Trung Quốc đang đứng đầu các nước đầu tư trực tiếp vào Việt Nam (RFA, 24/04/2019)
Trung Quốc hiện giữ vị trí số một về số vốn đăng ký cấp mới vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký cấp mới là 1,3 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2019. Số dự án cấp mới là gần 190 dự án.
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Ảnh minh họa. AFP
Báo chí trong nước dẫn số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư như vừa nêu. Theo đó thì một số dự án lớn của các nhà đầu tư Trung Quốc ở Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay có thể kể ra như Dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR ở Tây Ninh, Dự án sản xuất, tiêu thụ lốp, cao su và các sản phẩm liên quan ở Tiền Giang.
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy tính đến ngày 20 tháng 4 năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là hơn 14 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018.
Cũng theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, hiện có 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hồng Kông đứng đầu, Trung Quốc đứng thứ 4 sau Singapore và Hàn Quốc.
Một vài dự án hiện đang gây bức xúc trong dư luận do thi công kém chất lượng, thực hiện chậm tiến độ mà các nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện ở Việt Nam là dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội.
Cũng tin liên quan, kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương với các cú sốc va áp lực trên thị trường tài chính. Đây là nhận định mà Ngân hàng Thế giới (World Bank) đưa ra trong báo cáo vừa công bố ‘Vượt qua trở ngại.’
Báo cáo này cập nhật tình hình kinh tế tại các quốc gia khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Dù trong năm 2017, GDP của Việt Nam đạt 6,8% và năm 2018 lên đến trên 7% ; tuy vậy bảng cân đối tài sản của doanh nghiệp và các hộ gia đình có tỷ lệ đòn bẩy ngày càng cao hiện rơi vảo khoảng 135%.
Do đó Ngân hàng Thế giới kết luận nền kinh tế Việt Nam để bị tổn thương bởi các cú sốc và nguy cơ gặp áp lực trên thị trường tài chính, đặc biệt khi nợ xấu trước đây chưa xử lý hết và tỷ lệ an toàn vốn còn mỏng ở một số ngân hàng.
Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Việt Nam cam kết tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách nhằm có thể duy trì những nội dung đầu tư quan trọng về hạ tầng và chi tiêu cho các dịch vụ công thiết yếu.
Mai Vân
*******************
Việt Nam : Lại xảy ra tai nạn với máy bay quân sự Su-22 (VOA, 23/04/2019)
Một máy bay quân sự của Việt Nam vừa bị tai nạn trượt khỏi đường băng vào chiều 23/4 trong lúc hạ cánh xuống sân bay thuộc xã Nga Quán, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
Hiện trường vụ tai nạn máy bay quân sự ở tỉnh Yên Bái.
Truyền thông trong nước dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết chiếc máy bay Su-22M4, số hiệu 5858, đã gặp nạn trong lúc đang bay huấn luyện. Nguyên nhân là do dù hãm đà bị đứt khi phi công thả càng khẩn cấp, vì càng máy bay không bật ra trong lúc hạ cánh.
Tin cho hay chiếc máy bay đã tiếp đất và trượt ra ngoài bãi hãm cuối đường băng, bị hư hỏng nhẹ, còn phi công thì nhảy dù ra an toàn.
Năm ngoái, 2 chiếc máy bay Su-22 của quân đội Việt Nam cũng đã gặp nạn, đâm vào núi và bốc cháy trong lúc bay huấn luyện, khiến 2 phi công thiệt mạng.
Su-22 là loại máy bay cường kích do Liên Xô sản xuất và viện trợ cho Việt Nam từ năm 1979. Sau khi khối Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, Việt Nam bắt đầu mua các máy bay Su-22 cũ từ các nước Đông Âu như Ba Lan, Cộng hòa Séc và ký thỏa thuận nâng cấp các máy bay này với Ukraine, theo một tài liệu nghiên cứu của Giáo sư Carlyle A. Thayer của Học viện Quốc phòng Úc.
Sau khi xảy ra nhiều vụ tai nạn liên quan đến máy bay Su-22, Việt Nam đã bắt đầu nâng cấp loại máy bay này lên các phiên bản mới hơn, song tai nạn vẫn tiếp tục xảy ra trong những năm gần đây đối với loại máy bay được cho là đã lỗi thời trong nhiệm vụ cường kích.