Nhân sĩ kêu gọi chính phủ không giữ im lặng trước tin đồn sức khỏe ông Trọng (VOA, 23/04/2019)
Một nhóm các nhân sĩ kêu gọi chính phủ Việt Nam đưa ra phản ứng trước các tin đồn về bệnh tình của Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong "Lời kêu gọi cảnh giác" gửi đến nhân dân cả nước và các nhà lãnh đạo.
Trong bức thư ngỏ có tựa đề "Lời kêu gọi cảnh giác" đề ngày 19/4, nhóm nhân sĩ được biết tiếng, gồm Huỳnh Tấn Mẫn, Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu và Giáo sư Tương Lai, cho rằng mọi người dân Việt Nam trong những ngày qua đang "hết sức lo lắng theo dõi những tin đồn lan rất nhanh, rất rộng về bệnh tình của người lãnh đạo cao nhất đang đảm đương trọng trách Tổng bí thư của Đảng và Chủ tịch nước".
Các thông tin từ mạng xã hội và các trang báo điện tử từ bên ngoài Việt Nam hôm 14/4 cho biết ông Trọng bị "xuất huyết não" và phải nhập viện ở Kiên Giang khi đang đi thăm tỉnh này.
Cho đến lúc này, chính phủ Việt Nam vẫn chưa lên tiếng phủ nhận hay khẳng định các thông tin trên và ông Trọng cũng chưa xuất hiện trước công chúng kể từ ngày 14/4.
Các báo trong nước không đưa bất cứ thông tin nào về tình hình sức khỏe của ông Trọng, nhưng cho biết ông Trọng đã gửi điện mừng nhân dịp ông Kim Jong Un được bầu lại làm Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ CHDCND Triều Tiên và sau đó gửi điện chia buồn tới Tổng thống Sri Lanka về các vụ đánh bom chết chóc xảy ra hôm Chủ nhật Lễ Phục sinh.
"Cả bộ máy truyền thông từ trung ương đến địa phương đều giữ một sự im lặng quá khó hiểu, nếu chưa muốn nói là vô trách nhiệm với dân", các nhân sĩ viết trong lời kêu gọi được chia sẻ rộng rãi trên Facebook trong những ngày qua.
Giáo sư Tương Lai, người đồng ký tên vào bức thư, nói với VOA rằng dư luận Việt Nam, từ thành phố đến nông thôn, đều nghĩ rằng "những tin đồn về ông Trọng bị trọng bệnh là đúng".
Nguyên viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam nói "những tin đồn đó đều logic cả chứ không phải là không có cơ sở" khi đưa ra ví dụ về việc ông Trọng đã không đón tiếp đoàn nghị sĩ Mỹ do Thượng nghị sĩ Patrick Leahy dẫn đầu.
Như VOA đã đưa tin, ông Trọng tuần trước đã không đón tiếp phái đoàn Thượng nghị sĩ Mỹ đến thăm Việt Nam như lịch trình được công bố bởi ông Leahy hôm 12/4.
Càng bưng bít thông tin, càng gây thêm sự nhiễu loạn trong tâm trạng xã hội, đẩy tới sự mất lòng tin của mọi tầng lớp nhân dân với đảng cầm quyền.
"Lời kêu gọi cảnh giác" do nhóm các nhân sĩ trong nước đồng ký tên
Những đồn đoán "có cơ sở" đó đã dẫn tới những phán đoán gây hoang mang trong xã hội trong khi chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục giữ im lặng, theo Giáo sư Tương Lai, người từng là một thành viên trong Tổ Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
"Ai sẽ thay thế đây ? Người đó sẽ là thế nào ? Có tiếp tục là những người mà Trung Quốc đã nắm thóp được như là Nông Đức Mạnh hay Nguyễn Phú Trọng trong hai nhiệm kỳ vừa qua không ? Nỗi lo của người ta là ở chỗ ấy".
Sự tiếp nối chính trị là một quá trình hỗn độn và có khả năng bị mất ổn định ở Việt Nam, theo nhận định của Asia Times trong một bài viết ra ngày 22/4 với tiêu đề "Người đứng đầu Việt Nam (Nguyễn Phú) Trọng đang trong những giờ cuối của cuộc đời ?"
Theo nhận định của Giáo sư Carl Thayer trong một bài viết ra hôm 22/4, nếu Tổng bí thư Trọng bị bệnh nặng (hoặc không hoàn toàn bình phục để làm việc toàn thời gian), Việt Nam vẫn có thể tránh được một cuộc khủng hoảng kế nhiệm bằng cách bỏ đi việc kiêm nhiệm hai chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước và bổ nhiệm một người "trông coi" tạm thời cho mỗi chức vụ.
Tình hình sức khỏe của các lãnh đạo cao nhất nhà nước Việt Nam được coi là "bí mật quốc gia" theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được thông qua vào tháng 11 năm ngoái.
Giáo sư Tương Lai cho rằng việc "bảo vệ bí mật quốc gia" đối với thông tin về sức khỏe của các lãnh đạo là "lố bịch" và "phản dân chủ".
Trong Lời Kêu gọi cảnh giác, các nhân sĩ cho rằng : "Càng bưng bít thông tin, càng gây thêm sự nhiễu loạn trong tâm trạng xã hội, đẩy tới sự mất lòng tin của mọi tầng lớp nhân dân với đảng cầm quyền và nhà nước vẫn tự xưng là của dân, do dân và vì dân vốn đã bị khủng hoảng trầm trọng nay càng dày thêm sự đổ vỡ trong nghi ngờ và phẫn nộ".
Giáo sư Thayer của Đại học New South Wales, cũng là một chuyên gia về Việt Nam, cho rằng Tổng bí thư Trọng được Tổng thống Mỹ Donald Trump mời tới thăm Washington trong năm nay và đó là vì sao chính phủ Việt Nam phải có trách nhiệm dập tắt các tin đồn và thông báo về tình trạng sức khỏe của ông Trọng.
Giải thích về lời kêu gọi cảnh giác đối với nhân dân, Giáo sư Tương Lai nói "khi một ghế quyền lực bị bỏ trống thì tình hình dễ biến động và bên ngoài sẽ kéo vào".
"Chính đây là thời cơ cho các thế lực ngoại bang sát nách biến những toan tính bẩn thỉu bằng những hành động bất ngờ và thâm hiểm", theo Lời kêu gọi cảnh giác của 4 nhân sỹ.
Giáo sư Tương Lai nói rằng "thế lực ngoại bang sát nách" ở đây không ngoài ai khác mà là kẻ thù truyền kiếp của Việt Nam, tức Trung Quốc. Ông cho biết lời kêu gọi trên nằm để người dân cảnh giác với việc đó cũng như thức tỉnh lòng yêu nước của người dân trong hoàn cảnh này.
*****************
Giáo sư Carl Thayer nhận định về thông tin sức khỏe ông Trọng (VOA, 23/04/2019)
Chuyên gia nghiên cứu lâu năm về chính trường Việt Nam, giáo sư Carl Thayer, cho rằng "quả bóng hiện nằm trên sân của Việt Nam nhằm ngăn chặn đồn đoán và thông báo về tình trạng sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng".
Trong bài nhận định công bố hôm 22/4, ông Thayer nhắc tới một bài viết của tác giả Nguyễn Khắc Giang trên trang "The Diplomat" với tựa đề : "Có phải Việt Nam đang dần rơi vào cuộc khủng hoảng kế nhiệm ?"
Ông Thayer cũng đề cập tới các đồn đoán trên mạng xã hội về chuyện ông Trọng "bị tai biến mạch máu não trong khi thăm tỉnh Kiên Giang" rồi "được đưa tới bệnh viện Chợ Rẫy ở Thành phố Hồ Chí Minh" cũng như về thông tin "ông đã được đưa sang Nhật để chữa trị".
"Giả sử những đồn đoán về bệnh tình của ông Trọng là đúng, điều quan trọng là phải biết được Tổng bí thư Trọng đã bị nặng đến mức nào. Nếu ông chỉ bị nhẹ, thì có lẽ còn quá sớm để bắt đầu suy đoán về một cuộc khủng hoảng kế nhiệm", chuyên gia lâu năm về Việt Nam đánh giá. "Chúng ta cần phải chờ xem liệu ông có hồi phục sau một thời gian nghỉ dưỡng và có thể tiếp tục làm việc, dù khối lượng công việc có thể giảm đi nhiều".
Nhà nghiên cứu này cho rằng nếu ông Trọng "bị nặng hoặc không thể hồi phục để làm việc toàn thời gian", Việt Nam "có thể tránh một cuộc khủng hoảng kế nhiệm bằng cách tách chức vụ Tổng bí thư và Chủ tịch nước, và bổ nhiệm người tạm quyền điều hành mỗi vị trí".
"Phó Chủ tịch Đặng Thị Ngọc Thịnh có thể đảm nhiệm vai trò Chủ tịch tạm quyền như bà từng làm sau khi Chủ tịch Quang qua đời tháng Chín năm ngoái", ông Thayer nhận định. "Bộ Chính trị có thể chỉ định một lãnh đạo đảng tạm quyền từ nay cho tới Đại hội đảng 13 dự kiến diễn ra vào đầu năm 2021".
Nhà nghiên cứu kỳ cựu về chính trường Việt Nam đề cập tới hai ứng cử viên tiềm năng cho chức vụ Tổng bí thư tạm quyền, đó là bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội, và ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
"Cho đến khi chúng ta biết chính xác về bản chất và mức độ nghiêm trọng của bệnh tình của ông Trọng, tất cả những điều này chỉ là phỏng đoán. Ông Trọng có thể hồi phục trong những tháng tới và nghỉ hưu vào kỳ đại hội tiếp theo", ông Thayer nhận định tiếp.
Chuyên gia về Việt Nam cho rằng "một chỉ dấu về tình trạng sức khỏe của Tổng bí thư Trọng là chuyện ông có thể phát biểu tại phiên khai mạc và bế mạc của Hội nghị Trung ương tiếp theo thường diễn ra vào tháng Năm hay không".
Tới ngày 22/4, Việt Nam chưa lên tiếng xác nhận hay bác bỏ các thông tin trên mạng xã hội về tình trạng sức khỏe của ông Trọng.
Ông Trọng tuần trước đã không đón tiếp phái đoàn thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam như lịch trình được công bố bởi thượng nghị sĩ Patrick Leahy hôm 12/4.
Chính phủ Việt Nam hôm 22/4 thông báo rằng theo lời mời của Tổng bí thư và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ "dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự diễn đàn hợp tác ‘Vành đai và Con đường’ lần thứ hai tại Bắc Kinh, Trung Quốc từ ngày 25 - 27/4/2019".
Năm 2017, Chủ tịch Việt Nam khi ấy là ông Trần Đại Quang đã dẫn đầu một phái đoàn sang Trung Quốc dự diễn đàn lần đầu.
Viễn Đông