Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

17/10/2018

Việt Nam sẽ có 38.600 triệu phú USD năm 2026

Zing

Giới nhà giàu Việt tăng nhanh và những nhu cầu xa xỉ (Zing, 17/10/2018)

Theo nhiều tổ chức quốc tế, tầng lớp siêu giàu Việt Nam đang tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới. Cùng với đó, các thói quen tiêu dùng xa xỉ cũng ngày một phổ biến hơn.

giau1

Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng giới siêu giàu mỗi năm giai đoạn 2012-2017. Ảnh : Wealth-X.

Lần lượt các đơn vị nghiên cứu quốc tế như Wealth-X và Knight Frank đều nhận định số lượng người siêu giàu của Việt Nam đang tăng trưởng thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Đi kèm với đó, nhu cầu của người Việt đối với các mặt hàng xa xỉ từ bất động sản siêu sang, xế hộp đến trái cây, hải sản tiền triệu cũng đang dần tăng lên.

Việt Nam sẽ có 38.600 triệu phú USD năm 2026

Đầu tháng 9, công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường Wealth-X công bố báo cáo World Ultra Wealth (WUW) về giới siêu giàu trên thế giới. Theo Wealth-X, Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2012-2017.

Theo báo cáo WUW, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về tốc độ tăng trưởng người siêu giàu giai đoạn 2012 - 2017, ở mức 12,7% mỗi năm, chỉ xếp sau Bangladesh (17,3%) và Trung Quốc (13,4%).

Người siêu giàu theo định nghĩa của Wealth-X là các cá nhân có tài sản trên 30 triệu USD (698.9 tỷ đồng).

Nếu hoàn thành mục tiêu tăng tổng sản phẩm quốc nội thêm 6,7% so với năm 2017, GDP của Việt Nam ước đạt hơn 240,5 tỷ USD trong năm 2018. Từ con số này, GDP bình quân đầu người sẽ rơi vào khoảng 2.540 USD (59,2 triệu đồng). Có nghĩa là để được công nhận thuộc giới siêu giàu, cá nhân đó phải sở hữu khối tài sản có giá trị gấp ít nhất 11.800 lần thu nhập bình quân của mỗi người Việt trong năm nay.

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên giới siêu giàu Việt được nhắc đến. Năm 2017, báo cáo The Wealth của Knight Frank đã khẳng định số lượng người có khối tài sản trên 30 triệu USD (698,9 tỷ đồng) của Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2006 – 2016 với tốc độ 320% và con số này trong 10 năm tiếp theo 2016 – 2026 dự tính đạt 170% giúp Việt Nam vẫn giữ vị trí đầu bảng về tốc độ tăng trưởng giới siêu giàu.

Cũng theo Knight Frank, có khoảng 200 cá nhân sở hữu tài sản từ 30 triệu USD (698,3 tỷ đồng) của Việt Nam được tổ chức này dự đoán tăng từ 14.300 năm 2016 lên 38.600 vào năm 2026.

Thị trường tiềm năng với bất động sản siêu sang và xế hộp

Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của giới nhà giàu Việt, nguồn cung cho phân khúc bất động sản siêu sang cũng đang tăng lên, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Biệt thự giá 70-80 tỷ đồng/căn, villa 400-500 triệu đồng/m2, căn hộ triệu USD xuất hiện ngày một nhiều hơn và có sức tiêu thụ tốt trên thị trường.

Tại các khu "đất vàng" ở Thành phố Hồ Chí Minh, một số dự án căn hộ siêu sang với mức giá trên 100 triệu đồng/m2 đã mở bán và được cho là đã gần "cháy hàng". Có khu căn hộ đang được xây dựng ở Thành phố Hồ Chí Minh với giá bán dự kiến lên tới 8.800 USD (205 triệu đồng)/m2 hay dự án phức hợp nằm ở đường Lê Duẩn (quận 1) với căn hộ sở hữu có giá dự kiến 5.500 USD (128,1 triệu đồng)/m2 cũng đã được công bố.

giau2

Đang có nhiều dự án bất động sản siêu sang với giá bán hàng trăm triệu mỗi m2 tại các khu đất vàng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh : Lê Quân.

Bên cạnh bất động sản siêu sang, nhiều số liệu thống kê cũng chứng minh Việt Nam đang là một thị trường xe sang tiềm năng trong khu vực.

Theo Retail News Asia, Việt Nam hiện là một trong những nước đứng đầu về tiêu thụ xe sang tại Đông Nam Á. Năm 2017, có tới 8.670 chiếc xe sang được bán ra tại Việt Nam. Mặc dù doanh số giảm 15% so với năm 2016 nhưng số tiền khách hàng Việt chi cho xế hộp đã vượt qua 20.000 tỷ đồng. 

Tổng giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam từng tiết lộ đã có hơn 150 chiếc Maybach, một trong những dòng xe cao cấp nhất của Mercedes, được giao cho khách hàng Việt trong năm 2017 và đây cũng là doanh số cao nhất đối với xe Maybach tại một thị trường ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên trong năm 2018, ngoại trừ Mercedes có nhiều dòng xe được lắp ráp trong nước và vẫn giữ được đà tăng trưởng số lượng xe bán ra, các hãng còn lại đều gặp khó khăn trong việc nhập khẩu xe nguyên chiếc do nghị định 116 khiến doanh số xe sang toàn thị trường Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2018 sụt giảm.

Trái cây, hải sản ngoại tiền triệu hút khách

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu trái cây đạt gần 420 triệu USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, sản lượng rau quả nhập khẩu từ các thị trường cao cấp tăng mạnh như Úc tăng 2,25 lần, Mỹ tăng 2,16 lần, Hàn Quốc tăng 2 lần.

Có giá từ vài trăm đến hàng chục triệu đồng, nhiều loại trái cây nước ngoài vẫn khiến giới nhà giàu trong nước sẵn sàng chi tiền.

Đầu tháng 9, 5 chùm nho Ruby Roman có xuất xứ từ Nhật Bản được một cửa hàng trái cây nhập khẩu tại quận 1 xách tay về Việt Nam với giá 11 triệu đồng mỗi chùm đã được bán hết trong tích tắc. Mỗi chùm nho có giá gần 500 USD (11,6 triệu đồng) này chỉ có khoảng gần 30 quả với tổng khối lượng từ 800-900 gram. Như vậy, khách hàng phải bỏ ra gần 400.000 đồng… cho mỗi quả nho.

giau3

Chùm nho Ruby Roman Nhật Bản xách tay về nước có giá 11 triệu đồng/chùm.

Cũng tại cửa hàng này, một loại nho cũng được nhập từ Nhật là nho mẫu đơn được bán với giá 4 triệu đồng/chùm nặng từ 600-800g.

Không chỉ trái cây ngoại, hải sản nhập khẩu tiền triệu cũng thu hút ngày một nhiều giới nhà giàu Việt trong những năm gần đây. Cua hoàng đế Alaska giá 1,9 triệu đồng/kg, bào ngư Hàn Quốc 2 triệu đồng/kg, bào ngư Australia 4 triệu đồng/kg, ốc vòi voi Canada 1,5 triệu đồng/kg từ những sản phẩm chỉ để tạo điểm nhấn nay đã trở thành các mặt hàng giúp nhiều cửa hàng hải sản ở Thành phố Hồ Chí Minh "ăn nên làm ra" khi nhu cầu của thị trường ngày một cao.

Việt Đức

**********************

Chủ tịch Quốc hội : ‘Nhiều đại gia giàu lên từ đất’ (Zing, 16/10/2018)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng nhiều nơi giao đất không qua đấu thầu gây thất thoát lớn. Đây cũng là kẽ hở khiến nhiều đại gia bất động sản giàu lên.

Sáng 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 28, thảo luận về ngân sách Nhà nước, kế hoạch tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống nhất với báo cáo của Chính phủ nhưng bà nhấn mạnh trần nợ công và bội chi phải kiên quyết giữ như định hướng, và theo kết luận của Trung ương.

Liên quan đến ngân sách, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu từ năm 2019 trở đi, phải thực hiện đấu thầu công khai việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần để thực hiện mục đích kinh doanh thương mại.

Bà cho rằng phải đấu thầu công khai, bao gồm cả đất đang cho doanh nghiệp Nhà nước thuê hoặc đất đai có tài sản sở hữu Nhà nước trên đất, trừ những trường hợp nhỏ lẻ hoặc giao đất để thực hiện dự án tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng các công trình, dự án, hạ tầng quan trọng.

giau4

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh : Hoàng Hà.

"Nếu cần thiết để có điều kiện đấu giá thì ngân sách Nhà nước ứng vốn để giải phóng mặt bằng theo tiến độ đền bù, hỗ trợ cho người dân. Sau khi đấu giá xong thì hoàn trả tiền tạm ứng cho ngân sách Nhà nước", Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Bà nhấn mạnh tình trạng hiện nay khi Nhà nước bị thất thoát nhiều trong vấn đề đất đai. Nếu làm thành công mới quản lý được tài nguyên quốc gia.

"Bây giờ người ta giàu lên, thành đại gia bất động sản là từ chỗ này thôi. Vì vậy phải đấu giá công khai cái gì liên quan đến đất đai của Nhà nước để thu tiền. Vẫn làm theo kiểu hiện nay… không rõ ràng, thất thoát tiền bạc của Nhà nước. Thất thoát ở đây không phải là tham nhũng, mà thất thoát là do cơ chế quản lý của chúng ta. Do đó, phải đưa vào nghị quyết kỳ họp hoặc nghị quyết ngân sách để Quốc hội giám sát", bà nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ phải xem lại Nghị định 126/2017 về quy định việc chuyển doanh nghiệp Nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, phải tuân thủ theo Luật Ngân sách.

Theo bà Kim Ngân, kể từ năm 2019, tất cả các khoản đều phải thực hiện theo Luật Ngân sách.

Nói về tiền thoái vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp mà chúng ta bán cổ phần, bà Ngân cho rằng trong Nghị định 126 quy định nộp tiền về quỹ hỗ trợ, sắp xếp, phát triển doanh nghiệp sai so với điều 35, 37 Luật Ngân sách Nhà nước. Do đó bà yêu cầu nộp về ngân sách trung ương đối với các khoản do ngân sách trung ương đầu tư, ngân sách địa phương đối với các khoản do ngân sách địa phương đầu tư tại các tổ chức kinh tế.

Về khoản tiền 10.000 tỷ đồng chống ngập cho Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị chuyển sang cho chống sạt lở khu vực đồng bằng sông Cửu Long theo đề xuất của Ủy ban Tài chính Ngân sách.

"Nguyên tắc là ưu tiên vùng khó khăn và giao Chính phủ điều hành. Chính phủ điều hành không đúng thì chúng tôi sẽ vào giám sát, kiểm toán xem đúng hay không", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Hiếu Công

Quay lại trang chủ
Read 449 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)