khối tài sản trên 30 triệu USD (698,9 tỷ đồng) của Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2006 – 2016 với tốc độ 320% và con số này trong 10 năm tiếp theo 2016 – 2026 dự tính đạt 170% giúp Việt Nam vẫn giữ vị trí đầu bảng về tốc độ tăng trưởng giới siêu giàu.

Cũng theo Knight Frank, có khoảng 200 cá nhân sở hữu tài sản từ 30 triệu USD (698,3 tỷ đồng) của Việt Nam được tổ chức này dự đoán tăng từ 14.300 năm 2016 lên 38.600 vào năm 2026.

Thị trường tiềm năng với bất động sản siêu sang và xế hộp

Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của giới nhà giàu Việt, nguồn cung cho phân khúc bất động sản siêu sang cũng đang tăng lên, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Biệt thự giá 70-80 tỷ đồng/căn, villa 400-500 triệu đồng/m2, căn hộ triệu USD xuất hiện ngày một nhiều hơn và có sức tiêu thụ tốt trên thị trường.

Tại các khu "đất vàng" ở Thành phố Hồ Chí Minh, một số dự án căn hộ siêu sang với mức giá trên 100 triệu đồng/m2 đã mở bán và được cho là đã gần "cháy hàng". Có khu căn hộ đang được xây dựng ở Thành phố Hồ Chí Minh với giá bán dự kiến lên tới 8.800 USD (205 triệu đồng)/m2 hay dự án phức hợp nằm ở đường Lê Duẩn (quận 1) với căn hộ sở hữu có giá dự kiến 5.500 USD (128,1 triệu đồng)/m2 cũng đã được công bố.

giau2

Đang có nhiều dự án bất động sản siêu sang với giá bán hàng trăm triệu mỗi m2 tại các khu đất vàng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh : Lê Quân.

Bên cạnh bất động sản siêu sang, nhiều số liệu thống kê cũng chứng minh Việt Nam đang là một thị trường xe sang tiềm năng trong khu vực.

Theo Retail News Asia, Việt Nam hiện là một trong những nước đứng đầu về tiêu thụ xe sang tại Đông Nam Á. Năm 2017, có tới 8.670 chiếc xe sang được bán ra tại Việt Nam. Mặc dù doanh số giảm 15% so với năm 2016 nhưng số tiền khách hàng Việt chi cho xế hộp đã vượt qua 20.000 tỷ đồng. 

Tổng giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam từng tiết lộ đã có hơn 150 chiếc Maybach, một trong những dòng xe cao cấp nhất của Mercedes, được giao cho khách hàng Việt trong năm 2017 và đây cũng là doanh số cao nhất đối với xe Maybach tại một thị trường ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên trong năm 2018, ngoại trừ Mercedes có nhiều dòng xe được lắp ráp trong nước và vẫn giữ được đà tăng trưởng số lượng xe bán ra, các hãng còn lại đều gặp khó khăn trong việc nhập khẩu xe nguyên chiếc do nghị định 116 khiến doanh số xe sang toàn thị trường Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2018 sụt giảm.

Trái cây, hải sản ngoại tiền triệu hút khách

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu trái cây đạt gần 420 triệu USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, sản lượng rau quả nhập khẩu từ các thị trường cao cấp tăng mạnh như Úc tăng 2,25 lần, Mỹ tăng 2,16 lần, Hàn Quốc tăng 2 lần.

Có giá từ vài trăm đến hàng chục triệu đồng, nhiều loại trái cây nước ngoài vẫn khiến giới nhà giàu trong nước sẵn sàng chi tiền.

Đầu tháng 9, 5 chùm nho Ruby Roman có xuất xứ từ Nhật Bản được một cửa hàng trái cây nhập khẩu tại quận 1 xách tay về Việt Nam với giá 11 triệu đồng mỗi chùm đã được bán hết trong tích tắc. Mỗi chùm nho có giá gần 500 USD (11,6 triệu đồng) này chỉ có khoảng gần 30 quả với tổng khối lượng từ 800-900 gram. Như vậy, khách hàng phải bỏ ra gần 400.000 đồng… cho mỗi quả nho.

giau3

Chùm nho Ruby Roman Nhật Bản xách tay về nước có giá 11 triệu đồng/chùm.

Cũng tại cửa hàng này, một loại nho cũng được nhập từ Nhật là nho mẫu đơn được bán với giá 4 triệu đồng/chùm nặng từ 600-800g.

Không chỉ trái cây ngoại, hải sản nhập khẩu tiền triệu cũng thu hút ngày một nhiều giới nhà giàu Việt trong những năm gần đây. Cua hoàng đế Alaska giá 1,9 triệu đồng/kg, bào ngư Hàn Quốc 2 triệu đồng/kg, bào ngư Australia 4 triệu đồng/kg, ốc vòi voi Canada 1,5 triệu đồng/kg từ những sản phẩm chỉ để tạo điểm nhấn nay đã trở thành các mặt hàng giúp nhiều cửa hàng hải sản ở Thành phố Hồ Chí Minh "ăn nên làm ra" khi nhu cầu của thị trường ngày một cao.

Việt Đức

**********************

Chủ tịch Quốc hội : ‘Nhiều đại gia giàu lên từ đất’ (Zing, 16/10/2018)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng nhiều nơi giao đất không qua đấu thầu gây thất thoát lớn. Đây cũng là kẽ hở khiến nhiều đại gia bất động sản giàu lên.

Sáng 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 28, thảo luận về ngân sách Nhà nước, kế hoạch tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống nhất với báo cáo của Chính phủ nhưng bà nhấn mạnh trần nợ công và bội chi phải kiên quyết giữ như định hướng, và theo kết luận của Trung ương.

Liên quan đến ngân sách, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu từ năm 2019 trở đi, phải thực hiện đấu thầu công khai việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần để thực hiện mục đích kinh doanh thương mại.

Bà cho rằng phải đấu thầu công khai, bao gồm cả đất đang cho doanh nghiệp Nhà nước thuê hoặc đất đai có tài sản sở hữu Nhà nước trên đất, trừ những trường hợp nhỏ lẻ hoặc giao đất để thực hiện dự án tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng các công trình, dự án, hạ tầng quan trọng.

giau4

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh : Hoàng Hà.

"Nếu cần thiết để có điều kiện đấu giá thì ngân sách Nhà nước ứng vốn để giải phóng mặt bằng theo tiến độ đền bù, hỗ trợ cho người dân. Sau khi đấu giá xong thì hoàn trả tiền tạm ứng cho ngân sách Nhà nước", Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Bà nhấn mạnh tình trạng hiện nay khi Nhà nước bị thất thoát nhiều trong vấn đề đất đai. Nếu làm thành công mới quản lý được tài nguyên quốc gia.

"Bây giờ người ta giàu lên, thành đại gia bất động sản là từ chỗ này thôi. Vì vậy phải đấu giá công khai cái gì liên quan đến đất đai của Nhà nước để thu tiền. Vẫn làm theo kiểu hiện nay… không rõ ràng, thất thoát tiền bạc của Nhà nước. Thất thoát ở đây không phải là tham nhũng, mà thất thoát là do cơ chế quản lý của chúng ta. Do đó, phải đưa vào nghị quyết kỳ họp hoặc nghị quyết ngân sách để Quốc hội giám sát", bà nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ phải xem lại Nghị định 126/2017 về quy định việc chuyển doanh nghiệp Nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, phải tuân thủ theo Luật Ngân sách.

Theo bà Kim Ngân, kể từ năm 2019, tất cả các khoản đều phải thực hiện theo Luật Ngân sách.

Nói về tiền thoái vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp mà chúng ta bán cổ phần, bà Ngân cho rằng trong Nghị định 126 quy định nộp tiền về quỹ hỗ trợ, sắp xếp, phát triển doanh nghiệp sai so với điều 35, 37 Luật Ngân sách Nhà nước. Do đó bà yêu cầu nộp về ngân sách trung ương đối với các khoản do ngân sách trung ương đầu tư, ngân sách địa phương đối với các khoản do ngân sách địa phương đầu tư tại các tổ chức kinh tế.

Về khoản tiền 10.000 tỷ đồng chống ngập cho Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị chuyển sang cho chống sạt lở khu vực đồng bằng sông Cửu Long theo đề xuất của Ủy ban Tài chính Ngân sách.

"Nguyên tắc là ưu tiên vùng khó khăn và giao Chính phủ điều hành. Chính phủ điều hành không đúng thì chúng tôi sẽ vào giám sát, kiểm toán xem đúng hay không", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Hiếu Công

Published in Việt Nam